Cụ và Thái ở nán lại Nam Kinh, định ngày mai sẽ khởi hành qua Thượng Hải, rồi sẽ đi tàu thủy sang Nhật.
Chiều hôm ấy, hai nhà cách mạng Việt Nam đi du ngoạn thành phố. Đến một tửu lâu có một biển đề là “Bình Dương tửu quán”, cụ Vũ vội kéo Thái vào bảo khẽ qua tai chàng:
- Ở đây có đủ nhân vật. Ta hãy vào thử, xem có gì lạ.
Thái “vâng” một tiếng rồi vui vẻ bước vào.
Cụ Vũ tìm một chiếc bàn dựa vào tường, có thể nhìn thẳng ra đường và có thể nhận rõ các nhân vật trong quán. Vừa ngồi xuống, mụ chủ quán đã bước lại niềm nở:
- Quý khách dùng chi?
Cụ bảo:
- Bà cho một bình rượu cúc.
Mụ chủ day lại nói xí xô vào phía trong, rối quày quả trở ra đón khách khác. Vài phút, một chú tửng bưng ra một bình rượu và hai cái cốc. Cụ thong thả cầm lấy bình, bảo Thái:
- Lâu quá không dùng rượu. Nay thử nếm cốc rượu khứ quốc nầy xem mùi vị nó ra sao.
Thái thấy lời nói ấy như chứa cả một tâm sự. Chàng nhìn giọt rượu từ trong bình nhỏ xuống cốc. Hơi men đưa lên một mùi nồng nặc.
Cụ vừa nâng cốc lên môi, chợt để ý đến ba người khách bàn bên, họ là ba sĩ quan Nhật, mỗi người đều có vẻ khí phách hiên ngang. Họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp, hăng hái và lưu loát.
Thái để ý nghe. Chàng quay lại bảo khẽ với cụ Vũ:
- Bọn đó là người trong đảng của Khuyễn Dưởng Nghị. Họ qua dọ dẫm tình hình trào đình Mãn Thanh và hình như có ý muốn giúp Tây Thái Hậu đàn áp cách mạng.
Cụ Tú ngẫm nghĩ giây phút, bảo Thái:
- Tìm cách làm quen họ. Có thể nhờ họ mà ta sang Nhật dễ dàng.
Thái gật đầu đồng ý. Chàng nói lớn lên bằng tiếng Pháp, cốt để cho ba người Nhật nghe:
- Khuyễn Dưởng Nghị nếu quả là bậc anh hùng, ta đi chuyến nầy không đến nỗi vô ích.
Thật như ý chàng đoán, ba tiếng “Khuyễn Dưởng Nghị” chàng nói lớn làm cho bọn người Nhật giật mình. Họ đồng loạt nhìn lại phía Thái. Nhưng Thái trở lại hạ giọng, nói chuyện với cụ bằng tiếng Việt Nam. Biết họ căm tức, Thái vẫn làm bộ như không lưu ý đến, mặc cho họ tiu nghỉu, ngơ ngác nhìn nhau.
Thấy cụ Tú ngạc nhiên, Thái mỉm cười:
- Cho họ phục trước, họ mới kính mình. Rồi cụ xem, thế nào họ cũng tìm cách gây sự hoặc làm quen với ta.
Chàng vừa dứt lời, một người Nhật đặt thanh gươm đánh soảng lên bàn, nói trổng một cách kiêu hãnh.
- Đồ nhãi ranh!
Một người khác nhìn Thái đăm đăm, vẻ mặt hầm hầm dường muốn nhảy xô lại chàng.
Thái mỉm cười:
- Những kẻ ngu phu tưởng rằng mình hơn thiên hạ.
Cụ Tú ái ngại đưa mắt cho Thái. Nhưng người Nhật từ nãy đăm đăm nhìn Thái đã xô ghế bước sang bàn chàng. Hắn sừng sộ nói với Thái:
- Ông vừa cố ý ám chỉ đến chúng tôi. Người Nhật trả lời ai thì trả lời ngay mặt. Nếu ông can đảm giữ danh dự của lời nói, xin mời ông đứng lên.
Thái hiên ngang đứng dậy trông thẳng vào mặt người Nhật gằng từng tiếng:
- Tôi khuyên ông nên có chút lễ độ.
