Nghệ Thuật Sống

- 18. 19. 20 -

Hãy nghĩ về đời mình như thể nó là một bữa tiệc, nơi đó bạn sẽ ứng xử một cách lịch thiệp. Khi thức ăn được chuyển đến cho bạn, hãy chìa tay ra và nhận một phần vừa phải. Nếu nó đi qua khỏi bạn, hãy thưởng thức cái đã có trên đĩa[45] của mình. Nếu thức ăn chưa được chuyển đến bạn, hãy kiên nhẫn chờ đến lượt mình.

Hãy hành xử với thái độ điểm tĩnh và lòng tri ân như thế đối với con cái bạn, vợ bạn, nghề nghiệp và tài chánh của bạn. Không cần phải khao khát, đố kỵ và chụp giật. Bạn sẽ hưởng được cái phần mà mình xứng đáng được hưởng khi thời điểm của mình đến.

Diogenes[46] và Heraclitus[47] là những mẫu mực hoàn hảo: Họ sống theo những nguyên tắc như thế - thay vì quy phục những xung động bản năng thô lậu. Hãy theo gương tốt của họ.

 

19

HÃY TRÁNH, ĐỪNG ĐỂ CHO MÌNH BỊ NHIỄM

NHỮNG QUAN ĐIỂM TIÊU CỰC CỦA NGƯỜI KHÁC

Những quan điểm và phiền não của người khác có thể dễ lây lan. Đừng tự phá hoại mình một cách vô tình bằng cách để cho mình bị lây nhiễm những thái độ tiêu cực, thiếu lành mạnh, thông qua việc giao du của bạn với người khác.

Nếu thấy một người bạn sầu muộn, một người cha, người mẹ đau khổ, hay một đồng nghiệp gặp một bất hạnh bất ngờ thi hãy cẩn thận, đừng bị chế ngự bởi sự bất hạnh “biểu kiến” của họ. Hãy nhớ phân biệt giữa tự thân những biến cố và những giải thích của bạn về chúng. Hãy tự nhắc nhở mình: “Điều làm người này đau khổ không phải là chính biến cố ấy, bởi vì một người khác có thể không bị tác động chút nào bởi tình huống đó, mà chính là sự đáp ứng một cách thiếu phê bình của đương sự”.

Tự buông mình vào những tình cảm tiêu cực, sai lầm, cùng với những người mà chúng ta quan tâm, đó không phải là biểu hiện của lòng nhân ái hay tình hữu nghị. Bằng cách giữ thái độ “vô tư” và tránh những phản ứng bi lụy, chúng ta giúp chính mình và kẻ khác nhiều hơn.

Tuy nhiên, nếu bạn chuyện trò với một ai đó bị phiền não, tổn thương hay phẫn chí, thì hãy bày tỏ lòng nhân ái và lắng nghe họ với đôi tai đồng cảm; chỉ đừng để cho họ kéo mình xuống[48].

 

20

HÃY DIỄN TỐT VAI DIỄN

ĐƯỢC TRAO CHO BẠN

Ta giống như một diễn viên trong một vở kịch. Thiên ý đã giao cho ta một vai diễn trong đời mà không hỏi ý kiến ta. Vài người sẽ diễn trong một vở kịch dài, một số khác trong một vở kịch ngắn. Ta có thể đóng vai một người nghèo, một kẻ tàn tật, một người danh tiếng, một lãnh tụ, hay một người dân thường.

Mặc dù không thể chọn vai diễn, nhưng bổn phẩn của ta là phải diễn vai của mình, càng hay càng tốt và không than vãn về nó[49]. Dù bạn ở vào hoàn cảnh nào, ở đâu thì hãy thực hiện bổn phận của mình một cách hoàn hảo.

Nếu vai diễn của bạn là một đọc giả, hãy đọc; nếu là một nhà văn, hãy viết.

Chú thích:

(45) Có nghĩa là chủ nghĩa Khắc kỷ không hoàn toàn từ bỏ của cải thế tục: Hưởng thụ những gì mình đang có, nhưng không luyến chấp vào nó.

(46) Diogenes (412? - 323 TCN): Triết gia Hy Lạp cổ đại. Sống ngoài mọi quy ước của xã hội, thường được gọi là “Kẻ khinh bạc" (the Cynic).

(47) Heraclitus (Thế kỷ thứ 6 TCN): Triết gia Hy Lạp cổ đại. Một danh ngôn nổi tiếng của ông: “Không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông”.

(48) Có nghĩa là đồng cảm với sự phiền não cùa họ, mà không bị “lây” sự phiền não đó.

(49) Mặc dù không nên “mê tín” nhưng phải thừa nhận rằng hầu như mỗi người đều ra đời với một “số phận" riêng. Cái số phận đó nằm ở “vai diễn” đã được trao cho ta - ta không có quyền chọn lựa. Nhưng ta vẫn có quyền diễn vai diễn của mình thật tốt hay không tốt. Có nghĩa là ta vẫn có một mức độ tự do nhất định, chứ không hoàn toàn bị Thiên ý “an bài". Theo Phật giáo thì cái gọi là “số phận” chỉ là kết quả của “nghiệp". Nghiệp là hành động “có tác ý” của mỗi người trong kiếp này và vô lượng kiếp trước. Nghiệp của các kiếp trước có thể ảnh hưởng đến cuộc sống ở kiếp này, nhưng mỗi người vẫn có thể “chuyển nghiệp” bằng những hành động tốt của mình. Như vậy, “nghiệp" không phải là “định mệnh”. Và ta cần nhớ, chữ Thiên ý theo chủ nghĩa Khắc kỷ không giống như “nghiệp" của Phật giáo; tuy nhiên, nó cũng không phải là vị Thượng đế có ngôi vị, có quyền thưởng phạt của Ki-tô giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo.