Tông chỉ truyền pháp của đại sư Lục Tổ Huệ Năng ở chùa Quốc Ninh núi Bảo Lâm Tào Khê tại Thiều Châu đời Đường, gồm các sắc thư của đại đế Cao Tông, sắc tứ ban biển ngạch thay đổi tên chùa, ấn khả của đại sư cho các môn nhân, cùng 6 điềm hiển tướng linh dị khi đại sư diệt độ, và những truyện huyền ký của Tam tạng(1) Trí Hoa.
Ngày mùng 5 tháng giêng âm lịch năm Nhâm Ngọ nhằm niên hiệu Thiên Giám thứ 9 nhà Lương (510), Bà- la-môn Tam tạng, tự là Trí Dược, là đại đức chùa Na-lan- đà miền Trung nước Thiên Trúc, từ giã quốc vương đến núi Ngũ Đài lễ yết Bồ-tát Văn-thù. Lúc đó có hơn 10 đệ tử đi theo, là những bậc Tam tạng uyên bác đa văn, học thông kinh-luận và học thuyết của tinh tượng, chí hoằng Đại thừa. Trải qua nhiều nước, xa vượt sóng khơi, lênh đênh trên thuyền lớn, đến cửa thôn Tào Khê ở Thiều Châu, Trí Dược nói với người trong thôn rằng:
Nhìn thấy nguồn nước này, ắt có đất linh thiêng, chắc chắn là chỗ dừng ở của sa-môn, cao tăng đời đời xuất hiện không dứt. Cho nên ta muốn tìm đến.
1. 三藏 (Tam tạng): Một danh hiệu dành cho những bậc cao tăng, những vị đại sư được xem là tinh thông 3 tạng kinh-luật-luận, như vậy là thông suốt hết tất cả những Thánh điển nhà Phật.
Trí Dược đi đến Tào Khê khuyên người trong thôn tu sửa xây dựng trụ xứ, trải qua 5 năm, đặt tên sơn môn này là chùa Bảo Lâm, là chỗ người và chư Thiên, trong ngoài nước sẽ đến quy y. Đến ngày 15 tháng 2 niên hiệu Thiên Giám thứ 5 (506), vua ban sắc xuống thiên hạ danh tăng, đại đức, bảo Châu huyện sở tại, cùng vào nội đạo tràng cúng dường. Bấy giờ, quan Thứ sử ở Thiều Châu là Hầu Công dâng biểu tiến cử Tam tạng Trí Dược vào nội đàn tràng(1). Sử quân hỏi Tam tạng:
- Tại sao gọi sơn môn này là Bảo Lâm vậy? Tam tạng đáp:
- Vì cách sau ta 170 năm sẽ có pháp bảo vô thượng ở đất này hoằng hóa, người học nhiều như rừng, cho nên gọi là Bảo Lâm.
Đầu tháng 4 năm ấy, Tam tạng được đối tấu, chùa Bảo Lâm được ban tặng 50 khoảnh(2) ruộng. Đến niên hiệu Thiên Giám thứ 10 (511), Tam tạng vào Đài Sơn rồi trở về bổn quốc. Đến niên hiệu Đại Nghiệp thứ 13 đời Tùy (617), thiên hạ loạn lạc, chùa xá bị hủy phế. Đến đầu niên hiệu Thiên Bình (534), quan Huyện lệnh ở Nhạc Xương là Lý Tạng Chi xin dời tấm biển chùa Bảo Lâm về chùa Thôn Trí ở Linh Khê Nhạc Xương.
1. 內道塲 (Nội đạo tràng): Còn gọi là Nội tự (內寺). Tháp Phật hay tự viện trong cung, nơi chư tăng tề tựu về hành lễ trong ngày sinh Nhật của nhà vua.
