LỜI VÀNG

LỜI TỰA TÀO KHÊ ĐẠI SƯ BIỆT TRUYỆN

LỜI TỰA TÀO KHÊ ĐẠI SƯ BIỆT TRUYỆN

Thỉ Tổ của tông phái ta là đại sư Truyền Giáo(1) vào năm 803 từ Nhật Bản đi thuyền sang Trung Hoa cầu pháp. Ngài được truyền 3 pháp môn là Thiên Thai giáo, Mật thừa và Thiền môn. Lúc này tại nước Nhật chỉ có các giáo pháp của Hoa nghiêm và Duy thức, mà chưa từng biết diệu chỉ của Pháp hoa, áo nghĩa của mật thừa. Cho nên ngài chỉ chuyên chủ trương Thiên Thai giáo và Mật thừa, riêng Thiền môn chỉ liệt kê phải hệ truyền thừa mà thôi. Xưa cho 3 tạng và 12 phần giáo chẳng khác gì vẽ rồng, ý chỉ của trực chỉ lại như điểm chấm con người, rồng chưa thành hình thì ở đâu mà chấm thêm mắt chứ!

Các ngài Từ Giác(2), Trí Chứng(3) nối Tiếp nhau vào Trung Hoa, cũng chỉ truyền bá Thiên Thai giáo, Mật thừa, còn Thiền môn từ trước đã được phổ biến rộng rồi. Thế nên diệu chỉ của Viên đốn(4), tông chỉ của tam mật(5), như ánh sáng tỏa chiếu khắp nơi, giáo pháp lại được hoàn bị đầy đủ, hơn 300 năm sau mà rồng đã thành, mắt có thể chấm.

1. Truyền Giáo (767-822): Cao tăng Nhật Bản, Tổ khai sáng tông Thiên Thai Nhật Bản, người ở Cận Giang (huyện Tư Hạ) họ Tam Tân thụ. Thiên hoàng Thanh Hòa truy tặng sư thụy hiệu là Truyền Giáo đại sư. Người đời gọi sư là Duệ Sơn đại sư, Căn Bản đại sư, Sơn Gia đại sư, Trừng thượng nhân. Sư soạn thuật rất nhiều, tác phẩm của sư có tới hơn 280 bộ, hoặc hơn 400 bộ. Hiện còn 160 bộ, nhưng trong đó có một số không rõ chân ngụy. Tác phẩm có Pháp hoa tú cú 3 quyển, Nội chứng Phật pháp tương thừa huyết mạch phổ 1 quyển, Đường quyết tập 1 quyển... đều được thu vào Truyền Giáo đại sư toàn tập.

2. Từ Giác Viên Nhân (794-864): Tổ của phái Sơn Môn thuộc Thiên Thai tông Nhật Bản, sống dưới thời đại Bình An, người vùng Hạ Dã ([Shimotsuke], thuộc huyện Lệ Mộc [Tochigi]), tục danh là Nhâm Sinh. Các trước tác của sư để lại cho hậu thế có Kim cang đảnh kinh sớ 7 quyển, Tô tất địa kinh sớ 7 quyển, Hiển dương đại giới luận 8 quyển.

3. Trí Chứng Viên Trân (815-891): Vị tăng của Thiên Thai tông Nhật Bản, sống dưới thời đại Bình An, thụy hiệu là Trí Chứng đại sư, xuất thân vùng Tán Khi ([Sanuki], thuộc huyện Hương Xuyên [Kagawa] ngày nay), tục danh là Hòa Khí. Trước tác của sư có Đại Nhật kinh chỉ quy 1 quyển, Giảng diễn Pháp hoa nghi 2 quyển, Thọ quyết tập 2 quyển.

4. 圓頓 (Viên đốn): Ý của Viên mãn mau chóng đầy đủ, tức hết thảy viên mãn không thiếu sĩt, lấy tâm của viên mãn mau chóng đầy đủ mà lập tức đến được cõi ngộ, tức được mau chóng thành Phật, cho nên có “viên đốn Nhất thừa”, “viên đốn chỉ-quán”, xuất hiện những tên gọi này đều là nghĩa của Thiên Thai giáo nói. Lại pháp quán của viên đốn ấy gọi là viên quán, ngoài ra, trong các tông phái khác, giáo pháp cứu cánh hoặc tu hành rốt ráo cũng đều gọi là viên đốn.

5. . Chỉ cho 3 nghiệp bí mật, tức thân mật, khẩu mật và ý mật. Khẩu mật cũng gọi là ngữ mật và ý mật cũng gọi là tâm mật, từ “tam mật” chủ yếu do Mật giáo sử dụng. Theo sự giải thích của Mật giáo thì 3 nghiệp của Phật thuộc về dụng đại (tác dụng của chân như) trong 3 đại thể-tướng-dụng. Tác dụng ấy rất sâu xa nhỏ nhiệm, sự nghĩ lường của phàm phu không thể nào biết được, hàng Bồ-tát Thập địa, Đẳng giác cũng không thể thấy nghe, cho nên gọi là tam mật.

