UNG CHÍNH HOÀNG ĐẾ

HỒI THỨ SÁU MƯƠI HAI

Docsach24.com

rương Đình Ngọc cố trấn tĩnh hạ thấp giọng dùng lời lẽ thật nhẹ nhàng uyển chuyển để tường trình tỉ mỉ chuyện Điền Văn Kính thanh sát vụ thất thoát ở Sơn Tây. Ông ta biết, hoàng đế Ung Chính hàng ngày vẫn cố gắng nén lòng để làm ra vẻ trang trọng lanh lợi, chứ thực ra vẻ mặt vui sướng, giận hờn, yêu thương, tức giận gì đều lộ ra cả mới là bản chất thực của ngài. Chuyện này chẳng những liên quan đến thể diện của ngài, mà còn ảnh hưởng đến cục diện ổn định chung triều đình. Cũng không giản đơn như vụ Tôn Gia Kiềm làm náo loạn bộ Hộ, nhỡ mà dàn xếp không khéo, sẽ làm kinh động đến tuần phủ các tỉnh khác, nhân chuyện này các a-ca ở Kinh Thành vốn đã có sự câu kết ngấm ngầm với nhau mà nổi lên quấy phá thì loạn to. Mình ở nơi giúp cho tể tướng, phải thu xếp làm sao đây? Cho nên vừa tường trình xong nội dung tấu biểu của Đồ Lý Sâm, Trương Đình Ngọc liền hai tay cầm bản tấu này dâng lên Ung Chính và nói thêm:

- Khởi bẩm hoàng thượng, việc tiến quân chinh phạt miền tây là việc cần kíp, còn sự cố Sơn Tây tuy lớn, nhưng theo ý ngu thần thì ta cứ từ từ giải quyết sau cũng chưa muộn, kính xin thánh thượng minh quyết!

- Được! - Ung Chính tinh thần hoang mang, vừa nghe vừa như không chú ý, hàm răng trắng khẽ nghiến chặt, mặt dõi nhìn ra phía xa xăm, rồi như vẻ hơi nghi ngờ đón lấy tờ tấu chương, chẳng biết sao, tay ông như run lên:

- Khanh nói hết rồi chứ? Thế Nặc... Nặc Mẫn có tấu biện hộ gì không?

Trương Đình Ngọc ngoái nhìn Long Khoa Đa và Mã Tề, thấy hai vị này lắc đầu, bèn thưa:

- Khởi bẩm hoàng thượng, bọn nô tài không thấy tấu chương gì của Nặc Mẫn đâu ạ, tất cả tấu chương mấy ngày nay đều đưa cả đến rồi. Chỉ có 470 tờ ngân phiếu của các hộ buôn bán ở thành Sơn Tây mà Điền Văn Kính thu được dâng lên làm chứng cứ và ấn tín của ty Ngân khố Sơn Tây thôi ạ. Đây là chứng cứ đanh thép lắm rồi, nếu Nặc Mẫn có làm tấu tự biện minh gì đi nữa, thì cũng chỉ nói được những chỗ thanh tra còn thiếu sót mà thôi, điều này thì nô tài biết rất rõ ạ.

Ung Chính nghe xong nhổ một bãi nước bọt, quay sang hỏi Doãn Tự:

- Bát đệ, ý khanh ra sao?

Doãn Tự lúc này như gà mắc tóc, vừa dâng biểu ca ngợi Nặc Mẫn "Tuần phủ đệ nhất thiên hạ", thật như tự tát vào mặt mình! Huống hồ Nặc Mẫn lại do Niên Canh Nghiêu tiến cử, trong quan hệ này còn có dây mơ dễ má gì nữa rất khó nói ra, biết dâu lại như cái vụ thanh tra tài khoản, kho bạc ở bộ Hộ năm trước, thanh tra đi thanh tra lại cuối cùng lại thanh tra ra hoàng thượng cũng có dính líu chẳng biết chừng... Doãn Tự không thể tránh được cái nhìn nảy lửa của Ung Chính, nhưng vốn ông ta vẫn lặn sâu trong phủ, nào biết nếp tẻ ra sao nên đành cười cười mà nói rằng:

- Bẩm, thần đệ nghĩ rằng Trương Hoành Thần nói chí phải đấy ạ, đây là vụ án lớn nhất thiên hạ, dù cho Nặc Mẫn có biện hộ gì đi chăng nữa, cũng chẳng tránh được cái tội "vong ân bội nghĩa". Điều đáng lo là Niên Canh Nghiêu tiến quân vào sào huyệt Thanh Hải tiễu trừ bọn phản loạn, việc tiếp tế lương thảo mới là việc đại sự. Vụ án tầy đình này của Sơn Tây mà ta bỏ qua, e rằng việc thanh tra tìm ra thất thoát của các tỉnh khác sẽ chểnh mảng, sau này việc động viên lương thảo các nơi càng gặp khó khăn. Vì thế hai việc một việc là lớn, một việc là gấp xem ra không liên quan gì nhau, nhưng kỳ thực chỉ là một.

Long Khoa Đa, trước đây ủng hộ việc Ung Chính lên ngôi, vốn đã trở thành đối kháng với "nhóm Bát a-ca", nhưng ông ta cũng chẳng muốn Niên Canh Nghiêu lập được công, rồi sẽ lấy tư cách ấy mà tranh giành cao thấp với ông ta. Nghe những lời Doãn Tự nói thì có vẻ muốn trừng phạt Nặc Mẫn thật nặng, nhưng chẳng có câu nào nói cụ thể phải xử lý thế nào, đúng là con người mưu sâu bẻm mép, bất giác Long Khoa Đa ngước nhìn ông ta mà khâm phục, đúng lúc Doãn Tự cũng lén nhìn Long Khoa Đa, bốn con mắt chiếu thẳng vào nhau, rồi lại lảng nhìn ra.

