Gió Biên Thùy

- V -

Theo người lính xuống trại giam, cụ Vũ ngồi phệt xuống chiếc đệm, cười bảo Thái:

- Đời chúng ta hình như có duyên gì với mấy chỗ này, nên không thể nào rời nó lâu được.

Thái nhìn dáo dác mấy người bạn đồng tù chép miệng:

- Chỉ tội nghiệp cho mấy ông bạn kia, không tội gì cũng lọt vào đây. Cô Thu Cẩn thiệt là hại!

Cụ Vũ sực nhớ lời Thái lúc còn ở nhà hàng. Cụ băn khoăn hỏi:

- Cậu nói ai? Cô Thu Cẩn nào?

Thái bật cười:

- Cô hàng nồi đấy chứ còn ai. Thu Cẩn đã theo Tôn Dật Tiên về đây gây dựng lại đảng cách mạng. Chính cô là người đã quăng lựu đạn ở “Bình Dương tửu quán” để ám sát một võ quan triều Thanh. Nhưng không may cô ám sát hụt.

- Sao cậu biết?

- Vì tôi đã bắt gặp đôi mắt của cô trong lúc cảnh sát đang tra xét. Đôi mắt ấy đủ tố cáo những hành động của nhà nữ gián điệp.

Cụ Tú đắc ý:

- Vậy mà bọn cảnh sát mù hết cả một lũ. Cụ Tôn khéo dùng người thật.

Thái mai mỉa:

- Cô tài quá ta mới bị ngồi đây.

Vì mến tài của Thu Cẩn mà cụ Tú quên mình đang ở giữa đề lao. Nghe Thái nói cụ giật mình:

- Bây giờ phải làm sao để ngày mai lên Thượng Hải? Nếu không, ta lỡ chuyến tàu mất.

Thái thản nhiên xem đồng hồ tay:

- Mới bảy giờ, còn thong thả chán.

Cụ Tú nhìn Thái:

- Cậu lúc nào cũng thong thả. Để lỡ cơ hội thì hỏng cả đại sự, chẳng phải chuyện chơi đâu.

Thấy cụ lo lắng, Thái bình tĩnh đáp:

- Trong một giờ nữa, thế nào cũng có người đến rước ta. Rồi cụ xem, chính đấy mới là cơ hội.

Trước vẻ cương quyết của thiếu niên, cụ Tú thấy yên dạ. Lòng nhà chí sĩ lại ngổn ngang lên trăm mối nghĩ khác. Thái thấy đôi mắt cụ sáng lên trong bóng tối.

Giữa lúc căn ngục chìm dần trong bầu không khí nặng nề, bỗng cánh cửa suỵt mở. Một người lính đứng chận ngay cửa, lên tiếng hỏi:

- Có ông nào tên Vũ Đại Hiền và Nguyễn Hoàng Thái không?

Thái đáp:

- Có.

Tên lính nhìn lại phía chàng:

- Quan Thống lãnh cho mời hai ông. Xin hai ông theo tôi.

Tiếng “cho mời” làm cho Thái phì cười. Chàng nói với cụ Tú:

- Ta lên coi quan ấy “mời” có chuyện gì.

Đại Hiền đứng lên, cùng Thái bước ra. Tên lính dẫn hai người qua một vòng tường ngục rồi tiến sang một dinh thự lộng lẫy. Trước dinh một chiếc xe hơi bóng loáng đậu đó, tỏ rằng trong dinh vừa có khách.

Đến phòng khách, Thái thấy một vị thượng quan Tàu, đang nói chuyện với một sĩ quan Nhật. Thấy hai người vào, họ lễ phép chào. Cụ Tú nhận ra người Nhật không ai lạ, chính là Hoàng Mộc Trinh Phu người mà Thái vừa nhận đấu gươm lúc ban chiều. Hai người đáp lễ xong, Thái vui vẻ bảo người Nhật:

- Đại úy sốt sắng đến đây là vì chúng tôi đó chăng?

Sĩ quan ung dung đáp:

- Không, nói rằng vì danh dự của một võ sĩ đạo Nhật thì đúng hơn.

Vị thượng quan Tàu day lại phía cụ Tú, niềm nở nói:

- Ngày Đại úy đây vâng lệnh Bá tước Y đằng Bác Văn đến bảo lãnh hai ông ra. Vậy hai ông cứ tự tiện theo Đại úy về.

Thái thông ngôn lời vị thống lãnh lại cho cụ Tú nghe. Cụ mừng rỡ đáp lại vài lời cảm tạ.

