Dietrich Von Nieheim
Giám mục thành Verden
(De Schismota Libri III, A.D. 1411)
1.
Trích trong tập Hồi Ký của N. S. Roubachof ngày thứ năm trong tù.
“... Sự thật tối hậu bao giờ cũng có vẻ sai lầm trong cuộc phân tách áp chót. Kẻ có lý sau cùng thường lại hình như bậy trong ý nghĩ và trong hành động của hắn.
Nhưng ai lại có lý sau cùng? Điều đó chỉ có thể biết sau này thôi. Trong khi chờ đợi, hắn phải hoạt động vô hiệu và bán linh hồn cho quỷ để mong Lịch sư xá tội.
Người ta đồn rằng Người số I giữ thường trực ở đầu nằm quyển Ông Hoàng của Machiavel. Ông ta có lý: từ Machiavel đến nay, không ai nói điều gì thật tình quan trọng về các quy điều của đạo đức chánh trị. Chúng ta là những người đầu tiên thay thế đạo đức tự do của thế kỷ 19, đặt nền tảng trên trò chơi ngay thẳng, bằng đạo đức cách mạng của thế kỷ 40. Về việc này, chúng ta cũng có lý: một cuộc cách mạng được chỉ đạo theo các quy lệ của trò quần vợt là một sự vô lý. Chánh trị có thể tương đối ngay thẳng vào những thời mà giòng Lịch sử chảy một cách uể oải; ở những khúc quanh nguy cấp, quy lệ duy nhứt là kết quả minh chứng cho thủ đoạn. Chúng ta đã đưa vào thế kỷ này tân giảo quyệt chủ nghĩa; những kẻ khác, những nền độc tài phản cách mạng đã chịu ảnh huởng nặng nề của ta. Chúng ta là những tín đồ của tân giảo quyệt chủ nghĩa nhân danh lý trí đại đồng - đó là sự vĩ đại của chúng ta; những kẻ khác cũng thế nhưng nhân danh một chủ nghĩa lãng mạn quốc gia, đó là sự lỗi thời của họ. Vì vậy, chung cuộc, Lịch sử sẽ xá tội cho chúng ta, chớ không xá tội cho họ...
Nhưng hiện giờ, chúng ta suy tư và hoạt động một cách vô hiệu. Đã liệng bỏ hết những quy ước và tinh thần của trò quần vợt, nguyên tắc chỉ đạo duy nhất của chúng ta là nguyên tắc của sự kết quả hợp lý. Chúng ta lệ thuộc một sự bó buộc ghê gớm là theo dõi tư tưởng ta đến những kết quả tối hậu, để rồi hành động cho phù hợp. Chúng ta lái một chiếc thuyền chông chênh, không dằn nặng, do đó, mỗi cái chèo là một vấn đề sống chết.
Cách đây không lâu, B., một nhà nông học sáng chói nhứt của ta đã bị bắn với ba mươi cộng sự viên của anh, bởi vì anh chủ trương rằng những hóa chất nitrates trong vấn đề phân bón, tốt hơn potasse. Người số I chọn chất potasse. Thế là phải thanh toán B. và ba mươi cộng sự viên của anh ta về tội phá hoại. Đối với một nền nông nghiệp đặt nền tảng trên sự tập trung về nhà nước, thì việc chọn lựa giữa nitrates và potasse có một tầm quan trọng rộng lớn: kết quả của cuộc chiến tranh sau này có thể tùy thuộc vào sự chọn lựa đó. Nếu Người số I có lý; lịch sử sẽ xá tội cho ông, và việc hành quyết ba mươi mốt người đó sẽ được xem là một chuyện nhỏ mọn. Nhưng nếu Người số I lầm...
Chỉ còn điểm này là có giá trị thôi: Tìm hiểu xem ai có lý một cách khách quan. Các nhà luân lý học của trường phái trò chơi quần vợt sôi nổi về một vấn đề khác hẳn: Tìm hiểu xem B. có thiện ý một cách chủ quan không khi anh ta khuyên dùng chất Azote. Nếu anh có thiện ý thì bấy giờ ta phải tha bổng anh và cho phép anh truyên tuyền cho chất nitrates, dầu việc đó có thể làm quốc gia suy sụp.
Chắc chắn chuyện đó là một sự vô lý hoàn toàn. Đối với chúng ta, vấn đề thiện ý chủ quan không đáng chú ý. Kẻ nào bậy phải bị tiêu diệt, kẻ nào hữu lý sẽ được xá miễn. Đó là luật của tín dụng lịch sử; đó cũng là luật của chúng ta.
Lịch sử cho ta biết rằng thường thường những sự dối trá phục vụ lịch sử hữu hiệu hơn là sự thật; vì con người vốn biếng lười, và phải bắt họ vượt sa mạc trong bốn mươi năm, trước mỗi chặn bành trướng của họ. Và để bắt buộc họ vượt sa mạc, thì hăm dọa và hứa hẹn rất cần; con người cần những sự khủng khiếp tưởng tượng và những sự an ủi tưởng tượng, bằng không họ sẽ ngồi và ngơi nghỉ quá sớm và giải trí bằng A cách sùng bái kim tiền.
Chúng ta đã học lịch sử kỹ lưỡng hơn những kẻ khác. Chúng ta khác mọi người nhờ ở lối lý luận minh bạch của chúng ta. Chúng ta biết rằng đạo đức không có nghĩa gì trước Lịch sử, và những tội ác vẫn không bị trừng trị; nhưng mỗi sai lầm đều có hậu quả và trừng phạt đến thế hệ thứ bảy. Bởi vậy, chúng ta tập trung nỗ lực vào những biện pháp có mục đích ngăn ngừa sai lầm và suy luận để tìm kiếm sự sai lầm đó tận mầm mống. Chưa bao giờ trong Lịch sử một khả năng hành động cho tương lai nhân loại lại tập trung vào số người ít như vậy. Mỗi tư tưởng sai lầm mà ta diễn thành hành động là một trọng tội đối với những thế hệ tương lai. Do đó, chúng ta quyết trừng trị tội ác: bằng cái chết. Người ta cho chúng ta là những kẻ điên vì chúng ta theo dõi mỗi tư tưởng cho đến kết quả tối hậu rồi hành động cho thích hợp. Người ta so sánh chúng ta với Tôn giáo pháp đình thời Trung cổ, bởi vì, như những Pháp quan thời đó, chúng ta lúc nào cũng ý thức triệt để trách nhiệm của chúng ta đối với một tương lai vượt khỏi cá thể. Chúng ta giống như các Pháp quan bởi vì chúng ta tiễu trừ mầm móng tội lỗi không những trong hành động của con người mà cả trong tư tưởng của họ nữa. Chúng ta không chấp nhận sự tồn tại của bất cứ một ngành hoạt động tư nhân nào cả, dầu là trong đầu óc của một cá nhân. Chúng ta sống trong sự bắt buộc thúc đẩy sự phân tích luận lý đến cùng tột. Tư tưởng của chúng ta được “sạt” cao thế đến nỗi một sự đụng chạm nhỏ mọn cũng có thể gây ra một cuộc “chạm điện” chết người. Chúng ta bị định mạng đưa tới cảnh tàn sát lẫn nhau.
Tôi là một trong những khối óc ấy. Tôi suy tư và hành động theo đường lối đó: tôi đã tiêu diệt nhiều kẻ thương tôi, và tôi đưa quyền hành đến cho nhiều kẻ tôi không ưa thích. Lịch sử đã đặt tôi vào địa vị mà tôi đã chiếm; tôi đã xài hết khoản tín dụng mà lịch sử đã dành cho tôi; nếu tôi có lý, tôi không phải hối hận; nếu tôi bậy, tôi sẽ trả.
Nhưng trong hiện tại làm thế nào người ta quyết định được những gì được xem là sự thật trong tương lai? Chúng ta làm công tác của các nhà tiên tri mà chẳng có thiên tư về môn ấy.
Chúng ta đã thay thế thị lực đặc biệt nhìn thấy tương lai bằng sự suy diễn hợp lý; nhưng mặc dầu tất cả đều phát khởi từ một điểm, chúng ta đã đi đến những kết quả khác biệt. Một bằng chứng này bác một bằng chứng khác và chót hết, chúng ta phải nhờ đến đức tin - một đức tin không cần chứng giải trong sự chính xác của những lối suy luận của chính chúng ta. Đó là điểm quyết định. Chúng ta đã liệng tất cả vật nặng dằn thuyền xuống biển; chỉ một con neo giữ ta lại: đức tin ở chính mình. Hình học là sự thực hiện minh bạch nhứt của lý trí nhân loại; nhưng cũng chẳng có cách nào có thể chứng minh được những định đề của Euclide. Kẻ nào không tin tưởng như vậy là thấy ngay cả tòa lâu đài sụp đổ.
