Madam Nhu Trần Lệ Xuân Quyền Lực Bà Rồng

Chương 6

Docsach24.com
ôi là thính giả hoàn hảo đối với bà Nhu. Tôi háo hức để được bà chấp nhận, tôi tuân thủ những quy tắc của bà, và tôi thường tin vào những gì bà kể với tôi. Bà ấy nói dối để làm gì cơ chứ? Và sự tự đánh giá khắt khe về tính cách thời trẻ của bà khiến cho tất cả mọi điều đâm ra đáng tin hơn.

“Tôi hãy còn trong những ngày tháng ngu ngơ vô ý thức”, bà Nhu trầm ngâm với tôi về người phụ nữ đã từng là bà vào một ngày tháng Mười Hai, 1946. Ở tuổi hai mươi hai, bà đã làm mẹ khi vẫn là một cô dâu rất trẻ. Sau đám cưới ở Hà Nội vào năm 1943, bà Nhu theo chồng về nhà ông ở thành phố Huế. Truyện cổ tích kể rằng thành phố này đã mọc lên từ một hoa sen giữa bùn. Lịch sử thay vì vậy ghi công trạng sáng lập nên kinh đô Việt Nam năm 1802 cho một trong những tổ tiên của bà Nhu, Hoàng đế Gia Long. Cách biển Đông ở miền Trung đất nước bảy trăm cây số về phía tây nam, thành phố là trung tâm của trí tuệ và tinh thần Việt Nam. Ngôi biệt thự hai tầng nhà ông Nhu thuê từ một thành viên khác trong gia đình nằm lừng lững giữa khu hiện đại của Huế. Nó án ngữ một góc của cái từng được mệnh danh là Khu tam giác, một cộng đồng dân cư và kinh doanh sầm uất được gọi tên theo hình thù bất quy cách của nó, giáp con kênh ở một mặt và mặt còn lại là cổng Phát Lát.

Từ những ô cửa sổ nhà mình, bà Nhu có một tầm nhìn hoàn hảo về cố đô. Về phía bắc, khung cảnh buổi sáng tháng Mười Hai lạnh lẽo trông như mọi ngày bất kỳ khác. Ngọn cờ trên tháp bay phất phới. Những bức tường của ngôi cổ thành vẫn đứng lừng lững. Chín khẩu thần công, biểu tượng sự bảo vệ thần kỳ của thành phố Huế, hoàn toàn không chĩa vào đâu cả. Những giọt sương đọng trên lớp thép lạnh của chúng.

Nhưng mặt phía nam của cầu Clémenceau thì yên tĩnh một cách kỳ lạ. Những ngõ nhỏ quanh co vắng lặng. Vào thời điểm này của buổi sáng, lẽ ra đã có một nhịp điệu rộn ràng đều đặn những chiếc xe đẩy và người người qua lại. Không con thuyền nào lênh đênh trên dòng kênh An Cựu, không có tiếng rao của những người bán hàng rong, và không có làn khói từ ngọn lửa nấu nướng bập bùng trên những ngôi nhà gỗ thấp lè tè chạy dài đến hết ranh giới thành phố. Những cánh cửa sổ đóng kín im ỉm - như để chở che tất cả những người ở đằng sau chúng.

Khuya đêm trước, tiếng ầm ầm đằng xa vang vọng khắp thành phố trong nhiều ngày đã biến thành những cơn sóng gầm đinh tai nhức óc làm lung lay dữ dội những ô kính cửa sổ. Bà Nhu khi đó biết rằng họ đã làm ngơ lệnh tản cư của các quan chức thành phố bấy lâu. Nhưng về việc ai đang đánh nhau ngoài những đường phố kia, “On l’ignorait” - không ai biết cả.

Người Việt Nam vẫn đang chao đảo bởi tất cả những cú sốc mà đất nước họ đã trải qua trong năm cuối cùng của Thế chiến thứ hai. Do nhu cầu về lao động không thể thỏa mãn và sự đói khát vô độ các nguồn nguyên liệu thô, người Nhật đã áp đặt chế độ trưng thu lương thực với cường độ gấp hai hoặc ba lần người Pháp, hủy hoại nguồn nhân lực và tài nguyên vùng nông thôn. Những nông dân sắp chết đói ăn cả vốn liếng hạt giống, có nghĩa là họ sẽ gieo trồng ít hạt hơn. Sản lượng lúa sa sút do thời tiết đặc biệt tồi tệ, và một trận đói khủng khiếp đã ập xuống miền Bắc Việt Nam năm 1945. Ở các vùng đô thị, người ta có thẻ phân phối; ở nông thôn, mọi người bị cắt khẩu phần và bỏ mặc cho chết đói. Hàng hàng lớp lớp những thây ma biết đi tràn vào các thành phố. Trước hết là đàn ông; lê lết theo sau họ là những phụ nữ quắt queo, những đứa trẻ bụng to và những người già đôi chân khẳng khiu. Những cánh đồng mà họ đi qua vắng lặng đìu hiu. Ngay cả chim chóc cũng không thể sống sót - nạn đói đã phá hủy chuỗi lương thực ở mọi cấp. Những kẻ chết đói bươi đào bọ và dế để bổ sung chất đạm. Họ ăn cỏ, lá và thậm chí cả vỏ cây cũng không từ. Mỗi ngày, hàng trăm tử thi, những người chết đói nằm bên vệ đường, được gom lại để tiêu hủy. Các sử gia ước tính nạn đói khủng khiếp này đã cướp đi trên hai triệu sinh mạng.

