LỜI VÀNG

LỜI NÓI ĐẦU

LỜI NÓI ĐẦU

Lục Tổ Huệ Năng (638-713) đời Đường, là vị Tổ thứ 6 trong 6 đời chính thức truyền thừa của Thiền tông Trung Hoa, là con người được xem là kỳ đặc bậc nhất. Từ cuộc đời hành trạng ly kỳ thú vị, đọc lại mãi vẫn thú vị, đến đốn pháp áo diệu, bình dị mà kín sâu, hành mãi vẫn khôn cùng. Lời của sư tất cả đều “trực chỉ vào thật tánh của mỗi người”, là tiếng sét đánh vỡ mọi luyến chấp khổ đau của kiếp nhân sinh, là hồi chuông đánh thức và phá tan mọi quan niệm thiên kiến sai lạc của Phật giáo cũ đang suy tàn. Ba đời chư Phật và 12 bộ kinh đều ở trong tánh người, vốn tự có đủ. Nếu biết tự tánh, một khi ngộ liền đến Phật địa.

Lần đầu tiên, sư vì đại chúng mà khai thị pháp môn, tuyên bố rằng:

Ta có pháp không danh không tự, không mắt không tai, không thân không ý, không lời không dạy, không đầu không đuôi, không trong không ngoài, cũng không ở giữa, không đến không đi, chẳng phải xanh vàng đỏ trắng, chẳng phải hữu chẳng phải vô, chẳng phải nhân chẳng phải quả. Chủ trương cốt yếu của sư là “Phật tánh là pháp không hai”. Pháp vốn chẳng thiện, chẳng phải bất thiện, chẳng phải thường, chẳng phải vô thường. Minh và vô minh, phàm phu thấy là hai, người trí liễu đạt thì thấy không hai, tánh không hai chính là thật tánh. Tất cả là một, một là tất cả, phiền não tức bồ-đề.

Trước khi tu đạo, sư là một thanh niên chân chất, không bị hệ lụy bởi các lý thuyết tri thức. Vì vậy câu đầu tiên sư nói với Ngũ Tổ lý do đi tu rất mộc mạc thẳng thắn là “Không cầu chi khác, chỉ cầu làm Phật”. Tiếp đó là câu làm chấn động Ngũ Tổ “Người thì có Nam Bắc, Phật tánh không có Nam Bắc. Tuy thân kẻ quê mùa này khác với hòa thượng, nhưng Phật tánh không có gì sai biệt”. Bất kỳ ai cũng có Phật tánh, và Phật tánh trong mỗi chúng sanh đều bình đẳng như nhau. Đó là tư tưởng chủ đạo và thấu suốt trong toàn bộ lời giảng của sư. Phương pháp lập cước của sư lấy vô niệm làm tông, vô tướng làm thể, vô trụ làm gốc… Tóm lại, tư tưởng trọng tâm của sư là tư tưởng đốn ngộ, tự tu tự chứng; những gì còn lại chỉ là phương tiện, tùy bệnh cho thuốc. Ghi chép về cuộc đời và những lời giảng dạy của Lục Tổ hiện nay được tập hợp thành 2 bộ sách: Một là kinh PHÁP BẢO ĐÀN(1). Hai là lời giải nghĩa của Lục Tổ về kinh KIM CANG (Kim Cang kinh giải nghĩa, Tục tạng kinh tập 24, số 459).

ĐÀN KINH được phổ biến rộng rãi, người học Phật không thể bỏ qua tác phẩm này. Vì đây là một văn bản quan trọng bậc nhất của Thiền tông. Tuy nhiên, Đàn kinh lại có hơn 10 dị bản, kể cả 2 bản mới tìm được ở Đôn Hoàng. Đàn kinh ở Việt Nam đã được dịch ra khá nhiều, mỗi bản đều có những đặc sắc riêng. Đàn kinh được dịch và giới thiệu nơi đây vốn là Nguyên bản Tào Khê do ngài Tông Bảo(2) kết tập, thường được xem là bản truyền thống đầy đủ, đáng tin cậy, sắp đặt trang nhã nhất.

Đối với kinh KIM CANG do Lục Tổ giảng, một lần nữa chúng ta lại có cơ hội hiếm có xem đọc những lời dạy mộc mạc mà thâm thúy, từng lời đều trực chỉ vào thật tánh nơi chính mỗi người, cùng lúc cắt đứt mọi nghi lầm, rất thiết yếu cho mọi giới tu học. Tuy nhiên, kinh KIM CANG do Lục Tổ giảng lại chưa được giới thiệu nhiều, ở Việt Nam hiện chỉ có một bản Việt dịch của thầy Nguyên Hiểu ấn hành vào năm 2009.

1. Nguồn: (http://ftp.budaedu.org/publish/C8/CH85/CH850-24-01-001.PDF).

2. Tăng nhân đời Nguyên, từng trụ chùa Phong Phan Báo Ân Quang Hiếu (nay là huyện Khúc Giang, tỉnh Quảng Đông Trung Quốc). Niên hiệu Chí Nguyên thứ 28 (1291), sư đối chiếu hiệu đính 3 thứ của Đàn kinh là văn bản, đính chính những chỗ lầm lẫn, bổ sung những chỗ giản lược. Rồi biên thêm cơ duyên thỉnh ích của đệ tử, biên thành Lục Tổ đại sư Pháp bảo đàn kinh.