- Nô tài cho rằng việc gấp phải làm trước ạ! - Mã Tề không biết tâm tư khác nhau của hai người, nên khẽ thưa - lời Đình Ngọc tiên sinh nói chí phải đấy ạ. Việc này làm rõ ra, Sơn Tây tất chẳng có được một ông quan trong sạch, Nặc Mẫn có dùng thủ đoạn gì đi nữa để làm khó cho Điền Văn Kính thì cũng không thể chỉ "mất chức" thôi là có thể che được tội trạng của y. Mấy triệu lạng bạc mà điều tra rồi để đấy là xong chuyện được ư? Tuy nhiên nô tài cho rằng, trước mắt nếu làm lớn vụ này vội, sẽ chấn động quan trường các tỉnh Đông nam, lòng người sợ hãi, hỏi còn tinh thần chi viện cho việc lớn của đại quân không?

Nghe mấy vị đại thần bàn luận, Ung Chính cũng hơi vững tâm, liền với ấm trà nhấp một ngụm rồi lại ngồi lên sập rồng, cười bảo:

- Các khanh chẳng nói trẫm cũng biết, vụ này làm trẫm mất mặt, vừa ban chiếu ca ngợi hắn là "đệ nhất tuần phủ", nay thành vụ án lớn đệ nhất! - Bỗng Ung Chính nghiêm sắc mặt, mắt phóng ra cái nhìn sắc lạnh - Thôi cứ làm theo ý các khanh đi, danh nghĩa khép cho Nặc Mẫn cái tội nhè nhẹ "sơ suất" gì đó, nhưng thực chất tội danh phải chịu là dối trên phạm thượng, bịa công lấy thưởng, tham nhũng phạm pháp, kẻo người ta lại bảo triều đình hồ đồ. Đợi đại quân chinh phạt miền Tây thành công trở về sẽ xử sau. Có phải các khanh muốn thế không?

- Bẩm vâng ạ! Bốn người thấy thái độ của Ung Chính trang trọng, nói răng nghiêm khắc, không dám ngồi trả lời, vội cùng quỳ xuống dập đầu:

- Kính xin thánh thượng chỉ bảo!

- Mà cách thứ hai cũng không được - Ung Chính cười nhạt, nhìn lên vết đen trên cửa kính bảo - Kẻ nào làm mất mặt trẫm, trẫm quyết không dung tha! Nặc Mẫn con người này, trẫm không sao ngờ được lại vong ân như vậy. Đây không phải "kém năng lực", mà là khi quân, xét về cả tình và lý đều không thể tha thứ được. Nguyên được Niên Canh Nghiêu tiến cử, lúc đầu thấy phụ trách việc vận chuyển lương thảo ở Giang Nam cũng rất mẫn cán. Thánh tổ có lần đã bảo trẫm, con người này có biểu hiện phản phúc, không nên trọng dụng, trẫm phải nói hết lời tốt cho nó, thánh tổ mới phong cho làm Ngự sử trấn giới biên cương. Bây giờ nó gây ra thế này, trên là phụ thánh tổ, giữa phụ trẫm, dưới phụ Niên Canh Nghiêu, coi thường thánh tổ, khi quân, lừa bạn - Vừa nói thì bật ho mạnh mấy tiếng, đột nhiên đập tay xuống bàn "choang" một tiếng, mặt đỏ phừng phừng nói - Quân đốn mạt thế này, lại tha được ư, nếu tha cho nó, các đốc phủ khác đều làm như vậy với trẫm, trẫm sẽ giải quyết ra sao?

Lần đầu tiên bốn đại thần thấy Ung Chính nổi giận, không ngờ khi tức lên mặt mày dữ tợn đến thế, vội cùng vén áo quỳ xuống dập đầu lia lịa. Doãn Tự vẫn tưởng Ung Chính nể mặt mình, và còn chút tình với Niên Canh Nghiêu thì xử nhẹ Nặc Mẫn, cho điều tra lại các quan lại ở Sơn Tây, ngờ đâu Ung Chính lại bất chấp tất cả thế này. Nhưng như thế là phù hợp với ý kiến của mình ban nãy, nếu lọt ra ngoài, tức là hoàng thượng xử theo ý của mình đề xuất thế thì mang tiếng với bao nhiêu người đây?... Doãn Tự không mở được miệng, mà cũng còn biết nói gì nữa đây. Đang suy nghĩ, thì bỗng Long Khoa Đa dập đầu thưa:

- Thánh thượng dạy chí phải! Như vậy là cả bọn từ tuần phủ đến các Ty, Phủ, Nha môn trong cả tỉnh, đã thông đồng với nhau phạm thượng, khi quân. Chẳng nhẽ Điền Văn Kính tra đi xét lại uổng công à? Đức vạn tuế người ngồi trên chín tầng cao, tinh tường nhìn thấu vạn dặm không sót chân tơ kẽ tóc, nô tài khâm phục sát đất! Đã thế, nô tài trộm nghĩ, người hãy hạ chiếu cho bắt từ huyện lệnh trở lên cùng toàn bộ thứ sử hành chính của tỉnh Sơn Tây không sót người nào, trói dẫn về Kinh giao cho bộ Hình thẩm vấn.

Trương Đình Ngọc nhíu mày trầm trầm nói:

- Làm vậy e hơi quá tay, vả lại nhiều vị quan chỉ làm theo. Vả lại mạn Tấn Bắc vụ thu năm ngoái vừa gặp hạn hán, công việc cứu giúp nạn dân vẫn phải dựa vào họ mà làm. Bắt bớ nhiều quá, dễ gây nỗi khinh hoàng đến hàng ngũ quan lại các tỉnh khác, làm chấn động đại cục cũng không hay ho gì.

Doãn Tự thì chỉ mong càng loạn, càng tốt, vì thế mới đứng bên cạnh cười khẩy, xỉa vào:

- Đây chính là cơ hội để chỉnh đốn các cơ quan hành chính, rất phù hợp với tôn chỉ của hoàng thượng "Ung Chính niên hiệu mới, chính quyền phải đổi mới". Để cho bọn quan tham nhũng này đi cứu giúp nạn dân phỏng có kết quả gì?

