(Trích & thuyết minh từ Discourses)
TẠI SAO PHẢI SỐNG TỐT?
Khái niệm về đức hạnh Khắc kỷ chủ nghĩa của Epictetus - mặc dù chưa được đánh giá đúng mức - vẫn để lại dấu ấn không thể phai mờ trên nền văn hóa của chúng ta. Descartes; Spinoza, Rousseau; Nietzsche, Marx; và những người Cha Sáng lập của Mỹ[92]; chỉ là một ít trong số những “kẻ làm lay chuyển nhân loại”; đã mắc nợ tư tưởng Khắc kỷ chủ nghĩa về đức lý; một món nợ lớn.
Đức hạnh, cho đến khi nó hồi sinh rất gần đây, thì nghe ra rất cổ hủ hay thậm chí làm dáng đối với đôi tai hiện đại của chúng ta. Những lời dạy của Epictetus về đức hạnh không dính líu gì tới một kẻ đạo đức giả hay một kẻ nhu nhược, khúm núm. Đức hạnh, hạnh phúc và sự yên tĩnh tâm hồn không phải là những kinh nghiệm tách rời hay riêng biệt mà là những trạng thái xuất hiện đồng thời.
Mặc dù ông xiển dương sự thiện vì tự thân nó[93], sự quan sát thực tế của ông là: Một cuộc sống đức hạnh dẫn đến sự nhất quán nội tại và sự hài hòa ngoại tại. Có sự nhẹ nhõm lớn khi có sự nhất quán về đạo đức: linh hồn thư giãn, và như thế, chúng ta có thể tiến về phía trước một cách có hiệu năng trong những nỗ lực của ta, như Epictetus thường nói: “Không bị ngăn trở”.
Sự lộn xộn và cái xấu nội tại, chính nó xuất phát từ sự hàm hồ. Epictetus huấn luyện chúng ta cách khơi dậy và sử dụng cái tốt nhất mà ta có, bằng cách làm cho bảng đạo đức cá nhân của ta trở thành tường minh với ta. Tự do, sự thanh thản và tự tin, được đạt tới trong khi những hành động ngoại tại của ta dần dần tuân phục bảng đạo đức này. Ông yêu cầu ta giảm bớt tầm quan trọng mà ta thường đặt vào những lựa chọn “bên ngoài” - cái mà ta có thể gọi là “những lựa chọn kiểu sống” - và tập trung trên những lựa chọn nội tại về đạo đức, nhỏ bé nhưng có ý nghĩa, mà chúng ta làm trong quá trình sống của bất cứ ngày nào.
Sharon Lebell
Nhiệm vụ chính của triết học là đáp lại tiếng kêu của linh hồn và hiểu được ý nghĩa sự kiềm tỏa của những phiền muộn và sợ hãi của chúng ta - và bằng cách đó, tự giải phóng mình ra khỏi nó.
Triết học gọi chúng ta khi chúng ta đã tới bước đường cùng. Cái cảm nhận liên lỉ - rằng có một cái gì đó không ổn với đời ta, và niềm hoài vọng được trả lại “cái tôi tốt hơn” của ta - sẽ không biến mất. Những nỗi sợ của ta về sự chết và sự cô độc; sự bối rối của ta về tình yêu và tình dục; và cảm thức về sự bất lực của ta khi đối mặt với sự giận dữ và những tham vọng thái quá - những cái đó đưa ta đến chỗ thành khẩn đặt những câu hỏi triết học đầu tiên.
Thật đúng: Đời chúng ta không có ý nghĩa nào xuất hiện ra một cách hiển nhiên. Sự tàn nhẫn, sự bất công, sự khó chịu về thể xác, bệnh tật, những bực bội, và những bất tiện lớn nhỏ, là những sự kiện tẻ nhạt của bất cứ ngày nào trong đời. Như thế, ta sẽ làm gì về điều này? Làm thế nào chúng ta - mặc dù nỗi dau và sự khổ trong thế giới bên ngoài và trong những cảm xúc bất thường của mình - sống đời cao thượng, thay vì ngã quỵ trước sự tê liệt tuyệt vọng, và chỉ đối phó giống như một con lừa với sự tẻ nhạt và những trách nhiệm không mong muốn?
Khi linh hồn kêu lên, đó là một dấu hiệu rằng chúng ta đã tới một giai đoạn tất yếu, chin muồi của sự phản tỉnh[94]. Bí quyết là đừng bị kẹt ở đó, do dự, mà hãy tiến về phía trước bằng cách quyết tâm tự chwuax trị chính mình. Triết học yêu cầu ta di chuyển vào trong long dũng cảm. Thuốc chữa của nó là việc phát hiện những tiên đề sai và hwofi hợt, mà trên đó chúng ta đặt nền móng cho cuộc đời ta và cái “bản sắc cá nhân” của ta.