Người số I tin tưởng ở ông, một con người ngoan cố, chậm chạp, câu mâu và không lay chuyển được. Ông đã cột neo bằng sợi cáp chắc hơn tất cả. Sợi cáp của tôi đã hư mòn trong những năm sau này...
Sự thật là tôi không còn tin vào tính cách không thể sai lầm của tôi nữa. Vì vậy mà tôi tiêu đời”.
2.
Sau ngày thẩm vấn Roubachof lần đầu tiên, viên dự thẩm Ivanof và đồng nghiệp của ông là Gletkin ngồi ở quán ăn sau bữa trưa. Ivanof ngồi đó, chiếc chân giả đặt vững vàng trên một chiếc ghế và mở cổ của chiếc áo rộng. Ông rót đầy hai ly với thứ rượu nho hạng tồi bán trong quán, và lẳng lặng thán phục trước Gletkin, ngồi thẳng trên ghế trong bộ đồng phục, kiểu cách ở từng điệu bộ. Ông cũng chẳng cởi dây nịt và súng sáu; tuy nhiên, ông ta cũng phải mệt. Gletkin uống cạn ly; cái thẹo làm cho người ta phải nhìn trên đầu hớt trọc của ông đã hơi đỏ. Ngoài hai người, trong quán chỉ còn ba sĩ quan ngồi ở một bàn cách đó không xa; hai người đánh cờ, người thứ ba xem họ chơi.
- Mình sẽ tính sao về vụ Roubachof đây. - Gletkin hỏi.
- Ông ta không được khỏe lắm, - Ivanof đáp - nhưng ông ta vẫn là một luận lý gia hơn bao giờ hết. Như vậy, ông ta sẽ đầu hàng.
- Tôi không nghĩ như vậy. - Gletkin nói.
- Sẽ có - Ivanof nói - Khi ông ta theo đuổi tất cả những ý nghĩ của ông ta đến đoạn kết thúc hợp lý, ông ta sẽ đầu hàng. Như vậy, trước tiên phải để cho ông ta yên và đừng quấy rầy ông. Tôi đã cấp cho ông giấy, viết chì và thuốc lá để thúc đẩy mức tiến của tư tưởng ông ta.
- Tôi cho đó là một sự sai lầm. - Gletkin nói.
- Anh không thích phải không - Ivanof nói - Phải chăng cách đây mấy bữa, anh đã có chuyện lôi thôi với ông?
Gletkin nhớ lại cảnh Roubachof ngồi trên giường xỏ chân mang vớ rách nát vào giày.
- Chuyện đó không đáng kể - Ông nói - Đây không phải là vấn đề tình cảm. Tôi nhận thấy phương pháp không hay. Phương pháp đó không thể làm ông ta chịu thua đâu.
- Roubachof sẽ đầu hàng, - Ivnof nói - không phải vì khiếp nhược mà vì lý luận. Dùng biện pháp mạnh với ông không ích gì. Thân thể ông ta được cấu tạo bằng một chất kim khí càng cứng rắn thêm khi ta đập vào.
- Nhầm - Gletkin nói - Không một con người nào có thể chống trả lại một áp lực vật chất vô hạn định. Tôi chưa từng gặp một kẻ như vậy bao giờ. Kinh nghiệm cho thấy rằng sức chịu đựng của thần kinh hệ con người có những giới hạn tự nhiên.
- Tôi không thích rơi vào tay anh - Ivanof nói với một nụ cười mà nghi ngờ lẫn lộn với lo ngại - Nhưng dầu sao, anh cũng là hiện thân của sự bài bác chính cái lý thuyết của anh.
Cái nhìn tươi cười của ông dừng lại trên cái thẹo của Gletkin. Câu chuyện cái thẹo đó đã nổi tiếng. Trong thời nội chiến, Gletkin rơi vào tay địch; để khai thác vài tin tức, họ đã gắn lên chiếc đầu cạo trọc của ông một tim bạch lạp đốt cháy. Vài giờ sau, khi phe Gletkin chiếm trở lại vị trí thì thấy ông bất tỉnh. Cái tim đèn đã cháy tới hết. Gletkin đã không khai.
Ông nhìn Ivanof bằng đôi mắt lạnh lùng.
- Nhầm nữa. Nếu tôi không chịn thua là vì tôi bất tỉnh. Nếu tôi còn tỉnh một lúc nữa, thì tôi đã khai rồi. Nhưng hai hạ sĩ quan cùng được giải thoát đồng thời với tôi quả quyết trái ngược. Thế là tôi được thưởng huy chương. Đó là một vấn đề cơ thể; những chuyện khác đều là huyền thoại.
Ivanof cạn ly. Ông đã uống nhiều rượu bã nho. Ông nhún vai.
- Từ bao giờ anh chủ trương cái thuyết thể chất hay ho đó? Dầu sao thì trong những năm đầu, những phương pháp đó không có. Lúc đó chúng tôi còn đầy ảo ảnh. Hủy bỏ thuyết trừng trị và luật trả thù; những an dưởng viện và những vườn giải trí dành cho những phần tử bất hảo. Toàn là những thứ vô giá trị.
- Tôi không đồng ý - Gletkin nói - Anh là một trí nô. Trong một trăm năm nữa, chúng ta sẽ có tất cả những thứ đó. Nhưng trước tiên, phải qua giai đoạn đầu cái đã. Càng mau càng tốt. Ảo ảnh duy nhứt là tưởng rằng thời cơ đã tới. Khi tôi mới được cử tới đây, tôi cũng đồng ý với ảo ảnh đó. Chúng tôi muốn khởi ngay với những khu vườn giải trí. Đó là một sai lầm. Trong một trăm năm nữa, chúng ta sẽ kêu gọi kẻ tội lỗi trở về với lẽ phải và với bản năng xã hội. Bây giờ, ta phải hành động trên thể chất của họ, nếu cần thì đè bẹp họ vừa thể chất vừa tinh thần.
Ivanof tự hỏi Gletkin có say không. Nhưng căn cứ vào đôi mắt bình thản, lạnh lùng của ông ta thì ông ta chưa say. Ivanof mỉm cười bâng quơ.
- Tóm lại, tôi là một trí nô còn anh là nhà luân lý.
Gletkin không nói gì. Ông ngồi cứng ngắc trên ghế, trong bộ đồng phục hồ bột; sợi dây nịt còn xông mùi da mới.
- “Cách đây nhiều năm, - Gletkin nói một lúc sau - người ta mang đến cho tôi một anh nông phu để thẩm vấn. Chuyện ấy xảy ra ở tỉnh, trong cái thời mà tôi còn tin tưởng vào khu vườn giải trí như anh đã nói. Cuộc thẩm vấn diễn ra thật đàng hoàng. Tên nông phu đó đã chôn hết hoa màu; đó là lúc khởi đầu công cuộc cộng đồng thổ trạch. Tôi tuân đúng những nghi thức. Tôi giải thích một cách thân ái với hắn rằng chúng ta cần lúa mì để nuôi dân số đang tăng gia ở các thành phố và để xuất cảng, hầu bắt đầu xây dựng kỹ nghệ. Vậy hắn nên nói cho tôi biết nơi hắn giấu hoa màu. Tên nông phu tưởng thế nào cũng bị đòn, đã rụt đầu rụt cổ khi người ta đưa hắn vào văn phòng của tôi. Khi, thay vì đập hắn, tôi lý luận với hắn, nói chuyện một cách ngang hàng, gọi hắn là “công dân” thì hắn cho rằng tôi là thằng ngu. Tôi nhìn thấy ý nghĩ đó trong đôi mắt hắn. Tôi nói với hắn cả nửa giờ. Hắn không mở miệng, cứ gãi mũi, gãi tai. Tôi tiếp tục nói và nhận thấy hắn cho rằng tất cả những cái đó chỉ là trò giỡn chơi nên không thèm nghe tôi nữa. Những lý lẽ không chui được vào tai hắn. Hai lỗ tai hắn đã bị bít từ bao nhiêu thế kỷ bởi ráy tai của bịnh tê liệt thần kinh truyền kiếp. Tôi triệt để tuân theo mạng lịnh; tôi cũng chẳng nghĩ tới còn nhiều phương pháp khác...
