Madam Nhu Trần Lệ Xuân Quyền Lực Bà Rồng

Chương 2

Docsach24.com
hông ai nghe nói gì về bà Nhu kể từ mùa hè năm 1986 - mùa hè mà song thân bà, Trần Văn Chương và Thân Thị Nam Trân, bị sát hại.

Cha mẹ bà Nhu từng rất nổi tiếng trong giới ngoại giao, thậm chí có một giai đoạn ngắn họ nổi tiếng vì công khai từ chối đứa con gái Rồng Cái vào năm 1963. Ở Việt Nam, vợ chồng ông Chương thuộc dòng dõi quyền quí: Ông Chương là đại địa chủ và là luật sư Việt Nam đầu tiên có bằng tiến sĩ luật của Pháp; bà Nam Trân, là công chúa, con của Kiên Thái Vương (em vua Tự Đức). Họ sống một cuộc đời vương giả ở Việt Nam trước chiến tranh, với hai chục người hầu hạ từ đầu đến chân. Bà Chương bám chặt vào cảm giác vương quyền ngay cả khi giữ vai trò vợ của một nhà ngoại giao ở Washington, D.C. Khi tiếp khách, bà yêu cầu mọi người không được mặc y phục màu vàng, màu hoàng gia, ngoại trừ bà.

Vợ chồng ông Chương sống ở Washington khi ông được bổ nhiệm làm đại sứ Việt Nam Cộng hòa vào năm 1957. Hai người trở về Việt Nam qua những chuyến đi thăm ngắn ngủi vào những năm 1960, nhưng không bao giờ về nữa sau chiến thắng của những người Cộng sản năm 1975. Vợ chồng ông Chương về hưu đã lâu; ông tám mươi tám và bà bảy mươi sáu. Cặp vợ chồng già đang sống nhàn những ngày cuối đời trong khu ngoại ô vắng lặng của Washington, D.C, thì bị đứa con trai độc nhất giết chết tại nhà. Vụ sát hại đem câu chuyện gia đình bi thảm và kỳ quái của họ ra ánh sáng.

Bà Nhu không đến dự đám tang. Vào lúc đó, bản thân bà cũng đang già đi. Bà là người đàn bà ẩn dật sáu mốt tuổi đang sống trong một biệt thự xập xệ ở ngoại ô Rome với các con. Nghe đồn rằng bà Nhu đã vét sạch ngân khố Việt Nam Cộng hòa trước khi rời tổ quốc lần cuối, nhưng không còn nhiều dấu hiệu xa hoa bề ngoài nữa. Bà bán dần mòn của cải. Vài cây ô liu mọc um tùm và mấy con cừu đang nhai cỏ là tất cả những gì tách ngôi biệt thự mang cái tên ấn tượng Serene Light (Ánh sáng Thanh bình) khỏi nội ô Rome lộn xộn. Những vật quí giá duy nhất của bà là những thứ bà xoay xở cất giữ khi rời Sài Gòn một mình, nữ trang và đồ lông thú bà đang mặc và những thứ bà nhét trong va li. Những thứ đó cũng sớm ra đi. Năm 1971, bà Nhu là nạn nhân của một vụ trộm nữ trang: bọn trộm đã cuỗm đi vàng, ngọc bích, và đá quí trị giá 32.000 đô Mỹ (1). Bà Nhu có lẽ đã không đủ tiền để đi Washington, D.C, để thấy cha mẹ bà được chôn cất - chỉ ít là bà không đủ tiền để đi theo cách mà bà cho là thích hợp.

Khi bà Nhu đến Mỹ lần cuối cùng vào tháng Mười năm 1963, cha mẹ bà đã bỏ bà đứng trên thềm nhà họ ở Washington rồi đóng sầm cửa trước mặt bà. Cha bà gọi bà là kẻ “cuồng điên quyền lực” và nói “không muốn thấy mặt” bà nữa. Mẹ bà xúi mấy người Mỹ ném trứng và cà chua vào người bà.

