1
Trên đời có cái gì cực vui làm cho người ta bảo toàn cái thân được không? [Muốn có cái cực vui đó] nên làm gì? Dựa vào cái gì? Nhận cái gì? Tránh cái gì? Lại gần cái gì? Xa lánh cái gì? Yêu cái gì? Ghét cái gì?
Cái mà mọi người trọng là phú, quí, thọ, điều tốt; cái mà mọi người lấy làm vui thích là mạnh khoẻ, ăn ngon, mặc đẹp, được hưởng thanh sắc. Cái mà mọi người khinh là sự bần tiện, chết yểu, ác tật[1]; cái mà mọi người lấy làm đau khổ là thân không được an vui, miệng không được ăn ngon, mình không được mặc đẹp, tai không được hưởng thanh sắc. Ai không được những cái đó thì rầu rĩ, lo sợ. Như vậy chẳng ngu sao, vì những cái đó chỉ là vui về hình hài.
Người giàu lao khổ, làm việc cho nhiều để tích trữ tiền của mà họ tiêu không hết, như vậy là đối với hình hài, họ quá cầu cái vật chất ở ngoài[2]. Người sang [có chức vụ quan trọng], hết ngày tới đêm, suy nghĩ, lo lắng hoài không biết việc mình làm tốt hay xấu, như vậy là đối với hình hài, họ coi thường quá. Người ta mới sinh ra đời đã phải lo lắng rồi; nếu trường thọ thì tinh thần mê muội đi, lo lắng nhiều mà vẫn không chết cho, sao mà khổ thế! Như vậy là xa lạ với hình hài[3], quên không bảo toàn nó. Bậc liệt sĩ hi sinh cho người khác, được thiên hạ khen, nhưng không bảo toàn được sinh mệnh. Tôi không biết như vậy cái thiện có thực là thiện không? Hay là bất thiện đấy? Bảo nó là thiện thì sao nó không bảo toàn được sinh mệnh của mình? Bảo là không thiện thì tại sao nó bảo toàn được tính mệnh của người khác?
Cho nên bảo: “Nếu can gián trung thực mà không được nghe thì thôi, làm thinh, mặc kệ, đừng can gián nữa”. Vậy mà Tử Tư[4] cứ cố can gián đến nỗi tàn hại thân thể; ông ấy can gián để được tiếng là trung. Như vậy là tốt hay không?
Khi tôi xét hành vi của người đời cùng cái họ lấy làm vui thì tôi biết cái vui đó có thực là vui không. Cái mà người ta lấy làm thú, hăm hở tranh nhau, như không thể làm khác được và được mọi người cho là vui; cái đó tôi tự hỏi có là vui thực hay không?
Tôi cho rằng vô vi mới thực là vui, nhưng mọi người cho nó là rất khổ. Cho nên bảo: “Cực vui thì không vui, cực có danh dự thì không có danh dự”.
Cái phải, cái trái trong thiên hạ, quả là chưa định được; nhưng vô tri thì quyết định được phải trái. Nếu cái cực vui là làm cho người ta sống thì chỉ có vô vi mới bảo toàn được thân mệnh. Tôi xin thử giải thích: trời vô vi nên mới trong xanh, đất vô vi nên mới yên tĩnh. Hai cái vô vi đó phối hợp nhau mà vạn vật mới sinh hoá. Thấp thoáng mập mờ (hoảng hốt)[5] không biết đâu mà ra, thấp thoáng mập mờ mà không có hình tượng. Vạn vật phồn tạp, đều từ vô vi mà ra. Cho nên bảo: “Trời đất không làm gì cả mà không có gì là không làm”. Ai là người có thể vô vi được đây?
2
Vợ Trang tử chết, Huệ tử lại điếu, thấy Trang tử ngồi xoạc chân ra, gõ nhịp vào một cái vò[6] mà hát, bèn bảo:
- Ăn ở với người ta, người ta nuôi con cho, nay người ta chết, chẳng khóc đã là bậy rồi, lại còn hát gõ nhịp vào cái vò, chẳng là quá tệ ư?
Trang tử đáp:
- Không phải vậy. Khi nhà tôi mới mất, làm sao tôi không thương xót? Nhưng rồi nghĩ lại thấy lúc đầu nhà tôi vốn không có sinh mệnh; chẳng những không có sinh mệnh mà còn không có cả hình thể nữa; chẳng những không có hình thể mà đến cái khí cũng không có nữa. Hỗn tạp ở trong cái khoảng thấp thoáng, mập mờ[7] mà biến ra thành khí, khí biến ra thành hình, hình biến ra thành sinh mệnh, bây giờ sinh lại biến ra thành tử, có khác gì bốn mùa tuần hoàn vận hành đâu. Nay nhà tôi nghỉ yên trong cái Nhà lớn[8] mà tôi còn ồn ào khóc lóc ở bên cạnh thì tôi không hiểu lẽ sống chết rồi. Vì vậy mà tôi không khóc”.