Hoàng Mộc Trinh Phu chào viên thống lãnh, rồi cùng cụ Tú và Thái trở ra. Đến xe, Đại úy thân mở cửa, bảo Thái:

- Hai ông có thể đến biệt thự Y Đằng bá tước ngay bây giờ, hay nếu có chuyện gì gấp, chúng tôi xin cho mượn xe đây đưa hai ông đi cho tiện.

Thái mỉm cười:

- Cám ơn Đại úy, ngài cho chạy về biệt thự.

Ba người bước lên. Tên lái xe mở máy, chiếc xe vun vút chạy giữa thành phố sáng rực ánh đèn. Tất cả vẻ hoa lệ của Nam Kinh về đêm, lướt qua dưới mắt mọi người như những bức ảnh trên màn bạc.

Thái hỏi người Nhật:

- Tại sao ông biết chúng tôi bị bắt ở đây mà đến lãnh?

- Khi vừa đến biệt thự, chúng tôi được tin về báo, có một vụ ám sát hụt ở “Bình Dương tửu quán”. Chúng tôi ngỡ các ông không hệ gì. Thình lình đến tối, có một nguồn tin điện thoại bí mật cho hay là hai ông bị bắt, hiện bị giam ở nhà giam thành phố.

- Người ấy không nói đến tên cho ông biết là ai hay sao?

- Không. Nhưng chúng tôi nhận ra tiếng của một thiếu nữ Trung Hoa.

Thái nghĩ thầm: “Ngoài Thu Cẩn ra, còn ai vào đây?” Và chàng có cảm giác thơ thới như vừa ngửi được một mùi hương dịu. Cụ Tú thấy Thái cười tưởng chàng đã tìm ra được cách đối phó với những tay địch thủ nguy hiểm cụ cũng khẽ gật gù tự đắc.

Chiếc xe chạy đến một con đường vắng. Hai hàng cây bên vệ dường loang loáng dưới ánh đèn điện. Gió heo may phất phơ tàng lá, trông như chòm tóc của mấy cậu bé đang đùa giỡn dưới trăng.

Đến trước một biệt thự nguy nga, chiếc xe từ từ dừng lại. Người Nhật bước xuống trước, đợi cụ Tú và Thái, rồi tiến vào phía cổng.

Hoàng Mộc Trinh Phu ra hiệu cho người gác. Chiếc cổng mở toang ra. Một dãy đèn chạy từ cổng vào biệt thự. Xung quanh là một khu vườn rộng. Những ánh đèn màu lốm đốm đây đó, buông tỏa khắp vườn một làn sáng nhạt như một dạ hội hoa đăng.

Người Nhật không tiến vào biệt thự mà rẽ ra vườn. Thái bước theo khẽ bảo với cụ Tú:

- Họ dọn chỗ đấu gươm đấy!

Cụ tái mặt. Tuy tin nơi tài nghệ của Thái, cụ vẫn thấy lo sợ cho chàng tuổi trẻ. Lưỡi gươm bấy lâu vô địch ấy, liệu có chu toàn nổi danh dự cho dân tộc Việt Nam chăng?

Ra gần đến phía sau biệt thự, một vòng ánh sáng rực rỡ làm nổi bật khu vườn như ban ngày. Giữa khoảng đường rộng, ba sĩ quan Nhật đang ngồi quanh một chiếc bàn tròn, có vẻ chờ đợi. Trên bàn trải một tấm khảm màu hoa lý, có để tréo hai thanh gươm.

Thấy Thái đi vào, họ đứng dậy, Hoàng Mộc Trinh Phu chỉ vị sĩ quan ngồi giữa giới thiệu với Thái:

- Bá tước Y Đằng Bác Văn.

Thái vui vẻ đáp bằng tiếng Pháp:

- Chúng tôi được hân hạnh diện kiến với Bá tước.

Và chàng giới thiệu cụ Tú với Y Đằng. Sau những câu đáp lễ, họ phân ngôi chủ khách ngồi xuống.

Thấy bọn người Nhật có ý chăm chú nhìn mình, Thái nhận ra đã đến lúc phải phô trương kế hoạch. Chàng nhìn lại phía Bá tước, lễ phép nói:

- Chúng tôi đang tìm cách để gặp Bá tước thì hôm nay tình cờ được hội kiến ngài ở đây. Thật là may mắn!

Trước cử chỉ khả ái của chàng tuổi trẻ, Bá tước có cảm tình ngay. Ngài vui vẻ:

- Nếu quả như vậy thì thật là hạnh ngộ. Nhưng chẳng hay quý khách tìm tôi có việc gì?