Cãi lại là phá vỡ một giá trị Khổng giáo thiêng liêng nhất: lòng hiếu thảo. Con cái luôn phải tôn kính cha mẹ. Bà Nhu chỉ dám nói bóng gió rằng cha mẹ bà chắc là “bị say” rồi. Đó là một trong những luận điểm ưa thích của bà Nhu - bà dùng nó để chống lại cha mẹ bà, báo chí quốc tế, và thậm chí Tổng thống Mỹ John F. Kennedy. Nhưng ý nghĩa của nó trong tiếng Anh không hoàn toàn chính xác như bà nhắm tới. “Intoxicated” trong tiếng Pháp có nghĩa là bị đầu độc. Bà muốn bóng gió nói rằng những người Cộng sản đã đầu độc dư luận công chúng chống lại bà. Bà đang tìm cách ám chỉ rằng chiến thuật ghê gớm của Cộng sản đang có tác dụng - một chiến thuật nhằm làm cho người Mỹ xa lánh gia đình bà. Nhưng bà Nhu không lan truyền thông điệp đó. Thay vì vậy bà hay léo nhéo, buộc tội những ai bà không thích là đang say. Sau vụ đảo chính 1963 ở Sài Gòn, báo chí tường thuật rằng bà Nhu đã giải hòa với cha. Ông Chương nói về sự giao hảo trở lại: “Trái tim tôi rất gần với trái tim con gái tôi”.

Đối với hàng xóm, ông bà Chương chỉ là cặp vợ chồng già thân thiện, hay mỉm cười với trẻ con, cún con và mặc áo len ngay cả trong mùa hè. Ngôi nhà của họ, ở số 5601 đại lộ Western, là nhà gạch kiểu Georgia hai tầng với nội thất màu trắng. Rào giậu lúc nào cũng được cắt tỉa, lối đi trong vườn được quét tước sạch sẽ. Bác sĩ của ông Chương mô tả ông như một người đàn ông lịch sự vui vẻ, “rất thân thiện”, vợ ông thì có hơi sôi nổi, luôn miệng cười. Không thể hình dung nổi đôi vợ chồng này đã sống qua ba cuộc chiến tranh, trốn thoát cảnh sát mật của thực dân, và đánh lừa được du kích Cộng sản chỉ để rồi thấy đoạn cuối của đời mình vào một đêm tháng Bảy tĩnh lặng trong sự an toàn của ngôi nhà riêng.

Báo cáo của cảnh sát mô tả chi tiết việc phát hiện hai thi thể. Bà Chương nằm trên người chồng. Cánh tay phải của bà vòng quanh ông, như thể bà chết trong lúc ôm hôn ông. Họ mặc pyjama sọc giống nhau, nhưng bộ quần áo của ông thấm đẫm nước tiểu. Môi trên của bà Chương bị dập, và dưới cằm có một vết trầy. Hai điểm đỏ xuất huyết trong mắt, khi máu rỉ ra từ các mạch máu li ti, một dấu hiệu rõ ràng cho thấy bị bóp cổ hoặc bóp mũi - trong trường hợp này có lẽ bằng một cái gối.

Mọi bằng chứng đều chỉ đến Trần Văn Khiêm, con trai duy nhất của ông bà Chương. Khiêm bị bỏ rơi lại Việt Nam năm 1963 và chịu nhiều đau khổ. Cho đến lúc đó Khiêm vẫn là đứa con dòng dõi của một gia đình quyền quí Việt Nam, từng không thiếu một cái gì trên đời. Khi chị của ông là Đệ nhất Phu nhân, ông được nhận một ghế trong Quốc hội của chính quyền Việt Nam Cộng hòa và những sứ mệnh ngoại giao ở nước ngoài. Khiêm chạy theo thời trang tay chơi điển hình, nhưng ông bị hấp dẫn vào những hoạt động chính trị ngầm, nhất là những âm mưu. Khiêm tung tin đồn ông là người đứng đầu lực lượng an ninh mật. Ông nói với nhà báo Úc Denis Warner rằng ông có một danh sách các nhân vật Mỹ sẽ bị giết ở Sài Gòn, bao gồm nhân viên đại sứ quán và quân sự. Chồng bà Nhu không thích ông lắm; ông cho rằng ông Khiêm không chín chắn và ương ngạnh. Nên khi Khiêm đến dinh thự thăm chị, bà Nhu nhất định phải đóng cửa dẫn đến phòng khách hoặc sử dụng phòng ngủ. Ông Nhu và ông Diệm sẽ không biết ông ta ở đó. Thực ra việc anh em họ Ngô thích hay không thích ông Khiêm không thành vấn đề. Ông ta là người của gia đình, và chiếc ô của chế độ đủ rộng để che chở ông. Không ai hãm hại được ông khi anh em họ Ngô vẫn nắm giữ quyền lực.(2)