Doãn Tự nói xong dập đầu rồi đứng thẳng dậy đến bên Ung Chính nói:

- Hoàng huynh chớ có lo thiếu quan, ngày xưa Thiên Hậu chém bọn tham quan như phạt cỏ dại, đất nước vẫn chẳng quận huyện nào thiếu quan, thần đệ thấy lời Long Khoa Đa nói chí phải. Hiện nay trong Kinh số quan đã được tuyển đang phải làm tạp vụ lặt vặt để chờ việc có dễ đến trên ngàn người, hãy bổ nhiệm hết vào các chỗ trống của Sơn Tây. Trước mắt còn hai, ba khóa giáp sinh tiến sĩ đội ơn hoàng thượng vừa đăng khoa, hãy chiếu bổ hết lên Sơn Tây phục vụ. Thần đệ nghĩ sẽ chẳng có chấn động chấn điếc gì hết, mà phải coi việc thanh lọc quan trường Sơn Tây là việc trọng.

Lúc ấy chỉ có ba người nói, mà mỗi người mỗi ý, tuy không gay gắt nhưng cũng chẳng ai chịu ai.

- Mã Tề! - Ung Chính đang nghe bỗng quay lại hỏi: - Sao khanh không nói gì cả?

Mã Tề vội dập đầu thưa:

- Khởi bẩm hoàng thượng, thực tình nô tài không dám giấu hoàng thượng là nô tài nghe ai nói cũng thấy đều có lý cả, thật khó phân biệt và cũng không dám góp lời ạ.

Nghe Mã Tề nói, Doãn Tự phì cười bảo:

- Mã Tề ngồi ghế văn phòng hợp đấy, thế khanh muốn làm con lươn hay làm cục thép đây?

Mã Tề nhìn Doãn Tự rồi nói:

- Hoàng thượng hỏi thì phận bề tôi trong lòng nghĩ gì phải trả lời như vậy. "Con lươn" và "cục sắt" ở đây hoàn toàn là hai chuyện khác nhau.

Nói xong lại dập đầu thưa:

- Khởi bẩm hoàng thượng, Thập tam vương gia chưa đến, ngài cũng là người truyền chỉ trong văn phòng Thượng thư, sao hoàng thượng không nghe xem Thập tam vương gia nói sao ạ?

- Việc này trẫm đã quyết rồi - Ung Chính mỉm cười - Hầu hết hàng ngũ quan lại ở Sơn Tây là tốt, chỉ một mình Nặc Mẫn có tội. Hắn làm tuần phủ tức là vua của tỉnh, cứ tưởng cách trở núi cao, hoàng thượng thì xa mới làm những việc phạm pháp, khi quân tầy đình như vậy. Những sai phạm của quan lại Sơn Tây, là do Nặc Mẫn vẫn cho mình là người được tiên đế cất nhắc, được trẫm sủng ái, tự coi là cây đại thụ đã bám chắc rễ lại núp dưới bóng triều đình thì không có khâm sai nào dám động đến hắn. Gọi cho đúng tội của hắn chỉ có thể dùng ba chữ: "khoe năng lực", trẫm cũng rất giận bọn thích khoe năng lực, nhưng các khanh cứ bình tâm nghĩ lại mà xem, ngày nay trong cả nước ngoài số ít mấy vị quan như Lý Vệ, Lý Hoãn, Từ Văn Nguyên, Lục Lũng, rốt cuộc còn được bao nhiêu quan "năng lực" nữa? Như vậy giận vẫn hoàn giận, chẳng thể phạt nặng. Nên quan to thì phạt nặng, còn châu, huyện trở xuống đừng truy cứu họ làm gì.

Lời bàn luận này cũng chỉ nằm trong phạm vi nhằm biện hộ cho tội trạng của họ Nặc, nhưng nói đủ lý lẽ căn cứ nên mọi người cứ ngây ra mà nghe. Trương Đình Ngọc cảm thấy hoàng thượng có phần nhân nhượng cho Nặc Mẫn hơi quá, nên vừa mở mồm định thưa thì Ung Chính đã nhanh mồm:

- Hoành Thần!

- Bẩm có thần ạ!

- Đứng lên tiếp chỉ!

- Vâng.

Ung Chính tay mân mê cái nắp cốc trà, nói với giọng cả quyết:

- Vượt gấp 600 dặm Sơn Tây truyền cho khâm sai Đồ Lý Sâm chỉ này: - Nặc Mẫn chịu ơn dầy của tiên đế và trẫm, lẽ ra phải gan óc lầy đất, hết lòng báo ơn phụng sự triều đình. Nhưng đã làm những việc ô nhục, vô ân bạc nghĩa, tức trước là không hoàn thành chức nghiệp, sau là khi quân bội quốc, gây họa cho bá tính, bôi nhọ danh quan trường. Việc đến bây giờ vẫn không có ý nhận ra lỗi lầm, vẫn lập lờ hèn nhát, quanh co vô sỉ, thật ngoài sự tưởng tượng của trẫm! Mà trẫm lại vừa ban khen, nên đã đẩy trẫm vào cái thế không còn biết chui vào chỗ nào nữa. Những tội như vậy trẫm không còn biết phải xử lý như thế nào cho đáng? Cho dù trẫm muốn khoan dung, nhưng liệu quốc pháp có thể dung cho đồ súc sinh như ngươi không? Thật không còn trời đất gì nữa! Trời cũng làm sao che được tội cho ngươi đây?

Ung Chính càng nói càng xúc động, tay cầm cốc trà nắm chặt đến run lên, nét mặt cũng trở nên tím tái khác thường. Trương Đình Ngọc chép tấu hành văn không thêm tí gì, nhưng đạo thánh dụ này thật khó đối với ông, câu trước cổ văn, câu sau bạch thoại, làm thế nào để cho thông suốt đây? Đình Ngọc vẩy vẩy mực, nhìn Ung Chính ngồi thẳng người, giận đến thất sắc đi, không dám hỏi lại, mà cứ chép nguyên những lời hoàng thượng nói, nghĩ là thế cũng được, chép xong, sẽ căn cứ theo văn phong của ngài mà viết lại vậy! Đang suy nghĩ thì Ung Chính lại cao giọng:

