Gió Biên Thùy

- I -

Một buổi sáng mùa đông. Sự lạnh lùng của thời tiết gieo mơ màng cho cảnh vật. Trong lúc bên ngoài reo lên mạch sóng đời rộn rịp, trong này vẫn yên tĩnh với một bầu không khí ấm cúng lạ lùng. Sự ấm cúng ấy phát ra ở hai tâm hồn, mà ngoài bầu máu nóng ra, họ không còn thiết gì đến nắng, mưa, ấm, lạnh.

Cụ Tú Vũ Đại Hiền khẽ đặt chén trà xuống bàn, rồi hỏi Thái:

- Cậu đã hay cụ Tôn qua đây?

Chàng tuổi trẻ có một vẻ mặt hiên ngang và nụ cười rắn rỏi, cung kính trả lời:

- Thưa cụ, đã. Nghe nói Tôn vừa bị thất bại ở trấn Nam Quan, trốn sang nước ta với hơn ba ngàn dân quân cách mạng.

Chàng tuổi trẻ ấy là Nguyễn Hoàng Thái, một chiến sĩ tín cẩn của cụ Vũ. Thái vận âu phục, dáng người thanh nhã trang nghiêm. Đôi mắt chàng sáng quắc, biểu lộ vẻ thông minh, cương quyết.

Cụ Tú vơ vẩn một lúc, lại hỏi:

- Cậu có dọ hỏi đích xác nguyên nhân sự thất bại của Tôn chưa?

Thái không do dự đáp:

- Lúc gần đây Tôn Dật Tiên và Hoàng Hưng hoạt động ở trấn Nam Quan. Vì hai tay gián điệp đắc lực của Tôn, Hoàng là cô Thu Cẩn và Trịnh Dục Tú làm hỏng việc, khiến cho chương trình hành động của Từ Tích Lân bị phát giác. Cuộc bạo động của họ Từ ở An Khánh không thành bọn đồng chí bị giết và bị bắt gần hết. Tôn, Hoàng bị thất bại, các chi bô đảng không còn có thể liên lạc hô ứng với nhau. Tôn phải kéo tàn quân xuống biên giới Việt Hoa để gầy dựng lại thế lực...

Cụ Vũ lơ đãng nhìn lên trần nhà. Một tiếng chim ríu rít trên nóc làm cho cụ bồi hồi. Cụ nghĩ đến những con chim bị giam hãm trong lồng, tiếng kêu đau thương của nó chắc phải là buồn lắm. Cụ chắc lưỡi nghĩ thầm: “Vậy mà có những con chim vẫn chịu yên phận trong cái khung sống nhỏ hẹp ấy, vẫn tự tác và vẫn líu lo”. Nghĩ như vậy, cụ buồn bã thở ra. Bỗng một tia sáng phát ra trên đôi mắt cụ. Cụ bảo Thái:

- Làm thế nào để gặp được Tôn?

Thái dường cũng nghe một tiếng gọi dội lên trong tiềm thức. Một niềm tin tưởng làm cho sắc mặt chàng hồng lên. Chàng vui vẻ:

- Gặp Tôn không khó. Khó là liệu Tôn có thỏa hiệp với ta chăng?

Chàng vừa dứt lời, chợt nghe có tiếng cãi cọ nhau ở trước ngõ. Câu chuyện đang đến đoạn nghiêm trọng, phải ngừng lại. Cụ Tú nhận ra là tiếng người gia bộc của cụ đang cãi lộn với một thiếu nữ.

Tên gia bộc giọng sừng sộ:

- Cô không muốn sinh sự thì đi ngay đi cho. Sớn sác đi cho vấp bể, lại đổ thừa.

Thiếu nữ nhỏ nhẹ:

- Ông không đụng thì làm sao tôi vấp? Ông bắt đền giùm tôi, rồi tôi đi.

- Cô này lạ quá! Ai làm bể mà cô đền?

- Ông chứ ai! Ông đền cho tôi.

Người đàn ông tức tối:

- Cô leo lẽo cái miệng, ông tôi ra bây giờ. Khi không cô bắt đền, tiền đâu tôi bắt đền cho cô?

- Không tiền sao làm bể của người ta? Ông không chịu đền, thì để ông chủ ông ra đền.

Cụ Đại Hiền và Thái nghe hai người cãi cọ đến đây, đều bật cười. Cụ bước xuống, rồi đi với Thái ra cửa.

