Huệ Năng sanh ở chốn xa xôi, hẻo lánh, thuở bé mộ đạo, lạm được đại sư Hoằng Nhẫn phó chúc tâm ấn của Như Lai, truyền y-bát từ nước Tây Thiên, thọ Phật tâm ở Trung Hoa, phụng ơn hoàng đế sai quan Trung sứ Tiết Giản triệu Huệ Năng vào nội đàn tràng. Huệ Năng ở lâu trong chốn núi rừng, tuổi già bệnh tật, bệ hạ uy đức bao trùm ngoài vật, đạo lý thông suốt muôn dân, nuôi dưỡng trăm họ nhân từ với lê dân (dân đen), tôn chỉ hoằng dương đại giáo(1), khâm sùng Thích môn(2), cúi xin bệ hạ nguyên lượng tha thứ cho Huệ Năng được ở núi dưỡng bệnh, tu trì đạo nghiệp, trên báo đáp ơn hoàng thượng, dưới đến chư vương thái tử.
Kính cẩn dâng sớ Thích-ca Huệ Năng
rập đầu lại, rập đầu lại.
1. Đại giáo (大教): Chỉ Phật giáo, Thiền giáo.
2. Thích môn (釋門): Cũng gọi là Thích gia, đồng nghĩa với Phật môn. Môn phái tu hành theo giáo pháp của đức Thích Tôn.
Quan Trung sứ Tiết Giản hỏi đại sư Huệ Năng:
- Các đời đức và thiền sư trong kinh thành dạy người cần nương nhờ tọa thiền. Nếu không nhân thiền định thì không có chuyện giải thoát, đắc đạo. Đúng vậy không?
Đại sư đáp:
- Đạo do tâm ngộ, há ở ngồi sao? Kinh KIM CANG nói “Nếu người nào nói Như Lai hoặc ngồi, hoặc nằm, thì người này không hiểu nghĩa Ta nói. Như Lai là không từ đâu đến, cũng không đi về đâu, cho nên mới gọi là Như Lai”. Không từ đâu đến là nói về sanh, cũng không đi về đâu là nói về diệt. Nếu không có sanh diệt thì gọi là Như Lai thanh tịnh thiền, thấy các pháp đều “không” là nghĩa của ngồi vậy.
Đại sư cáo từ nói với quan Trung sứ:
- Đạo rốt ráo không có đắc, không có chứng, huống gì là tọa thiền.
Tiết Giản nói:
- Giả trở về triều đình, Thánh nhân ắt hỏi. Nguyện xin hòa thượng chỉ dạy tâm yếu cho! Tương truyền Thánh nhân đến kinh thành học đạo như đèn xoay chuyển chiếu soi, mọi chỗ tối tăm đều sáng, sáng sáng vô tận.
Đại sư nói:
Đạo không có sáng tối, sáng tối là nghĩa thay đổi nhau, sáng sáng vô tận cũng là có tận cùng, vì đối đãi nhau mà lập tên gọi. Kinh Duy-ma nói “Pháp không có so sánh, không có đối đãi”.
Tiết Giản nói:
- Sáng dụ cho trí huệ, tối dụ cho phiền não. Người tu đạo nếu không dùng trí huệ chiếu phá sanh tử phiền não, thì làm sao được xuất ly?
Đại sư nói:
- Phiền não tức bồ-đề, không có hai, không có khác. Ngài thấy có trí huệ là năng chiếu, đây là kiến giả của Nhị thừa, người có trí đều không như vậy.
Tiết Giản hỏi:
- Thưa Đại sư! Thế nào là kiến giải của Đại thừa?
Đại sư đáp:
- Kinh Niết-bàn nói “Minh và vô minh, phàm phu thấy là hai, người trí liễu đạt thì thấy tánh ấy không có hai”. Tánh không có hai tức là thật tánh, thật tánh tức là Phật tánh, Phật tánh ở phàm phu chẳng giảm, mà ở hiền Thánh cũng chẳng tăng; ở phiền não mà chẳng cấu, ở thiền định mà chẳng tịnh; chẳng đoạn chẳng thường, chẳng đến chẳng đi, cũng chẳng ở giữa và trong ngoài, chẳng sanh chẳng diệt, tánh-tướng thường trụ, thường hằng không biến đổi.