- Giao cho Đồ Lý Sâm tước ngay ấn tín của hắn, lột áo hoàng bào, cắt dải phẩm tước trên mũ, trói ngay rồi dẫn giải về Kinh giao cho Đại Lý tự thẩm vấn. Trẫm biết mấy vùng quê có cái phong tục quái gở là hễ quan lại bị cách chức, nhưng sợ họ được phục chức rồi trở lại, nên thường bầy lễ rượu ngọt để tống tiễn, nghi thức là chúc tụng nhau, để cầu cho bước đường công danh mai sau. Hãy thông báo cho bọn người tổ chức lễ tiễn kia biết là còn thứ gì liên quan đến Nặc Mẫn thì đưa trả cho hắn mang đi liền, Nặc Mẫn không hòng bao giờ có ngày trở lại đất ấy nữa, bảo họ nói cho chín họ vùng ấy biết, nếu ai vẫn còn làm cái trò tống tiễn nhục nhã ấy, trẫm sẽ truy cứu đấy! Việc làm thất thoát ở Sơn Tây thì chỉ một mình "phú quan" Nặc Mẫn chịu và phải bồi thường!

Ung Chính nói một mạch rồi nhấp một ngụm trà nhìn Trương Đình Ngọc, Trương Đình Ngọc vẫn cắn môi nghe, từ ngữ vẫn còn lộn xộn trong đầu, cứ chép tất cả lại. Doãn Tự nghe xong muốn bật cười. Vừa mở mồm định nói lại thôi.

- Bẩm hoàng thượng! - Mã Tề ngồi cạnh thưa - Nặc Mẫn tuy có phạm tội, nhưng dù sao thì ông ấy vẫn là một đại quan của triều đình, nên chăng làm sao giữ cho ông ta chút thể diện, để tránh sự khiếp sợ của các đốc phủ khác ạ!

- Kẻ sĩ có thể bị chém đầu chứ không thể bị chịu nhục phải không? - Ung Chính quay đầu vặc lại - Mã Tề khanh không hiểu rồi, Nặc Mẫn một kẻ như vậy liệu có xứng là bậc "kẻ sĩ" không? Hắn chỉ đáng là một con chó! Vụ án của hắn nhân chứng vật chứng đã được đưa cả về kinh, thẩm định rồi, trẫm mà lại muốn làm nhục thêm hắn ư? Hắn làm nhục trẫm thì có! "Vua buồn thần nhục, vua nhục thần phải chết", đó là lẽ cương thường ở đời, chung thủy của trời, nghĩa tình của đất vậy! Mà Nặc Mẫn đã phạm pháp, lại thêm vô ơn bội nghĩa. Phạm pháp thì còn có thể tha thứ, chứ hắn đã vô ơn bội nghĩa, thì liệu trẫm có thể tha cho hắn không tru di được không?

Chém người chẳng qua chỉ đầu rơi xuống đất là xong, Ung Chính muốn trừng phạt cả cơ thể lẫn nhân cách, nên làm nhục rồi mới giết. Ai cũng biết tính cách nghiêm khắc của Ung Chính, hôm nay càng hiểu rõ hơn, nên mọi người ngậm miệng nuốt nước bọt, không ai dám phản bác sợ lại mua vạ vào thân.

- Vụ này người khác có thể tha, nhưng bố chính Sơn Tây La Kinh khó có thể tránh tội lỗi cho hắn được - Ung Chính nói chậm rãi - Với La Kinh hãy cắt bỏ phẩm tước, cho gông cùng với Nặc Mẫn dẫn giải về kinh xét xử, hãy cứ làm như vậy, đợi bộ Hình nghị án rồi sẽ liệu sau. Còn lại từ án sát sử trở xuống, giáng mỗi người hai cấp giữ lại cho làm việc, phạt hai năm lương bổng. Các đạo chủ sự Ty nha môn, giáng một cấp, phạt một năm lương bổng; tri phủ thuộc tất cả các phủ đều phải khiển trách; huyện lệnh trở xuống không truy cứu.

Trương Đình Ngọc viết xong, liền hỏi:

- Bẩm, xử lý thế này thì tuần phủ, trưởng Ty ngân khố Sơn Tây đều khuyết cả, xin thánh chỉ điều ai đến tiếp ấn tín ạ?

Ung Chính cười bảo:

- Chuyện này mà còn phải hỏi nữa? Tất nhiên là Điền Văn Kính phải tiếp ấn tín, tạm thời phải đảm nhiệm tuần phủ Sơn Tây và các nha môn, đợi vụ án minh bạch rồi sẽ sắp xếp lại.

Không ai lên tiếng, nhưng không lên tiếng cũng là một cách biểu thị thái độ. Ung Chính dường như cũng cảm thấy không khí nặng nề của im lặng, nên cũng ngừng lời. Lạ thay, Ung Chính vừa ngừng lời, thì mọi người thấy ngay một cảm giác khiếp sợ nặng nề đè lên mình, lòng dạ như đông kết thành một khối. Bởi Ung Chính phán quyết như vậy quả có hơi nặng, trên cương vị là đại thần của triều đình, chẳng ai tán thành, cũng không muốn cam chịu, nhưng cũng chẳng ai dám ra phản kháng, chỉ im lặng ngồi nhìn. Lúc ấy bầu không khí trong điện Dưỡng Tâm dường như cái kim rơi cũng nghe thấy, qua khe bình phong bên góc điện chỉ thấy vó ngựa lộp cộp từ xa vọng lại.

- Thôi không còn gì nữa thì nghỉ - Ung Chính lãnh đạm nói - Các khanh cũng hồi cung đi.

- Bẩm, thần xin nói ạ!

Trương Đình Ngọc bông nhớ lại lời tâm huyết khi chỉ có một mình tâm giao cùng hoàng thượng lần trước, liền mạnh dạn thưa:

- Bẩm, thần thấy không nên tấn phong cho Điền Văn Kính quá nhanh như vậy ạ.

Ung Chính buồn bã nhìn chằm chằm vào Trương Đình Ngọc hồi lâu rồi hỏi:

- Tại sao?

Mã Tề cũng cố can đảm nói:

- Bẩm thưa, hoàng thượng mới lên ngôi báu, đưa người thân tín của mình lên gấp, e không hay đâu ạ!

