ực sống của Roubachof vẫn tiếp tục tăng tiến. Sáng ngày thứ mười một, lần thứ nhứt ông được đưa xuống sân để vận động.
Viên ngục tốt già tới tìm ông sau bữa ăn sáng ít lâu, cùng với người vệ binh đã hộ vệ ông lúc đi đến thợ hớt tóc. Lão ngục tốt báo cho ông hay kể từ hôm nay ông có quyền hoạt động hai mươi phút mỗi ngày trong sân. Ông được đưa vô tốp đầu sau bữa điểm tâm. Rồi viên ngục tốt kể một hơi luật lệ: cấm nói chuyện với người bên cạnh hay bất cứ tù nhân nào khác trong lúc đi dạo; cấm ra hiệu với nhau, trao cho nhau thơ từ hay ra khỏi hàng; mọi vi phạm quy lệ sẽ bị trừng trị bằng cách hủy bỏ ngay ưu quyền tham dự cuộc vận động; những trường hợp vô trật tự nặng nề có thể bị phạt bốn tuần trong hầm tối. Kế đó, viên ngục tốt đóng ập cửa lại và cả ba lên đường. Bước đi ít bước, viên ngục tốt dừng lại mở cửa phòng số 406.
Roubachof đứng bên người vệ binh đồng phục cách cửa không xa, thấy chân của Rip Van Winkle ở trong xà lim lúc hắn nằm trên giường. Hắn mang giày “bốt” đen có nút, và mặc quần ô vuông, đã tưa lai, nhưng có vẻ được chải kỹ lưỡng. Ngục tốt lại kể quy lệ; hai chân trong quần ô vuông bước khỏi giường, và một cụ già nhỏ thó nháy mắt hiện ra ở cửa. Mặt lão đầy những râu hoa râm tám ngày không cạo; với chiếc quần bệ vệ, ông mặc áo gi-lê đen có dây đồng hồ bằng kim khí và áo ngoài bằng nỉ đen. Lão đứng ở cửa, nhìn Roubachof với một sự hiếu kỳ trịnh trọng, rồi lão gật nhẹ đầu chào một cách thân thiện, và bốn người cùng đi. Roubachof tưởng mình sẽ đứng trước một người loạn óc, nhưng ông đổi ý. Mặc dầu chân mày lão giựt dữ dội, có lẽ vì bao nhiêu năm bị nhốt trong một xà lim tối tăm, đôi mắt của Rip Van Winkle vẫn sáng và bộc lộ sự hảo tâm ngây ngô. Lão bước có vẻ khó khăn, nhưng với những bước ngắn và cương quyết, thỉnh thoảng lại liếc nhìn Roubachof một cách thân ái. Khi xuống thang, cụ già nhỏ thó bỗng vấp chân suýt té nếu người lính không giữ tay lão kịp. Rip Van Winkle lẩm bẩm mấy tiếng, vì quá nhỏ nên Roubachof không nghe, nhưng có lẽ lão cám ơn bằng những lời lẽ lễ phép; người lính cười với dáng điệu xuân ngốc. Họ do một cánh cửa rào mở sẵn đi vào sân, nơi đã có nhiều tù nhân khác đứng sắp hàng hai. Hai tiếng còi ngắn xuất phát từ đám lính ở giữa sân, và cuộc đi dạo mở đầu.
Trời trong với một màu xanh tái ngắt, và không khí trong suốt đầy một mùi cay cay của tuyết. Roubachof quên mang mền theo nên run rẩy. Rip Van Winkle phủ lên vai một chiếc mền xám sờn rách mà người ngục tốt đã trao cho lão khi lão vừa tới sân. Lão yên lặng đi cạnh Roubachof với những bước ngắn chắc chắn; lão nhấp nháy đôi mắt nhìn trời xanh trong trên đầu họ; chiếc mền xám trùm tận đầu gối lão, bao bọc lão như cái chuông. Roubachof tính thử xem chiếc cửa sổ của xà lim mình ở đâu; cửa ấy dơ và đen tối như những cái khác; không thể thấy gì sau cánh cửa đó. Ông nhìn giây lâu lên cửa sổ của số 402, nhưng cũng chỉ thấy lớp kiếng tối đen sau các chấn song. Số 402 không được phép đi dạo; họ cũng không đưa hắn tới thợ hớt tóc hay đi thẩm vấn; Roubachof chưa bao giờ nghe người ta đưa hắn ra khỏi xà lim.