Thời đó, mỗi ngày tôi có hằng hai mươi hoặc ba mươi trường hợp như vậy. Các đồng nghiệp của tôi cũng vậy. Cuộc cách mạng có thể bị ngập lụt bởi những tiểu nông gia phì nôn. Các thợ thuyền bị thiếu ăn; nhiều vùng hoàn toàn bị bịnh thương hàn và nạn đói tàn phá; chúng ta thiếu tín dụng để khuếch trương kỹ nghệ chiến tranh, và chúng ta chờ đợi bị tấn công từ tháng này sang tháng khác. Hai trăm triệu vàng bị giấu trong những chiếc vớ len của mấy gã đó và phân nửa mùa màng bị chôn vùi. Thế mà trong khi thẩm vấn, chúng ta gọi họ là “công dân”; họ nhìn ta vừa nhấp nháy những cặp mắt nhỏ âm hiểm của họ; họ cho tất cả những chuyện đó là một trò đùa ngộ nghĩnh và họ gãi mũi.
Cuộc thẩm vấn lần thứ ba anh chàng nọ xảy ra vào hai giờ sáng; tôi làm việc mười tám giờ liên tiếp. Họ đánh thức hắn; hắn đang ngáy ngủ và sợ; hắn chịu tiết lộ. Từ đó, tôi thẩm vấn họ thường thường về đêm... Có lần, một người đàn bà than phiền phải đứng suốt đêm trước văn phòng tôi để chờ đến phiên chị. Hai chân chị rung và chị ta kiệt sức; chị ngủ ngay trong phiên thẩm vấn. Tôi đánh thức chị; chị tiếp tục nói bằng giọng ngáy ngủ và lảm nhảm nói mà chính chị cũng chẳng hiểu rõ, rồi ngủ lại. Tôi đánh thức chị một lẫn nữa; chị thú nhận tất cả, rồi ký tên vào tờ khai không cần đọc lại để tôi cho chị ta đi ngủ. Chồng chị giấu hai cây đại liên trong vựa lúa và thuyết phục các trại chủ trong làng đốt lúa mì bởi vì Quỷ vương báo mộng cho hắn phải làm vậy. Chị vợ bị đứng chờ tôi suốt đêm là do sự lơ đễnh của anh trung sĩ của tôi; từ đó, tôi khuyến khích những lơ đễnh kiểu đó; những tên cứng đầu phải đứng tại chỗ đó đến bốn mươi tám giờ. Sau đó, ráy tai tan trong lỗ tai họ, và ta có thể nói chuyện với họ được....”
Hai kẻ chơi cờ ở góc phòng đàng kia xóa bàn chơi lại. Người thứ ba đã đi rồi. Ivanof quan sát Gletkin: giọng ông ta vẫn đều đều và bình thản.
- Các đồng nghiệp của tôi làm những cuộc thí nghiệm như thế. Đó là lối duy nhứt để đạt kết quả. Người ta vẫn tuân theo mạng lịnh; không một tù nhân nào bị động tới thân thể. Nhưng anh ta bị bắt buộc phải chứng kiến - có thể nói rằng một cách bất đắc dĩ - việc hành quyết những tù nhân khác. Ảnh hưởng của những cảnh như vậy gồm một phần tâm lý, một phần thể xác. Thí dụ khác: vì những lý do vệ sinh, trong các nhà tù có những bông sen tỏa nước và nhà tắm. Nếu vào mùa đông mà máy nước nóng vận chuyển không đều, đó là do những khó khăn kỹ thuật; và thời khoảng của buổi tắm tùy thuộc mấy ông giám thị. Hoặc là lắm khi, hệ thống đun và phân phối nước nóng hoạt động quá tốt; cái đó cũng do mấy ông giám thị. Họ đều là những đồng chí lâu đời; không cần phải cho họ những chỉ thị đầy đủ chi tiết; các ông biết họ phải làm gì.
- Tôi tưởng bấy nhiêu cũng đủ rồi. - Ivanof nói.
- Anh đã hỏi tại sao tôi phát minh được lý thuyết của tôi và tôi vừa giải thích đó - Gletkin nói - Điều đáng kể, là lúc nào cũng giữ trong đầu sự cần thiết hợp lý của tất cả những cái ấy; nếu không, ta có thể trở thành trí nô, như anh chẳng hạn. Thôi trễ rồi tôi phải đi đây.
Ivanof uống cạn ly và dời cái chưn giả trên chiếc ghế mà ông đã đặt nó lên đó. Ông tự trách mình đã thảo luận một câu chuyện như vậy với Gletkin.
Gletkin trả tiền. Khi người dọn bàn đi khỏi, ông hỏi:
- Ta tính sao với Roubachof đây?
- Tôi đã nói với anh rồi. Hãy để ổng yên.
Gletkin đứng dậy. Giày “bốt” của ông rít lên. Ông đứng bên chiếc ghế mà Ivanof gác chân.
- Tôi biết những công trạng trước kia của ông ấy. Nhưng bây giờ, ông ta trở thành nguy hiểm như thằng nhà quê phì nộn của tôi; nguy hiểm hơn nữa là khác.
Ivanof nhìn vào đôi mắt lạnh lùng của Gletkin.
- Tôi đã cho ổng mười lăm ngày để suy nghĩ. Trong thời gian đó, tôi muốn anh để ổng yên.
Ivanof nói với giọng kẻ cả. Gletkin là thuộc hạ ông. Ông ta chào và ra khỏi quán với những tiếng rít của đôi giày cao cổ.
Ivanof vẫn ngồi. Ông uống thêm một ly, đốt thuốc phun khói tới trước. Một lúc sau, ông đứng lên đi cà nhắc lại phía hai sĩ quan xem họ đánh cờ.
3.
Từ sau buổi thẩm vấn đầu tiên, Roubachof nhận thấy mức sống của ông tăng tiến như gặp phép lạ. Ngay hôm sau, viên ngục tốt già mang tới giấy, viết chì, xà bông và một chiếc khăn mặt. Đồng thời, lão cũng trao cho Roubachof một số tín phiếu của khám đường giá trị tương đương với số tiền trong người ông lúc ông bị bắt, và lão giải thích hiện nay ông có quyền đặt mua thuốc lá và những thức ăn bổ túc tại quán trong khám đường.
Roubachof đặt mua thuốc lá và thức ăn. Lão già vẫn hay càu nhàu và nói dặt một dặt hai, nhưng ông trở lại ngay với hàng đặt mua. Roubachof có lúc nghĩ đến việc yêu cầu một bác sĩ ở ngoài, nhưng ông quên mất. Tạm thời, chiếc răng ông cũng chẳng đau lắm, và sau khi rửa ráy và ăn uống, ông cảm thấy khá hơn trước nhiều.
Tuyết trong sân đã được quét dọn, và những nhóm tù nhân đi vòng vòng trong buổi hoạt động hằng ngày. Cuộc đi dạo này bị ngưng vì tuyết; chỉ có người sứt môi và kẻ đồng hành với hắn được phép đi bách bộ mười phút, có lẽ do lời dặn riêng của bác sĩ; mỗi lần hai người kia vào hay ra khỏi sân, người sứt môi đã đưa mắt lên hướng cửa sổ của Roubachof. Cử chỉ của hắn chính xác đến nỗi không còn nghi ngờ gì nữa.
Mỗi khi Roubachof không ghi chú hay không đi tới đi lui trong xà-lim, ông đứng trước cửa sổ, tì trán vào kiếng cửa để nhìn đám tù nhân đi dạo. Họ đi từng nhóm mười hai người, vòng vòng trong sân, từng cặp, cách nhau khoảng mười bước. Ở giữa sân có bốn người đồng phục canh chừng để tù nhân không nói chuyện với nhau; họ họp thành cái trục của bộ máy chạy chậm chậm và đều đều trong đúng hai mươi phút. Rồi thì các tù nhân được đưa vào trong bằng cửa bên phải, trong khi một nhóm khác vào sân bằng cửa bên trái, và khởi sự cuộc đi vòng vòng một cách đều đều cho tới lúc thay tốp khác.
Trong những ngày đầu, Roubachof đã tìm những mặt quen, nhưng không thấy. Điều đó làm ông nhẹ nhàng: riêng lúc này, ông muốn tránh tất cả những gì nhắc nhở ông về thế giới bên ngoài, tất cả những gì làm ông xao lãng công việc. Công việc của ông là theo đuổi đến cùng những suy tư, hòa mình vào dĩ vãng và tương lai, với người sống và kẻ chết. Thời hạn mà Ivanof định cho ông chỉ còn mười ngày.
Ông chỉ có thể tập trung tư tưởng bằng cách ghi chép các suy tư; nhưng hễ viết thì mệt, nên ông chỉ có thể ép mình vào khuôn khổ một hay hai giờ mỗi ngày. Trong thời gian còn lại, bộ óc ông làm việc một mình.