- Thân tín? - Ung Chính lập tức phản bác - Ai cũng không dám đưa người thân tín, chỉ cất nhắc những người loàng xoàng để cho êm chuyện, thử hỏi có trị quốc bình thiên hạ được không?

Trương Đình Ngọc chộp ngay lấy kẽ hở trong lời nói của Ung Chính, lập tức đối lại:

- Đại thần của triều đình như Minh Châu, Cao Sĩ Kỷ, đều là người thân tín của quân vương được cất nhắc ngay lên ghế cao, nhưng đều làm loạn trào hại quốc, vết xe đổ trước còn chưa xa, mong hoàng thượng minh xét!

- Ngay như khanh vốn cũng chỉ là quan trung thư nhận chức tể phụ đó sao? Còn nữa, như đại thần Quách Tú, đại tướng quân Chu Bồi Công, chẳng phải đã được tiên đế lôi từ vũng bùn lên, rồi bây giờ đã như những ngôi sao rực sáng đó sao? - Ung Chính gượng cười nhìn chằm chằm vào Trương Đình Ngọc, càng nói càng hoạt bát - Khanh nói vậy thì ngay bản thân khanh giờ cũng biết sắp xếp về đâu?

Trương Đình Ngọc bị câu nói này làm cứng họng, quá trình thăng tiến của bản thân ông ta quả cũng có phần "hãnh tiến", nhưng vẫn thấy trong lời nói của Ung Chính có hàm ý không tốt, nên lại dập đầu thưa:

- Vâng, thần hãnh tiến là do tiên đế sủng ái nhầm. Xin hoàng thượng bình tâm suy nghĩ kỹ, mỗi năm các đại thần phụng chỉ triều đình đi các nơi tuyên chỉ có từ hàng chục đến hàng trăm người, đi tuyên chỉ mà ai cũng can thiệp vào công việc quân sự, hành chính, thậm chí cả ngân quỹ thuế khóa của các địa phương, thì quan lại địa phương họ còn làm sao điều hành được công việc nữa? Điền Văn Kính trên đường đến Sơn Tây phát hiện ra sự gian tham của Nặc Mẫn, lẽ ra phải làm tấu chương gửi về trình bẩm triều đình, để cử quan chức chuyên môn đến thanh sát xử lý. Đằng này Điền Văn Kính đã tự tiện dùng lệnh bài khâm sai để vượt quyền hành sự. Như vậy là phạm tội, xin hoàng thượng hãy sức chỉ khiển trách nhưng tha thứ - vì xét Điền Văn Kính cũng chỉ một lòng vì nước, phạt cũng đúng lý, có chứng cứ, nhưng trong tội có công, nên có thể phong lên chức lớn, thiên hạ chẳng thể trách vào đâu được, làm vậy sẽ thuận, đâu có khó!

Lời nói này rất thấu tình đạt lý, phong cấp cho Điền Văn Kính, từ nay về sau, những quan truyền chỉ của triều đình đến các địa phương đông như kiến vỡ tổ, ai cũng lấy quyền khâm sai đại thần để hoạnh họe, thì quan chức địa phương còn làm sao mà thực thi công vụ được? Ung Chính đâm ra đắn đo.

Trương Đình Ngọc thấy Ung Chính im lặng không nói gì, biết Ung Chính đang suy nghĩ về việc phong tặng cho Điền Văn Kính, thật lòng thì cũng muốn phong quan cho ông ta, bèn chậm rãi mà rằng:

- Thưa, Điền Văn Kính làm việc mẫn cán, một lòng một dạ vì triều đình, lại vừa trừ cho triều đình một con mọt lớn, thần cũng vô cùng ngưỡng mộ. Những vị quan làm được những việc như vậy quả là hiện nay trong triều rất hiếm. Có điều hoàng thượng muốn tấn phong cho ông ta hơi nhanh chi bằng cứ phong từng nấc một. Hơn nữa họ Điền bao năm nay chỉ là quan bộ Lang trong kinh thành, chưa từng được rèn luyện kinh qua công vụ hành chính địa phương, giờ công vụ của một tỉnh dồn cả lên vai, liệu họ Điền có gánh nổi không?

Mã Tề, Long Khoa Đa cùng dập đầu khẩn cầu:

- Xin hoàng thượng hãy dung nạp lời khuyên của Trương tiên sinh!

Doãn Tự thì lại mất hứng đành nói phù họa theo:

- Hoành thần nói phải đấy ạ, xin hoàng huynh lượng xét.

- Thôi trẫm mệt rồi!

Liền mấy ngày nay Ung Chính bận bố trí màng lưới làm tai mắt cho mình ở khắp nơi, rồi phê duyệt các mật tấu của họ gửi về, nên thực sự thời gian để ngủ còn ít hơn cả Trương Đình Ngọc. Giờ lại nghe mọi người thi nhau can gián, biết việc này mình nghĩ có chỗ sai, nên mới nhổm dậy, tụt xuống khỏi sập hai tay vươn ra sau lưng, vặn người, cười bảo:

- Việc này cũng chẳng có gì lớn lao, để trẫm suy nghĩ rồi sau sẽ bàn them! Lúc này Di thân vương đang luận bàn quốc sự với Niên Canh Nghiêu đây. Ngày mai Niên Canh Nghiêu sẽ trở về doanh trại dẫn đại quân lâm trận, đây là việc lớn của triều đình về điều binh khiển tướng, cầu mong cho tốt lành. Bát đệ hãy nói với Tam ca, hẹn cả Thập tứ đệ đến nữa và chú chúc rượu cho Canh Nghiêu phấn chấn, ngày mai thay trẫm tiễn Canh Nghiêu một chén quan hà nhé! Gớm mệt quá đi thôi!

Mã Tề chuyên quản bộ Lễ, vội nói:

- Mai đã lên đường, thần e hơi vội vã, nên chọn một ngày đại cát, theo đúng nghi thức làm lễ rời kinh ạ!

