Gió Biên Thùy

- VI -

Hôm nay là ngày lễ hoa đào. Từ sáng sớm, tất cả thiếu nữ Nhật đều lo chọn bộ áo đẹp nhất để đi ra vườn hoa Phú Sơn. Những tà áo lụa màu phơ phất khắp nẻo đường, vui lên trong một ngày nắng mới.

Hôm nay cũng là ngày hội họp quan trọng của đảng Dân Chúng, để định rõ kế hoạch ủng hộ đảng Cách mạng Việt Nam. Khi Y Đằng Bác Văn, cụ Tú và Thái vừa đến vườn Phú Sơn, thì Khuyễn Dưởng Nghị cùng một nhóm đảng viên cũng vừa đi xe tới. Họ chào nhau mừng rỡ, rồi thả bách bộ vào vườn hoa.

Hương đào đưa thoang thoảng, Thái có cảm tưởng như mình ở giữa chốn đào nguyên. Một màu hoa hồng lộng cả một trời thơ. Tiếng hát thâm trầm của những nàng vũ nữ đưa êm vào những cõi lòng tịch mịch.

Đến một gốc đào có kê sẵn vài chiếc bàn dành riêng cho đảng, họ dừng lại. Rượu sa kê được rót ra đầy cốc. Họ cùng nâng cốc, tìm cái thân mật trong những hương vị men nồng.

Đợi tàn một tầng rượu, Thái cung kính nói với Khuyễn:

- Lần đầu tiên chúng tôi đến đây, may mắn gặp một ngày lễ vui vẻ nhất của quý quốc. Nước chúng tôi cũng có nhiều ngày lễ, nhưng không làm sao có được một ngày mà toàn dân hoan hỉ như hôm nay. Tôi lại liên tưởng đến một ngày nước chúng tôi được độc lập...

Khuyễn nở lên một tràng cười trong sáng:

- Chừng đó, những tấm lòng ưu ái như các ông mới hoàn toàn hoan hỉ. Lời của người yêu nước có khác với kẻ thất phu! Tôi cũng ao ước rằng một ngày gần đây, sẽ được nâng cốc rượu vui vẻ này ở đất Việt.

Một cánh hoa đào rụng bên cốc Thái. Chàng cầm cành hoa để lên môi. Sắc hoa phản chiếu lên mặt chàng một màu hồng làm tăng thêm vẻ cương quyết. Thái mỉm một nụ cười buồn:

- Lịch sử oanh liệt của nước chúng tôi bảo rằng chúng tôi phải luôn luôn chiến đấu. Dầu phải bỏ thân nơi đất khách địa hay vùi thây nơi chiến trường, chúng tôi cảm thấy cái ý chí phục quốc không bao giờ phai trong lòng chúng tôi cũng như không bao giờ phai trong lòng dân tộc. Chúng tôi qua đây với sứ mạng của cả một dân tộc, không phải với cái ý chí riêng của mình.

Khuyễn cảm động:

- Vì lẽ ấy mà quốc dân Nhật không bao giờ từ chối sự giúp đỡ những dân tộc đồng châu, đồng chủng. Tục lệ nước tôi thường hay đem những truyện cơ mật quan trọng quyết định vào dịp lễ hoa đào. Nay chúng tôi nhân ngày này, bày tỏ kế hoạch trợ giúp của chúng tôi để nhờ các ông chuyển đạt với dân chúng Việt Nam.

Thái hỏi ý kiến cụ Tú, rồi day lại hỏi Khuyễn:

- Ngài định giúp chúng tôi cách nào?

Khuyễn đặt cốc rượu xuống, trầm ngâm một lát:

- Chúng tôi cũng muốn giúp đỡ về binh lực và khí giới, song việc này quan hệ đến quốc tế, đảng đã phải yêu cầu chính phủ ngầm nhận cho mới được.

- Chính phủ có bằng lòng nhận cho không?

- Vì trận chiến tranh với Nga đã gây nhiều thiệt hại, chính phủ cần phải để nhiều thì giờ kiến thiết lại, không thể nghĩ đến việc khác.

- Vậy là chính phủ đã từ chối?

- Không hẳn vậy, nhưng phải đợi ít lâu nữa. Vả lại theo ý chúng tôi, các ông còn nhiều việc phải làm ngay bây giờ, cần thiết hơn là binh lực.

Thái thở dài:

- Chúng tôi chỉ có một việc phải làm là phục quốc.

