Trang Tử và Nam Hoa Kinh

Chương XVII

1

 

Mùa thu khi nước dưng, cả trăm con sông đổ dồn ra Hoàng Hà, dòng nước mênh mông, tới nỗi đứng bờ bên đây nhìn qua bờ bên kia không phân biệt được con bò với con ngựa.

 

Hà Bá (thần sông Hoàng Hà) hoan hỉ, cho mình làm chủ được hết những cái đẹp trong thiên hạ. Nhưng khi xuôi dòng qua phía Đông, tới Bắc Hải[1] thấy làn nước vô biên trải ra trước mặt, mới quay lại, ngửng đầu lên nhìn [thần biển là] Nhược, bảo:

 

- Tục ngữ có câu: “Người nào được nghe trăm điều về đạo[2] thì tự cho là không ai bằng mình”. Đó chính là trường hợp của tôi. Tôi đã nghe người ta chê kiến văn của Trọng Ni không được bao nhiêu, khinh nghĩa khí của Bá Di là tầm thường, mới đầu tôi không tin; bây giờ tôi mới thấy chỗ vô biên của Ngài, nếu tôi không đến cửa của Ngài [mà thụ giáo] thì nguy cho tôi, tôi sẽ vĩnh viễn bị bậc thức giả chê cười mất.

 

Thần Bắc Hải đáp:

 

- Không thể nói về biển cho một con ếch ở đáy giếng nghe được, vì nó chỉ thấy một khoảng không gian hẹp quá. Không thể nói về băng tuyết cho một con trùng chỉ sống một mùa hè nghe được vì nó sống một khoảng thời gian ngắn quá. Không thể luận về đạo giáo cho một kẻ sĩ quê mùa[3] nghe được vì họ bị trói buộc trong điều lễ giáo.

 

Nay anh ra khỏi lòng sông, thấy biển cả mà nhận rằng mình tầm thường thì ta có thể giảng cái chân lí lớn[4] cho anh nghe được. Nước trong thiên hạ, không đâu rộng bằng biển. Vạn con sông đổ hoài vào đó, không bao giờ ngừng mà nó cũng không hề vơi. Mùa xuân, mùa thu nó vẫn vậy, không biết nắng hạn (xuân) hay lụt lội (thu). Lưu lượng nó hơn hẳn Trường Giang và Hoàng Hà[5] không biết bao nhiêu mà kể.

 

Vậy mà ta không lấy thế mà tự đắc, vì so với trời đất, với tất cả những vật thụ khí âm dương, thì ta có khác gì một hòn cuội, một cây nhỏ trong núi lớn. Biết rằng mình nhỏ rồi, đâu còn tự đắc nữa?

 

So với trời đất, bốn biển khác gì cái hang nhỏ trong cái chằm lớn? So với bốn biển, Trung Quốc khác gì một hạt lúa trong cái kho lớn? Sinh vật có cả vạn loài mà loài người chỉ là một. Trong số những người sống ở chín châu (tức Trung Quốc), ăn lúa để sống, đi lại với nhau bằng thuyền và xe, thì cá nhân chỉ là một phần tử. Vậy người so với vạn vật có khác gì đầu sợi lông trên mình con ngựa? Cái mà ngũ đế kế thừa, cái mà tam vương tranh giành nhau, cái mà hạng người có nhân lấy làm lo lắng, hạng người có tài năng phải lao khổ, rốt cục chỉ có vậy thôi ư! Bá Di từ nhượng mà được cái danh thơm, Khổng tử bàn luận mà được coi là bác học. Họ tự hào về đức về tài của họ, có khác gì lúc nãy anh khoe nước của anh nhiều không?

 

Hà Bá nói:

 

- Vậy tôi có thể cho trời đất là lớn mà đầu sợi lông là nhỏ được không?

