Dặm Xanh

Chương 23

Docsach24.com
húng tôi trở lại Khu vào khoảng một giờ mười lăm phút ( ngoại trừ Percy bị ra lệnh lau chùi nhà kho, và hờn dỗi suốt), tôi thì có báo cáo phải viết. Tôi quyết định viết tại bàn trực, nếu ngồi trên chiếc ghế êm ái hơn trong văn phòng, rất có thể tôi sẽ ngủ quên. Nói thế bạn nghe có vẻ kì lạ, nếu tính đến những gì đã xảy ra mới chỉ cách đó một giờ, nhưng tôi có cảm giác như thể đã sống lâu gấp ba lần kể từ mười một giờ đêm trước, tất cả đều không có giấc ngủ.

 

John Coffey đang đứng ở cửa xà lim, nước mắt trào ra từ cặp mắt kì lạ, xa vắng - giống như nhìn máu trào ra từ một vết thương không lành, nhưng lạ lùng thay, không đau đớn. Gần bàn giấy hơn, là Wharton đang ngồi trên sạp ngủ, lắc lư qua lại, hát một ca khúc rõ ràng do nó tự sáng tác, và không hẳn vô nghĩa. Theo như tôi nhớ, bài hát như thế này:

“Thịt nướng! Mày và tao!

Bốc mùi, đỏ hỏn, phào-phào-phào!

Không phải Billy hoặc Philadenphia Philly.

Không phải Jackie hoặc Roy!

Mà là một con số nho nhỏ ấm áp, một quả dưa leo nóng hổi.

Mang tên Delacroix!”

- Im đi, thằng khốn. - Tôi nạt.

Wharton toét miệng cười, phô ra một mồm đầy răng cáu bẩn. Nó không chết, ít nhất là chưa chết; nó đang sống vui sướng, nhảy thiết hài.

- Vào trong đây ve vãn tôi đi, tại sao không? - Thằng nhóc vui vẻ nói, rồi bắt đầu một đoạn “Bài Ca Thịt Nướng” khác, đặt lời ca không hẳn là ngẫu nhiên. Có điều gì đó đang xảy ra trong kia, đúng vậy. Một thứ thông minh thối tha và bệnh hoạn, gần như lỗi lạc.

Tôi bước xuống đến chỗ John Coffey. Gã lau nước mắt bằng cườm tay. Mắt gã đỏ, có vẻ sưng và tôi chợt nghĩ gã cũng đã kiệt sức. Tại sao gã lại kiệt sức, một con người lê bước quanh sân tập thể dục có lẽ là khoảng hai giờ một ngày, rồi ngồi hoặc nằm trong xà lim suốt thời gian còn lại, tôi không biết, nhưng tôi không nghi ngờ điều đang chứng kiến. Điều đó quá rõ ràng.

- Tội nghiệp Del. - Gã nói giọng thấp, khản đặc. - Tội nghiệp Del thân mến.

- Phải. - Tôi đáp. - Tội nghiệp Del thân mến. John, anh khỏe chứ?

- Cậu ấy đã thoát, cậu ấy là người may mắc. Dù chuyện xảy ra thế nào, cậu ấy là người may mắn.

Tôi nghĩ có lẽ Delacroix sẽ tranh cãi về điểm đó, nhưng không nói ra. Thay vào đó, tôi liếc nhìn quanh xà lim của John.

- Ông Jingles đâu?

- Chạy xuống dưới kia. - Gã chỉ qua chấn song, xuống phía dưới hành lang đế cửa phòng khống chế.

Tôi gật đầu.

- Được, nó sẽ trở lại.

Nhưng nó không trở lại, thời của ông Jingles trên đã kết thúc. Dấu vết duy nhất của nó mà chúng tôi vô tình bắt gặp là cái mà Brutal phát hiện vào mùa đông năm ấy: một vài mẩu gỗ tô màu loè loẹt và mùi kẹo bạc hà phảng phất tỏa ra từ một cái lỗ trên xà nhà.

