Dặm Xanh

Chương 2

Docsach24.com
ăm 1932 là năm của John Coffey. Các chi tiết sẽ có trong hồ sơ, vẫn còn đó cho bất cứ ai đủ quan tâm tìm hiểu - một ai đó có nghị lực nhiều hơn lão già khọm đang gọt xén đoạn kết của đời mình trong nhà dưỡng lão ở Georgia. Lúc ấy là một mùa thu nóng bức, tôi nhớ rõ - quả thật hết sức nóng. Tháng mười mà gần như tháng tám, và Melinda, vợ của viên Giám thị, đã vào nhà thương ở Indiana vì một cơn bệnh. Đấy là mùa thu mà tôi bị nhiễm trùng đường tiểu nặng nhất trong đời, dù không đến mức phải nhập viện, nhưng gần như đủ tồi tệ để tôi muốn chết cho rảnh nợ mỗi khi đi tiểu. Đấy là mùa thu của Delacroix, gã người Pháp nhỏ bé, hói nửa đầu, với con chuột, kẻ đã đến vào mùa hè và giở trò ma mãnh sắc sảo với cái ống chỉ. Tuy nhiên, hầu như đấy là mùa thu mà John Coffey đến Khu E, bị kết án tử hình vì tội cưỡng hiếp và giết chết chị em song sinh nhà Detterick.

 

Mỗi ca trực Khu có bốn hoặc năm lính gác, nhưng nhiều người trong số đó làm việc theo thời vụ. Dean Stanton, Harry Terwiliger, và Brutus Howell (tù nhân gọi anh ta là Brutal - Hung Ác, nhưng chỉ là gọi đùa, vì ngay đến một con ruồi anh ta cũng không động đến trừ khi bắt buộc, dù thể xác to lớn), tất cả đều đã chết; cũng như Percy Wetmore, một gã hung ác... chưa kể đến sự ngu đần. Percy chẳng có việc gì ở Khu E, nơi một tính khí xấu tỏ ra vô tác dụng, đôi khi còn nguy hiểm nữa, nhưng hắn có quan hệ thông gia với ngài Thống đốc nên được ở lại.

Chính Percy Wetmore là người đưa Coffey đến Khu E trong tiếng rao truyền thống: “Tử tội đến! Tử tội đến đây!”

Thời tiết vẫn nóng như địa ngục dù đang là tháng tám. Cửa vào sân tập thể dục mở ra, một làn ánh sáng chói chang tràn vào, và một con người đồ sộ nhất tôi từng thấy - ngoại trừ vài gã cầu thủ bóng rổ trên TV trong “Phòng Giải trí” của ngôi nhà dành cho những kẻ cứng đầu cứng cổ mà tôi đã xem, bước vào. Gã đeo xiềng xích trên tay và vắt ngang bộ ngực to bè như một cái thùng đựng nước, cùm sắt ở mắt cá chân và kéo lê một sợi xích ở giữa, phát ra tiếng kim loại loảng xoảng khi chạy dọc theo hành lang màu xanh, giữa hai hàng xà lim. Percy Wetmore ở một bên gã, Harry Terwilliger nhỏ nhắn gầy gò bên kia, nhìn họ giống những đứa trẻ cùng đi với một con gấu sa bẫy. Thậm chí Brutus Howel cũng như một đứa trẻ khi đứng bên cạnh Coffey, trong khi anh ta cao hơn 6 feet và cũng to ngang, từng là cầu thủ bóng đá chơi ở đội LSU cho đến khi giải nghệ và trở về quê.

