Nghệ Thuật Sống

- 34. 35. 36 -

Bạn không phải là một thực thể biệt lập, mà là một phần độc nhất, không thể thay thế được của vũ trụ. Đừng quên điều này. Bạn là một mảnh ghép cốt yếu của “trò chơi ghép hình” trong nhân loại. Mỗi chúng ta là một phần của cộng đồng nhân loại bao la, rối rắm, và có trật tự hoàn hảo.

Nhưng bạn ghép trùng khớp vào đâu, trong cái lưới nhện nhân loại này? Bạn chịu ơn những ai?

Hãy tìm kiếm để hiếu biết những nối kết của bạn với những người khác. Chúng ta tự định vị một cách đúng đắn bên trong cái “kế hoạch vũ trụ” bằng cách nhận ra những mối quan hệ tự nhiên của ta với một người khác và nhờ đó, nhận diện những bổn phận của mình. Những bổn phận của ta khởi lên một cách tự nhiên từ những mối quan hệ nền tảng như gia đình ta, láng giềng ta, nơi làm việc của ta, quốc gia hay dân tộc ta. Hãy tập thói quen xem xét những vai trò của bạn - bố mẹ, con cái, láng giềng, công dân, nhà lãnh đạo - và những bổn phận tự nhiên vốn phát khởi từ chúng. Một khi bạn biết mình là ai và được nối kết với ai, thì bạn sẽ biết phải làm cái gì.

Nếu một người là cha bạn, chẳng hạn, thì sẽ có những đòi hỏi về cảm xúc và thực tiễn theo sau. Sự kiện rằng, ông ta là cha bạn, bao hàm một sự ràng buộc nền tảng và bền vững giữa hai người. Một cách tự nhiên, bạn có bổn phận phải chăm sóc ông, kiên nhẫn lắng nghe những lời khuyên và quan điểm của ông, và tôn trọng sự hướng dẫn của ông.

Tuy nhiên, giả thử, ông không phải là một người cha tốt. Có thể ông ngờ nghệch, thiếu học, thô lậu, hay có những quan điểm hoàn toàn khác biệt với những quan điểm của riêng bạn. Phải chăng thiên nhiên ban cho mọi người một người cha lý tưởng, hay chỉ đơn giản là một người cha? Khi xét đến bổn phận nền tảng của mình như là một người con, thì cho dù tính cách, nhân cách và những tập quán của ông có thế nào đi nữa, đó vẫn là điều thứ yếu. Trật tự thiêng liêng không thiết kế những con người hay những hoàn cảnh chiều theo sở thích của chúng ta. Bất luận bạn thấy ông có dễ thương hay không, thì nói cho cùng, người đàn ông này vẫn là cha mình và bạn phải chu toàn bổn phận làm con.

Giả thử, bạn có một người anh trai hay chị gái mà xử tệ với bạn thì việc ấy có tạo ra cái gì khác biệt? Vẫn có một mệnh lệnh đạo đức, đó là: nhận ra và duy trì bổn phận nền tảng của mình - bổn phận của người em. Đừng chú ý đến việc cô ta hay anh ta làm cái gì, mà hãy tập trung trên mục đích cao hơn của bạn. Mục đích của chính bạn, là tìm kiếm sự hòa điệu với tự nhiên. Bởi vì đây là con đường đi tới sự tự do. Hãy để những người khác cư xử theo cách tự nhiên của họ - dù sao, thì điều đó cũng không ở trong quyền kiểm soát của bạn, và như vậy nó không quan hệ gì tới bạn. Hãy hiểu rằng thiên nhiên như một toàn thể được trật tự hóa theo lý tính, nhưng không phải mọi sự trong thiên nhiên đều hợp lý.