 

- Không. Vì cái lượng của vạn vật thì vô cùng mà thời gian thì không ngừng, nó biến đổi hoài[6], không biết đâu là thuỷ đâu là chung[7]. Cho nên bậc đại trí nhìn xa rồi nhìn gần, thấy nhỏ không cho là ít, thấy lớn không cho là nhiều, vì biết rằng cái lượng của vật vô cùng; hiểu lẽ xưa cũng như nay, không tiếc thời xưa mà cũng không cầu gì ở thời nay, vì biết rằng thời gian không ngừng; xét luật đầy vơi ở trên đời, khi được đã không mừng mà khi mất cũng không lo, vì biết rằng số phận bất thường. Theo con đường bằng phẳng[8] rồi không cho sống là vui, chết là hoạ, vì biết rằng sống chết không có gì là vĩnh cửu. Cái ta biết ít hơn cái ta không biết, cuộc đời ta sống không dài bằng thời gian trước khi ta sinh ra. Lấy cái cực nhỏ [tức trí tuệ và đời sống của ta] mà muốn hiểu đến cùng cái cực lớn [tức tất cả cái ta không biết và cả thới gian trước khi ta sinh ra], như vậy là mê loạn, không bao giờ thoả mãn được. Đã vậy rồi thì làm sao có thể biết được đầu cái lông làm tiêu chuẩn cho cái cực nhỏ, mà trời đất làm tiêu chuẩn cho cái cực lớn?

 

Hà Bá hỏi:

 

- Bọn nghị luận ngày nay bảo cái cực nhỏ không có hình thể, cái cực lớn không có giới hạn, có thực vậy không?

 

- Từ lập trường nhỏ mà xem cái lớn thì không thấy khắp được, từ lập trường lớn mà xem cái nhỏ thì không thấy rõ được. Cái cực nhỏ là cái nhỏ nhất trong những cái nhỏ, cái cực lớn là cái lớn nhất trong những cái lớn. Hai cái đó đều có ưu điểm riêng, hiện tượng đó vốn có[9]. Phân biệt tinh với thô là xét những vật hữu hình; những vật vô hình thì không thể phân chia ra được; cái gì không có giới hạn thì không thể tính được. Cái có thể diễn bằng lời được là cái “thô” của của sự vật, cái mà ý có thể đạt được là cái “tinh” của sự vật. Cái gì mà lời không thể diễn, ý không thể đạt thì vượt lên trên cái tinh và cái thô.

 

Bậc đại nhân hành động không làm hại ai cũng không coi trọng lòng nhân và sự gia ân cho người. Họ hành động không vì lợi, không khinh người coi cửa, người đầy tớ, không tranh của cải, không coi trọng sự từ nhượng, làm việc thì không nhờ cậy ai, mà cũng không khoe rằng chỉ trông cậy ở sức mình, cũng không khinh bọn tham ô. Hạnh thì khác hẳn thế tục mà không tự hào rằng mình khác người; làm thì theo đám đông mà không khinh bọn siểm nịnh. Tước lộc không khuyến khích được họ, hình phạt không làm nhục họ được vì họ biết rằng không có gì định được phải trái, lớn và nhỏ. Ta nghe nói rằng: “Bậc đạt Đạo thì không có danh tiếng, bậc chí đức thì không cần được gì cả, còn bậc đại nhân thì không biết có mình”. Đó là tự thu giảm (từ nhượng) tới mức độ cực cao[10].

 

Hà Bá hỏi:

 

- [Vật không có tinh và thô, nhưng có trong và ngoài], vậy lấy bề ngoài hay bề trong mà xét thì làm sao phân biệt được quí tiện, lớn nhỏ?

 

Thần Bắc Hải đáp:

 

- Theo lập trường Đạo mà xét thì vật không có quí tiện. Theo lập trường của vật mà xét thì vật nào cũng cho mình là quí mà vật khác là tiện. Theo thế tục mà xét thì quí tiện không tuỳ thuộc chính mình [mà tuỳ thuộc ý kiến của người khác về mình].

 

Lấy con mắt sai biệt mà xét, muốn nhấn vào chỗ lớn[11] thì không vật nào không lớn; muốn nhấn vào chỗ nhỏ thì không vật nào là không nhỏ. Biết trời đất chỉ nhỏ bằng hột kê mà đầu chiếc lông lớn bằng đồi, núi, tức là hiểu rõ cái độ số sai biệt rồi.

 

Xét về phương diện công hiệu, muốn nhấn vào sự công dụng thì không vật nào không có công dụng ; muốn nhấn vào sự vô dụng thì không vật nào có công dụng. Biết được đông và tây đối lập nhau, mà phải có phương này mới có phương kia, tức là phân định được công dụng mỗi vật rồi.

