Madam Nhu Trần Lệ Xuân Quyền Lực Bà Rồng

Chương 11

Docsach24.com
“David Halberstam chết hôm qua”, tôi thận trọng báo tin này với bà Nhu vào tháng Tư năm 2007. “Đó là một vụ đụng xe”. Tôi không biết chắc bà theo dõi những biến cố thời sự sâu sắc đến mức độ nào. Tôi thậm chí còn ít chắc chắn hơn về việc bà sẽ phản ứng ra sao khi nghe đến tên của phóng viên tờ New York Times và là ngòi bút viết nhiều, người bà từng biết ở Sài Gòn nhiều năm trước đây.

Cáo phó về ông chạy trên tờ báo ra buổi sáng:

Cao, cằm vuông, hấp dẫn với giọng nói gây ấn tượng trầm sâu như thể nó vang lên từ mắt cá chân ông ta. Ồng Halberstam thành công hoàn toàn với tư cách nhà báo trong những năm đầu thập niên 1960 khi viết về cuộc chiến sơ khởi của người Mỹ ở Nam Việt Nam cho tờ New York Times.

Những tường thuật của ông, bên cạnh những tường thuật của đồng nghiệp, gieo ít nhiều hồ nghi rằng chính quyền tham nhũng Nam Việt Nam được hậu thuẫn của Hoa Kỳ không sánh bằng những du kích quân Cộng sản và các đồng minh Bắc Việt của họ.(1)

“Hừm, những kẻ giỏi nhất và những kẻ thông minh nhất”, bà nói, khiến tôi ngạc nhiên bằng cách nhắc ngay đến tựa cuốn sách xuất bản năm 1972 của ông ấy. “Không, tôi không biết ông ấy chết. Rất tiếc”.

Bà không có vẻ buồn lắm, nhưng điều đó không có gì lạ. Từ những gì tôi biết về cách đưa tin của Halberstam, ông ấy không thích bà Nhu, và bà ta cũng không ưa gì ông. Ông cho rằng bà “kiêu hãnh và vô dụng” và kết tội bà đã “bới sâu vào chính trị của bọn đàn ông bằng sự ngu dốt rõ rệt và không che giấu được”. Trong cuốn sách năm 1964 của mình, “Tạo ra một vũng lầy”, Halberstam nói về bà Nhu, “Đối với tôi, bà lúc nào cũng giống như một nhân vật của lan Fleming bước vào cuộc sống thực: một phản nữ thần, một người đàn bà độc tài - tính dục xinh đẹp nhưng hiểm ác, điều khiển một số cơ cấu bí mật mà James Bond tìm cách hủy diệt”(2). Ông đã phê phán kịch liệt sự khao khát quyền lực chính trị của bà Nhu đến mức tin lời đồn bà nói với ai đó vào năm 1963, “Halberstam sẽ bị nướng quay, và tôi sẽ vui sướng cung cấp mỡ và diêm quẹt”.

Có thể bà đã già dặn hơn sau bốn chục năm, hoặc có thể ký ức của bà đã trở nên mềm mại hơn. Nhưng phản ứng của bà Nhu trước cái chết đột ngột của David Halberstam bốn mươi bốn năm sau làm tôi sửng sốt khi bà nhớ đến ông ta sâu sắc làm sao. “Ông ấy thông minh, một trong những người hiếm hoi nói sự thật”.

Quả thật, ông đã làm vậy, cả trong cuốn sách "Những kẻ giỏi nhất và những kẻ thông minh nhất", mà bà Nhu đã đề cập, lẫn trong lối đưa tin sắc sảo, trực diện đã giúp ông giành giải Pulitzer năm 1964. Những sự thật của Halberstam làm cho chính quyền Mỹ khó chịu và giới chức quân sự điên tiết. Ông từng là người đầu tiên vạch cho thấy rằng chiến tranh ở Việt Nam sẽ không đi đến đâu. Thỉnh thoảng ông lại chỉ cho thấy rằng Hoa Kỳ đang làm hỏng sứ mệnh của nó ở Đông Nam Á. Giới hàn lâm và trí thức trẻ thành đạt trong chính quyền Kennedy ngạo mạn đặt ra những chính sách thách thức lương tri thông thường. Đối với bà Nhu, hẳn cũng đã có ít nhiều minh oan khi thấy những kẻ lật đổ gia đình bà bị lu mờ bởi cách đưa tin của Halberstam.

Nhưng Halberstam cũng lớn tiếng, và lặp đi lặp lại, đổ lỗi cho gia đình họ Ngô về thất bại của Mỹ ở Việt Nam. Tin tức của ông được Washington đọc rất kỹ. Bản thân Tổng thống Kennedy yêu cầu CIA nghiên cứu từng bài báo do nhà báo trẻ này viết, và mỗi một báo cáo của CIA bao gồm nhiều trang phân tích cách dòng đơn. CIA kết luận rằng nhà báo trẻ này có được thông tin về các sự kiện trực tiếp ở Nam Việt Nam chính xác hơn đa số các “cố vấn” quân sự. Anh ta đúng khi nói rằng Cộng quân đang thắng và lại đúng khi tuyên bố rằng các du kích quân Cộng sản được trang bị tốt và “thao túng vùng đồng bằng sông Cửu Long”.(3)

CIA đi đến một kết luận quan trọng khác về những tin tức của Halberstam. Những bài báo “lúc nào cũng bi quan” góp phần trực tiếp vào sự khủng hoảng chính trị ở Nam Việt Nam. CIA đòi David Halberstam chịu trách nhiệm về sự rạn nứt của chế độ họ Ngô. Những tin tức của ông, họ nói, góp phần dẫn đến sự suy sụp của nó. Liệu bà Nhu có biết đến chi tiết này?(4)

Halberstam và những nhà báo trẻ khác của phân bộ báo chí ở Sài Gòn tin vào sứ mệnh của Mỹ ở Nam Việt Nam. Họ ủng hộ học thuyết domino hết lòng đến mức khi họ nhìn thấy các chính sách từ chính phủ của họ bị bà Nhu và gia đình bà làm cho trầy trật, các nhà báo này dường như quyết định tự mình, với tư cách những người Mỹ tử tế, thay đổi tình hình ở Nam Việt Nam, cũng như đưa thông tin về nó. Mục đích của họ không có gì khác là thay đổi chế độ.