2. Một trăm mẫu là một khoảnh.
Vào đầu niên hiệu Hàm Hanh (670), đại sư Huệ Năng họ Lư, người Tân Châu, thuở nhỏ mất cha mẹ ba tuổi mồ côi, tuy ở trong thế gian nhưng hành xử có chí xuất thế gian. Năm ấy đại sư du hành đến Tào Khê, kết nghĩa huynh đệ với người trong thôn là Lưu Chí Lược, lúc đó đại sư 30 tuổi. Lược có người cô xuất gia, ở chùa Sơn Giản, pháp danh là Vô Tận Tạng, thường tụng kinh Niết-bàn. Ban ngày, đại sư và Lược làm việc nặng nhọc, ban đêm lại nghe người cô tụng kinh. Đến sáng vì ni sư Vô Tận Tạng mà giải thích nghĩa của kinh, ni sư đem kinh ra cho đại sư đọc, thì đại sư nói:
Không biết chữ
Ni sư nói:
- Đã không biết chữ thì làm sao giải thích được nghĩa của kinh?
Đại sư nói:
- Lý của Phật tánh không dính dáng gì đến văn tự mà có thể giải thích. Nay không biết văn tự thì có gì lạ chứ
Mọi người nghe xong đều kêu than rằng:
Kiến giải như vậy là thiên cơ tự ngộ, chẳng phải chỗ con người biết được. Đáng được xuất gia trụ ở chùa Bảo Lâm này!
Đại sư liền trụ ở chùa này tu đạo trải qua 3 năm, đúng ngay lúc Tam tạng Trí Dược huyền ký 170 năm sau, lúc đó đại sư 33 tuổi. Về sau nghe ở hang đá phía Tây huyện Nhạc Xương, có thiền sư Viễn, đại sư liền đến đó học tọa thiền. Bình sanh đại sư chưa từng học qua sách vở cũng chưa tìm lật kinh-luận, lúc đó có thiền sư Huệ Kỉ tụng kinh Đầu-đà. Đại sư nghe kinh xong, cảm thán rằng:
- Ý kinh như vậy, nay ta làm sao mà “ngồi không” (空坐) đây?!
Đến niên hiệu Hàm Hanh thứ 5 (674), đại sư 34 tuổi, thiền sư Huệ Kỉ nói với đại sư rằng:
- Từ lâu được thiền sư Hoằng Nhẫn núi Hoàng Mai ở Kì Châu khai thị Thiền môn, ngài có thể đến đó tu học.
Ngày mùng 3 tháng giêng âm lịch năm đó, đại sư xuất phát từ Thiều Châu đến Đông Sơn, lên đường tìm đại sư Hoằng Nhẫn. Đại sư chống gậy đi chân không, nghĩ tự đi một mình đến đường phía Đông Hồng Châu. Lúc đó dù có nhiều cọp dữ nhưng đại sư cũng độc hành giữa núi rừng mà không chút sợ hãi. Khi đến Đông Sơn, gặp đại sư Hoằng Nhẫn, đại sư Hoằng Nhẫn hỏi rằng:
- Ông đến đây cầu cái gì?
Huệ Năng đáp:
- Chỉ cầu làm Phật thôi.
Hoằng Nhẫn hỏi:
- Ông là người ở đâu?
Huệ Năng đáp:
- Người Tân Châu ở Lĩnh Nam.
Hoằng Nhẫn nói:
- Ông là người Tân Châu Lĩnh Nam quê mùa, thì làm sao làm Phật được.
Huệ Năng đáp:
- Phật tánh của người Tân Châu Lĩnh Nam quê mùa có khác gì với Phật tánh của hòa thượng.
Đại sư Hoằng Nhẫn không hỏi nữa, có thể nói là đại sư Huệ Năng đã tự biết Phật tánh, đốn ngộ chân như kỳ đặc ở trong chỗ rất kỳ đặc. Môn đồ của đại sư Hoằng Nhẫn trong núi đến rất đông, ngồi nhìn xung quanh thảy đều là những bậc long tượng, Hoằng Nhẫn liền bảo Huệ Năng xuống dưới bếp lo việc giã gạo cung dưỡng.
Trải qua 8 tháng, Huệ Năng không ngại tránh gian khổ thảy đều coi là bình thường, mà còn đùa giỡn, cao thượng kiệt xuất mà không lấy làm đắc ý, quên thân vì đạo mà đạp cối giã gạo, tự không bằng lòng với mình mà xem nhẹ thân, rồi lưng đeo cục đá lớn để giữ thăng bằng khi đạp cối giã gạo, do đó mà thường mỏi mệt lưng chân. Đại sư Hoằng Nhẫn nhân đi đến chỗ giã gạo, hỏi rằng:
- Ông vì cung dưỡng mà mỏi mệt lưng chân, vậy đau ra sao?