Những người Việt mà ban đầu bị khước từ bởi mối liên hệ mật thiết với Đảng Cộng sản Đông Dương giờ đây đã được Việt Minh lôi kéo. Không có ai khác - dù là người Pháp, chính quyền “độc lập” do Nhật dựng lên, và tất nhiên không phải là người Nhật - làm bất kỳ điều gì để giảm nhẹ nỗi đau đớn và thống khổ ở vùng nông thôn. Bà Nhu hầu như không nhận ra điều đó từ chiếc kén êm ấm của mình. Chính Việt Minh là những người đã ra sức làm khuây khỏa cơn đói khổ. Mạng lưới của họ giúp mọi người tìm kiếm thức ăn, và nhân lực của họ giúp nông dần trồng trọt lại. Họ được người dân vùng nông thôn toàn tầm toàn ý đi theo vì những hành động của mình.

Lòng trung thành của mọi người đã trở nên có ích sau sự bại trận của Nhật Bản vào cuối Thế chiến thứ hai, khi Việt Nam bỗng nhiên thấy mình ở trong một tình trạng trống rỗng chính trị. Người Pháp cho rằng họ có thể quay lại để tái chiếm thuộc địa và rằng họ sẽ được chào đón bằng những vòng tay rộng mở, nhưng họ đã lầm. Nhiều gia đình trước kia dưới sự khống chế của người Pháp, như gia đình ông Chương, đã cộng tác với người Nhật. Họ không muốn thấy người Pháp quay trở lại. Người Nhật đã treo lời hứa tự do trước mặt họ, và không có gì ngạc nhiên là họ không muốn đất nước này biến thành một thuộc địa Pháp. Nhưng những người giàu có như gia đình ông Chương không thích cái phương án thay thế mà Việt Minh đưa ra. Những chủ để đấu tranh giai cấp và phân phối lại tài sản của người Cộng sản đe dọa sự sung túc và an toàn của họ. Lãnh tụ của Việt Minh, cũng là người sáng lập Đảng Cộng sản Đông Dương, cuối cùng đã bước ra khỏi bóng tối. Vào ngày 2 tháng Chín năm 1945, Hồ Chí Minh tuyên bố nền độc lập của Việt Nam. Ông đã sẵn sàng chiến đấu với người Pháp vì đất nước, và bỗng nhiên giai đoạn hậu chiến ở Đông Dương đã chuyển biến thành một phen hỗn loạn chính trị. Việc ai là người nắm quyền khu vực nào thay đổi từ ngày này qua ngày khác, tỉnh này qua tỉnh khác. Mối ưu tư thực tế nhất với một người bàng quan như bà Nhu là sống còn.

Vào buổi sáng tháng Mười Hai lạnh lẽo năm 1946 đó, bà Nhu không còn biết ai đánh đấm với ai nữa, nhưng những phụ nữ và trẻ con tụ tập trong phòng khách của bà đã đứng khá xa những cánh cửa sổ để cho an toàn. Họ gồm năm người cả thảy: Bà Nhu với con gái mới sinh, Lệ Thủy, mẹ chồng, em chồng bà, và một cháu gái. Chính là lỗi của em chồng bà, Hoàng, mà họ rốt cuộc còn nấn ná ở đó. Đó là ngôi nhà của cô, mặc dù cô sống, không mấy hạnh phúc, với chồng, ông Ẩm, và gia đình anh ta ở bên kia thành phố. Ngôi nhà là một vật bảo hiểm đối với Hoàng trong trường hợp có những chuyện bất trắc xảy đến cho cuộc hôn nhân của cô. Cô không đành lòng bỏ lại món tài sản duy nhất đó của mình. Để có thêm thu nhập, cô đã cho anh trai và cô dâu mới của anh thuê, và vị thế của bà Nhu trong gia đình, với tư cách người vợ và chị dâu trẻ nhất từ một gia đình quý tộc khá tai tiếng, đã buộc bà chấp nhận mọi sự an bài và giữ mồm giữ miệng.

Bà Nhu tự trách mình đã ngây thơ, điều mà bà gọi là “gần như ngu xuẩn”. Bất chấp sự kiện rằng bà hẳn đã vô cùng khiếp sợ, khi bà kể cho tôi nghe về điều đó qua điện thoại hơn sáu mươi năm sau, bà đã tỏ ra cực kỳ ít khoan dung với bản thân mình. Tôi kinh ngạc bởi sự sắc sảo gay gắt lẫn trong giọng nói bà khi những ký ức ngày xưa trở lại một cách dữ dội.

