Hãy chịu trách nhiệm về tư duy của bạn.
Hãy tự đánh thức mình ra khỏi sự u mê của những thói quen máy móc, mà không hề xem xét liệu chúng có tốt hay không.
Những tri giác, nhưng giá trị và những cách làm phổ biến thì hiếm khi là cái khôn ngoan nhất. Nhiều niềm tin phổ biến thường không vượt qua được trắc nghiệm nghiêm ngặt của lý tính. Tư duy quy ước – những phương tiện và cứu cánh của nó – thì cốt yêu là không sang tạo và không đáng quan tâm. Công việc cảu nso là duy trì status quo[101] cho những cá nhân và thiết chế được bảo vệ quá mức.
Mặt khác, không có đức hạnh tự nhiên trong những ý kiến mới. Hãy phán đoán những ý tưởng và cơ hội trên nên tảng sau đây: Liệu chúng có làm cho cuộc sống tốt hơn hay không? Hãy tán thành những gì phát huy lòng nhân đạo, sự công bình, sự tăng trưởng về đạo đức, lòng nhân ái, khả tính và lợi ích cho cộng đồng nhân loại.
Hãy xem xét những sự việc như chúng hiện ra trước tâm trí của riêng bạn; hãy khách quan cân nhắc những gì người khác nói, và rồi, thiết lập những xác tín của riêng bạn.
Những niềm tin được xã hội dạy thường là không đáng tin cậy[102]. Quá nhiều trong số những niềm tin của ta đều được thủ đắc thồng qua sự ngẫu nhiên và những lời dạy vô trách nhiệm, ngu dốt. Nhiều trong số những niềm tin này thì ăn rễ quá sâu, đến nỗi chúng bị ẩn giấu khỏi cái nhìn của ta. Cái uể oải tầm thường của một cuộc đời được sống bởi kẻ không được huấn luyện thì nguy hiểm và dễ lây; bởi vì, ngoài cách sống đó ra, thì đương sự không có cách sống lành mạnh nào khác. Hãy tỉnh dậy và cảnh giác. Hãy xem xét lại những thói quen của bạn, để duy trì những tiêu chuẩn cao hơn của mình.
Nhiều người tuyên bố hết sức chân thành rằng, họ quyêt tâm giữ gìn phẩm cách của họ, trong khi vẫn buông mình vào những hành động thiếu suy nghĩ hay không tiết độ. Dù muốn dù không, họ làm xói mòn những nỗ lực đầy thiện ý của họ bằng cách không đối mặt với chính mình và không lập ra một bảng đạo đức cá nhân nhất quán, mà những hành động tương lai của họ sẽ tuân phục. Đừng nghe theo những gì mà người khác nói. Hãy quan sát những gì mà họ làm, và đánh giá những hậu quả đi kèm.
Chúng ta phải làm sạch, giữ ngăn nắp và duy trì ngôi nhà của ta để tiến về phía trước với bất cứ cái gì. Cũng vậy, ta cần làm y hệt như thế với tâm trí ta. Vì nếu không làm như thế, thì không những ta mạo hiểm một cách không hiệu quả, mà ta còn mời gọi sự sa đọa của chính linh hổn mình. Một linh hồn lộn xộn, mờ mịt thì nguy hiểm, vì nó dễ bị tác động bởi những ảnh hưởng có trật tự hơn, nhưng lại không tốt.
Đừng tin cậy cái gì và bất cứ ai, ngoài chính bạn[103]. Hãy không ngừng cảnh giác đối với những niềm tin và xung động của mình
Sự khác biệt giữa người được giáo huấn và kẻ dốt nát là: người khôn ngoan biết rằng người đức hạnh thì bất khuất. Người ấy không bị lừa gạt và khuấy động bởi cái vẻ bề ngoài cùa sự vật.
Người được giáo huấn tôn trọng mối quan hệ họ hàng mà chúng ta chia sẻ với Cái tối hậu, và như thế y hành xử như một công dân từ bi, tự nhận biết của vũ trụ. Họ hiểu ràng cuộc sống minh triết sẽ dẫn đến sự thanh thản, đến việc tuân phục Tự nhiên và Lý tính.