- Lần này ra đi mang chí tất thắng, là đầu rơi máu chảy, chọn ngày tốt xuất chinh cũng được - Rồi Ung Chính lại cúi đầu suy nghĩ - Bảo Niên Canh Nghiêu khi rời kinh bách quan không phải đưa tiễn nữa, mà cũng chẳng bày đặt nghi lễ gì nữa. Đánh thắng trận này, trẫm sẽ thân chinh ra tận ngoại thành nghênh đón. Nếu làm tổn tướng nhục vua, thì cũng không cần phải tạ tội, cũng không phải xin thụy hiệu nữa, mà chỉ cần sai Nhạc Chung Kỳ mang đầu của Niên Canh Nghiêu về Kinh nộp là được rồi!

Trương Đình Ngọc là người lanh lợi sáng suốt, đã nhìn thấu tâm tư của hoàng thượng là không muốn làm ầm ĩ việc xuất quân tiến đánh Thanh Hải, để nếu có thất bại thì cũng đỡ bẽ bàng. Vì vậy thưa:

- Hoàng thượng dạy như vậy là chí phải đấy ạ! Việc xuất quân thì đã có chiếu chỉ từ trước rồi, lần này Canh Nghiêu về kinh là để bẩm báo công việc, hoàng thượng đã cho phép tùy cơ hành động, bách quan cũng không phải đưa tiễn chi cho tốn kém, mà cũng không phù hợp với thông lệ. Nếu sau này làm tổn tướng nhục vua lại khó nói năng, chi bằng bây giờ chỉ cần cổ vũ tinh thần chí khí là chính, không biết thánh ý của hoàng thượng ra sao?

- Thôi cứ theo lời khanh đi. Nói với Niên Canh Nghiêu gắng sức, đừng để ưu phiền về sau - Ung Chính cười cười, đi vài bước đến cửa điện lại quay người bảo:- Trẫm nghĩ kỹ rồi, Điền Văn Kính bổ làm phủ doãn Trùng Khánh, thế là vừa giữ thể diện cho khanh vừa đẹp ý khanh nhé! - Nói xong liền chậm- rãi cất bước đi ra khỏi điện Dưỡng Tâm.

Thái giám Lý Đức Toàn, Hình Niên và một đội thái giám vẫn túc trực bên hành lang phía đông điện, thấy Ung Chính bước ra, trời rất lạnh mà chỉ mặc chiếc áo bào da dê lông bọc gấm xanh, khoác ngoài cũng tấm da dê lông bọc đoạn xanh da trời, vội bước đến trước mặt thỉnh an. Lý Đức Toàn nói:

- Thưa chủ nhân, hôm nay trời lạnh thấu xương gió thổi hun hút, tuyết đóng băng trên hiên nhà không rơi xuống được, xin chủ nhân khoác thêm tấm mền này ạ.

- Không cần, - Ung Chính trả lời rứt khoát, lấy chiếc đồng hồ trong túi ra xem, ngước nhìn bầu trời u ám đầy mây, ưỡn thẳng lưng, giang rộng đôi tay, cúi gập người làm động tác thư giãn, rồi vừa đi vừa nói:

- Trẫm muốn tản bộ vài bước, không phải theo hầu, cũng không cần nhiều người theo thế này, hai ngươi là được rồi.

Lý Đức Toàn nghe lời quay lại đuổi hết mọi người, còn mình và Hình Niên người bên trái người bên phải theo sau Ung Chính. Thị vệ Trương Ngũ Ca đứng bên bậc Thùy Hoa môn, vội dập đầu "cục" một tiếng rõ kêu, nói:

- Hoàng thượng muốn dạo chơi cho thoải mái ạ? Nô tài sẽ theo hầu.

Ung Chính cười bảo:

- Không cần đâu, trong cung này sẽ chẳng có chuyện gì đâu mà lo.

- Khởi bẩm, - Trương Ngũ Ca tiến đến thưa - Hoàng thượng nói vậy, chứ trước đây hoàng thượng đã có ý chỉ nói trong đại Nội cung Thiện Phốc có ngự lâm quân do ngài Long Khoa Đa sai khiến. còn thị vệ thì thuộc ngài Mã Tề và ngài Trương Đình Ngọc điều động. Hai vị trung đường này lúc nào cũng năm lần bảy lượt ra lệnh, nếu hoàng thượng đi đến nơi nào trong cung thì bốn người thị vệ chúng con là Trương Ngũ Ca, Sách Luân, Đức Lăng Thái và Lưu Thiết Thành tất phải có một người theo hầu. Nên bây giờ nô tài cũng chỉ thừa hành phận sự thôi ạ.

Ung Chính nhìn Trương Ngũ Ca không nói gì nữa, rời Ngũ Hoa môn đi lên phía bắc cung.

Lúc này đang chính Ngọ, thị vệ các cung đều bận hầu hạ chủ của mình, trên lối nhỏ tĩnh lặng vắng teo. Vầng dương yếu ớt như không có tí ánh sáng nào bị làn mây u ám che phủ. Bóng bức tường cung lờ mờ phủ lên lối đi trải đầy mảnh ngói vỡ, bầy quạ đang tranh nhau ăn cái gì trên lối đi thấy người thì "quà" mấy tiếng bay vút lên, lượn lờ bất định trên bầu trời, làm cho cảnh tĩnh lặng trong cung sinh động lên đôi chút. Ung Chính cắm đầu soải bước đi thẳng, hồi lâu mới quay lại hỏi:

- Này, Trương Ngũ Ca, ngươi có phải là thị vệ được tuyển vào cung từ năm Khang Hy thứ 46 không?

- Khởi bẩm hoàng thượng, năm Khang Hy thứ 46 nô tài phải đến pháp trường chợ Tây Thái để chịu tội thay, tiên đế đã cứu nô tài từ pháp trường ra - Trương Ngũ Ca nghĩ đến chủ cũ Khang Hy thì giọng nghẹn lại - năm thứ 47 thì nô tài được vào cung Thiện - Thiện Phốc làm thị vệ ạ. Năm đó Đức vạn tuế vi hành Nhiệt Hà đã tấn phong cho nô tài ba bậc đấy ạ!

Ung Chính vặn vặn mình, cười bảo:

- Ngươi thật có diễm phúc đấy!

- Hoàng thượng...

- Có người gửi tấu tố cáo là hồi ngồi tù ngươi vẫn còn nuôi một cô ca kỹ phải không?