3
Chú Chi Li và chú Hoạt Giới[9] cùng ngắm mộ ông Hoàng Đế ở trên núi Minh Bá[10], trong miền hoang dã Côn Lôn. Một lát họ bỗng thấy một cái bướu[11] mọc ở khuỷu tay trái họ ra. Chi Li vừa sợ, vừa khó chịu, hỏi bạn:
- Anh thấy ghét cái bướu này không?
Hoạt Giới đáp:
- Không. Sao lại ghét nó? Sống chỉ là gởi thôi; ta sinh ra là gởi tạm ở đời này. Đời sống chỉ là bụi rác. Sống với chết, cũng như ngày và đêm, nối tiếp nhau. Vả lại anh và tôi đương quan sát sự biến hoá của tự nhiên, mà bây giờ sự biến hoá xảy đến cho tôi thì sao tôi lại ghét nó?
4
Trang tử đi qua nước Sở thấy một sọ người đã khô nhưng còn nguyên vẹn, cầm roi ngựa gõ vào, hỏi:
- Ai đó vì tham sinh, trái với thiên lí mà tới nỗi này? Hay là làm điều hại nước mà bị chết chém? Hay là có những hành vi bất lương, làm xấu hổ cha mẹ vợ con mà tới nỗi vậy? Hay là vì chết đói chết rét mà tới nỗi vậy? Hay là được sống hết tuổi trời rồi chết?
Nói xong, Trang tử lấy cái sọ đó kê đầu mà ngủ. Nửa đêm, sọ người hiện lên trong mộng, bảo:
- Nghe ông nói tựa như một biện sĩ. Ông chỉ nói đến những hệ luỵ của người sống; mà chết rồi thì hết. Ông muốn nghe tôi nói cái vui sau khi chết không?
- Dạ, xin cho nghe.
Cái sọ bèn nói:
- Chết rồi thì không có vua ở trên, bề tôi ở dưới nữa, không có công việc trong bốn mùa nữa, thung dung cùng thọ với trời đất[12], dù làm vua cũng không vui bằng.
Trang tử không tin, bảo:
- Nếu tôi xin vị thần coi việc sống chết cho hình thể ông sống lại với đủ da thịt, xương, gân, để ông gặp lại cha mẹ vợ con, bạn bè, hàng xóm thì ông có muốn không?
Cái sọ cau mày nhăn nhó đáp:
- Làm sao tôi chịu bỏ cái vui như ông vua mà chịu trở lại cảnh lao khổ của cõi người được?
5
Nhan Uyên qua phương đông, tới nước Tề. Khổng Tử có vẻ lo. Tử Cống rời cái chiếu, hỏi thầy:
- Con xin hỏi, anh Hồi qua nước Tề mà thầy có vẻ lo, là tại sao?
Khổng Tử đáp:
- Anh hỏi như vậy là phải. Xưa Quản tử (tức Quản Trọng) nói câu này mà thầy khen là rất đúng: “Cái đẫy nhỏ không chứa được một vật lớn, sợi dây ngắn không thể thòng xuống giếng sâu mà múc nước”. Lời đó nghĩa là số mệnh đã định rồi, mỗi vật thích nghi với công dụng của nó, không thể thay đổi được. Thầy sợ anh Hồi đem đạo Nghiêu, Thuấn, Hoàng Đế, rồi lại đem lời của Toại Nhân, Thần Nông giảng cho vua Tề nghe, những lời đó trái với tâm ý vua Tề, vua Tề không hiểu được, không hiểu được thì mê hoặc mà nghi ngờ, rồi giết anh Hồi mất.
Vả lại, anh không được nghe chuyện này sao? Xưa có một con chim biển đáp xuống ngoài thành nước Lỗ. Vua Lỗ ngự ra bắt nó, rước nó về thái miếu, đặt tiệc mừng nó, cho tấu nhạc Cửu Thiều, làm lễ thái lao [mổ bò, cừu và heo] khoản đãi nó. Nhưng con chim dớn dác, âu sầu, không ăn một miếng thịt, không uống một giọt rượu, ba ngày sau chết. Đó là lấy cách phụng dưỡng mình mà nuôi chim. Muốn lấy cách nuôi chim mà nuôi chim thì phải cho nó ở trong rừng sâu, tự do dạo trong đồng lầy, trôi nổi trên sông hồ; phải cho nó ăn lươn hoặc ăn cá nhỏ, để nó bay cùng hàng với những con chim khác, đáp xuống đâu thì đáp, tự do, tự tại. Chỉ nghe tiếng nói của người nó đã ghét rồi, huống hồ tiếng nhạc ồn ào đó, làm sao nó chịu nổi?
