Nghệ Thuật Sống

- 7. 8. -

Những sự thể, tự chúng không làm ta đau hay ngăn trở chúng ta. Cách chúng ta nhìn những sự thể này là chuyện khác. Chính thái độ và phản ứng của ta mới là cái mang đến cho ta phiền não.

Do vậy, ngay cả cái chết, tự thân nó và một mình nó cũng không phải là cái gì ghê gớm. Chính khái niệm của ta về sự chết - cho rằng nó đáng sợ - mới là điều làm ta sợ hãi. Hãy xem xét kỹ khái niệm của ta về cái chết và về mọi sự khác. Chúng có thực sự đúng không? Chúng có đang mang đến cho bạn lợi lạc nào không? Đừng sợ hãi cái chết hay sự đau đớn. Hãy sợ nỗi sợ hãi của ta về chúng.

Chúng ta không thể chọn lựa hoàn cảnh bên ngoài mình, nhưng chúng ta luôn có thể chọn lựa cách đáp ứng lại chúng[26].

- Một người mắc bệnh nan y (ung thư chẳng hạn). Người đó có hai chọn lựa: thay đổi hoàn cảnh bên ngoài, hoặc thay đổi thái độ cũa mình đối với hoàn cảnh. Nếu có đủ điều kiện về tiền bạc, đương sự sẽ tìm cách chữa chạy, và nếu may mắn sẽ hồi phục. Như vậy, anh ta đã thay đổi được hoàn cảnh bên ngoài. Nhưng già thiết rằng, anh ta không đủ điều kiện để chữa trị thì anh ta nên thay đổi thái độ của mình trước cơn bệnh nan y đó: Anh ta sẽ chấp nhận nỗi bất hạnh, và sống phần đời còn lại với tâm hồn thanh thản (thay vì cứ để cho sầu muộn đè nặng tâm hồn cho đến chết).

 

8

KHÔNG XẤU HỔ. KHÔNG TRÁCH CỨ

Chính cảm nhận và quan niệm của ta về những sự thể là cái khiến ta phiền não. Do vậy, trách cứ người khác là điều ngờ nghệch. Cho nên, khi ta gặp những trở ngại, những rối loạn hay phiền muộn thì đừng bao giờ trách cứ người khác, mà hãy trách cứ thái độ của chúng ta[27].

Những người tiểu trí thường trách người khác về những bất hạnh của riêng họ. Những người (có trí tuệ) trung bình thì trách chính mình. Và những người dâng hiến đời mình cho sự minh triết (kẻ đại trí) hiểu rằng, cái xung lực muốn trách cứ kẻ khác hay trách cái gì đó là điều ngốc nghếch; rằng việc trách cứ - bất luận trách kẻ khác, hay chính mình – đều không thành tựu được cái gì cả.

Một trong những dấu hiệu cho sự khởi đầu của tiến bộ đạo đức là việc dập tắt dần dần sự trách cứ. Chúng ta thấy cái vô ích của việc phê bình, chỉ trích. Càng xem xét thái độ và sự phản tỉnh của ta trên chính mình, ta càng ít bị lôi cuốn bởi những phản ứng bão táp về cảm xúc mà trong đó ta tìm kiếm những lời giải thích dễ dãi cho những biến cố không mong muốn.

Những sự thể chỉ đơn giản là cái mà chúng là. Những người khác suy nghĩ điều mà họ sẽ suy nghĩ; nó không liên hệ gì đến chúng ta[28]. Không có gì phải xấu hổ. Không có gì phải trách cứ.

Chú thích:

(26) Có hai cách để thay đổi cuộc sống của mình: 1. Thay đổi hoàn cảnh bên ngoài. 2. Thay đổi quan niệm của ta về hoàn cảnh bên ngoài. Theo Epictetus. sự thay đổi quan niệm của ta về sự vật là cái nằm trong tầm kiểm soát của ta. Ông chú trọng đến việc thay đổi thái độ của ta trước hoàn cảnh, hơn là thay đổi hoàn cảnh. Xin đưa ra thí dụ cụ thể để vấn đề được sáng tỏ hơn.

(27) Gợi nhớ đến câu: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. (Trách mình trước, trách người sau).

(28) Chúng tôi chỉ dịch sát nguyên văn, nhưng câu này dễ gây hiểu lầm. Nói cho đúng thì mọi sự đều có liên hệ chằng chịt với nhau, không có cái gì biệt lập - “trùng trùng duyên khởi”, nói như kinh Hoa Nghiêm của nhà Phật. Do vậy, “nó vẫn có liên hệ đến chúng ta”, nhưng có lẽ theo Epictetus, vì nó “nằm ngoài tầm kiểm soát của ta" nên ta không cần phải quan tâm đến nó nhiều quá? Dù sao, cách nói nó không liên hệ gì đến chúng ta” là có phần cực đoan?