Nhưng sau đó, khi bà Nhu đi lưu vong, ông Khiêm một mình ở Nam Việt Nam. Hội đồng quân nhân mới ở Sài Gòn bắt giam ông. Từ Washington, mẹ ông tìm cách can thiệp. Bà gọi điện cho Roger Hilsman ở Bộ Ngoại giao Mỹ, nài ông làm một điều gì đó để cứu đứa con trai duy nhất của bà. Ông nhớ lại rằng bà Chương rất quẫn trí, nhưng ngay cả trong lúc bị kích động, vẫn vô cảm và thực dụng. Ồng Khiêm “chỉ là một thằng bé ngu ngốc”, bà Chương van vỉ. Ông ta vô hại, chỉ là một kẻ đổ đốn “xuẩn ngốc vì chịu tác động của chị ông” là bà Nhu.

Những lời khẩn nài của bà Chương không được ai đếm xỉa tới. Đại sứ Mỹ Henry Cabot Lodge lẽ ra có thể giúp đỡ nhưng ông tỏ ra thờ ơ. Ồng coi ông Khiêm là “kẻ rất đáng chỉ trích” và sẽ không can thiệp vào cái mà ông nói không chút mỉa mai là “sự thực thi công lý” của hội đồng quân nhân.(3) Ông Khiêm bị giam trong một nhà lao cũ của Pháp ở Sài Gòn. Nhớ lại những ngày đó, ông gọi những gì họ làm với ông - làm ông mất ngủ và kiệt sức khiến tâm trí ông rối loạn - là “sự tra tấn khoa học”.(4) Nhưng chí ít ông cũng không bị hành quyết. Hội đồng quân nhân mới không thích những người lưu nhiệm từ chế độ cũ có thể đe dọa quyền lực của họ, nhưng rõ ràng họ không nghĩ ông Khiêm có thể gây ra nhiều đe dọa. Hoặc có thể ông ta sẽ hữu ích hơn cho họ nếu ông ta còn sống, một bằng chứng cho những gì đã xảy ra với những kẻ trung thành với chế độ cũ. Người em chồng của bà Nhu, Ngô Đình Cẩn, cũng không khá hơn. Ồng bị tê liệt vì bệnh tiểu đường do không được điều trị trong thời gian bị giam ở khám Chí Hòa đến mức người ta phải khiêng ông ra tòa án và đặt ông dựa vào bức tường trước khi đội thi hành án xử bắn ông.

Sau đó ông Khiêm bị đưa xuống tàu đày ra Côn Đảo, phải lao động khổ sai cho đến khi thân xác rệu rã và đầu óc mụ mị. Không ai biết những cuộc thương lượng kín nào đã giúp ông ra khỏi Việt Nam để đến Pháp, nhưng lúc bấy giờ, mới bốn chục tuổi ông Khiêm đã có vẻ ngoài của một ông lão. Ông mang bệnh tim và thận. Những tổn hại khác của ông, những tổn hại về thần kinh, không phát hiện được ngay.

Ông Khiêm không tìm được việc làm, mà ông lại có vợ và đứa con trai mười hai tuổi để phải lo toan. Cha mẹ ông nghĩ ra một cuộc xếp đặt có thể cứu vãn danh dự: họ nói vì họ ngày càng già yếu nên cần ông đến ở chung. Bằng cách cho phép ông Khiêm, vợ con ông, đến sống chung với họ ở Washington, cha mẹ ông đã giúp ông cũng nhiều như ông sẽ giúp đỡ họ, trên lý thuyết. Nhưng chuyện đó thực ra không bao giờ xảy ra. Những bữa cơm gia đình biến thành những cuộc cãi cọ, những bất đồng chính kiến về những câu chuyện đã qua lâu tại một chế độ không còn tồn tại nữa.

Ông bà Chương đã lấy hết can đảm để đuổi ông Khiêm ra khỏi nhà khi ông ta phát hiện di chúc của hai người. Ông Khiêm không được thừa kế. Trong lá thư được công chứng viết bằng nét chữ ngay ngắn, sít sao, bà Chương nói rằng con trai bà “cả đời đã hành xử như một đứa con bất hiếu, tồi tệ, thường xuyên gây ra không biết bao nhiêu là phiền phức và đau buồn cho cha mẹ. Lối hành xử như thế không thể nào quên và tha thứ được trong một gia đình Việt Nam truyền thống”.