Khi, một cách trung thành, bạn dốc lòng thực hiện những hành vi của một người minh triết và cao nhã, tìm kiếm cách để làm cho những ý định và hành vi của mình phù hợp với ý chí thiêng liêng, thì bạn không cảm thấy mình là nạn nhân của những lời nói và việc làm của người khác. Ở mức tệ nhất, những lời nói và hành động đó sẽ có vẻ buồn cười hay đáng thương.

Trừ ra sự bạo hành cực đoan về thể xác, thì những người khác sẽ không thể làm tổn thương bạn, trừ phi bạn cho phép họ làm như thế. Và điều này vẫn đúng, cho dẫu người đó là bố mẹ, anh chị em, thầy giáo hay người làm công của bạn. Đừng để cho mình cảm thấy bị thương tổn - đây là một chọn lựa vốn nằm trong quyền kiểm soát của bạn.

Đa phần, người ta có khuynh hướng tự đánh lừa mình khi nghĩ rằng, tự do đến từ việc thực hiện điều mà sẽ mang lại sự dễ chịu, sự tiện nghi và sự dễ dãi. Sự thực là, những người để cho lý tính của họ lệ thuộc vào những cảm xúc bốc đồng, thì họ đích thực là nô lệ cho những dục vọng và những ác cảm của chính họ. Họ không được chuẩn bị tốt để hành động hữu hiệu và cao thượng khi những thách thức đột xuất xảy đến, như chúng tất yếu sẽ xảy ra.

Tự do đích thực đặt những yêu sách lên chúng ta. Trong khi khám phá và thấu hiểu những mối quan hệ nền tảng với kẻ khác, và nhiệt tình thực hiện những bổn phận của chúng ta, thì sự tự do đích thực mà mọi người đều mong mỏi, là có thể được.

 

35

YẾU TÍNH CỦA LÒNG TRUNG THÀNH

Yếu tính của lòng trung thành nằm trước hết trong việc có những quan niệm và thái độ đúng về Cái tối hậu.

Hãy nhớ rằng, cái trật tự thiêng liêng thì, một cách nền tàng, thông minh và tốt lành. Sự sống không phải là một loạt những biến cố ngẫu nhiên, vô nghĩa, mà là một toàn thể đẹp đẽ, có trật tự, vốn tuân theo những qui luật, cơ bản có thể hiểu được.

Thiên ý hiện hữu và hướng dẫn vũ trụ với sự công bằng và sự thiện. Mặc dù nó không phải luôn luôn hiện ra rõ ràng nếu bạn chỉ nhìn vào bề mặt của những sự thể, nhưng vũ trụ mà ta cư ngụ là cái vũ trụ tốt nhất có thể[61].

Hãy quyết tâm mong chờ sự công bằng, sự thiện và trật tự, và càng ngày chúng càng phát lộ ra cho bạn trong mọi vụ việc của mình. Hãy tin chắc rằng, có một trí thông minh thiêng liêng mà những ý định của nó hướng dẫn vũ trụ[62]. Hãy lấy việc điều khiển đời bạn sao cho phù hợp với ý chí của trật tự thiêng liêng làm mục tiêu tối hậu của mình.

Khi phấn đấu để làm cho những ý định và hành động của mình phù hợp với trật tự thiêng liêng, thì bạn sẽ không cảm thấy bị ngược đãi, bơ vơ, hay oán trách những hoàn cảnh của đời mình. Bạn sẽ cảm thấy mạnh mẽ, có mục đích và xác tín.

Lòng trung thành không phải là niềm tin mù quáng; nó bao gồm việc kiên trì thực hành nguyên tác không đuổi theo những điều vốn không nằm trong quyền kiểm soát của bạn, để cho chúng được diễn ra theo cách thức tự nhiên của trách nhiệm. Hãy ngừng việc cố dự kiến hay kiểm soát những biến cố. Thay vào đó, hãy chấp nhận chúng với lòng nhán ái và sự thông minh.

