1. Liệt tử chú thích của nhà xuất bản Hoa Liên – Đài Bắc 1969.
2. Liệt tử - Đường Kính Cảo tuyển chú – của nhà Thương vụ ấn thư quán – Thượng Hải 1937.
3. Le vrai classique du vide parfait – Benedykt Grynpas dịch ra tiếng Pháp của nhà Gallimard 1961.
Chúng tôi dùng bản số 1, hai bản kia chỉ để kiểm lại. Bản số 2 bỏ ba thiên: Hoàng Đế, Chu Mục vương và Lực mệnh. Bản số 3 bỏ vài bài không dịch mà chỉ tóm tắt, nhưng có đánh số từng bài, còn hai bản kia không.
Bản số 1 là một bản cổ, do Trương Trầm chú thích, hiệu đính qua loa. Nhà Hoa Liên in lại mà không thay đổi gì cả. Cách trình bày y như hồi xưa, chia làm 8 thiên:
I. Thiên thuỵ[1]
II. Hoàng Đế
III. Chu Mục vương
IV. Trọng Ni
V. Thang vấn
VI. Lực mệnh
VI. Dương Chu
VIII. Thuyết phù[2].
Mỗi thiên không phân ra thành bài như bản 2, cứ in liên tiếp nhau, không xuống hàng nữa. Chúng tôi chia thành bài, đặt cho nhan đề, lại ghi thêm câu đầu bằng chữ Hán của mỗi bài để độc giả dễ tìm trong bản chữ Hán.
Được hết thảy trên 140 bài, chúng tôi lượt bớt khoảng 30 chục bài không quan trong, ít lí thú hoặc trùng nhau, còn giữ lại trên 110 bài rồi đánh số: Số La Mã chỉ số thiên, số Ả Rập chỉ số bài[3].
Nhưng sự sắp đặt trong bản chữ Hán rất lộn xộn, không hợp lý chút nào cả, do đó nhan đề mỗi thiên không hợp với nội dung. Như thiên đầu: Thiên thuỵ gồm 13 bài mà chỉ có năm bài nói về vũ trụ, về đạo, còn 8 bài kia nói về sự sống, chết, cách làm giàu. Thiên Hoàng Đế gồm 21 bài chỉ có một bài nói về Hoàng Đế còn 20 bài kia nói về Khổng tử (4 bài), Dương Chu (2 bài), Lão tử, Chu Tuyên vương, vân vân. Mà thiên Trọng Ni gồm 15 bài cũng chỉ có 4 bài nói về Khổng tử, còn thì nói về Quan Doãn Hỉ, Liệt tử, Đặng Tích, vân vân.
Chỉ có thiên VII Dương Chu là có tính cách nhất trí nhất, cho nên Hồ Thích bảo cả cuốn ông tin có mỗi thiên đó.
Vì vậy chúng tôi đã bảo phải sắp đặt lại, trước hết gom tất cả những bài về Dương Chu ở trong các thiên II, VI, VIII, VIII, bỏ những bài trong thiên VII không nói tới Dương Chu (mặc dù nội dung có thể hợp với Dương Chu), mà cho vào một phần riêng, phần III nhan đề là Dương Chu.
Còn tất cả các bài khác cho vào phần hai, thuộc về Liệt tử. Như vậy chúng tôi có ý xét riêng tư tưởng của Liệt tử và Dương Chu cho nên nhan đề bản dịch của chúng tôi là Liệt tử và Dương tử[4].
Trong phần về Liệt tử chúng tôi sắp đặt lại các bài theo nội dung thành 6 chương:
I. Vũ trụ
II. Sinh tử và số mệnh
III. Đạo
IV. Tĩnh và mộng
V. Huyền thoại, truyền thuyết
VI. Cố sự, ngụ ngôn.
Như vậy có chương dài gồm 40 bài như chương cuối, có chương ngắn chỉ gồm 5 bài như chương IV; nhưng nội dung mỗi chương tương đối nhất trí hơn, hợp với nhan đề hơn.
Trong một cuốn trên 100 bài, rõ ràng là do nhiều người trong mấy trăm năm viết hoặc gom lại, cơ hồ thấy truyện gì hay cũng thu thập, cho thêm vào, thì nội dung nhất định là cực kỳ phúc tạp, không có cách nào sắp đặt lại cho thật hợp lý được. Cách sắp đặt của chúng tôi tất có chỗ gượng ép, chúng tôi thú nhận vậy.