Lúc ấy tôi định bỏ đi, nhưng lại thôi. Tôi nhìn John Coffey, gã nhìn lại như thể biết tất cả những gì tôi đang nghĩ. Tôi tự bảo mình nên bỏ đi, nên coi là đã hết một đêm và bỏ đi, trở lại với bàn trực vào bản báo cáo. Thay vì thế, tôi gọi tên gã:

- John Coffey.

- Vâng, thưa sếp. - Gã lập tức đáp lại.

Đôi khi con người bị lời nguyền phải giải quyết nhu cầu tìm hiểu một sự việc, đấy là tình trạng của tôi vào lúc ấy. Tôi quỳ một gối xuống và bắt đầu tháo một chiếc giày.

 

Mưa đã tạnh khi tôi về đến nhà, một vành trăng muộn đã xuất hiện trên sườn núi phía Bắc. Cơn buồn ngủ của tôi dường như đã tan biến theo các đám mây. Tôi rất tỉnh táo, và ngửi được mùi Delacroix trên người tôi. Tôi nghĩ có thể ngửi được mùi gã trên da thịt của mình - mày và tao, bốc mùi, đỏ hỏn, phào-phào-phào - lâu dài về sau này.

Janice đang chờ tôi, như nàng vẫn luôn luôn chờ vào những đêm hành quyết. Tôi định không kể cho nàng nghe câu chuyện xảy ra, nhưng ánh mắt trong trẻo nàng nhìn vào mặt tôi khi tôi bước vào nhà bếp nói rằng nàng muốn biết tất cả. Vì thế tôi ngồi xuống, cầm đôi bàn tay ấm áp của nàng trong bàn tay lạnh ngắt của mình (máy sưởi trong chiếc xe Ford cũ kĩ của tôi không chạy, thời tiết đã hạ xuống 180 độ từ khi có trận bão), kể cho nàng nghe điều nàng nghĩ nàng muốn nghe. Đến khoảng giữa câu chuyện, tôi bật khóc, là điều tôi không ngờ. Tôi xấu hổ một chút, nhưng chỉ một chút thôi, chính là nàng, bạn thấy đấy, và nàng không bao giờ đánh giá tôi qua những lần tôi đi trệch ra khỏi phong cách mà tôi phải có, bằng mọi giá. Một người đàn ông có vợ tốt là tạo vật may mắn nhất của Chúa, người không có hẳn là kẻ đau khổ nhất, tôi nghĩ thế, ân sủng thật sự duy nhất của đời họ mà không biết rằng họ nghèo nàn đáng thương biết bao. Tôi khóc, và nàng ôm lấy đầu tôi vào ngực nàng và khi cơn bão của tôi đi qua, tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn... dù sao cũng được một chút. Và tôi tin đấy là lúc tôi có tầm nhìn ý thức đầu tiên về ý tưởng của mình. Không phải chiếc giày, tôi không cố ý nói đến nó. Chiếc giày có liên quan, nhưng khác. Tuy nhiên, toàn bộ ý tưởng thật của tôi lúc ấy là đúng, là một nhận thức lạ lùng: rằng John Coffey và Melinda Moores, dù khác nhau về tầm vóc, phái tính và màu da, có cùng một đôi mắt giống hệt nhau: đau khổ, buồn rầu và xa vắng. Những đôi mắt đang chết.

- Vào giường đi anh. - Sau cùng vợ tôi nói. - Vào giường với em, Paul.

Tôi làm theo và chúng tôi ân ái với nhau, rồi khi xong xuôi, nàng thiếp ngủ. Trong khi nằm đó nhìn mặt trăng nhe răng cười và lắng nghe các bức tường kêu lách cách - sau cùng chúng đang co vào, đổi mùa hè lấy mùa thu - tôi suy nghĩ về việc John Coffey nói gã đã giúp. Ta đã giúp con chuột của Del. Ta đã giúp Ô. Jingles. Nó là con chuột gánh xiếc. Chắc chắn rồi. Và có thể, tôi nghĩ, tất cả chúng ta đều là chuột gánh xiếc, chạy loanh quanh với ý thức mờ nhạt nhất, rằng Chúa và toàn bộ tay chân của Người đang xem chúng ta trong các ngôi nhà bằng Bakelite qua cửa sổ bằng kính Isinglass của chúng ta.