Với mọi bằng chứng chống lại mình, vụ sát hại ông Chương lẽ ra đã là vụ án dễ, nhưng rồi nó cứ dây dưa. Câu hỏi liệu ông Khiêm có giết cha mẹ ông không - vẫn không rõ ràng. Vấn đề là xác định ông ta có năng lực tâm thần để ra tòa vì hai vụ giết người có chủ định hay không. Nhóm luật sư của ông Khiêm đã phản đối mệnh lệnh của tòa buộc ông dùng thuốc đặc trị tâm thần để có đủ sự tỉnh táo cần thiết, nhưng vì thiếu những tiền lệ pháp lý, phải mất đến bảy năm trời kháng án để vãn hồi một phán quyết như vậy. Hành vi kỳ quái và những trò kịch giữa phòng xử án của Khiêm, việc đổ thừa cho những tác dụng phụ của thuốc, đã làm chậm tiến trình xử án.

Tình trạng tâm thần của ông Khiêm đã chẳng hề tiến triển trong bảy năm được trị liệu như một bệnh nhân pháp lý tại bệnh viện tâm thần St. Elizabeth nằm về phía tây nam Washington, D.C. Thiết chế này giống như sự bắt chước có tính nhạo báng hình ảnh một dưỡng trí viện: hàng ngàn bộ não đã được bảo quản trong formaldehyde, và một lò thiêu tại chỗ đã thắp lên đồn đoán về những gì xảy ra với các nạn nhân bị phẫu thuật thùy não và những hợp chất làm thí nghiệm của CIA như “thuốc nói thật”. Trang thiết bị hỏng hóc và thiếu thốn thuốc men là chuyện thường ngày, và hệ thống sưởi bị tê liệt hàng tuần lễ.(5) Ông Khiêm nằm ở bệnh viện St. Elizabeth mãi đến năm 1993. Tòa án tối cao đã bác đơn kháng cáo của ông vì sự thể rõ mười mươi rằng ông sẽ chẳng bao giờ có đủ năng lực tâm thần để tự bào chữa cho mình. Ông đã bị trục xuất qua Pháp và bặt vô âm tín kể từ đó.(6)

Mỗi khi tôi hỏi bà Nhu về người em trai này, tôi đều nhận được sự im lặng. Thường thì bà sẽ nói, “Tất nhiên là cậu ấy vẫn còn sống!” nhưng tôi chẳng bao giờ tìm được chút manh mối nào về ông.

Những năm tháng bị tù đày và tra tẫn đã làm mụ mị đầu óc của ông Khiêm. Ông tin rằng mình đã bị bủa vây trong một âm mưu của những kẻ phục quốc Do Thái chủ nghĩa - ông đã viết như vậy trong một lá thư gởi Tổng thống Ronald Reagan, và đó là trước khi ông cố kêu nài vị Tổng thống Hoa Kỳ ra trước tòa làm chứng cho ông. Cái ý nghĩ tự xoay xở lấy cuộc sống của mình mà không nhận được sự hỗ trợ vật chất nào từ cha mẹ đã cắt phăng những sợi chỉ mỏng manh kết nối ông Khiêm với thực tại. Bất luận những ý nghĩ cuồng dại nào đã lướt qua tâm trí ông khi ông siết ngạt song thân già yếu của mình bằng chiếc gối trong phòng ngủ của họ, bà Nhu cũng đã bày tỏ đôi chút cảm thông. Nếu như bà ở lại miền Nam Việt Nam, ai biết được bà đã phải chịu đựng những gì? Em trai bà tuyệt nhiên không phải là một nhân vật tiếng tăm như bà; thế tất bà hẳn đã phải đối mặt với một số phận bi thảm hơn nhiều.