Thật không thể nào trung thành với cái mục đích đã được số phận an bài cho bạn[63], nếu bạn trôi dạt vào trong việc tưởng tượng rằng, những điều nằm ngoài quyền kiểm soát của mình là thiện hay ác một cách nội tại. Khi việc này xảy ra, thì cái tập quán trách cứ những yếu tố bên ngoài về số phận của ta, tất yếu sẽ trỗi dậy, và ta đánh mất mình trong cái vòng xoáy tiêu cực của đố kỵ, tranh chấp, thất vọng, giận dữ và trách cứ. Bởi vì trong bản chất, mọi sinh vật đều trốn tránh những cái mà chúng nghĩ là sẽ gây hại cho chúng, và tìm kiếm, thán phục những cái vốn có vẻ tốt lành và hữu ích.

Khía cạnh thứ hai của sự trung thành, là tầm quan trọng của việc khốn khéo tuân theo những tập quán của gia đình, đất nước bạn, và của cộng đồng địa phương[64]. Hãy thực hiện những nghi thức của cộng đồng mình với một trái tim thuần khiết, không tham lam hay quá độ. Khi làm như thế, bạn gia nhập vào cái trật tự tâm linh của dân tộc mình và thúc đẩy việc thực hiện những nguyện vọng tối hậu của nhân loại.

Sự trung thành là liều thuốc giải đối với sự cay đắng, hỗn loạn và bối rối. Nó mang đến cái xác tín rằng, chúng ta sẵn sàng đón nhận bất cứ điều gì mà Thiên ý dành sẵn cho ta. Mục đích của bạn là nên nhìn thế giới như một toàn thể hợp nhất, trung thành hướng toàn bộ bản thể của mình về phía cái thiện cao nhất, và lấy ý chí của tự nhiên làm ý chí của chính mình.

 

36

NHỮNG BIẾN CỐ THÌ VÔ TƯ

VÀ KHÔNG THIÊN VỊ

Khi xem xét tương lai, hãy nhớ rằng mọi tình huống xảy ra tự nhiên như chúng xảy ra, bất kể ta nghĩ thế nào về chúng. Những hy vọng và sợ hãi tác động đến chúng ta, chứ không phải chính những biến cố.

Những người chưa được rèn luyện, bị đưa đẩy bởi những cảm xúc yêu và ghét, họ mãi mãi trông ngóng những dấu hiệu vốn củng cố cho những quan điểm và quan niệm hời hợt, thiếu suy xét của mình. Những biến cố tự thân chúng thì vô tư, khách quan, mặc dù những người khôn ngoan, biết phán đoán, chắc chắn có thể và nên đáp ứng lại chúng trong những phương cách có lợi.

Thay vì cá nhân hóa một biến cố, như:

- “Đây là thắng lợi của tôi”.

- “Đó là sai lầm nghiêm trọng của anh ta”.

- “Đây là bất hạnh cay đắng của tôi”.

và rút ra những kết luận bi quan về chính bạn và bản chất con người, hãy tìm cách tận dụng những khía cạnh nào đó của biến cố. Có chăng sự lợi lạc nào đó chưa hiển nhiên, tiềm ẩn trong biến cố, mà một con mắt thành thạo có thể nhận ra? Hãy chú tâm; hãy là một thám tử. Có lẽ, có một bài học mà bạn có thể rút ra và áp dụng vào những biến cố tương tự trong tương lai.

Trong bất cứ biến cố nào, dù có vẻ khủng khiếp đến đâu, không có gì ngăn cản bạn tìm kiếm cái cơ hội tiềm ẩn. Không làm được như thế là một thất bại của trí tưởng tượng. Nhưng để tìm cho ra cơ hội trong những tình huống, đòi hỏi nhiều dũng cảm, bởi vì phần lớn những người xung quanh bạn sẽ khăng khăng thuyết minh những biến cố trong những từ ngữ thô thiển nhất: thành công hay thất bại, tốt hay xấu, đúng hay sai. Những phạm trù đơn giản hóa, phân cực hóa này làm mờ đi những thuyết minh có tính sáng tạo và hữu ích - vốn thuận lợi và thú vị hơn!