Tôi ngủ một chút khi ngày bắt đầu nhẹ dần - tôi đoán là hai giờ và tôi ngủ theo cách dạo này tôi vẫn ngủ ở Georgia Pines, mà lúc trước tôi hầu như không bao giờ làm, tức là ngủ từng giấc ngắn. Điều tôi suy nghĩ khi đi ngủ là những giáo hội thuở nhỏ của tôi. Danh tính thay đổi, tùy theo ý thích của mẹ tôi và các bà dì, nhưng chúng vẫn thật sự là một, tất cả Nhà thờ Ngợi Ca Chúa Jesus First Backwoods, Chúa Uy Vũ. Trong bóng tối của những gác chuông vuông vức đó, khái niệm chuộc lỗi xuất hiện đều đặn cũng như hồi chuông kêu gọi tín đồ đến nhà thờ phụng. Chỉ Chúa mới có thể và đã tha tội, rửa sạch tội lỗi trong dòng máu đau đớn của người Con bị đóng đinh của Người, nhưng điều đó không thay đổi trách nhiệm của con cái Người phải chuộc những tội lỗi đó bất cứ khi nào có thể. Sự chuộc tội rất mạnh mẽ, nó là ổ khóa trên cánh cửa bạn đóng lại với quá khứ.

Tôi ngủ thiếp đi trong khi suy nghĩ về sự chuộc tội rừng thông, về Eduard Delacroix bốc cháy trong khi bị điện giật, về Melinda Moores, và gã con trai to xác có cặp mắt than khóc không ngừng của tôi. Những ý nghĩ đó len lỏi vào một giấc mơ. Trong giấc mơ đó, John Coffey ngồi trên một bờ sông, gào lên nỗi sầu khổ điên rồ không thể nói thành lời với bầu trờ mùa hè mới; trong khi bên bờ bên kia, một chuyết xe hỏa chở hàng không ngớt lao về phía một cây cầu rỉ sét bắc ngang dòng Trapingus. Trên mỗi khuỷu tay, gã da đen ôm xác một bé gái tóc vàng, trần truồng. Nắm tay của gã, những khối đá khổng lồ ở đầu những cánh tay đó, đã khép lại. Chung quanh gã, dế gáy vang và nhặng tụ thành bầy; ngày rì rào vì sức nóng. Trong giấc mơ, tôi đến với gã, quỳ xuống trước gã, và nắm lấy tay gã. Nắm tay gã thả lỏng ra và tố cáo những bí mật của gã. Trong một bàn tay là cái ống chỉ tô màu xanh, đỏ và vàng. Trong bàn tay kia là một chiếc giày của lính gác tù.

- Tôi không làm gì được. - John Coffey nói. - Tôi cố gắng rút lại, nhưng đã quá trễ.

Và lần này, trong giấc mơ của mình, tôi hiểu gã.

 

Vào chín giờ sáng hôm sau, khi tôi đang uống tách cà phê thứ ba trong nhà bếp (vợ tôi không nói gì, nhưng tôi thấy vẻ bất mãn hiện rõ trên nét mặt khi nàng đem cho tôi), điện thoại réo vang. Tôi đi ra phòng khách để nghe, và Trung tâm thông báo ai đó rằng người của họ đang giữ đường dây. Sau đó cô ta chúc tôi một ngày vui tươi, rồi cúp máy... có lẽ thế. Với Trung tâm, bạn không bao giờ nói chắc được.