Thay vì đến trú ẩn chỗ các linh mục Dòng Tên ở phía dưới đường, Hoàng đã thuyết phục người mẹ già nua rằng để cho an toàn thì đừng ra khỏi nhà. Người Pháp có thể trưng dụng nó nếu họ nghĩ nó đã bị bỏ hoang, và thậm chí còn có thể tai hại hơn nếu nó rơi vào tay người Cộng sản. Bà Nhu đã không thể cãi lại mẹ chồng, vì vậy những người phụ nữ đã tranh thủ sự giúp đỡ của người làm vườn để dồn những đồ đạc nặng nhất vào giữa phòng khách và chất đống chăn ga gối nệm lại. Họ trải qua một đêm với những tiếng nổ mỗi lúc mỗi đến gần nơi trú ẩn tạm thời của mình hơn, co rúc vào nhau và cầu xin ơn trên cho được an toàn. Họ vẫn túm tụm vào nhau, tự hỏi nên làm gì với chính mình trong cái tĩnh lặng bất chợt của buổi sáng, khi những người đàn ông xông vào phòng.

Họ là những người lính Việt Minh. Không có biểu hiệu nào phân biệt họ, nhưng những mảnh vải đay chắp vá thành những bộ đồng phục đã tiết lộ về họ. Chân họ không mang gì ngoài những mẩu cao su buộc lại thành hình dáng chiếc xăng đan. Họ mang dao rựa và súng trường, được qua loa trang bị lại từ một cuộc chiến khác. Những người lính thực dân Pháp đã dùng cùng những vũ khí này chống lại những chiến binh cha ông họ để cho người bản xứ thấy ai là kẻ nắm quyền.

Việt Minh còn hơn cả một phong trào dân tộc chủ nghĩa đơn thuần, và bà Nhu biết điều đó. Là lực lượng quân sự của Đảng Cộng sản Đông Dương, các thành viên đã tiến hành những cuộc tổng khởi nghĩa ở khắp mọi nơi trong cả nước. Chồng bà Nhu đã trốn trên lầu nhà bà Hoàng khi họ đến tìm ông. Đích thân bà Nhu ra mở cửa và nói dối một cách bình tĩnh trước mặt những người lính. Sau đó, bản thân bà còn thấy kinh ngạc với khả năng phỉnh phờ một cách lạnh lùng đến vậy, bà đã mời viên thủ lĩnh vào trong đợi chồng bà. Ông Nhu đã chuồn ra ngoài trong bóng tối và trốn tránh trong hầu hết thời gian sau đó. Vào một trong những cuộc viếng thăm vợ hiếm hoi và bí mật của ông Nhu trong năm trước đó, con gái của họ, Lệ Thủy, đã thành hình. Ngoài những khoảnh khắc thân mật vội vã, bà Nhu không hề hay biết chồng đang ở đâu. Vào tháng Mười Hai, 1946, bà thậm chí còn không biết liệu ông còn sống hay đã chết.

Giờ đây bọn họ đã đến tìm bà. Bà Nhu ước giá bà có thể tan biến được. Là con gái được nuông chiều của một chính quyền bù nhìn thời thực dân, là công chúa hoàng tộc và là người vợ mới thích chưng diện trong gia tộc họ Ngô đang ngồi thù lù trong ngôi nhà lớn bên bờ sông An Cựu, bà Nhu biết rằng làm ra vẻ nhún nhường và sợ sệt là cách phòng vệ tốt nhất cho bà. Bà ôm chặt đứa bé hơn và giữ ánh mắt nhìn xuống.

Họ trông như bọn người tiền sử đối với bà Nhu. Bà chỉ vừa vặn hiểu điều họ nói với bà, còn những gì họ nói với nhau bà đành chịu thua. Cái giọng không âm sắc của những người bình dân ở miền Trung đã tiếp tục lẩn tránh bà, mặc dù bà đã từng sống ở Huế ba năm. So với sự lên bổng xuống trầm rõ rệt phân biệt từng từ của những người ở các vùng khác hay so với người miền Bắc có giáo dục, những tiếng oang oang không thăng giáng, ầm ĩ của những người này như thứ ngôn ngữ nơi hoang dã. Con chó của bà Nhu rên ư ử một cách tội nghiệp từ một phòng khác. Quito, một con chó chăn cừu giống Đức, là con vật to lớn và trung thành. Sau khi chồng ra đi để lại bà một mình, con chó đã giữ bà an toàn khỏi đám lính Trung Hoa Quốc dân đảng đóng trong thành phố sau tháng Chín năm 1945. Họ đã bất ngờ ập vào thành phố như một bầy châu chấu.(1) Khi một đám hỗn tạp trong bọn họ quyết định trú chân nơi vườn nhà bà, bà Nhu, đầu bếp, và người quản gia đã cố đuổi họ đi bằng cách tạo ra một cuộc náo động ầm ĩ với nồi niêu chai lọ khua loảng xoảng cùng tiếng la hét. Những gã này chẳng hề nhúc nhích - họ nào phải lũ chuột đồng. Họ thấy rằng bà Nhu đang mang thai, chồng bà ở đâu không ai biết, và bạn đồng hành duy nhất của bà trong ngôi nhà lớn bên bờ sông này chỉ có hai người hầu gái già. Đội quân rách mướp tả tơi, mệt mỏi bởi chiến tranh và đói khát cái ăn, sự ấm áp và những tiện nghi gia đình, bắt đầu nghĩ rằng họ sẽ thoải mái hơn bên trong ngôi nhà. Bà Nhu trông có vẻ khá yếu ớt đang đứng một mình tại khung cửa sổ, đang nắm giữ một cái gì đó đằng sau cái bụng tròn của mình, nhưng bỗng họ thấy đó là cái gì. Bà đang nắm sợi dây buộc lỏng lẻo quanh cổ một con chó. Bộ dạng con chó rất ngầu với hai hàm răng nhe ra và đôi tai cụp rủ xuống đầu. Lời đe dọa có kết quả, sau đó họ đã để bà được yên, một sự may mắn mà bà không thể không cảm ơn con thú yêu dấu, hay gầm gừ của mình.