Khuyễn nghiêm giọng:

- Đã đành rằng mục đích là phục quốc, nhưng hành động phải có căn bản và phương lược. Nay nước ông còn ở trong vòng lạc hậu, dân tình phần đông chỉ sống cuộc đời tự túc, không biết trên vai mình có ách nặng, vậy trước nhất phải làm sao cho mạnh sức dân, mở trí dân và mới đức dân, rồi mới lo đến việc khởi nghĩa.

- Chúng tôi cũng biết như vậy, nhưng nước tôi còn ở dưới ách đô hộ, làm thế nào thi hành mấy điều ấy cho được? Phương lược cách mạng của Tôn Dật Tiên còn phải đặt thời kỳ huấn chính sau thời kỳ quân chính thay!

Khuyễn nhìn Thái chắc lưỡi:

- Tình thế của Tôn khác, tình thế các ông khác. Nếu các ông sợ không thi hành mấy điều ấy được, chúng tôi vui lòng giúp. Các ông hãy lo vận động cho thanh niên Việt Nam xuất dương qua đây, chúng tôi sẽ đào luyện cho họ thành những người hữu dụng cho nước các ông về sau. Chừng đã hoàn bị, các ông muốn thành lập một đạo binh quốc gia ở hải ngoại cũng không khó.

Thái nghe nói như tỉnh cơn mê. Chàng thuật lời của Khuyễn lại cho cụ Đại Hiền nghe, đoạn chàng chuyển ý cụ Tú với Khuyễn:

- Các ngài đã sẵn lòng giúp về phương diện đó, chúng tôi sẽ thi hành ngay. Cái công khai hóa của các Ngài, sau này dân tộc chúng tôi sẽ xin báo đền một cách xứng đáng.

Khuyễn mỉm cười:

- Chúng tôi chỉ làm phận sự của một người bạn mà thôi, đâu dám mong đến việc đền đáp. Chẳng hay tôn chỉ của các ông là quân chủ hay dân chủ?

- Mục đích chúng tôi là lo phục quốc, còn quân chủ hay dân chủ là vấn đề khác, còn phải tùy theo ý dân.

Khuyễn tuy là một lãnh tụ dân đảng nhưng vốn là một yếu nhân của Thiên hoàng, rất tôn trọng chính thể quân chủ. Thấy Thái còn phân vân giữa hai tôn chỉ, Khuyễn thẳng thắn nói:

- Theo lịch sử của quý quốc từ xưa, thời quân chủ là thích hợp. Muốn cho nhân dân quy phục để hoành thành đại nghiệp, các ông nên tìm một vị Hoàng thân tôn lên làm bực minh chủ. Như thế mới có thể hiệu triệu được thiên hạ và tình giao hiếu với nước chúng tôi lại càng tốt.

Lời khuyên của Khuyễn trái với ý Thái. Nhưng biết không thể làm gì khác - nhất là không thể làm mất lòng họ được - Thái miễn cưỡng đáp:

- Điều ấy ngài yên lòng. Chúng tôi xin lĩnh ý.

Khuyễn vui vẻ nâng cốc lên. Tất cả đảng viên đều hân hoan đắc ý.

Sau khi nghe lời thuật của Thái, cụ Tú run lên vì cảm động. Cụ thấy trước mắt mình một chân trời mới mở ra, phía bên kia là một cõi đời tự do giải phóng. Con đường đến đó sẽ không còn khó khăn hiểm trở nữa. Trái với tấm lòng dễ tin của cụ, Thái vẫn thấy có cái gì thắc mắc. Chàng nhìn những tàng cây rợp một sắc hồng đào mà tin rằng cần phải trải qua nhiều gian lao và máu lửa.

Dưới những gốc đào, từng đoàn vũ nữ nắm tay nhau nhảy quanh cội cây. Tà áo lụa của họ uyển chuyển theo những tấm thân dịu dàng lả lướt. Ánh nắng mơ màng thu hình trên tàng lá và xiêng yểu điệu trên ngàn hoa. Tiếng hát nâng lên dìu dặt trong gió quyện hương đào.

Ở vườn hoa Phú Sơn ra, cụ Tú và Thái toan lên xe trở về. Bỗng cụ Tú để ý đến một người Nhật đang cắm cúi tẻ về phương đông. Đầu người ấy húi trọc, bóng loáng dưới ánh sáng mặt trời về trưa. Dáng người tầm thước, trong có bộ hùng vĩ. Cụ Tú bảo nhỏ Thái:

- Trông người ấy hình như quen!

