Phong kiếm xuân thu

Hồi 6

Nói về Nhạc Cường đang ngồi nơi soái phủ, bỗng nghe gia tướng báo nói: "Có

thánh chỉ đến". Liền hối dọn bày hương án, vội vàng mặc áo, đội mão, bước ra rước

vào trung đường. Trầm Tưởng đọc thánh chỉ rồi. Nhạc Cường tạ ơn tiếp lấy thánh

chỉ, bèn cùng Trầm Tưởng ra mắt, phân chủ khách mà ngồi, trà nước xong xuôi,

Nhạc Cường nói: "Tôi hằng mang ơn nhà nước, dẫu nát mình cũng không trả đặng,

song tôi còn có chút mẹ già, khó vâng theo lời chỉ dạy".

Trầm Tưởng nói: "Nguyên soái phân như vậy, chẳng là sai rồi, sách có nói rằng:

Vua lo thì tôi nhục, vua nhục thì tôi thác; hễ làm đấng nhơn thần, mà chẳng khứng

cùng nước nhà chia lo, ấy là người bất trung". Hai người đang nghị luận, gia đinh

bẩm rằng: "Có Thái phu nhân ra". Trầm Tưởng day lại, thấy sau bình phong, bước ra

một người, đầu bạc như sương, có vài đứa tỳ nữ theo phò, ra đến trung đường, liền

vội vàng đứng dậy làm lễ.Thái phu nhân mời Trầm Tưởng ngồi, còn Nhạc Cường thì

đứng hầu một bên, Thái phu nhân hỏi: "Chẳng hay thánh thượng có việc chi, đòi con

tôi vào triều?"

Trầm Tưởng nghe hỏi, bèn đem việc binh Tần đánh phá ải Giới Bài cha con

Tôn Tháo bị từ trận, nay binh Tần phủ vây thành Dịch Châu, nội triều không ai dám

cự, thuật hết cho Thái phu nhân nghe. Thái phu nhân nói với Nhạc Cường rằng: "Con

chớ tưởng việc mẹ già mà lo lắng, vốn họ Nhạc ta cả đời mang ơn nước há để vậy

ngồi mà ngó sao? Xưa nay hễ tận trung, thì không tận hiếu, thà làm tôi trung thần,

ấy cũng là tận hiếu đó, con phải mau theo đại phu vào triều, ra mắt thánh thượng,

lãnh binh lui giặc, ấy là cái may của xã tắc nhân dân, thì mẹ cũng đặng vinh hoa,

con hãy sắm sửa đi cho mau".

Nhạc Cường bẩm rằng: "Không phải con chẳng muốn hết lòng trung, đền ơn

nước nhà, song mẹ tuổi cao tác lớn, vả chăng việc binh đao là nơi hiểmđịa, vì vậy

nên con không muốn ra trận". Thái phu nhân nạt rằng: "Mi chớ nói bậy, hãy theo

Trầm đại phu vào triều cho chóng, nếu mi còn lưu luyến thân già, thì ta quyết chết

trước mắt mi, cho khỏi lòng bịn rịn".

Nói rồi đứng dậy, vừa bước xuống thềm, đập đầu tự vận. Nhạc cường thất kinh

quỳ xuống đất, bẩm rằng: "Mẫu thân xin bớt cơn giận dỗi, để cho con ra dẹp giặc".

Thái phu nhân nghe nói rất mừng mà rằng: "Nếu đặng vậy thì mới phải là con nhà

họ Nhạc ta". Rồi bà kiếu Trầm Tường trở vào hậu dinh, Trầm Tường cũng từ giã về

trào phụng mạng. Nhạc Cường đưa Trầm Tường ra phủ, liền dạy gia tướng thắng

ngựa tuốt xuống hậu đường, lạy từ mẫu thân và từ biệt vợ con, dẫn ít tên gia tướng

thẳng tới Ngọ môn. Lúc ấy Chiêu Vương lâm triều. Huỳnh môn quan tâu rằng: "Có

Nhạc Cường đến, còn ở ngoài ngọ môn hầu chỉ". Chiêu Vương truyền lệnh mời vào.

