Liêt Tử và Dương Tử

Chương IV

Từ Hải chỉ ghi ít hàng về Dương Chu: “Người nước Vệ thời Chiến Quốc, tên tự là Tử Cư, có người nói là theo học Lão tử, có người nói là sinh sau Mặc tử, không có sách lưu truyền, chỉ có ít đoạn tản mạn trong các cuốn Liệt tử, Mạnh tử. Ông chủ trương thuyết vị ngã, dù nhổ một sợi lông mà làm lợi thiên hạ ông cũng không chịu, trái ngược với thuyết kiêm ái của Mặc tử”.

 

Địa vị, ảnh hưởng của Dương Chu rất quan trọng, không ai viết về triết học sử Trung Hoa thời Tiên Tần mà không nhắc tới ông, khác hẳn Liệt tử thường bị bỏ quên.

 

Ngay Mạnh tử, sinh sau Dương Chu khoảng 70 năm, cũng phải buồn rầu nhận rằng ảnh hưởng của Dương Chu quá mạnh, học thuyết của Dương và Mặc lan tràn khắp thiên hạ, “thiên hạ không theo Dương thì theo Mặc” (trong chương Đằng Văn Công hạ). Vậy Khổng, Mặc và Dương đã chia cái thế chân vạt ở thời đó. Mặc chủ trương kiêm ái, nghĩa là theo Mạnh tử không biết đạo cha con, còn Dương chủ trương có nhổ một cọng lông mà làm lợi thiên hạ thì cũng không chịu, nghĩa là không biết đạo vua tôi, nên ông bất đắc dĩ phải nhận lãnh cái trách nhiệm đả hai nhà đó, kẻ thù của đạo Khổng, mặc dù ông đâu có ham tranh biện.

 

Lã thị Xuân Thu bảo: “Dương Chu quí thân mình” (Thiên Bất nhị).

 

Hàn Phi tử cũng nói về Dương, bảo là “không vì cái lợi lớn của thiên hạ mà chịu nhổ một sợi lông chân của mình, khinh vật mà trọng đời sống (của mình) (Thiên Hiển học).

 

Hoài Nam tử viết: “Học thuyết của Dương Chu là bảo toàn sinh mệnh và thiên chân của mình”.

 

Nhưng không có bộ nào cho biết gì hơn về Dương Chu. Duy có thiên VII tức thiên Dương Chu trong Liệt tử là nói rõ hành vi cùng tư tưởng của Dương. Ngoài thiên đó ra còn tám bài khác trong các thiên Hoàng Đế, Lực mệnh, Thuyết phù cũng nhắc tới Dương Chu. Vì vậy mà Liệt tử ngoài cái giá trị tài liệu về Liệt Ngự Khấu, còn có một giá trị rất lớn là bộ sách duy nhất cho ta hiểu về Dương Chu.

 

Một điểm này rất đặc biệt nữa là trong Liệt tử, bảy chương kia không nhất trí (chúng tôi sẽ xét thêm trong tiết sau), duy có thiên Dương Chu là rất nhất trí, gồm 20 bài thì mười bảy bài viết về Dương Chu. Tại sao vậy? Tại sao người nào đó viết riêng về Dương Chu, rồi đời sau gom vào bộ Liệt tử chăng? Gom cho khỏi mất. Hay vì thấy tư tưởng của Dương Chu có điểm hợp với tư tưởng của Liệt? Hay chỉ vì thói cẩu thả?

 

°

 

Về niên đại của Dương Chu, có thuyết cho rằng ông là môn đệ của Lão tử. Có lẽ người ta đã căn cứ vào bài II.15 kể chuyện Dương Chu một lần đi xuống phía Nam, gặp Lão Đam ở nước Lương, bị Lão Đam mắng là có vẻ tự mãn, khoa trương quá, “không thể dạy được”. Nhưng bài đó khó tin được vì Dương Chu tự hạ quá: tụt dép ở ngoài cửa phòng, quỳ mà lết lại gần Lão tử để xin được dạy bảo.

