Nghệ Thuật Sống

- 37. 38. 39 -

Hãy theo đuổi tới cùng mọi xung lực có tính nhân ái của bạn. Đừng tra vấn chúng, nhất là nếu một người bạn cần bạn; hãy hành động vì anh ta.

Đừng lưỡng lự!

Đừng ngồi đó mà suy tính về những bất tiện, những vấn đề, hay những nguy hiểm có thể xảy ra. Bao lâu mà bạn để cho lý tính của mình dẫn lối thì bạn sẽ an toàn[66].

Chúng ta có bổn phận đứng bên cạnh trợ giúp bạn hữu của mình trong giờ phút mà họ cần đến.

 

38

HÃY ĐỊNH NGHĨA MỘT CÁCH RÕ RÀNG CON

NGƯỜI MÀ BẠN MUỐN TRỞ THÀNH

Nói chính xác, bạn muốn trở thành ai? Bạn muốn trở thành loại người nào? Đâu là những lý tưởng cá nhân của bạn? Bạn ngưỡng mộ ai? Đâu là những nét đặc biệt của họ mà bạn muốn biến chúng thành của riêng mình?

Thôi; đã đến lúc đừng mơ hồ nữa! Nếu bạn mong ước trở thanh một con người phi thường, nếu bạn muốn khôn ngoan, thì nên xác định một cách tường minh loại người mà bạn hoài vọng muốn trở thành[67]. Nếu bạn giữ một cuốn nhật ký thì hãy ghi lại: Bạn đang cố trở thành ai, để có thể qui chiếu theo cái “hình ảnh lý tưởng” này mà bạn đã vẽ ra cho mình. Một cách chính xác, hãy mô tả cách hành xử mà bạn muốn thủ đắc, để bạn có thể duy trì nó khi ở một mình hay ở cùng những người khác.

 

39

HÃY CHỈ NÓI VỚI MỤC ĐÍCH TỐT

Quá nhiều sự chú ý được dành cho tầm quan trọng của những hành động của ta và những hậu quả của chúng.

Những ai tìm kiếm cách sống cuộc đời cao thượng hơn, họ cũng sẽ hiểu sức mạnh tinh thần của lời nói vốn thường bị lãng quên.

Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của cuộc sống tinh thần là ngôn ngữ đúng. Hoàn thiện lời nói của ta là một trong những yếu tố chủ chốt của một chương trình rèn luyện tâm linh đích thực.

Trước nhất và chủ yếu nhất, hãy suy nghĩ trước khi nói để chắc chắn rằng bạn đang nói với mục đích tốt. Lời nói “trơn tuột”[68] là bất kính với kẻ khác. Việc tự-phơi-bày một cách khoe khoang là bất kính với chính bạn. Rất nhiều người cảm thấy bị thúc bách phải lên tiếng khi bất cứ tình cảm, ý tưởng, hay ấn tượng giác quan nào đến với họ. Một cách thiếu cân nhắc, họ trút những nội dung của tâm trí họ xuống mà không xét tới những hậu quả. Điều này thật nguy hiểm về mặt đạo đức. Nếu chúng ta bép xép về mọi ý tưởng đến với ta, lớn hay nhỏ, thì ta dễ dàng lãng phí - trong những cơn lũ vặt vãnh của lời nói ngốc nghếch - những ý tưởng vốn có giá trị đích thực. Lời nói không được kiểm soát thì giống như một chiếc xe điên cuồng chạy ra khỏi tầm kiểm soát và lao xuống một con mương.

Nếu cần thì chủ yếu hãy giữ im lặng và chỉ nói một cách kiệm lời. Lời nói tự nó thì không thiện hay ác, nhưng nó quá thường xuyên được dùng một cách bất cẩn, đến nỗi bạn cần phải cảnh giác. Lời nói tầm phào là lời nói dễ gây thương tổn; hơn nữa, trở thành một kẻ “ba hoa” là điều bất xứng với lý tưởng muốn sống đời minh triết.

Hãy tham gia thảo luận khi vì lý do xã hội hay nghề nghiệp bạn phải làm điểu đó; nhưng hãy cẩn thận sao cho tinh thần và ý định của cuộc thảo luận và nội dung của nó vẫn xứng đáng. Rát dễ bị cám dỗ trượt vào cách nói thiển cận của trẻ con. Hãy tránh, hãy ở bên ngoài cái vòng kiềm tỏa của nó.