Gọi Hal Moores làm tôi sững sờ. Run rẩy và khản đặc, nghe như giọng của một người tám mươi tuổi. Tôi chợt nảy ra ý nghĩ quả là tốt đẹp khi mọi chuyện đã ổn thỏa với Curtis Anderson trong đường hầm vào đêm qua, tốt đẹp vì anh ta cũng cảm nghĩ như chúng tôi về Percy, bởi vì con người tôi đang nói chuyện rất có thể sẽ không làm việc thêm một ngày nữa tại Cold Mountain.

- Paul, tôi hiểu là đêm qua đã có trở ngại. Tôi cũng hiểu là anh bạn Wetmore của chúng ta có liên can.

- Một vết rắc rối, - tôi thú nhận, ép chặt ống nghe vào tai và cúi mình về phía ống nói, - nhưng sự việc đã giải quyết. Đấy mới là vấn đề quan trọng.

- Phải. Dĩ nhiên.

- Tôi có thể hỏi ai đã báo cho ông biết không? - Như thế tôi có thể buộc một cái lon vào đuôi hắn? Tôi không nói thêm câu này.

- Anh có thể hỏi, nhưng vì thật sự không phải là việc của anh, tôi nghĩ tôi sẽ giữ kín điều đó. Nhưng khi gọi điện thoại đến văn phòng để hỏi có lời nhắn hay công việc khẩn cấp nào không, tôi đã được kể nghe một chuyện thú vị.

- Ồ?

- Phải. Dường như có đơn xin thuyên chuyển đáp vào giỏ của tôi. Percy Wetmore muốn đến Briar Ridge càng sớm càng tốt. Hẳn là hắn đã viết đơn thậm chí trước khi hết ca trực đêm qua, anh nghĩ thế không?

- Nghe có vẻ là thế. - Tôi đồng ý.

- Thông thường tôi sẽ để Curtis giải quyết, nhưng tính đến cái... không khí ở Khu E vừa qua, tôi đã yêu cầu Hannah đích thân giao nó cho tôi vào giờ ăn trưa. Bà ấy đã duyên dáng đồng ý làm thế. Tôi sẽ chấp thuận đơn và bảo đảm gửi đến thủ phủ tiểu bang ngay chiều nay. Tôi mong anh sẽ nhìn thấy mặt hậu của Percy bước ra khỏi cửa trong vòng không hơn một tháng. Có thể ít hơn.

Ông ấy trông đợi tôi sẽ hài lòng với mẩu tin này, và có quyền trông đợi điều đó. Ông đã bỏ thời gian săn sóc vợ để xúc tiến một vấn đề, mà về mặt khác có thể mất đến nửa năm, kể cả với những mối quan hệ mà Percy khoe khoang. Thế nhưng tim tôi chùng xuống. Một tháng! Nhưng có lẽ điều đó không thành vấn đề, cách này hay cách khác. Nó đã tháo gỡ nỗi khao khát chờ đợi hoàn toàn tự nhiên và ngăn cản một nỗ lực nguy hiểm, và điều mà lúc này tôi đang suy nghĩ quả thực rất nguy hiểm. Đôi lúc khi cần thiết, tốt hơn nên nhảy tránh trước khi bạn mất tinh thần. Nếu chúng tôi phải đối phó với Percy trong bất cứ trường hợp nào, thì có lẽ là đêm nay.

- Paul? Anh còn đấy không? - Moores hạ thấp giọng một chút, như thể ông ấy nghĩ rằng đang tự nói chuyện với chính mình. - Mẹ kiếp, tôi nghĩ đã mất liên lạc.

- Không, tôi có đây, Hal. Tin tốt lành đấy.

- Phải. - Moores đồng ý. Tôi lại bất ngờ vì giọng điệu già nua quá. Một cách nào đó, nghe sao mỏng manh quá. - Ồ, tôi biết anh đang nghĩ gì.

Không, tôi nghĩ, ông không biết đâu, thưa Giám thị. Cả triệu năm nữa ông cũng không biết tôi đang nghĩ gì.