Huệ Năng đáp:
- Không thấy có thân thì ai nói đau?
Đến đêm, đại sư Hoằng Nhẫn bảo Huệ Năng vào phòng, hỏi:
- Ban đầu ông đến đây đáp “Phật tánh của người Lĩnh Nam quê mùa này có khác gì với Phật tánh của hòa thượng”. Ai dạy ông vậy?
Huệ Năng đáp:
- Phật tánh chẳng phải riêng chỉ mình có, thì Huệ Năng con đâu khác gì hòa thượng. Cho đến tất cả chúng sanh đều đồng, cũng đâu có gì khác. Chỉ tùy theo căn ẩn hiển mà thôi.
Đại sư Hoằng Nhẫn hỏi:
- Phật tánh vô hình, làm sao ẩn hiện? Huệ Năng đáp:
- Phật tánh tuy vô hình, nhưng ngộ thì hiện, mê thì ẩn.
Lúc đó, môn đồ của đại sư Hoằng Nhẫn thấy Huệ Năng luận về nghĩa Phật tánh với hòa thượng mình, đại sư Hoằng Nhẫn biết các môn đồ của mình không hiểu, liền bảo mọi người hãy giải tán. Hoằng Nhẫn bảo Huệ Năng:
- Như Lai lúc gần nhập diệt, lấy pháp bát-nhã ba-la- mật thậm thâm phó chúc cho Ma-ha Ca-diếp, Ca-diếp phó chúc cho A-nan, A-nan phó chúc cho Thương-na Hòa-tu, Hòa-tu phó chúc cho Ưu-ba Cúc-đa. Về sau, các Tổ lần lượt truyền nhau ở nước Tây Trúc, trải qua 28 Tổ đến đại sư Đạt-ma Đa-la, qua đất Trung Hoa làm Sơ Tổ phó chúc cho Huệ Khả, Huệ Khả phó chúc cho Tăng Xán, Tăng Xán phó chúc cho Đạo Tín ở núi Song Phong, rồi Đạo Tín phó chúc cho ta. Nay ta muốn nhập diệt, vậy phó chúc pháp cho ông. Ông hãy thủ hộ, đừng để đoạn tuyệt!
Huệ Năng nói:
- Năng con là người Lĩnh Nam, không thể truyền thụ Phật tánh, trong đây có rất nhiều bậc long tượng.
Đại sư Hoằng Nhẫn nói:
- Trong này tuy có nhiều bậc long tượng, nhưng cạn sâu ta đều biết hết, chẳng qua như thỏ với ngựa, ta chỉ phó chúc cho voi chúa thôi.
Đại sư Hoằng Nhẫn liền đem cà-sa truyền cho Huệ Năng, Huệ Năng liền nhận để trên đầu, rồi hỏi Hoằng Nhẫn rằng:
- Pháp không có văn tự lấy tâm truyền tâm, lấy pháp truyền pháp, thì dùng cà-sa này để làm gì?
Hoằng Nhẫn đáp:
- Y cà-sa là pháp để làm tin, pháp là tông chỉ của y, xưa nay truyền nhau cái này, chứ không trao cái gì khác. Chẳng có y nào mà không truyền nơi pháp, chẳng có pháp nào mà không truyền nơi y. Y là do tôn giả Sư Tử ở nước Tây Thiên truyền nhau, khiến Phật pháp không đoạn dứt. Pháp là bát-nhã thậm thâm của Như Lai, biết bát-nhã rỗng lặng vô trụ tức liễu ngộ pháp thân; thấy Phật tánh rỗng lặng vô trụ là chân giải thoát. Ông hãy giữ y này!
Huệ Năng bèn thọ giữ, không dám trái lệnh. Nhưng nói riêng về pháp truyền này, thì cà-sa là loại vải ở miền Trung nước Tây Thiên, âm tiếng Phạn là bà-la-na, tiếng Hoa cho là đệ nhất hảo bố (vải tốt nhất), được làm từ sợi bông trong quả cây hoa gạo(1), mà người thời đó không biết, nói không đúng là vải tơ. Đại sư Hoằng Nhẫn bảo Huệ Năng:
Ông hãy đi mau, ta sẽ tiễn ông!