Chiêu Vương truyền cho ngồi, mà nói rằng: "Trẫm chẳng may bị binh Tần vây

khốn, cha con Tôn đô úy đều thác hết, khi hôm Tôn Yên lại qua Lâm Tri cầu cứu,

tuy có bắn tên lửa làm hiệu lịnh, song cả đêm đèn đuốc sáng trời, tiếng quân la dậy,

bây giờ không biết chiết sống thế nào, nên mời khanh vào triều lãnh mạng soái ấn,

dẹp lui binh Tần, ấy là cái may của nước nhà đó". Nhạc Cường vội vàng đứng dậy,

tâu rằng: "Xin bệ hạ cho tôi bói một quẻ, thì rõ việc Tôn tướng quân thế nào?"

Chiêu Vương cả mừng khấn vái. Nhạc Cường bói một quẻ, coi rồi tâu rằng: "Tôn

tướng quân đã ra khỏi trùng vây, qua Đông Tề cầu cứu rồi. Nghe xong vương cả

mừng, liền sai người đến phủ Đô úy báo tin, đặng cho an lòng Yên Đơn công chúa,

rồi nói với Nhạc Cường rằng: "Nếu quẻ bói của khanh quả có ứng nghiệm, thiệt

cũng rất may cho trẫm". Bèn truyền chỉ về bày yến cùng Nhạc Cường ăn mừng.

Nói về Kim Tử Lăng, ngày thứ lên trướng, chúng tướng ra mắt, Tử Lăng nói:

"Khi hôm Tôn Yên tuy thoát khỏi lưới rập, song bây giờ trong thành nó không người

ngăn cự, vậy có vị tướng quân nào dám ra đánh chăng?" Nói chưa dứt lời, bỗng thấy

Vương Tiễn bước ra xin đi. Tử Lăng rất mừng dạy Vương Tiễn dẫn năm trăm binh ra

dinh khiêu chiến. Vương Tiễn lãnh lệnh, kéo binh tới Dịch châu thành kêu đánh,

Khuất Sảng liền sai quân vào triều tâu cùng Thánh thượng. Lúc ấy đang tiệc rượu

chưa tan. Nhạc Cường nghe báo, liền đứng dậy tâu rằng: "Tôi tuy bất tài, xin lãnh

binh ra thành đối địch". Chiêu Vương cả mừng, bản thân kính ba chung ngự tửu.

Nhạc Cường uống rồi, tạ ơn, ra đến thành Dịch Châu, phát pháo mở cửa thành, giục

ngưạ xông qua điếu kiều, xem thấy một tướng dừng ngựa, cầm mâu, mặt mày đen

hắc, Vương Tiễn nhắm Nhạc Cường một hồi, thấy va anh hùng xuất chúng, tướng

mạo kinh nhơn,mình cỡi ngựa hồng, tay cầm Xáng kim đao, coi rất oai nghiêm, bèn

nạt rằng: "Tướng kia, ngươi có biết sức mạnh Điện Tây hầu là Vương Tiễn chăng?

Hãy thông tên cho ta rồi chịu chết".

Nhạc Cường nói rằng: "Vậy mi là Vương Tiễn đó sao? Mi chẳng biết ta là con

Kim Thai đại nguyên soái, nay ta nối chức cha làm Nguyên soái, tên Nhạc Cường,

mi có tài sức bao nhiêu, hòng dám lãnh binh mà giao chiến". Vương Tiễn nói: "Té ra

mi là con của Nhạc Nghị, tên Nhạc Cường, ta cũng từng nghe danh, song mi mạnh là

mạnh với nước Yên mà thôi, nếu dám đánh cùng ta bốn mươi hiệp thì ta cho mi là

hảo hán".

Nhạc Cường nổi giận, hươi đao nhắm ngay đầu chém xuống. Vương Tiễn vội

vàng rước đánh, đánh đến năm mươi hiệp, Nhạc Cường nghĩ thầm rằng: "Thằng

Vương Tiễn này thương mã thuần thục, quả là một tên dõng tướng, vả lại thường

nghe người nói, học với tiên nhân, có bửu kiếm giết người, nếu ta lấy sức mạnh mà

đánh, thì ắt không hơn nó được, chi bằng ta xuống tay trước thì xong". Nghĩ rồi chém

bậy một đao, quay ngựa bỏ chạy. Vương Tiễn giục ngựa rượt theo, Nhạc Cường quay

đầu ngó lại thấy rất mừng, liền giắt Kim đao, thò tay trong cẩm nang, lấy thần sa

(thần sa là cát thần), miệng niệm lâm râm, nhắm ngay mặt Vương Tiễn vãi ra.