Thái nhìn qua Đại úy Hoàng Mộc. Chàng mỉm một nụ cười ý vị, đáp:

- Chúng tôi tìm ngài để đưa một bức thư của Lương Khải Siêu, và nhờ ngài giới thiệu chúng tôi với Khuyễn lãnh tụ.

Bọn người Nhật đồng một loạt kinh ngạc:

- Khuyễn Dưởng Nghị?

Thái thản nhiên tiếp:

- Phải, Khuyễn lãnh tụ.

Bá tước Y Đằng biết hai nhà chí sĩ Việt Nam hẳn có sứ mạng gì quan trọng. Lão nghiêm giọng ôn tồn bảo:

- Có thư của Lương đại nhân thì chắc có chuyện cơ mật.

Thái nói với cụ Vũ. Cụ vội vã lấy ra một bức thư đưa cho Bá tước. Y Đằng tiếp thư, bốc ra xem, sắc mặt nghiêm nghị bỗng lộ vẻ mừng. Lão tươi cười:

- Thật may mắn cho nước Việt Nam có được những nhà ái quốc như quý khách. Người Nhật chúng tôi là dân tộc trọng nhân tài, yêu chánh nghĩa, há đi phụ những tấm lòng bạn hay sao? Người anh hùng phù suy chớ chẳng bao giờ phù thịnh.

Thái thấy đời mở ra trước một chân trời quang đãng. Đôi mắt chàng sáng lên để đón ánh lê minh. Chàng đáp với giọng lưu loát:

- Vì tin tưởng như vậy, chúng tôi mới đến đây. Nhân nghĩ rằng: “Cầu cứu với một nước khác đánh đổ chánh phủ thống trị nước mình, là một việc xưa nay chưa hề có, nên chúng tôi muốn nhờ một dân đảng có thế lực ngầm giúp”.

Bá tước suy nghĩ một lúc, hòa nhã nói:

- Việc ấy cần phải hỏi ý kiến lại Khuyễn lãnh tụ. Trong nước chúng tôi hiện có nhiều đảng khác chánh kiến nhau như đảng Hắc Long [1], Hội văn hóa [2], Thần Vũ hội [3], Lập Quốc hội [4]. E có sự bất đồng giữa các đảng mà sinh ra trở ngại gì chăng? Tôi chỉ xin hứa hẹn rằng sẽ tận lực giúp hai ngài.

Thái mừng rỡ:

- Được như thế thì chúng tôi rất thậm cảm, và nước chúng tôi mà được giải phóng sau này chính là nhờ công đầu tiên của Bá tước.

Trong lúc Thái và Y Đằng nói chuyện, ba sĩ quan Nhật chăm chú lắng nghe. Cụ Tú thì đăm đăm nhìn vào mắt Bá tước. Khi Thái thuật lại lời Bá tước với cụ, mặt cụ có vẻ hân hoan, vầng trán phong trần nở lên một màu hy vọng.

Chợt Bá tước hỏi:

- Ngày mai các ngài sang Thượng Hải?

Thái đáp:

- Thưa ngài, vâng. Ở đấy chúng tôi sẽ đi tàu thủy qua Đông Kinh.

- Các ngài không biết rằng người ta tra xét gắt gao lắm hay sao? Những khách lưu vong như các ngài không thể nào bước chân đến đất Nhật được.

- Điều đó chúng tôi đã hiểu, nhưng chúng tôi đã có cách...

Chàng day qua phía Hoàng Mộc Trinh Phu:

- Cách ấy nhờ Đại úy đây đưa đến viếng ngài. Được ngài bảo hộ cho thì chẳng những sẽ đến Đông Kinh dễ dàng, mà việc yết kiến Khuyễn lãnh tụ không còn khó khăn nữa.

Bọn người Nhật đưa mắt nhìn nhau. Thái thấy cần phải bước một bước hòa giải, chàng lễ phép tiếp:

- Chúng tôi thành thật xin lỗi Đại úy và các ngài. Việc xảy ra ở tửu quán “Bình Dương” chẳng qua là để che mắt bọn gián điệp cách mạng và là dịp để làm quen với đảng viên của Khuyễn lãnh tụ đó thôi.

Hoàng Mộc phì cười:

- Cách làm quen của các nhà chí sĩ lưu vong Việt Nam thật cũng anh hùng lắm đó!

Chú thích:

[1] Kokouriou-Kai.

[2] Société de la Culture.

[3] Société Jimmou.

[4] Le Kokouhontia.