Roubachof luôn luôn nghĩ rằng ông tự biết mình khá nhiều. Mất hết những thành kiến luân lý, ông không có ảo tưởng về cái hiện tượng gọi là “ngôi thứ nhứt của số ít”. Ông chấp nhận mà không một xúc động riêng biệt nào, rằng hiện tượng đó bắt nguồn từ môt số tình cảm nhứt thời mà con người thường không dám thú nhận. Hiện thời, khi ông tì trán vào kiếng cửa sổ hay dừng chân thình lình trên viên gạch đen thứ ba, thì ông có những phát giác bất ngờ. Ông nhận thấy rằng diễn tiến được chỉ định sai lầm bằng từ ngữ “độc thoại” thật sự là một lối đối thoại đặc biệt; một thứ đối thoại trong đó một trong hai người im lặng trong khi người kia, trái hẳn với tất cả các quy tắc văn phạm, gọi kẻ đối thoại là “tôi” thay vì “anh”, hầu lấy lòng và thăm dò ý tứ của người ấy; nhưng kẻ đối thoại câm nín vẫn im lặng, tránh né sự quan sát và từ chối việc tự đặt mình vào thời gian hay không gian.
Nhưng hiện thời, đối với Roubachof hình như kẻ đối thoại thường thường câm nín thỉnh thoảng lại nói, dẫu kẻ kia chẳng nói gì, và cũng không có lý do rõ rệt; giọng nói của hắn hoàn toàn xa lạ với Roubachof và ông nghe hắn một cách thật sự ngạc nhiên, và ông cũng nhận thấy rằng chính môi của mình cử động. Không có gì thần bí, cũng chẳng có gì bí hiểm trong hiện tượng đó; đó là những sự kiện hoàn toàn cụ thể; và những quan sát của Roubachof lần lần thuyết phục ông rằng trong ngôi thứ nhứt của số ít ấy có một phần tử xác thực đã giữ yên lặng suốt bao nhiêu năm qua, đến bây giờ lại nói.
Sự phát giác ấy làm bận Roubachof hơn là những chi tiết của cuộc đàm thoại giữa ông và Ivanof. Ông cho rằng chuyện ấy kể như xong rồi, ông sẽ không chấp nhận những đề nghị của Ivanof, ông sẽ từ chối tiếp tục ván bài với Ivanof. Như vậy đời sống của ông đã được đếm trước; tín niệm đó được dùng làm nền tảng cho những suy tư của ông.
Ông không thèm nghĩ tới câu chuyện vô lý mưu sát Người số I; ông chú ý nhiều đến con người của Ivanof. Ivanof đã nói rằng vai trò của hai người có thể đảo ngược. Về việc đó, ông ta quả có lý. Ivanof và ông là hai anh em sanh đôi về phương diện tăng trưởng; họ không sanh ra từ một buồng trứng, nhưng họ được dưỡng nuôi bằng một cuống nhau, đó là những tín niệm giống nhau; môi trường mãnh liệt của Đảng đã điêu khắc và un đúc tính chất của cả hai trong những năm quyết liệt cho sự tăng trưởng của họ. Họ có một nền luân lý chung, một triết lý chung, họ suy nghĩ bằng những từ ngữ chung. Họ cũng có thể thay đổi vai trò với nhau. Bây giờ, chính Roubachof có thể ngồi sau chiếc bàn và Ivanof ngồi trước; và ở địa vị đó, Roubachof có thể đưa ra những luận điệu như Ivanof. Quy luật của trò chơi bất di bất địch. Nó chỉ cho phép những thay đổi về chi tiết.
Khuynh hướng cũ kỹ thúc dục ông nghĩ ngợi bằng trí óc của kẻ khác một lần nữa lại xâm chiếm ông; ông ngồi ở chỗ của Ivanof và với đôi mắt của Ivanof, ông nhìn chính mình trong tư thế bị cáo, như trước kia ông đã nhìn Richard và chú bé Loevvy. Ông thấy một Roubachof đồi trụy, hình bóng của người đồng đội ngày xưa, và ông hiểu sự thân ái xen lẫn với khinh miệt mà Ivanof đã đối xử với ông. Trong cuộc tranh luận, nhiều lần ông tự hỏi xem Ivanof thành thật hay giả trá; ông ta gài bẫy hay thật tình muốn chỉ cách cho mình thoát nguy. Giờ đây, ông đặt mình vào địa vị Ivanof, ông nhận thấy Ivanof thành thật - cũng bằng hay cũng rất ít, như sự thành thật của chính ông đối với Richard và chú bé Loewy.
Những suy tư ấy diễn ra dưới hình thức một độc thoại, nhưng theo một đường lối thân mật; kẻ đối thoại câm nín, một thực thể mà ông vừa khám phá, không hề tham dự. Dẫu hắn được xem là kẻ nghe chuyện trong các cuộc độc thoại, hắn luôn luôn im lặng, và sự hiện diện của hắn chỉ được giới hạn trong một quên sót văn phạm mà người ta gọi là “ngôi thứ nhứt số ít”. Những câu hỏi thẳng hay những lời lý luận không làm cho hắn cất tiếng; những câu chuyện của hắn hiện đến không có lý do rõ ràng và, điều lạ, là luôn luôn tiếp theo bằng một cơn đau răng dữ dội. Bối cảnh tinh thần của hắn hình như được cấu tạo bằng những yếu tố rời rạc không liên hệ nhau, như những bàn tay chấp lại trong tranh Pietà, những con mèo của chú bé Loewy, một điệu nhạc, một nhịp điệu trong câu thơ như: Hỡi Thần chết, vị Thuyền trưởng già nua... Hay một câu do Arlova nói lên một hôm nào đó. Phương tiện diễn tả của hắn cũng từng đoạn: thí dụ sự cần thiết chùi kiếng mắt vào tay áo, sự cần thiết rờ vào vệt sáng trên tường trong văn phòng Ivanof, những cử động không dằn được của đôi môi để thì thào những câu vô nghĩa như “Tôi sẽ trả”, hay tình trạng si dại gây ra bởi những cơn mơ về những thời khoảng đã qua trong đời ông.
Trong những cuộc đi bách bộ trong xà-lim, Roubachof cố nghiên cứu tận gốc cái thực thể mà ông vừa khám phá; ngại ngùng với sự e thẹn thường lệ trong Đảng trong việc dùng ngôi thứ nhứt của số ít, ông đặt tên cho ngôi này là sự “giả tưởng văn phạm”. Ông có thể chỉ còn sống trong vài tuần nữa, và nhận thấy bị thúc đẩy phải tìm cho ra lẽ, theo đuổi tận cùng giòng tư tưởng của mình. Nhưng biên cương của cái “giả tưởng văn phạm” hình như khởi điểm đúng vào nơi chấm dứt cái “tư tưởng được theo đuổi tận cùng”. Một khía cạnh quan yếu của bản thân ông có lẽ là phải ở ngoài tầm của lý luận để rồi xuất kỳ bất ý, như trong một cuộc phục kích, nhào ra tấn công ông với những cơn mơ và những cơn nhức răng. Do đó, Roubachof dùng suốt ngày thứ bảy trong tù, tức là ngày thứ ba sau cuộc thẩm vấn, để sống lại một đoạn đời đã qua - đoạn đời gồm những liên hệ giữa ông và Arlova, cô gái bị xử bắn.
Vào lúc nào, mặc dầu những quyết định của ông, ông tự đắm mình trong mơ mộng, cũng khó mà biết lúc nào thức cũng như khó biết lúc nào mình ngủ. Trong buổi sáng của ngày thứ bảy, ông ghi chú, và hình như ông đứng lên để bớt cóng cẳng. Rồi khi nghe tiếng chìa khóa trong ổ khóa, ông mới nhận ra lúc ấy đã giữa trưa, và ông đã đi bách bộ trong xà-lim suốt mấy giờ đồng hồ. Ông cũng đã liệng chiếc mền lên vai, có lẽ cũng vì, trong mấy giờ đó, ông bị một loại sốt lay chuyển từng chặp và nghe đập trong màng tang cái gân của chiếc răng, ông đã lơ đãng uống cạn chén sữa mà mấy người lao công đã đồ đầy bằng cái muỗng to, và tiếp tục đi. Người ngục tốt, thỉnh thoảng quan sát ông qua chiếc lỗ dòm, thấy ông rút đầu vào vai như kẻ bị lạnh rung, môi mấp máy.