Đại sư bảo với Tiết Giản:
- Nếu muốn truyền đạt tâm yếu, thì tất cả mọi thiện ác đều không được suy lường, tâm thể trạm nhiên tịch tịnh, ứng dụng tự tại.
Tiết Giản ngay lời nói đại ngộ, nói:
- Thưa Đại sư! Hôm nay mới biết Phật tánh vốn tự có, ngày trước cho là rất xa, hôm nay mới biết chí đạo ngay đây chứ không đi đâu xa cả. Hôm nay mới biết niết-bàn chẳng xa, những gì mắt thấy đều là trí huệ bồ-đề. Hôm nay mới biết Phật tánh chẳng nghĩ thiện ác, vô tư vô niệm, vô tri vô tác, chẳng trụ. Hôm nay mới biết Phật tánh thường trụ không biến đổi, không bị mọi việc ác làm thay đổi.
Quan Trung sứ Tiết Giản lễ bái cáo từ đại sư, đem tấu biểu về kinh đô.
Nhận tấu biểu, đại đế Cao Tông ban tặng đại sư một chiếc cà-sa ma nạp(1), và 500 xấp lụa với sắc thư rằng:
Lệnh triều ban xuống, sư cáo cớ già bệnh, vì trẫm mà tu đạo, là phước điền của đất nước. Sư như cư sĩ Duy-ma cáo bệnh, Kim Túc Như Lai(2) xiển dương đại pháp rộng khắp, truyền tâm của chư Phật, luận bàn pháp bất nhị im lặng ở thành Tỳ da, hàng Thanh văn bị mắng, hàng Bồ tát cáo lui. Từ sư như vậy mà Tiết Giản truyền ý chỉ của sư là truyền trao tri kiến của Như Lai, thiện ác đâu chẳng thể suy lường, tự nhiên đắc nhập tâm thể trạm nhiên, thường tịch, diệu dụng hằng sa. Trẫm tích chứa việc thiện mà đắc hạnh dài lâu, xưa kia gieo trồng nhân lành, nên nay mới được gặp sư xuất thế. Được sư chỉ dạy mà huệ đốn ngộ Phật tâm thường thừa đệ nhất, trẫm cảm kích mang ơn sư, tôn kính tu hành, mãi mãi không hủy hoại, cho nên dâng một chiếc cà-sa ma nạp và 500 xấp lụa để cúng dường Đại sư.
Ngày mùng 2 tháng 4 niên hiệu Thần Long thứ 3 (707)
Lại vào ngày 18 tháng 11 niên hiệu Thần Long thứ 3 (707), sắc chỉ ban xuống, dân chúng ở Thiều Châu tán thành tu sửa lại Phật điện và phòng kinh tạng chùa Trung Hưng của đại sư, ban biển hiệu là chùa Pháp Tuyền. Quê quán của đại sư ở Tân Châu, chùa cũ ở đó đổi thành chùa Quốc Ân. Năm đầu niên hiệu Diên Hòa (712), đại sư trở về Tân Châu tu sửa lại chùa Quốc Ân. Các đệ tử hỏi:
1. 磨衲 (ma nạp): Một loại cà-sa may bằng lụa rất mịn, rất tinh xảo, tượng truyền do nước Cao Ly (Triều Tiên) sản xuất.
2. 金粟如來 (Kim Túc Như Lai): Danh hiệu của một vị Phật ở đời quá khứ, tiền thân của cư sĩ Duy-ma-cật.
Hòa thường tu sử lại chùa, rốt lại chưa biết ngày trở về. Vậy có ai đáng thưa hỏi không ạ?
Đại sư đáp:
- Có tăng Linh Chấn chùa Ông Sơn, tuy bị tật chân đi khập khiễng, mà trong tâm không bị tật.
