Bọn tù nhân bày chuyện giễu cợt về chiếc ghế, theo cách người ta vẫn giễu cợt về những chuyện làm họ sợ hãi nhưng không bỏ qua được. Họ gọi nó là Già Sparky, hoặc Juicy Bự. Họ tán phét về công suất, và bằng cách nào Giám thị Moores sẽ làm bữa tối nhân dịp Lễ Tạ ơn mùa thu năm đó, trong khi bà Melinda vợ ông ấy, quá bệnh hoạn, không nấu nướng được.
Nhưng đối với những kẻ thực sự phải ngồi vào chiếc ghế điện thì câu chuyện hài hước mau chóng tắt lịm. Tôi đã chủ trì hơn bảy mươi tám vụ xử tử trong suốt thời gian công tác ở Cold Mountain, một con số mà tôi không bao giờ nhầm lẫn; ngay cả lúc hấp hối trên giường bệnh, tôi vẫn sẽ nhớ đến nó, và tôi nghĩ rằng, đối với hầu hết những con người đó, sự thật của điều sắp xảy ra cho họ, rốt cuộc sẽ đeo đẳng họ suốt con đường về nhà, khi mắt cá chân bị khóa chặt vào những cái chân bằng gỗ sồi chắc nịch của Già Sparky. Lúc ấy họ nhận ra đôi chân của chính họ đã kết thúc sự nghiệp của chúng. Máu vẫn còn chảy, các bắp thịt vẫn còn mạnh, nhưng chúng đã tiêu vong, chẳng có gì khác; chúng sẽ không bao giờ đi thêm một dặm đường quê hương, hoặc khiêu vũ với một cô gái trong dịp ăn mừng xây kho thóc nữa. Khách hàng của Già Sparky hiểu rằng cái chết của họ dâng lên từ mắt cá chân. Một cái túi màu đen bằng lụa được chụp vào đầu sau khi họ đã nói xong những lời cuối cùng, vốn huyên thiên, và phần lớn là rời rạc. Cái túi được xem là dành cho họ, nhưng tôi luôn nghĩ nó thật sự là để cho chúng tôi, để chúng tôi không thấy được trạng thái lạc thần đáng sợ trong mắt họ khi họ nhận ra sắp phải chết.
Không có dãy xà lim tử tội ở Cold Mountain, chỉ duy nhất Khu E, tách xa bốn khu khác và rộng bằng khoảng một phần tư, bằng gạch thay vì gỗ, với một cái mái ghê rợn bằng kim loại trần trụi, chói chang dưới ánh mặt trời mùa hè. Bên trong là sáu xà lim ở hai bên một lối đi rộng, mỗi xà lim rộng gấp đôi các xà lim trong bốn khu kia. Lại là phòng một người nữa. Tiện nghi ăn ở tuyệt vời đối với một nhà tù, nhưng tù nhân ở đấy sẵn lòng đánh đổi với bất cứ xà lim nào khác trong bốn khu kia. Tin tôi đi, họ sẽ chịu đánh đổi.
Trong những năm tôi làm đội trưởng ở Khu, chưa khi nào cả sáu xà lim chứa đầy tù nhân. Bốn là tối đa, da trắng da đen lẫn lộn (ở Cold Mountain, không có kì thị chủng tộc giữa các tử tội), và quả là một địa ngục thu nhỏ. Một trong số tù nhân là phụ nữ, Beverly McCall. Cô ả đen như than, xấu xa y như thứ tội lỗi mà bạn không bao giờ đủ lì lợm để gây án. Cô ả chịu đựng nổi sáu năm bị chồng đánh đập nhưng không chấp nhận chuyện anh ta lăng nhăng một ngày. Vào buổi chiều khám phá ra chuyện ngoại tình của chồng, ả đứng chờ anh chàng xấu số Lester McCall, vốn được bạn bè gọi là Dao Cắt (có lẽ dựa theo mối tình vắn số với cô tình nhân), trên đầu cầu thang dẫn đến căn phòng bên trên cửa hàng cắt tóc của anh ta. Ả chờ đến khi chồng đã cởi áo khoác ra được một nửa, rồi xén một phát cho cái của nợ bội bạc của anh ta rơi xuống mũi giày hai “tông” màu. Một lưỡi dao cạo của riêng Dao Cắt đã được dùng vào việc đó. Hai đêm trước khi phải ngồi lên Già Sparky, cô ả gọi tôi đến xà lim, nói rằng đã được ông bố - thần linh gốc Phi châu - báo mộng. Ông ta bảo cô ả từ bỏ cái tên cũ ám ảnh thân phận nô lệ đi, rồi chết dưới cái tên tự do là Matuomi. Ả đòi hỏi bản án tử của mình phải được tuyên bố bằng tên Beverly Matuomi. Tôi đoán có lẽ ông bố thần linh đã không cho biết họ, hoặc có họ nhưng cô ả không nhận ra. Dù sao thì tôi cũng đồng ý. Có một điều mà những năm tháng công tác với tư cách đội trưởng lính gác trại giam đã dạy tôi là không bao giờ từ chối yêu cầu của những tử tội, trừ khi tình hình buộc phải thế. Dù gì thì trường hợp của Beverly Matuomi cũng không có khác biệt. Ngày sau đó, vào khoảng ba giờ chiều, Ngài Thống đốc gọi điện thoại, giảm án tử hình xuống tù chung thân ở nhà tù phụ nữ Grassy Valley - dạo ấy chúng tôi cứ nói đùa rằng chỉ toàn trừng phạt mà thiếu rửng mỡ. Xin nói với các bạn là tôi hân hạnh được nhìn thấy cặp mông tròn trịa của Beverly đánh sang trái thay vì sang phải khi cô ả đến trước bàn trực.