 

Vả lại bài đó trái ngược hẳn với bài II.16; trong bài này Dương tử rất nhũn, khuyên đệ tử: “Các con nên nhớ, hành động như bậc hiền nhân thì tới đâu mà chẳng được người ta quí”.

 

Vậy bài II.15 (có lẽ cả bài II.16 nữa) chỉ nên coi là một ngụ ngôn khuyên chúng ta đức nhũn thôi.

 

Bài VII.13 kể Dương Chu yết kiến vua nước Lương, theo Hồ Thích cũng không đáng tin vì “trễ quá, đại khái Dương Chu không thể thấy Lương xưng vương được”[1].

 

Bài VII.10 có thể tin được vì diễn chủ thuyết của Dương: nhổ một sợi lông trên mình để cứu đời cũng không chịu. Trong bài đó, người đối thoại với Dương Chu là Cầm tử. một môn sinh của Mặc tử. Lại căn cứ vào lời Mạnh tử bảo ở thời ông thiên hạ không theo họ Mặc thì theo họ Dương, chúng ta chỉ có thể đoán rằng Dương tử sống sau Mặc tử và trước Mạnh tử; Hồ Thích cho vào khoảng từ -440 và -360, cũng hợp với Vũ Đồng: -440 -380.

 

Chúng ta không được biết gì về đời sống của Dương Chu ngoài những điều này: ông là một ẩn sĩ, không hề ra làm quan mà dạy học, tính tình điềm đạn, không tranh luận với ai, khoáng đạt mà cũng hiền từ,

 

Hạng ẩn sĩ như ông thời nào cũng có, nhất là thời loạn lại càng nhiều.

 

Trong Luận ngữ đã chép bốn năm truyện về hạng người lánh đời, không màng thế sự, như chuyện người cuồng nước Sở là Tiệp Dư khuyên Khổng tử thôi đừng lo việc chính trị nữa, truyện Kiệt Nịch bảo Tử Lộ đừng tính chuyện cải tạo xã hội nữa; truyện Tử Lộ gặp một ông già bừa cỏ, hỏi có gặp “thầy tôi” không, ông già đáp: “Bọn các anh tay chân chẳng làm gì cả, năm giống lúa không phân biệt được, ta biết thầy các anh là ai?”.

 

Trong Liệt tử cũng có vài truyện như vậy, như bài I.5, I.6 mà nhân vật cũng là Khổng tử, Tử Cống với những ông lão nhà quê, có lẽ do người đời sau phỏng theo Luận ngữ. Cứ theo bài IV.11 thì thời Đặng Tích và Tử Sản (thế kỉ -IV)[2] ở nước Trịnh, đã có một nhóm người ẩn dật họp nhau sống tại một miền gọi là Phổ Trạch, dạy bảo nhau, đoàn kết nhau.

 

Dương Chu thuộc hạng người “mai danh” đó, cho nên sách vở ít chép về đời sống của ông. Chắc ông cũng không trứ tác, không chú tâm lập một học thuyết mà thiên Dương Chu cũng vị tất là của môn đệ ông viết.

 

Theo thiên đó, Dương Chu không hề bàn về vũ trụ, về tri thức như Liệt tử, chỉ diễn nhân sinh quan của ông, đôi khi nhắc đến chính trị thì chỉ là để chứng tỏ cái hại của “hữu vi” thôi.

 

°

 

Chủ thuyết của ông là quí sinh, trọng kỉ. Trong bài VII.15, ông bảo:

 

“Con người bản chất giống trời đất, có đức tính ngũ hành, là loài tối linh của vạn vật… Thân ta không phải của ta, nhưng đã sinh ra rồi thì không thể không bảo toàn nó được... (mà) trí khôn quí ở chỗ nó bảo toàn được thân ta”.

