Nghệ Thuật Sống

- 21. 22. 23 -

Bạn suy nghĩ thế nào, bạn trở thành thế ấy. Hãy tránh, một cách mê tín, gán ghép vào những biến cố cái quyền lực và những ý nghĩa mà tự thân chúng không có. Hãy giữ đầu óc tỉnh táo. Tâm trí bận rộn của chúng ta mãi mãi nhảy vụt tới những kết luận, chế tác và giải thích những dấu hiệu vốn không có mặt ở đó[50].

Thay vào đó hãy giả định rằng, mọi sự xảy ra với bạn, chúng đều xảy ra vì một mục đích tốt lành nào đó[51]; và nếu bạn quyết định rằng mình may mắn thì bạn sẽ may mắn[52]. Mọi biến cố đều chứa đựng một thuận lợi cho bạn - nếu bạn tìm kiếm nó[53]!

 

22

HẠNH PHÚC CHỈ CÓ THẾ ĐƯỢC

TÌM THẤY BÊN TRONG NỘI TÂM

Sự tự do là mục tiêu xứng đáng duy nhất trong đời. Nó được đạt tới bằng cách bỏ qua những điều nằm bên ngoài tầm kiểm soát của ta. Ta không thể có một trái tim thanh thản, nếu tâm trí ta là một cái vạc đầy thống khổ, sợ hãi và tham vọng.

Bạn mong muốn mình là kê vô địch, bất khả chiến bại? Vậy thì đừng chiến đấu với những gì mà mình không có quyền kiểm soát thực sự. Hạnh phúc tùy thuộc vào ba điều, tất cả đều nằm trong tầm kiểm soát của bạn:

1. Ý chí của bạn.

2. Những ý kiến của bạn liên quan đến những biến cố mà mình dính líu vào.

3. Việc bạn sử dụng những ý kiến đó ra sao.

Hạnh phúc đích thực luôn luôn độc lập với những điều kiện bên ngoài[54]. Một cách cảnh giác, hãy tập điềm nhiên đối với những hoàn cảnh bên ngoài. Hạnh phúc của bạn chỉ có thể được tìm thấy ở bên trong nội tâm.

Chúng ta dễ dàng bị lóa mắt, bị lừa dối bởi biết bao bởi sự hùng biện, chức danh xã hội, học vị, những vinh dự, những vật sở hữu cầu kỳ, y phục đắt tiền, hay cách cư xử “lịch sự” màu mè. Đừng nhầm lẫn mà cho rằng những kẻ có tiếng tăm, những nhân vật được quần chúng biết tới, những lãnh tụ chính trị, những kẻ giàu có, hay những người có năng khiếu về tri thức hay nghệ thuật - đừng tưởng rằng, những người đó nhất thiết phải hạnh phúc. Nghĩ như thế là bị đánh lừa bởi những ấn tượng giác quan, và sẽ chỉ khiến cho bạn tự ngờ vực chính mình.

Hãy nhớ: Yếu tính thực thụ của cái thiện chỉ được tìm thấy bên trong những điều nằm trong tầm kiểm soát của riêng bạn. Nếu giữ điều này trong tâm trí thì bạn sẽ không cảm thấy (một cách sai lầm) mình bị đố kỵ hay bị bỏ rơi, khi tự so sánh một cách đáng thương những thành tựu của mình với những thành tựu của người khác.

Hãy thôi đừng mơ ước trở thành bất cứ ai ngoài cái bản ngã tốt nhất của mình[55]: bởi vì, điều đó thực sự nằm trong tầm kiểm soát của bạn.

 

23

KHÔNG AI CÓ THỂ LÀM

TỐN THƯƠNG BẠN

Người khác không có quyền lực làm tổn thương bạn. Cho dẫu một ai đó lăng nhục hay đánh bạn thì bạn luôn luôn có thể lựa chọn: xem những gì đang xảy ra đó có phải là sự lăng nhục hay không. Nếu một ai đó làm bạn bực mình thì chỉ sự đáp ứng của bạn mới là cái gây bực mình. Do vậy, khi một ai đó có vẻ như khiêu khích thì hãy nhớ rằng chỉ duy phán đoán của bạn về sự việc mới là cái khiêu khích mình. Đừng để cho cảm xúc của bạn bị khởi động bởi những ấn tượng của giác quan.

