Tướng mệnh khảo luận

- F -

Những người bình thường thân thể cao nặng bao nhiêu đã có tiêu chuẩn nhất định, người nọ khác người kia xê xích đôi chút, nếu cách biệt quá thì hoặc là hình bất túc hoặc hình hữu dư, bất túc thì quá gày gò nhỏ bé, hữu dư thì quá cao lớn phì nộn.

Theo sách vở nếu hình bất túc tất nhiên phúc lộc mỏng như tờ giấy, thọ mệnh như kiếp hoa.

Nhưng trước khi hạ đoán, cần phải xem tinh thần cái người phạm tướng hình bất túc ra sao đã. Nếu thần hữu dư thì không thể hạ đoán thế được.

Tinh thần có thể trông thấy ở: Mắt sáng tinh khiết, mày tú lại dài, mặt không hôn ám, cử chỉ hào hùng, làm việc cương nghị như mãnh thú xuống núi, nói năng đĩnh đạc hiền hoà như gió xuân thổi trên ngọn cỏ. Ngồi chắc tựa đá, nằm yên tựa con rùa ngủ, đứng không dựa dẫm. Không nói lời thừa, không vội vàng vô ích, mừng giận không quan tâm.

Như vậy gọi là thần hữu dư. Phàm người thần hữu dư hung tai khó tới, thiên lộc lâu dài. Hình bất túc thần hữu dư là tướng người nhỏ bé gầy gò, nhưng tinh tướng khoẻ mạnh, không giống với tài cao thể doanh là tướng người tài hoa nhưng thân thể yếu đuối.

Một thi sĩ đời Đường có câu: “Thân bất mãn thất xích nhi tâm hùng vạn phu” (Thân hình thấp bé nhưng cái tâm anh hùng vượt chúng).

Ngược lại, có rất nhiều người to lớn vạm vỡ, trông tưởng rằng hảo hán nhưng kỳ thực chỉ là cái túi rượu, túi cơm thô lỗ, đần độn vì hình hữu dư mà thần bất túc.

Hình hữu dư thần bất túc tức là tướng đi hầu, thừa sai canh gác hoặc vệ sĩ.

Thần là điện lực, thân hình là bóng đèn. Bóng đèn lớn mà điện lực yếu, ánh sáng chỉ lờ mờ. Phương ngôn Tây có câu: “Quả dưa lớn quá bên trong rỗng ruột” thực hợp với tướng cách hình hữu dư.

Con người thần bất túc hiện lên bằng: Tinh thần hoảng hốt, động tác lung tung, ngôn ngữ bối rối, tình thái ngượng ngập. Chẳng có gì lo âu mà luôn luôn chau mày mặt như khóc mếu, không uống rượu mà mặt say sưa, hỉ nộ bất thường, ngủ hay mê sảng.

Thần bất túc dễ gặp tai ách, oan ngục tên bay đạn lạc, xe cộ v.v... Xin chớ nhầm thần bất túc với tướng ngũ cấp và ngũ mạn mà Nhất Quả Pháp Sư đã tìm ra. Ngũ cấp là năm cái vội: Thần khí nhanh, ngôn ngữ nhanh, ăn uống nhanh, mừng giận nhanh, đi nhanh. Ngũ mạn là năm cái rất chậm, nói tóm lại, làm việc tính toán, hỉ nộ ai lạc, ăn ngủ nằm ngồi nhất nhất đều chậm.

Tướng ngũ cấp trẻ thành công, già suy vi.

Tướng ngũ mạn rất thọ.

THƯỢNG TRƯỜNG HẠ ĐOẢN - THƯỢNG ĐOẢN HẠ TRƯỜNG

Ngay từ tấm bé vác sách đi học, bài cách trí sơ đẳng đã dạy thân thể người chia làm ba phần: Đầu, mình và chân tay.

Tướng pháp thì chia thân hình làm hai đoạn thôi: Đoạn thượng gồm có đầu và tay, đoạn hạ là hai chân.