Môn nhân thưa thỉnh Chấn thuyết pháp, lại hỏi:
- Bao giờ Đại sư được trở về
Đại sư đáp:
- Ta không có ngày về.
Ngày ấy nhằm niên hiệu Cảnh Vân thứ 2 (711), ban đầu đại sư ở Tào Khê xây khám tháp. Về sau vào tháng 7 niên hiệu Tiên Thiên thứ 2 (713), mái hiên hành lang chùa vẫn chưa hoàn thành, đại sư thúc giục mau xong, nói:
- Ta sắp đi đây!
Môn nhân vẫn chưa hiểu ý, vào tháng 8 năm ấy, đại sư lâm bệnh, các môn nhân hỏi đại sư:
- Pháp sẽ phó chúc cho ai?
Đại sư đáp:
- Pháp không phó chúc, cũng không có người nào được.
Thần Hội hỏi đại sư:
- Việc truyền cà-sa pháp tại sao không truyền nữa?
Đại sư đáp:
- Vì nếu truyền y này thì người truyền pháp sẽ chết sớm, không truyền y này thì pháp của ta được hoằng dương thịnh hành, lưu truyền khắp Tào Khê. Sau khi ta diệt độ 70 năm, sẽ có Bồ tát từ hướng Đông đến, một là Bồ tát tại gia, tu tạo chùa phòng; hai là Bồ tát xuất gia, trùng Hưng lại giáo môn của ta.
Đồ chúng hỏi đại sư:
- Tại sao truyền y này sẽ bị chết sớm?
Đại sư đáp:
- Ta giữ y này, ba lần có thích khách(1) đến lấy mạng ta, mạng ta như chỉ mành treo chuông. Vì sợ sau này người truyền pháp bị hại, cho nên không phó chúc.
Đại sư cố gắng khuyến tấn đồ chúng, một lòng cầu đạo quên thân, chỉ siêng năng tu tập, đến thẳng bồ-đề. Ngày mùng 3 tháng 8 năm ấy, đại sư bỗng ngồi ngay thẳng nhập diệt, thọ 76 tuổi. Ngày diệt độ, khói mây vụt bay, suối ao khô cạn, rãnh khe ngừng chảy, hai màu sáng trắng đỏ bao phủ khắp trời, đỉnh núi phía Đông có bầy hạc khoảng ngàn con đậu trên cây cùng kêu vang buồn thảm.
Lại ở phía Tây chùa có luồng khí trắng như tấm lụa trắng trải dài hơn một dặm, sắc trời trong sáng, sừng sững bên trên, trải qua 5 ngày mới tan. Lại có mây ngũ sắc xuất hiện ở hướng Tây Nam, bầu trời bốn hướng không gợn chút mây, chợt có vài cơn gió mát từ hướng Tây Nam thổi vào chùa phòng, bỗng chốc khí thơm ùn ùn lan tỏa khắp hành lang mái hiên, đất đai chấn động, ven bờ núi sụt lở.
1. 刺客 (thích khách): Kẻ ám sát người khác.
Đại sư qua đời tại chùa Quảng Quả ở Tân Châu, lúc ấy xuất hiện 3 luồng ánh sáng cầu vồng ở phía Tây chùa, trải qua 10 ngày mới tan. Lại ở con đường lớn đầu thành trước chùa có ánh sáng cầu vồng trải qua 100 ngày, bầy chim kêu bi thương, sông suối bình thường nước ngập tràn, mà mấy ngày chẳng chảy. Lại thiền sư Chấn ở chùa Ông Sơn ban đêm đang thuyết pháp cho mọi người nghe, bỗng có một luồng ánh sáng đỏ từ phía Nam bay vào phòng. Thiền sư bảo với mọi người:
- Hòa thượng hiện nhiều đều báo ứng, dù đã qua đời ở Tân Châu. Luồng ánh sáng đỏ là điềm linh ứng tốt lành của hòa thượng.