 

Vì quí đời sống của mình, trọng thân mình, nên ông chủ trương vị ngã. Trong bài VII.11, ông thuật lại một ẩn sĩ, Bá Thành Tử Cao:

 

“Ông Bá Thành Tử Cao không chịu mất một sợi lông của mình để làm lợi cho thiên hạ, bỏ nước mà ở ẩn cày ruộng... Người xưa, mất một cái lông mà làm lợi cho thiên hạ thì cũng không chịu, mà có ai đem cả thiên hạ phụng dưỡng thân mình thì cũng không nhận. Nếu mọi người đều không chịu mất một sợi lông của mình, mọi người đều không muốn làm lợi cho thiên hạ thì thiên hạ sẽ bình trị”.

 

Cầm tử, nghe vậy, hỏi lại ông:

 

- “Nhổ một sợi lông của ông để cứu đời, ông chịu không?”.

 

Ông đáp:

 

- “Đời đâu có thể cứu được bằng một sợi lông”.

 

Cầm tử lại hỏi nữa:

 

- “Cho rằng cứu được đi, thì ông chịu không”?

 

Thấy Cẩm tử chậm hiểu, ông không đáp nữa.

 

Ông cho rằng sinh vật nào cũng có bản năng tự tồn; cứ theo bản năng của mình và không ngăn bản năng của người khác, vật khác thì mọi vật được thuận thiên tính mà phát triển, không xảy ra chuyện gì rắc rối. Nhưng từ một thời nào đó, con người phải tập hợp, quần cư thành một đoàn thể để đối phó với thiên nhiên, với thú dữ, với kẻ thù... do đó mà ngoài việc tự bảo tồn mình, còn phải bảo tồn đoàn thể (gia tộc, bộ lạc, quốc gia...), và loài người phải đề cao những đức hợp quần, hi sinh cho gia đình, cho vua chúa, cho tổ quốc... Đó là nguồn gốc của loạn; cá nhân mất tự do, bị đoàn thể, nhà cầm quyền chi phối, mà đoàn thể này can thiệp vào đoàn thể khác, gây ra chiến tranh, mà cái quí nhất của con người là sinh mệnh hoá ra bị coi rẻ nhất.

 

Nhân loại đã tới tình trạng đó rồi, không còn cứu vãn được nữa, trung với nghĩa đều vô dụng:

 

“Trung với vua không đủ làm cho vua yên mà đủ làm nguy cho bản thân mình, giữ nghĩa không đủ để làm lợi cho người mà đủ làm hại cho đời sống của mình. Sự an ổn của người trên không nhờ đức trung (của người dưới), vậy nên bỏ tiếng trung đi; ích lợi của người khác không do ta giữ nghĩa, vậy nên bỏ tiếng nghĩa đi”. (Bài VII.19).

 

Không chịu nhổ một sợi lông của mình để cứu đời là vì hai lí do: 1. phải quí thân mình, mọi người quí thân mình thì xã hội sẽ trị; 2. xã hội đã tới cảnh hỗn loạn như đời Chiến Quốc, dẫu hi sinh tính mệnh thì cũng không cứu được nữa.

 

Chủ trương đó trái ngược hẳn với họ Mặc và cũng cực đoan như họ Mặc: Mặc cực đoan mà tích cực, Dương cực đoan mà tiêu cực.

 

Thuyết nào cực đoan thì cũng khó thực hiện được, nhưng có cái lợi là mở một cửa sổ mới để người ta thấy một chân trời mới mà suy tư, và hai cực đoan trái ngược nhau sẽ đưa tới một sự dung hoà. Có thể rằng chính nhờ Dương tử mà sau mới có thuyết của Lão tử, của Trang tử.

 

Lão tử. Liệt tử chủ trương vô vi, một thứ vô vi trung dung hơn Dương tử, và Lão tử cũng khuyên ta nên “quí sinh khinh lợi”, nên coi thân mình quí nhất trong thiên hạ (Quí dĩ thân vi thiên hạ - chương XIII), còn Trang tử thì nói: “phải giữ vẹn hình thể, duy trì thiên chân, đừng vì (ngoại) vật mà làm luỵ hình hài” (toàn hình bảo chân, bất dĩ vật luỵ hình).