Rồi dẫn Huệ Năng đến bến sông Cửu Giang Kì Châu, Hoằng Nhẫn bảo Huệ Năng:
- Ông là người truyền pháp, sau này sẽ có nhiều nạn.
Huệ Năng hỏi Hoằng Nhẫn:
- Tại sao có nhiều nạn?
Hoằng Nhẫn đáp:
- Vì sau này có tà pháp nổi lên, lại thân cận quốc vương, đại thần, che lấp chánh pháp của ta. Ông hãy đi mau!
Huệ Năng liền lễ bái từ giã xuôi Nam, Hoằng Nhẫn tiễn Huệ Năng rồi trở về Đông Sơn, cũng không nói giảng gì. Các môn nhân lấy làm lạ hỏi:
- Tại sao hòa thượng không nói gì?
- Hoằng Nhẫn bảo chúng rằng:
- Mọi người hãy giải tán, trong đây không có Phật pháp. Phật pháp đã về Nam rồi, nay ta không nói, sau này sẽ tự biết.
Hoằng Nhẫn từ biệt Huệ Năng trải qua 3 ngày, rồi bảo môn nhân:
Đại pháp đã lưu hành, ta sẽ nhập diệt.
2. 木棉花 (mộc miên hoa): Hoa cây gạo, cùng họ với cây gòn. Vải được làm từ sợi bông trong quả cây gạo, chứ không phải từ hoa cây gạo. Vậy hoa (花) ở đây nên hiểu là sợi bông, không phải bông hoa.
Hoằng Nhẫn nhập diệt, trăm chim buồn kêu, mùi thơm lạ lan tỏa ngào ngạt, mặt trời không tỏa sáng, gió mưa gãy đổ cây cối. Bấy giờ có quan tứ phẩm họ Trần, bỏ tục xuất gia, thờ phụng hòa thượng, hiệu là Huệ Minh thiền sư, nghe đại sư Huệ Năng đã đem y-bát đi, liền chạy theo truy đuổi về phương Nam, tìm đến đỉnh núi Đại Dữu, gặp Huệ Năng, Huệ Năng liền đem y-bát đưa cho Minh. Minh nói:
Tôi đến không phải vì y-bát, không biết lúc đầu hòa thượng được phó chúc, có được dạy lời gì nữa không? Xin ngài rủ lòng chỉ dạy cho!
Huệ Năng bèn vì Huệ Minh mà truyền trao mật ngôn, Huệ Minh vâng dạ thọ giáo. Rồi đó lễ bái cáo từ Huệ Minh nói với Huệ Năng:
- Ngài hãy đi mau, đi mau! Đằng sau có nhiều người đang đổi theo đó.
Huệ Năng liền về phương Nam, đến tối quả nhiên có hơn trăm người tới, đến đỉnh núi thấy Huệ Minh, Minh nói:
- Ta đến đây trước, không thấy người này, hỏi những người từ phương Nam đến cũng không thấy người này.
Lo nghĩ vẫn còn chỗ chưa đặt chân đến, cho nên những người này liền hướng về phía Bắc tìm. Huệ Minh được ngôn giáo, nhưng vẫn chưa tỏ ngộ, trở về ở tại chùa Phong Đính Lô Sơn, ba năm sau mới ngộ được mật ngữ về sau Huệ Minh ở Mông Sơn, giáo hóa rộng khắp.
Huệ Năng trở về Nam, trên đường đến Tào Khê vẫn bị người truy tìm đuổi theo. Thế là phải ở ranh giới hai huyện Tứ Hội và Hoài Tập ở Quảng Châu để lánh nạn. Trải qua 5 năm, ở chung trong đám thợ săn, lúc đó Huệ Năng 39 tuổi.