Vương Tiễn thấy một vầng mây đỏ bay đến rất mau, tránh không kịp, bị thần sa

đánh nhằm mặt, choáng váng gần té, liền quay ngựa bỏ chạy. Nhạc Cường thấy thần

Sa đánh Vương Tiễn không rớt xuống ngựa, thì giận lắm, nạt rằng: "Vương Tiễn mi

chạy đâu". Liền giục ngựa đuổi nà theo. Lúc ấy Vương Tiễn tuy bị Thần sa đánh

choáng váng, song trong lòng còn tỉnh, nghe sau lưng có tiếng lạc ngựa reo vang, thì

biết là Nhạc Cường rượt theo, bèn lén lấy ra một ngọn bửu kiếm, liệng giữa thinh

không, bay theo Nhạc Cường, nhắm ngay đầu rớt xuống, bên kia Nhạc Cường đang

rượt theo Vương Tiễn đâu có mà rõ được, liền bị bửu kiếm chém nhào xuống ngựa.

Thương thay:

Những tưởng trong nhà xưng con hiếu.

Nào hay ngoài ải đấng trung thần.

Khi ấy gia tướng Nhạc Cường, thấy chủ mình rớt xuống ngựa, thì hồn vía mất

hết, áp ra một lượt giựt lấy thây, chạy về Dịch Châu. Vương Tiễn bị Thần sa, rồi

cũng thâu binh về dinh. Quân vào báo cho Khuất Sảng hay rằng: "Nhạc Cường tử

trận". Khuất Sảng cả kinh, lật đật sai binh tiếp ứng, đem thây vào thành liền tả bốn

chương, sai người dâng cho Triệu Vương, Triệu Vương xem xong rụng rời, thở dài

nói rằng: "Trời dứt nước Yên ta rồi". Bèn truyền chỉ đem thi hài Nhạc Cường về soái

phủ, dùng theo lễ hầu mai táng.

Nói về Tôn Yên, Ban Báo, hai người từ lúc ra khỏi núi Kinh Kha, đi luôn cả đêm

ngày, đến Đông Tề Lâm Tri, tỏ bày các việc, có quan giữ thành, dẫn hai người vào

đến Ngọ môn hầu chỉ. Ngày ấy Tề Tương Vương lâm triều (Vua này nguyên là con

vua Mẫn Vương, hàm ân là Pháp Chương, bị An Phi làm hại, bỏ nước chạy trốn mấy

năm, may nhờ có Tôn Tẫn phụ giúp, khôi phục giang sơn, mà giết Nhạc Nghị, đến

sau cùng với nước Yên hòa hảo, nay làm vua đã hai mươi năm, trong nước tuy không

được mạnh giàu cho lắm, song lê thứ cũng an cư lạc nghiệp), đang buổi chầu sớm

mai, quan Huỳnh môn vào tâu rằng: "Nước Yên có sai cháu của Nam Quận Vương,

tên là Tôn Yên, đem văn thư đến cầu cứu, còn đứng ngoài Ngọ môn hầu chỉ".

Tương Vương nghe tâu, truyền chỉ cho vào. Tôn Yên vào đến thượng điện, lạy

ra mắt xong rồi bèn rút thư nơi lưng, hai tay dâng lên, nói rằng: "Tôi là Tôn Yên

vâng mệnh chúa tôi, đem thư đến cầu cứu". Tương Vương truyền chỉ cho ngồi, tả hữu

quan tiếp lấy văn thư dâng lên, Tương Vương xem thư, liền biến sắc nói rằng: "Binh

Tần như lang tợ hổ, nay muốn thâu gồm sáu nước, trước phá Dịch Châu, sách có chử

rằng: "Thần vong xỉ hàn (môi mất thì răng phải lạnh) có lẽ nào không phát binh cứu

sao? Song nước Tề ta bị giặc giã mới yên, bây giờ tướng hèn binh yếu, biết làm sao

mà giúp đặng".

Tôn Yên nghe nói, cúi đầu tâu rằng: "Thánh thượng cùng chúa tôi, đồng thề

giao hảo, cơn tai nạn cứu nhau, lúc binh đao hùa giúp, vả chăng chú tôi là Tôn Tẫn,

có công với thánh thượng rất nhiều, nay mẹ Tôn Tẫn đang ở nước Yên, sợ e binh

Tần đánh phá Dịch Châu, thì ắt tánh mạng chẳng toàn, xin thánh thượng rộng lòng

đoái tưởng". Tương Vương nói: "Ngự đệ, trẫm há chẳng biết, mẹ của Á phụ (cũng

như cha đẻ vậy) ở nước Yên sao? Nhưng vì binh hèn tướng yếu gìn giữ trong không

xong rồi, có đâu mà giúp được". Tôn Yên nghe nói, cuối đầu khóc lóc cầu xin.