 

Xét về phương diện ý hướng, muốn nhấn vào chỗ phải của mỗi vật thì không vật nào là không phải; muốn nhấn vào vào chỗ không phải của mỗi vật thì vật nào cũng là không phải. Biết rằng Nghiêu và Kiệt đều tự cho mình là phải mà đối phương là quấy, tức là có ý niệm đúng về ý tưởng, hành vi của mọi người rồi.

 

Xưa kia Nghiêu và Thuấn vì nhường ngôi mà thành đế vương, vua Yên và Khoái vì nhường ngôi cho tể tướng là Tử Chi[12] mà thân chết, nước mất; Thang và Võ [vương] nhờ tranh đoạt mà lên ngôi vua, Bạch công[13] vì tranh đoạt mà bị giết. Do đó mà xét, việc tranh đoạt hay nhường ngôi, hành vi của Nghiêu và Kiệt, bên nào là cao quí, bên nào là đê tiện, đều là tuỳ thời, không có gì là nhất định.

 

Cái đòn nóc hoặc cái rường nhà có thể dùng để tông cửa thành mà không thể dùng để lắp cái lỗ nhỏ, vì mỗi việc có một khí cụ riêng. Loài ngựa tốt kí, kì, và con Hoa lưu[14] một ngày đi ngàn dặm mà bắt chuột không bằng con li tinh[15], vì mỗi loài có một tài riêng. Ban đêm con cú, con vọ bắt được con mạt, thấy được đầu chiếc lông, mà ban ngày mở mắt ra cũng không thấy được ngọn đồi, ngọn núi, đó là bản tính của mỗi loài vật.

 

Cho nên bảo chỉ muốn bắt chước cái phải mà bỏ cái trái, chỉ muốn có trị mà không có loạn là chưa hiểu cái lí của trời đất; cái bản thể của vạn vật. Như vậy không khác gì chỉ muốn bắt chước trời mà không biết có đất, bắt chước âm mà không biết có dương, điều đó hiển nhiên là không thể được. Nếu cứ cố chấp giữ ý đó thì không phải là ngu muội cũng là lừa gạt. Ngủ đế nhường ngôi mỗi vị mỗi khác, tam đại nhừng ngôi mỗi nhà mỗi khác. Kẻ nào chiếm quyền, mà không hợp thời nghi, trái với lòng dân thì gọi là kẻ cướp ngôi; nếu hợp thời nghi, thuận với lòng dân thì gọi là hợp nghĩa. Thôi đừng nói nữa, Hà Bá! Anh làm sao phân biệt được quí tiện, lớn nhỏ.

 

Hà Bá hỏi:

 

- Vậy thì tôi nên làm gì? Không nên làm gì? Nên từ bỏ hay nên nhận cái gì? Nên tiến hay nên lui? Phải làm sao đây?

 

Thần Bắc Hải đáp:

 

- Theo lập trường Đạo mà xét thì có gì là quí, là tiện? Đó chỉ là tương đối trái nhau thôi[16]. Anh đừng nên câu chấp, như vậy trái với đạo. Cái gì là ít, là nhiều? Ít, nhiều chỉ là những nhận định nhất thời thôi. Anh đừng chấp nhất trong hành vi, như vậy là sai Đạo.

 

- Anh phải nghiêm như một ông vua, không có ân huệ thiên tư, phải tự tại[17] như thần Xã trong lúc tế lễ, không ban phúc cho riêng ai; lòng phải rộng rãi như bốn phương vô cùng, không có bờ cõi, ôm cả vạn vật, không che chở riêng cho vật nào. Như vậy là vô tư.

 

Vạn vật đều ngang nhau, có vật nào dài, vật nào ngắn đâu? Đạo không có đầu có cuối. Vật sinh rồi chết, đừng trông cậy nó thành tựu vì vật có lúc đầy lúc vơi, không có hình thể bất biến. Tuổi không lùi lại được, thời gian không thể ngừng lại được. Có tăng thì có giảm, có đầy có vơi, có chung thì có thuỷ. Có thể coi đó là xu hướng của Đạo, tình lí của vạn vật. Đời vạn vật qua mau như ngựa chạy, không có cái động nào mà không biến, không lúc nào là không chuyển. Anh hỏi nên làm gì, không nên làm gì ư? Thì cứ để cho bản thân anh tự nhiên biến hoá.

 

Hà Bá hỏi:

 

- Đạo có gì mà quí vậy?

