Liêt Tử và Dương Tử

Phần Hai - Chương 1

MẸ CỦA VẠN VẬT  I.1

(Tử Liệt tử cư Trịnh phố)

 

Thầy Liệt tử ở một khu vườn nước Trịnh[1], bốn chục năm mà không ai nghe danh, từ vua tới các quan khanh, đại phu đều coi thầy như người dân thường. Năm đó đói kém, thầy tính di cư qua nước Vệ[2]. Đệ tử hỏi:

 

- Thầy đi không biết bao giờ mới về. Bọn đệ tử chúng con muốn xin hỏi thầy: thầy có điều gì dạy chúng con không? Thầy đã được nghe Hồ Khâu Tử Lâm[3] nói gì không?

 

Thầy Liệt tử cười mà đáp:

 

- Thầy Hồ có nói gì đâu! Nhưng thầy có lần nói chuyện với Bá Hôn Mâu Nhân[4], ta đứng bên được nghe lóm, nay thử kể lại cho các anh.

 

Thầy Hồ nói:

 

“Có một vật sinh ra các vật khác mà không được vật nào sinh ra cả, biến hoá các vật khác mà tự nó không biến hoá. Vậy cái không được sinh ra có thể sinh (làm chủ tể) các vật được sinh ra, cái không biến hoá có thể biến hoá (làm chủ tể) các vật biến hoá. Mà cái được sinh ra không thể không sinh cái khác, cái được biến hoá không thể không biến hoá; do đó mà sinh sinh, hoá hoá hoài, không thời nào không sinh. Do đó có âm dương, bốn mùa. Cái không được sinh ra, có thể[5] là duy nhất, vô thuỷ vô chung; cái không biến hoá thì qua lại không cùng[6]; cái đạo của cái duy nhất không thể dò được.

 

Sách Hoàng Đế[7] có câu: “Thần hang bất tử[8], gọi là Huyền tẫn[9]. Cửa của Huyền tẫn là gốc của trời đất, dằng dặt như bất tuyệt, tạo thành mọi vật mà không mệt”[10]. Vì vậy mà vật nào sinh ra các vật khác thì không được sinh ra; vật nào biến hoá các vật khác thì không biến hoá. Nó tự sinh, tự hoá, tự thành hình, tự thành sắc, sáng suốt, tự có sức mạnh, tự tăng giảm[11]. Nó tự nhiên như vậy, chứ không phải cố ý mà sinh hoá, thành hình, thành sắc, sáng suốt, có sức mạnh, tăng giảm.

 

VŨ TRỤ THÀNH HÌNH  I.2

(Tử Liệt tử viết: Tích giả thánh nhân)

 

Thầy Liệt tử bảo:

 

- Các thánh nhân đời xưa cho rằng âm dương điều hoà trời đất (tức vũ trụ). Cái hữu hình từ cái vô hình mà ra, vậy thì trời đất ở đâu mà ra? Cho nên bảo rằng có cái Thái Dịch, cái Thái Sơ, cái Thái Thuỷ, cái Thái Tố.

 

Cái Thái Dịch (cái Biến đổi lớn) là các (trạng thái) chưa thành khí; khi khí bắt đầu thành thì là cái Thái Sơ; khi hình bắt đầu thành thì là cái Thái Thuỷ, khi chất bắt đầu thành thì là cái Thái Tố[12]. Khi có đủ khí, hình, chất rồi mà ba cái đó chưa tách rời nhau ra thì gọi là Hỗn luân[13]. Gọi là Hỗn luân vì vạn vật còn hỗn hợp nhau, chưa rời nhau ra. Nhìn vào không thấy, lắng nghe không thấy, rờ nắm không được, cho nên gọi là Dịch (Biến đổi), biến đổi thì không có hình nào (nhất định) cả. Nó biến đổi mà thành ra Một; Một biến thành ra Bảy; Bảy biến thành ra Chín. Tới Chín là cùng, rồi lại trở về Một[14]. Một là sự khởi thuỷ của các sự biến hình. Cái trong nhẹ bốc lên thành trời, cái đục và nặng lắng xuống thành đất; còn cái khí xung hoà[15] thì thành người. Vậy trời và đất chứa cái tinh của vạn vật, mà vạn vật hoá sinh.

