Buổi chiều về chậm. Một đường da cam ửng dài trên tàng lá. Vài làn tơ trắng lê thê theo chiều gió, mơ hồ trông như một dòng Ngân. Hàng soan lạnh lùng dưới ngọn heo may. Tiếng lá reo xạc xào đưa u hoài những âm hưởng.
Đến rặng soan, Thái thấy thoáng qua tầm mắt mình vạt áo chàm của một thôn nữ. Gót nàng thoăn thoắt, nhẹ nhàng tiến về một lối mòn. Thái cho ngựa vụt tới, và khi nhận ra thiếu nữ, chàng ngạc nhiên:
- Ô, cô Thu Cẩn.
Thiếu nữ dừng bước:
- Lại ông Thái.
Thái nhảy xuống ngựa, vui vẻ:
- Chẳng rõ duyên cớ gì mà tôi cứ gặp cô mãi. Cô cải trang tài quá ở xa tôi cứ ngỡ là một cô thôn nữ nào.
Nàng nhoẻn cười duyên dáng:
- Ở đồng quê mà lại!
Thái chợt hiểu:
- Vậy ra từ lâu cụ Tôn và cô về ở đây? Thảo nào tôi tìm mãi mà không gặp.
- Nhà cách mạng lưu vong không có chỗ ở nào nhứt định. Thật ra, chúng tôi đã đi cùng khắp và mới vừa dừng bước mấy ngày nay.
Một cơn gió lốc cuốn theo những vòng bụi đánh tạt vào hai người. Viền mi của Thu Cẩn chớp chớp như hai đài hoa ngậm kín. Nàng đưa tay lên dụi mắt, hỏi Thái:
- Ông có sứ mạng gì gấp không?
- Có nhưng không mấy gì gấp.
- Vậy ông ghé vào đây cho em hỏi thăm nhé!
Thái vui vẻ gật đầu. Nàng vội vã rẽ xuống đường mòn, dẫn ra một chiếc ao rộng. Hai bên ao toàn một thứ cây soan, che khuất đường cái như một bức tường thành. Thái cột ngựa vào gốc soan, đoạn ngồi xuống một nệm cỏ xanh mướt. Thu Cẩn đứng vơ vẩn nhìn ra ao, và như bẽn lẽn nàng nói khẽ:
- Ở đây nói chuyện kín hơn.
Tuy hiểu lời nàng là thành thật, Thái vẫn muốn cho nó có một ý vị khác. Chàng mỉm cười:
- Phải, ở đây kín hơn.
Đôi má thiếu nữ hồng lên như nàng vừa nhấp một cốc rượu. Nàng đưa tay lên víu lấy một cành soan. Vài chiếc lá rời cành bay la đà xuống mặt nước.
Thái ân cần:
- Cô ngồi xuống đây. Nệm cỏ êm và mát lạ.
Nàng ngồi xuống, êm đềm hỏi:
- Chúng tôi đang nóng biết về tin du thuyết tướng quân Lương Tam Kỳ và Đề Thám. Chẳng hiểu công việc có thành công, không ông?
Thái giật mình, nghĩ thầm: “Mình đang nói chuyện với một gián điệp đây”. Nhưng vẫn tự nhiên, chàng đáp:
- Công việc thất bại rồi cô ạ!
Dường như đã biết trước câu trả lời ấy, Thu Cẩn khẽ mím môi để che một nụ cười. Mặc dầu cử chỉ ấy vẫn không giấu được Thái. Thái nghiêm giọng nói:
- Trong lúc vận động để chống lại một chế độ những phần tử cách mạng nước nào cũng có những khuynh hướng đảng trị lúc đầu. Căn cứ vào những cuộc thất bại của đảng cô ở Trung Hoa thì rõ. Sở dĩ tướng quân Đề Thám và Lương Tam Kỳ cũng còn cái quan niệm lầm lạc đó, là vì họ bị ảnh hưởng sâu của chế độ phong kiến ngàn xưa của Trung Hoa đó thôi.
Biết Thái có ý trách mình, Thu Cẩn vội niềm nở:
- Chính vì lẽ ấy mà chúng ta luôn luôn gặp trở lực. Nhưng viện cớ gì mà họ không chịu đoàn kết hở ông?
Thái thở dài:
- Họ không viện cớ gì cả.
Nghĩ ngợi một lúc, Thái tiếp:
- Trước kia chúng tôi hứa: sau khi vận động đoàn kết được lực lượng trong nước, sẽ hợp tác hoạt động với đảng cô. Nay công việc thất bại, thì sự hợp tác ấy ắt là không thành. Vậy tôi cũng nên thuật qua cho cô rõ đầu đuôi câu chuyện, để nhờ cô thanh minh sự thành thật và tận tâm của chúng tôi với Tôn lãnh tụ.
Thu Cẩn nhìn Thái, nói khẽ:
- Ông cứ thuật.