Tân Châu lúc có thư báo tang, môn đồ của Tào Khê khóc than thương xót, nhân đó mà luồng ánh sáng vụt tan, Sông suối từ từ chảy lại. Thư đến chùa Ông Sơn, thiền sư Chấn đọc xong buồn thương, bày cúng cơm chay 21 đêm, đạo-tục đều tụ tập về. Chợt có ánh sáng đỏ từ phòng bay ra, thiền sư Chấn bảo mọi người:
- Chấn ta không còn ở đây lâu nữa, kinh nói “Voi chúa đã chết thì voi con cũng chết theo”.
Buổi tối đêm đó, thiền sư Chấn nằm xoay hông về bên phải mà qua đời.
Môn nhân Tào Khê đón toàn thân của đại sư Lục Tổ về Tào Khê. Lúc ấy đầu của đại sư cũng không được buông tha, vì có nhóm người muốn giữ lại đầu ngài tại chùa Quốc Ân để xây tháp cúng dường. Bấy giờ nhóm môn nhân Tăng Sùng bèn gặp quan Thứ sử để thương lượng, qua đó mới hoàn trả đầu của đại sư về Tào Khê. Phần cổ của đại sư vì thế trước hết được bao bọc bằng vòng sắt, dính chặt với toàn thân.
Ngày 13 tháng 11 năm ấy, dời kim thân vào khám. Đến niên hiệu Khai Nguyên thứ 27 (739), lại có thích khách định đến lấy đầu, cái đầu rời của đại sư mà trước đó đã được đưa vào trong tháp tại sân chùa ở Tào Khê. Lúc ấy dù đã chặt mấy nhát dao mà kẻ trộm chỉ nghe dội tiếng sắt kêu, quá kinh hãi người ấy bèn buông dao, sau đó chỉ thóang thấy một người mặc đồ tang chạy nhanh từ chùa ra, tìm không được dấu vết. Bình sanh đại sư thọ giới, khai pháp độ người 36 năm. Năm Nhâm Tý nhằm niên hiệu Tiên Thiên thứ 2 (713), đại sư diệt độ.
Đến niên hiệu Kiến Trung thứ 2 đời Đường (781), cỡ khoảng 71 năm, năm ấy đại chúng thỉnh đệ tử thượng túc(1) là Hành Thao giữ cà-sa lưu truyền. Trải qua 35 năm, có quan Điện trung thị ngự sử là Vi Cứ vì đại sư mà lập bia. Về sau vào niên hiệu Khai Nguyên thứ 7 (719), đệ tử tục gia của Bắc tông là Vũ Bình Nhất xóa bỏ văn bia của Vi Cứ lập, tự lập văn bia của mình là Vũ Bình Nhất. Niên hiệu Khai Nguyên thứ 11 (723), có thiền sư Hoàng ở Đàm Châu từng phụng sự đại sư Hoằng Nhẫn, về sau trở về chùa Lộc Sơn ở Trường Sa, thường tu tập tọa thiền, hằng nhập định xuất thần xa gần để nghe biết học hỏi. Lúc đó có thiền sư Đại Vinh trụ ở Tào Khê phụng sự đại sư, trải qua 30 năm, đại sư thường nói với Vinh:
- Ông hóa độ chúng sanh được đó.
Vinh bèn lễ bái từ biệt trở về phương Bắc. Trên đường đi qua chỗ thiền sư Hoàng, Vinh đảnh lễ hỏi Hoàng rằng:
- Thừa nghe hòa thượng thường luôn nhập định, ngay lúc nhập định là có tâm hay không có tâm ạ? Nếu có tâm thì tất cả chúng sanh đều có tâm, lẽ ra đều được nhập định. Nếu không có tâm thì cỏ cây ngói đá lẽ ra cũng đều được nhập định.
1. 上足 (thượng túc): Đệ tử kiệt xuất, học trò giỏi.
Hoàng đáp:
- Lúc ta nhập định, không có tâm hữu-vô.