Roubachof thở trở lại không khí trong văn phòng cũ của ông tại Phái bộ thương mãi, đầy mùi dầu thơm riêng biệt quen thuộc từ thân thể to lớn hòa hợp và uể oải của Arlovj; ông thấy lại trên chiếc áo choàng trắng lằn cong của chiếc cổ nghiêng xuống quyển sổ của cô, trong khi ông đang đọc, và đôi mắt tròn của cô nhìn theo ông lúc ông đi đạo trong phòng trong những khoảng cách giữa hai cầu. Luôn luôn cô mặc áo choàng trắng như các em gái ông ở nhà, những chiếc áo choàng có thêu hoa nhỏ, trên cổ cao, và luôn luôn những đôi hoa tai rẻ tiền rời xa đôi má mỗi khi cô cúi xuống quyển sổ. Với những dáng điệu chậm chạp và thụ động, hình như cô được sanh ra cho công việc này, và cô có một ảnh hưởng làm dịu cân não của Roubachof khi ông làm việc quá sức. Ông đã đến nhậm chức Trưởng Phái bộ Thương mãi ở B. ngay sau vụ chú bé Loewy; và ông xung phong ngay vào công việc; ông cám ơn Trung ương đã cung cấp cho ông loại công việc văn phòng như thế này. Ít khi nào các lãnh tụ thuộc Quốc tế lao động lại được chuyển sang ngành ngoại giao. Chắc hẳn Người số I có những chủ định riêng biệt, vì thường thường, hai hệ thống được giữ hoàn toàn cách biệt, không được phép tiếp xúc nhau, và lắm khi tuân hành hai chánh sách trái ngược nhau. Chỉ có nhãn quan của các giới cao cấp thân cận Người số I mới thấy được và giải quyết các mâu thuẫn hiện ra và làm sáng tỏ các nguyên cớ.
Phải qua một thời gian, Roubachof mới thích nghi được với lối sống mới; ông thấy thin thích khi được một thông hành ngoại giao, một giấy thông hành thật sự được lập với tên thật của ông; ông thấy thin thích khi phải tham dự những cuộc tiếp tân trong lễ phục; khi thấy những cảnh sát viên thẳng người chào ông, và cũng thấy thin thích khi nghĩ rằng các ông này, ăn mặc kín đáo và đội mũ quả dưa đen, lắm khi theo dõi ông chỉ với một lo âu khả ái cho sự an ninh của ông mà thôi.
Ông cảm thấy ban đầu có hơi lạc lõng trong không khí các văn phòng của Phái bộ thương mãi, được đặt bên cạnh sứ bộ. Ông biết rằng trong thế giới trưởng giả, phải cư xử tương xứng với chức vị, phải hòa hợp với những lề lối của họ, nhưng ông nhận thấy cho đến nay họ đóng trò quá hay, hay cho đến nỗi chẳng biết đâu là màu mè, đâu là sự thật. Khi viên Đệ nhứt Tham vụ sứ quán lưu ý Roubachof về một vài thay đổi cần thiết trong lối phục sức và nếp sống - viên Đệ nhứt Tham vụ này, trước cách mạng, đã làm bạc giả cho Đảng - ông ta đã không có thái độ của một đồng chí là làm một cách hài hước, mà lại trình bày thật kính cẩn và với một dáng điệu lịch sự được nghiên cứu tỉ mỉ cho đến nỗi cảnh ấy làm Roubachof bối rối và khó chịu.
Nhân viên của ông gồm mười hai cộng sự viên, mỗi người đều thuộc thứ bực quy định rõ ràng; có các Phụ tá hạng Nhứt và hạng Nhì, những Kế toán viên hạng Nhứt và hạng Nhì; các Tham vụ và Phó tham vụ cũng vậy. Roubachof có cảm giác tất cả xem ông như anh hùng dân tộc pha lẫn với đầu đàn. Họ xử sự với ông một cách kính nể quá độ và một sự khoan dung ngạo mạn. Khi viên Tham vụ của sứ bộ cần phải báo cáo với ông về một tài liệu gì, ông ta cố gắng diễn tả bằng những từ ngữ giản dị mà người ta dùng để nói với kẻ dã man hay một đứa trẻ con. Cô thơ ký riêng của Roubachof, Arlova, là người làm ông ít khó chịu nhứt; nhưng ông không hiểu tại sao, với những áo choàng tuyệt đẹp và những cái váy giản dị, cô ta lại mang giày vẹt-ni với gót cao một cách kỳ dị.
Một tháng trôi qua trước khi ông đưa ra một nhận xét cá nhân. Ông mỏi mệt vì vừa đọc vừa đi tới đi lui, và thình lình ông nhận thấy sự lặng lẽ ngự trị trong văn phòng.
- Tại sao không bao giờ cô nói gì hết vậy, đồng chí Arlova? - Ông hỏi vừa ngồi vào chiếc ghế bành đầy tiện nghi sau bàn làm việc.
- Nếu Ngài muốn, - Cô trả lời với giọng như ngái ngủ - tôi sẽ lặp lại chữ chót của mỗi câu.
Mỗi ngày cô ngồi trước bàn, với áo choàng thêu, đôi vú nặng và thật đẹp nghiêng xuống quyền sổ, đầu cúi xuống và đôi bông tai song song với hai má. Một phần tử duy nhứt không hòa hợp là đôi giày vẹc-ni gót nhọn, nhưng không bao giờ cô tréo chân như phần đông phụ nữ mà Roubachof được biết. Vì lúc nào cũng đi tới đi lui để đọc, ông thường thấy cô từ phía sau hoặc ba phần tư, và cái mà ông nhớ rõ ràng hơn hết là lằn cong của cái ót nghiêng nghiêng. Chiếc ót ấy không nhiều tóc măng cũng không cạo sạch; làn da trắng và thẳng trùm lên các xương cổ: phía dưới, có những hoa thêu trên cổ của chiếc áo choàng trắng.
Khi còn trẻ, Roubachof không liên hệ nhiều với phụ nữ; gần như lúc nào ông cũng chỉ tiếp xúc với các đồng chí, và gần như lúc nào sự tiếp xúc đó cũng bắt đầu bằng một cuộc thảo luận kéo dài đến khuya làm cho kẻ đến nhà người khác phải trễ xe lửa.
Mười lăm ngày nữa trôi qua sau khi cuộc toan tính bắt chuyện với Arlova thất bại. Ban đầu, Arlova lặp lại với giọng như buồn ngủ tiếng chót của câu được đọc; rồi cô không làm nữa, và khi Roubachof ngưng, thì văn phòng lại lặng lẽ và đầy mùi thơm thân thiết. Một chiều nọ, chính ông cũng ngạc nhiên về chuyện này, Roubachof dừng lại sau ghế Arlova, đặt hai tay một cách êm đềm lên vai cô và hỏi cô có muốn tối ấy đi chơi với ông không. Cô không giựt nẩy mình và hai vai cô vẫn bất động dưới bàn tay ông; cô gật đầu trong im lặng và cũng chẳng quay lại. Roubachof không quen bỡn cợt, nhưng tối lại, ông không ngăn được vừa cười vừa nói với cô: “Có thể nói em đang viết những điều tôi đọc”. Hình thức tròn đẹp của đôi gò đảo vun chùng hình như cũng thân thiết trong bóng của gian phòng, làm như cô vẫn ở đó từ bao giờ; nhưng hiện thời, đôi bông tai đã nằm sát trên gối. Đôi mắt cô vẫn không thay đổi khi cô nói câu này, cũng như hai tay chấp lại trong tranh Pietà và mùi rong biển trong hải cảng nhỏ bé, không bao giờ ra khỏi trí nhớ của Roubachof:
- Ngài muốn gì đối với tôi lúc nào cũng được.
- Mà tại sao vậy? - Roubachof hỏi, ngạc nhiên và có hơi hoảng hốt nữa.
Cô không trả lời. Có lẽ cô đã ngủ rồi. Trong giấc ngủ, hơi thở cô vẫn lặng lẽ như khi cô thức. Roubachof không bao giờ nhận thấy cô thở. Ông cũng chẳng bao giờ thấy cô nhắm mắt. Điều đó gây một dáng điệu khác lạ cho gương mặt cô, vì gương mặt diễn tả nhiều với đôi mắt nhắm hơn là mở. Cũng lại lạ lùng những bóng đen của nách cô; cằm cô, thường cúi xuống ngực, giờ đưa thẳng lên như cằm một xác chết. Nhưng mùi thơm nhẹ nhàng thân thiết tiết từ thân cô vẫn thân mật đối với ông, dẫu lúc cô ngủ.
Hôm sau và những ngày nối tiếp, cô vẫn ngồi đó trong áo choàng trắng, cúi xuống bàn; đêm sau và tất cả các đêm, bóng dáng nhợt nhạt của đôi vú cô vươn thẳng lên nền sậm của cái màn trong phòng ngủ. Đêm và ngày, Roubachof song trong cảnh giới ảnh hưởng của thân hình to lớn uể oải của cô. Trong lúc làm việc, cô không hề đổi thái độ, giọng nói và ánh mắt vẫn như cũ, không hề mang bóng dáng một ảo vọng. Thỉnh thoảng, khi Roubachof mệt mỏi vì đọc, ông ngừng sau lưng cô và đặt hai tay lên vai cô; ông không nói gì, và dưới làn áo choàng, đôi vai ấm áp của cô không lay động; khi tìm được ý, ông đi bách bộ trở lại trong phòng và tiếp tục đọc.