Thái cũng nhìn nàng. Đôi mắt sâu thẳm của thiếu nữ long lanh như một hồ thu, đôi mắt như chứa cả sự bí mật của những hành vi quốc sự. Chàng móc ra một điếu thuốc châm hút. Đợi cho que diêm cháy tàn, chàng ôn tồn kể:
- Sau buổi họp kín ở dinh cụ Thượng, công việc đầu tiên của đảng tôi là cử hai cụ Đại Hiền và Quốc Việt đi du thuyết Lương Tam Kỳ và Đề Thám.
Vào hành dinh của Lương không phải dễ. Cụ Đại Hiền biết Lương xưa là môn đệ của Thống lĩnh Thái Bình phủ Trần Thiên Hoa. Muốn đến tận Lương dễ dàng, không gì bằng nhờ Thiên Hoa giới thiệu. Nghĩ vậy, cụ Vũ vượt biên giới sang Trung quốc, vào yết kiến quan thống lĩnh Thái bình phủ. Thiên Hoa với cụ vốn đã có tình tri ngộ, tiếp cụ một cách niềm nở và sai một viên gia tướng dẫn đường cho cụ tới đồn điền họ Lương.
Đường đi nhiêu khê hiểm trở, hàng tuần mới đến tận Chợ Chu. Hay tin cụ Vũ đến, Lương ân cần đón tiếp. Trong lúc hội đàm về quốc sự, cụ Vũ ngỏ ý khuyên Lương nên hợp lực với Đề Thám làm tiền khu cho đảng cách mạng Việt Nam.
Lương bấy lâu ngang tàn một cõi, nghe cụ Tú khuyên phải làm hậu thuẫn cho một đảng khác Lương có ý không bằng lòng. Tuy vậy, Lương cũng ra bộ vồn vã:
- Lời cụ phải lắm. Lâu nay tôi chịu yên phận nơi đây với chức Chiêu phủ sứ là vì chưa tìm được vi cánh mà giương vuốt đó thôi. Hễ khi đại binh của đảng cách mạng về tới Thăng Long, tôi xin làm nội ứng.
Nói xong, Lương cười một cách nhạt nhẽo. Vũ biết Lương không còn tâm trí gì nữa, dầu nói lắm cũng vô ích, nên đành từ giã Lương ra về.
Nghe đến đây Thu Cẩn hỏi Thái:
- Ra Lương đã hàng rồi sao?
Thái mai mỉa:
- Cô bảo người như Lương còn gì nữa mà không hàng? Chính phủ đã phong cho Lương làm chức Chiêu phủ sứ, lại cho ông độc quyền thống lĩnh riêng một bờ cõi gồm tám phần mười toàn tỉnh Thái Nguyên. Lương cho như thế là đủ lắm rồi.
Thiếu nữ bực tức:
- Chỉ vì có những phần tử như vậy mà cuộc tranh đấu phải lắm gay go.
Câu chuyện Lương làm nàng nhớ những lúc thăng trầm của đảng cách mạng Trung Hoa, vì thủ đoạn của Viên Thế Khải. Nàng cảm thấy cái gì tê tái xót xa làm não nùng những tấm lòng chính khí.
Lặng yên một lúc, nàng hỏi:
- Còn Đề Thám, có lẽ nào lại cũng như Lương hay sao?
Thái buồn bã:
- Thám có khác, nhưng chung qui cũng vì óc đảng trị mà không thành được chuyện lớn.
Và chàng thuật tiếp với giọng đầy bực tức:
- Trong khi cụ Đại Hiền lên Chợ Chu, Trần Quốc Việt hăng hái về Yên Bái. Cụ ra đi, hy vọng đem cái tài du thuyết như Tô Tần ngày xưa, may ra giác ngộ được trang anh hùng thảo dã.
Đến Từ Sơn, cụ gặp một đồng chí của Đề Thám. Nhân bàn về binh lực của Thám, người ấy hết sức tán dương đạo binh Yên Thế, cho rằng mỗi tên quân đều có thể “bách bộ xuyên dương”. Thám là người thông hiểu binh thư, có tài dụng binh như Tiêu Hà, Gia Cát, cho nên quân đội Pháp đã đánh nhiều trận mà không làm gì nổi, lắm phen phải dụ Thám đầu hàng.
Quốc Việt nghe nói cười mà rằng:
- Nếu Thám có tài như vậy thì may mắn cho quốc gia lắm. Nay tôi muốn gặp Thám để bàn qua đại sự. Tôn huynh vui lòng giới thiệu tôi với quan Đề chăng?
Người ấy vui vẻ nhận lời. Vài hôm sau, hai người đã lên đến Yên Thế.
Đến tổng hành dinh, người đồng chí vào báo cho Thám hay, rồi ra mời cụ vào.
Thấy cụ vào, Thám lật đật ngồi dậy chào:
- Bấy lâu nghe danh, nay mới được gặp. Thật là vạn hạnh, vạn hạnh.
Cụ đáp lễ:
- Không dám. Sự thật chỉ có công bay nhảy, chớ chưa làm được việc gì. Nay có chút chuyện muốn bàn với tôn huynh nên tìm đến đây.
Thám cười ha hả:
- Chuyện gì mà phiền đến tôn huynh quá vậy? Đã là đồng chí với nhau, xin cứ nói thẳng cho tiện.