Đoạn thượng nên dài hơn đoạn hạ, nếu chân sếu vườn dài hơn đầu thân cộng lại, tất phiêu bạt lênh đênh, cả đời không có cơ nghiệp.

Sách “Bạch Viên Kinh” có câu:

Thượng trường hạ đoản hề công hầu tướng

Đương nhật Tôn Quyền bá nhất phương

Nghĩa là: Trên dài dưới ngắn tướng công hầu, đời Tam Quốc Tôn Quyền có tướng đó hùng cứ một phương.

Thượng trường hạ đoản chủ phú quý, trái lại thượng đoản hạ trường là khốn khó, điều này đã thành một định luật ghi trong tướng pháp.

Lấy lý nào mà nói như vậy?

Tướng pháp cho rằng đầu mang bộ não, thân mang lục phủ ngũ tạng toàn những bộ vị trọng yếu, nếu không thoải mái rộng rãi đương nhiên những bộ vị trọng yếu sẽ bị gò ép bế tắc, gây trở ngại thần khí cho con người.

Lại có câu: “Đoản nhưng không giống con heo ngồi, trường nhưng không giống cái mác dựng đứng”.

Nguyên tắc cơ bản của tướng pháp là nguyên tắc của kiến trúc và mỹ học, nên nói thượng hạ đoản trường không phải quá lố vượt ra ngoài nguyên tắc căn bản. Thử hỏi nhân thân con người cao thước bảy mà thân đầu hết thước rưỡi, còn cho chân có hai chục phân thì nó thành hình thù gì?

Xem tranh Tàu, ta thường thấy vẽ hình người mình dài chân ngắn là do ảnh hưởng của tướng pháp mà ra chứ không phải các hoạ gia Trung Quốc thiếu cái học về giải phẫu nhân thân (anatomie).

ÂM DƯƠNG THIÊN ĐỊA

Tướng pháp có Âm Dương Thiên Địa. Âm là đàn bà, Dương là đàn ông. Đầu là trời, chân là Đất. Cốt dương, nhục âm, v.. v..

Trán gọi bằng Thiên đình cho nên trán phải cao xa. Chân là đất rộng, đất dày nên chân phải to lớn. Mắt tượng trưng cho mặt trăng mặt trời. Thanh âm tượng trưng cho sấm sét. Huyết mạch tượng trưng cho sông ngòi. Cốt tiết là vàng đá. Mũi lưỡng quyền là núi non. Râu tóc là cây cỏ.

Nhật nguyệt phải rực rỡ, sấm sét phải ầm ầm, sông ngòi phải sạch thông, vàng đá phải rắn chắc. Núi non phải cao lớn, cây cỏ phải tươi tốt.

Đầu đội trời, chân đạp đất. Đầu ở vị trí cao nhất trên thân thể.

Đầu còn người mới còn, mất đầu người chết.

Tư Mã Ý bị Khổng Minh vây ở Tí Ngọ Cốc, sau khi chạy thoát đã hỏi tả hữu rằng: “Đầu ta còn không”?

Cổ Tướng Kinh có câu:

“Đầu vi nhất thân chi tôn, chư dương chi thủ”, nghĩa là đầu ngôi chí tôn của thân thể cầm đầu toàn bộ dương khí.

Nghiên cứu tướng học phải xem đầu trước. Đầu nhỏ như quả muỗm suôn đuột không có góc cạnh thì diện mạo có tốt cũng chỉ là hạng trung bình. Chân tuy không trọng yếu bằng đầu nhưng sự quan hệ của chân với mệnh số cũng chẳng kém. Đầu lớn chân vững vàng to khoẻ phú quý. Đầu nhỏ chân teo bần tiện. Có điều hiển nhiên hàng ngày rất ít người chú ý: Các bác phu xích lô xe đạp, chân thường quắt lại chứ không lớn và gân guốc chằng chịt cho nên vất vả mà chân không đầy đặn lớn. Trong câu chuyện ta vẫn nói “xuất đầu lộ diện” để chỉ một người nào đó đang có cơ hội thành công.