John Coffey là dân da đen, như hầu hết những kẻ đến lưu trú tại Khu E một thời gian trước khi chết trong lòng Già Sparky, và gã cao đến 6 feet 8 inch. Tuy thế, gã không lỏng khỏng như các chàng cầu thủ bóng rổ trên TV - vai gã rộng, bộ ngực sâu chằng chịt bắp thịt tủa ra mọi hướng. Người ta nhét gã vào chiếc quần jeans rộng nhất có thể tìm được tại nhà kho, thế mà gấu quần vẫn kéo lên trên bắp chân căng cứng đầy sẹo. Áo sơ mi gã hở bên dưới ngực, ống tay áo dừng lại đâu đó trên bắp tay. Bàn tay khổng lồ của gã cầm nón, nếu ngất nghểu trên cái đầu hói tròn xoe đen mun, sẽ giống như loại nón mà con khỉ của tay nhạc sĩ hát rong ngoài phố thường đội, có điều là màu xanh thay vì đỏ. Trông gã có thể bứt đứt dây xích dễ dàng như bạn giật đứt dây buộc quà Giáng sinh, nhưng khi nhìn vào mặt gã, bạn biết gã sẽ không làm chuyện như thế. Bộ mặt đó không tẻ nhạt - mặc dù đấy là điều Percy nghĩ, không lâu trước khi Percy gọi gã là thằng cả ngố - mà lạc lõng. Gã cứ dáo dác nhìn quanh như thể muốn biết mình đang ở đâu. Thậm chí tìm hiểu gã là ai. Ý nghĩ đầu tiên của tôi là gã trông như một Samson đen... chỉ sau khi bị Delilah cạo đầu nhẵn thín như bàn tay phản bội của cô ả, và tước đi tất cả những niềm vui của gã.

- Tử tội đến! - Percy oang oang rao, lôi mạnh cổ tay áo của con người to lớn như loài gấu này, như thể hắn thật sự tự tin làm được nếu Coffey quyết định rằng gã không muốn đi nữa. Harry không nói gì nhưng anh ta có vẻ bối rối. - Tử tội...

- Đủ rồi. - Tôi lên tiếng. Tôi đang ở trong cái sắp trở thành xà lim nhốt Coffey, ngồi trên sạp ngủ của gã. Dĩ nhiên tôi biết gã sắp đến, tôi có mặt để đón và nhận trách nhiệm, nhưng không có ý niệm gì về tầm vóc của gã cho đến khi nhìn thấy. Cái nhìn của Percy dành cho tôi hàm ý rằng tất cả chúng ta đã biết tôi là một tên khốn kiếp (ngoại trừ gã hình nộm to xác, kẻ chỉ biết hãm hiếp và sát hại những bé gái), nhưng hắn không nói gì.

Ba người bọn họ dừng lại bên ngoài cửa xà lim đang mở. Tôi gật đầu với Harry, anh ta nói:

- Anh chắc muốn ở trong ấy với tên này chứ, sếp? - Tôi ít khi thấy Harry tỏ ra hoang mang - anh ta từng sát cánh bên tôi trong những cuộc nổi loạn bảy năm trước và chưa bao giờ nao núng, kể cả khi lời đồn một số tù nhân có súng bắt đầu lan truyền - nhưng lần này thì giọng anh ta hoang mang thật sự.

- Anh sẽ gây rắc rối cho tôi chứ, Bự Con? - Ngồi trên sạp tôi hỏi, và cố không ra vẻ hoặc có giọng nói khổ sở như tôi cảm nhận.

Coffey chậm chạp lắc đầu một cái sang trái, một cái sang phải, rồi trở lại chết cứng ở giữa. Khi nhìn thấy tôi, gã không rời ánh mắt khỏi tôi nữa.

Harry cầm trong tay một cái bìa kẹp hồ sơ có giấy tờ của Coffey bên trên:

- Đưa cho gã. - Tôi bảo Harry. - Đặt vào tay gã.

Harry làm theo. Gã khờ to xác đờ đẫn cầm lấy như người bị mộng du.

- Bây giờ đem lại đây cho tôi, Bự Con. - Tôi nói và Coffey làm theo lệnh, các sợi xích khua rổn rảng. Gã phải cúi xuống để chui vào địa ngục.

Tôi nhìn gã từ đầu xuống chân để ghi nhận chiều cao là sự thật, hay là ảo ảnh thị giác. Đúng là thật: 6 feet 8 inch. Trọng lượng gã được ghi là 280 pound, nhưng tôi nghĩ chỉ là ước lượng, có thể đến 350 pound không chừng. Bên dưới khoảng trống dành cho các vết sẹo và dấu nhận dạng là một từ bị che khuất, được vẽ tỉ mỉ bởi Magnusson, gã tù nhân tín cẩn làm việc tại phòng Danh bạ: Numerous.