 

Dương Chu còn là người đầu tiên xướng xuất chủ nghĩa cá nhân, nhưng chủ nghĩa đó không hợp với dân tộc Trung Hoa nên chỉ thịnh trong những thời loạn: thời Chiến Quốc và thời Nguỵ, Tấn.

 

°

 

Quí kỉ thì tự nhiên cũng phải quí vật vì vật cũng có sinh mệnh, có bản năng của nó, cho nên trong bài VII.15, Dương Chu khuyên ta không nên tàn bạo với các sinh vật khác:

 

“Chúng ta phải cậy vào ngoại vật để tự nuôi sống, nhưng phải dùng mưu trí chỉ không phải dùng sức mạnh được. Cho nên trí khôn quí ở chỗ nó bảo tồn được thân ta, mà sức mạnh đáng khinh ở chỗ nó tàn bạo với sinh vật khác... Làm chủ vật và làm chủ thân ta, tự ý muốn làm gì cho thân mình và vạn vật cũng được, hoạ may bậc thánh nhân mới được vậy”.

 

Bậc thánh nhân ở đây tức là bậc đại trí, biết sử dụng vạn vật để tự nuôi mình, bảo toàn thân mình. Bậc đó còn thấp hơn bậc chí nhân:

 

“Coi thân mình là vạn vật, coi vạn vật là thân mình thì chỉ bậc chí nhân mới được vậy. Đó là tột bực của sự hoàn thiện”.

 

Thực là một lời nhân từ, có thể đã ảnh hưởng tới thuyết “hoà đồng với vạn vật” của Liệt tử và thuyết “tề vật” của Trang tử. Hàn Phi trong thiên Hiển học bảo Dương tử là kẻ sĩ “khinh vật”: lời phê phán đó sai. Dương tử chỉ không muốn làm lợi cho vật thôi, chứ không khinh vật, ông quí sinh mệnh của ông thì cũng quí sinh mệnh của vạn vật, bất đắc dĩ phải nhờ vạn vật nuôi sống mình, chứ vẫn coi sự dùng sức mạnh để đàn áp, tàn hại các loài vật là đê tiện.

 

°

 

Quí sinh thì tất phải nghĩ tới việc dưỡng sinh, nhưng dưỡng sinh không có nghĩa là cầu bất tử:

 

“Mạnh Tôn Dương hỏi Dương tử:

 

- Có người quí đời sống và yêu thân mình mà mong được bất tử, được không?

 

Dương tử đáp:

 

- Không có cái lẽ bất tử được.

 

- Thế thì mong kéo dài thêm đời sống, được không?

 

- Không có cái lẽ kéo dài thêm đời sống được.

 

Đời sống không phải cứ quí nó mà duy trì được nó, thân không phải cứ yêu nó mà nó sống được lâu”.

 

Nghĩa là có số mệnh. Nhân lực không thắng được thiên mệnh. Bài này đặt vào thiên VI Lực mệnh cũng rất hợp. Rồi Dương Chu nói thêm:

 

“Vả lại, kéo dài thêm đời sống để làm gì? Các tình yêu ghét, xưa cũng như nay…, việc đời vui hay khổ, xưa cũng như nay. Một khi đã nghe rồi, thấy rồi, trải qua rồi thì sống trăm năm cũng đã chán, sống thêm làm chi cho khổ?”.

 

Mạnh Tôn Dương thấy thái độ đó có vẻ bi quan, hỏi thêm:

 

- “Nếu vậy thì chết sớm còn hơn sống lâu, mà nên nhảy vào lưỡi gươm, đám lửa ư?

 

Dương Chu đáp:

 

- Không phải vậy! Đã sinh ra thì cứ thản nhiên nhận cuộc sống, và thoả mãn hết thị hiếu của mình mà đợi lúc chết, sống hết đời mình cho tới khi tiêu diệt. Cái gì cũng thản nhiên, cái gì cũng chấp nhận, thì còn mong gì nó tới sớm hay muộn nữa?”.[3]

 

Vậy thực ra Dương Chu không bi quan, vẫn nhận rằng đời có những cái vui, thị hiếu của con người có thể thoả mãn mà hưởng lạc. Thái độ của ông là thái độ đạt quan cũng như Liệt tử.