Họ đổ tội cho anh em họ Ngô vì đã để mọi chuyện gần như sai lạc so với nỗ lực hậu thuẫn của Mỹ ở Nam Việt Nam. Chỉ sau khi ông Diệm và ông Nhu chết đi thì chính Halberstam mới kết luận rằng vì tất cả tin tức về những sai lầm của chế độ Ngô Đình Diệm, ông đơn giản đã không đủ bi quan. Vấn đề không chỉ là sự ngạo mạn của ông Diệm quí tộc, chủ nghĩa duy trí trì trệ của ông Nhu, hay những mưu đồ vụ lợi cá nhân của bà Nhu. Những cơ hội thành công ở Việt Nam đã sa vào vũng lầy dày đặc. Nhưng vào lúc đó, đã quá muộn.(5)

Bà Nhu hình như chưa bao giờ hiểu được vai trò của báo chí ở Việt Nam. Bà tưởng các phóng viên phải bám chặt vào lập trường chung và kỳ vọng họ lặp lại những gì Dinh Tổng thống nói với họ. Tìm kiếm những nguồn tin bên ngoài là thiếu tôn trọng. Bà, ông Nhu, và ông Diệm đều không nói dối, ít nhất là không cố ý nói dối, với báo chí. Họ tin những điều ngớ ngẩn mà họ đang tuyên truyền - như những thắng lợi vang dội mà quân đội của họ giành được ở nông thôn hay sự trung thành của dân chúng đối với chế độ. Họ cảm thấy các phóng viên không quan tâm đúng mức đến những câu chuyện tích cực. Tại sao không nói về các chương trình y tế và phúc lợi xã hội? Thay vào đó họ tập trung vào những cái tiêu cực. Bà Nhu tìm cách quở mắng họ. “Các bạn làm như thể mình chỉ là những khán giả ở đây, các bạn không hiểu rằng các bạn ở cùng chúng tôi và chúng tôi cần sự hậu thuẫn của các bạn sao?”(6). Dinh Tổng thống và báo chí không hiểu ý nhau. Các phóng viên châm biếm bà, còn bà thì cứ ra mặt khinh thường họ.

Vì tất cả những điều đó, nên khi nghe tin David Halberstam chết, bà Nhu có vẻ như không muốn nghĩ đến ý định của nhà báo trẻ là muốn cổ vũ cho việc lật đổ chế độ của gia đình bà. Thay vì vậy bà nhớ đến chuyện anh ta tâng bốc bà như thế nào. “Anh ta so sánh quyền lực của tôi với quyền lực của Tổng thống!”. Bà nói điều đó như thể anh ta chỉ khen tặng cái váy đen mà bà biết bà đẹp khi mặc nhưng không muốn thừa nhận điều đó: Ồ, cái này cũ rồi! Như thể gán cho bà quá nhiều quyền lực là ngớ ngẩn, nhưng tâng bốc bà thì cũng vậy.

David Halberstam đúng là đã nhận ra những ưu điểm lớn nhất của bà Nhu: sự nhất quán và quyết tâm của bà. Ông bình luận về niềm tin sắt đá của bà vào chính bản thân và lý tưởng của bà. Nhưng Halberstam cũng nhìn thấy sự xác tín đúng đắn đó, trong khi thể hiện, có thể là khuyết điểm chết người về tính cách như thế nào. Bà Nhu không thể hoặc sẽ không thấy khía cạnh đó. Ngược lại bà chỉ thích cách ông mô tả về bà: “Bà Nhu thực sự thèm khát những lễ nghi dành cho lãnh tụ. Bà là người duy nhất trong gia đình đi đứng theo cách một nhà độc tài - với năng khiếu tự nhiên và niềm vui thích rõ ràng, theo sau là một hàng người phục dịch - từ từ quay người trước hết qua phải, rồi qua trái để cười chào đám đông. Đó luôn luôn là màn trình diễn của bậc thầy”.

Mô tả này hầu như có thể đọc như một lời khen tặng nếu không có dòng cuối cùng: “Đây là phong cách mà Mussolini hẳn đã thể hiện”.(7)

“Tôi đã tiếp ông ta”, bà Nhu bảo tôi, như thể bà đã ban vinh dự cho một nhà báo hãnh tiến chỉ mới đến xứ sở này có mấy tháng. Không dễ được ngồi trước mặt Đệ nhất Phu nhân của Việt Nam Cộng hòa. Người nào muốn phỏng vấn bà đều phải trải qua những thủ tục nhiêu khê. Trước hết anh ta phải trịnh trọng đề nghị một cuộc gặp kín và viết một lá thư thân tình gởi cho bà nêu rõ những gì anh ta muốn hỏi. Nếu người được phỏng vấn chấp thuận, chắc chắn như vậy, thì nhà báo sẽ được chờ đón một người cao hơn một mét rưỡi và nặng hơn bốn mươi ký là bà Nhu xuất hiện ấn tượng. Bà thường diện áo dài, cẩn thận vuốt thẳng những nếp gấp lụa, rồi lựa thế nhẹ nhàng ngồi xuống để không làm nhàu chiếc áo. Cái ghế được chạm trổ cầu kỳ gần như cái ngai vàng - nó càng giống như vậy hơn khi bà ấn nhẹ cái chuông trong tay. Đâu đó vang lên một tiếng chuông. Halberstam viết về sự chạm trán của ông với những kỹ thuật phỏng vấn của bà Nhu trong cuốn sách The Making of a Quagmire và mô tả việc được tiếp trà và kẹo bạc hà “bởi những người hầu nam nhỏ bé cúi mình khúm núm trông giống như một thứ tra tấn thời trung cổ nào đó”(8).

Halberstam đến Sài Gòn đúng vào lúc một đặc phái viên khác rời đi. François Sully, một người Pháp làm việc cho Newsweek, đã làm bà Nhu khó chịu. Ông đã bị trục xuất sau mười lăm năm ở xứ này. Lý do? Một bài viết ngày 20 tháng Tám năm 1962 kèm theo tấm ảnh chụp các người tình của bà Nhu - đội bán quân sự của bà - với chú thích “Nữ dân quân ở Sài Gòn: kẻ thù có thêm động lực và sự hăng hái”. Giới báo chí Hoa Kỳ ở Sài Gòn không buồn khi thấy Sully ra đi. Tin tức của ông đầy u ám trong khi chính sách chính thức vẫn một mực lạc quan. Nhưng Halberstam đã ghi lại những ý kiến đáng chú ý. Sully rời Việt Nam như một người hùng báo chí, có thể nói vậy. Hai cô gái trẻ giữ ông lại trong một cửa hiệu để xin thủ bút của ông. Khi Sully chuẩn bị trả tiền thuế xuất cảnh như thường lệ cho chuyến ra đi của mình, một viên chức địa phương mỉm cười, bắt tay ông, và không nhận tiền. Ông gọi Sully là “người bạn chân chính” của Việt Nam vì đã nói sự thực, dù đau đớn.

Phóng viên hãng tin AP Malcolm Browne chia sẻ giải thưởng Pulitzer năm 1964 với Halberstam vì những tin tức của họ về Việt Nam. Họ còn có chung quan điểm về bà Nhu. “Bà ta là loại người rất tự phụ”, Browne về sau khẳng định như vậy. “Bà luôn vui vẻ trò chuyện với cánh nhà báo chúng tôi, nếu bà có thể yên trí những gì chúng tôi viết là tâng bốc bà”, điều này càng ngày càng không đúng. Browne cũng miễn cưỡng ca ngợi bà Nhu. “Bà là một trong những tài sản lớn nhất của ông Diệm và ông Nhu”, không có nghĩa ông nghĩ rằng đó là điều tốt cho sự ủng hộ của Hoa Kỳ ở Việt Nam. “Bà thường hòa đồng với đám đông, rất nguy hiểm cho bà”, ông nhớ lại. “Bà làm người ta điên tiết, nhưng bà can đảm”.

