Nghệ Thuật Sống

- 5. 6 -

Hoàn cảnh ngoại tại không xảy ra để đáp ứng những mong đợi của chúng ta. Những biến cố xảy ra một cách tự nhiên[19]. Người ta hành xử một cách tự nhiên. Hãy ôm giữ những gì mà bạn thực sự đạt được.

Hãy mở mắt ra: Hãy nhìn sự vật đúng như thực tướng của chúng[20], và do vậy tránh cho bạn nỗi đau đớn của sự luyến chấp sai lầm và sự đổ nát có thể tránh được.

Hãy nghĩ về những cái làm bạn vui thích - những vật dụng cần thiết mà bạn sử dụng, những người mà bạn trân quý. Nhưng hãy nhớ rằng, chúng và họ có tính chất riêng, vốn hoàn toàn toàn khác biệt với cái cách mà ta nhìn chúng và họ.

Như một bài tập, hãy xem xét những sự vật nhỏ bé nhất mà bạn luyến chấp vào. Chẳng hạn giả thử rằng, bạn có một cái tách mà bạn ưa thích. Nói gì đi nữa, nó chỉ là một cái tách- do vậy, nhờ nó vỡ thì bạn có thể xử lý. Kế đến, hãy trải rộng (việc xem xét như thế) đến những sự vật - hay những con người - mà bạn luyến chấp vào.

Hãy nhớ ràng khi bạn ôm hôn con, chồng hay vợ mình thì bạn đang ôm một kẻ hữu-tử[21]. Như vậy, nếu một trong số họ có mất đi thì bạn nên chịu  đựng với sự điềm tĩnh.

Khi một điều gì đó xảy ra thì cái duy nhất nằm trong quyền lực của bạn là thái độ của mình đối với nó[22]; bạn có thể chấp nhận hay từ chối nó[23].

Cái thực sự làm chúng ta sợ hãi hay hoảng loạn, không phải là những biến cố ngoại tại, mà là cái cách chúng ta nghĩ về chúng[24]. Cái khuấy động chúng ta, không phải là những sự thể ngoại tại, mà chính là sự thuyết minh của chúng ta về ý nghĩa của chúng.

Hãy ngừng tự hù dọa mình với những khái niệm bốc đồng, và những ấn tượng chủ quan của ta về sự vật!

Những sự thể diễn ra tự nhiên theo cách của chúng chứ không phải như ta mong đợi. Cũng vậy, những con người hành xử tự nhiên theo cách của họ chứ không phải như ta mong đợi.

 

6

HÃY LÀM CHO NHỮNG HÀNH ĐỘNG

 CỦA BẠN HÒA ĐIỆU VỚI TỰ NHIÊN

Đừng cố tạo ra những quy tắc của riêng bạn.

Trong mọi vấn đề - lớn hay nhỏ, công hay tư - hãy hành xử phù hợp với những quy luật của tự nhiên. Việc hòa điệu ý chí của bạn với tự nhiên nên là lý tưởng cao nhất của bạn.

Bạn thực tập lý tưởng này ở đâu? Trong những điều cụ thể của đời sống hằng ngày, với những trách nhiệm và bổn phận cá nhân mình. Khi bạn thực hiện một công việc nào đó, thí dụ, tắm, thì hãy làm như vậy - với hết sức mình - phù hợp với tự nhiên. Khi bạn ăn, hãy làm như vậy, với hết sức mình - phù hợp với tự nhiên, vân vân.

Điểu quan trọng khòng phải là bạn đang làm cái gì, mà là bạn đang làm nó như thế nào[25]. Khi chúng ta hiểu đúng đắn và sống theo nguyên tắc này, thì mặc dù những khó khăn vẫn khởi lên - vi chúng cũng là một phần của trật tự thiêng liêng - chúng ta vẫn có bình an nội tâm.

Chú thích:

(19) Tự nhiên, nhưng không phải hoàn toàn ngẫu nhiên, mà tuân theo một quy luật nào đó ta không rõ (chưa thấu triệt được).

(20) Thế nào là “nhìn sự vật đúng như thực tướng” của chúng? Trước mắt, ta cần biết rằng ta thường ít khi nhìn sự vật đúng như chân tướng của chúng. Thưc ra, từ "chân tướng” cũng được xét theo hai phương diện: chân lý tuyệt đối và chân lý tương đối. Chữ “chân tướng” theo cách dùng của Epictetus chỉ nên hiểu theo chân lý tương đối.

(21) Hữu tử: phải chết.

(22) Một thí dụ: Có hai người cùng nhiễm HIV Aids, nhưng một người muốn tự sát; còn người kia đi nhiều nơi diễn thuyết, cảnh báo mọi người nên thận trọng trong các đường truyền nhiễm như tình dục, đường máu và mẹ truyền sang con để tránh mắc bệnh như anh ta.

[23] “Chấp nhận” một sự thể như nó xảy ra nghĩa là không “vùng vẫy chống lại nó". Ngược lại là "từ chối" nố, mong nó xảy ra theo ý của mình.

[24] Thí dụ, cái chết có đáng sợ không? Theo Epictetus thì tự thân cái chết không đáng sợ. Chính quan niệm của ta về sự chết mới làm cho ta sợ hãi. Nếu ta quan niệm chết là hết, hoặc sau khi chết sẽ xuống địa ngục, hay bị đầu thai vào một cảnh giới bất hạnh thì ta sẽ sợ chết. Nhưng nếu ta quan niệm chết chỉ là việc di chuyển từ dạng hiện hữu này sang một dạng hiện hữu khác, như sự chu tuần của bốn mùa Xuân, Hạ Thu, Đông... tử để rồi sinh, sinh rồi lại tử- thì hẳn là cái chết sẽ không có gì đáng sợ.

(25) Và ta làm như thế nào là do ta nghĩ như thế nào về sự vật.