 

Thần Bắc Hải đáp:

 

- Ai hiểu Đạo thì tất biết lí[18], biết được lí thì rõ phép quyền biến, rõ phép quyền biến thì không bị ngoại vật làm tổn thương. Bậc chí đức thì vô lửa mà không nóng, xuống nước mà không chìm, nóng và lạnh không làm cho đau được, cầm thú không làm hại được. Không phải bậc chí đức khinh suất coi thường những cái đó; họ xét rõ an nguy, bình tĩnh trước hoạ và phúc, thận trọng tiến lui, cho nên không cái gì làm hại được.

 

Cho nên bảo: “Trời ở trong, người ở ngoài[19], mà Đức ở trời. Biết được tác dụng của trời, của người thì lấy trời làm gốc mà đứng vững ở Đức[20]; người như vậy có thể tiến lui, co duỗi, trở về cái cốt yếu mà bàn về cái cao nhất của Đạo”.

 

Hà Bá hỏi:

 

- Thế nào là trời? Thế nào là người?

 

- Bò và ngựa có bốn chân, đó là trời [thiên nhiên], cột đầu ngựa, xỏ mũi bò là người [làm ra]. Đừng đem cái người mà mà diệt cái thiên nhiên, đừng đem hành động mà diệt trật tự vũ trụ [mệnh][21], đừng đem cái bản tính của mình mà hi sinh có danh tiếng. Cẩn thận giữ đúng như vậy mà dừng quên, thì là trở về cái bản chất [phản kì chân] của mình.

 

 

2

 

Con quì ước ao được như con huyên, con huyên ước ao được như con rắn; con rắn ước ao được như gió; gió ước ao được như mắt; mắt ước ao được như tim[22].

 

Con quì bảo con huyên:

 

- Tôi lò cò một chân mà đi, không bằng anh được[23]. Sao mà anh dùng được cả vạn chân như vậy?

 

Con huyên đáp:

 

- Không phải vậy. Anh có thấy một người nhổ nước miếng không? Những giọt phun ra lớn thì như hạt châu, nhỏ như sương mù, hết thảy đều rớt xuống, lẫn lộn, nhiều vô số kể. Tôi vận động theo bản tính tự nhiên [thiên cơ], không hiểu tại sao như vậy.

Con huyên hỏi con rắn:

- Tôi có nhiều chân như vậy, anh không có chân, mà tôi không đi nhanh bằng anh?

Con rắn đáp:

- Đó là do bản tính tự nhiên, không thể thay đổi được. Tôi có cần dùng gì đến chân đâu?

Con rắn hỏi gió:

 

- Tôi đi bằng xương sống và hai bên sườn của tôi, như vậy là tôi có hình thể. Còn anh ù ù nổi lên ở Bắc Hải, thổi tới Nam Hải, mà cơ hồ không có hình thể. Tại sao vậy?

 

Gió đáp:

 

- Phải, tôi ù ù nổi lên ở Bắc Hải, thổi tới Nam Hải, nhưng người ta lấy ngón tay trỏ tôi, tôi không chống lại được, lấy chân đạp tôi, tôi cũng đành chịu. Tuy nhiên làm gẫy cây lớn, thổi bay nóc nhà lớn, thì chỉ tôi mới làm được. Vậy tôi biết dùng những cái thua nhỏ để thành một cái thắng lớn. Chỉ bậc thánh nhân mới tạo được những thắng lớn.

3

 

 

Khi Khổng Tử đi tới đất Khuông, bị một đám người bao vây vòng trong, vòng ngoài. Vậy mà ông vẫn đàn hát không ngừng.

 

Tử Lộ lại gần hỏi:

 

- Lúc này mà sao thầy vui được như vậy?

 

Khổng Tử đáp:

 

- Lai đây thầy nói cho nghe. Ta vốn tránh sự khốn cùng từ lâu, mà không thoát khỏi, đó là do số mệnh. Ta vốn mong được thông đạt từ lâu mà không sao được, đó là thời vận. Thời Nghiêu Thuấn không ai khốn khổ, đâu phải vì ai cũng khôn cả. Thời Kiệt, Trụ, không ai sung sướng, không phải vì ai cũng ngu cả. Thời thế khiến vậy.