Nếu tấu khúc Hàm Trì hoặc Cửu Thiều ở cánh đồng Động Đình[13] thì loại chim nghe thấy tất bay đi, loài thú nghe tất chạy, loài cá nghe tất lặn xuống sâu, mà người thì bu lại nghe. Cá dưới nước thì sống, người ở dưới nước thì chết; vì mỗi loài một khác nên nhu cầu[14] cũng khác. Vì vậy thánh nhân thời xưa nhận rằng mỗi người có một khả năng riêng mà không dùng mọi người vào chung một việc. Danh phận phải hợp với thực tế, bổn phận phải thích nghi với khả năng. Như vậy gọi là đạt được lẽ tự nhiên mà duy trì được hạnh phúc.
6
Liệt tử trong khi qua Vệ, ngồi ăn bên đường, bỗng thấy một cái sọ người đã được một trăm năm, bèn vạch cỏ, trỏ nó, bảo: “Chỉ có ông và tôi hiểu rằng không có gì thực là sinh, thực là tử. Ông có thực là khổ không, mà tôi có thực là sướng không?[15]
7
Phôi chủng có bộ phận cực nhỏ gọi là “cơ”. Cái cơ đó gặp nước thì thành một thứ cỏ tựa như tơ, gọi là “tuyệt”[16] gặp chỗ đất giáp nước thì thành rêu xanh, gặp chỗ khô trên gò thì thành một thứ cỏ gọi là “xa tiền thảo”. Xa tiền thảo ở chỗ có phân thì thành “ô túc thảo” [cỏ chân quạ], rễ ô túc thảo biến thành bọ ray, còn lá thì biến thành bướm. Chỉ trong một thời gian ngắn, bướm biến thành con sâu nhỏ, sống ở dưới bếp lò, hình nó giống con ve mới thoát xác, tên nó là con “cù xuyết”. Sau một ngàn ngày, con cù xuyết biến thành một con chim gọi là con “Can dư cốt”. Nước bọt con này biến thành con “tư di”, con tư di biến thành con “miệt mông” [con ăn giấm], con miệt mông lại sinh ra con “di lộ”[17], con “cửu du” lại sinh ra con “hoàng huống”, con hoàng huống sinh ra con đom đóm, con đom đóm sinh ra con “mậu nhuế” [một loại sâu ở trong trái dưa]; rễ cỏ “dương hè” kết với thứ trúc lâu năm không đâm măng sinh ra con “thanh ninh” [một loại sâu ở rễ trúc], con thanh ninh sinh ra con “trình”[18], con trình sinh ra con ngựa; ngựa sinh ra người, người lại trở về cái “cơ”. Như vậy là vạn vật đều từ cái “cơ”, rồi lại về cái “cơ”.
Chỉ trừ bài 5 mà đại ý là mỗi người có một khả năng riêng; nhiệm vụ phải hợp với khả năng thì con người mới sung sướng, còn sáu bài kia nói đến sự sống chết, luật biến hoá và có thể tóm tắt trong mấy chữ này: Chết là vui.
Chết là vui vì sống là khổ:
“Người ta mới sinh ra ở đời đã phải lo lắng rồi, nếu trường thọ thì tinh thần mê muội đi, lo lắng nhiều mà vẫn không chết cho, sao mà khổ thế!”. (bài 1)
“Sống chỉ là gởi thôi; ta sinh ra là gởi tạm ở đời này. Đời sống chỉ là bụi rác.”. (bài 3)
Trái lại, “Chết rồi thì không có vua ở trên, bề tôi ở dưới, không có công việc trong bốn mùa nữa, thung dung cùng thọ với trời đất, dù làm vua cũng không vui bằng”. (bài 4)
Cho nên trong bài 2, khi vợ chết, Trang tử chẳng những không buồn mà còn “ngồi xoạc chân ra, gõ nhịp vào một cái vò mà hát”. Vui đó là vui cho vợ, khỏi phải cực khổ trên kiếp “bụi rác” này mà được yên nghỉ trong cái nhà Nhà lớn (tức vũ trụ).