 

VÔ VI THÌ TOÀN TRI TOÀN NĂNG  I.3

(Tử Liệt tử viết: Thiên địa vô toàn công)

 

Thầy Liệt tử bảo:

 

- Trời đất không có đủ công dụng, thánh nhân không có đủ khả năng, vạn vật không vật nào dùng vào đủ mọi việc. Chức vụ của trời là sinh ra và che vạn vật, chức vụ của đất là gây hình và chở vạn vật, chức vụ của thánh nhân là giáo hoá, chức vụ của mỗi vật tuỳ theo khả năng của nó.

 

Mà trời có sở đoản, đất có sở trường, thánh nhân có việc làm không được, và mỗi vật có cái tài riêng. Sao vậy? Là vì trời sinh ra và che vạn vật thì không thể gây hình và chở vạn vật; đất gây hình và chở vạn vật thì không thể giáo hoá vạn vật; thánh nhân giáo hoá thì không thể làm trái với bản tính của vạn vật, mỗi vật đã có bản tính nhất định rồi thì không thể vượt được phận vị của nó. Cho nên đạo của trời đất, không phải âm thì là dương, đạo giáo hoá của thánh nhân không phải là nhân thì là nghĩa; bản tính của vạn vật không phải là nhu thì là cương[16], điều là theo bản tính mà không thể vượt khỏi phận vị của mình.

 

Cho nên có cái sống đấy thì có cái sinh ra cái sống; có cái hình đấy thì có cái khiến thành hình; có thanh âm đấy thì có cái khiến cho thành thanh âm; có màu sắc đấy thì có cái khiến cho thành màu sắc; có mùi vị đấy thì có cái khiến cho thành mùi vị.

 

Cái từ cái sống mà sinh ra là cái chết, nhưng cái sinh ra cái sống thì bất tuyệt; cái từ cái hình gây nên là cái thực (chất), nhưng cái khiến cho thành hình thì không hề có (thực chất); cái từ thanh âm gây nên là thính giác, nhưng cái khiến cho thành thanh âm thì không hề phát nên tiếng; cái từ màu sắc gây nên là thị giác, nhưng cái khiến cho thành màu sắc thì không hề hiện ra; cái từ mùi vị gây nên là vị giác, nhưng cái khiến cho thành mùi vị thì không hề lộ ra. 

 

Tất cả những cái đó đều là vô vi mà ra cả. Vô vi có thể âm, có thể dương, có thể nhu, có thể cương, có thể sinh, có thể tử, có thể nóng, có thể lạnh, có thể nổi, có thể chìm, có thể là âm trầm, có thể là âm bổng, có thể hiện ra, có thể biến mất, có thể tím đen, có thể vàng, có thể ngọt, có thể đắng, có thể tanh hôi, có thể thơm tho.

 

Vô vi tuy vô tri, vô năng mà không gì là không biết, không gì là không làm được.

 

VŨ TRỤ BIẾN CHUYỂN KHÔNG NGỪNG  I.10

(Dục Hùng viết)

 

Dục Hùng[17] nói: “Sự vận chuyển không bao giờ ngừng. Trời đất biến chuyển bí mật, ai mà biết được? Cho nên vật giảm ở phía này thì tăng ở phía khác, đầy ở kia thì vơi ở đây. Tăng, giảm, vơi, đầy, sinh ra lẫn nhau rồi chết; qua lại nối tiếp nhau mật thiết, ai mà thấy được sự biến chuyển.

 

Một cái khí không đột nhiên tăng lên, một cái hình không đột nhiên giảm đi; (cứ biến chuyển từ từ)  cho nên ta không thấy lúc nó đầy, không thấy lúc nó vơi. Cũng như người ta lúc sinh ra tới lúc già, dong mạo, hình thái, trí tuệ, không ngày nào không thay đổi; da, móng tay, móng chân, tóc mọc ra rồi rụng liền liền, nhưng sự biến chuyển (từng ngày nhỏ quá) không thể thấy ngay được, mãi tới sau mới thấy được.