- Anh đang nghĩ là anh bạn trẻ của chúng ta sẽ còn chường mặt ra trong vụ hành quyết Coffey. Điều đó có lẽ có thật. - Coffey sẽ ra đi trước lễ Tạ Ơn, tôi hình dung thế - nhưng anh có thể đẩy hắn trở vào phòng cơ điện. Sẽ không có ai phản đối. Kể cả hắn, tôi nghĩ vậy.

- Tôi sẽ làm thế. - Tôi đáp. - Hal, Melinda sao rồi?

Một khoảnh khắc ngưng đọng lâu - lâu đến mức tôi nghĩ mình đã mất ông ấy, ngoại trừ tiếng thở. Khi nói tiếp, Moores hạ thấp giọng hơn lúc nãy. - Bà ấy đang suy sụp. - Ông trả lời.

Suy sụp. Cái từ ngữ lạnh lùng mà những tay kì cựu sử dụng không phải để mô tả một người đang chết, chính xác như vậy, nhưng là một người đã bắt đầu chia tay với sự sống.

- Dù sao thì cơn nhức đầu có vẻ đỡ hơn một chút... vào lúc này, nhưng bà ấy không thể tự đi một mình, không thể nhặt đồ vật lên, mất kiểm soát tiểu tiện khi ngủ... - Thêm một thoáng ngừng lại, rồi bằng một giọng thấp hơn nữa, Hal nói điều gì đó nghe như “bà ấy lề mề”.

- Lề mề chuyện gì, Hal? - Tôi hỏi, mặt nhăn lại. Vợ tôi đã bước qua cửa phòng khách. Nàng đứng đó, lau tay vào tấm giẻ rửa chén và nhìn tôi.

- Không phải. - Ông ấy nói, giọng chao đảo giữa nỗi tức giận và nước mắt. - Bà ấy chửi thề.

- Ồ. - Tôi vẫn không hiểu ý ông ấy, nhưng không định theo đuổi tìm hiểu. Tôi không phải làm thế, Moores đã làm thay cho tôi.

- Bà ấy yên ổn, hoàn toàn bình thường, nói chuyện về vườn hoa hoặc một cái áo dài mà bà ấy xem trong tập danh mục, hoặc nói làm thế nào bà ấy nghe được Roosevelt trên radio và giọng ông ta mới tuyệt làm sao, thế rồi, bất thình lình, bà ấy bắt đầu nói những điều ghê rợn nhất, những từ... xấu xa nhất. Bà ấy không cao giọng. Nếu bà ấy nói cao giọng hơn thì lại là điều tốt, tôi nghĩ vậy, bởi vì lúc ấy... anh thấy đấy, lúc ấy...

- Bà ấy không thể nói năng giống như bình thường.

- Đúng. - Ông ấy đáp với vẻ biết ơn. - Nhưng nghe thứ ngôn ngữ hạ cấp bằng chất giọng ngọt ngào của bà ấy thì... xin lỗi cậu, Paul. - Giọng Moores nhỏ dần đi và tôi nghe thấy ông ấy đằng hắng ầm ĩ. Rồi ông ấy quay lại, nói nghe mạnh mẽ hơn một chút nhưng vẫn đau khổ. - Vợ tôi muốn mời mục sư Donaldson đến nhà, tôi biết ông ta là niềm an ủi đối với bà ấy, nhưng làm sao tôi dám mời? Giả sử ông ta ngồi đó, cùng đọc kinh thánh với vợ tôi, rồi bà ấy réo tên ông ta mà chửi thì sao? Bà ấy có thể đấy, đêm qua bà ấy đã chửi tôi. Bà ấy bảo: - Đưa tôi tờ tạp chí Liberty đó được không anh, đồ dâm tặc? - Paul, bà ấy học đâu ra thứ ngôn ngữ như thế? Làm sao bà ấy biết thứ ngôn từ đó?

- Tôi không biết. Hal, tối nay ông có nhà không?