Browne chụp bức ảnh nhà sư tự thiêu vào tháng Sáu năm 1963. Đó là một bức ảnh kinh hoàng. Khuôn mặt nhà sư nhăn nhúm lại trong đau đớn tột cùng. Thích Quảng Đức đã tự thiêu để phản đối chế độ họ Ngô, và bà Nhu chỉ có thể nói bà sẽ “vỗ tay cho một vụ nướng nhà sư khác”. Bức ảnh đó, và phản ứng theo kiểu Marie Antoinette của bà, cho người ta hiểu thêm về những gì đang diễn ra ở Nam Việt Nam cũng nhiều như bất kỳ câu chuyện nào của các đặc phái viên nước ngoài. Bức ảnh của Browne để trên bàn làm việc của Tổng thống John F. Kennedy khi ông phái tân đại sứ đến Việt Nam Cộng hòa, Henry Cabot Lodge, người hiểu rằng nhiệm vụ của ông là làm tất cả để vô hiệu hóa bà Nhu.(9)

John Mecklin, một cựu nhà báo sau chuyển sang làm công chức, đã đưa tin về sự kết thúc của Đông Dương từ 1953 đến 1955 và trở lại năm 1961 với tư cách là viên chức của Sở Thông tin Hoa Kỳ. Ông công nhận những tác động lịch sử mà các phóng viên đang gây ra và trong hồi ký của mình, Mission in Torment, cho rằng tin tức của những người như Halberstam và Browne góp phần lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Tôi chợt nghĩ trong khi đọc cuốn sách của ông rằng bà Nhu đã đúng. Các ký giả đã về bà Nhu như một người hoang tưởng và điên khùng; đến lượt mình bà nghĩ giới báo chí tìm cách hãm hại bà. Cả hai bên đều đúng.

Tôi chạy xe lên Maryland để thăm Stanley Karnow, người viết cuốn sách hoàn hảo gần tám trăm trang, Vietnam: A History, mà tôi đã mang theo trong chuyến đi đầu tiên đến Việt Nam. Ông mời tôi đến hành lang có kính che nhà ông, ở đó chúng tôi uống cà phê đen, pha sẵn, và Karnow đốt hết điếu thuốc này đến điếu khác khi hồi tưởng lại những ngày ở Sài Gòn.

Bà Nhu, Karnow nói, là đàn bà hơn là nhà nữ quyền, “rất đỏm dáng, luôn phô vẻ gợi tình của mình”. Bà táo tợn, vui nhộn, nhảy nhót, và là “một cơn sóng ngầm - không ai có thể kiểm soát bà”. Người Mỹ, bà Nhu nói, đang sử dụng viện trợ của họ để “tạo ra những tay sai người Việt và dụ dỗ phụ nữ Việt Nam vào con đường suy đồi”. Bà tuyên bố rằng các phóng viên Mỹ đang hoạt động chống lại bà, rằng tờ New York Times đã nhận hối lộ 40.000 đô để đăng bài phỏng vấn một lãnh đạo Việt Cộng, và rằng tờ báo Mỹ uy tín này là một phần của “âm mưu Cộng sản quốc tế’' muốn nhấn chìm đất nước bà. Karnov nhớ lại ông Diệm trong thâm tâm đã nao núng trước những gì em dâu ông nói. Bà buộc tội Tòa Đại sứ Mỹ đe dọa và tống tiền, tuyên bố với cả thế giới rằng cần “một cú sốc điẹn để lấy lại các giác quan của mình”, và tố giác đại úy Mỹ John Paul Vann, cố vấn của một viên tướng quân đội Việt Nam Cộng hòa, là “nhà quân phiệt ngoại quốc", người đã “làm rối các quan chức [Nam Việt Nam] Karnow không nghĩ sự xấc xược của bà Nhu là điểm mạnh. “Mặc dù bà không ngốc nghếch, bà không có sự mẫn cảm đặc biệt. Bà không nhận thức được rằng bà đang đổ dầu vào lửa” của công luận chống lại chế độ.

Như Browne và Halberstam, Stanley Karnow viết về những sai lầm nguy hiểm mà Hoa Kỳ phạm phải khi hậu thuẫn cho chế độ họ Ngô ở Sài Gòn. Nhưng không như những người khác, Karnow dám đi xa đến mức suy đoán rằng, dù họ có thể lạm dụng từ “tự do” xấu xa đến mức nào, thì nếu ông Diệm, ông Nhu, và bà Nhu còn tại vị, họ “sẽ không bao giờ để cho quân đội Hoa Kỳ vào”, hoặc ít nhất là không cho vào với số lượng lớn như vậy. Chiến tranh với tất cả sự kinh hoàng của nó có thể đã không xảy ra.

Tờ báo tiếng Anh ưa thích của bà Nhu là Times of Vietnam, được xuất bản bởi những người bạn thân của bà ở Sài Gòn, Ann và Gene Gregory. Hai vợ chồng Gregory ở Sài Gòn lâu hơn hầu hết người Mỹ, họ đến đây vào năm 1952 như một bộ phận của Sở Thông tin Hoa Kỳ. Sau chuyến trở về Hoa Kỳ ngắn ngủi, họ quay lại khi Gene nhận được học bổng của Quỹ Ford để thực hiện một nghiên cứu về các cấu trúc xã hội - kinh tế đang phát triển của một quốc gia “chỉ mới thoát ra khỏi chế độ phong kiến”.(10) Vợ chồng Gregory bỏ lại sau lưng công sở và thế giới học thuật khi họ mua được cái lúc bấy giờ là tuần báo tiếng Anh. Trên tờ Newsweek năm 1963 có một tiểu sử sơ lược về vợ chồng Gregory mô tả Gene “mập mạp và có đôi mắt lúc nào cũng chậm chạp như ngái ngủ dễ đánh lừa người khác” nhưng sắc sảo đủ để sớm nhận ra được tiềm năng cho tờ báo của ông nếu ông mở các mục liên quan đến Dinh như một địa chỉ để bày tỏ các quan điểm của nó. Tờ Times rất thành công, và nó sớm trở thành nhật báo. Nói về nó như một cuộc phiêu lưu thành công thì có thể gây lẩm lẫn. Nó phát hành chỉ vài ngàn bản, nhưng ai cần số lượng lớn khi đã có độc giả quan trọng nhất ở quốc gia này?(11)