Tư tưởng đó không phải của Trang mà truyện “Trang tử cổ bồn” nếu không phải là truyện tưởng tượng thì cũng không hoàn toàn đúng sự thực. Chúng ta nhớ lại, trong Đại tôn sư, Trang tử viết:
“Sống hay chết đều do mạng trời, cũng như có đêm, có ngày”. Ông “tề sinh tử”, coi sống chết ngang nhau, không trọng cái nào hơn cái nào.
Hơn nữa, trong Dưỡng sinh chủ, ông còn chỉ cho ta cách dưởng sinh, như vậy là ông ta coi trọng sự sống, muốn được vui vẻ hưởng trọn tuổi đời, chứ đâu có bảo nó là “bụi rác”.
Mà lời ông đáp sứ giả nước Sở, thích làm con rùa sống lết cái đuôi trong bùn chứ không chịu làm con rùa chết được thờ trong miếu đường (XVII.5), tuy không bàn về lẽ sống chết, chỉ tỏ ý khinh hư danh mà trọng sự an nhàn, nhưng cũng rất hợp với chủ trương không ghét sự sống của ông.
Do đó chúng ta có thể kết luận rằng chương này không phải của Trang tử, cũng không phải của môn phái ông (như chương trên) mà có lẽ là của môn phái Lão. Chương 13, Đạo Đức kinh, Lão tử có viết:
“Ta sở dĩ phải lo lớn là vì có cái thân, nếu không có cái thân thì còn lo gì nữa”. Mà muốn cho không có cái thân thì chỉ có cách là chết. Vậy cơ hồ là Lão tử chứ không phải Trang tử cho chết là vui.
Bài 7 chép về sự biến hoá của vạn vật, có một giá trị đặt biệt: Về triết học, nó muốn chứng minh rằng không có sự phân biệt sống với chết, chết tức biến thành một loài khác, bắt đầu sống một cuộc sống khác; về khoa học nó đi trước Buffon, Lamark, Darwin, tuy không giảng sự biến hoá từ giống này ra giống khác, nhưng cũng nhận được sự liên hệ giữa vạn vật từ một bộ phận cực nhỏ mà tác giả gọi là cái “cơ” – tức là một tế bào hay một phản ứng hoá học? – tiến lần lên thực vật, động vật, sau cùng là loài người. Các học giả Trung Hoa đoán bài đó của phái Hoàng Lão (Đạo giáo) hay âm dương gia viết, chứ không phải của Trang tử vì theo Trang tử vật có thể hoá thành người, người có thể hoá vật, còn bài này chủ trương rằng chỉ có vật lần lần hoá thành người thôi.
Chú thích:
[1] Nguyên văn: ác. Có sách dịch là tiếng xấu.
[2] Nguyên văn: kì vị hình dã, diệt ngoại hĩ. H.C.H. dịch là: đối với hình thể hà khắc quá.
[3] Nguyên văn: kì vị hình dã, diệc viễn hĩ. Câu này cũng như câu trong chú thích trên rất tối nghĩa, mỗi sách giảng mỗi khác.
[4] Coi chú thích chương X: Khư khiếp.
[5] Hai chữ hoảng hốt này nguyên ở Đạo Đức kinh của Lão tử. L.K.h. dịch là: vụt qua, không bắt được, không hiểu được.
[6] Ta thường dịch là vỗ vào cái bồn. Chính là cái vò bằng đất mà thời đó, nước Tần là nhạc khí.
[7] Coi chú thích bài trên. Có thể dịch là cái hư không.
[8] Tức trời đất.
[9] Chi Li tượng trưng cho sự quên hình hài; Hoạt Giới tượng trưng sự quên trí tuệ.
[10] Tượng trưng sự tối tăm.
[11] Nguyên văn là chữ liễu (cây liễu); nhưng các bản đều bảo chính là chữ lựu (cái bướu).
[12] Nguyên văn: dĩ thiên địa vi xuân thu (lấy trời đất làm mùa xuân mùa thu).
[13] Cũng như bài 3 chương Thiên vận, Động Đình ở đây chỉ là một tên tượng trưng.
[14] Nguyên văn là hiếu ố: thích và ghét.
[15] Bài này trong bộ Liệt tử, trang 96 – Lá Bối – 1972.
[16] H.C.H. bảo đọc là tuyệt, D.N.L. đọc là kế. Không có trong các tự điển.
[17] Ở đây chắc thiếu mấy chữ: con di lộ lại sinh ra con cửu du.
[18] Trình: D.N.L. cho là một loại sâu màu hong; H.C.H. lại bảo là con báo (Người nước Việt thời đó gọi con báo là trình).