Tôi nhìn lên. Coffey đã nhích sang bên một chút nên tôi thấy được Harry đứng bên kia hành lang, trước mặt xà lim của Delacroix - gã này là tù nhân duy nhất ở Khu E trước khi Coffey đến. Del là một gã mảnh khảnh hói đầu, có bộ mặt lo lắng của một kế toán viên khi biết vụ biển thủ của mình sớm muộn gì cũng sẽ bị khám phá. Con chuột nuôi đang ngồi trên vai gã.

Percy Wetmore đang thò đầu vào ngưỡng cửa trong cái xà lim vừa trở thành nơi ở John Coffey. Hắn đã lôi cây dùi cui bằng gỗ hồ đào ra khỏi cái bao đặt làm riêng, vỗ nó vào lòng bàn tay theo cách một kẻ thường làm khi có đồ chơi và muốn sử dụng. Và đột nhiên tôi không chịu nổi sự có mặt của hắn. Có lẽ vì sức nóng trái mùa, có lẽ vì chứng nhiễm trùng đường tiểu của tôi đang sôi sục trong người khiến cho bộ đồ lót của tôi gây ngứa ngáy không chịu nổi, có lẽ vì biết rằng chính phủ gửi cho tôi một tên da đen đến ở xế cửa nhà một gã đần độn để thi hành án, và rõ ràng Percy muốn dằn mặt tù nhân một chút đã. Dù là điều gì thì tôi đã thôi không quan tâm đến các mối quan hệ chính trị của hắn nữa.

- Percy. - Tôi lên tiếng. - Họ đang dọn nhà ở khu bệnh xá đấy.

- Bill Dodge phụ trách chi tiết.

- Tôi biết là cậu ấy. - Tôi nói. - Nhưng đến giúp cậu ấy đi!

- Đấy không phải là việc của tôi. - Percy trả lời. - Thẳng cả thộn này mới là việc của tôi. - Cả thộn là tiếng chế nhạo mà Percy dùng để gọi những người to lớn. Hắn ghét những người to lớn. Hắn không gầy như Harry Terwilliger nhưng thấp lùn. Một thứ gà trống vênh váo, loại người thích gây gổ đánh nhau, nhất là khi lợi thế nghiêng về hắn. Và tự đắc về mái tóc của mình. Hắn gần như không thể rời tay khỏi nó.

- Nếu vậy công việc của cậu đã xong. - Tôi nói. - Hãy đến khu bệnh xá.

Môi dưới của hắn trề ra. Bill Dodge và người của anh ta đang di chuyển những thùng gỗ và các chồng giấy, kể cả giường; toàn bộ bệnh xá dọn sang một khu mới ở cánh phía Tây trại giam. Không khí nóng nực, khiêng vác nặng nhọc. Percy Wetmore không hề muốn tham gia.

- Họ đã có đủ số người cần thiết. - Hắn đáp.

- Vậy cứ đến đó mà làm phụ tá. - Tôi cao giọng nói. Tôi thấy Harry nhăn mặt và làm ngơ. Nếu ngài Thống đốc ra lệnh cho Giám thị Moores đuổi việc tôi vì dám chọc vào ổ kiến lửa thì Hal Moores sẽ đặt ai thay vào chỗ tôi đây? Percy chăng? Chuyện đùa. - Tôi thật sự không cần biết cậu làm gì, Percy, miễn là cậu ra khỏi đây một lúc.

