Vào thời điểm tôi bắt đầu tìm hiểu bà Ngô Đình Nhu thì bà đã sống lưu vong hơn bốn chục năm rồi. Năm 1963, ở đỉnh cao danh vọng của bà, tờ New York Times gọi vị Đệ nhất Phu nhân miền Nam Việt Nam ba mươi chín tuổi này là người đàn bà "quyền lực nhất" ở châu Á và so sánh bà với Lucrezia Borgia. Nhưng chính cái tiếng tăm Rồng Cái của bà đã mang đến cho bà sự khác biệt đích thực. Khi các nhà sư tự thiêu trên đường phố Sài Gòn, phản ứng của bà Nhu là tàn bạo không thể tả: "Cứ để họ tự thiêu, rồi chúng ta sẽ vỗ tay", bà mỉm cười nói. "Nếu các Phật tử muốn có thêm một cuộc nướng thịt, tôi sẽ hân hoan cung cấp dầu xăng và một que diêm". Vẻ đẹp nguy hiểm, với đôi mắt đen nhanh chóng trở thành biểu tượng của mọi sai lầm cho sự can dự của Mỹ vào chiến tranh Việt Nam.
Bà Nhu biến dần khỏi đời sống công cộng sau tháng Mười Một năm 1963, khi chồng bà, Ngô Đình Nhu, và anh chồng bà, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm, bị giết chết trong một cuộc đảo chính được chính quyền Mỹ bật đèn xanh ủng hộ. Như Tổng thống John F. Kennedy giải thích với người bạn thân của ông, Paul "Red" Fay, Hoa Kỳ phải loại trừ anh em họ Ngô một phần vì bà Nhu. "Con chó cái đó", ông nói với bạn, "nó gây ra hết... Con chó cái đó chĩa mũi vào và làm mọi thứ ở đó sôi sục lên hết".