Có khi ông thêm vào lời đọc những câu phê bình chua chát thì cô ngưng viết chờ cho đến khi nào ông chấm dứt; nhưng không bao giờ cô cười về những lời chua chát đó, và Roubachof không thể khám phá được cô nghĩ thế nào về những lời ấy. Chỉ một lần thôi, sau một lời diễu cợt đặc biệt nguy hiểm, Roubachof ám chỉ đến vài thói quen riêng biệt của Người số I, thì cô bỗng nói với giọng buồn buồn thường lệ: “Ngài không nên nói như vậy trước những kẻ khác; Ngài cẩn thận trọng hơn một chút...”. Nhưng thỉnh thoảng, nhứt là khi có chỉ thị hay thông điệp “từ trên cao” gởi đến, ông vẫn thấy cần tuôn thả cửa những tiếng dí dỏm bất kể quân thần của ông.
Lúc này, vụ án đối lập lớn thứ hai đang chuẩn bị. Không khí trong sứ bộ trở thành hiếm hoi một cách kỳ lạ. Hình ảnh và chân dung biến mất khỏi các bức tường chỉ trong một tối; những vật ấy được treo từ bao nhiêu năm nay, không ai thèm nhìn, nhưng bây giờ, những vệt sáng lại nổi bật trước mọi con mắt. Nhân viên giới hạn các cuộc đàm thoại trong công việc của sở; họ nói chuyện với nhau một cách lễ phép thận trọng và rào trước đón sau cẩn thận. Trong các bữa ăn ở câu lạc bộ của sứ quán, những cuộc đàm thoại không thể tránh được, thì người ta xào lại những luận điệu của chánh quyền thành thử các cuộc chuyện trò trở thành vụng về, cục mịch, nhứt là trong cái không khí thân mật như ở nơi này; làm như sau khi nhờ nhau lấy muối và hột cải, người ta lại gọi nhau bằng những biểu ngữ trong tuyên ngôn chót hết của Trung ương. Thường xảy ra những việc như một người phản đối kẻ khác vì kẻ này diễn địch sai câu nói của hắn và phân chứng với những người ngồi gần một cách hấp tấp và thiết tha: “Tôi đâu có nói như vậy”, hoặc: “Không đúng như ý tôi muốn nói”. Tất cả những cái ấy cho Roubachof cảm giác một đám hát hình nộm dị kỳ và trang trọng, trong đó, những hình tượng múa rối theo sự chỉ huy của dây sắt, thay phiên nhau trả thuộc lòng hàng chuỗi lời kich. Chỉ có Arlova, với dáng điệu trầm lặng và buồn ngủ, có vẻ không thay đổi.
Chẳng những các chân dung trên tường, mà cả các tủ sách cũng trống bớt nhiều. Nhiều quyền sách biến đi một cách kín đáo, thường thường sau ngày nhận được một thông điệp từ thượng từng. Roubachof xem thông điệp vừa đọc những lời bình luận chua chát; Arlova nghe mà không nói tiếng nào. Phần lớn những quyển sách về ngoại thương biến khỏi các ngăn sách, vì tác giả là một ủy viên nhân dân về tài chánh vừa bị bắt; phần lớn những quyển về lịch sử Cách mạng cũng vậy; phần lớn những quyển về thủ tục tố tụng và triết học của các tác giả đương thời; tất cả những quyển luận về vấn đề hạn chế nhân khẩu theo thuyết của Malthus; những quyển về sự thành lập quân đội nhân dân; những quyển về nghiệp đoàn và quyền đình công trong Quốc gia bình dân; và gần hết những sách xuất bản từ hai năm nay nghiên cứu về các vấn đề chánh trị và lập hiến; chót hết là bộ Bách khoa tự điển do Hàn lâm viện ấn hành: một ấn bản mới nhuận chính đang được hứa hẹn.
Những quyển mới lại xuất hiện; người ta vừa gởi đến những sách cổ điển về các vấn đề xã hội vừa được chú giải và bình luận; các quyển sử cũ được thay bằng những quyển sử mới, những hồi ký của các lãnh tụ cách mạng đã mất được thay thế bằng những hồi ký mới cùng tác giả đã chết. Roubachof nói với Arlova chỉ có thiếu có việc đưa ra một ấn bản mới xem lại và sửa chữa cẩn thận của toàn thể các nhựt báo xuất bản từ trước tới nay.
Trong khi chờ đợi, vài tuần trước đây đã có lịnh từ thượng từng bảo phải đề cử một Thủ thư viện đảm nhận trách nghiệm chánh trị về nội dung thư viện của sứ quán. Arlova được đề cử vào chức vụ đó. Ban đầu, Roubachof càu nhàu cho là “vườn trẻ”. Ông nghĩ đây chỉ là một hành động vô lý thôi. Nhưng một tối nọ, tại buổi kiểm thảo hằng tuần của tiểu tổ Đảng tại sứ quán, Arlova bị nhiều người tấn công dữ dội. Ba bốn diễn giả, trong đó có viên Đệ nhứt Tham vụ, đã than phiền nhiều diễn văn thật quan trọng của Người số I không có trong thư viện, trong khi nơi đó còn đầy dẫy sách của phe đối lập; những quyển của các chánh khách đã bị vạch mặt là gián điệp, là phản quốc và những nhân viên mật vụ ngoại bang hãy còn chiếm những chỗ quan trọng trên các ngăn tủ dễ thấy nhứt, cho đến nỗi người ta khó tránh nghi ngờ rằng đây là trình diễn cố ý. Các diễn giả nói không có vẻ thù hận và với sự chính xác chua chát; họ dùng toàn những từ ngữ chọn lựa kỹ lưỡng. Có thể bảo rằng họ là những con vẹt lặp lại những đoạn văn đã soạn sẵn từ trước. Tất cả những lời lẽ của họ đều kết luận một kiểu: bổn phận quan trọng của Đảng là sự cẩn trọng trong việc tố cáo tàn nhẫn những sự lạm dụng, và kẻ nào không làm bổn phận đó là đồng lõa của bọn phá hoại hèn hạ. Bị bắt buộc phải đưa ra một lời tuyên bố, Arlova nói với sự sáng suốt thường lệ rằng cô không hề có một hậu ý đen tối nào cả, mà chỉ theo đúng những chỉ thị đã nhận được; nhưng trong khi nói bằng giọng trầm trầm và hơi khao khao, cô nhìn thẳng về Roubachof rất lâu, điều mà bình thường cô không bao giờ làm khi có mặt một kẻ thứ ba. Cuộc kiểm thảo chấm dứt bằng quyết nghị cảnh cáo nghiêm trọng Arlova.
Roubachof, quá quen thuộc với những phương pháp vừa áp dụng trong Đảng, bắt đầu lo ngại. Ông đoán một sự hăm dọa đang đè nặng lên Arlova và cảm thấy mình bất lực, vì không thấy điều gì cụ thể để mà chống lại.
Không khí trong sứ quán càng nghẹt thở thêm. Roubachof ngưng những lời phê bình riêng thường đưa ra trong khi đọc, và điều đó làm ông nhận thấy một cảm giác tội lỗi kỳ lạ. Bề ngoài, không có gì thay đổi trong những liên hệ của ông với Arlova, nhưng cái cảm giác tội lỗi kỳ dị kia, phát sanh từ một sự kiện duy nhứt là ông không còn thấy hứng thú đưa ra những nhận xét dí dỏm trong lúc đọc, ngăn ông dừng lại sau lưng Arlova và đặt tay lên vai cô như trước kia nữa. Một tuần sau, tối nọ, Arlova không đến phòng ông; những tối kế tiếp cũng thế. Ba đêm trôi qua trước khi Roubachof quyết định hỏi Arlova lý do của sự vắng mặt đó. Cô trả lời với cái giọng uể oải, lấy cớ là nhức đầu, và Roubachof không hỏi thêm nữa. Từ đó, cô không trở lại một lần nào nữa.
Ba tuần sau buổi họp kiểm thảo của tiểu tổ mà Arlova bị “cảnh cáo nghiêm trọng”, và mười lăm ngày sau đêm cô đến phòng Roubachof lần chót, cô trở lại với ông và có thái độ gần như thường, nhưng suốt buối tối, Roubachof có cảm giác rằng cô chờ ông nói những lời quyết định. Nhưng ông chỉ nói rằng ông rất vui mừng mà thấy cô trở lại, và ông bị làm việc quá sức nên mệt mỏi - đó cũng là sự thật. Đêm đó, ông nhận thấy nhiều lần cô vẫn thức và cô nhìn trừng trừng trong bóng tối. Ông không xua đuổi được mặc cảm tội lỗi đang dày vò ông, rồi ông lại bị đau răng. Đó là cuộc viếng thăm chót hết của Arlova.
