Chính phủ Konoye tại Ðông Kinh có 4 bộ trưởng quyền lực nhất là các bộ chiến tranh, hải quân, nội vụ, và tài chánh, cùng với Konoye lập thành một thứ siêu nội các để giải quyết các vấn đề quan yếu cấp bách. Sau khi cuộc đụng độ tại Lư Cầu Kiều xảy ra, Konoye triệu tập 4 bộ trưởng trên đây để lấy quyết định. Bộ trưởng chiến tranh của lục quân đòi phải mở rộng cuộc chiến và chinh phục toàn thể Trung Hoa, trái lại Yonai và Yamamoto muốn chấm dứt sự xung đột ngay tại Lư Cầu Kiều. Khi lục quân đòi quân tăng viện, Yonai và Yamamoto phản đối, nhưng bộ trưởng chiến tranh lấy lý do phải tiếp cứu quân Nhật tại Thiên Tân, và nếu quân Nhật tăng cường thì phía Trung Hoa sẽ nhượng bộ.
Bộ tham mưu lục quân muốn có một cuộc chiến và nhất quyết đạt được mục đích ấy. Mỗi khi bộ trưởng chiến tranh Sugiyama thỏa hiệp với các bộ trưởng kia thì lục quân phủ quyết; nếu chính phủ phản đối thì lục quân hăm dọa rút tướng Sugiyama về và nội các sẽ đổ. Cứ thế phe lục quân lấn át quyền của nội các. Yamamoto rất bất mãn trước sự cứng đầu ngoan cố của lục quân đến nỗi ông bỏ cả hút thuốc. Hồi tham dự hội nghị tài binh Luân Ðôn, ông mua rất nhiều thuốc xì-gà để hút và tặng bạn bè. Nay ông đem cho hết số thuốc còn lại; nếu ai tặng lại ông, ông cũng không nhận. Ông nói ông chỉ hút thuốc lại khi giải quyết xong được mối nguy của lục quân muốn bành trướng công cuộc xâm lăng Trung Hoa, và đưa Nhật Bản đến chỗ phải đụng độ với Anh Mỹ.
Dần dà chiến tranh lan rộng tại Trung Hoa. Trước hết quân Nhật chiếm Thiên Tân, Bắc Kinh, rồi chiến cuộc lan xuống vùng sông Dương Tử tại Thượng Hải. Khi chiến tranh lan tới Thượng Hải, thì Yamamoto càng lo ngại thêm nữa, vì đã đến lúc hải quân bị lôi cuốn vào cuộc chiến. Trước hết là chiếc tuần dương hạm Idzumo bỏ neo tại cửa sông Hoàng Phố bị phi cơ Trung Hoa oanh tạc, do đó hải quân Nhật phải tăng cường thêm lực lượng vào cuộc chiến. Bộ trưởng chiến tranh Sugiyama gửi thêm vài sư đoàn nữa sang Trung Hoa, và trấn an Nhật Hoàng rằng cuộc chiến tại Trung Hoa sẽ chấm dứt trong vòng một tháng.
Bây giờ đủ loại tàu của hải quân Nhật phải tham chiến tại Trung Hoa, dùng hỏa lực hỗ trợ cho lục quân. Phản ứng của tây phương đối với cuộc chiến rất bất lợi cho Nhật Bản. Tổng thống Mỹ ra lệnh đình chỉ bán và chuyên chở sắt sang Nhật Bản và tuyên bố, "Nhật Bản là quân xâm lăng!" Yamamoto rất chán nản vì thất bại không ngăn chặn được cuộc Trung-Nhật chiến tranh. Ông tạm thời đành buông xuôi. Hàng ngày ông làm việc rất chăm chỉ tại bộ hải quân, cho đến 5 giờ chiều thì ông biến mất khỏi sở, và không ai biết ông ở đâu cho tới sáng ngày hôm sau.