Hãy cố đừng chỉ đơn thuần phản ứng trong khoảnh khắc đó. Hãy lùi lại khỏi tình huống. Hãy có một cái nhìn rộng hơn; hãy điềm tĩnh.

Chú thích:

 (50) Ta thường không nhìn sự vật “như nó là" mà lại “thêm thắt", gán cho sự việc những cái mà nó không có theo suy diễn chủ quan của ta. Thí dụ: Hôm nay trời mưa. Anh A (làm nông) nói: Có mưa rồi, hay quá! Anh B (nhà thơ, đang thất tình); Mưa buồn quá! Chỉ có một sư kiện: “trời mưa", nhưng cả hai người không ai dừng lại ở sự kiện "trời mưa”, và ai cũng gắn thêm cho sự kiện mưa" những cái mà tự thân nó không có. Ai cũng muốn đánh giá sự kiện “mưa" theo những điều kiện chủ quan của riêng họ. Đối với anh A thì “mưa” là rất tốt cho việc trồng trọt. Đối với anh B thì mưa quá buồn vì đang có tâm trạng buồn. Như vậy, nếu trời mưa mà ta nói “trời mưa” và không thêm vào đó một đánh giá nào (tốt, xấu; buồn, vui...) thì có thể nói (một cách tương đối) ta đã “nhìn sự vật như nó là”. Xin lưu ý: ở đây ta chỉ xét sự vật ở “bình diện tương đối” (tục đế), chứ không xét nó trên “bình diện tuyệt đối” (chân đế).

(51) Theo chủ nghĩa Khắc kỷ thì mọi sự xảy ra, kể cả những bất hạnh, đều phục vụ một mục đích nào đó của Thiên ý, nhằm mang đến sự tốt lành cho con người.

(52) Câu này chỉ có thể đúng với những người có mức “phát triển tâm linh cao”. Nhìn chung, nó không đúng. Thử tưởng tượng một người bị ung thư, nhà nghèo, con đông và đều thất nghiệp thì cũng khó mà nói rằng đó là một điều may mắn! (Dĩ nhiên, người đó có thể tự an ủi mình bằng một số ý tưởng nào đó).

(53) Lão Tử nói: “Họa là chỗ dựa của phúc; phúc là chỗ núp của họa”. Nhưng dĩ nhiên phải biết cách “tìm” thì mới có thể thấy cái “phúc” trong cái “họa”. Một nghịch cảnh có thể giúp phát triển đời sống tâm linh đối với những tâm hồn mạnh mẽ, nhưng nó có thể đẩy xuống vực thẳm một tâm hồn yếu đuối.

54 Quả thật, xét cho cùng thì một “hạnh phúc đích thực’ phải hoàn toàn độc lập với những điều kiện bên ngoài. Tuy nhiên, xét về mặt thực hành rất khó đạt tới “hạnh phúc đích thực” như trên – ngoại trừ những bậc thánh nhân, những thiền sư đắc đạo, những người mà “tâm gió không động”. Nhìn chung, con người chỉ có thể hạnh phúc tương đối, một thứ hạnh phúc lệ thuộc khá nhiều vào hoàn cảnh tại ngoại. Thử đặt giả thiết, nếu một người có hoàn cảnh như sau: bản thân bị ung thư, không có tiền chữa trị, mẹ già, bệnh hoạn, con cái đều thất nghiệp; gia đạo lục đục. Thử hỏi, với một hoàn cảnh bên ngoài như thế, người ấy có thể có “hạnh phúc đích thực” được không? (Trừ ra, đó là một bậc thánh!). Phải thừa nhận rằng trên đời này mọi sự đều có tương quan chằng chịt với nhau: cái bên ngoài và cái bên trong; ta và người, thể xác và tinh thần. Tuy nhiên, nếu ta có một cuộc sống nội tại vững vàng thì ta dễ chịu đựng những bất hạnh và nghịch cảnh hơn.

(55) Gợi nhớ đến Trang Tử nói: Mỗi con người đều có một “tính phận” riêng. Do vậy, chỉ nên sống theo cái “tính phận” của mình, chứ đừng “đeo bồng” bắt chước sống theo cái “tính phận” của người khác.