Bà Nhu đã về phe em trai mình. Bà tiếp tục quả quyết rằng ông Khiêm đã bị vu vạ tội sát nhân và một mực rằng song thân bà chết vì những nguyên nhân tự nhiên. Em trai bà thật sự là nạn nhân. “Những tên mật vụ cò môi” đã cố bịt miệng ông vì ông biết những bí mật khủng khiếp về nước Mỹ. “Họ [đã] quyết định thanh toán ông” bằng cách giá họa cho ông tội sát nhân và nhốt ông vào một nhà thương điên. Tuy không nói ra nhưng họ đây được ám chỉ là chính quyền Hoa Kỳ. Bạn không thể nào trách cứ gì bà Nhu cả - quả tình trong quá khứ chính phủ Hoa Kỳ từng có âm mưu hãm hại bà.

Cũng như ông Khiêm, bà Nhu đã bị loại ra khỏi chúc thư của cha mẹ mình. Mẹ của bà đơn giản tin rằng cô con gái thứ “đã không cần tôi chu cấp cho nữa”. Bà Nhu không hài lòng. Trong khi vụ xét xử ông Khiêm bị sa lầy trong những vụ kháng cáo, bà đã thuê luật sư của ông Khiêm thay mặt bà và người em trai tâm thần bất toại đòi lại phần thừa kế trong di sản của song thân quá cố của họ. Động cơ của bà Nhu thật là ám muội nếu không nói là lá mặt lá trái: nếu tình trạng mất trí như là lý cớ biện hộ của ông Khiêm bị bác bỏ và ông bị kết tội, và nếu họ xoay xở lật ngược được vấn đề thừa kế, bà Nhu sẽ nhận được phần tài sản của mình. Vụ án lúc bấy giờ sẽ bị ném ra ngoài hệ thống tư pháp Hoa Kỳ vì lý do lợi ích xung đột.

Không lâu sau vụ án mạng, bà Nhu đã hoàn toàn im hơi lặng tiếng trước báo giới. “Đây là chuyện riêng của gia đình”, là tuyên bố sau cùng của bà. Đây là một gia đình thực sự đặc biệt: Một con gái mệnh danh Rồng Cái bị lưu đày đến Rome, một con trai sát nhân bị giam giữ trong một nhà thương điên, và người con lớn nhất, Lệ Chi Oggeri, sống một cuộc đời có vẻ bình dị của một giáo sư và nghệ sĩ ở Bắc Carolina, là kẻ độc nhất còn lại để than khóc cho song thân đã khuất. “Họ không đáng phải chịu kết cục này”, Lệ Chi buồn bã nói với các ký giả của Washington Post. “Những cuộc đời đẹp đẽ như vậy lẽ ra đã có một kết thúc có hậu”.

Ông bà Chương được mai táng cách ngôi nhà nơi họ thiệt thân năm dặm. Nghĩa trang Rock Creek là một khu vực ngổn ngang rộng tám mươi sáu mẫu Anh, giữa một vùng điền viên tươi đẹp nằm ở góc tây bắc của thủ đô Washington, D.C. Một con đường nhựa hẹp uốn lượn lên xuống; những tấm bia mộ rải rác trên các ngọn đồi như những cột buồm nhấp nhô giữa một đại dương gợn sóng xanh lục. Chúng khắc một vài cái tên lừng lẫy của quá khứ - dòng họ Roosevelt và dòng họ Adams - và một vài tên tuổi lỗi lạc đương thời, như Tim Russert và Gore Vidal. Phần mộ đôi của ông bà Chương nằm ở khu L, phân nửa đoạn đường đi lên một con dốc nhỏ.

Cặp bia mộ làm bằng đá granite màu hoa hồng, với một hoa sen được chạm giản dị bên dưới mỗi cái tên của họ. Đại sứ Trần Văn Chương. Công chúa Nam Trân Trần Văn Chương. Trải qua hai mươi lăm năm nương dâu bãi bể, cuối cùng họ đã nằm bên nhau trên ngọn đổi này. Mộ của bà Chương không còn hoàn toàn thẳng tắp mà nằm hơi chênh chếch, như thể bà đang nghiêng về phía chồng mình vậy.

Vào buổi sáng mùa xuân tôi đến thăm ông bà Chương, những vạt cỏ um tùm gợn sóng xung quanh những tấm bia và giữa những ngôi mộ, khiến chúng trông có vẻ hơi tiêu điều. Với cô em dâu và đứa cháu gái đang ngủ trên chiếc xe nôi di động làm bạn đồng hành, tôi hình dung rằng chúng tôi là những vị khách đầu tiên mà ông bà Chương có được trong thời gian gẩn đây. Tôi bất chợt nhận ra mình đã tay không đến thăm họ. “Lẽ ra nên mang hoa theo”, tôi lẩm nhẩm trong miệng.