Biết Thám vốn có lòng ưu ái, cụ thành thật bộc lộ:
- Cuộc thất bại năm Mùi của cụ Phan Đình Phùng cho ta thấy rằng vận động giải phóng mà thiếu hậu thuẫn thì chỉ là một việc tự sát. Vì vậy tôi cùng các nhà cách mạng Trung Hoa tìm cách liên lạc với nước ngoài nhờ họ giúp ta trong cuộc vận động. Nay ta được đảng cách mạng Trung Hoa giúp về binh lực, và khí giới, hội “Hồng Tân Hưng” giúp về tài chánh, “Đông Kinh nghĩa thục” lo về tuyên truyền. Nếu Tôn huynh vì nghĩa lớn, chịu hợp lực với Lương Tam Kỳ làm nội ứng cho chúng tôi, công việc giải phóng sẽ không còn khó khăn nữa.
Thám nghe nói, chau mày nghĩ ngợi. Một lúc Thám gật gù đáp:
- Lời tôn huynh rất cao kiến. Hiềm gì quân đội của tôi tổ chức còn hỗn tạp, khí giới hèn kém, sợ không đủ sức làm hậu thuẫn cho đảng cách mạng Tôn huynh chăng? Vậy Tôn huynh cứ lo việc vận tải khí giới về đây. Quân đội tôi được hùng hậu mới có thể ủng hộ đảng một cách đắc lực được.
Quốc Việt biết Thám cố ý từ chối, lại thấy cử chỉ Thám có vẻ lãnh đạm, vội kiếu từ Thám ra về. Đó là lần thất bại thứ nhì trong việc du thuyết.
Thấy Thái kết luận một cách áo não. Thu Cẩn dường như buồn lây với chàng tuổi trẻ. Hai người nhìn xuống mặt ao. Làn nước phẳng lặng trong cái vẻ yên tĩnh ngàn đời. Vài chiếc lá bập bềnh bên những cánh rêu, ngập ngừng không tìm được một đường giải thoát...
Thu Cẩn đưa tay bức một chùm cỏ. Thái biết nàng muốn tỏ một cử chỉ bực tức, ôn tồn bảo:
- Có khó khăn thì kết quả mới vẻ vang, phải không cô?
Nàng nhìn Thái e ngại:
- Nhưng bây giờ phải làm sao?
Chàng cất một tràng cười trong trẻo:
- Làm sao? Phải làm cái việc mà cô đang làm đó.
- Nghĩa là...
- Phải lưu vong, cô ạ! Cụ Đại Hiền thường nói với tôi: “Nước Sở chỉ có ba nhà cũng làm mất được nước Tần, rợ Nguyên cũng còn lập quốc được một trăm năm. Ta tuy không có tài diệt nước Tần như Trương Lương, há không được như Trịnh Sở Nam đoạt lại nhà Tống hay sao?”
Thu Cẩn mỉm cười:
- Có chí như ông và cụ Tú, thì làm việc gì mà không thành? Nhưng ông đã định đi đâu chưa?
Thái cũng cười:
- Chẳng hiểu cô hỏi với lời của một nhà gián điệp hay lời một người bạn?
- Cái đó tùy ông. Nếu ông cho là không tiện nói với một gián điệp, thì ông cứ giữ kín.
Thái nhìn sâu vào mắt thiếu nữ:
- Nhưng đối với cô thì tôi không có gì phải giấu. Chúng tôi định sang nước cô, vận động với đảng của Lương Khải Siêu và Khang Hữu Vi và nếu cần, sẽ sang Nhật.
Thu Cẩn chép miệng:
- Ông có thể tin nơi đảng Khang - Lương hay sao?
- Chừng ấy sẽ hay. Chúng tôi chưa nhất định rằng nên hay không.
Sắc mặt Thu Cẩn bỗng đượm vẻ buồn. Trong bóng hoàng hôn ngã tàn trên mắt biếc, cả một trời đông dường đọng lạnh ở lòng thơ. Thái không rõ nàng buồn vì hai cánh chim bằng từ đây không còn có thể cùng chung đập cánh trên con đường giông bão, hay u hoài vì thân thế ba đào. Chàng chỉ thấy lòng mình rung lên một cách thanh thản.
Thu Cẩn đứng lên:
- Trời sắp tối rồi ông nhỉ?
Thái giật mình:
- Trời sắp tối.
Một tiếng tù và rúc lên giữa không gian lạnh rồi vọng lại não nùng như một tiếng chuông. Bầy chim về ríu rít trên cành cây, làm xạc xào muôn lá.
Thái vội mở cương ngựa. Chàng nhảy thót lên yên, âu yếm bảo thiếu nữ:
- Cô Thu Cẩn ở lại nhé! Xin chuyển đạt lời chào với Tôn lãnh tụ.
Dứt lời chàng ra roi. Con tuấn mã từ giã lối mòn, vụt ra đường cái. Qua hàng soan, Thái hồi hộp ngoảnh lại. Đôi mắt của nàng thôn nữ đăm đăm u hoài theo vó ngựa đường xa...