Danh sư Hứa Phụ dạy rằng:

Ngưu đầu tứ phương, phú quý cát xương

Hổ đầu yến hàm uy danh viễn dương

Ngưu đầu và hổ đầu là những cái đầu vững chãi, to lớn, có góc cạnh, xương cốt tiêu tuấn.

Về phần chân cần ngay ngắn, mềm mại, mập dày, mu bàn chân ụ lên, kỵ thô cứng, quắt mỏng, gân mạch chằng chịt như giun bò.

Mắt là đôi vầng nhật nguyệt.

Xem tướng mắt, trước coi hình sau xem thần. Con mắt đẹp tướng hình thế tú trường, vành mắt sáng nhuận, đuôi mắt hơi chếch lên, không mắt to mắt nhỏ, bốn bên không chỗ nào khuyết hãm, lòng đen lòng trắng phân minh, không có tia máu đỏ, nhãn thần bất lộ, ánh mắt nhìn ngay thẳng không hung hãn mà oai nghiêm, nhãn lực tinh tường.

Qua đòi hỏi trên, dĩ nhiên là mắt cận thị là xấu. Người cận thị có thể là những người bác học nhưng không thể là những lãnh tụ chính trị. Già đeo kính lão không kể. Lịch sử xưa nay hầu như chưa có vị lãnh đạo tài giỏi nào mà cận thị.

Nhãn quang bất chính, hai mi mắt nhỏ phải chớp luôn luôn, người này hay đố kỵ ganh ghét.

Nhãn quang ưa nhìn lên cao, loại kiêu ngạo, cẩu nhãn khán nhân đê, mắt chó coi người thấp, biểu lộ ác tâm.

Mắt đỏ, chớp mắt nặng nề là ngu si.

Hai mắt nhãn quang rực rỡ, tràn đầy như nước chảy, phút chốc lại thấy đục mờ đi như nửa ngủ nửa thức, bất luận nam nữ đều cực tham dâm.

Nhãn quang sắc nhọn loè như chớp mà cố ý nhìn lên cốt làm cho có vẻ mờ rất gian hùng.

Nhãn quang u tĩnh, nhìn người nhìn vật lâu không chớp mắt thì cá tính kiên cường có suy nghĩ tư tưởng.

Hai mắt lồi ra, bốn phía lòng trắng mắt (mắt trắng dã) nhìn ai chú thị si ngốc là người ác độc, sát nhân rồi bị nhân sát.

Sắc con người tạp loạn, nhãn quang nông nổi: Người vô tư tưởng.

Nhãn thần ẩn không lộ cực thông minh, thông minh để mà thông minh thôi vì thiếu hành động nên hiển đạt chẳng được bao nhiêu.

Những người mục quang sạ nhân mới ưa hành động.

Nhãn quang láo liên lưu hoạt động đông trương tây vọng, hay nhìn trộm là mắt của phường trộm cắp.

Nhãn quang vẩn đục vô thần hôn ám chết lúc nào không biết.

Huyết mạch lưu thông trong thân thể đêm ngày đến vô cùng nên trong tướng học ví huyết mạch như sông ngòi (Xin đừng lẫn với tứ độc).

Huyết mạch nằm lẫn trong cơ thể làm sao coi tướng?

Đành rằng huyết mạch tàng ẩn trong cơ thể, tuy nhiên, vẫn có bộ phận hiện ra ngoài như huyết sắc và đường gân. Trên nguyên tắc tướng pháp, huyết mạch nên lẩn không nên lộ.

Sách “Cổ Tướng Kinh” có câu:

Gân tán loằn quằn như giun bò

Người bần tiện hung ác lao đao vất vả

Sách “Ma Y” viết:

Bần cùng đáo lão bất nhàn

Thổ kỳ cân lặc

Gân máu thô lộ cho nên nghèo khổ đến già.