Ba mươi lăm năm sau hoặc hơn nữa tôi bắt gặp cái tên đó trên trang cáo phó của một tờ báo, bên dưới bức ảnh một quý bà da đen mặt gầy, có mái tóc trắng và cặp kính gắn kim cương giả trên gọng. Cô ả đã sống như một phụ nữ tự do trong mười năm cuối đời và đã đơn độc cứu vớt thư viện tỉnh lẻ Raines Fall. Cô ả cũng dạy lớp Giáo lí Chủ nhật và được yêu mến biết bao ở cái vùng hẻo lánh nhỏ bé đó. Tựa bài báo viết “Quản thủ thư viện chết vì đau tim” dưới đó, bằng khổ chữ nhỏ hơn, gần như một lời cảnh tỉnh: “Đã thi hành án hơn hai thập niên vì giết người”. Chỉ có đôi mắt, to và rực sáng sau cặp kính, là vẫn như trước. Chúng là cặp mắt của một người đàn bà, một con người mà thậm chí ở tuổi bảy mươi bất kì nào đó, vẫn sẽ không do dự rút một lưỡi cạo an toàn ra khỏi cái lọ đựng chất khử mùi, nếu sự thôi thúc có vẻ gây sức ép. Các bạn thừa biết bản chất bọn giết người, dù chúng có trở thành quý bà quản thủ thư viện tại các thị trấn ngái ngủ chăng nữa. Ít nhất bạn cũng sẽ biết, khi bỏ quá nhiều thời gian lưu tâm đến bọn giết người, như tôi đã làm. Chỉ duy nhất một lần tôi đặt câu hỏi về bản chất công việc của mình. Tôi cho đấy là lí do khiến tôi viết tập truyện này.
Sàn hành lang rộng dẫn lên trung tâm Khu E được lót bằng vải sơn màu vôi xanh cũ kĩ, vì thế cái được gọi là Dặm Đường Cuối Cùng ở những trại giam khác thì ở Cold Mountain này, nó được gọi là Dặm Đường Xanh. Tôi đoán là nó dài bằng sáu mươi bước chân, đi từ hướng Nam lên Bắc, từ đáy lên đỉnh. Ở đáy là phòng giam. Ở đỉnh là giao lộ hình chữ T. Rẽ sang trái là sự sống - nếu bạn gọi điều xảy ra trong cái sân tập thể dục nắng nung người là sự sống; nhiều người đã sống như thế bao năm tháng, không chút hề hấn. Trộm cắp, đốt nhà, và tội phạm tình dục, tất cả đều nói năng, đi đứng và gạt gẫm nhau theo kiểu của chúng.
Nhưng mọi cú rẽ phải - đấy là chuyện khác. Trước hết bạn bước vào văn phòng của tôi (nơi có trải thảm cũng màu xanh, một thứ mà tôi có ý định thay đổi nhưng không làm được), và đến trước bàn làm việc của tôi, bên trái bàn treo cờ Mỹ, bên phải là cờ tiểu bang. Ở phía xa là hai cánh cửa. Một cửa dẫn vào căn phòng vệ sinh nhỏ mà tôi và các nhân viên bảo vệ Khu E (đôi khi có cả Giám thị Moores) sử dụng; cửa kia mở vào một thứ nhà kho. Đây là nơi bạn kết thúc khi bước trên Dặm Đường Xanh.
Đó là một cánh cửa nhỏ, tôi phải cúi đầu mỗi khi đi qua, còn John Coffey thì phải ngồi xuống rồi lách vào. Bạn sẽ bước ra một chỗ đứng hẹp, rồi theo ba bậc xi măng bước xuống một sàn nhà rộng. Nó là một căn phòng khốn khổ, không có lò sưởi; mái bằng kim loại, giống như mái trên khu nhà tiếp giáp với nó. Trong phòng đủ lạnh để nhìn thấy hơi thở của bạn vào mùa đông, mùa hè thì ngột ngạt khó thở. Trong lần thi hành án tử Elmer Manfred đã có chín nhân chứng bị ngất.
Bên trái khu nhà kho lại có sự sống. Các dụng cụ (tất cả đều được khóa chặt sau những bộ khung chằng chịt dây xích, như thể chúng là súng carbine chứ không phải mai và cuốc chim), hàng vải, các bao hạt giống để gieo trồng trong vườn trại giam vào mùa xuân, hộp giấy vệ sinh, các tấm pallet để chồng chéo những tấm ván dùng cho xưởng ván của trại... thậm chí cả những túi chứa vôi để kẻ đường biên sân chơi bóng chày và bóng bầu dục - tù nhân chơi bóng trong cái được gọi là Bãi Cỏ, và những buổi chiều mùa thu rất được mong đợi ở Cold Mountain.
Bên phải là cái chết. Đích thân Già Sparky chễm chệ trên mặt sàn bằng ván ở góc Đông Nam của nhà kho, chân ghế bằng gỗ sồi cứng cáp, tay dựa rộng rãi bằng gỗ sồi vốn đã hấp thu dòng mồ hôi kinh hoàng của biết bao người trong những giây phút cuối đời, và cái nón kim loại thường đong đưa trên lưng ghế, giống loại nón sát đầu kiểu robot của trẻ em trong truyện tranh. Một dây cáp vắt từ nón ra xuyên qua lỗ hổng có vòng đệm trên bức tường gạch đằng sau ghế. Tách sang một bên là một cái xô bằng thiết mạ. Nếu nhìn vào bên trong, bạn sẽ thấy một vòng đệm bằng chất xốp, được cắt tỉa vừa khít cái nón kim loại. Trước khi hành hình, cái vòng được nhúng vào nước muối để tăng sức dẫn dòng điện trực tiếp chạy qua dây cáp, qua lớp xốp, xuyên vào óc tử tội.