Các đặc phái viên ngoại quốc khác không quan hệ tốt với vợ chồng Gregory ở Sài Gòn. Hai vợ chồng sống trong một biệt thự màu kem tại khu ngoại ô toàn người Việt Nam. Bà Ann có mái tóc vàng và đầy năng lượng như sự hòa nhã của chồng, và Gene béo lùn khiến người ta nghĩ ông hoàn toàn không giống gì với các nhà báo trẻ năng nổ đầy rẫy trong thành phố. Nghề làm báo không phù hợp với tính cách của ông đến mức trong nhiều năm mọi người nghĩ rằng đó chỉ là cái vỏ bề ngoài vụng về cho công việc chính của ông là điệp viên, một kiểu “nhân vật James Bond bèo nhèo” giả vờ thân cận với anh em ông Nhu vì nhiệm vụ của ông là theo sát mọi hành động của họ. Nhưng giả định đó sai bét nhè. Vợ chồng Gregory đã dành quá nhiều trang báo của họ nhằm phá hoại các đồng nghiệp để đạt được bất cứ thứ gì khác hơn những kẻ bợ đỡ trung thành của chế độ. Một trong những tựa báo trang nhất của họ phê phán kịch liệt phóng viên hãng UPI Neil Sheehan viết, “UPI nói láo, nói láo, nói láo”. Khi các biên tập viên của David Halberstam yêu cầu ông viết một bài về tờ báo đó, ông trả lời rằng viết bất cứ chút gì chính xác về những người đó sẽ là bôi nhọ, còn viết bất cứ cái gì không bôi nhọ thì sẽ là quá khoan dung.(12) Học giả về Đông Nam Á Bernard Fall từng biết vợ chồng Gregory khi ông sắp hoàn thành bằng tiến sĩ về khoa học chính trị ở Đại học Cornell. Họ đã bất hòa đến mức tuyệt giao, có vẻ như ông nợ Ann tiền bạc, mà Ann là người giúp ông đánh máy luận án. Khi họ gặp lại nhau, cách Sài Gòn hàng ngàn cây số, cuộc tái ngộ hết sức vui vẻ. Fall viết mấy dòng cho vợ ông, Dorothy, về sự kiện đó: “Anh muốn em biết điều này để em có thể có hành động đúng mực với giới cầm quyền Hoa Kỳ, đề phòng có chuyện gì đó xảy đến với anh ở đây”, ngụ ý rằng Ann và Gene đã lan truyền những tin đồn chê bai về ông và một lời nói xấu từ họ với những kẻ xấu sẽ rất nguy hiểm.(13)

Tờ báo Times of Vietnam là vô giá đối với Dinh. Nó trao cho chế độ này một phương tiện để tuyên truyền những quan điểm của mình - bằng tiếng Anh. Nhiều người cho rằng Gene Gregory được xe đưa đón khắp thành phố trong chiếc xe Peugeot đen vì vợ chồng Gregory được gia đình ông Nhu quí mến đến vậy cơ mà. Ann điều hành tờ báo hằng ngày và giúp bà Nhu dịch ra tiếng Anh những tuyên bố của bà về Ngày Liên đới Phụ nữ hoặc lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng. Các diễn văn của bà Nhu lúc nào cũng lê thê và thường chán ngán đến khó tin, và luôn gây khó hiểu.

Khi nghiên cứu về bà Nhu, tôi đã ghi lại đầy đủ các diễn văn của bà để nhận ra tính chất lan man của chúng. Bà dùng thì quá khứ, hiện tại và tương lai, và bà lặp đi lặp lại đến bực mình. Chỉ có một người bạn thân, như Ann Gregory, mới có thể tìm ra đủ chỗ trên tờ báo của bà để đăng chúng hoặc thậm chí chỉ từng phần. Nhưng, báo Times rất hay in lại toàn bộ các diễn văn. Tờ báo sớm được biết tiếng như là cái loa của bà Nhu. Thậm chí bà còn nhận là tác giả của một số bài báo, như bài buộc tội các nhân viên tình báo Mỹ ở Sài Gòn là “những gã thanh niên hoài nghi như Quốc xã” đang âm mưu lật đổ chính quyền. Phong cách của bà Nhu quá đặc trưng để mạo nhận phong cách người nào khác. Có ai khác cứ kết tội mọi người “say rượu”? Phóng viên News York Times Halberstam “say rượu”. Tổng thống Kennedy “say rượu”. Các Phật tử và thậm chí cha mẹ bà - “say rượu”. Tờ Times of Vietnam in bài “chiến dịch giải rượu” của bà Nhu, với câu mở đầu rất lộn xộn: “Một chiến dịch giải rượu phải được mở ra ngay lập tức nhằm giải rượu cho những ai thực sự muốn được giải rượu”.

Về tất cả những rắc rối bà Nhu gây ra khi bà nói các điệp viên CIA “giống như Quốc xã”, cáo buộc của bà cho rằng Hoa Kỳ đang âm mưu lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm đã tỏ ra chính xác vài tuần sau khi bài báo được viết thuê của bà Nhu xuất hiện. Sự suy sụp của gia đình họ Ngô cũng kéo theo sự suy sụp của vợ chồng Gregory. Báo Times bị đốt sạch. Ann Gregory phải chạy trốn và tìm nơi trú ẩn trong Tòa Đại sứ Mỹ. Bà rời Sài Gòn đến Thụy Sĩ ngay sau đó, nơi bà và bà Nhu tiếp tục trò chuyện. Khi tôi hỏi bà Nhu về tình bạn của bà với Ann, bà khúc khích cười và nói hai người đã từng vui vẻ với nhau đến độ thấy như mình trẻ lại.

Bà Nhu cũng có những người biện hộ cho mình trong báo giới chính mạch. Marguerite Higgins làm việc cho tờ New York Herald Tribune với tư cách là đặc phái viên chiến tranh trong hai chục năm trước khi chuyển sang tờ Newsday rồi được phái đến Việt Nam. Bà tỏ ra thông cảm với cảnh ngộ của Rồng Cái.

Higgins đến Việt Nam để phỏng vấn bà Nhu và tìm hiểu sơ qua quốc gia này vào năm 1963. Lần đầu bà nếm mùi xứ sở này là khi bà mới sáu tháng tuổi và bị bệnh sốt rét. Gia đình bà đang sống ở Hông Kông, và bác sĩ ở đó khuyên cha mẹ đứa bé đem nó đến vùng núi đồi Đà Lạt ở Đông Dương thuộc Pháp để nó được thở không khí trong lành. Những cái hồ nhân tạo ở Đà Lạt thay vì trị liệu đã truyền thêm bệnh, nhưng đứa bé đã gặp may - hơn ông ngoại mình, một sĩ quan trong quân đội thực dân Pháp, người đã chết vì một căn bệnh nhiệt đới ở Việt Nam. Higgins lại gặp may khi bà được giao nhiệm vụ đưa tin về thất bại của người Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954. Bà đang đi bên cạnh nhiếp ảnh gia nổi tiếng Robert Capa thì ông ta đạp trúng mìn, chết. Lúc đó bản thân Higgins đã nổi tiếng. Tạp chí Life ca ngợi cô gái có đôi mắt sáng rực mặc quần kaki xắn cao và mang đôi giày tennis như cô gái gan dạ phi thường trong câu lạc bộ các nhà báo ngoại quốc toàn mày râu. Cái chú thích dưới tấm ảnh ghi, “Higgins vẫn cứ làm mọi cách để thu hút”.(14)