Sáng nay, nó đã không có một cơ hội nào để bảo vệ chủ của mình. Bà đã nhốt con chó ở một phòng khác suốt đêm. Đó là một sai lầm ngu ngốc.

Đó là một nhạc khí tao nhã mà bà Nhu đã cố đưa ra khỏi nhà, cùng với vài món đồ gia truyền bằng sơn mài và bạc đắt giá mà bà đã nhờ các cha Dòng Tên cất giữ trong tu viện của họ phòng hờ một chuyện như thế này xảy ra. Nhưng cây đàn đã bị kẹt chặt ở cửa ra vào. Những người lính vây quanh nó, miết những bàn tay lên lớp gỗ bóng loáng, nhưng không phải vì một sự ngưỡng mộ đặc biệt nào. Mồ hôi của họ hằn thành một đường lằn nhớp nháp hình cầu vồng, bụi và cáu ghét làm trầy xước lớp sơn phủ, và việc chạm vào những dây đàn, xét đến sự khó khăn để giữ tông cho chúng ở miền nhiệt đới, lại là trong thời chiến, theo lẽ thường là một sự xúc phạm không thể tả xiết. Những ngón tay chai sần đang tìm kiếm một cái gì đó khi chúng dò dẫm dưới thùng đàn và lục lọi vào trong. Những người lính đang tìm kiếm một thiết bị liên lạc giấu kín. Họ dường như nghĩ rằng cây đàn piano, với tất cả những sợi dây đàn, là một loại máy điện báo nào đó.

“Chúng thậm chí không biết một cây grand piano là gì!” Nhưng thật ra bà Nhu không chứng kiến họ nhồi thuốc nổ vào hốc đàn, và có khả năng nó đã nổ tung vì một cái gì đó khác. Bộ khung gang của cây đàn grand piano có thể đã bị tổn thương trong nỗ lực vội vàng để di chuyển nó. Nếu bộ khung đã bị nứt hoặc suy yếu, hàng tấn áp lực giữ căng những sợi dây có thể đã bị giải phóng trong một tiếng nổ ghê gớm. Vụ nổ đã khoét một lỗ lớn xuyên qua mặt chính diện ngôi nhà. Có lẽ những người lính đã biết chính xác cây đàn piano là gì ngay từ đầu, và việc cho nổ tung nó thể hiện sự trả thù của họ cho sự suy đồi tư sản.

Giữa đống đổ nát, bà Nhu thu vén những gì có thể cho em bé Lệ Thủy: chăn mền và tã lót, quần áo thay, và một giỏ lớn để đựng tất cả. Sau đó, trước khi bị ép ra khỏi nhà, bà kịp mặc vào một chiếc áo choàng, một chiếc áo rơđanhgôt len, hơi giống chiếc áo đuôi én vốn thít lại ở chỗ thắt lưng với những chiết ly và nếp gấp. Nó từng là mốt được ưa chuộng ở Âu châu, một sự xa hoa không thể tưởng tượng trong những năm sau cùng của chiến tranh và đói kém. Đó là chiếc áo ấm nhất mà bà có. Khí hậu nhiệt đới bao phủ góc trời này của vùng Đông Nam Á đến mười tháng trong năm, nhưng tháng Mười Hai ở miền Trung Việt Nam được dự báo là ẩm thấp và lạnh lẽo - những điều kiện sẽ chỉ càng thêm tồi tệ khi bà đi xa khỏi nhà.