Trong một thoáng tôi tưởng hắn sẽ ở lì và sẽ có rắc rối thật sự, với Coffey đứng đó suốt, như cái đồng hồ chết to nhất thế giới. Rồi Percy nhét dùi cui trở vào cái bao may bằng tay - một vật dụng hào nhoáng khốn kiếp - vùng vằng bỏ đi lên hành lang. Tôi không nhớ lính gác nào ngồi ở bàn trực ngày hôm ấy - một trong những người làm thời vụ, tôi đoán thế - nhưng hẳn là Percy không thích vẻ mặt của anh ta, bởi hắn càu nhàu khi đi ngang qua. “Dẹp cái nụ cười bố láo khỏi bộ mặt chết giẫm ngay, nếu không tao sẽ chùi nó giùm mày”. Có tiếng chìa khóa lách cách, một luồng ánh nắng nóng bức từ sân tập thể dục ùa vào trong thoáng chốc, rồi Percy Wetmore đi khuất. Con chuột của Delacroix chạy qua chạy lại từ vai này sang vai khác của gã người Pháp nhỏ bé, mấy sợi râu giật giật.

- Yên nào, ông Jingles. - Delacroix nói và con chuột dừng lại trên vai trái của gã, tựa hồ hiểu được lời chủ. - Cứ yên lặng và nín thinh nhé. - Với giọng nói du dương của cư dân vùng Louisiana của Delacroix, tiếng “quiet” phát âm nghe có vẻ hương xa và lạ lẫm - kwaht.

- Nằm xuống, Del. - Tôi nói cộc lốc. - Nghỉ ngơi đi. Chuyện này cũng không phải của anh.

Gã làm theo lời tôi. Gã đã cưỡng hiếp một bé gái rồi giết chết, bỏ xác đằng sau ngôi nhà của cô bé, đổ dầu lên rồi mồi lửa đốt, hi vọng bằng cách gây nhiễu sẽ xóa được dấu vết tội ác. Ngọn lửa lan sang ngôi nhà, nuốt chửng nó và thêm sáu người nữa phải chết, hai trong số đó là trẻ em. Đấy là tội ác duy nhất gã phạm phải, và bây giờ gã chỉ là một con người hòa nhã có bộ mặt lo lắng, một cái sọ hói, tóc dài xơ xác phủ xuống sau cổ áo. Gã sẽ ngồi vào Già Sparky một lúc, rồi Già Sparky sẽ kết thúc gã... nhưng cái gì gây ra chuyện tàn bạo đó đã biến mất, và bây giờ gã nằm trên sạp, để mặc cho người bạn đồng hành nhỏ bé vừa chạy vừa kêu chít chít trên tay. Một cách nào đó, đấy là điều tệ hại nhất; Già Sparky không bao giờ thiêu đốt nổi cái bên trong đôi bàn tay gã, những liều thuốc người ta tiêm vào chúng ngày hôm nay không làm cái đó thiếp ngủ. Nó bỏ đi, nhảy sang một kẻ khác, mặc cho chúng ta thanh toán những cái vỏ ngoài vô giá trị, thật ra không có sự sống.

Tôi hướng sự quan tâm vào gã khổng lồ.

- Nếu tôi để Harry cởi xích cho anh, anh sẽ đàng hoàng chứ?

Gã gật đầu. Cũng giống như cú lắc đầu: xuống, lên, rồi trở về vị trí giữa. Đôi mắt lạ lùng của gã nhìn tôi. Trong đôi mắt đó có một vẻ bình an, nhưng không phải thứ bình an mà tôi chắc chắn tin cậy được. Tôi ngoắc tay gọi Harry, anh ta bước vào và tháo các dây xích. Anh ta không tỏ ra sợ sệt, ngay cả khi quỳ dưới cặp chân to như thân cây của Coffey để mở khóa cùm chân, điều này làm tôi nhẹ nhõm được một chút. Chính Percy mới làm cho Harry bồn chồn, và tôi tin vào bản năng của Harry. Tôi tin vào các bản năng của tất cả nhân viên hàng ngày của Khu E, ngoại trừ Percy.

Tôi thường đọc một diễn văn ngắn soạn sẵn trước tù nhân mới đến khu, nhưng với Coffey tôi lại chần chừ, vì gã có vẻ bất thường, không chỉ ở tầm vóc.

Khi Harry đứng lùi ra (Coffey vẫn bất động trong suốt nghi thức mở khóa, bình thản như một con ngựa nòi Percheron), tôi ngước nhìn gánh nặng mới của tôi, nhịp nhịp ngón cái trên tấm bìa kẹp hồ sơ và nói:

- Anh nói được không, Bự Con?