Cũng như bà Nhu, Higgins nổi tiếng là người tham vọng không che giấu. Cả hai người đàn bà này có thể rất nhẫn tâm và không hề sợ hãi khi đối mặt với kẻ thù. Cuối Thế chiến thứ hai, trong khi đưa tin Dachau được giải phóng, Higgins trưng dụng một chiếc xe Jeep và lái chạy vào lãnh thổ nước Đức. Bản thân bà không trang bị vũ khí và chấp nhận sự đầu hàng của nhiều binh lính phe Trục đang rút lui, chỉ dừng lại khi chiếc xe Jeep không thể chở thêm vũ khí. Bà ở Seoul vào tháng Sáu năm 1950, khi những người Bắc Hàn xâm lăng. Bà bơi vào bờ sau khi tàu của bà bị chìm và phải đi bộ hơn hai chục cây số, nhưng rồi Higgins thoát được và nổi tiếng. Bà là người phụ nữ đầu tiên được giải Pulitzer vì đưa tin quốc tế, và được hãng tin AP (Associated Press) vinh danh là Người Phụ nữ của Năm, năm 1951.(15)

Cũng như các đặc phái viên khác ở Sài Gòn năm 1963, Higgins hoàn toàn tin vào học thuyết domino. Nhưng bà phát biểu thẳng thừng lập trường chống cộng của mình hơn hẳn các nhà báo Mỹ khác. Higgins ủng hộ việc sử dụng bom nguyên tử chống lại Trung Cộng và gọi cuộc chiến chống chủ nghĩa Cộng sản là “Thế chiến Thứ ba”. Bà sẵn sàng làm bất cứ cái gì để bảo vệ nước Mỹ - và Higgins muốn rằng những trận đánh như vậy diễn ra “cách xa San Francisco và New York”. Bà thông cảm với tình trạng độc tài hiển nhiên của chế độ Sài Gòn, miễn là nó chuyên chế dưới chiêu bài dân chủ. Sau này Higgins sẽ phủ nhận điều này, nhưng tạp chí Time trích lời bà nói với một phóng viên trong bữa ăn tối ở Sài Gòn rằng các đặc phái viên Mỹ ở Nam Việt Nam “muốn thấy chúng ta thất bại trong cuộc chiến này để chứng tỏ họ đúng”. Đó là một bình luận kích động.(16)

Khi Higgins gặp bà Nhu ở Dinh, Đệ nhất Phu nhân mỉm cười và “trông không có chút gì hung dữ”. Higgins mô tả bà một cách ngưỡng mộ: “Cái đầu bới cao từng lọn tóc đen, và mớ tóc lưa thưa trước trán. Cái áo dài lụa trắng của bà, trang phục truyền thống của Việt Nam, ôm sát cái thân hình cần đối làm gợi lên niểm kiêu hãnh phụ nữ. Bà mang đôi giày mềm với gót cao kiểu Pháp. Những cái móng tay dài tiểu thư được chải chuốt bằng nước sơn hồng”.(17)

Higgins công khai ca tụng sự dũng cảm cá nhân của bà Nhu, và bà có thể đồng cảm với cung cách mà một phụ nữ có cá tính hung dữ và kiên quyết đối mặt với nguy cơ bị mất danh dự trước công luận.

Higgins từng là chủ đề của nhiều đồn đoán về những cuộc phiêu lưu tình dục của bà. Bà từng được cho là “ngây thơ như rắn hổ mang” và bị chế nhạo có nhiều nam tính chỉ vì bà thành công trong thế giới của đàn ông. Khi có người kể với Homer Bigart của tờ New York Times rằng Higgins mới sinh con đầu lòng, nghe nói ông đáp lại, “Tuyệt vời. Ai là mẹ vậy?” Phản ứng đó càng trở nên độc ác hơn khi đứa bé đó chết năm ngày sau khi bị sinh non.

Higgins đến Sài Gòn vào mùa hè năm 1963 đúng vào lúc bà Nhu diễn tả vụ tự thiêu của một nhà sư là “tiệc nướng ngoài trời”. Thật man rợ khi nói vậy. Nhưng khi Higgins hỏi bà về câu nói tiệc nướng ngoài trời, bà thỏa mãn với câu trả lời của bà Nhu: “Tôi dùng những chữ đó vì chúng có giá trị gây sốc. Cần thiết phải bằng cách nào đó gây sốc cho cả thế giới, để họ thoát khỏi cơn mê mà trong đó họ nhìn vào Việt Nam”. Trong vòng vài phút gặp bà, Higgins thấy quá rõ vấn đề thực mà bà Nhu đối mặt. Làm thế nào Mỹ, một quốc gia theo Higgins là “một xã hội bình thản, bàng quan, vô tâm, đừng lôi tôi vào”, có thể hiểu được “một Valkyrie phương Đông rắc rối hung tợn?”(18)

Higgins nhìn thấy bà Nhu như một con người trọn vẹn hơn là con Rồng Cái mà bà chuẩn bị để gặp. Bà không có vấn đề gì với bà Nhu khi sử dụng vẻ đẹp ngoại hình của bà; sự hấp dẫn tính dục cũng là một vũ khí không thể thiếu trong kho của Higgins. Bà Nhu rõ ràng là một người mẹ ần cần: Khi đứa con gái bốn tuổi của bà chạy vào căn phòng nơi cuộc phỏng vấn đang diễn ra, bà Nhu không lên giọng rầy la mà vui vẻ xoa đầu đứa trẻ và cho nó cái ruy-băng để nó chú tâm chơi trong suốt thời gian còn lại của cuộc nói chuyện. Higgins nhìn thấy ở bà Nhu một người vợ đằm thắm và lễ phép mặc dù, như bà Nhu thừa nhận với Higgins trong buổi phỏng vấn, tình yêu bà dành cho chồng “không phải là thứ tình yêu đam mê dữ dội”. Higgins cũng có thể cảm thông với điều này. Trước khi lấy chồng, bà than thở với một người bạn rằng chỉ khi nào đàn ông thú vị như chiến tranh lúc đó bà mới thấy mục đích của việc lập gia đình. Bà không thấy có dấu hiệu gì về lối sống xa hoa hay giàu có của bà Nhu như đồn đãi, và bà không thấy có vấn đề gì với sự khao khát quyền lực của bà. “Quyền lực là tuyệt vời”, bà Nhu nói với bà. Higgins đồng ý.