Bà bị lùa ra khỏi thành phố dưới bầu trời xám ngắt màu nòng súng, hòa vào dòng người lũ lượt đổ xuống đường, hướng đến vùng nội địa xa thành phố Huế. Họ hầu hết là phụ nữ, trẻ em, và người già. Những chiếc giỏ lắc lư như những vật nổi lềnh bềnh trên biển, đung đưa trên vai những phụ nữ dùng đòn gánh truyền thống, chiếc sào dài treo thăng bằng một chiếc giỏ ở mỗi đầu. Hình ảnh gợi sự liên tưởng đến đường nét dài và hẹp của đất nước. Những chiếc giỏ đầy ở mỗi đầu đòn gánh tượng trưng cho những vùng châu thổ phì nhiêu, sông Hồng của Bắc Kỳ ở phía bắc và sông Mê Kông của Nam Kỳ ở phía nam. Khu vực ở giữa, chiếc đòn gánh dài cứng rắn làm xước da lưng người chưa quen việc, là vùng đầy núi non và khá cằn cỗi ở miền Trung đất nước, vùng mà những kẻ lánh nạn giờ đây nặng nhọc lê bước qua.

Những con đường cắt ngang qua những cánh đồng ngập lụt như một vết thương đỏ lói sâu hoắm. Chúng ngập ngụa đất sét và hôi thối mùi phân những con trâu ngụp lặn trong các cánh đồng. Con đường trở nên quá nguy hiểm ngay khi những tháp bê tông hiện ra trong tầm mắt. Quân đội Pháp đã xây dựng các tháp canh này dọc theo những con đường nông thôn để theo dõi động tĩnh của quân Việt Minh, vì vậy tù nhân phải đi băng qua những cánh đồng lúa. Họ dồn thành hàng một trên những con mương hẹp. Để tránh cho đôi giày duy nhất bị lún trong bùn, bà Nhu đã phải dò dẫm từng bước một cách kỹ càng. Một tay bế con gái và tay còn lại xách mớ đồ em bé, đó là công việc hết sức nhọc nhằn. Bà đã cố rảo bước theo cô em chồng và đứa cháu gái; mẹ chồng bà, mỏng manh yếu ớt, được người làm vườn cõng trên lưng và hơi chùn lại phía sau. Xung quanh họ, những cây lúa dập dềnh như những làn sóng. Một đại dương mênh mông màu ngọc lục bảo đã bị chặn đứng bởi những tấm bia đá cẩm thạch màu trắng - những nấm mồ cổ xưa đứng đó như một lời nhắc nhở liên tục về cái chết có thể lẩn lút đâu đó không xa.

Hết ruộng lúa, đoàn người gồm những phụ nữ và những người lính canh đã phải quay trở lại đường lộ. Họ đang tiến về phía cây cầu thì một tiếng nổ chát chúa xé toang không gian. “Nằm xuống!” Những người lính sấp mặt xuống vệ đường, sỏi đá bắn tung tóe khi những người phụ nữ nhanh chân nhất lao xuống một bờ đê. Số khác lao theo, những mái đầu chúi nhủi dưới đất, hai khuỷu tay áp chặt quanh tai, những chiếc giỏ bỏ chỏng chơ bên đường. Con đường dẫn đến chiếc cầu đột ngột trống trơn ngoại trừ bà Nhu và đứa bé bà ôm trong tay.

Bà Nhu biết rằng những thi thể bị phân hủy đã trôi dạt vào những chiếc cọc và trụ đá. Bà đã đến gần những chiếc cầu như thế này một lần trước kia và đã nghe người ta mô tả cảnh tượng này một cách rùng rợn. Từ nơi bà đứng, bà dường như có thể ngửi thấy mùi thối rữa. Bị giết bởi Việt Minh hay chết kẹt giữa hai lằn đạn giao tranh, có gì khác nhau đâu? Những thi thể của những chiến binh đã ngã xuống vốn quá nghèo hoặc quá xa nhà để được chôn cất tử tế. Những tử thi sưng phồng của những kẻ bất hạnh vô danh đang mục nát và rỉ huyết dịch vào chính chỗ nước nông mà người ta đang kêu bà ẩn núp vào.

Bà Nhu chẳng thể nào nhúc nhích. Thật là quá khủng khiếp. Trời đã bắt đầu mưa, nhưng bà đứng chôn chân giữa con đường đất đỏ và ôm đứa bé chặt hơn trong tay. Bà sẽ không ẩn núp giữa những xác chết như những người khác; bà chỉ chịu nằm lại đó giữa họ khi bà chỉ còn là một tử thi mà thôi. Đó là lần đầu tiên bà Nhu chứng kiến trực tiếp cái hiện thực tàn khốc đã phủ vây quê hương bà trong vài năm qua, cùng những năm bà đã sống như một cô dâu mới, một người vợ và người mẹ trẻ, cách biệt những mưu toan chính trị. Bà đã dọn vào ngôi nhà xinh đẹp của Hoàng. Bà có những người hầu, bao gồm một đầu bếp, một người làm vườn, và một vú em cho đứa bé, để chăm lo công việc nội trợ thay bà. Thời gian rảnh rỗi, bà Nhu chơi đàn tranh, một nhạc khí tao nhã tương tự như đàn luýt vậy. Bà cũng tận hưởng thú vui được chở đi quanh thành phố bằng chiếc xích lô mà bà đã mang đến Huế bằng tàu lửa sau ngày cưới. Bà khoe khoang rằng những tiện nghi miền Bắc đáng thèm muốn đến độ mọi người hay dừng lại và nhìn đăm đăm khi hàng ngày bà đi qua dọc hai bên bờ sông An Cựu đến ăn tối với mẹ chồng. Nhưng bà không bao giờ dám chắc liệu cái nhìn chòng chọc đó là vì ngưỡng mộ hay vì một ác ý nào đó. Giờ đây tất cả những sự xa hoa đó đã qua rồi.