Hắn không thèm trả lời, tống một quả đấm vào mặt Thái, Thái lách đầu tránh, điềm nhiên nói:
- Xin nhường ông.
Càng hăng tiết, hắn thu lẹ cánh tay lại rồi đưa một cú mốc vào quai hàm Thái. Thái ngửa đầu ra phía sau, nắm lấy tay hắn vằng vào khoảng trống. Thái mỉm cười bảo:
- Xin nhường ông lần thứ hai.
Lần nầy hắn đỏ mặt, đá tung ghế trước mặt vào góc tường, tiến sát đến bên mình Thái... Thái biết hắn toan dùng thế võ Nhật, vội lách qua khoản trống. Nắm tay người Nhật vừa đưa vào hông, chàng nhảy sang một bên tránh vừa nói:
- Xin nhường ông quả thứ ba.
Dứt lời, chàng phi thân đến phía bên trái người Nhật, bảo:
- Giờ đến phiên tôi, ông ráng đỡ.
Lẹ như chớp, chàng dùng một thế lợi hại đánh mạnh vào ót người Nhật. Bàn tay mảnh mai của gã thư sinh bỗng có sức mạnh lạ thường. Vị võ quan Nhật loạng choạng muốn ngã. Thái vội vàng nhảy lùi lại phía sau, nghiêng đầu nói với hai người Nhật kia:
- Xin lỗi, ông bạn hai ông nóng tính quá!
Một tràng pháo tay nổ lên, tiếp lên những tiếng cười vang dậy khắp tửu lâu. Tất cả khách khứa trong quán tình cờ được chứng kiến cuộc đấu võ, đều đắc ý với thủ đoạn của chàng niên thiếu. Họ hoan hô Thái nhiệt liệt, làm cho bọn người Nhật phải sượng sùng.
Vị võ quan Nhật khi nãy dằn thanh gươm lên bàn với những lời khêu khích, bước lại trước mặt Thái:
- Chúng tôi thành thật khen tài võ dũng của ông. Nhưng vì danh dự của người bạn và của một võ sĩ đạo Nhật, chúng tôi xin mời ông một cuộc đấu gươm phục thù.
Thái từ tốn:
- Việc bất hòa vừa xảy ra, thật ra ngoài ý muốn của chúng tôi, những người Việt Nam hiếu giao và rất mến phục tinh thần thượng võ của người Nhật. Các ông hãy nghĩ lại, thanh gươm của các ông cần để phụng sự những việc lớn lao cho Tổ quốc.
Người Nhật nghiêm giọng:
- Danh dự của người võ sĩ Nhật tức là danh dự của tổ quốc họ. Không giữ được danh dự của mình thì là kẻ vô dụng, còn tài ba gì mà phụng sự Tổ quốc, chúng tôi muốn gỡ lại danh dự của người võ sĩ.
- Nhưng so gươm với một kẻ không phải là địch thủ, các ông vẫn bằng lòng sao?
Hắn nhìn vào mắt Thái, cương quyết:
- Ông không nên quá nhún nhường mà làm tổn khí phách của người Việt Nam.
Thái mỉm cười:
- Nếu ông diện danh dự của người Việt Nam thì tôi không có quyền từ chối.
Hắn móc bóp đưa cho Thái một tấm danh thiếp và hỏi:
- Ông còn ở đây lâu?
- Ngày mai chúng tôi phải đi Thượng Hải gấp để sang Nhật cho kịp chuyến tàu.
Hắn ngạc nhiên:
- Các ông sang Nhật?
- Vâng chúng tôi sang Nhật. Điều ấy ông cho là lạ lắm sao?
Hắn bỉu môi:
- Không, nhưng sợ rằng các ông đi không đến chốn. Vì muốn đi, ông phải thắng được thanh gươm của tôi.
Thái thản nhiên nhìn thanh gươm để trên bàn:
- Tôi tin đó không phải là một trở lực đáng ngại.
- Ông là người Việt Nam can đảm đó. Vậy tối nay đúng tám giờ, mời ông đến biệt thự “Y Đằng Bác Văn” [1].