Vì tất cả những lý do đó và nhiều lý do khác nữa, Higgins quyết định sẽ giúp bà Nhu. Bà hành động như một người bạn, bà nói, và “như một công dân Mỹ chứ không phải như một nhà báo”. Đúng thế, Higgins cho bà những gợi ý về cách diễn đạt mọi thứ, bao gồm toàn bộ những đoạn văn để đưa vào các diễn văn tương lai của bà về các chủ đề chiến tranh, Phật giáo, và kiểm soát báo chí. Bà cũng cho bà Nhu những lời khuyên quan trọng về những gì không nói trước báo chí, cập nhật cho bà biết những từ ngữ có thể gây ấn tượng không tốt và khuyên bà không công khai chỉ trích Tổng thống Kennedy. Bà Nhu nghĩ bà có thể phớt lờ những kẻ gièm pha và đạp lên những lời đồn về đầu cơ chiến tranh, rửa tiền, và các tài khoản ở ngần hàng ngoại quốc. Bà không hiểu được rằng những nhận thức của mọi người, dù không chính xác, vẫn tạo ra một thực tế mà bà cần đối phó. Higgins đã làm được. Bà tìm cách làm cho thanh danh của bà Nhu sáng tỏ, không dính gì đến tham nhũng. Higgins viết cho mẹ của bà Nhu:

Bộ Ngoại giao và Cục Tình báo Trung ương (CIA) nói rằng không có bằng chứng tham nhũng về phía con gái bà hay bất kỳ thành viên nào của gia đình Ngô Đình Nhu. Không có dấu hiệu nào cho thấy họ thu gom cả đống tiền để sử dụng cá nhân. Điều đó có phù hợp với hiểu biết của bà về hoàn cảnh của bà Nhu không?

Thứ lỗi cho tôi đã đề cập thẳng thắn vấn đẽ này. Nếu bà cảm thấy không muốn trả lời, tôi có thể hiểu phần nào.

Trân trọng,

Marguerite Higgins

Mẹ bà Nhu trả lời bằng một câu, dù cộc lốc, xác nhận ý kiến của Higgins: “Tôi không tin Tổng thống Ngô Đình Diệm và vợ chồng Ngô Đình Nhu tham nhũng”.(19)

Chính bà Nhu tìm được sự hậu thuẫn công khai của một người bạn Mỹ có chỗ đứng rất quan trọng: Clare Booth Luce. Luce là cựu phóng viên chiến tranh và một người cải đạo sang Công giáo. Bà cũng có trải nghiệm của một người phụ nữ tài năng, xinh đẹp, giàu có, và gây tranh cãi trong mắt công chúng. Là một nhà viết kịch thành công, bà đi lên từ vị trí thư ký tòa soạn của tờ Vogue và cưới người chủ hai tạp chí đế quốc Time và Life, Henry Luce. Cuộc hôn nhân tốt đẹp không làm bà hoàn toàn thỏa mãn. Luce được bầu vào Hạ nghị viện từ Hạt Fairfìeld, bang Connecticut, và được Tổng thống Dwight Eisenhower bổ nhiệm làm đại sứ Ý năm 1952. Bà biết ít nhiều về tham vọng.

Vợ chồng Luce cùng ủng hộ chính sách của Đảng Cộng hòa, chống Cộng sản. Họ đều là thành viên của Nhóm vận động Hành lang về Trung Hoa từng ủng hộ Tưởng Giới Thạch trước khi Mao lên nắm quyền. Tạp chí Time đã bênh vực chế độ Ngô Đình Diệm ngay từ đầu, chào mừng Tổng thống và gia đình ông như những nhà ái quốc kiên định, mộ đạo. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi Clare Luce đứng về phía bà Nhu. Luce nói rằng những gì đang xảy ra ở Việt Nam “giống một cách đáng ngạc nhiên với Thống chế Tưởng Giới Thạch và bà Tống Mỹ Linh ở Trung Hoa khi Bộ Ngoại giao đột ngột cắt viện trợ cho họ và rồi Mao Trạch Đông giành chính quyền ở Trung Hoa”.

Luce tự mình làm mọi chuyện ngay lúc này và viết một bài đinh cho tờ National Review biện hộ cho bà Nhu. Bà vẽ chân dung Đệ nhất Phu nhân Việt Nam Cộng hòa như một người mẹ và người Công giáo tận tâm, một kiểu pha trộn giữa Jacqueline Kennedy và Eleanor Roosevelt. “Trong giây phút, dù ngắn ngủi, của lịch sử, một phần nào uy danh nếu không nói là an ninh của nước Mỹ, dường như nằm trong bàn tay hồng nhạt của cánh tay mảnh dẻ tuyệt đẹp của bà”. Trong một nỗ lực dũng cảm nhưng trễ tràng để dựng lại hình ảnh của bà Nhu vào tháng Mười Một năm 1963, Luce so sánh bà với một người phụ nữ Mỹ tiên phong và gọi bà là người xả thân vô vọng và nhà nữ quyền.(20)

Một ngày trước khi bài viết này xuất hiện trên báo, Luce đã nói chuyện qua điện thoại thật lâu với “Dick”, Richard Milhous Nixon, bạn bà, người sẽ trở thành Tổng thống thứ ba mươi bảy của Hoa Kỳ. Lúc bấy giờ, Nixon đang lo chữa lành những vết thương chính trị sâu sắc, khi lần đầu tiên thất bại trong cuộc tranh cử Tổng thống năm 1960 trước Kennedy và sau đó là cuộc chạy đua vào chức Thống đốc bang California năm 1962. Luce và Nixon nói chuyện về tình trạng sụp đổ ở Việt Nam và sự hữu ích của hình tượng bà Nhu đẹp đẽ, bị vây khốn.

Luce không biện hộ cho bà Nhu vì sự thiện hảo trong tâm hồn bà. Với tư cách một thành viên trung thành của Đảng Cộng hòa, bà muốn Kennedy thất bại. Luce tin rằng John F. Kennedy đang để mất Đông Nam Á vào tay Cộng sản, và bà cho rằng cái nhìn của bà Nhu về tình hình Việt Nam là rất chính xác. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp diễn ra, và Luce nghĩ rằng một ai đó giống như Dick bạn thần của bà sẽ đại diện tốt hơn cho những giá trị bảo thủ và chống Cộng của bà trong Nhà Trắng. Luce dùng tất cả sự mê hoặc của mình để thuyết phục ông rằng bà Nhu xứng đáng được bảo vệ công khai, nhưng bà hẳn đã phải nghe ít nhiều hoài nghi từ phía Nixon vì rằng, trước khi kết thúc cuộc nói chuyện điện thoại, Luce tuyên bố, “Tôi ước gì tôi đang tranh cử Tổng thống!”(21)

Tại sao nhiều phụ nữ khác không cảm thấy sức lôi cuốn của bà Nhu như Marguerite Higgins và Clare Boothe Luce cảm thấy? Tại sao sự kết hợp của vẻ đẹp rạng ngời và sự nghiêm khắc lại thất bại khốn khổ như vậy nơi bà Nhu khi nó phát huy tốt nơi những phụ nữ khác trong chính trường - chẳng hạn, những người đàn bà dòng họ Kennedy như Jean Smith, Ethel vợ của Robert, và nhất là Jacqueline Kennedy, vợ của Tổng thống và là Đệ nhất Phu nhân của Hoa Kỳ? Có lẽ vì mọi người nhìn thứ chủ nghĩa nữ quyền của họ mang tính lật đổ? Nó khoác chiếc áo vừa vặn. Bà Nhu có nhiều áo dài đẹp, nhưng bà hoặc bị cười nhạo như một người đàn bà bất lực hoặc bị lăng mạ như “người đàn ông đích thực” trong gia đình họ Ngô.