 

Xuống nước mà không sợ con giao[24], con rồng, đó là cái dũng của bọn chài lưới; trên bộ mà không sợ con tê ngưu, con cọp, đó là cái dũng của bọn thợ săn. Trước mũi gươm đao, mà coi chết như sống, đó là cái dũng của liệt sĩ. Biết rằng khốn cùng do mệnh, thông đạt nhờ thời, gặp nạn lớn mà không sợ, đó là cái dũng của thánh nhân. Do [tức Tử Lộ], anh cứ yên tâm. Số mệnh thầy đã được an bài rồi.

 

Một lát sau, một người đeo binh khí, tiến tới xin lỗi Khổng Tử:

 

- chúng tôi lầm ngài là Dương Hổ nên mới bao vây. Bây giờ biết là lầm, xin ngài thứ lỗi cho.

 

Nói rồi, người đó rút lui.

 

4

 

 

Công Tôn Long[25] hỏi Nguỵ Mâu[26]:

 

- Hồi trẻ tôi học đạo tiên vương, lớn lên hiểu rõ nhân nghĩa, biết hỗn hợp cái giống nhau và cái khác nhau, tách cái rắn và cái cứng (trong cục đá) ra, phủ nhận cái mà người khác xác nhận, chấp nhận cái người khác không chấp nhận, làmhoang mang trí tuệ bách gia, khuất phục được nhiều người khi biện thuyết, tôi tự cho như vậy là kiến thức tuyệt vời rồi. Nhưng bây giờ nghe lời nghị luận của Trang tử, tôi ngạc nhiên, hoang mang, không biết tại tôi lí luận chưa sâu sắc hay trí tuệ tôi không bằng ông ấy, mà đành câm miệng không nói gì được. Xin hỏi ông như vậy là nghĩa làm sao?

 

Công tử Mâu ngồi dựa vào cái kỉ, thở dài, ngước mắt lên trời mà cười:

 

- Ông có được nghe kể chuyện này không? Một con ếch nhỏ ngồi trong một cái giếng sụp nói với một con rùa lớn Biển đông: “Tôi sung sướng quá, tôi có thể ra khỏi giếng, nhảy lên miệng giếng, rồi lại vô giếng, ngồi nghỉ trong những kẽ gạch của thành giếng. Bơi trong nước thì nước đở nách và cằm tôi, nhảy xuống bùn thì bùn lấp chân tôi tới mắc cá. Ngó lại phía sau, thấy con lăng quăng, con cua, con nòng nọc, không con nào sướng bằng tôi. Vã lại một mình chiếm một chỗ nước tụ, tự do bơi lội trong một cái giếng sụp, còn vui gì hơn nữa? Sao anh không vô giếng tôi một lát coi cho biết?

 

Con rùa Biển đông vừa mới muốn đút cái chân bên trái vô giếng thì thấy không còn chỗ vì cái đùi bên phải đã bít cái giếng rồi. Nó từ từ rút chân ra, lùi lại, bảo con ếch:

 

- Biển đông mênh mông, ngàn dậm đã thấm gì, sâu thăm thẳm, ngàn nhẫn[27] đã thấm gì. Thời vua Vũ, cứ mười năm thì chín năm lụt, vậy mà mực nước biển không lên. Thời vua Thang, tám năm thì bảy năm hạn hán, vậy mà bờ biển không lùi ra xa. Không vì thời gian ngắn hay dài mà thay đổi, không vì mưa nhiều hay ít mà tăng giảm, đó là cái vui lớn của Biển đông.

 

Con ếch trong cái giếng sụp nghe vậy ngạc nhiên, thu hình lại, hoảng hốt, bối rối.

 

[Công tử Mâu nói tiếp:]

 

- Vả lại, người nào mà trí tuệ chưa biết được đâu là phải đâu là trái mà đòi xét thuyết của Trang tử thì khác gì con muỗi muốn khiêng núi trên vai hoặc con rết muốn chạy đua với sông Hoàng Hà. Không thể nào được. Người nào trí tuệ không nhận được những sâu sắc tế nhị, kì diệu trong nghị luận mà chỉ tìm những thắng lợi nhất thời thì khác gì con ếch nhỏ trong cái giếng súp đó?

 

Trang tử, chân đạp vào suối vàng mà bay bỗng lên trời xanh, không phân biệt Nam, Bắc, tinh thần bàn bạc khắp vũ trụ, nhập vào chỗ thâm áo không lường được, không phân biệt Đông, Tây, xuất phát từ chỗ tối tâm nguyên thuỷ (huyền minh) rồi trở về với Đạo.