Phương ngôn ta nói: “Khô chân gân mặt đắt mấy cũng mua”.

Khô chân không bị tê thấp. Gân mặt chịu khổ chịu cực dai dẻo.

Đắt mấy cũng mua, dùng loại người ấy làm việc cho mình thật đáng đồng tiền.

Do bệnh tật, tình tự mà huyết sắc khích biến, có thể biết mệnh số thọ yểu và khả năng con người.

Điền Quang bảo Thái Tử Đan rằng: “Tân khách nhà Thái Tử toàn một lũ vô dụng. Hạ Phù là người huyết dũng nên lúc giận mặt đỏ. Tống Ý là người mạnh dũng nên lúc giận mặt xanh. Vũ Đường là người cốt dũng nên lúc giận mặt trắng toát. Chỉ có Kinh Kha mà tôi biết mới xứng đáng là thần dũng, giận sắc mặt không hề đổi”.

Trên thân thể người, tượng trưng cho cây cỏ, cần tốt tươi là:

Tóc, râu ria, lông mày, âm mao, lông mũi, lông ngực, lông chân, lông bụng.

Tóc trên đầu có tác dụng bảo hộ não thần, vừa có tác dụng làm đẹp cho con người.

Đầu tóc bù xù thường biểu hiện sự sa đoạ:

Tóc nhỏ như tơ óng mượt, đen không hôi hám nhất định thông minh bác nhã, con dòng cháu dõi dễ thành công về văn học chính trị.

Tóc cứng đen bóng bẩy, thân thể to lớn thì phong phú tinh lực gan dạ nhưng ương ngạnh tham dâm hiếu sắc, dễ thành công về quân sự.

Tóc trước kia vẫn óng mượt nay khô vàng lá bệnh hoạn do thần kinh suy nhược, khó sống lâu.

Tóc thô cứng đỏ, người hung ác ngu độn, trộm cắp, bần hàn.

Tóc màu xám tro, không óng mượt thì trí tuệ thấp, ký ức lực yếu, lao đao vất vả.

Tóc quăn cổ nhân thường bảo là dâm loạn, nhưng kinh nghiệm cho thấy người tóc quăn đa số dũng cảm, ưa hoạt động.

Tóc rít lại chẻ thuộc dạng bất trung bất hiếu, bất nhân, bất nghĩa.

Tóc quá rậm khắc thê, tóc quá ít, thiếu sinh lực.

Sau gáy tóc rụng lỗ chỗ, đàn ông đề phòng bệnh hoa liễu, đàn bà lo sản ách.

Tóc mọc trên trán, thiếu niên cô khổ.

Hứa Phụ có nói:

Hữu nùng phát chi kiện nhi

Vô nùng phát chi tể tướng

Thiểu tiểu đầu chi quý khách

Đa đại trang chi đạt quan

Nghĩa là: Chỉ có thanh niên khỏe mạnh tóc rậm chứ không có tể tướng tóc rậm. Rất ít thấy khách quý mà đầu nhỏ, đa số quan to phải đầu lớn.

Đàn ông không râu bất nghì. Đã gọi là tu mi nam tử thì phải có mày râu đẹp. Râu với mày cần tương xứng. Mày rậm râu thưa, hỏng. Râu rậm mày thưa cũng hỏng.

Mi chủ tảo thành. Tu chủ vãn vận. Mày đẹp thành đạt sớm. Râu tốt về già nhàn hạ.

Râu không cứ nhiều ít, tương xứng với lông mày là được. Mày rậm phải râu rậm, mày thưa phải râu thưa.

Râu tốt có đủ bốn điều kiện: Thanh, xơ, xoắn, dài ngắn không đều.

Thanh là trông nhã không vẩn đục.

Xơ là không phồn tạp xồm xoàm.

Xoăn là không thẳng đuột, dựng đứng.

Dài ngắn không đều chứ như cái màn chải thì hỏng.

Cộng thêm với bốn điều kiện khác:

Nhuận - Mạnh - Tròn trịa - Ứng phối với mi.