Sáng lại, trước khi Arlova đến văn phòng, viên Tham vụ nói với Roubachof, bằng một giọng được xem là mật, nhưng câu nào của ông ta cũng rất đắn đo, rằng cả vợ chồng người anh của Arlova đã bị bắt ở “bên kia” cách đây tám ngày. Anh của Arlova có một người vợ ngoại quốc; cả hai bị cáo về tội giao dịch với quốc gia của người vợ với mục đích phản loạn và có lợi cho phe đối lập.
Vài phút sau, Arlova tới làm việc. Cô ngồi như thường ngày, trên chiếc ghế trước bàn, với áo choàng thêu, hơi nghiêng về phía trước. Roubachof đi dọc ngang sau lưng cô, và lúc nào ông cũng thấy trước mắt ông cái ót nghiêng tới, làn da hơi căng thẳng trên những chiếc xương cổ. Ông không thể rời mắt khỏi vùng da đó, và điều ấy làm ông khó chịu đến choáng váng. Ông không xua được ý nghĩ rằng ở “bên kia” những kẻ thành án bị bắn một viên sau ót.
Vào buổi họp sau đó của tiểu tổ Đảng, do một kiến nghị của viện Đệ nhứt Tham vụ, Arlova bị mất ghế thủ thư viện với cớ bất trung thành về chánh trị. Không ai bình luận cũng chẳng có cuộc thảo luận nào cả. Roubachof bị đau răng không chịu nổi, phải xin lỗi rút lui trước. Vài ngày sau, Arlova và một viên chức khác trong sứ quán bị triệu hồi. Tên họ không còn được đồng nghiệp cũ nhắc nhở; nhưng trong những tháng ông còn ở sứ quán trước khi bị triệu hồi, mùi thơm thân thiết từ thân thể to lớn uể oải của Arlova vẫn tiếp tục phảng phất quanh các bức tường trong văn phòng không bao giờ rời.
4.
Đứng lên, những kẻ bị đầy ải trên địa cầu.
Từ buổi sáng ngày thứ mười sau khi Roubachof bị bắt, người láng giềng mời bên trái, kẻ chiếm ngụ xà lim số 406, gõ một câu thơ duy nhứt trong những khoảng cách đều nhau, luôn luôn với cái lỗi: “Bứng” thay vì “Đứng”. Nhiều lần Roubachof toan bắt chuyện với hắn. Khi Roubachof đánh thì hắn yên lặng nghe; nhưng câu trả lời duy nhứt mà ông nhận được là một dọc chữ rời rạc không dính dáng gì với nhau và luôn luôn chấm dứt bằng câu thơ què quặt:
Bứng lên, những kẻ bị đầy ải trên địa cầu.
Người mới đó bị đưa đến hồi tối vừa qua. Roubachof thức giấc, nhưng chỉ nghe những tiếng bị dập tắt và tiếng chìa khóa tại phòng số 406 mở ra rồi đóng lại. Sáng ra, ngay hồi kèn đầu tiên, số 406 đã khởi gõ ngay: “Bứng lên, những kẻ bị đầy ải trên địa cầu”. Hắn gõ nhanh, và với bàn tay lanh lẹ, với kỹ thuật của nhạc sĩ tài hoa, hay cho đến nỗi cái lỗi chánh tả và những thông điệp không ai hiểu được ấy xuất phát từ những lý do không phải kỹ thuật mà là tinh thần. Có lẽ người mới tới ấy có đầu óc khống được bình thường.
Sau bữa ăn sáng, viên sĩ quan trẻ số 402 thông báo hắn muốn nói chuyện. Giữa Roubachof và số 402 đã hình thành một thứ tình bạn. Viên sĩ quan mang kiếng một tròng và có bộ râu mép cong vút hẳn phải sống trong một tình trạng buồn thảm kinh niên, vì hắn luôn luôn cảm tạ Roubachof về những mẫu đàm thoại nho nhỏ. Năm sáu lần mỗi ngày, hắn cầu khẩn Roubachof:
Nói chuyện với tôi đi...
Ít khi nào Roubachof cao hứng nhận lời, và ông không biết nói gì với số 402. Thường thường, hắn gõ những cậu chuyện cổ điển trong các câu lạc bộ sĩ quan. Khi đến đoạn cuối, thường hay có một sự yên lặng bối rối. Đó là những câu chuyện cũ kỹ chứa đựng một sự tục tỉu lưu truyền từ bao nhiêu đời; thì ra khi gõ đến hết, số 402 chờ đợi những tiếng cười om sòm và hắn nhìn một cách tuyệt vọng vào bức tường quét vôi im lìm. Vì thiện cảm và thủ lễ, Roubachof thỉnh thoảng gõ bằng cái kiếng kẹp mũi mấy tiếng HA HA! thật rõ thay thế cho những tiếng cười điên cuồng. Lúc bấy giờ, cũng không thể giữ số 402 được; hắn bắt chước một cơn vui nổ bùng bằng cách dùng quả đấm và giày đập vào tường mấy tiếng: HA-HA! HA-HA! và thỉnh thoảng ngưng lại như để kiểm xem Roubachof có cười không. Nếu Roubachof nín êm, hắn có vẻ trách cứ:
Ông không cười sao...
Muốn được yên thân, Roubachof gõ một hay hai lần HA-HA! Sau đó, số 402 báo cho ông hay:
Chúng ta vui cười thật thỏa thích.
Lắm khi, hắn mắng chửi Roubachof. Thỉnh thoảng, không được trả lời, hắn gõ cả một bài hát của quân lính với những đoạn ca bất tuyệt. Nhiều lúc Roubachof đi tới đi lui, chìm đắm trong một cơn mơ hay một cuộc trầm tư, lại lẩm cẩm hát một điệp khúc của một bài quân hành lâu đời mà tai ông đã vô tình nghe phải qua những tín hiệu của só 402.
Tuy nhiên, số 402 cũng có ích. Hắn ở đó đã hơn hai năm, thông thuộc đường đất, giao thiệp với nhiều người lân cận và biết tất cả những chuyện nhảm nhí; hắn có vẻ hay biết tất cả những gì xảy ra trong khám đường.
Sau ngày số 406 tới, khi viên sĩ quan khởi chuyện như thường lệ, Roubachof hỏi người láng giềng mới là ai. Số 402 trả lời ngay:
Rip Van Winkle.
Số 402 thích nói bằng ẩn ngữ cho câu chuyện thêm sôi nổi. Roubachof bới óc cố nhớ chuyện của người ngủ suốt hai mươi lăm năm và khi thức dậy thì khám phá ra một thế giới hoàn toàn xa lạ, không còn nhìn ra được nữa.
Hắn có mất trí không? - Roubachof hỏi.
Số 402, bằng lòng ảnh hưởng mà hắn đã gây ra, nói những gì hắn biết với Roubachof. Số 406 trước kia là giáo sư xã hội học trong một nước nhỏ ở Đông nam Âu châu. Sau cuộc thế chiến cuối cùng, hắn tham dự cuộc cách mạng nổ bùng ở nước của hắn. Một “Công xã” được hình thành, kéo dài mấy tuần lễ sự hiện điện ảo tưởng của nó, và chìm đắm trong máu như thường lệ. Những người cầm đầu cách mạng là dân tay mơ, nhưng sự đàn áp tiếp theo đó lại được hướng dẫn một cách hoàn mỹ do những tay chuyên nghiệp; số 406 đã được công xã phong cho một chức vụ rất kêu là “Bộ trưởng Phân phối Ánh sáng trong Nhân dân”, bị kết án thắt cổ đến chết. Hắn chờ đợi sự hành quyết suốt một năm, rồi án ấy được đổi thành tù chung thân. Hắn ở tù được hai mươi năm.
Hai mươi năm trong tù, một phần lớn thời gian ấy hắn bị giữ trong bí mật, không giao dịch được với thế giới bên ngoài, không được đọc báo chí. Hắn đã bị mặc nhiên quên lãng; nền tư pháp của cái nước ở Đông nam châu Âu ấy hãy còn tính cách phụ mẫu chi dân. Một cuộc ân xá bỗng nhiên phóng thích hắn từ một tháng nay, và Rip Van Winkle, sau hai mươi năm ngủ trong bóng tối, lại trở lên mặt đất.