Không nhất thiết phải tự giới hạn mình vào những đề tài cao xa hay triết học trong mọi lúc, nhưng hãy nhận thức rằng nếu sự bép xép tầm thường được xem là thảo luận xứng đáng thì điều đó sẽ xói mòn mục đích cao thượng của bạn. Khi ta nói xàm về những điều vặt vãnh thì tự ta sẽ trở thành vặt vãnh[69], vì sự chú ý của ta bị kẹt trong đó. Bạn trở thành cái mà mình chú tâm đến[70].

Chúng ta trở thành tiểu trí nếu chúng ta tham gia vào sự thảo luận (đàm tiếu) vể những người khác. Đặc biệt, hãy tránh việc trách cứ, ca ngợi, hay so sánh những người khác với nhau.

Nếu bạn nhận thấy sự thảo luận xung quanh mình “xuống cấp” trở thành lời ba hoa nhảm nhí, thì hãy cố xem - bất cứ khi nào có thể - liệu bạn có thể, một cách tế nhị, dẫn dắt cuộc nói chuyện trở về lại những để tài có tính xây dựng hơn hay không. Tuy nhiên, nếu bạn thấy mình giữa những người lạ thì bạn có thể đơn giản giữ im lặng.

Khi nào thích hợp hãy có chút u-mua và cười vui vẻ, nhưng hãy tránh loại tiếng cười nơi quán rượu, vốn dễ dàng sa xuống thành sự dung tục hay có ác ý. Hãy cười với ai đó, nhưng đừng cười nhạo người ấy.

Hãy tránh những lời hứa hão bất cứ khi nào có thể[71].

Chú thích:

(66) Theo Epictetus, lý tính dẫn lối thì tốt; cảm xúc dẫn lối thì dễ đi sai đường.

(67) Thông thường, vẻ mặt vô thức, hầu như ai cũng có một “mẫu người lý tưởng” mà họ muốn trở thành. Nhưng về mặt hữu thức thì không mấy ai “định nghĩa" một cách rõ ràng “mẫu người” đó. Lời khuyên này của Epictetus rất hữu ích: Khi đã có “bản đồ” rõ ràng thì sẽ dễ dàng hơn trong việc thực hiện những bước đi cần thiết để đi tới đích. Tuy nhiên, cần phải biết lượng sức mình khi thiết lập “mẫu người” đó. Mẫu người đó phải khả thi, phù hợp với năng lực và khuynh hướng của đương sự. Nếu thiếu những điều kiện đó thì không những “mẫu người ly tưởng” đó đã không giúp ích gì cho ta, mà nó còn có hại. Chẳng hạn, nếu một thân đồng âm nhạc như Mozart mà lại mong muốn trở thành một nhà khoa học như Einstein thì đương sự sẽ thất bại đến hai lần: Anh ta không thể nào trở thành một Einstein; mà nhân loại cũng sẽ mất đi một Mozart chói sáng. Một số người khác, họ có một “mẫu người lý tưởng" quá rõ ràng và thường trực trong trí đến nỗi họ sống như thể họ là con người đã đạt tới “đẳng cấp” đó - đây cũng là một ảo tưởng nguy hiểm, vì như thế cũng giống như việc “xây lâu dài trên cát” - vì nó thiếu cơ sở trong hiện thực.

(68) Glib: Lợi khẩu, hoạt bát, nhưng không thành thực.

(69) Trong Tự do đầu tiên và cuối cùng (bản dịch Phạm Công Thiện, NXB An Tiêm, Sài Gòn), nhà đạo học Krishnamurti dã có những phân tích rất sâu sắc về sự “nói xàm”. Theo ông, thói quen “nói xàm" là để “chạy trốn” cái đang là, không dám dối diện với nó. Việc nói xàm là dấu hiệu của một tâm hồn bất an, trống rỗng, hời hợt.

(70) Như vậy nếu ta muốn biết “mình là ai” thì ta chỉ cần xét xem ta đang chú ý đến những gì. Chẳng hạn, có kẻ chú ý đến những cái vật chất như sự giàu sang của cải- có kẻ chú ý đến những cái tinh thần như đạo đức, danh dự, phẩm giá... Muốn biết một người “là ai”, ta cũng có thể theo nguyên tắc ấy: Họ đang chú ý, quan tâm đến cái gì.

(71) Người phương Đông xưa rất trọng chữ “Tín”. Nếu đã hứa thì phải làm. Nếu không làm được thì tốt nhất là dừng hứa. Hứa “hão” - hứa mà không làm, là một điều tối kỵ trong sự giao tế giữa con người.