Bây giờ thì bà, đang đứng trong mưa, cái chết rập rình tứ phía. Đó là một khung cảnh nhiều màu sắc biến ảo khốc liệt. Nếu bà trụ lại trên đường để băng qua cầu, bà tự hỏi, ai là người sẽ đuổi theo bà? Những người bắt giữ bà hay bất kỳ kẻ nào đó đang bắn vào họ? Bà nghi ngờ việc họ có đủ gan dạ, hay ngu ngốc để mạo hiểm không. Bà Nhu cảm thấy tự do. Bà đã mệt mỏi với việc bám víu vào những kỳ vọng vô nghĩa. Đôi vai bà thật sự nhức nhối vì tất cả những bước đi lom khom để tới gần hơn cái chỗ mà bà nghĩ mình phải tới. Bà đứng thẳng dậy và nhìn vào làn sương mù phía trước.

Chuyện gì sẽ đến tiếp theo bà không biết, nhưng bà sẽ nhìn trực diện vào nó, và bà sẽ mở ra con đường cho mình. Bà Nhu tin rằng trong khoảnh khắc đó, giữa cơn mưa, vây quanh bởi cảnh tàn phá điêu linh nhưng kỳ lạ thay không động chạm gì đến bà, bà bắt đầu hiểu ra nhiều điều. Bà sẽ không giẫm chân vào rác rưởi và mục nát; bà sẽ giữ vững vị trí của mình trên mặt đất cao.

Bà Nhu vén vạt áo choàng lên. Nó đủ dài để che phủ đầu đứa bé, làm thành một tấm chắn bảo vệ khỏi màn mưa đang rơi nặng hạt và lạnh giá. Lệ Thủy nghĩ đó là một cuộc chơi trốn tìm và ló mặt ra ngoài, thích thú cười rúc rích. Khi bà Nhu cố che lại vạt áo, đứa bé chỉ càng cười nhiều hơn nữa. Những tiếng cười vui đã thoát ra từ nếp gấp bằng len của áo khoác bà Nhu. Âm thanh của sự hân hoan vang lên trên chiến địa khi người mẹ và con gái bắt đầu vượt qua những thanh rầm gỗ lung lay của chiếc cầu.

Đó hẳn là một hình ảnh dị thường, song bà Nhu không phải là người đầu tiên băng qua vùng chiến địa với một em bé trong tay. Người Việt Nam có cả một kho tàng huyền sử kể về những người mẹ cao quý và anh hùng. Người ta kể rằng một trong những vị vua huyền thoại của Việt Nam, Lê Lợi, đã được giấu trong vạt áo của mẹ ông và nhờ đó thoát khỏi bàn tay của những kẻ xâm lược nhà Minh. Thần thoại về người mẹ gắn liền với câu chuyện sáng tạo của dân tộc Việt, tình thương và lòng tận tụy của người mẹ đã được công nhận là những nét phẩm hạnh phi thường của các nữ nhân vật Việt Nam. Người Cộng sản ắt hẳn đã rất thành công trong việc đúc kết sự hy sinh của người mẹ và lòng yêu nước vào cuộc tuyên truyền cách mạng của họ, nhưng bà Nhu cũng đã cố gắng, trong suốt những năm trên ghế quyền lực, sử dụng thiên chức làm mẹ như một hình ảnh về sự đạo đức. Vì vậy, tôi phải tự hỏi, phải chăng sự coi trọng hình tượng Quốc Mẫu của người Việt, đã tác động đến cách nhìn của bà Nhu về bản thân mình trong câu chuyện? Dù sao đi nữa, lòng tin vào sự không thể bị đánh bại của bà đã trở thành hiện thực. Việc băng qua cầu một cách táo tợn đã gia tăng niềm tin của bà rằng bà sẽ sống sót qua thử thách này và bất kỳ thử thách nào khác có thể đến.

