Thể theo nhận xét trên đây tôi kết luận:
“Cái vốn sáng tác đã có sẵn ở ngay trong lịch sử ta, ta không cần phải vay mượn ở đâu xa xôi, nếu chúng ta nhận thấy rằng cái vốn ấy nhứt định là một động lực mạnh mẽ trong công cuộc đấu tranh cho vấn đề thống nhứt xứ sở”.
Khuyến khích công việc sáng tác rút đề tài trong lịch sử đấu tranh oai hùng của dân tộc, ấy là tôi chỉ muốn lập lại một trong những ý niệm tha thiết của nhân dân mà chính tôi cũng nhận thấy là hợp lý.
Nhớ lại lúc thực dân còn thống trị nước ta, mọi người không được tự do kể cho nhau nghe những chuyện đấu tranh oanh liệt của các anh hùng nghĩa sĩ thì còn nói chi đến việc sáng tác văn nghệ phổ cập trong đại chúng?
Thời gian qua...
Hiện nay con người văn nghệ không còn có thể bàng quan để cho những tấm gương đấu tranh anh dũng bị xóa nhòa dưới lớp bụi mờ hay là hờ hững vô tư trước bao nhiêu kinh nghiệm xương máu của các chiến sĩ cách mạng đã dành cho những ngòi bút, những tấm lòng biết rung động, nhiều tha thiết với tình yêu, quê hương, dân tộc.
Với một tinh thần tôn kính triền miên những bóng người đã ngã trong cảnh máu xương để tô điểm cho tổ quốc ta rạng rỡ, hôm nay ngẫu nhiên tôi được đọc lại tập truyện “Gió biên thùy” của Thẩm Thệ Hà.
Trên địa hạt sáng tác văn nghệ, tôi được thỏa mãn một phần nào khi xét qua nội dung của tập truyện.
Trong ấy, tác giả đã uyển chuyển phô bày đoạn đời đấu tranh gian lao của các nhà chí sĩ và các thanh niên tha thiết với cuộc cách mạng giải phóng quê hương.
Cái ưu điểm đầu tiên mà tôi sung sướng khi đón lấy “Gió biên thùy” chính là cốt truyện của Thẩm Thệ Hà dựng lên, nó không quá xa vời với thời đại của chúng ta, chúng ta không phải ngược dòng lịch sử quá xa như khi đọc “Ai lên phố cát” của Lan Khai, “Ngô Vương Quyền” của Trần Thanh Mại, “Hồi chuông Thiên Mụ” của Phan Trần Chúc và “Tiêu Sơn tráng sĩ” của Khái Hưng.
Cũng thời dùng bối cảnh lịch sử, nhưng Thẩm Thệ Hà khéo chọn điểm thời gian gần gũi với thế hệ của chúng ta hơn vì thế mà nó có một nội dung tương đối thích hợp với tinh thần yêu nước của thanh niên ngày nay.
Ở đây, tác giả “Gió biên thùy” đã làm sống lại một khía cạnh của phong trào “Đông du” qua các nhân vật điển hình là một đôi nam nữ thanh niên có những tư tưởng và hành động biểu dương tình yêu nước đậm đà.
Tác giả đã ca ngợi tình yêu này bằng lời văn chải chuốt, nhẹ nhàng êm ái, đôi chỗ đượm buồn như khi chúng ta nghe mưa rơi thánh thót ngoài hiên vào một buổi chiều nhè nhẹ gió hiu hiu...
Có điều cần biện minh là “Gió biên thùy”, một tác phẩm đã thai nghén và chào đời cách đây tám năm, nay đem in lại không phải là chuyện lỗi thời, nếu chúng ta không quá khe khắc và chịu nhìn nhận ở cái nội dung tế nhị của nó.
Tóm tại “Gió biên thùy” vẫn có đặc tính đề cao lòng yêu nước chung thủy của thanh niên. Chính vì nét lớn ấy và cũng vì hoài bão những sáng tác văn nghệ có tinh chất đấu tranh oai hùng, tôi trịnh trọng đề tựa “Gió biên thùy” trong ngày tái bản [1].
Tiêu Kim Thủy
Chú thích:
[1] Kỳ xuất bản lần thứ nhất do Tân Việt xuất bản (1949).