 

Bài VII.2 cũng diễn ý đó. Mới đầu ông tính đời người thọ lắm là được trăm năm, mà trừ tuổi thơ, tuổi già, trừ những lúc ngủ, những lúc đau ốm, lo sợ vân vân, rốt cuộc còn lại độ mươi năm, mà trong mươi năm này, được sống thực ung dung, vui vẻ chỉ được độ một giờ! Ấy là chưa kể mình muốn hưởng lạc mà vị tất đã được, bị xã hội khuyên can, cấm đoán. Rồi cuối bài ông kết luận rằng cứ như người thời thái cổ mà lại khôn: biết đời sống chỉ là tạm thì cứ hành động theo lòng mình, không trái những thị hiếu tự nhiên, không bỏ lỡ cái gì làm vui cho cuộc sống... tuổi thọ nhiều hay ít, không quan tâm tới. “Tòng tâm nhi động, bất vi tự nhiên sở hiếu” là nhân sinh quan của ông.

 

Câu đó làm cho người ta tưởng rằng ông túng dục (buông thả lòng dục). Không phải vậy. Vì đã túng dục thì tất thương sinh mà không thọ, không hưởng lạc được; đã quí sinh thì không túng dục.

 

Trong bài VII.3, ông tỏ rõ thái độ trung dung là khác.

 

“Nguyên Hiến sống nghèo khổ ở nước Lỗ, mà Tử Cống (cũng là môn sinh của Khổng tử như Nguyên Hiến) thì buôn bán, làm giàu ở nước Vệ. Nguyên Hiến vì nghèo mà tổn sinh, Tử Cống vì làm giàu mà luỵ thân, vậy thì nghèo đã không nên, giàu cũng không nên. Nên làm sao đây? Nên làm sao cho vui vẻ, an nhàn tấm thân? Kẻ biết sống vui thì tránh cảnh nghèo, kẻ biết sống an nhàn thì tránh sự làm giàu”.

 

Thuỷ tổ của đạo nhàn ở phương Đông chúng ta, phải kể Dương Chu chứ không phải Lão, Trang. Các nhà nho ẩn dật của ta thì dù đỗ đạt mà cũng không chịu ra làm quan, sống vui vẻ với vài mẫu ruộng, vài sào dâu, một khu vườn, một cái ao, là môn đồ của Dương Chu cả.

 

Muốn so sánh ông với một triết gia phương Tây thì tôi sẽ lựa Epicure, sanh ở Hy Lạp sau ông non một thế kỉ, cũng cho rằng sống để hưởng lạc, nhưng cũng thanh bạch, tiết độ, mà cũng bị đời hiểu lầm là túng dục.

 

Chúng ta thấy Dương Chu rất ghét sự cấm đoán của xã hội, chỉ làm luỵ thân ông. Mà một cái luỵ lớn nhất là hư danh. Trong hơn hai mươi bài, có tới năm sáu bài ông đã kích thói ham danh.

 

Ông bảo bốn hạng người: ham sống lâu, ham danh, ham vị và ham tiền là những kẻ “trốn” (tự nhiên), vì họ phải tuỳ thuộc vào ngoại vật, vào người khác, sợ đủ thứ, mà mất tự do. Và ông dẫn một câu ngạn ngữ: “Người nào không lập gia đình, không làm quan thì túng dục mất đi một nửa; người nào không quan tâm tới cái ăn cái mặc thì chẳng có bổn phận vua tôi” (bài VII.16).

 

Mạnh tử mắng Dương Chu là vô quân: đúng. Dương Chu vô tổ quốc; theo bài này, ông còn muốn vô gia đình nữa. Cái gì làm luỵ cho ông thì ông không thích, mà quá trọng kỉ thì dễ thành vị kỉ. Trong ba triết học lớn của Trung Quốc, chỉ duy Khổng giáo là rất trọng gia đình, còn Mặc và Lão đều không bận tâm tới.