Cụ Tú và Thái nghe đến tên “Y Đằng Bác Văn” đều giật mình. Nhưng Thái vui vẻ đáp:
- Xin y hẹn.
Vị võ quan Nhật chào Thái và cụ Tú rồi trở về bàn. Lần nầy họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Nhật. Một lát, cả ba đồng đứng dậy, lại quầy trả tiền rồi ra khỏi tửu lâu.
Đợi cho họ ra khỏi, Thái dở tấm danh thiếp của người Nhật ra xem:
HOÀNG - MỘC TRINH - PHU
Đại úy đội Thần Phong số 46 Đông Kinh [2]
Thái đưa danh thiếp cho cụ Vũ, cười nói:
- Ta đụng đầu với một nhân vật lợi hại của Đông Kinh.
Cụ Tú tần ngần nhìn vào danh thiếp:
- Sao lại gây sự với họ làm gì? Lỡ ra...
Thái hớn hở:
- Một dịp may cho ta đấy cụ ạ! Nếu không có họ, ta khó mà sang đến tận Nhật.
Cụ thở dài nhìn ra ngoài cửa. Cảnh tửu lâu vẫn tấp nập. Người ra kẻ vào rộn rịp, người nào cũng có vẻ nhàn nhã phong lưu. Cụ Tú thấy tâm trí mình cũng rộn lên như gót chân của thiên hạ. Trái lại, Thái ngước mặt phun khói thuốc lên trần nhà. Lòng chàng thấy vui phơi phới.
Trong lúc mạch phù hoa đang trào lên một nguồn nhựa sống, làm phấn khởi những lòng trai yêu kiều, những dáng đẹp, trong lúc tiếng cười cười nói nói làm náo động cả tửu lâu, bỗng một tiếng nổ dữ dội ở trước cửa. Tiếp theo, một vòng bụi bốc lên, những mảnh gạch bắn tứ tung, rớt loảng choảng trên nóc quán.
Vẻ rộn rịp bỗng thay vào vẻ kinh khủng. Người ta nem nép nhìn làn khói dần tan như một làn tử khí. Kẻ núp dưới gầm bàn, người nằm rạp dưới đất. Có kẻ núp không kịp, ngã gục trên thành ghế, đôi mắt còn đỏ ngầu vì sợ hãi.
Khi sự bình tỉnh đã trở lại, những lời bàn tán mới nổi lên:
- Lựu đạn của quân cách mạng!
- Lại một chánh khách nào đây bị ám sát?
- Không ai bị thương.
- Hoài của!
Chợt làn sóng người dồn từ ngoài cửa vào. Tiếng người ta ơi ới bảo nhau:
- Nguy rồi!
- Cảnh sát đã bao chặt.
- Làm sao?
Cụ Vũ và Thái tuy điềm tĩnh, cũng phải đứng cả dậy trông ra ngoài. Người ta đang mở cuộc lùng bắt thủ phạm. Mỗi cánh cửa tửu lâu đều có lính đứng chận. Mấy mũi súng của họ chĩa vào một cách đe dọa.
Lính bắt đầu tra xét giấy tờ. Nhiều người được thả ra, mừng rỡ như đàn chim vừa sổ lồng. Một tốp người bị bắt lại, trong số ấy có cụ Tú và Thái.
Biết số phận mình, Thái đứng nép vào tường để tránh sự chen lấn của thiên hạ. Lòng chàng dửng dưng trước sự đột ngột vừa xảy ra. Một lượng sóng có thể nào làm náo động một trùng dương? Chàng thản nhiên đếm từng nét tang thương trên vẻ mặt mọi người. Bỗng giữa làn sóng mày xơ xác, chàng để ý đến một đôi mắt đen lay láy, một đôi mắt diễm lệ mà chàng không thể nào quên. Chàng ngạc nhiên lẩm bẩm: “Thu Cẩn” và khẽ nở một nụ cười khoan khoái.
Nhưng Thu Cẩn đã tiến tới cửa. Nàng trình giấy cho tên lính rồi thong thả bước ra.
Thái nhìn theo, bảo khẽ với cụ Tú:
- Thủ phạm đã ra rồi.
Cụ Tú cũng nhìn theo, nhưng ngơ ngác.
Chú thích:
[1] Prince Ito
[2] Araki.