Bà Nhu gặp lại nhóm người ở bên kia cầu. Đang khi những phụ nữ khác chờ cho khói lửa tan đi, sau đó theo bước những người lính bằng cách lội xuôi dòng ở phía xa hơn để vượt sông, bà Nhu đã có thời giờ nghỉ ngơi trước khi tiếp tục cuộc hành quân. Có lẽ bà đã không nghĩ tới việc chạy trốn vì chẳng có nơi nào để mà đi. Những cánh đồng phù sa ngập nước đã nhường chỗ cho địa hình lổn nhổn đá. Vào khoảng 5 giờ chiều, những người lính ra lệnh cho dòng người gồm những phụ nữ và trẻ em loạng choạng dừng lại. Bóng tối cuối cùng đã bủa vây quá dày đặc để có thể len lỏi qua những lối đi quanh co rậm rạp cây cối. Không có một nơi ẩn náu nào ngoại trừ những cành cây lơ lửng trên đầu. Mỗi người được phát cho một nắm cơm khô nguội ngắt, không hơn một nắm tay. Đó là một ngày dài không thể tưởng tượng. Nếu họ đi theo đường chính, bà Nhu chắc chắn rằng họ đã có thể đến đây trong phân nửa thời gian. Nhưng họ đã đi lạc vào một thế giới mới. Bà Nhu đã bừng tỉnh dậy để chứng kiến sự kết thúc của cái lối sống duy nhất bà từng biết và lê bước nặng nhọc qua bóng tối không cùng chỉ để lạc lõng chơi vơi giữa một nơi xa lạ.

Vậy mà, ngay đêm đó, bà Nhu đã cảm thấy tinh thần phấn chấn trở lại. Những tù nhân được lệnh tự thu xếp thành một hàng ngay ngắn; họ được đếm theo đầu người, và cuối cùng đã được phép nằm xuống. Chiếc áo khoác bà Nhu đang mang là vật duy nhất ngăn cách giữa bà và mặt đất ẩm ướt, lạnh lẽo. Bà đã gắng xoay xở đến mức có thể. Bà có lẽ đã trải ngang nó ra, cuộn tròn cả hai mẹ con vào chiều dài chiếc áo len. Họ cứ thế đi vào một giấc ngủ không yên.

Mọi việc có vẻ tốt lên vào buổi sáng. Ban ngày trời không quá ẩm ướt. Có đôi chút dễ chịu khi biết rằng cuộc hành quân sẽ kết thúc trước khi ngày tàn.

Đoàn hành quân đã đến một ngôi nhà nông dân khiêm tốn vào buổi chiều. Bà Nhu chú ý đến một mảnh đất trồng rau và một khu vườn được chăm sóc chu đáo. Một thủ lĩnh Việt Minh xuất hiện, ăn vận lịch sự, theo phong cách Tây phương, chiếc áo len thể thao quấn quanh vai. Tên ông ta là Bảy, từ tiếng Việt chỉ số bảy. Chuyện không có gì lạ khi những đại gia đình Việt Nam thường hay đặt tên con theo thứ tự chào đời của họ. Một trong những điều đầu tiên ông ta làm là tìm kiếm cô dâu trẻ đến từ Huế giữa những tù nhân mới đến. Chỉ thị này là sự lăng mạ không nhỏ đối với những phụ nữ lớn tuổi hơn đi cùng với bà Nhu: ông ta nên tìm mẹ chồng hoặc em chồng bà trước hết mới phải. Thay vì vậy, bà Nhu nhớ lại, ông ta cúi chào và cam đoan với bà rằng ông sẽ làm mọi điều có thể để họ có một chỗ ở tử tế.

Bà Hoàng, em chồng bà Nhu, đã làm gì với sự vi phạm phép xã giao đó? Phải chăng bà đã nghĩ về những tin đồn bà đã nghe thấy? Những mối quan hệ bất chính của mẹ bà Nhu, vốn được thuật lại một cách quá đỗi rõ ràng trong các bức điện ngoại giao của Pháp, ắt hẳn đã được khoác lên những tình tiết tục tĩu dâm ô trong những chuyện ngồi lê đôi mách bên khay trà hoặc quả cau.

Trong một hồi ký được viết nhiều thập kỷ sau, một người bạn của gia đình đã tiêu khiển độc giả bằng một đoạn đối thoại giữa gia đình họ Ngô để lý giải cho sự xung đột nội bộ liên quan đến việc chọn vợ của ông Nhu.

Vị nữ chúa của gia đình, bà Khả, đã cảnh báo con trai bằng một câu tục ngữ cổ xưa: Mua heo chọn nái, xem gái chọn dòng.

“Telle mere, telle fille” (tiếng Pháp: Mẹ nào, con nấy) - Cẩn, em trai ông, đã nói: “Cô ta rồi sẽ giống như mẹ của mình mà thôi”.

Nếu Hoàng từng chất chứa mối hoài nghi nào về bà Nhu, thì nó đã được chứng thực khi ông Bảy thủ lĩnh Việt Minh đã chào bà ấy trước hết và khi bà Hoàng chứng kiến vẻ duyên dáng phóng túng mà chị dâu bà sử dụng để đem về những khẩu phần hậu hĩnh hơn cho nhóm của họ. Tuy nhiên, mối lo âu của bà Hoàng đã dịu bớt, khi bà nhìn thấy căn phòng được dành cho họ. Có một cái giường lớn cho năm người phụ nữ nằm chung. Bà Nhu ắt sẽ không thể dễ dàng lẩn ra ngoài.