 

Ông chê hết thảy các bậc hiền nhân, thánh nhân thời trước là “coi trọng tiếng khen chê một thời làm cho tinh thần, hình hài tiều tuỵ, muốn lưu lại cái danh hão mấy trăm năm sau khi chết, nhưng chết rồi có cách nào làm cho nắm xương tàn tươi lại, tái sinh mà hưởng lạc được không?” (bài VII.14).

 

Nghiêu, Thuấn, Kiệt, Trụ chết rồi thì cũng như nhau, mà khi sống, Nghiêu, Thuấn chỉ vì ham tiếng tốt phải chịu bao nỗi cực khổ, còn Kiệt, Trụ được hưởng biết bao nỗi sung sướng (bài VII.12 và VII.13).

 

Đáng chê nhất là Bá Di, ham cái tiếng thanh khiết, không chịu ăn lúa nhà Chu vì chê Vũ vương là bất nhân, mà đến nỗi chết đói ở núi Thú Dương; và ông Liễu Hạ Huệ, ham cái tiếng trong trắng, gái đẹp ngồi trong lòng mà không hề động tâm, đến nỗi phải tuyệt tự. “Cái trong trắng, cái thanh khiết làm mê muội con người đến bực đó” (bài VII.4).

 

Giọng gay gắt nhất là bài VII.1, trong đó ông bảo các bậc hiền nhân mà có danh đều giả dối hết:

 

“Hễ thực thì không có danh, hễ có danh thì không thực, những người có danh đều là nguỵ hết (Thực vô danh, danh vô thực, danh giả, nguỵ nhi dĩ hĩ). Hồi xưa vua Nghiêu vua Thuấn giả dối đem thiên hạ nhường cho Hứa Do và Thiện Quyển (hai ẩn sĩ này đều từ chối), nên mới giữ được thiên hạ mà hưởng lộc tới trăm tuổi. Bá Di, Thúc Tề thực tâm nhường ngôi nước Cô Trúc, cho nên mới mất nước, chết đói ở núi Thú Dương. Coi đó thì biết được thành thực và giả dối khác nhau ra sao”.

 

Vậy những kẻ nào có danh mà vẫn sống sung sướng đều là phường giả dối, còn những kẻ có danh mà sống khổ sở thì không giả dối, nhưng ngu dại, đều đáng chê cả.

 

Tóm lại quí sinh, dưỡng sinh theo Dương Chu là mai danh, ở ẩn, không cho ai biết tới mình, cứ thoả mãn thị hiếu tự nhiên, theo mệnh trời, không cầu sống lâu, càng không nên mong giàu, nhưng nghèo quá thì cũng khó mà vui được. Ông cho sống chỉ có mục đích: tìm một hạnh phúc tự nhiên, giản dị. Nhưng các triết gia khác bàn đông bàn tây, làm cho loài người hoang mang như người láng giếng của ông mất con cừu mà tìm không ra vì đường lắm ngã rẽ.

 

°

 

Hồ Thích căn cứ vào câu: “Thực vô danh, danh vô thực, danh giả, nguỵ nhi dĩ hĩ” mà cho rằng Dương Chu chủ trương chỉ thừa nhận cá thể, tức cái thực thôi, không thừa nhận cái tên để gọi chung các thể; nghĩa là Hồ Thích cho chữ danh trong câu dẫn trên của Dương tử có nghĩa là tên chứ không phải chỉ có nghĩa là danh tiếng. Tên một vật gì đó, chẳng hạn cái bàn, là do người ta đặt ra, là “nhân vi”, cho nên bảo “danh giả, nguỵ nhi dĩ hĩ” – chữ nguỵ gồm chữ nhân và chữ vi[4]. Mà cái tên đó, không phải là vật có thực, vì tiếng bàn chỉ chung các đồ đạc ta dùng làm chỗ viết lách, hay chỗ ăn, chỗ chơi, chứ không phải chỉ riêng một đồ vật nào cả. Ý niệm cái bàn là ý niệm trừu tượng, nói cái bàn thì ta không biết nó ba chân hay bốn chân, tròn hay vuông, cao hay thấp, bằng gỗ hay bằng sắt..., vì vậy mà bảo “danh vô thực”.