Bà Nhu không phải là người phụ nữ đầu tiên người Mỹ gọi là Rồng Cái. Danh xưng này dường như xuất phát từ nhân vật hư cấu trong truyện tranh Terry and the Pirates những năm 1930. Con Rồng Cái biếm họa đó là người đàn bà quyến rũ ghê gớm. Ả được tạo ra từ những nét mực vẽ phác rất hung tợn làm nổi rõ xương gò má góc cạnh và cặp mắt láo liên. Ả chỉ quan tâm đến tiền bạc và quyền lực. Từ đó, bất kỳ người phụ nữ châu Á nào không phù hợp với hình dung một phụ nữ phương Đông nhu mì, phục tùng mà lại sốt sắng đều bị dán nhãn “rồng cái”. Nữ hoàng cuối cùng của Trung Hoa, Từ Hy, là một, cũng như Tống Mỹ Linh, người sẽ trở thành bà Tưởng Giới Thạch, và bà Mao. Ngôi sao điện ảnh Mỹ gốc châu Á đầu tiên của Hollywood, Anna May Wong, được chọn hoặc vào vai phụ khiêm tốn là một cánh hoa mỏng manh hoặc là con rồng cái quỷ quyệt và đầy mánh khóe trong các phim như The Thief of Bagdad và Old San Francisco.

Khi bà Nhu trở thành Đệ nhất Phu nhân của Việt Nam Cộng hòa năm 1954, Mỹ còn là một quốc gia phân biệt chủng tộc. Luật lệ Jim Crow cách ly mọi người theo màu da; luật lệ chống hôn nhân và sinh sản dị chủng có nghĩa là ngôi sao điện ảnh Anna Wong không thể đóng vai chính lãng mạn trong một bộ phim trừ phi cô có bạn diễn vai chính là người châu Á - tại nhiều tiểu bang, sẽ là bất hợp pháp nếu để cô ta hôn một người đàn ông da trắng trên màn ảnh. Trận đánh bom của Nhật xuống Trân Châu Cảng khiến ác thần châu Á trở thành một thứ côn đồ điển hình. Mặc dù chiến thắng của Mỹ trong Thế chiến thứ hai chấm dứt việc giam giữ những người Mỹ gốc Nhật trong các trại tù, thái độ phân biệt chủng tộc vẫn không thay đổi qua một đêm. Học giả người châu Á Sheridan Prasso cho rằng thắng lợi của Mỹ ở Thái Bình Dương củng cố thêm định kiến người châu Á là yếu kém. Bằng việc ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, Hoa Kỳ chứng tỏ sự thống trị nam tính của nó. Vào thời kỳ Triều Tiên và Việt Nam, quốc gia này sẵn sàng đứng về phía “các dân tộc phục tùng, nhu nhược lẽ ra chịu thua sự cám dỗ của Chủ nghĩa Cộng sản”. Prasso phát hiện những mô tả của người Mỹ về các lãnh đạo châu Á vốn đặt nặng những phẩm chất nữ tính đó: Mao Trạch Đông có giọng nói the thé, cũng như hai cánh tay dài, nhạy cảm của phụ nữ và cái miệng đàn bà; Hồ Chí Minh nhỏ người và yếu đuối, sốt sắng và tế nhị; Ngô Đình Diệm thì “mỏng manh dễ vỡ như đồ sứ với những nét tính cách tinh tế và nước da màu ngà”.(22)

Việt Nam được coi là một nơi lạ lẫm, điêu tàn, phụ nữ ở đó ân cần và khiêm tốn. Vì vậy người Mỹ thấy bà Nhu hoàn toàn khó hiểu. Bà không khớp với những trông đợi của họ về một người phụ nữ phương Đông và cũng không khớp với lý tưởng của người Mỹ: Bà là hình ảnh tương phản chính xác với người phụ nữ tóc vàng mỉm cười trên bìa tờ Saturday Evening Post ra tháng Mười Hai năm 1962. Số báo đó giới thiệu những mảnh ghép làm nên “người phụ nữ Mỹ” và cho thấy những thái độ của cô ta về gia đình, tính dục, tôn giáo, và xã hội. Ông Gallup, vua của các cuộc điều tra dư luận, đã khảo sát cả quốc gia, và kết quả được ghi nhận. Người phụ nữ Mỹ là người nội trợ và người mẹ làm việc tận tụy toàn thời gian. “Mặc dù người đàn bà ly dị, người vợ không con, [và] người mẹ làm lụng” tồn tại, họ không quá tiêu biểu và do đó “cực đoan”, nên các tác giả loại họ ra khỏi cuộc khảo sát này. “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy không nhiều người được hạnh phúc như bà nội trợ”. Trách nhiệm của người VỢ: “Bạn phải ưu tiên cho chồng bạn”. Và khác với những người đàn ông phải tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc đời, cuộc điều tra kết luận, phụ nữ Mỹ sinh ra đã biết mục đích của họ một cách chính xác: làm một người vợ đảm đang và người mẹ hiển. Nói về việc đòi hỏi, các tác giả kết luận, phụ nữ dễ dàng bằng lòng với thực phẩm, quần áo, và phụ giúp chút ít công việc nhà. “Người đàn bà thực sự không kỳ vọng nhiều từ cuộc đời”.

Một thay đổi lớn đối với phụ nữ Mỹ là sẵn sàng nắm bắt cơ hội làm việc hoặc thăng tiến. Với việc xuất bản cuốn The Feminine Mystique vào đầu năm 1963, Betty Friedan đã cất cao tiếng nói nêu lên “vấn đề không tên”, vị thế thứ hai của phụ nữ trong xã hội, và cuốn sách này đã khởi động phong trào nữ quyền hiện đại ở Hoa Kỳ.

Bà Nhu mà phụ nữ Mỹ đọc trên báo không ngần ngại đòi sự tin cậy khi nào bà nghĩ là xứng đáng - và lớn tiếng đòi hỏi. Bà không biện giải về việc thích quyền lực và đòi hỏi cao. Đa số phụ nữ Mỹ “chê” cái ý tưởng có một phụ nữ làm Tổng thống, và 20 phần trăm phụ nữ nói phụ nữ mà dính líu vào chính trị thường là điều không tốt. Phụ nữ rõ ràng là quá xúc cảm. Công chúng Mỹ vào năm 1963 đã có một số ý tưởng về những gì khả thủ đối với một Đệ nhất Phu nhân. Bà Nhu không phải như vậy.

Jacqueline đóng vai đó tốt hơn nhiều. Bà trông như một ngôi sao điện ảnh, học thức cao, và nói được tiếng Pháp. Nhưng Jacqueline Kennedy cũng bị kẹt trong những qui ước và khuôn mẫu của thời đại.