Cô em dâu bước tới. Cô đặt chiếc nôi em bé giữa hai ngôi mộ, quỳ gối xuống, và bắt đầu nhổ đám cỏ dại. Cùng nhau, chúng tôi nhanh chóng dọn quang gọn nơi này. Khi chúng tôi kéo đám cỏ cao chen chúc quanh những tấm bia mộ, mùi hành dại lan tỏa trong không trung. Mùi này sẽ chỉ còn vương lại trên những đầu ngón tay chúng tôi trong một vài giờ, nhưng cảm giác thỏa mãn khi nhìn thấy và dọn quang những ngôi mộ đã lưu lại với tôi. Điều đó tượng trưng cho một nhiệm vụ trước mắt. Để tìm hiểu bất kỳ điều gì về Rồng Cái, tôi sẽ phải sắp đặt những chi tiết cuộc đời bà trong trật tự và đặt gia đình ông Chương vào một bối cảnh lớn lao hơn của lịch sử Việt Nam. Điều quan trọng là kể câu chuyện trước khi nó chịu sự ghẻ lạnh của một nấm mồ bị lãng quên.

Trước khi rời đi, tôi đặt tay lên mỗi tấm bia đá. Hình ảnh những gương mặt hiên từ của ông bà Chương trên tờ báo hiện lên trước mặt tôi. Tôi rất đỗi tiếc thương cho họ; những gì họ đã trải qua thật quá ư khủng khiếp. Những lời của Lệ Chi, con gái cả của họ, vang lên trong tâm trí tôi: “Bạn càng kể lể về những vinh quang của quá khứ, cái kết cục sẽ càng trở nên kinh khủng”.(7)

Chú thích:

1. Phần “Những Ghi Chú Về Người”, New York Times, 16 tháng 10, 1971, 37.

2. Về lời cảnh cáo ấn tượng của ông Khiêm về danh sách đen, xem “Giác thư của Giám đốc Cục Nghiên cứu tình báo (Hughes) gởi Bộ trưởng Ngoại giao”, 6 tháng 9 năm 1963, Foreign Relations of the United States (FRUS) - Quan Hệ Ngoại Giao Của Hoa Kỳ, 1961-1963, tập 4, Vietnam: August-December 1963 (Washington, D.C: GPO, 1991), 122-123; và Marguerite Higgins, Our Vietnam Nightmare - Ác Mộng Việt Nam Của Chúng Ta (New York: Harper and Row, 1965), 227. Tác giả có thông tin về việc anh em họ Ngô không thích Khiêm và những cuộc gặp gỡ bí mật với chị ông ta trong một cuộc phỏng vấn năm 2005 với John Phạm.

3. Cuộc gọi điện của bà Chương với Hilsman được kể tỉ mỉ trong Điện tín của Bộ Ngoại giao tới Sài Gòn số 764 (8 tháng 11 năm 1963); Về câu trả lời của Lodge, xem Điện tín của Đại sứ quán từ Sài Gòn số 984, 9 tháng 11, 1963.

4. Thư của Trần Văn Khiêm gởi cho Ký giả Úc Denis Warner, ngày 1 tháng 5, 1964.

5. Joe Holley, “Tussle over St. Elizabeth’s: Preservationists Set Their Sights on What Could Become Department of Homeland Security Headquarters”, Washington Post, 17 tháng 6 năm 2007, C1.

6. Về việc Khiêm bị đày qua Pháp, xem “Man Charged with Killing Parents Deported to France - Người Đàn Ông Mang Tội Giết Cha Mẹ Bị Đày Qua Pháp” của Santiago 0'Donnell, Washington Post, 29 tháng 10 năm 1993, D6; và những ghi chép của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ, Khiem, Tran Van, Petitioner V. United States, 92-6587507 U.S. 924; 113 s. Ct. 1293; 122 L. Ed. 2d 684; 1993 U.S. LEXIS 1323; 61 U.S.L.W. 3582, 22 tháng 2, 1993.

7. Lệ Chi được dẫn lời trong “A Journey from Glory to Grave; Vietnamese Claris Saga Began in Palace, May End in Court”, của Saundra Saperstein và Elsa Walsh, Washington Post, 19 tháng 10, 1987, Al.