 

Mà ông hẹp hòi muốn lấy nhãn quang thế tục để phân tích, dùng biện luận để tìm hiểu, có khác gì nhìn trời qua một ống trúc, đâm[28] mặt đất bằng một cây dùi. Như vậy có nhỏ mọn quá không? Ông nên thôi đi.

 

Ông có nghe nói bọn thanh niên [quê mùa] ở Thọ Lăng [một ấp ở nước Yên] lại Hàm Đan [kinh đô của Triệu] học dáng đi uyển chuyển của người Triệu không? Chưa học được thì đã quên cách đi cũ của họ rồi, đành phải bỏ mà trở về. Như ông không về ngay đi thì sẽ quên hết những điều ông đã biết mà mất cái nghề nguỵ biện của ông.

 

Công Tôn Long mở miệng không được, lưỡi ríu lại, vội vàng chạy đi.

 

5

 

 

Trang tử câu trên sông Bộc.Vua Sở[29] phái hai vị đại phu lại báo trước “sẽ xin đem việc nước lại làm phiền ông”.

 

Trang tử vẫn cầm cần câu, không ngoảnh lại, mà đáp:

 

- Tôi nghe nước Sở có một con rùa thần, chết đã ba ngàn năm, nhà vua gói nó vào chiếc khăn, cất trong cái hộp ở trên miếu đường. Con rùa ấy chịu chết mà lưu lại bộ xương cho người ta thờ hay thích sống mà lết cái đuôi trong bùn?

 

Hai vị đại phu đáp:

 

- Thà sống mà lết cái đuôi trong bùn còn hơn.

 

Trang tử bảo:

 

- Vậy hai ông về đi! Tôi cũng thích lết cái đuôi trong bùn đây”.

 

6

 

 

Huệ tử [tức Huệ Thi] làm tể tướng nước Lương. Trang tử qua thăm. Có kẻ nói với Huệ tử rằng Trang tử lại để tranh ngôi tể tướng. Huệ tử sợ hải, sai người tìm Trang tử khắp nước suốt ba ngày đêm.

 

Khi tới, Trang tử bảo:

 

- Ông có biết một con chim ở phương Nam người ta gọi là con uyên sồ[30]không? Khi nó cất cánh từ Nam hải mà lên Bắc hải, không phải là cây ngô đồng thì nó không đậu, không phải là hột luyện thì nó không ăn, không phải là nước suối ngọt thì nó không uống. Một con chim cú đương rỉa xác một con chuột thấy nó bay ngang [sợ nó tranh ăn], ngửng lên nhìn nó, kêu lên một tiếng lớn doạ nó. Nay ông vì [cái ngôi tể tướng] nước Lương mà cũng muốn kêu lên để doạ tôi sao?

 

7[31]

 

 

Trang tử cùng với Huệ tử đi dạo trên cầu sông Hào. Trang tử bảo:

 

- Đàn cá du[32] kia thung thăng bơi lội, đó là cái vui của cá.

 

Huệ tử bẻ:

 

- Ông không phải là cá, làm sao biết được cái vui của cá?

 

Trang tử đáp:

 

- Ông không phải là tôi, làm sao biết được rằng tôi không biết cái vui của cá?

 

- Tôi không phải là ông, dĩ nhiên tôi không biết được ông, nhưng ông không phải là cá thì hiển nhiên là ông không biết được cái vui của cá.

 

Trang tử bảo:

 

- Xin trở lại câu hỏi đầu tiên. Ông hỏi tôi làm sao biết được cái vui của cá. Như vậy tức là ông nhận rằng tôi đã biết cái vui đó rồi [nên mới hỏi làm sao tôi biết được?]. Làm sao biết tôi được ư? Thì đây: tôi đứng trên cầu sông Hào này mà biết được.

 

NHẬN ĐỊNH

 

 

Các học giả từ Vương Phu Chi, Diệp Quốc Khánh tới La Căn Trạch, Hoàng Cẩm Hoành… đều cho rằng chương này không phải của Trang tử viết.

 

Như bài 5 (Trang tử câu trên sông Bộc, không chịu giúp vua Sở), bài 6 (Trang tử ví mình như con “uyên sồ”, cho Huệ tử là con cú) đều là của người đời sau viết về Trang. Hiển nhiên nhất là bài 4 trong đó Nguỵ Mâu cực lực đề cao Trang.