Hắn tức tốc lên chuyến xe lửa đầu tiên đến xứ này, đất mộng của hắn. Mười lăm ngày sau khi đến đây, hắn bị bắt. Có lẽ sau hai mươi năm trong bí mật, hắn trở thành người quá nhiều chuyện? Có lẽ hắn đã kể lại trong những ngày những đêm trong xà lim, hắn đã tưởng tượng đời sống ở đây ra sao? Có lẽ hắn tìm hỏi địa chỉ của những bạn cũ, anh hùng Cách mạng, không biết những người ấy sau này bị mang tội phản quốc hay gián điệp? Có lẽ hắn đã đặt một vòng hoa lên một cái mộ nào đó - lại trúng phải mộ không tốt - hay hắn tỏ ý tìm thăm người láng giềng vang danh của hắn là đồng chí Roubachof?
Giờ đây, hắn có thể trầm tư để xem cái nào hay hơn, hai thập niên mơ mộng trên ổ rơm của một xà lim tối tăm, hay hai tuần lễ sống trong thật tế ngoài ánh sáng ban ngày. Có lẽ hắn đã mất trí? Đó là câu chuyện về Rip Van Winkle...
Ít lâu sau khi số 402 chấm đứt cái báo cáo dài dòng đó, Rip Van Winkle khởi sự trở lại; năm sáu lần, hắn lặp lại câu thơ què quặt “Bứng lên, những kẻ bị đầy ải trên địa cầu”, rồi hắn nín.
Roubachof đã nằm trên giường, mắt nhắm lại. Cái “già tưởng văn phạm” lại lởn vởn trong đầu ông; nó không diễn tả ra lời, chỉ đến dưới hình thức một sự khó chịu trong người, có nghĩa:
- Cái đó nữa, anh cũng phải trả; anh phải chịu trách nhiệm về cái đó; vì anh hành động, trong khi hắn mơ mộng.
Chiều ấy, Roubachof được đưa tới thợ hớt tóc để cạo râu.
Lần này, đoàn tùy tùng chỉ gồm viên ngục tốt già và một vệ binh đồng phục; lão già kéo lê đôi giày vải rách hai bước phía trước, người lính đi hai bước sau Roubachof. Họ đi ngang số 406; nhưng không có mảnh giấy mang tên hắn trên cửa. Tại phòng hớt tóc chỉ có một trong số hai tù nhân đảm nhận sự hớt tóc cạo râu; chắc hẳn người ta muốn Roubachof không tiếp xúc được với quá nhiều người.
Ông ngồi trên ghế. Phòng hớt tóc tương đối sạch sẽ; có cả một tấm kiếng soi mặt. Ông gỡ cặp kiếng và nhìn mặt mình trong gương; ông không nhận thấy một sự thay đổi nào cả ngoại trừ râu mọc dài trên hai má.
Người thợ cạo im lặng làm việc, với những cử chỉ mau lẹ và kỹ lưỡng. Cánh cửa vẫn mở; lão ngục tốt đã đi, vệ binh đồng phục chống tay vào khuôn cửa nhìn người thợ làm việc. Mớ bọt âm ấm trên mặt cho Roubachof một cảm giác dễ chịu; ông cảm thấy gần như ham muốn những thú vui nho nhỏ của cuộc sống. Ông thích nói chuyện với người thợ hớt tóc, nhưng biết đó là chuyện cấm và không muốn gây phiền lụy cho người thợ mà ông thích gương mặt vui vẻ. Theo gương mặt đó, ban đầu Roubachof đoán là một thợ ống khóa hoặc thợ máy. Sau khi thoa xà-bông, và cạo lát dao đầu tiên, người thợ hỏi ông lưỡi dao có làm ông đau không; hắn gọi ông là “Công dân Roubachof”.
Đó là câu đầu tiên từ khi Roubachof vào phòng, và mặc dầu giọng hắn tự nhiên, nhưng vẫn có một ý nghĩa đặc biệt. Rồi lại yên lặng; người vệ binh đứng ngang cửa đốt một điếu thuốc; người thợ tỉa chòm râu dưới cằm của Roubachof rồi cắt tóc với những động tác mau lẹ và chính xác. Trong lúc hắn cúi xuống, có lần Roubachof gặp cái nhìn của hắn; cũng lúc đó, hắn thọc hai ngón tay vào cổ áo Roubachof, như để dễ hớt mớ tóc dưới cổ; hắn rút tay, Roubachof nhận thấy dưới cổ áo có một viên giấy làm ông hơi nhột. Vài phút sau, công việc xong xuôi, Roubachof được đưa trở về xà lim. Ông ngồi trên giường, mắt nhìn lỗ dòm để chắc ý không ai quan sát mình, ông rút lọn giấy, căng ra và đọc. Chỉ có mấy chữ, hình như quẹt gấp rút: “Hãy chết trong yên lặng”.
Roubachof liệng mảnh giấy vào thùng và đi tới lui. Đó là thông điệp đầu tiên mà ông nhận được từ bên ngoài. Trong quốc gia địch, người ta thường lén đưa thơ vào khám cho ông; họ bảo ông hãy lên tiếng đổ ngược tội lại cho những kẻ tố cáo ông. Phải chăng trong lịch sử có những lúc mà nhà cách mạng phải giữ im lặng? Trong lịch sử có chăng những khúc quanh mà tất cả những gì người ta đòi hỏi ông, và chỉ có một sự việc đúng, đó là chết trong im lặng?
Những trầm tư của Roubachof bị số 402 làm gián đoạn vì hắn bắt đầu gõ khi ông trở về; hắn bị tánh tò mò thúc dục muốn biết người ta đã đưa Roubachof đi đâu.
Đi cạo râu. - Roubachof giải thích.
Tôi sợ có chuyện tệ hại. - Số 402 gõ một cách nồng nhiệt.
Sẽ có, nhưng sau ông. - Roubachof trả lời.
Như thường lệ, số 402 tỏ vẻ cám ơn được Roubachof tiếp chuyện.
HA HA! - Hắn gõ - Ông thật là đồ quỷ...
Điều lạ, là lời khen cũ kỹ đó lại gây một thứ thích thú cho Roubachof. Ông thèm thuồng được được như số 402, một kẻ thuộc đẳng cấp có những luật lệ về danh dự thật gắt gao quy định con người trong hàng ngũ họ phải sống và chết như cách nào. Đó là một cái gì mà con người nên níu chặt. Đối với những người thuộc hạng Roubachof không có sách vở gì cả, tự mình phải tìm lấy.
Cả đến việc chết cách nào cũng chẳng có một nghi thức nào quy định. Lối chết nào danh dự đây: Chết trong im lặng - hay cúi đầu chịu nhục trước công chúng để đi đến những mục tiêu của mình? Ông đã hy sinh Arlova vì đời sống của ông quý giá hơn cho Cách mạng. Đó là luận điệu quyết định mà các bạn đã dùng để thuyết phục ông; bổn phận giữ mình cho đại sự sau này quan trọng hơn là những quy điều luân lý của bọn tiểu tư sản. Với những kẻ đã thay đổi bộ mặt của lịch sử, không có bổn phận nào hơn là phải sống và sẵn sàng chuẩn bị. “Ngài muốn làm gì tôi cũng được cả”, Arlova đã nói như vậy. Và ông cũng đã làm như vậy. Tại sao ông xem trọng chính mình như vậy? “Thập niên đang đến sẽ quyết định số phận của kỷ nguyên chúng ta”. Ivanof đã nhắc lời đó. Có thể nào ông trốn tránh vì chán chường, vì mệt mỏi hay vì tự kiêu chăng? Và sau hết, nếu Người số I có lý thì sao? Nếu ông ta đang liệng tất cả những nền móng vĩ đại của tương lai vào bùn nhơ, vào máu và dối trá? Lịch sử luôn luôn đã chẳng là một người thợ hồ vô nhân đạo và vô liêm sĩ, trộn hồ bằng dối trá, máu và bùn?
Chết trong yên lặng - tan biến đi trong đêm tối - điều đó nói thì dễ...
Roubachof bỗng dừng lại trên tấm gạch đen thứ ba khởi từ cửa sổ; ông ngạc nhiên nhận thấy mình lớn tiếng lặp đi lặp lại nhiều lần mấy tiếng “chết trong im lặng” bằng môt giọng không tán thành chua chát, như để nhấn mạnh sự vô lý...
Bấy giờ ông mới nhận thức quyết định bác bỏ đề nghị của Ivanof không phải là không thể lay chuyển được như ông tưởng. Bấy giờ, ông nghi ngờ chẳng biết thật sự mình đã có ý cương quyết bác bỏ đề nghị ấy và từ giã sân khấu không nói lời nào hay không.