Khi khỏe mạnh và tự lo cho mình được, không bị xao lãng vì lo lắng hoặc buồn phiền, Hal Moores có một khía cạnh nhân cách sắc bén và mỉa mai, nhân viên dưới quyền sợ khía cạnh đó thậm chí hơn cả cơn tức giận hay khinh miệt của ông, tôi nghĩ thế. Sự mỉa mai của ông, thường là nôn nóng và gay gắt, có thể đốt cháy như acid. Bây giờ một chút acid đó đang được rẩy vào người tôi. Thật bất ngờ, nhưng nói chung tôi vui mừng được nghe điều đó. Rốt cục, có lẽ ông ấy chưa mất tính chiến đấu.

- Không. - Ông trả lời. - Tôi sẽ đưa Melinda đi khiêu vũ. Chúng tôi sẽ nhảy do-si-do, điệu allemand ngả trái, rồi chửi gã nhạc công vĩ cầm là đồ gà đạp mái.

Tôi lấy tay che miệng để khỏi bật cười. Một thôi thúc hối hả lướt qua, đầy vẻ khoan dung.

- Xin lỗi. - Ông ấy nói. - Gần đây tôi không ngủ được nhiều, tính nết trở nên cáu kỉnh. Dĩ nhiên chúng tôi sẽ ở nhà. Tại sao anh hỏi?

- Tôi nghĩ không có gì quan trọng. - Tôi trả lời.

- Anh không nghĩ đến chuyện ghé thăm đấy chứ? Vì đêm qua anh đã trực, đêm nay anh cũng sẽ trực. Trừ khi anh đổi ca với người nào đó?

- Không, tôi không đổi. - Tôi nói. - Tối nay tôi trực.

- Dù sao cũng không phải là ý tưởng hay. Nhất là với tình trạng hiện nay của bà ấy.

- Có lẽ là không. Cảm ơn ông đã báo tin.

- Có gì đâu. Hãy cầu nguyện cho Melinda của tôi, Paul.

Tôi nói sẽ cầu nguyện, nghĩ mình có thể làm nhiều hơn thế một chút. Chúa giúp những ai tự giúp mình trước, như người ta nói tại Nhà Thờ Ca Ngợi Jesus, Chúa Uy Vũ. Tôi gác điện thoại và nhìn Janice.

- Melly thế nào? - Nàng hỏi.

- Không tốt. - Tôi kể nàng nghe những gì Hal đã nói, kể cả chuyện chửi tục, mặc dù tôi bỏ qua những từ đồ dâm tặc và gà đạp mái. Tôi kết thúc bằng từ ngữ Hal sử dụng, suy sụp và Janice buồn bã gật đầu. Rồi nàng quan sát tôi kĩ hơn.

- Anh đang nghĩ gì? Anh đang nghĩ điều gì đó, có thể là không tốt. Điềi đó hiện ra trên mặt anh.

Việc nói dối không đặt thành vấn đề, đó không phải là cách chúng tôi đối xử với nhau. Tôi chỉ nói rằng tốt nhất nàng không nên biết, ít nhất vào thời điểm trước mắt.

- Chuyện đó... liệu nó có gây rắc rối cho anh không? - Giọng nàng nghe không có vẻ đặc biệt hoảng sợ, quan tâm hơn bất cứ điều gì, vốn là một trong những điểm tôi yêu thích về nàng.

- Có thể. - Tôi trả lời.

- Đó là một điều tốt?

- Có thể. - Tôi lặp lại. Tôi đứng đấy, vu vơ quay số điện thoại bằng một ngón tay, trong lúc bấm giữ những điểm nói kết bằng một ngón bàn tay kia.

- Anh muốn em để anh ở lại một mình trong khi gọi điện thoại không? - Nàng hỏi. - Làm một người vợ tốt và không xía vào chuyện người khác? Rửa chén đĩa? Đan một ít áo?

- Tôi gật đầu. - Anh không nói thế, nhưng...

- Chúng ta sẽ có khách đến ăn trưa?

- Anh hi vọng thế. - Tôi trả lời.