Mục tiêu đích thực của triết lý không bao hàm những nghi thức ngoại lai, nghi lễ huyền bí, hay những niềm tin kỳ quái. Nó cũng không chỉ là lý thuyết và sự phân tích trừu tượng. Dĩ nhiên, nó là tình yêu dành cho sự minh triết. Nó là nghệ thuật sống một cuộc sống tốt đẹp. Với tư cách đó, nó phải được giải cứu khỏi những đạo sư và những triết gia chuyên nghiệp, kẻo nó sẽ bị khai thác như là một giáo phái bí truyền hay một loạt những kỹ thuật “lạnh lùng”, những “câu đố nát óc”, để tỏ ra bạn tài giỏi ra sao. Triết lý dành cho mọi người, và nó được thực hành thực sự chỉ bởi những ai mà gắn chặt nó với hành động trên thế gian, tiến về một cuộc sống tốt hơn cho tất cả.
Mục đích của triết học là soi sáng những cách thức mà linh hồn ta đã bị ô nhiễm bởi những niềm tin không lành mạnh, những dục vọng gây xáo động, những lựa chọn và sở thích đáng ngờ, không xứng đáng với ta. Việc tự xem xét bản thân, được áp dụng với lòng nhân ái, là liều giải độc chính. Ngoài việc nhỏ tận rẽ những sa đọa của linh hồn, cuộc đời minh triết cũng nhằm đánh thức ta khỏi sự ủ trệ, và thúc đẩy ta tiến về một cuộc sống vui tươi, phong phú. Việc sử dụng logic, sự tranh luận một cách thành thạo, và sự phát triển khả năng gọi tên sự vật một cách đúng đắn, là một vài trong số những công cụ mà triết lý cho chúng ta, để đạt tới cái nhìn rõ ràng và sự bình an nội tại bền vững, vốn là hạnh phúc đích thực.
Hạnh phúc này là mục tiêu của chúng ta, và phải được hiểu đúng. Thông thường, hạnh phúc bị hiểu lầm một cách phổ biến, là lạc thú và sự nhàn rỗi được trải nghiệm một cách thụ động. Quan niệm đó về hạnh phúc chỉ là hời hợt. Cái mục tiêu xứng đáng duy nhất của tất cả nỗ lực của ta là một cuộc sống phong phú.
Hạnh phúc đích thực là một động từ. Nó là những thực hành năng động của những việc làm xứng đáng. Cuộc sống phong phú, mà nền tảng của nó là ý định tốt lành là một cái gì đó mà ta liên tục ứng tác, và khi làm như thế, linh hồn ta trở nên chín chắn. Đời ta có ích cho ta và cho nhũng người mà ta tiếp xúc.
Chúng ta trở nên triết luận để phát hiện ra cái gì thực sự đúng, và cái gì chỉ là kết quả của sự lý luận sai lầm và ngẫu nhiên, của những phán đoán sai lầm được thủ đắc bừa bãi, của những lời dạy có thiện chí nhưng bị hướng dẫn sai, từ bố mẹ, thầy giáo, và sự tiếp biến về văn hóa mà không được xem xét.
Để giải phóng linh hồn ta ra khỏi đau khổ, ta dấn mình vào nội quan có kỷ luật, mà trong đó ta tiến hành những cuộc thí nghiệm tư tưởng để gia tăng khả năng phân biệt giữa những niềm tin và thói quen lành mạnh, với những niềm tin và thói quen có hại và lười biếng.
Chú thích:
(92) Sử gia Richard B. Morris vào năm 1973 đã xác định dược 7 vị sau đây là những người sáng lập quan trọng: John Adams, Benjamin Franklin, Alexander Hamilton, John Jay, Thomas Jefferson, James Madison, và George VVashington (Theo từ điển Wikipedia tiếng Việt).
(93) Nghĩa là làm điều tốt vì thấy nó tốt, chứ không chờ đợi một kết quả nào.
(94) Như vậy, nhờ “tiếng kêu của linh hồn” mà ta mới nhận ra được cái bất ổn của đời ta và bắt đầu phản tỉnh. Chính sự phản tỉnh sẽ dẫn dến sự tự tri. Bình thường, cuộc sống thường nhật với rất nhiều bận rộn, lo toan, nên tiếng kêu ấy dễ bị khuất lấp, khiến ta có thể tưởng lầm rằng đời ta “êm thấm". Nhưng một biến cố lớn sẽ gây án tượng mạnh mẽ, và khi ấy tiếng kêu sẽ được nghe rõ hơn. Vì vậy, trong một điều kiện nào đó (chẳng hạn, đối với người có tâm hồn mạnh mẽ) thì sự khủng hoảng có thể là một cơ hội rất tốt cho sự tăng trưởng tâm linh.