Trương Ngũ Ca bỗng đỏ mặt rồi bẩm rõ to:

- Xin hoàng thượng gạn đục khơi trong, với tư cách là một người đàn ông, nô tài xin được biện minh cùng hoàng thượng rằng năm đó quả thực nô tài bị án oan, có một người đàn bà theo nô tài vào tận trong tù, chính là người đàn bà bây giờ đã làm bạn với nô tài đấy ạ. Cô ta là một ca kỹ, khi bố mẹ chết phải cắm cỏ đầy mình thay quần áo, rao bán thân để lấy tiền làm ma cho cha mẹ, khi đó thấy vậy cha của nô tài đã giúp tiền của để cô ta báo hiếu cha mẹ được vẹn toàn. Đến khi nô tài bị án phải chết thay cho người khác, cô ta biết tin vội vượt qua ngàn dặm đường vào bằng được kinh thành, dùng tiền lo lót để vào hẳn được trong ngục gặp nô tài, cô ấy bảo rằng họ Trương sống tu nhân tích đức như thế, không thể để tuyệt tự được... rồi cứ nhất định đòi sinh cho nô tài một đứa con trai!

- Đi thong thả thôi! - Ung Chính quay lại cười bảo. - Ai đã tố cáo ngươi, trẫm không thể cho ngươi biết được, vì đó là quy định. Việc này trẫm cũng đã hỏi qua Thập tam vương gia của ngươi, ông ấy cũng nói như ngươi. Cái người tố cáo ngươi thật cũng chả ra làm sao, hoặc người đó có một dụng ý đặc biệt gì đó, định khích trẫm trừng trị nội gián! Trẫm đã dẹp vụ này đi rồi, giờ nghe ngươi nói, trẫm càng hiểu rõ thêm. Cái đức từ hiếu trung liệt của ngươi, còn đáng để trẫm khen thưởng! Thế bây giờ ngươi giữ tước gì rồi? - Vừa nói vừa rảo bước tiếp.

Trương Ngũ Ca vội thưa:

- Khởi bẩm hoàng thượng, nô tài là thị vệ loại một, quan tước là tam phẩm ạ!

Ung Chính cười, nhìn Hình Niên và nói:

- Ngươi về truyền chỉ cho Long Khoa Đa, là Trương Ngũ Ca cũng là một thị vệ cũ phục vụ mười mấy năm rồi, xếp cho hắn vào nhị phẩm nghe không!

Hình Niên vội đáp:

- Tuân chỉ!

Không đợi cho Ngũ Ca cảm tạ, Ung Chính lại cười bảo:

- Tấn phong cho vợ ngươi lên bậc phu nhân, thế là chồng tiên sinh, vợ phu nhân nhé! Ai lại cứ mở mồm ra là "nhà con", "nhà tôi" nghe nó thế nào ấy, không được văn hóa lắm!

Vì Ung Chính cứ vừa đi vừa nói, không dừng lại để cho tạ ơn, lúc này mới có dịp để Ngũ Ca nói lời cảm ơn, nhưng cũng chỉ nghẹn ngào được rằng:

- Hoàng... hoàng thượng, người, người thật thật là... Nô tài không biết lấy gì báo ơn... thế mà người ta cứ...

Bỗng Ngũ Ca ngậm miệng, không nói nữa.

- Người ta bảo trẫm hà khắc, phải không? - Ung Chính đang rất vui vẻ, chậm rãi rảo bước, rồi như tự nói với mình - Cái tiếng ấy kể cũng khó nghe thật, nhưng trẫm cái gì mà không biết? Có những người rất thông minh lanh lợi, cái gì cũng tố cáo, nhưng những vụ việc đó thực chất có thể cho qua. Trẫm là thiên tử, của cải bốn biển đều là của trẫm, nhưng muốn cho ai cái gì cũng có phải dễ đâu! Ngươi đã đọc "Tả truyện" chưa? Trong đó có câu "Tiểu huệ vị biến, dân Phật tòng dã" - Tí ân huệ vãi ra chưa khắp, thì người tốt đã theo đầy - Nếu Nặc Mẫn đã như thế mà anh tha thì tức là anh đã hà khắc với trăm họ, có tội với dân trăm họ. Đức ta như gió, dân dùng như cỏ, nếu ta vì tình riêng mà làm trái phép nước, trên làm dưới chịu, được bao năm, quốc khố chỉ còn mấy mảnh tã rách, mấy đồng tiền cạch, liên tục đi vay, đến khi úng, hạn mất mùa, chiến tranh giặc dã, thì biết tính sao? - Nói rồi thở dài buồn bã.

Hai thái giám Trương Ngũ Ca, Hình Niên lẽo đẽo vừa bước theo Ung Chính lúc chậm lúc nhanh, vừa lắng nghe Ung Chính rủ rỉ nói. Từ khi Ung Chính lên ngôi, hầu như ngày nào họ cũng gặp, đều thấy nét mặt lạnh tanh, mà hôm nay nào ngờ một ông vua nghiêm túc đằng đằng sát khí như thế lại nói ra những lời tình cảm đến vậy, họ cảm thấy hể hả vô cùng.

Bốn người men lối nhỏ đi lên hướng bắc, từ Ngự Hoa viên qua điện Sùng Kính, rồi lại ngoặt hướng nam, qua cung Trường Xuân, cung Thái Cực xuyên hẳn vào trong cung, men theo lối nhỏ hẹp đi ra, bỗng thấy ánh sáng, thì ra là đã qua cửa Long Tôn. Đây là nơi mà các quan địa phương hồi kinh ngồi chờ văn phòng Thượng thư gọi lần lượt được vào tấn kiến, mười mấy viên quan đang ngồi túm năm tụm ba, tay cầm tấu chương, chụm đầu vào nhau thì thào. Một người nhanh mắt phát hiện ra Ung Chính vừa từ ngõ nhỏ bước lại, thì mừng quýnh kêu tướng lên:

- Đức vạn tuế, Đức vạn tuế người đã đến rồi!

Thế là mọi người "ào" đến cùng quỳ sụp lậy thỉnh an.