Rồi cụ trở về phía thành, rảo bước về phương đông. Khi vừa đến kịp, cụ bỗng reo lên:

- Ồ, cụ Trần!

Người ấy dừng bước nhìn cụ Vũ và Thái, mừng rỡ:

- Cụ Tú!

Và hắn nhe răng cười:

- Ngọn gió nào đưa hai người đến đây? Ở nước nhà có gì lạ chăng?

Thái nhận ra người đó không ai lạ, chính là cụ Trần Quốc Việt.

Đại Hiền nói:

- Ở xa trong bộ dạng thì quen, nhưng cứ ngờ ngợ vì cái đầu trọc. Vô Nhật tịch hồi nào thế?

Quốc Việt đưa tay lên rờ đầu:

- Ở giang sơn người thì phải theo người.

Thái cười mỉm:

- Hẳn muốn làm thân sĩ cho Nhật hoàng? Có gì lạ cho chúng tôi biết với.

Cụ lườm Thái:

- Cậu chỉ biết cái bởn! Có nhiều việc quan trọng, ta hãy về đã rồi hẵng bàn sau.

Dứt lời, cụ kéo cụ Tú và Thái đi. Đến một biệt thự có treo tấm biển đề “Quảng Điền Thái Lang” [1], cụ thung dung dẫn bọn Thái bước vào.

Đến phòng khách, cụ trỏ ghế mời cụ Vũ và Thái ngồi:

- Tôi ở đây với Thái Lang. Hôm nay hắn đi chơi lễ hoa đào, có lẽ đến tối mới về.

Cụ Tú nhìn trên vách thấy một bức chân dung của một người Nhật, vẻ mặt quắc thước, hiên ngang. Cụ hỏi:

- Phải chân dung của Thái Lang chăng?

- Không, đấy là lão già Phú Sơn [2], lãnh tụ đảng “Hắc Long”.

- Ra Thái Lang ở đảng “Hắc Long”?

- Chính thế! Hắn là một tay lợi hại của đảng.

- Cụ ở đây nhờ thế lực của họ?

- Tôi tưởng đó là phương tiện hay nhất đối với những kẻ lưu lạc như chúng mình.

Cụ Vũ thuật lại những ngày lưu vong của mình ở Tàu rồi sang Nhật cho Quốc Việt nghe. Khi kể đến kế hoạch trợ giúp của Khuyễn Dưởng Nghị, Quốc Việt mừng rỡ nói:

- Tôi sang đây cũng không ngoài ý ấy. Chính lão già Phú Sơn cũng hứa với tôi như vậy. Bây giờ thì chúng ta chỉ còn lo thực hành cách nào cho giản tiện là hay.

Thái góp lời:

- Theo ý tôi, ta nên chia mỗi người một phận sự. Một người ở lại Nhật lo việc kết giao với họ, một người sang Trung quốc gây thiện cảm với đảng cách mạng để đón tiếp thanh niên Việt Nam qua, một người phải về nước tuyên truyền thế lực của đảng.

Cụ Tú ngẫm nghĩ một lát:

- Ý đó rất hay. Việc kết giao với người Nhật, cụ Trần đây có thể cán đáng được, vì cụ thông hiểu tiếng Nhật và những nhân vật của họ.

Thái tiếp nói:

- Hiện nay ở nước nhà đồng chí của ta rất đông, ai cũng mong đợi cụ Vũ về. Vậy công việc về nước, cụ thân về mới được.

Cụ Tú gật đầu:

- Điều ấy tôi cũng nghĩ như vậy. Còn một việc nữa là sang Trung Hoa, nhờ cậu ráng lo giùm.

Thái hăm hở:

- Tính tôi thích bay nhảy, việc đó rất hạp với tôi. Tôi hứa chắc sẽ chu toàn phận sự.

Thấy tính hăng hái của chàng tuổi trẻ, Quốc Việt ân cần nói:

- Nghe nói Tôn Dật Tiên đang cử đồ đại sự, toan gây một cuộc biến lớn. Trào đình lo mở những cuộc tảo thanh ráo riết, rất nguy hiểm cho những kẻ lưu vong. Cậu qua đấy chớ khá xem thường, nên cẩn thận và chu toàn lắm.

Thái ngửa mặt cười lớn:

- Cả một rừng thám tử ở nước nhà còn không làm gì nổi, sá gì các thám tử nhà Thanh.

Lời cương quyết của chàng làm cho mọi người vững bụng.

Chú thích:

[1] Hirota, người này sau làm Thủ tướng nước Nhật.

[2] Toyama.