Tương Vương ngồi trên bửu điện, đang lúc khó nỗi định phân, bỗng thấy trong ban

bước ra một viên đại thần, tâu rằng: "Tôi tuy bất tài, xin lãnh binh đến Dịch Châu

giải vây". Tương Vương xem lại người ấy:

Gót trắng giày thêu tốt lạ lùng,

Lưng mang đai báu ngọc lung linh.

Đầu beo mắt lớn như hung ác,

Râu đỏ mặt chàm rất oai phong.

Tiếng hét nghe vang dường sấm dậy,

Bộ đi mạnh dạn thiệt anh hùng.

Muốn nghe người ấy tên chi đó,

Viên Đạt Toàn Sơn gọi Giả Long.

Biết là Viên Đạt, thì trong lòng chẳng đẹp, nghỉ thầm rằng: "Nay va đòi đi thì

mình làm sao ngăn cản được, vả chăng tánh va như lửa đốt, ưa khen chẳng ưa chê,

nếu ta nói binh Tần mạnh mẽ, Vương Tiễn tài năng, thì chắc là va quyết đi, chớ

chẳng chịu thôi". Ngẫm nghĩ hồi lâu, rồi nói rằng: "Bảo Quốc Công, nay khanh lãnh

binh đến giải vây nước Yên, thì ắt là mã đáo thành công rồi, vả chăng trong nước

được thái bình, cũng nhờ có hoàng huynh oai trấn đất Lâm Tri này, nếu nay hoàng

huynh đem binh đến giải cứu Yên Châu, thoảng như nước Tần hay được, phát binh

tới đánh nước ta, chừng đó trẫm biết dùng ai ra mà đối địch, hoàng huynh hãy tạm

lui, để cho trẫm sai người khác thì xong".

Viên Đạt vội vàng tâu rằng: "Tề với Yên, hai nước vốn kết hòa hảo cùng nhau,

nay nước Yên bị khốn, lý đến cứu cho mau mới phải, vả lại tướng Tần anh hùng

mạnh mẽ, như Chương Hàng, Vương Tiễn, là tướng có danh trên đời, nếu tôi không

đề binh đến đó, để sai người khác, e khi đánh không lại mà phải thua", Tương Vương

nói: "Trẫm dễ chẳng biết sao? Song hoàng huynh tuổi tác già yếu, thoảng có sơ thất

tỷ như cái bình phong trong nước, đã mất rồi thì trẫm biết làm sao? Vậy hoàng huynh

chớ đi thì hay hơn". Viên Đạt nghe mấy lời nói ấy thì râu đỏ, tóc đỏ dựng lên, tâu

rằng: "Tướng Tần tài sức bao nhiêu, tôi há đi sợ nó sao? Nếu bệ hạ chẳng cho đi, thì

tôi nguyện chết nơi dưới thềm".

Bỗng thấy trong ban, bước ra một viên đại thần, tâu rằng: "Bệ hạ sợ Bảo Quốc

Công, tánh tình nóng nảy mà có sa cơ thất thế đi chăng? Vậy tôi là Lý Mục đây, xin

cùng Quốc Công đồng tới Dịch châu giải cứu". Tương Vương thấy Lý Mục thì lòng

thêm bất bình, bèn nghỉ thầm rằng: "Nước Tề ta duy có hai người đó mà thôi, nay lại

xin đi hết song trước mặt Tôn Yên khó bề ngăn trở". Rồi đáp rằng: "Nếu có Hộ

Quốc Công đi cùng Bảo Quốc Công, thì trẫm mới an lòng. Song các việc chi, phải

tiểu tâm cẩn thận, không nên khinh giặc".