- Khanh là Ngạc Nhĩ Thái, năm trước đi Vân nam là Bố chính sử, phải không? - Ung Chính nhìn mọi người, nhoẻn miệng cười, rồi bước đến trước mặt một người trung niên trạc ngoại tứ tuần, mặt trắng bệch. - Trẫm đã có chỉ nói khanh thong thả, đợi khi nào trời ấm lên hãy hồi kinh, họ không truyền chỉ đến khanh à? Thế bị bệnh gì vậy? - Ngạc Nhĩ Thái vốn là quân nhân, làm Ngoại thị lang bộ Binh, năm Khang Hy thứ 60 vừa được thuyên chuyển về làm Bố chính sử Vân Nam, từ khi vua mới lên ngôi thì đây là lần đầu tiên nhìn thấy Ung Chính. Khi còn ở bộ Binh, ông ta phụ trách kho vũ khí, một lần Ung Chính có sai người đến kiếm cho con trai cái cung tên, đây chỉ là việc rất nhỏ, Ngạc Nhĩ Thái nhất định đòi người ấy xuất trình thẻ Tín bài của phủ Tông Nhân, cuối cùng người đó phải về tay không. Vì các khúc mắc nho nhỏ đó, Ung Chính thù vặt thì sẽ trả thù, nên lần này về kinh cứ nơm nớp lo sợ, nào ngờ vừa gặp Ung Chính đã vồn vã hỏi trước, liền dập đầu thưa rằng:

- Bẩm hoàng thượng, thần đã lên đường từ 20 ngày trước, nên Trần Thế Quản đại nhân không kịp đến để tuyên chỉ. Thần bị sốt rét ạ, cái bệnh chó má ấy làm gì phải bận lòng đến thánh thể. Thần thật cảm kích vô cùng đấy ạ!

Ung Chính cười ha hả và bảo:

- Thánh thể với thánh thiếc cái gì, phải chịu khó mà uống thuốc đi! Tí nữa, bảo Lý Đức Toàn dẫn đến phòng Ngự dược mà lấy một ít thuốc nạp sương kim kê - Lý Đức Toàn vội vâng lời. Ung Chính lại chỉ vào Ngạc Nhĩ Thái và bảo bọn Đức Toàn - Các ngươi có biết người này không? Ông ta là Ngạc Nhĩ Thái đấy! Năm xưa ở kho Phan Để, trẫm có một việc mọn mà đã húc đầu phải ông ta rồi đó! Một viên quan nhỏ Lang bộ, dám chống lại cả hoàng thân quốc thích, cái đầu này cứng lắm đó, các ngươi cần phải học tập ông ta!

Ung Chính nói chưa hết câu Ngạc Nhĩ Thái đã nước mắt giàn giụa, đang định nói lời cảm ơn lượng khoan hồng trời biển, thì Ung Chính đã bước đến trước mặt một người khác mà hỏi:

- Khanh tên là gì?

- Khởi bẩm hoàng thượng, thần là Hoàng Lập Bổn ạ!

- Hoàng Lập Bổn à - Ung Chính ngẩng mặt lên trời suy nghĩ - Có phải khanh được điều đến phủ Đài Loan không nhỉ?

- Vâng ạ!

Ung Chính suy nghĩ một lát rồi bảo:

- Đài Loan với Phúc Kiến cách trở trùng dương dân tình ở đây cũng không thuần lắm, lại là đất cũ của nhà Trịnh, mà bọn Hồng Mao Quốc hay cấu kết với hải tặc, rất khó trị, liệu việc này khanh có đảm đương nổi không?

- Thần xin cố gắng hất sức mình ạ! - Hoàng Lập Bổn đáp.

- Được, rất tốt - Ung Chính khen - Nhưng đó chỉ là câu nói biểu lộ chí khí thôi, chứ xem thực chất có khó khăn gì không?

- Thần chẳng có gì phải lo lắng cả - Hoàng Lập Bổn ngần ngại nhìn Ung Chính, rồi mới lí nhí - Chỉ lo mẹ già ở tít tận Hà Nam, không có ai phụng dưỡng thôi ạ..

Ung Chính cười bảo:

- Khanh không phải nói, thì cũng biết khanh là người con hiếu thảo rồi! Có điều đối với phủ Đài Loan, triều đình đã có quy định là cấm các quan được mang theo gia quyến ra đó. Đây không phải là chuyện tin cẩn hay không tin cẩn mà là quy định. Thôi để trẫm truyền chỉ cho Thường Tê, tổng đốc Phúc Kiến, đón mẹ khanh đến Phúc Kiến nuôi dưỡng, để mỗi khi khanh về tỉnh bẩm báo công việc, có thể tranh thủ gặp và phụng dưỡng mẹ già. Ba năm mãn hạn, khanh ở lại Đài Loan cho khai hoang lấy 10 vạn mẫu đất, rồi trẫm sẽ cáo phong cho mẹ khanh vùng đất đó.

Hoàng Lập Bổn không ngờ Ung Chính lại nhân từ độ lượng đến vậy, bỗng thấy nóng ran người, bèn dập đầu nói:

- Thần nguyện sống chết để làm tốt sứ mệnh tại Đài Loan, sẽ khai hoang được 10 vạn mẫu đất để trình hoàng thượng, trong vòng ba năm thần hứa Đài Loan sẽ tự túc lương thực đủ và thừa ăn đấy ạ!

- Thế thì tốt, lời nói làm bằng đấy nhé! - Ung Chính cười rồi đảo mắt nhìn mọi người, thấy trong đám đông người nào cũng hau háu nhìn mình như muốn tâu bày, bèn nói:

- Ai cũng cần gặp, ai cũng cần nói, mỗi lần trẫm chỉ tiếp được ba người, tiện hơn là đứng nói ở đây, có yêu cầu một điều là phải nói thật, có gì khó khăn cũng không được giấu giếm. Giờ trẫm phải đến cung Từ Ninh để vấn an thái hậu, các khanh cứ vào phòng thượng thư đợi đi!

Nói rồi vẫy tay, cùng bọn Trương Ngũ Ca ba người đi về phía cung Từ Ninh.