Vả lại, nhiều khi khó phân biệt được truyện nào là cố sự, ngụ ngôn, hay truyền thuyết. Truyền thuyết là những truyện người đời trước kể lại, không chắc là đúng sự thực, rồi cứ truyền từ đời nọ tới đời kia, sau có người chép lại. Những truyện trong Nam Hải Dị Nhân của ta hầu hết là truyền thuyết. Bài II.2, III.5 trong Liệt tử là truyền thuyết.
Ngụ ngôn là một truyện bịa ra để ngụ một ý gì đó, thường là răn đời, hoặc dạy khôn cho đời, như những vài II.19, IV.8 rõ ràng là ngụ ngôn.
Còn cố sự chỉ là một việc cũ, có phần tin được, như những bài I.5, I.6, VIII.12 có thể là cố sự.
Tuy nhiên có một số bài coi là ngụ ngôn, cố sự hay truyền thuyết cũng được. Như bài V.3 (Ngu công san núi) có tính cách ngụ ngôn rất rõ rệt, nhưng cuối bài lại có tính cách thần thoại, truyền thuyết. Bài III.10 (Trở về cố hương) hoặc bài VIII.18 (Cách xử sự với bọn cướp) có thể gọi là cố sự (nếu ta cho là việc có thật) mà cũng có thể coi là ngụ ngôn (nếu ta cho là không có thật, thật hay không, làm sao mà biết được?).
Lại thêm đa số các bài trong chương I, II, III, IV cũng có thể sắp chung vào chương V hay chương VI.
Đó là đặc điểm của bộ Liệt tử. Tuy là một tác phẩm về triết mà chỉ một phần mười là lí thuyết, còn chín phần kia toàn là kể truyện: truyện cổ, truyện hoang đường, truyện có thật, truyện tưởng tượng… để đưa ra một tư tưởng, một chủ trương, một lời răn, một điều dạy khôn.
Do đó tác phẩm rất hấp dẫn, đọc rất vui, khác hẳn các bộ Đạo Đức kinh, Mặc tử, Tuân tử…, giá trị văn chương chỉ kém Nam Hoa kinh của Trang tử, từ đời Đường được tôn xưng là một kinh cũng đáng.
Chúng tôi đã đối chiếu cả ba bản, rán dịch cho sát, nhưng nhiều chỗ rất khó hiểu, phải tồn nghi. Việc chú thích cốt gọn, để độc giả đủ hiểu thôi.
Sài Gòn ngày 8-1-1973
Chú thích:
[1] Nhan đề khó hiểu, các bản chữ Hán và các từ điển Từ Hải, Từ Nguyên đều không giảng, chỉ cho biết thuỵ là một thứ ngọc khuê ngọc bích dùng làm dấu hiệu. Dấu hiệu đó các vua thời xưa ban cho các đại thần. Nó vừa là một bảo vật đẹp, vừa là đem phúc lại cho người đeo. Theo Benedykt Grynpas, thiên thuỵ là phần vũ trụ mà chúng ta nhìn thấy được, nhờ thấy nó mà các thánh nhân mới tìm hiểu được Đạo. Cho nên thiên 1 này bàn về vũ trụ và Đạo.
[2] Thuyết phù, cũng không sách nào giảng. Phù là cái thẻ tre, viết chữ nào rồi thì chẻ làm đôi, mỗi người giữ một mảnh. Ngày xưa khi phong các chư hầu hay đại thần đi đâu, đều dùng cái phù làm tin, hễ ghép hai mãnh lại ăn khớp nhau thì bảo là phải. Theo Grynpas, thuyết phù có nghĩa là “giảng cái phù”, nghĩa là những chuyện trong thiên này người viết chỉ nói một nửa ý thôi, người đọc phải suy nghĩ mà đoán được nửa ý kia, như ghép hai mảnh thẻ lại với nhau vậy. Ý nghĩa các thiên khác đều dễ hiểu.
[3] Tôi thêm dấu chấm giữa hai số La Mã và số Ả Rập. (Goldfish).
[4] Cả hai bản đều in là: Liệt tử và Dương Chu. Tôi sửa lại thành: Liệt tử và Dương tử. (Goldfish).