Khi nói chuyện về ông Bảy, bà Nhu dùng từ lóng tiếng Pháp chỉ người Cộng sản, gọi ông là một coco. Từ miệng bà lời đó nghe có vẻ gần như ấm áp, và bà Nhu đã trìu mến nhớ về ông Bảy như một trong số ít những người Cộng sản lịch sự nhất bà từng gặp. Ồng gắng hết sức làm cho những kẻ bị giam cầm - bà Nhu, con gái bà, và những thân quyến bên chồng bà - cảm thấy thoải mái, bằng những phương tiện sơ sài có được. Những người phụ nữ nhận được ba bát cơm mỗi ngày và chút ít quà vặt, không kể những khi ông Bảy chiêu đãi món cá mòi và sữa. Năm người họ lưu lại nông trại, chia sẻ một căn phòng và một chiếc giường, trong gần ba tháng. Khi những quả bom Pháp bắt đầu rơi quá gần nông trại, và ông không còn có thể bảo đảm an toàn cho họ, ông Bảy đã thu xếp việc phóng thích bà Nhu cùng gia quyến khi đích thân ký giấy thông hành cho phép họ di chuyển an toàn đến một nhà tu kín. Và nhiều năm sau, khi ông Bảy đã trở thành nhân vật Cộng sản cao cấp nhất vùng Trung Kỳ, ông vẫn giữ cách nói năng lễ độ và không quên hỏi thăm sức khỏe bà Nhu khi những cuộc đàm phán đưa ông tiếp xúc với bất kỷ ai trong chế độ họ Ngô.

Nỗ lực thuật lại những biến cố của rất nhiều năm về trước đã làm bà Nhu cảm thấy mỏi mệt. Đến cuối câu chuyện, tôi có thể nghe thấy sự gắng sức trong giọng nói của bà, theo cái cách mà những câu cuối vụt qua ống nghe như những thân tre khô khốc. Nhưng tôi chưa hoàn toàn sẵn sàng khép lại cuộc nói chuyện. Tôi muốn giữ lại khoảnh khắc này, và tâm trạng sẵn sàng giãi bày tâm sự, lâu hơn một chút nếu có thể. Tôi đưa ra một vài nhận xét vô vị. Giờ đây tôi không nhớ nó là gì vì lẽ tôi quá bận theo dõi câu chuyện và nguệch ngoạc ghi chép những tình tiết chưa từng có mà bà vừa kể cho tôi.

Tôi đã hy vọng về một cú nhấn crescendo theo phong cách Cuốn Theo Chiều Gió để đặt dấu chấm hết cho câu chuyện - giống như khi Scarlett vầy vò nắm đất đỏ, dứ nắm tay lên trời, và thề sẽ không bao giờ phải chịu đói nữa. Bà Nhu đã nhắc tôi nhớ nhiều về Scarlett O’Hara: Cả hai đã được dạy phải chiều chuộng đàn ông, phải trông duyên dáng, và cư xử dịu ngọt, và cả hai đều có một tinh thần bất khuất. Họ đều nóng nảy và ương ngạnh. Họ đều có một trái tim cứng rắn đằng sau lớp vỏ duyên dáng. Những phụ nữ như thế có thể tùy nghi bật tắt vẻ mê hoặc của mình. Họ đã làm những gì họ cảm thấy phải làm để vượt qua những cơn bĩ cực; họ có thể quỷ quyệt và hấp dẫn tùy thời.

Nhưng thay vì chốt hạ với một tính ngữ hay ho như “Ngày mai là một ngày khác” bà Nhu đã trở lại với phong cách cộc lốc tiêu biểu của bà. Cuối cuộc điện thoại, tôi chỉ có thể âm thầm lắc đầu khi bà chuẩn bị nói lời tạm biệt.

“Bon. Alors. C’est tout”. Tốt. Thôi nào. Tất cả là thế. Và ngay trước khi gác máy, bà Nhu nói, “Tôi không bao giờ mặc một cái áo choàng thắt đáy lưng ong kiểu như thế nữa”.

Chú thích:

1. Sau Thế chiến thứ hai, Hiệp ước Potsdam đã đặt những người lính gìn giữ hòa bình Trung Hoa trên lãnh thổ Việt Nam. Việc không cho phép Pháp tái chiếm Đông Dương là một cách nhượng bộ thế giới quan của Mỹ và chứng tỏ sự thiếu kiên nhẫn của Trung Quốc với chủ nghĩa thực dân. Người Trung Quốc tiếp quản tại vĩ tuyến mười sáu nhưng không ở lại Việt Nam lâu; họ còn bận bịu với cuộc chiến tranh của mình. Vì vậy họ ký một thỏa thuận với Pháp cho phép Pháp quay trở lại cựu thuộc địa, đổi lấy việc Pháp từ bỏ những khu nhượng địa ở Trung Hoa.