Người ta không thể theo đuổi cái tốt lành cao nhất của chính mình, mà không tất yếu đồng thời phát huy cái tốt lành của người khác. Một cuộc sống dựa trến những tư lợi nông cạn, không thể được kính trọng theo bất cứ tiêu chí thỏa đáng nào. Tìm kiếm cái tốt nhất trong chính mình, có nghĩa là chủ động quan tâm đến sự an vui của những người khác. Chúng ta giao ước không chỉ với một số ít người mà với họ ta có quan hệ gắn bó trực tiếp, cũng không phải với kẻ giàu sang, danh tiếng, hay có ăn học, nhưng là với tất cả mọi con người: Họ đều là huynh đệ của chúng ta.
Hay xem chính mình như một công dân của một cộng đồng thế giới, và hành động phù hợp với tư cách đó.
Hãy xem những khát vọng sâu sắc và thầm kín nhất của mình chỉ như là những sự kiện, để bạn có thể thấy chúng điên rồ và thiếu thực chất ra sao. Không có gì xấu hổ khi theo đuổi sự thành công thế tục: đó là chuyện bình thường[104]. Sự rắc rối của bạn không nằm ở tự thân sự theo đuổi, mà ở cái cách thức mình theo đuổi. Bạn để cho những dục vọng điên cuồng và sai lầm của mình tô màu phán đoán của bạn. Do vậy, bạn đánh giá quá cao cái giá trị nội tại của những gì mình theo đuổi. Bạn trông cậy vào những theo đuổi, và nghĩ rằng chúng sẽ mang lại hạnh phúc cho mình, như thế là lẫn lộn giữa phương tiện với cứu cánh. Mặc dù việc theo đuổi những mục tiếu “trung tính” là tự nhiên, nhưng cả thành công lẫn thất bại trong việc đạt tới chúng, đều không mảy may ăn nhập gì với hạnh phúc của bạn[105].
Chú thích:
(100) Quy ước: “Những điều quy định mà người ta đã thỏa thuận với nhau về một vấn đề nào đó”. Thí dụ: phong tục, tập quán của một vùng, một cộng đồng. Mỗi xã hội, mỗi thời đại đều có những quy ước riêng. Bản chất của quy ước là không phải tự nhiên mà do con người đặt ra. Ưu điểm của quy ước là tạo cho xã hội một trật tự, một sự nhất trí nào đó. Nhược điểm của nó là tạo ra một “cái khung” chật hẹp, bắt buộc ai cũng phải ở trong dó. Quy ước, do vậy, có tính “máy móc”, cào bằng, đánh mất hết tính sáng tạo và tự do cá nhân. Đơn cử trường hợp “Tam cương, ngũ thường” của Nho giáo trong chế độ phong kiến trước đây. Một mặt, nó góp phần đắc lực trong việc duy trì trật tự xã hội. Nhưng mặt khác, nó bóp nghẹt con người - vì nó giam nhốt cá thể trong một “cái khung” quá chật, chẳng khác chi một nhà tù. Do vậy, đối với những tâm hồn sáng tạo thì việc đầu tiên phải làm, là hiểu được bản chất, giá trị và sự hạn chế của quy ước. Kẻ minh triết, họ sống nương theo quy ước nhưng không nô lệ vào quy ước.
(101) Hiện trạng: nguyên trạng..
(102) Tại sao? Bởi vì chúng chỉ là những “quy ước” chung chung, khó có thể áp dụng riêng cho từng cá nhân cụ thể.
(103) Có thể nói cách khác: “Chỉ nên tin cậy chính mình”. Câu nói này có ưu điểm là tránh bi lung lạc bởi dư luận của kẻ khác. Tuy nhiên, theo thiển ý, ta “chỉ nên tin cậy chính mình” khi nào ta xác tín chắc chắn rằng “ta là một kẻ đáng tin cậy”. Sau khi tự rèn luyện dể có một bản lãnh nào đó, thì mới nên tin cậy chính mình. Nếu không, tốt nhất là nên xin lời khuyên của những người mình có thể tin cậy được.
(104) Những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ không phản đối sự thành công thế tục, nhưng họ chỉ xem nó là thứ yếu.
(105) Đây là một quan niệm trái ngược với quan niệm thông thường. Theo thiển ý, quan niệm này chỉ đủng đối với những người đã được rèn luyện và đã làm chủ được bản thân. Đối với những kẻ “phàm phu” như chúng ta, thì hạnh phúc còn lệ thuộc khá nhiều vào sự thành công hay thất bại trong cuộc đời.