 

Chúng tôi đọc kĩ tất cả những bài Dương Chu nói về danh, không thấy có nghĩa đó, chỉ thấy Dương dùng chữ danh với nghĩa: tiếng tăm. Mà ngoài Hồ Thích ra, chúng tôi cũng không thấy một học giả nào khác hiểu chữ danh của Dương theo cái nghĩa là tên để gọi vật.

 

Nếu quả thực cách giả thích của Hồ Thích mà đúng thì Dương Chu đã có một chủ trương thật mới mẻ, không giống một nhà nào khác: Khổng tử trọng danh (hiểu nghĩa là tên), nhưng cho rằng người ta dùng sai nhiều tên, cần phải “chính danh” lại, chẳng hạn một nhà cầm quyền yêu dân, hiền minh thì mới gọi là vua, kẻ hại dân mà gọi là vua thì sai, dù kẻ đó ở ngôi chí tôn. Mặc tử rất trọng thực dụng, chê bọn người ham danh tiếng mà không xét cái thực (dự nghĩa chi danh như bất sát kỳ thực) chứ không chê cái tên là vô dụng; Lão tử cho rằng danh không diễn tả được cái đạo vĩnh cửu bất biến (Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh) và chỉ muốn bảo ngôn ngữ là một dụng cụ thô thiển, chứ không hề chủ trương không dùng danh; môn đệ của Mặc tử, tức phái Mặc gia cho rằng muốn hiểu biết thì phải dùng danh, nên rất chú trọng đến danh, và bảo: “Gọi cái thực là lấy cái danh mà mô tả cái thực” (Cử, nghĩ thực dã). Mà Công Tôn Long, Tuân tử sau này đều cho danh là cần thiết, phải điển chế danh cho nó diễn đúng được thực, mà lại giản dị, phân biệt được những vật bề ngoài tuy khác mà bên trong giống nhau, hoặc bề ngoài giống nhau mà bên trong khác nhau.

 

Dương Chu chết trên hai ngàn năm, ai mà quyết được cách giải thích của Hồ Thích đúng hay không, cho nên chúng tôi xin ghi lại ở trên để độc giả phán đoán.

 

Dù sao vấn đề cũng không quan trọng, Dương tử lưu danh tới ngày nay không nhờ thuyết “danh vô thực, thực vô danh” đó mà chỉ nhờ mỗi một câu: “Bạt nhất mao nhi lợi thiên hạ, bất vi dã”. Câu đó lại vốn không phải của ông, nếu không phải là lời chung của nhiều ẩn sĩ đương thời, thì cũng là lời của Bá Thành Tử Cao như chính ông tự nhận.

 

Mà Bá Thành Tử Cao thì chẳng ai nhắc tới. Đó mới thực là “thực thì vô danh” mà “danh thì vô thực” chăng?

 

Dương tử mạt sát cái danh kịch liệt, từ xưa tới nay, không nhà nào hơn, mà cái danh nó lại cứ sấn tới níu chặt lấy ông. Nó là một thiếu nữ trơ trẽn chăng?

 

Mà nó tới bằng một con đường cũng khác thường. Người làm cho Dương tử lưu danh hậu thế chính là kẻ thù tàn nhẫn nhất của ông: Mạnh tử.

 

Trong lịch sử triết học, có nhiều chuyện lí thú thật!

Chú thích:

[1] Không biết vua nước Lương được nói đến ở đây có phải là Lương Huệ vương (-370 -319) hay không? Nếu phải thì Dương Chu mất rồi, phỏng chừng là năm -380, mười năm sau Lương mới xưng vương. (Goldfish).

[2] Con số nào có dấu âm ( - ) ở trước là chỉ thời trước công nguyên.

[3] Các đoạn trên trích trong bài Trường sinh có ích lợi gì đâu (VII.1). (Goldfish).

[4] Nguỵ: 僞, (bộ) Nhân: 亻, Vi: 爲  (Goldfish).