Đến đầu niên hiệu Nghi Phụng (676), ban đầu Huệ Năng ở chùa Chế Chỉ tại Quảng Châu, nghe pháp sư Ấn Tông giảng kinh Niết-bàn, pháp sư là người Giang Đông, chùa Chế Chỉ là do tam tạng Cầu-na Bạt-ma xây vào đời Lưu Tống, nay chính là chùa Long Hưng ở Quảng Châu. Pháp sư thường khuyên môn nhân bàn bạc luận nghĩa, lúc đó nhằm ngày 13 tháng giêng âm lịch còn treo phướn, ban đêm mọi người luận về nghĩa của phướn, Huệ Năng ở dưới hành lang cách vách tượng lắng nghe. Người thứ nhất luận về phướn, nói:
Phướn là vật vô tình, nhân gió mà động.
Người thứ hai vấn nạn:
Gió và phướn đều là vật vô tình, thì làm sao mà động được.
Người thứ ba nói:
Do nhân duyên hòa hợp nên động.
Người thứ tư nói:
Phướn chẳng động, là gió tự động đấy!
Mọi người tranh luận ồn ào không ngưng, Huệ Năng lớn tiếng can mọi người rằng:
Phướn không phải vậy, do cái khác động, nói động là tâm của các nhân giả tự động đấy!
Lúc đó pháp sư Ấn Tông cũng được nghe. Đến sáng hôm sau lúc pháp sư đang giảng sắp xong, mới hỏi đại chúng:
Đêm qua ở phòng mỗ luận nghĩa, người phía sau là ai vậy? Người này ắt kế thừa bậc tông tượng.
Trong đó có người cùng phòng nói:
Là hành giả Lư ở Tân Châu.
Ấn Tông nói:
Thỉnh hành giả qua phòng!
Huệ Năng liền qua phòng, Ấn Tông hỏi:
Ông từng nối pháp người nào?
Huệ Năng đáp:
Nối pháp đại sư Hoằng Nhẫn ở Đông Sơn Kì Châu Lĩnh Bắc.
Ấn Tông lại hỏi:
Lúc đại sư Hoằng Nhẫn sắp lâm chung nói “Phật pháp đã về phương Nam”, có phải là hiền giả chăng?
Huệ Năng đáp:
Phải.
Ấn Tông nói:
Đã nói là phải, thì lẽ ra có cà-sa truyền pháp. Vậy xin hãy cho xem qua!
Ấn Tông nhìn cà-sa rồi, trân trọng lễ kính, tâm rất hoan hỷ, than rằng:
Mãi đến bây giờ phương Nam mới có pháp bảo vô thượng như vậy!
Ấn Tông hỏi:
Đại sư Hoằng Nhẫn phó chúc truyền trao ý chỉ thế nào?
Huệ Năng đáp:
Chỉ luận về thấy tánh, chứ không luận về thiền định, giải thoát, vô vi, vô lậu?
Ấn Tông hỏi:
- Tại sao không luận về thiền định, giải thoát, vô lậu, vô vi?
Huệ Năng đáp:
- Vì các pháp này không phải là Phật tánh, Phật tánh là pháp không hai, kinh Niết-bàn làm sáng tỏ Phật tánh là pháp không hai, chính là pháp thiền này.
Ấn Tông hỏi:
- Thế nào là Phật tánh là pháp không hai?
Huệ Năng đáp:
- Trong kinh Niết-bàn, Bồ-tát Cao Quý Đức Vương thưa với Phật “Phạm vào tứ trọng cấm, gây tội ngũ nghịch và hạng Nhất-xiển-đề sẽ đoạn dứt căn lành. Vậy Phật tánh có biến đổi chăng?”. Phật bảo Bồ-tát Cao Quý Đức Vương “Căn lành có hai, một là thường, hai là vô thường. Phật tánh chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, cho nên không đoạn dứt”, đây gọi là không hai. Phật lại nói: “Một là thiện, hai là bất thiện. Phật tánh chẳng phải thiện, chẳng phải bất thiện, cho nên không đoạn dứt” đây gọi là không hai.
Huệ Năng lại nói:
- Uẩn và giới, phàm phu thấy là hai. Người trí liễu đạt thì thấy tánh ấy không có hai, tánh không có hai tức là thật tánh. Minh và vô minh, phàm phu thấy là hai. Người trí liễu đạt thì thấy tánh ấy không có hai, tánh không có hai tức thật tánh, thật tánh không có hai.