- Được, thưa sếp, tôi nói được. - Gã trả lời. Giọng gã trầm trầm êm ả. Nó làm tôi nghĩ đến một bộ máy kéo mới được tu bổ. Gã không nói giọng lè nhè của dân miền Nam chính gốc nhưng có một lối cấu trúc câu kiểu miền Nam mà sau này tôi mới nhận ra. Gã ăn nói không ra vẻ vô học, nhưng cũng không nghe ra người có giáo dục. Trong lời nói cũng như trong nhiều điều khác, gã là một sự bí hiểm. Phần lớn chính đôi mắt gã khiến tôi bối rối - một thứ xa vắng đầy yên bình trong chúng, như thể gã đang bồng bềnh trôi xa, trôi xa đi.

- Tên anh là John Coffey?

- Vâng, thưa sếp, giống như cà phê, chỉ có điều không viết giống chính tả.

- Anh có thể đánh vần, phải không? Viết và đọc được chứ?

- Chỉ tên tôi thôi, thưa sếp. - Gã trả lời, vẻ bình thản.

Tôi thở ra, rồi đọc đoạn diễn văn ngắn soạn sẵn của mình. Tôi đã quả quyết gã sẽ không gây rối. Về điểm này thì tôi vừa đúng vừa sai.

- Tên tôi là Paul Edgecombe. - Tôi nói. - Tôi là trưởng Khu E. Anh muốn gì cứ xin gặp tôi. Nếu không có tôi ở đây, hãy hỏi người kia - ông ấy tên là Harry Terwilliger. Hoặc có thể xin gặp ông Stanton hoặc ông Howell. Anh hiểu không?

Coffey gật đầu.

- Chớ mong nhận được những gì anh muốn trừ khi chúng tôi quyết định đấy là thứ anh cần vì đây không phải là khách sạn. Vẫn theo kịp ý tôi chứ?

Gã lại gật đầu.

- Đây là một nơi yên tĩnh, Bự Con ạ, không như khu còn lại của trại giam. Chỉ có anh và Delacroix ở đằng kia. Anh sẽ không phải làm việc, hầu như chỉ ngồi suông. Cho anh cơ hội để suy ngẫm về mọi điều. - Quá nhiều thời gian để suy ngẫm, nhưng tôi không nói ra. - Thỉnh thoảng chúng ta nghe radio, nếu mọi việc ổn thỏa. Anh thích radio không?

Gã gật đầu nhưng có vẻ hồ nghi, như thế không biết chắc radio là cái gì. Sau này tôi phát hiện ra điều đó có thật, theo một cách nào đó. Coffey biết sự việc khi gã chạm trán với chúng lần nữa, nhưng giữa hai sự việc thì gã lãng quên.

- Nếu đàng hoàng, anh sẽ được ăn đúng giờ, sẽ không bao giờ bị nhốt vào xà lim biệt giam ở đầu dưới kia, hoặc phải mặc áo vải bạt cài nút sau lưng. Anh sẽ được ra sân vào buổi chiều từ bốn đến sáu giờ, ngoại trừ những ngày thứ bảy khi những tù nhân khác chơi bóng đá. Anh sẽ được tiếp khách vào chiều thứ bảy, nếu có ai muốn đến thăm. Có ai không, Coffey?

Gã lắc đầu.

- Không ai cả, thưa sếp. - Gã trả lời.

- A, thì luật sư của anh vậy.

- Tôi tin là đã nhìn thấy ông ấy lần cuối cùng. - Coffey nói. - Ông ấy cãi nợ cho tôi. Tôi không tin ông ấy có thể tìm ra đường lên vùng núi này.