Trong khi bà Nhu công khai ca ngợi Jacqueline Kennedy, dùng những từ “tao nhã” và “học thức” để mô tả bà, thì Jacqueline không nói về bà Nhu như vậy. Bà Nhu, Jacqueline Kennedy nói, “là tất cả những gì Jack thấy không hấp dẫn”. Đệ nhất Phu nhân của Hoa Kỳ nói rất rành mạch trong cuộc phỏng vấn được ghi âm từ năm 1964. Những người phụ nữ nhiều quyền lực chính trị nói chung rất ghê gớm. Indira Gandhi, Thủ tướng tương lai của Ấn Độ, thực sự là “một phụ nữ õng ẹo, cay cú, huênh hoang, kinh khủng”. Nhưng trong khi phán xét người khác, chính Jackie cũng tỏ ra khó ưa - và giống như một di vật thời xa xưa.(23)

Những người biện hộ cho bà có thể nói rằng Jackie Kennedy thừa nhận những câu thúc của thời đại bà, xác nhận chúng để nhẹ nhàng lật đổ chúng, đảo ngược chúng. Có thể. Vào năm 1964, quá rõ ràng bà là một sản phẩm của thời đại và không gian bà sống. Bà khoác lác bằng cái giọng thì thào quen thuộc về cuộc hôn nhân “châu Á” với Jack, đánh đồng sự phụ thuộc với nữ tính. Nói về bà Nhu, một phụ nữ đích thực ngẫu nhiên đến từ châu Á, người không chịu cúi đầu quỵ lụy và khép nép, Jacqueline nghĩ bà chỉ là ghê gớm. Bà Nhu hành động như thể bà bực tức vì nhận được quyền lực từ đàn ông, thay vì biết ơn, và sự bực tức đó làm cho bà trở nên khô khan như đàn ông. “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu họ là hai người nữ đồng tính”, Jackie thì thầm nói về bà Nhu và Clare Boothe Luce. Những kiểu phụ nũ đó - những phụ nữ tham vọng muốn có cái gì đó để khẳng định mình và không xấu hổ về việc đó - không được chào đón ở nước Mỹ của Kennedy năm 1963.

CHÚ THÍCH

1. Clyde Haberman, “David Halberstam, 73, Reporter and Author, Dies” New York Times, 24 tháng 4 năm 2007.

2. Halberstam, Quagmire, 27.

3. Lawrence Freedman, Kenneảys Wars: Berlin, Cuba, Laos, and Vietnam - Những Cuộc Chiến Của Kennedy: Berlin, Cuba, Lào và Việt Nam (New York: Oxford University Press, 2000), 388.

4. Một tổng kết khúc chiết về những căng thẳng giữa báo giới và những mục đích của Hoa Kỳ, xem Jones, Death of a Generation, 208-210.

5. Về nghị trình chính trị của báo giới ở Sài Gòn, xem Once upon a Distant War, 354 của Prochnau: “Nó có thể hạ bệ Diệm, và họ sẽ giúp nó hạ bệ Diệm. Họ không lừa dối bản thân vễ những mục tiêu của mình”.

6. Bà Nhu được trích dẫn trong The Furtive War: The United States in Vietnam and Laos - Cuộc Chiến Ngầm: Hoa Kỳ ở Việt Nam và Lào của Wilfred Burchett, (New York: International Publications Company, 1963), 17; CIA theo dõi chặt chẽ việc xuất bản quyển sách này vì quan điểm Cộng sản và lập trường ủng hộ Việt Cộng công khai của tác giả.

7. Halberstam, Quagmire, 28.

8. Halberstam, Quagmire, 27.

9. Tổng thống Kennedy gởi Henry Cabot Lodge đến Sài Gòn làm đại sứ Hoa Kỳ nhằm phản ứng với cuộc khủng hoảng Phật giáo. Về quan niệm của Lodge đối với nhiệm vụ của ông và những trực giác đầu tiên của ông rằng ‘Vợ chồng Nhu phải ra đi” vì đã cố tình chọc giận chính quyền Kennedy, xem Lodge in Vietnam: A Patriot Abroad của Anne Blair, (New Haven, CT: Yale University Press, 1995), 22, 37, 40; và Jones, Death of a Generation, 280, 304.

10. Joyce Hollman, On Their Own: Women Journalists and the American Experience in Vietnam (Cambridge, MA: Da Capo Press, 2008), 32.

11. “The Gregorys of Saigon”, Newsweek, 23 tháng 9 năm 1963, và “Mlle Readers in Saigon”, Mademoiselle, tháng 3 năm 1957.

12. Prochnau, Once upon a Distant War, 257.

13. Dorothy Fall, Bernard Fall: Memories of a Soldier-Schoỉar (Washington, D.C: Potomac Books, 2006), 91-92,117.

14. Carl Mydans, “Girl War Correspondent”, Life, 2 tháng 10, 1950,51.

15. Vận may của Higgins cuối cùng đã hết. Trong nhiệm vụ năm 1965, cô đã mắc phải căn bệnh Leishmaniasis, một căn bệnh nhiệt đới chết người, và mất ở tuổi bốn mươi lăm. Xem thêm “1950: TheKorean War-1950: Cuộc Chiến Triều Tiên” Columbia Journalism School, http://centennial.journalism.columbia. edu/1950-the-korean-war.

16. Higgins được trích dẫn bởi Charley Mohr, phóng viên tạp chí Time ở Sài Gòn, trong Prochnau, Once upon a Distant War, 350.

17. Về diện mạo của bà Nhu cho đến những móng tay sơn hồng của bà, Higgins, Our Vietnam Nightmare, 62.

18. Về bình luận “Valkyrie Phương Đông”, xem Higgins, Our Vietnam Nightmare, 63.

19. Thư từ với bà Trần Văn Chương được trích từ những tập hồ sơ của bà Ngô Đình Nhu trong số giấy tờ của Marguerite Higgins, Box 10, Special Collections Research Center, Syracuse University Library.

20. Clare Booth Luce, “The Lady Is for Burning: The Seven Deadly Sins of Madame Nhu”, National Review, 5 tháng 11, 1963.

21. Box 223, Giấy tờ gia đình và cá nhân, Clare Booth Luce Papers, Manuscript Division, Library of Congress, Washington, D.C.

22. Về những chân dung đã được ủy mị hóa của những lãnh tụ Á châu như Mao, Hồ Chí Minh, và Diệm, xem Sheridan Prasso, The Asian Mystique: Dragon Ladies, Geisha Girỉs and Our Fantasies of the Exotỉc Orient (New York: Public Affairs, 2006), 53, 56.

23. Michael Beschloss, ed., with a for ward by Caroline Kennedy, Jacqueline Kennedy: Historic Conversationsons on Life with John F. Kennedy, Interviews with Arthur Schlesinger, Jr., 1964 (New York: Hyperion, 2011).