LỜI VÀNG

LỜI TỰA LỤC TỔ PHÁP BẢO ĐÀN KINH CỦA VUA HIẾN TÔNG (NHÀ MINH)

Trẫm từng nghe Phật là bậc Thánh nhân ở phương Tây, làm việc thiện không chán mỏi, hằng tế độ rộng khắp khôn cùng. Lại rằng Phật là đấng năng cứu giúp, thường giúp đỡ giáo hóa thế gian mà được hưng thịnh đại hành. Vì vậy khắp nơi đều khen tụng lúc Phật gánh lấy trách nhiệm, chính là vì chúng ta mà hiển bày đức hạnh. Cho nên phải biết Phật là bậc hằng giúp đỡ, chỉ dạy, thật không ai sâu sắc bằng. Xưa Tổ Đạt-ma từ xa đến Trung Hoa, chủ trương chẳng lập văn tự cốt chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật.

Ôi, tánh của Trời và người vốn là một, văn tự vạch ra cho biết chỉ có tâm, mà dung thông tánh đức, có thiện có ác, có tà có chánh. Chân chánh ấy thì nói theo tánh thiện gọi là thuận, tà vạy ấy thì nói theo tánh ác gọi là nghịch. Tử Tư nói: “Tự thành thật, tự sáng tỏ gọi là đức tánh”, lại nói: “Thành thật là đạo của Trời, chẳng thành thật thì không thấu đáo sự vật”(1).

1. Sách Đại học chép: “Những vị vua thánh thuở Xưa muốn làm cho đức tánh mình sáng tỏ ra trong thiên hạ trước phải lo sửa trị nước mình. Muốn sửa trị nước mình, trước phải sắp đặt nhà cửa cho chỉnh tề Muốn sắp đặt nhà cửa cho chỉnh tề trước phải tu tập lấy mình. Muốn tu tập lấy mình, trước phải giữ lòng dạ mình cho ngay thẳng (chính kỳ tâm). Muốn giữ lòng dạ mình cho ngay thẳng, trước phải làm cho cái ý mình thành thật (thành kỳ ý). Muốn làm cho cái ý mình thành thật, trước phải có tri thức chu đáo (trí kỳ tri). Muốn có trí thức chu đáo, ắt phải nghiên cứu sự vật (trí tri tại cách vật)”. Vì vậy, tâm ý mình chẳng thành thật thì sẽ không thấu đáo sự vật, rất dễ lầm lạc.

Nếu có thể ở trên tánh tham cứu chân tông, biện biệt thiện ác, thì lo gì mà không đến được địa vị Thánh Hiền. Cho nên Phật an vui ở chỗ làm thiện, tâm không có tà kiến, tánh thể viên minh, ở cõi thiêng liêng không ham danh lợi, ở nơi “không” mà chẳng chấp “không” ở nơi tướng mà lìa mọi tướng, nhờ vậy đạt nhiều thành quả giúp đỡ hưng khởi trẫm trị đạo.

Nếu nói sùng bái cúng dường mà cầu phước, thì gọi là lợi mình, trẫm không chọn lấy vậy. Nay có bậc tham thiền Huệ Năng họ Lư, thuộc dòng giống Việt ở phương Nam, là ngườiTân Châu. Sư từng ở Hoàng Mai, được truyền y-bát, tham cứu môn học của tánh tông, thượng ẩn ở Tào Khê. Sau khi sư viên tịch, đệ tử hội tập lời nói lưu truyền của sư lại thành PHÁP BẢO ĐÀN KINH. Lời lẽ của sư là chân chánh, tánh đức của sư là thiện lành, đại khái muốn tiếp dẫn người đi theo các đường chí thiện, lìa những nẻo ác, không khác gì với đạo lý “tự thành nhập Thánh” đến “cùng lý tận tánh” của nhà Nho ta. Nhân muôn việc nhàn rỗi, nên ta viết lời tựa, bảo đình thần Triệu Ngọc Chi thêm vào biên chép, khắc vào cây chương(1)  để lưu truyền. Vì ĐÀN KINH là chỉ nam của kiến tánh nhập thiện, nên ta viết như vậy.

Một ngày tháng 3 năm Thành Hóa thứ 7

nhà Đại Minh (1471)

1. 樟 (chương): Cây chương, có mùi thơm, cắt ra từng miếng cho vào đun, hơi bốc lên kết thành phấn trắng, dùng để làm thuốc và trừ trùng, gọi là chương não (樟腦) long não.