Tôi nhìn kĩ hơn, xem thử gã có nói đùa không, nhưng gã không tỏ vẻ như thế. Và thật sự tôi cũng không trông chờ điều gì khác. Vào thời buổi đó, kháng án không dành cho những kẻ như John Coffey; họ ra tòa chịu xét xử, rồi bị thế giới lãng quên cho đến khi người ta nguệch ngoạc trên báo chí cho biết một gã nào đó đã bị điện giật vào khoảng nửa đêm. Nhưng một con người có vợ, con cái, hoặc bạn bè để mong đợi vào những chiều thứ bảy sẽ dễ khống chế hơn, nếu như việc khống chế trở thành một vấn đề. Ở đây thì không, và đấy là điều tốt. Vì gã quá sức to lớn.

Tôi nhúc nhích một chút trên sạp, rồi quyết định có lẽ bụng dưới của tôi sẽ thoải mái hơn nếu đứng lên, và tôi làm thế. Gã lễ phép lùi lại, tay chắp trước mặt.

- Bự Con này, cuộc sống của anh ở đây có thể dễ dàng hoặc khó khăn, tất cả tùy thuộc vào anh. Tôi ở đây để nói rằng anh nên làm cho tất cả chúng ta dễ thở, vì cuối cùng chẳng có gì khác cả. Chúng tôi sẽ đối xử đúng với anh nếu anh xứng đáng. Có câu hỏi nào không?

- Ông có thể cho để đèn sau giờ ngủ không? - Gã hỏi ngay, như thể chỉ chờ có dịp.

Tôi chớp mắt nhìn gã. Tôi đã từng bị bọn tù mới đến Khu E hỏi nhiều câu kì quái nhưng chưa bao giờ như câu vừa rồi.

Coffey mỉm cười vẻ hơi lúng túng, như thể biết chúng tôi nghĩ gã điên nhưng không thể không hỏi.

- Vì trong bóng tối đôi khi tôi thấy sờ sợ. - Gã thú nhận.

Tôi nhìn gã và cảm thấy động lòng một cách kì lạ. Họ quả có làm bạn động lòng, bạn biết đấy; bạn không thấy khi họ ở tình trạng tồi tệ nhất, tưởng tượng ra những nỗi kinh hoàng như quỷ sứ trước lò rèn.

- Phải, ở đây suốt đêm khá sáng sủa. - Tôi trả lời. - Phân nửa bóng đèn dọc theo Dặm Đường Xanh sáng từ chín đến năm giờ sáng. - Rồi tôi nhận ra gã không hiểu tôi đang nói gì - gã không phân biệt được Dặm Đường Xanh với bùn lầy Mississippi - vì thế tôi chỉ ra ngoài hành lang.

Gã gật đầu, vẻ an tâm. Tôi cũng không chắc gã hiểu hành lang là cái gì, nhưng gã có thể thấy các bóng đèn công suất 200 watt trong lồng sắt.

Lúc ấy tôi làm một điều trước kia chưa bao giờ làm đối với một tù nhân là chìa tay ra. Thậm chí đến bây giờ tôi cũng không hiểu tại sao. Có lẽ vì gã hỏi về các bóng đèn. Hành vị của tôi làm cho Harry Terwilliger ngạc nhiên. Coffey bắt tay tôi với một vẻ dịu dàng không ngờ, bàn tay tôi biến mất trong bàn tay gã, và tất cả chỉ có thế. Tôi có thêm một con mối trong chai thuốc độc của mình. Số phận chúng tôi đã được ấn định.

Tôi bước ra khỏi xà lim. Harry đóng cửa lại và khóa cả hai ổ. Coffey đứng yên tại chỗ trong một thoáng, tựa như không biết làm gì, rồi gã ngồi xuống sạp ngủ, chắp đôi bàn tay khổng lồ giữa đầu gối, gục đầu xuống như một người đang đau buồn hoặc cầu nguyện. Lúc ấy gã thốt ra một câu bằng một giọng kì lạ, gần như giọng miền Nam. Tôi nghe rõ mồn một, và mặc dù không biết nhiều về điều gã đã làm: “Bạn không cần biết điều một con người đã làm để bạn phải nuôi ăn và chải chuốt cho hắn, cho đến ngày hắn phải trả những gì hắn nợ.” Câu nói đó vẫn làm tôi rùng mình.

- Tôi không làm gì được, thưa sếp. - Gã nói. - Tôi cố gắng rút lại nhưng đã quá muộn.