Hai người đều tâu rằng: "Chúng tôi xin vâng lời dạy". Tề Vương truyền chỉ

bày yến nơi đại điện, đặng đưa hai vị Quốc Công lên đường, giây phút yến diên donï

ra xong rồi, Viên Đạt cùng Lý Mục, Tôn Yên tạ ơn vào tiệc, đang ăn uống, Tương

Vương xem thấy Tôn Yên dung nghi tuấn nhã, nơi thiên đường (chỗ giữa khoảng

chơn mày) no đủ, địa đốc (dưới cằm) vuông bằng, môi son, răng trắng, tai xuống tới

vai, tay dài khỏi đầu gối, có tướng mạo đế vương, thì hỏi các việc Tôn Yên tuy tuổi

nhỏ, song tánh rất thông minh, hỏi đâu đáp đó, xuôi như nước chảy. Tương

Vươnglòng rất thương mến, tiệc xong rồi, ba người tạ ơn ra khỏi triều. Tương Vương

truyền chỉ cho Binh mã ty, tuyển chọn ba ngàn người ngựa sẵn sàng, rồi lui triều về

cung, lúc ấy mặt trời gần lặn.

Viên Đạt về phủ, bày tiệc. Tôn Yên bèn đem việc xông vây bị khốn, mà thuật

lại một hồi, anh em Viên Đạt rất khen ngợi, đêm ấy Tôn Yên ở trong phủ Bảo Quốc

Công, mà an nghỉ. Qua ngày thứ, vào triều lạy tạ Tương Vương. Tôn Yên nói với

Viên Đạt, Lý Mục rằng: "Hai vị Quốc Công xin đi trước, hãy còn mắc việc khác,

chưa về đặng". Viên Đạt, Lý Mục vào điện từ giã, Tương Vương bổn thân kính mỗi

người ba chung ngự tửu, hai người uống rồi, tạ ơn lui ra Ngọ môn, kéo binh thẳng

qua Dịch Thủy. Tương Vương ngó thấy Tôn Yên còn đứng nơi điện, thì hỏi rằng:

"Trẫm đã phát binh đến cứu nước Yên rồi, sao ngự đệ hãy còn ở lại đây mà làm

chi?" Tôn Yên qùy tâu rằng: "Tôi vâng mạng chúa tôi, cùngtổ mẫu tôi, một là đến

cầu cứu, hai là thỉnh chú tôi là Tôn Tẫn trở về nước Yên".

Tương Vương cười rằng: "Chú của ngự đệ, từ lúc giúp trẫm lên ngồi, thì trở về

núi chớ chẳng có ở đây". Tôn Yên hỏi rằng: "Chẳng hay núi tiên của chú tôi ở chỗ

nào? Xin thánh thượng chỉ giùm". Tương Vương nói: "Lúc nọ á phụ ra đi, chưa rõ núi

Thiên Thai ở chổ nào". Tôn Yên nói: "Núi Thiên Thai thì có lẻ đâu Thánh thượng

không biết xin Thánh thượng sai người dẫn chỉ giùm đường cho tôi". Tương Vương

nói: "Nếu trẫm biết phương hướng, thì đã sai người tới rước về đây, có đâu chờ đến

ngự đệ hỏi cho nhiều lời". Vua tôi còn đang chuyện vãn, bỗng có quan Thượng Quốc

Khanh tên Bốc Thương, bước ra qùy tâu rằng: "Lúc nọ á phụ cùng tôi chia biệt, thì

người có cho tôi một phong thơ, dặn rằng: "Mười năm nữa, có người muốn đến núi

Thiên Thai mà thỉnh ta, chừng đó ngươi sẽ giở thơ ấy ra, thì biếtđường đi, nay Tôn

tướng quân đến đây vừa nhằm kỳ mười năm, vậy tôi đi với Tôn tướng quân, tìm núi

Thiên Thai mà rước á phụ".

Tương Vương nghe tâu rất mừng, nói: "Vậy để trẫm tả phong thơ đặng Quốc

Khanh đi cùng ngự đệ". Nói rồi truyền đem văn phòng tứ bửu, viết một phong thơ,

giao cho Bốc Thương mời Tôn Yên về phủ mình, sắm sửa đồ hành lý, và lấy phong

thơ để vào túi, nói với Tôn Yên rằng: "Á phụ có dặn tôi chừng ra khỏi hoàng thành

năm mươi dặm sẽ giở thơ ra coi, vậy ta phải y theo lời dặn". Hai người dùng bữa cơm

sớm mai xong rồi, dẫn vài mươi gia tướng, cùng Ban Báo lên ngựa ra khỏi Lâm Tri

nhắm cửa Đông môn đi tuốt.