Không sự bí mật nào giữ được lâu. Người ta biết rằng cứ sau 5 giờ chiều là Yamamoto lần mò tới với người yêu là Kikuji. Có lẽ trong lúc chán nản ấy, tình yêu của Kikuji đã đem lại cho ông đôi chút an ủi. Trong vòng tay của người yêu, ông có thể quên được những bất mãn bực dọc trong nhiệm vụ bất như ý. Nhiều bạn bè ông khuyên ông không nên dan díu quá nhiều với Kikuji mà sao nhãng bổn phận; ông chỉ trả lời rằng ông dùng thời giờ rảnh của ông như thế nào là quyền của ông, không ai có quyền can thiệp vào. Một số đông sĩ quan hải quân trẻ tuổi phản đối lối sống của ông tại khu kỹ nữ. Họ tổ chức một cuộc biểu tình, mang biển ngữ phản đối đến văn phòng Yamamoto. Các sĩ quan hải quân trẻ cho rằng một người nắm một chức vụ quan trọng như ông không nên đến khu ăn chơi quá nhiều.
Mọi người tưởng Yamamoto sẽ không mở cửa tiếp các sĩ quan hải quân trẻ bướng bỉnh này. Trái lại ông mở cửa ra gặp họ. Ông nhìn mặt từng người một, và lạnh lùng hỏi họ, "Trong các anh, có ai không đánh trung tiện hoặc đi đại tiện, và chưa bao giờ làm tình với đàn bà thì ra đây nói chuyện với tôi. Tôi sẵn sàng nghe." Cả đoàn sĩ quan trẻ biểu tình đứng im, và ông đuổi tất cả ra ngoài Bộ Hải quân.
Khi quân Nhật sửa soạn tiến chiếm Nam Kinh thì ba tàu chở dầu của Mỹ bị phi cơ Nhật oanh kích, và chiếc pháo thuyền Panay của Mỹ bị phi cơ Nhật đánh đắm. Ðồng thời pháo binh Nhật cũng tấn công các pháo thuyền của Anh, gây tử thương cho một thủy thủ Anh. Việc đánh chìm một pháo thuyền của hải quân Mỹ là một sự việc nghiêm trọng, có thể đưa tới chiến tranh giữa Nhật và Mỹ. Người Mỹ rất tức giận. Ðại sứ Mỹ tại Ðông Kinh sửa soạn bỏ nhiệm sở tại Ðông Kinh trở về Mỹ, và chắc chắn Mỹ và Nhật sẽ đoạn giao. Yamamoto vội vàng chạy lại tòa đại sứ Mỹ, dùng hết tài ngoại giao ân cần xin lỗi chính phủ Mỹ, đề nghị bồi thường thiệt hại, và sẵn sàng làm bất cứ điều gì để hàn gắn một lỗi lầm nghiêm trọng của Nhật Bản. Tuy nhiên nỗ lực của Yamamoto không được các sĩ quan trẻ trong hải quân đồng ý. Họ đang ăn mừng chiến thắng đã đánh đắm được một pháo thuyền của Mỹ. Nhiều sĩ quan cao cấp của hải quân Nhật cũng đồng ý với thái độ của các sĩ quan trẻ quá khích, đang say sưa với chiến thắng này.
Yamamoto xác quyết với người Mỹ đây chỉ là một sự lầm lẫn, nhưng trong thâm tâm, ông biết vụ Panay chính là một sự cố ý của hải quân Nhật tại Thượng Hải. Khi đô đốc Mitsunami, tư lệnh lực lượng đánh chìm pháo thuyền Panay, trở về Ðông Kinh, ông bị công khai cách chức. Ðây là một sự cảnh cáo cho phe quá khích trong hải quân. Cuối cùng, nhờ nỗ lực ngoại giao của Yamamoto, vụ Panay đã không đưa tới xung đột Nhật-Mỹ. Sau vụ pháo thuyền Panay, phe diều hâu trong hải quân có vẻ hoảng sợ trước sự cương quyết của Yamamoto. Yonai và Yamamoto muốn cho mọi người biết chính những tên điên khùng suýt đưa Nhật Bản vào vòng chiến với Hoa Kỳ trong lúc Nhật Bản chưa sẵn sàng. Trong giai đoạn đầu, Yonai và Yamamoto có vẻ thắng thế phe cực hữu trong hải quân.