 

“Trang tử chân đạp vào suối vàng mà bay bổng lên trời xanh… tinh thần bàn bạc khắp vũ trụ, nhập vào chỗ thâm áo không lường được…”.

 

Một lẽ nữa là bút pháp có chỗ nặng về biện thuyết, lô gích, khác xa bút pháp của Trang, như bài 7.

 

Lẽ thứ ba, trong bài 1 có câu:

 

“Xưa kia, vua Yên là Khoát nhường ngôi cho Tử Chi…”. Việc đó xảy ra vào thời Tề Tuyên vương, tức đương thời Trang tử. Người viết bài đó phải sinh sau Trang tử nên mới dùng hai chữ “xưa kia” (tích giả).

 

Nhưng xét về nội dung thì những tư tưởng chính trong chương, không có lớn nhỏ, sang hèn, thị phi (bài 1); vật nào cũng có khả năng riêng, hoạt động theo bản tính, vậy không nên ganh tị, ước ao được như những vật khác (bài 2), biện luận không giúp ta tìm được chân lí (bài 4) thì đúng là tư tưởng của Trang trong Tề vật luận và Tiêu dao du.

 

Đặc biệt là những đoạn dưới đây trong bài 1:

 

- Không thể cho trời đất là lớn mà sợi lông là nhỏ vì “cái lượng của vật thì vô cùng mà thời gian thì không ngừng, nó biến đổi hoài, không biết đâu là thuỷ là chung”.

 

- “Theo lập trường Đạo mà xét thì vật không có quí tiện… Lấy con mắt sai biệt mà xét, muốn nhấn vào chỗ lớn thì không vật nào không lớn; muốn nhấn vào chỗ nhỏ thì không vật nào là không nhỏ… Xét về phương diện ý hướng, muốn nhấn vào chỗ phải của mỗi vật thì không vật nào là không phải, muốn nhấn vào chỗ không phải thì không vật nào là không phải”.

 

- Vạn vật đều ngang nhau, có vật nào dài, vật nào ngắn đâu? Đạo không có đầu có cuối. Vật sinh rồi chết, đừng trông cậy nó thành tựu vì vật có lúc đầy lúc vơi, không có hình thể bất biến. Tuổi không lùi lại được, thời gian không thể ngừng lại được. Có tăng thì có giảm, có đầy có vơi, có chung thì có thuỷ. Có thể coi đó là xu hướng của Đạo, lí của vạn vật…”.

 

Chỉ là khai triển tư tưởng của Trang, nhưng phải là môn đệ thông minh, trung thành của Trang mới viết được. Có nhà đoán rằng hạng môn đệ đó sống đời Tần hoặc Hán.

 

Tuy nhiên, trong bài 1 đó, cũng có điểm khác Trang. Tác giả có vẻ không chấp nhận sự huyền bí, bảo hạng chí đức vô lửa mà không nóng, xuống nước mà không chìm, nóng lạnh không làm cho đau được, không làm hại được chỉ là vì thận trọng tiến lui, xét rõ an nguy, bình tĩnh trước hoạ phúc.

 

Chương này được nhiều người thích vì giọng khoáng đạt trong bài 1 và những cố sự về Trang (bài 5, 6, 7) tuy không chắc là đúng, nhưng lí thú.

Chú thích:

[1] Bắc hải đây là phía bắc Đông hải.

[2] Nghĩa là chưa được bao nhiêu mà tự cho là nhiều.

[3] Nguyên văn: khúc sĩ, kẻ sĩ ở chốn quê mùa, hẻo lánh; có sách giảng là kẻ tiểu nhân.

[4] Nguyên văn: đại lí. L.K.h. dịch là cái trật tự trong xã hội.

[5] Hai con sông lớn nhất Trung Hoa.

[6] Vật biến đổi hoài nên lượng của nó vô cùng.

[7] Thời gian trôi hoài nên không biết đâu là đầu là cuối.

[8] Câu này mỗi sách hiểu mỗi khác, tôi dịch theo ý riêng, không chắc đã đúng.

[9] Nguyên văn: Cố di tiện, thử thế chi hữu dã. Mỗi sách giảng mỗi khác. Có sách dịch là: …đều có tiện lợi riêng, do hình thể mà nói.