Nhuận là không khô sáp. Mạnh là không ẻo lả. Viên là óng mượt.

Sách “Băng Giám” nói:

- Xoăn trôn ốc thông minh khoát đạt, dài tơ kéo phong lưu vinh hiển, cứng như giáo mác vị cao quyền trọng, sáng ánh như sợi bạc sớm thành đạt. Râu tía, mày lưỡi kiếm, tiếng nói vang vang, thần cốt thanh kỳ thiên lý phong hầu hay mười năm bái tướng.

Tướng râu có mười đại kỵ:

- Kỵ râu mọc dài không đúng chỗ (tỉ dụ ở cổ, ở má).

- Kỵ không có râu ở nhân trung kém uy nghiêm, tiền tài tụ tán bất thường, hữu lao vô công.

- Kỵ lông mũi thò ra tiếp với ria vận khó hanh thông.

- Kỵ ria phủ xuống miệng như bức mành mành, bất đắc chí, khó kiếm tiền.

- Kỵ râu nhiều ria ít, bôn ba lao khổ.

- Kỵ râu rậm khoá yết hầu, thô tục đói khổ.

- Kỵ rẽ ra như đuôi chim, hay gặp tai hoạ.

- Kỵ mọc ngược, hung ác.

- Kỵ vàng khè khô khan, đa bệnh đa tật.

- Kỵ đỏ như bị cháy (râu tôm kho), cô độc

Tu mi nam tử, vậy không râu là đồ bỏ hay sao?

Khoa tướng mệnh không hề nói thế, râu chủ hậu vận, không râu hậu vận kém. Thiếu gì người không râu cao quyền chức trọng trong lịch sử như Quách Tử Nghi đời nhà Đường, Hoắc Khứ Bệnh đời nhà Hán, Uông Tinh Vệ đời Dân quốc. Nhưng sự nghiệp tuy lớn mà vãn vận đều không ra gì bởi tại không râu mà nên.

Quý tiện định ư cốt pháp.

Xương cốt là đầu mối cho cuộc đời sang hèn.

Xương, đầu xương, khớp xương là chủ cho da thịt dựa vào mà thành hình. Cốt tiết cũng là cái lồng chứa lục phủ ngũ tạng, nên tướng pháp ví xương cốt như vàng đá trên trái đất, cần vững chãi sáng đẹp.

Chủ của bộ xương là xương đầu, gồm chín xương căn bản gọi là cửu cốt:

1) Thiên đình cốt là xương trán.

2) Ngọc trẩm cốt là xương sau gáy (Toàn bộ 18 cái).

3) Đính cốt là xương sọ.

4) Tả quán cốt là dìa xương hàm chạy lên tai.

5) Thái dương cốt là xương thái dương.

6) Mi cốt là xương dưới lông mày.

7) Tị cốt là xương sống mũi.

8) Quyền cốt là xương gò má.

9) Hạng cốt là xương cổ, chạy liền với xương sống lưng.

Tại sao cửu cốt không tính đến xương cằm và xương hàm?

Lục Viên Chủ giảng:

- Xương cằm và xương hàm tuy ở trên đầu nhưng thuộc hạ đình ăn hậu vận nên không tính vào cửu cốt. Hai xương ấy dù đẹp thế nào đi chăng nữa nếu không được thượng đình trung đình cửu cốt hỗ trợ thì cũng vứt đi. Thiên đình để xem di truyền tính, gia cơ tổ nghiệp dòng dõi ra sao?

Ngọc trẩm cốt để xem khí cục, người có đầu óc khả năng hay không?

Đính cốt để xem trí tuệ, kiến thức và phẩm đức.

Quyền cốt để xem chí khí.

Tả quán cốt để xem duyên nghiệp.

Thái dương cốt để xem tài hoa.

Tị cốt để xem dục vọng, sự nghiệp và quan niệm tiền tài.

Mi cốt để xem nghị lực.

Hạng cốt để xem sức khoẻ.