 

Vì các môn đồ Giác A, Vinh Tây(1), Đạo Nguyên(2)  đều từ bổn tông ra, thảy đều thể hội được ý chỉ truyền trao của thỉ Tổ. Do đó vào đời Tống, đời Nguyên, đệ tử nối pháp truyền tâm, quy về cử xướng, là lúc đạt đỉnh cơ chín muồi, tông phong rạng rỡ rộng lớn khắp. Theo đây mà quán sát thì Thiền của Trung Hoa truyền về Nhật Bản bắt nguồn từ đại sư Truyền Giáo, lần lượt truyền trao đến các ngài Từ Giác, Trí Chứng, Giác A; truyền đến Vinh Tây, Đạo Nguyên, rồi đổ dồn về các bậc đại tông tượng(3). Giáo môn ta được truyền trao bằng kế thừa tụng pháp, mà đặc biệt ý chỉ của trực chỉ lại được truyền kín riêng tư, và chỉ được phổ truyền qua hình thức ghi chép phải hệ.

1. Vinh Tây (1141-1215): Thiền sư Nhật Bản, thuộc tông Lâm Tế, dòng Hoàng Long. Sư được xem là vị Tổ khai sáng Thiền tông tại Nhật Bản. Sư soạn bộ Hưng Thiền hộ quốc luận để xiển dương Thiền tông và để chống đối lại sự phản bác mạnh mẽ của các vị tăng thuộc Thiên Thai tông. Sư còn có những tác phẩm khác là Bồ-đề tâm luận khẩu quyết, Xuất gia đại cương, còn thêm những luận giải về tông Thiên Thai và Mật giáo. Sư tịch năm 1215, thọ 75 tuổi.

2. Còn gọi là Vĩnh Bình Đạo Nguyên (1200-1253). Tổ khai sáng phái thiền Tào Động, Nhật Bản, họ Nguyên, tên Hy Huyền. Năm 1223, sư cùng với ngài Minh Toàn (đệ tử của Vinh Tây) sang Trung Quốc, đến núi Thiên Đồng Tây Minh, lần lượt tham lễ các vị Vô Tế Liễu Phái, Triết Ông Như Diễm… nhưng không khế hợp. Sau đó, sư yết kiến ngài Trường Ông Như Tịnh, bỗng nhiên đại ngộ, được ngài ấn khả và trao cà-sa, trúc bề, bạch phất, sách Bảo cảnh tam-muội, Ngũ vị hiển quyết do ngài Phù Dung Đạo Giai truyền lại. Tác phẩm có Chính pháp nhãn tạng 95 quyển, Vĩnh Bình thanh quy 2 quyển, Học đạo dụng tâm tập, Vĩnh Bình quảng lục 10 quyển, Phổ khuyến tọa thiền nghi, Tùy văn ký v.v…

3. 宗匠 (tông tượng): Tông sư của một tông phái, người đã sáng lập ra giáo thuyết của tông phái (người đã khéo thuyết pháp giúp thành tựu cho đệ tử, như người thợ đúc tượng dạy học trò).

 

Cho nên qua lại với các bậc Thiền môn ta, mỗi vị đều có thiền cơ, luôn khuyên bảo tham cứu Tông thừa(1), cũng tôn thờ nương cậy nơi Tả Khê(2), khích lệ nghiên cứu, truy tìm tung tích cao thâm của Vĩnh Gia.

Người xưa nói Thiền là cương tông của Giáo, Giáo là hệ thống của Thiền, thì há chỉ có cương tông của Thiền mà không có hệ thống của Giáo sao? Ôi, Thiền có Giáo mà chứng ngộ sâu xa, như cơ dụng của Lâm Tế thì chẳng thể cho là lỗ mãng. Giáo có Thiền mà hành xử uyển chuyển, như ngài Tứ Minh(3) giảng nói thì chẳng thể cho là sắp đặt. Cho nên Thiền là phải đạt Giáo, Giáo là phải tham Thiền, mà đời sau chẳng biết tam học giới-định-huệ đều từ một nguồn, đến nỗi chia sông uống nước, thật buồn thay!

Thiền nhân Phương Công đem Tào Khê đại sư biệt truyện của ngài Truyền Giáo đến thỉnh ta viết lời tựa, ta nhận thấy quyển sách này nêu ra được nhiều điều thù thắng, nhân đó bèn muốn nói chỗ thỉ Tổ truyền trao ẩn sâu tận đáy lòng, nên mới viết lời tựa. Đàn kinh có ghi chép đôi ba chỗ từ trong quyển Biệt truyện này, và đều y theo lời bạt của Phương Công. Cho nên chẳng rườm thừa khi nêu ra những điều như thế.

Mùa hạ năm Nhâm Ngọ nhằm niên hiệu Bảo Lịch

thứ 12 nhà Đại Thanh (1760) 

Sa-môn Kim Long là Kính Hùng kính cẩn soạn.

1. 宗乘 (Tông thừa): Tức là Thiền tông, cũng gọi là Tổ Sư thiền, là pháp thiền trực tiếp do Phật Thích-ca đích thân truyền cho Sư Tổ Ma-ha Ca-diếp.

2. Tả Khê Huyền Lãng (673-754): Cao tăng Trung quốc, sống vào đời Đường, người huyện Ô Thương, Vụ Châu (nay là huyện Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang), họ Phó, tự Tuệ Minh, hiệu Tả Khê. Là Tổ thứ 8 của tông Thiên Thai. Tác phẩm có Pháp hoa khoa văn 2 quyển.

3. Tứ Minh Tri Lễ (960-1028): Cao tăng Thiên Thai tông đời Tống, tức pháp sư Tri Lễ. Vì sư ở núi Tứ Minh, hoằng dương chánh nghĩa của Thiên Thai, và là nhân vật trọng tâm của phái Sơn Gia thuộc Thiên Thai tông, cho nên được người đời gọi là Tứ Minh Tri Lễ, có người tán thán gọi sư là Tứ Minh tôn giả.