Huệ Năng nói với Ấn Tông:
- Cho nên phải biết Phật tánh là pháp không hai.
Ấn Tông nghe lời giải thoát của Huệ Năng, liền đứng lên chắp tay, kiền thành nguyện thờ phụng làm thầy. Ngày hôm sau, lúc Ấn Tông đang giảng, mới bảo mọi người rằng:
Tại sao Ấn Tông tôi nay gặp may? Vì dưới pháp tòa này có một pháp thân Bồ tát, Ấn Tông tôi vì mọi người giảng kinh Niết-bàn giống như ngói đá, đêm qua thỉnh hành giả Lư qua phòng luận nghĩa, nghĩa của ngài luận như vàng ngọc. Mọi người tin chăng? Nhưng vị hiền giả này là người được đại sư Hoằng Nhẫn ở Đông Sơn truyền pháp, mà mọi người không bao giờ tin. Vậy xin hành giả hãy đem cà-sa truyền pháp đưa ra cho mọi người xem!
Mọi người nhìn thấy rồi, đảnh lễ đều sanh tín tâm.
Ngày 17 tháng giêng âm lịch đầu niên hiệu Nghi Phụng (676), Ấn Tông làm lễ xuống tóc cho Huệ Năng. Ngày mùng 8 tháng 2, Huệ Năng thọ giới tại chùa Pháp Tính, giới đàn là chỗ Tam tạng Cầu-na Bạt-ma đời Lưu Tống lập, lúc đó huyền ký rằng “Về sau sẽ có bậc A-la- hán lên đàn này, có Bồ-tát thọ giới ở đây”. Nay đại sư Huệ Năng thọ giới đúng như lời huyền ký (theo Cao tăng lục).
Đại sư Huệ Năng thọ giới hòa thượng với luật sư Trí Quang chùa Tổng Trì ở Tây Kinh, yết-ma a-xà-lê luật sư Huệ Tĩnh chùa Linh Quang ở Tô Châu, giáo thọ a-xà-lê luật sư Đạo Ứng chùa Thiên Hoàng ở Kinh Châu. Sau này, ba vị luật sư đều học đạo với đại sư Huệ Năng. Cuối cùng ở Tào Khê làm chứng giới đại đức gồm có: Một là luật sư Kì-đa-la ở miền Trung nước Thiên Trúc, hai là tam tạng Mật-đa, hai vị đại đức này đều là A-la-hán, bác thông kinh-luật-luận, rành tiếng nước ngoài và tiếng địa phương. Cho nên pháp sư Ấn Tông thỉnh các vị làm bậc tôn kính chứng minh.
Lại cuối đời Tiêu Lương có tam tạng Chân Đế trồng hai cây bồ-đề ở bên đàn, bảo chúng tăng rằng:
- Hãy nhìn cây này, về sau sẽ có Bồ tát tăng diễn nói Vô thượng thừa dưới gốc cây này. Về sau quả nhiên đại sư Huệ Năng ngồi dưới cội cây này, vì mọi người mà khai thị pháp môn Đông Sơn, đúng như lời của tam tạng Chân Đế huyền ký (theo Chân Đế tam tạng truyện).
Ngày mùng 8 tháng 4 năm ấy, đại sư Huệ Năng lần đầu tiên vì đại chúng mà khai thị pháp môn:
- Ta có pháp không danh, không tự không mắt, không tai, không thân, không ý, không lời không dạy, không đầu không đuôi, không trong không ngoài, cũng không ở giữa, không đến không đi, chẳng phải xanh vàng đỏ trắng đen, chẳng phải hữu, chẳng phải vô, chẳng phải nhân, chẳng phải quả.
Đại sư hỏi mọi người:
- Đây là vật gì?
Đại chúng nhìn nhau chẳng dám trả lời, lúc đó có tiểu sa-di Thần Hội ở chùa Hà Trạch mới 13 tuổi đáp:
Là bổn nguyên của Phật.
Đại sư hỏi:
Cái gì là bổn Nguyên?
Sa-di đáp:
Bổn nguyên là bản tánh của chư Phật.
Đại sư nói:
Ta nói không danh không tự, tại sao ông lại nói Phật tánh có danh tự?