Nói về Viên Đạt, Lý Mục, hai người dẫn ba ngàn binh Tề, suốt đêm nhắm Dịch

Châu thẳng tới, đi ít ngày đến sông Dịch thủy, cách dinh Tần chẳng xa, xảy có quân

thám thính đến báo. Viên Đạt truyền lịnh an dinh lập trướng. Lý Mục hỏi Viên Đạt

rằng: "Chúng ta đóng binh đây, mà giao chiến, hay là vào thành thông tin". Viên Đạt

nói: "Chẳng cần vào thành thông báo làm chi, để mai chúng ta dẹp lui binh Tần, rồi

sẽ vào thành cũng chẳng muộn gì". Lúc ấy quân thám bên Tần, phi báo với Chương

Hàng. Chương Hàng vội vàng vào Huỳnh la bửu trướng, tâu cùng Thủy Hoàng rằng:

"Nay có nước Tề, sai Viên Đạt, Lý Mục đem binh đến giải vây cho nước Yên, xin

Bệ hạ liệu định". Thủy Hoàng nghe nói, thất kinh mà rằng: "Toàn sơn Viên Đạt, sức

mạnh vô cùng, các nước đều nghe danh, nay dẫn binh đến đây mà giải vây, e tướng

Tần ta không phải tay đối thủ với nó, vả lại ta đánh thành Dịch Châu, luôn mười

mây ngày mà phá không đặng, nay nó có cứu binh, thì làm sao mà lấy cho đặng?"

Lúc ấy có viên đại tướng, nói lớn tiếng rằng: "Bệ hạ cớ sao lại giương chi khí của

người, mà dẹp cái oai phong mình đi vậy, tiểu thần tuy bất tài, ngày mai xin ra ngựa

đặng chém đầu Viên Đạt dâng lên".

Thủy Hoàng coi lại người ấy, mà Mông Đằng, thì nói rằng: "Tướng quân tuy võ

nghệ cao cường, song Viên Đạt có sức mạnh muôn người, vậy phải dùng trí mà

đánh, chớ không nên dùng sức, tướng quân hãy lui ra, để trẫm cùng quân sư toan

mưu bắt nó mới xong". Mông Đằng nói: "Để mai tôi ra trận, sẽ dùng kế mà bắt

thằng thất phu ấy, chẳng cần gì nhọc sức quân sư". Thủy Hoàng túng phải ừ theo, rồi

truyền chỉ ba quân, đêm ấy phải canh tuần nghiêm nhặt, người không lìa giáp, ngựa

chẳng xa yên và dự phòng binh Tề đến cướp trại.

Chương Hàng lãnh lệnh ra đi, truyền rao khắp hết quân binh, giữ gìn nghiêm

nhặt. Qua ngày thứ Mông Đằng nai nịt vào soái tướng, xin binh ra đánh. Chương

Hàng phát cho năm trăm binh mã. Mông Đằng ra trận, xông tới dinh Tề khiêu

chiến, binh Tề vào báo. Viên Đạt lật đật nai nịt lên ngựa phát pháo ra dinh, xông tới

trận. Lúc ấy Mông Đằng ngồi trên ngựa ngó thấy binh Tề xông ra một viên đại

tướng giống như một vị thần thầu, tay cầm búa, mặt xanh, râu đỏ, hình dung hung ác,

tướng mạo dữ dằn, giống như Hỗn thế ma vương lâm phàm, chẳng khác linh thần

xuống thế, bèn nạt lớn rằng: "Bớ Viên giả long, có ta là Mông tướng quân chờ đây

đã lâu". Viên Đạt nghe nói ngước mặt xem thấy một viên tướng Tần, đội mão hổ

đầu, mặc giáp kim tiêu, ngồi ngựa hồng sa, tay cầm đại đao, ở trước trận diễu võ

giương oai, thì cười mà nói rằng: "Tần cẩu, mi có oai danh gì? Sao không xuống

ngựa đầu phứt cho rồi, còn đợi chừng nào nữa?"

Mông Đằng nổi giận nạt rằng: "Thất phu, miù chạy đâu". Nói rồi nhắm ngay đầu

Viên Đạt chém xuống. ViênĐạt dùng búa đỡ hất cây đao, làm cho hổ khẩu tay xé

tét. Mông Đằng nghỉ thầm rằng: "Thằng thất phu này, rất mạnh bạo, quả danh bất hư

truyền". Viên Đạt cho luôn một búa nữa, Mông Đằng thấy búa xuống rất nặng nề,

thì ráng hết sức bình sanh, hai tay hươi đao lên đỡ, Viên Đạt chặt bồi một búa nữa,

đỡ không nổi, té nhào xuống ngựa.