Nghe tiếng động, hai người đang cãi nhau chợt im lặng. Cụ Tú từ tốn hỏi thiếu nữ:

- Chuyện gì mà hai người cãi cọ nhau ngoài này?

Thiếu nữ kính cẩn đáp:

- Thưa cụ, ông này đập bể của con hai chiếc nồi. Con nhờ ông ấy đền giùm con, mà ông ấy cứ chối bai bải.

Trong lúc thiếu nữ nói, Thái chăm chú nhìn nàng, bỗng chàng buột mồm nói thầm: “Cô Thu Cẩn đi đâu đây?” Chàng không thể lầm đươc: nàng thiếu nữ ấy là tay gián điệp lợi hại nhất của Tôn Dật Tiên. Nàng đã tìm đến đây, hẳn có chuyện gì.

Không đợi cho tên người nhà phân trần, chàng bước đến cụ Tú, bảo với thiếu nữ:

- Ông ấy đã vô ý đập bể của cô, vậy mời cô vào nhà, cụ tôi sẽ đền cho cô.

Nói xong, Đại Hiền và Thái trở vào. Thiếu nữ nhìn lại tên người nhà với nụ cười đắc thắng, rồi nem nép bước theo.

Đến bộ ghế trường kỷ, cụ Tú chỉ chiếc ghế mời thiếu nữ:

- Mời cô ngồi.

Thiếu nữ chưa kịp ngồi, Thái đã nhoẻn cười hỏi:

- Cô Thu Cẩn đến viếng chúng tôi, hẳn có sứ mạng gì của Tôn thủ lĩnh?

Câu hỏi đột ngột của Thái làm cho cả cụ Vũ và thiếu nữ ngạc nhiên. Bấy lâu cụ Tú nghe đồn tài xuất quỉ nhập thần của vị nữ gián điệp của cụ Tôn. Sự gặp gỡ lạ lùng này chứng tỏ rằng tiếng đồn kia không phải là ngoa vậy.

Thu Cẩn biết mình đang đứng trước hai bậc anh hùng của nước Việt Nam. Chủ ý nàng muốn làm cho hai nhà ái quốc phải ngạc nhiên vì mình, không ngờ chính nàng phải ngạc nhiên trước. Nàng ngẩng nhìn Thái một phút rồi đáp khẽ:

- Vâng, tôi đến với một sứ mạng.

Dứt lời, nàng nhìn quanh có vẻ do dự. Biết ý, cụ Tú trỏ Thái giới thiệu:

- Đây là đồng chí Nguyễn Hoàng Thái. Ở đây cô có thể nói chuyện tự do.

Như cởi hết sự lo lắng, thiếu nữ tươi cười:

- Tôi vâng lịnh quan Tổng đốc Thái Bình Trần Đình Lượng, mang về cho cụ một bức mật thư.

Nàng vừa nói vừa đưa ra một bức thư. Cụ Tú nhận lấy, hỏi:

- Cụ Thượng có tin gì nữa chăng?

- Quan Tổng trấn chỉ dặn: cụ không nên chậm trễ, vì rất cần kíp.

Thiếu nữ đứng lên xin từ giã. Cụ Tú và Thái cũng đứng lên đưa nàng ra cửa.

Thu Cẩn thấy tên người nhà vẫn còn đứng hậm hực trước cổng, nàng cúi đầu chào cụ Vũ và Thái rồi day lại hí hởn:

- Thôi, không bắt đền ông nữa đâu mà ông cau có.

Nếu không có cụ đây thì thế nào lúc nãy cũng phải nhờ đến ông đội xếp ngoài kia.

Nghe lời nàng, Thái thoáng thấy có bóng một người lính đi qua phía ngoài cổng. Thái biết nàng cố ý cho hay có người đang nom theo nàng. Nhưng với giọng rất tự nhiên, nàng cất lên một tràng cười trong trẻo:

- Nhưng giờ thì không còn lo gì nữa nhé?

Tên người nhà cho đó là câu giễu cợt. Trái lại, Thái thấy vững lòng vì câu nói ấy. Vì đó không phải là một lời nói tầm thường, mà là lời nói của một gián điệp ngỏ với một gián điệp.

Thiếu nữ gánh đôi gióng nồi lên vai, rồi thoăn thoắt bước đi. Tà áo nàng phất lại phía sau như một cánh quạt.