Họ đi trong yên lặng, bước chậm chạp quanh sân. Giữa đám râu hoa râm, môi lão lay động mãi; lão lẩm bẩm những gì với chính lão. Roubachof ban đầu không hiểu; nhưng rồi ông nhận ra lão già hát nho nhỏ: “Bứng lên, những kẻ bị đầy ải trên địa cầu”. Điên, hẳn là không, nhưng bảy ngàn ngày và bảy ngàn đêm trong ngục tù đã làm cho lão có hơi kỳ dị. Roubachof quan sát lão và thử tưởng tượng một người bị biệt lập với thế giới bên ngoài suốt hai thập niên thì bị ảnh hưởng gì. Cách đây hai mươi năm, xe hơi rất ít và có những hình thức cục mịch; thuở ấy không có ra-điô, và tên của các chánh khách hiện nay lúc bấy giờ không ai biết. Không ai đoán trước được những phong trào quần chủng mới mẻ, những cuộc xê dịch vĩ đại mảnh đất của chánh trị, cả những con đường khúc khuỷu mà Quốc gia Cách mạng đã đi trong những giai đoạn khủng khiếp; trong thời đó, người ta tưởng các cửa của không tưởng sắp mở và người ta từng tưởng tượng nhân loại đã đứng trên thềm của thời vàng son...
Roubachof nhận thấy dầu trí tưởng tượng của ông có cố gắng đến đâu đi nữa cũng không thể hình dung được trạng thái tinh thần của người lân cận, tuy kinh nghiệm về nghệ thuật “nghĩ bằng đầu óc kẻ khác” của ông rất dồi dào. Ông đã thành công không khó nhọc lắm trong trường hợp nghĩ thay cho Ivanof, hay Người số I, hay ngay cả viên sĩ quan mang kiếng một tròng; nhưng đối với Rip Van Winkle, ông thú nhận chịu thua. Ông nhìn ngang sang lão; lão vừa quay đầu về phía ông; ông mỉm cười với lão; hai tay nắm cái mền trùm từ vai xuống, lão đi bên ông với những bước nhỏ, hát gần như không thể nghe được “Bứng lên, những kẻ bị đầy ải trên địa cầu”.
Sau khi được đưa trở về tòa nhà, đến cửa xà lim, lão già còn quay lại gật đầu chào Roubachof; đôi mắt lão chớp lia với một sự thay đổi cảm giác bất ngờ, lão có vẻ khủng khiếp và thất vọng; Roubachof tưởng chừng lão sắp kêu cứu với ông, nhưng viên ngục tốt đã đóng cửa số 406. Khi Roubachof vào tới xà lim, ông đi thẳng tới bức tường; nhưng Rip Van Winckle nín không trả lời những tiếng gõ của ông.
Số 402, ngược lại, đã nhìn họ qua cửa sổ của hắn, muốn ông kể lại cuộc đi dạo với tất cả chi tiết. Roubachof phải nói với hắn không khí ra sao, trời lạnh hay chỉ mát thôi, ông có gặp những tù nhân khác trong hành lang hay không và chót hết, ông có trao đổi được vài lời với Rip Van Winkle hay không. Roubachof phải kiên nhẫn trả lời tất cả những câu hỏi của hắn; so với số 402, kẻ không bao giờ được phép ra khỏi xà lim, ông cảm thấy mình được ưu đãi hơn, ông tội nghiệp hắn và cảm thấy gần như một mặc cảm tội lỗi.
Hôm sau và hôm sau nữa, họ đến tìm Roubachof để đi dạo vào giờ đó sau bữa ăn sáng. Rip Van Winkle luôn luôn là kẻ đồng hành với ông. Họ đi cạnh nhau, mỗi người với cái mền trên vai, cả hai đều im lặng: Roubachof, chìm đắm trong suy tư, thỉnh thoảng nhìn chăm chú xuyên qua kiếng kẹp mũi những tù nhân khác hay các cửa sổ của khám đường; lão già, với bộ râu xồm xoàm mỗi ngày một dài thêm, và nụ cười dịu dàng như trẻ con, hát nho nhỏ câu hát muôn thuở của lão.