Sa-di nói:
Phật tánh không có danh tự, nhân vì hòa thượng hỏi cho nên mới lập danh tự, chính ngay danh tự tức không có danh tự.
Đại sư đánh sa-di mấy cái, đại chúng lễ tạ nói:
Tiểu nhân sa-di não loạn hòa thượng rồi!
Đại sư nói:
Đại chúng giải tán đi, gã sa-di lưỡi cháy này hãy ở đây!
Đến nửa đêm, đại sư hỏi sa-di:
Lúc ta đánh ông, Phật tánh có thọ không?
Sa-di đáp:
Phật tánh không thọ.
Đại sư hỏi:
Ông biết đau không?
Sa-di đáp:
Biết đau.
Đại sư hỏi:
Ông đã biết đau thì tại sao lại nói Phật tánh không thọ?
Sa-di đáp:
Thân há đồng với gỗ đá sao? Tuy đau mà tâm tánh chẳng thọ.
Đại sư nói với sa-di:
Lúc đốt lóng tay chân cắt lìa mà chẳng sanh tâm sân hận, đây gọi là không có thọ. Ta quên thân vì đạo, đeo đá giã gạo cho đến lòi dom(1) mà chẳng cho là khổ đây gọi là không có thọ. Nay ông bị đánh, mà tâm tánh chẳng thọ. Ông thọ các cảm giác như trí chứng đắc tam-muội Chân chánh thọ vậy.
Sa-di âm thầm thọ lời đại sư phó chúc, đại sư xuất gia khai pháp thọ giới, năm đó ngài 40 tuổi. Pháp sư Ấn Tông thỉnh đại sư trở về chùa Chế Chỉ, nay là viện Kinh Tạng chùa Long Hưng ở Quảng Châu, chính là pháp đường đại sư từng khai thị Pháp sư Ấn Tông hỏi đại sư Huệ Năng:
- Đại sư dự định trụ ở đâu lâu dài?
Đại sư đáp:
Chùa Bảo Lâm thôn Tào Khê cách huyện Khúc ở Thiều Châu 50 dặm về hướng Nam.
Pháp sư giảng kinh xong, dẫn hơn 3 ngàn tăng-tục tiễn đại sư trở về Tào Khê, nhân đó mà xiển dương rộng Thiền môn, học đồ có hơn trăm ngàn người.
1. 跨脫 (khóa thoát): Lòi trôn, lòi dom. Bệnh sa trực tràng ra ngoài hậu môn do thường xuyên lao động nặng nhọc. (Khóa: Trôn, đít).
Đến ngày 15 rằm tháng giêng âm lịch đầu niên hiệu Thần Long (705), vua xuống sắc đón đại sư vào nội điện, sư dâng biểu từ chối không đi. Đại đế Cao Tông sắc chỉ rằng:
Trẫm kiền thành mộ đạo, khát ngưỡng Thiền môn, mời các thiền sư chốn danh Sơn khắp mọi Châu tập hợp vào đàn tràng cúng dường. Hai đại đức An và Tú là các vị tăng đứng đầu mà trẫm thường trưng cầu, lại tìm ra ở phương Nam có thiền sư Huệ Năng từng mật thọ đại sư Hoằng Nhẫn ký truyền, được truyền y-bát của Đạt-ma để làm pháp tín, đốn ngộ Thượng thừa, thấy rõ Phật tánh. Nay ở núi Tào Khê tại Thiều Châu, khai thị cho chúng sanh tự tâm ấy chính là Phật.
Trẫm nghe Như Lai lấy tâm truyền tâm, phó chúc cho Ca-diếp, Ca-diếp nối tiếp truyền nhau, đến Đạt-ma thì giáo pháp bắt đầu hoàn bị ở Trung Hoa, đời đời truyền nhau đến nay không dứt. Sư đã thọ nhận có y chỉ, có thể đến kinh thành thi triển giáo hóa, tăng-tục quy y, chư Thiên và người chiêm ngưỡng. Cho nên trẫm sai quan Trung sứ là Tiết Giản đón sư, Nguyện xin sư sớm đến!
Ngày 15 rằm tháng giêng âm lịch đầu niên hiệu
Thần Long (705)