 

Để góp phần phổ biến hơn nữa những lời vàng trân quý của Lục Tổ, đặc biệt đối với kinh KIM CANG mà từ đó Tổ liễu ngộ, và cũng để giúp cho việc tham cứu học tu được thuận tiện dễ tập trung, trong đợt ấn hành sách về Lục Tổ lần này, chúng tôi sẽ cùng lúc dịch trọn 2 tác phẩm kinh PHÁP BẢO ĐÀN và kinh KIM CANG, cùng Tào Khê đại sư biệt truyện (Tục tạng kinh tập 86, số 1598).

Đặc biệt đối với kinh KIM CANG, ngoài phần giải nghĩa trọn vẹn của Lục Tổ, không sợ rườm rà vẽ rắn thêm chân, chúng tôi mạnh dạn giới thiệu thêm toàn bộ lời chú giải đặc sắc về kinh KIM CANG (Kim Cang kinh chú, Tục tạng kinh tập 24, số 461) của thiền sư Dã Phụ Đạo Xuyên đời Nam Tống, biệt hiệu là Xuyên Lão, đã cảm tác đề chú sau khi đọc lời giảng kinh KIM CANG của Lục Tổ. Lời chú của Xuyên Lão cho mỗi đoạn kinh thường gồm 3 mục:

1- Lời cảm chung, thường chỉ dăm ba chữ ngắn gọn để tóm lược ý kinh.

2- Kệ tụng từ 4 đến 8 câu.

3- Tân chú, chú rõ thêm những lời giải của Lục Tổ cũng mộc mạc thâm thúy, không có gì trái ngược với Lục Tổ.

Ngoài ra, ở đầu mỗi phần kinh theo phân mục của thái tử Chiêu Minh đời Lương, Xuyên Lão có giải thích ngắn gọn ý nghĩa vì sao có tên cho từng phần trong tổng số 32 phần. Thỉnh thoảng Xuyên Lão có bổ sung bài kệ của Bồ-tát Di-lặc. Đặc biệt nhất và có lẽ giá trị nhất là Xuyên Lão đã tập hợp được 27 mối nghi do Bồ-tát Thiên Thân phát hiện, được lồng vào khi chú giải kinh KIM CANG.

Các mối nghi này hầu hết không được nêu ra trong kinh văn, đơn giản là khi Phật đối đáp với ngài Tu-bồ-đề, ngài Tu-bồ-đề vừa chớm khởi nghi, chưa kịp hỏi là Phật liền trả lời đoạn nghi ngay. Ngài Tu-bồ-đề thấu hiểu đến rơi lệ, nhưng từ người thứ 3 trở đi, nhất là phàm phu hơn 2.500 năm sau, Nếu không nắm được các mối nghi thầm kín, thì chắc chắn sẽ không hiểu hết được kinh KIM CANG, thậm chí chỉ thấy kinh còn nói chuyện đâu đâu, lập đi lập lại toàn chuyện khó hiểu. Trong khi Phật lại long trọng khẳng định nhiều lần là ai thọ trì đọc tụng kinh này, vì người khác mà diễn nói, nhẫn đến chỉ bài kệ 4 câu, cũng sẽ được công đức vô biên không thể suy lường. Vì thế hiểu được mối nghi là nắm được chìa khóa để hiểu thấu kinh KIM CANG, đó cũng là lý do mà ngài Huyền Trang đặt tên cho kinh là NĂNG ĐOẠN KIM CANG BÁT- NHÃ BA-LA-MẬT.

 Đại sư Ham Sơn đời Minh, một lần đang giảng kinh KIM CANG bỗng đại ngộ, khám phá ra 33 mối nghi và nhờ pháp duyên hạnh trợ mà thảo xong ngay lúc đó toàn bộ “kinh Kim Cang quyết nghi”, cũng là một tài liệu vô giá cho người trì tụng kinh KIM CANG.

Pháp sư Ấn Tông, một danh tăng uy tín thường giảng kinh Niết-bàn, có lần sau khi nghe lời giải thoát của Lục Tổ, đã phải thốt lên: “Tôi giảng kinh giống như ngói đá, Lư hành giả luận nghĩa thể như vàng ngọc”. Đúng vậy, từng lời của Tổ đều từ tự tánh khởi dụng, nên mỗi mỗi đều trân quý như vàng ngọc, như qua kim khẩu của một vị Phật. Đó cũng là lý do mà chúng tôi trân trọng đặt tên tập sách là LỜI VÀNG TỔ HUỆ NĂNG.

Nguyện cầu tất cả những ai đọc được lời vàng của Tổ đều sớm dứt trừ 4 tướng, lòng thường an lạc tràn ngập thương yêu, nhanh chóng trở về hòa nhập cùng tự tánh.

Gia Định, ngày 19 tháng 5 năm 2020 

Vương Bang Khải, Đặng Hữu Trí đồng kính bái.