Đến phiên dạo thứ ba cạnh nhau, họ vẫn không trao đổi một lời nào cả, mặc dầu Roubachof nhận thấy các ngục tốt không áp dụng triệt để lịnh im lặng, và những cặp khác nói chuyện không ngớt, họ vừa trò chuyện vừa giả bộ nhìn thẳng tới trước, môi gần như không động đậy.
Ngày thứ ba, Roubachof mang theo sổ và viết chì; Quyển sổ ló cao lên ở túi trái của chiếc áo ngoài. Độ mười phút, lão già nhận thấy; đôi mắt lão sáng lên. Lão lẻn nhìn bọn ngục tốt đứng ở giữa sân đang nói chuyện ầm ĩ với nhau không để ý đến các tù nhân rồi lão rút mau quyển sổ và cây viết chì ở túi Roubachof hí hoáy viết, vừa giấu dưới cái mền. Viết xong lão xé tờ giấy nhét vào tay Roubachof; lão vẫn giữ viết và quyển sổ tiếp tục viết nữa. Roubachof xem thấy bọn ngục tốt không nhìn mình liền đọc trang giấy. Không có chữ nào trong đó, mà là một hình vẽ: bức địa đồ của quốc gia họ đang ở, vẽ với một sự chính xác đáng ngạc nhiên. Người ta thấy những thành phố quan trọng, núi non và sông ngòi, và một cây cờ cặm ở giữa có mang biểu tượng của Cách mạng. Khi họ đi vòng trở lại, số 406 xé trang thứ hai trao sang tay Roubachof và chờ đợi với một nụ cười để xem Roubachof có thái độ nào. Roubachof cảm thấy bối rối trước cái nhìn đó và thì thầm mấy lời cám ơn. Lão già nháy mắt.
- Tôi có thể vẽ mà không cần mở mắt.
Roubachof gật đầu.
- Ông không tin, - Lão già nói vừa mỉm cười - nhưng mà tôi tập vẽ như vậy đã hai mươi năm qua.
Lão liếc mau về đám lính canh, mắt nhắm lại, không chậm bước, bắt đầu vẽ trên trang giấy trắng, dưới vòm mền. Hai mắt lão hoàn toàn nhắm lại, và lão hất hàm lên với một cử động cứng ngắc như kẻ mù. Roubachof nhìn đám lính canh một cách lo ngại; ông sợ lão già vấp chân hay đi ra khỏi hàng. Nhưng chỉ nửa vòng, bức vẽ đã xong, nét hơi run hơn những bức kia, nhưng cũng gần đúng như vậy; chỉ có biểu tượng trên lá cờ ở giữa bức địa đồ có kích thước không tương xứng thôi.
- Bây giờ ông tin tôi phải không? - Số 406 thì thầm với một nụ cười rạng rỡ.
Roubachof ra dấu nhìn nhận. Bấy giờ gương mặt lão già tối sầm lại; Roubachof nhận thấy đáng khủng khiếp mà lão thường có mỗi lần người ta nhốt ông trở lại trong xà lim.
- Tôi bất lực trong vụ này - Lão nói nho nhỏ - Họ đưa tôi lên một chuyến xe lửa không đúng.
- Sao vậy? - Roubachof hỏi.
Rip Van Winkle mỉm cười với một cách dịu dàng và buồn thảm.
- Lúc khởi hành, họ dẫn tôi tới một nhà ga không đúng như tôi muốn, - Lão nói - và họ tưởng là tôi không biết. Đừng nói với ai là tôi biết. - Lão thì thầm, vừa láy mắt chỉ đám lính canh.
Roubachof gật đầu. Một lúc sau tiếng còi vang lên cho biết cuộc di dạo chấm dứt.
Lúc đi qua cửa rào, họ được một dịp không ai chú ý tới họ. Đối mắt của số 406 trở lại trong sáng và đầy hảo ý:
- Có lẽ ông cũng gặp trường hợp như tôi? - Lão hỏi Roubachof bằng giọng thông cảm.