 

ĐỪNG LO TRỜI ĐẤT SẬP  I.11

(Kỉ quốc hữu nhân)

 

Nước Kỉ[18] có một người lo trời đất sập, không biết ở đâu cho yên, sinh ra mất ăn mất ngủ. Một người khác lo ngại cho anh ta, lại giảng giải:

 

- Trời chỉ chứa cái khí, không chỗ nào không có khí; anh co duỗi hô hấp, suốt đời vận động trong (cái khí của) trời đó, vậy thì tại sao lo nó sập?

 

Anh ta lại hỏi:

 

- Nếu quả trời chỉ chứa cái khí thì sao mặt trời, mặt trăng, các vì sao lại không rớt?

 

Người kia đáp:

 

- Mặt trời, mặt trăng, các vì sao cũng chỉ là những ánh sáng trong cái khí tích tụ lại đó, dù chúng có rớt xuống cũng không làm ai bị thương được.

 

- Nhưng, còn đất sập thì sao?

 

Người kia đáp:

 

- Đất chỉ chứa những khối (đặc) để lấp những chỗ trống ở bốn phương, không đâu không có khối. Dù đi, dẫm suốt đời thì cũng là di chuyển trên mặt đất, sao lại sợ đất sập?

 

Anh ta giải được nỗi lo, mừng quá; mà người kia khỏi lo cho bạn nữa, cũng mừng quá[19].

 

Trường Lư tử[20], nghe kể chuyện đó, cười, bảo:

 

- Cầu vòng, mây và sương mù, mưa gió, bốn mùa, tất cả những cái đó đều là khí tích tụ trên trời mà thành. Núi đồi, sông biển, kim thuộc và đá, lửa và cây, tất cả những cái đó đều là những khối tích tụ trên đất mà thành. Đã biết là cái khí, cái khối tích tụ lại thì sao còn bảo rằng không thể sụp đổ? Trời đất là những vật nhỏ trong quãng không trung, (nhưng) rất quan trọng trong vũ trụ chúng ta, khó mà tận cùng, huỷ diệt được, lẽ đó cố nhiên. Lo trời đất huỷ hoại thì thực quá lo xa; nhưng bảo rằng chúng không bao giờ huỷ hoại thì cũng không đúng. Trời đất không thể không huỷ hoại được; tới cái thời trời đất huỷ hoại, mà ta lại sống nhằm thời đó thì làm sao mà không lo?

 

Thầy Liệt tử nghe vậy, cười và bảo:

 

- Kẻ nói trời đất sẽ huỷ hoại, là nói bậy; mà kẻ nói trời đất không bao giờ huỷ hoại cũng nói bậy nữa, trời đất huỷ hoại hay không, điều đó ta không thể biết được. Trời đất huỷ hoại thì mọi người cùng chết; trời đất mà không huỷ hoại thì mọi người cùng sống như nhau hết[21]. Sống thì không hiểu được sự chết, chết rồi thì không hiểu được sự sống; thời vị lai không biết được thời dĩ vãng, thời dĩ vãng không biết được thời vị lai; trời đất huỷ hoại hay không thì quan tâm tới cái đó làm gì?

 

VẬT BẤT CÙNG TẮC BẤT PHẢN  IV.10

(Mục tương miễu giả)

 

Khi mắt sắp đui thì trông thấy cả sợi lông tơ.

 

Khi tai sắp điếc thì nghe thấy cả tiếng con “nhuế”[22] bay.

 

Miệng sắp nhạt thì phân biệt được nước sông Tri[23], sông Thằng.

 

Mũi sắp nghẹt thì phân biệt được mùi củi khô.

 

Thân thể sắp cứng đơ thì rất lanh lẹn.

 

Tâm sắp mê loạn thì thấy rõ điều thị phi.