Kẻ khôn ngoan biết rằng thật vô ích khi phóng chiếu những hy vọng và sợ hãi lên tương lai. Điều này chỉ dẫn đến việc tạo ra những biểu tượng bi lụy trong tâm trí bạn, và lãng phí thời gian.

Đồng thời, người ta không nên thụ động với tương lai và những gì mà nó nắm giữ[65]. Việc chỉ đơn giản không làm gì cả, chẳng những đã không tránh được sự rủi ro, mà còn chỉ làm gia tăng nó.

Có một nơi chốn để hoạch định cẩn trọng và dự phòng cho những tình huống sẽ đến. Sự chuẩn bị thích hợp cho tương lai nằm trong việc hình thành những thói quen cá nhân tốt. Việc này được làm bằng cách chủ động theo đuổi cái tốt lành trong mọi sự việc cụ thể của đời sống hằng ngày của bạn, và bằng cách đều đặn xem xét những động cơ của mình, để chắc chắn rằng bạn tự do thoát khỏi những xiềng xích của sợ hãi, tham lam và sự lười biếng. Nếu bạn làm điều này thì bạn sẽ không bị những biến cố bên ngoài lung lạc.

Hãy rèn luyện những ý định của bạn hơn là tự đánh lừa chính mình rằng, bạn có thể “lèo lái” những biến cố bên ngoài. Nếu bạn được trợ giúp bằng cách cầu nguyện hay suy niệm, thì hãy làm như thế - bằng mọi cách. Nhưng hãy tìm kiếm sự cố vấn thiêng liêng khi sự áp dụng lý tính của bạn không mang lại câu trả lời nào, khi bạn đã sử dụng hết những phương tiện khác.

Thế nào là một biến cố “tốt”? Thế nào là một biến cố “xấu”? Không có cái như thế! Thế nào là một người tốt? Kẻ đạt tới sự thanh thản bằng cách hình thành thói quen đặt câu hỏi trong mọi dịp: “Cái gì là cái tốt phải làm bây giờ?

Chú thích:

(61) Chữ “Vũ trụ" ở đây bao gồm cả thiên nhiên lẫn thế giới của con người. Đây là một vũ trụ “không hoàn hảo”, với vô số thiên tai, đau khổ... Nhưng xét về mặt vật lý thì đây là một “hành tinh xanh”, một hành tinh có sự sống, vô cùng đẹp so với vô vàn hành tinh cằn cỗi khác trong vũ trụ.

(62) “Trí thông minh thiêng liêng” ở đây không phải là vị Thượng đế “có ngôi vị", có quyền thưởng phạt như trong Ki-tô giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo. Ta cần biết, chủ nghĩa Khắc kỷ theo phiếm thần luận (Pantheism), không công nhận một Thượng đế “cố ngôi vị” như trong Ki-tô giáo. Thượng đế của chủ ng ĩa Khắc kỷ chỉ là Lý tính, là Quy luật chi phối vũ trụ và số phận con người. Đây là điều quan trọng cần phải nhớ khi đọc tác phẩm này. (Xem Elementsof Pantheism, Paul Harrison, NXB Element Books, Shattesbury, Dorset, 2004 ).

63  Sự “an bài“ này, như đã nói ở trước, không tước đi hoàn toàn tự do của cá nhân.

64 Một bậc minh triết, họ khôn khéo để không tạo ra xung đột với những quy ước của cộng đồng, nhưng chắc chắn là họ không mù quáng nô lệ vào chúng, Khổng Tử nói: “Hòa, nhi bất đồng”.

(65) Có nghĩa là dù nói “số phận an bài", nhưng không phải vì thế mà ta thụ động để cho “số phận” đưa đẩy tới đâu thì tới. Ở một mức độ nào dó, con người vẫn có tự do để thăng tiến và thăng hoa đời mình.