Vinh thưa:
Nếu không có tâm hữu-vô, tức là thường định, thường định thì không có xuất nhập.
Hoàng liền đớ lưỡi, hỏi:
- Ông từ chỗ Đại sư Huệ Năng đến, Đại sư lấy pháp gì dạy ông?
Vinh đáp:
- Đại sư dạy Vinh tôi chẳng phải định, chẳng phải loạn, chẳng phải tọa, chẳng phải thiền, đây gọi là Như Lai thiền.
Hoàng ngay lời nói liền ngộ ra rằng năm uẩn chẳng phải có, thể của lục trần vốn “không” chẳng phải tịch, chẳng phải chiếu, lìa có lìa không, ở chính giữa chẳng trụ vô tác, vô công, ứng dụng tự tại, Phật tánh viên thông. Rồi đó tự trách:
- Ta 30 năm nay chỉ ngồi rỗng tuếch mà thôi.
Liền đến Tào Khê quy y với đại sư học đạo, người đời truyền miệng nói thiền sư Hoàng 30 năm tọa thiền, gần đây mới thật phát tâm tu đạo. Niên hiệu Cảnh Vân thứ 2 (711), Hoàng trở về nơi cư ngụ cũ ở Trường Sa, đêm ngày mùng 8 tháng 2 thì ngộ đạo, đêm ấy trong hư không có tiếng nói bảo tất cả thiên hạ:
- Đêm nay thiền sư Hoàng đắc đạo, đây cũng là đệ tử của Đại sư Huệ Năng.
Niên hiệu Thượng Nguyên thứ 2 (761), quan Tiết độ sứ là Vi Lợi kiến tâu lên vua, tăng Hành Thao cùng truyền cà-sa được triệu vào nội điện, theo đó hoàng đế Hiếu Cảm y tấu chỉ. Sắc thư chép:
- Trẫm sắc chuẩn việc truyền cà-sa Lục Tổ ở núi Tào Khê cho tăng Hành Thao và đệ tử tục gia Vi Lợi. Cho nên lệnh cho quan Thủy lục Cấp Công Thừa, quan Tùy trung sứ Lư Sở Giang mau đến kinh đô.
Hạ lệnh ngày 17 tháng 12
niên hiệu Thượng Nguyên thứ 2 (761)
Lại ngày mùng 1 tháng giêng âm lịch niên hiệu Càn Nguyên thứ 2 (759), hòa thường hành Thao có biểu dâng lên tạ từ vì già bệnh, bảo vị tăng kiệt xuất là Huệ Tượng và gia nhân Vĩnh Hòa đưa cà-sa truyền pháp vào nội điện. Quan Tùy trung sứ Lưu Sở Giang đến kinh đô, ngày mùng 8 tháng 4 được tấu đối. Ngày 17 tháng giêng âm lịch, hòa thường hành Thao viên tịch, thọ 89 tuổi. Vua ban tặng cho tăng Huệ Tượng một chiếc cà-sa tía(1), gia nhân ở Châu Vĩnh Hòa được ban trợ sửa sang chùa cũ, đổi chùa Kiến Hưng thành chùa Quốc Ninh, sửa lại chùa của hòa thường hành Thao, ban tặng biển hiệu là chùa Bảo Phước. Lại tăng Huệ Tượng và quan Tùy trung sứ Lưu Sở Giang đã mang y cà-sa đến kinh đô.
1. 紫羅袈裟 (tử la ca-sa): Cà-sa thượng y bằng lụa màu tía. Tử (紫) là màu tím, hoặc màu tía, cả 2 màu này đều không do Phật qui định, nhưng là loại màu mà vua dùng ban tứ cho vị sư đức cao trọng vọng, có nhiều công lớn. Lại màu tía là màu tím đỏ tương tự màu mận chín, gần giống với màu nâu truyền thống hơn là màu tím. Thiết nghĩ nên dịch là cà-sa tía, thay vì cà-sa tím. Áo tía ban cho các sư bắt đầu từ đại sư Pháp Lãng đời Đường.