 

Cho nên vạn vật không tới mức cùng cực thì không trở lại.

Chú thích:

[1] Một nước chư hầu nhỏ ở tỉnh Hà Nam ngày nay. Vì môn đệ viết nên gọi là thấy Liệt tử (Tử Liệt tử).

[2] Cũng tỉnh Hà Nam ngày nay.

[3] Hồ Khâu Tử Lâm là thầy học của Liệt tử, trong sách này thường nhắc tới. Bộ Lã thị Xuân Thu và bộ Trang tử cũng nhắc tới. Không lưu lại một học thuyết nào cả,

[4] Bạn học của Liệt tử, trong sách này thường nhắc tới. Chữ Mâu cũng đọc là Mậu, Mạc, nghĩa đều là loà.

[5] Bản Trương Trạm (cũng đọc là Đạm, Thầm) chép là “nghi độc” nghĩa là: đoán là duy nhất, có thể là duy nhất; bản của Đường Kính Cảo bảo chữ nghi đó phải đọc là ngưng, nghĩa là: hình, khí, chất chưa phân.

[6] Benedykt Grynpas dịch là: trong khoảng vô cùng. Chúng tôi theo chú thích của Trương Trạm và Đường Kính Cảo.

[7] Theo truyền thuyết, Hoàng Đế là một thánh quân, tên Hiên Viên, làm vua một trăm năm (-2689 -2589), viết một cuốn sách gồm bốn thiên, gọi là Hoàng Đế thư, nay không còn.

[8] Hang thì trống rỗng, hư không; nên dùng cái hang tượng trưng cái Hư không, mẹ của vạn vật. Ý nói “hữu” từ “vô” sinh ra.

[9] Huyền tẫn là mẹ nhiệm mầu.

[10] Câu này chép trong chương VI bộ Đạo Đức kinh.

[11] Chữ Hán là tiêu tức. Grynpas dịch là tiêu diệt.

[12] Trong sách, cả hai bản, đều in: “…khi hình bắt đầu thành thì là cái Thái Tố”. Tôi đã sửa lại như trên cho phù hợp với mạch văn, căn cứ theo bản chữ Hán do bác Vvn cung cấp:  太始 者, 形 之 始 也; 太 素 者, 質 之 始也 (Thái Thuỷ giả, hình chi thuỷ dã; Thái Tố giả, chất chi thuỷ dã). (Goldfish).

[13] Cũng như hỗn mang.

[14] Lão tử nói: “Đạo sinh ra Một, Một sinh ra Hai, Hai sinh ra Ba, Ba sinh ra vạn vật”. Đạo Đức kinh (chương 42).

[15] Xung hoà nghĩa là trung gian mà ôn hoà.

[16] Câu này giống với câu dưới đây trong Chu Dịch – Thuyết Quái: “Lập thiên chi đạo viết âm dữ dương; lập địa chi đạo viết nhu dữ cương; lập nhân chi đạo viết nhân dữ nghĩa”.

[17] Thầy học của Chu Văn vương, được phong ở đất Sở.

[18] Một nước nhỏ thời Xuân Thu, tức là huyện Kỉ, tỉnh Hà Nam ngày nay.

[19] Bài 225. Lo trời đổ trong Cổ học tinh hoa chỉ chép tới đây. (Goldfish)

[20] Người nước Sở.

[21] Nguyên văn: Bỉ nhất dã, thứ nhất dã. Hai bản chữ Hán đều giải thích như vậy; bản Grynpas dịch là: Người chủ trương thế này, kẻ chủ trương thế kia, thì cũng như nhau.

[22] Một loài sâu bọ nhỏ, giống con ong, đen, hay đốt người.

[23] Trong sách, cả hai bản, đều in là: Tri. Bản chữ Hán ghi là: 淄. Từ điển Thiều Chửu phiên âm là Truy và giảng là: Sông Truy (ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc). Theo bác Vvn thì chữ đang xét đọc là Tri hay Truy đều được. (Goldfish).