[10] Nguyên văn cũng rất tối nghĩa: ước phận chi chí dã. Có sách dịch là: từ bỏ tới cực độ. Sách khác dịch là hợp tất cả làm một.

[11] Nguyên văn: nhân kì sở đại nhi đại chi. Có sách dịch là: nhân cái lớn của mỗi vật. [Trong sách, những lời này dùng để chú giải câu “muốn nhấn vào chỗ lớn” và cả hai câu ở hai đoạn tiếp theo: “muốn nhấn mạnh vào sự công dụng”“muốn nhấn mạnh vào chỗ phải của mỗi vật”; nhưng đối chiếu với bản Nguyễn Duy Cần và bản chữ Hán trên trang http://gx.kdd.cc/8/4O/, thì nguyên văn ba câu tương ứng lần lượt là: nhân kì sở đại nhi đại chi 因 其 所 大 而 大 之; nhân kì sở hữu nhi hữu chi 因其 所 有 而 有 之; nhân kỳ sở nhiên nhi nhiên chi 因其 所 然 而 然 之 - Goldfish].

 

[12] Việc này xảy ra vào thời Tề Tuyên vương (coi Chiến Quốc sách – VIII.9 – trang 626 – Lá Bối – 1972), vậy là xảy ra ở thời Trang tử. Nhưng người viết bài này sống sau Trang tử, nên mới sắp vào việc thời xưa (tích giả - xưa kia).

[13] Tên là Thắng, cháu nội của Sở Bình vương, dấy binh tranh ngôi, bị Diệp công giết.

[14] Hoa lưu: tên một con ngựa tốt trong số tám con ngựa tốt của Chu Mục vương. [Goldfish].

[15] Một loài chồn.

[16] Nguyên văn: phản diễn. Có sách dịch là “hợp nhất”, tức là tuy hai mà một. Có sách giảng là quí, tiện tuần hoàn nhau.

[17] Nguyên văn: diêu diêu là tươi tỉnh.

[18] Theo L.K.h., đây là trật tự của vũ trụ.

[19] Nghĩa là thiên cơ ở trong lòng, hành vi của người hiện ra ở ngoài.

[20] Theo L.K.h., chữ đắc (trong vị hồ đắc) phải sửa là chữ đức.

[21] Nguyên văn: vô dĩ cố diệt mệnh. H.C.H. dịch là đừng vì sự cố mà huỷ diệt tính mệnh. Tôi theo L.K.h.

[22] Có thể hiểu như vầy: con quì (một quái vật tượng trưng có một chân) đi chậm hơn con huyên (một loài trùng có trăm chân, con rết chẳng?) có trăm chân, con huyên bò chậm hơn con rắn không có chân, rắn đi nhanh không bằng gió, gió còn thua mắt vì mắt thấy liền, mắt thua tim (tinh thần) vì tim nghĩ tới được những cái mà mắt không thấy. Do dó con quì ước ao được như con huyên, con huyên ước ao được như con rắn…

[23] Nguyên văn: dư vô như hĩ. Có sách dịch: không gì tiến bằng tôi.

[24] Con giao, theo tự điển, cùng một loại với con rồng.

[25] Công Tôn Long ở trong phái danh gia (khoảng -330 -242), kém Trang tử khoảng ba chục tuổi. Trong chương Tề vật luận, Trang tử đã chỉ trích thuyết của Công Tôn Long. Công Tôn Long tách cái cứng và cái trắng (li kiên bạch); còn Huệ Thi thì hỗn hợp cái giống nhau và cái khác nhau (hợp đồng dị). Tác giả bài này không phải Trang tử, đã lầm, cho thuyết hợp đồng dị cũng của Công Tôn Long.

[26] Công tử nước Nguỵ, tên Mâu, chính là môn đệ Dương Chu, ở đây tác giả cho là môn đệ Trang tử.

[27] Mỗi nhẫn là tám thước đời Chu.

[28] Nguyên văn: chỉ. H.C.H. dịch là đo.

[29] Sở Uy vương. Sử kí của Tư Mã Thiên cũng chép truyện này, nhưng lời khác hẳn.

[30] Một loài chim phượng

[31] Trong sách in thiếu (tên bài) 1, 2, 7. Về sau, với các lỗi như thế, tôi chỉ sửa mà không chú thích. [Goldfish]

[32] Một loại cá trắng.