Roubachof gật đầu.
- Đừng thất vọng. Một ngày nào đó, ta cũng tới được Tổ quốc của Cách mạng. - Rip Van Winkle nói, ngón tay chỉ vào bức địa đồ nhàu nát trong tay Roubachof.
Rồi lão trao trả sổ và viết chì vào túi áo Roubachof. Trong thang, lão lại hát nho nhỏ câu hát bất diệt của lão.
6.
Cái đêm mà sáng hôm sau thì chấm dứt thời hạn mà Ivanof đã định cho ông, trong lúc người ta phân phát bữa ăn tối, Roubachof có cảm giác một cái gì bất thường lởn vởn trong không khí. Ông không thể giải thích tại sao; bữa ăn được phát như thường lệ, những tiếng kèn buồn thảm vang lên đúng vào giờ đã định; tuy nhiên Roubachof tưởng như nhận thấy một sự căng thẳng trong không khí. Có lẽ một lao công đã nhìn ông có hơi khác hơn bình thường; có lẽ giọng nói của lão ngục tốt già không như mọi ngày? Roubachof không quyết định được là cái gì, nhưng ông không thể làm việc được; ông thấy sự căng thẳng trong cân não, như kẻ bị bịnh tê thấp cảm thấy trước trận cuồng phong.
Sau hồi kèn thứ hai, ông nhìn vào hành lang, những ngọn đèn thiếu điện rọi một thứ ánh sáng mơ hồ xuống nền gạch. Roubachof nằm trên giường, ngồi lên cố gắng viết mấy giòng, dập tắt một mẩu thuốc, và đốt điếu khác. Ông nhìn xuống sân; giá bắt đầu tan, tuyết dơ và mềm, trời mù mịt: trên lũy trước mặt, người lính canh, súng trên vai, đi tới đi lui. Roubachof trở lại nhìn qua lỗ dòm vào hành lang: yên lặng, cô đơn và ánh sáng đèn điện.
Trái với thói quen, và dầu đã khuya, ông bắt chuyện với số 402.
Ông ngủ hả? - Ông hỏi.
Không có tiếng trả lời và Roubachof chờ đợi, thất vọng. Kế đó, có tiếng gõ, bình thản hơn và chậm hơn bình thường:
Không, ông cũng cảm thấy rồi hả?
Có gì mà cảm thấy? - Roubachof hỏi. Ông thở một cách khó nhọc, vẫn nằm dài trên giường, gõ bằng kiếng mắt.
Số 402 do dự một lúc. Rồi hắn gõ nhẹ nhàng đến nỗi có thể bảo là hắn nói thì thầm:
Tốt hơn là ông ngủ đi...
Roubachof nằm yên trên giường và ông thẹn vì 402 nói với ông bằng giọng kẻ cả. ông nằm ngữa nhìn cái kiếng kẹp mũi mà ông đề tựa vào tường, tay đưa lên nửa chừng. Sự yên tịnh bên ngoài dầy đặc đến nỗi ông cảm thấy như ù tai. Thình lình có tiếng từ bức tường:
- Lạ quá - Ông lại cảm thấy chuyện đó ngay...
Cảm thấy gì? Giải thích đi! - Roubachof gõ vừa ngồi lên trên giường.
Số 402 có vẻ nghĩ ngợi. Sau một lúc do dự ngắn, hắn gõ:
Tối nay giải quyết những khác biệt chánh kiến...
Roubachof hiểu. Ông ngồi tựa vào tường, trong bóng tối, chờ được cho biết nhiều hơn. Nnưng số 402 không nói gì nữa. Một lúc sau, Roubachof gõ:
Những cuộc hành quyết?
Phải. - Số 402 trả lời ngắn ngủn.
Sao ông biết? - Roubachof hỏi.
Ngươi sứt môi nói.
Mấy giờ?
Không biết.
Sau khi ngưng một lúc:
Gần đây.
Biết tên không? - Roubachof hỏi.
Không. - Số 402 trả lời.
Một lúc sau, hắn thêm:
Cùng loại với ông. Khác biệt chánh kiến.
Roubachof nằm xuống chờ. Một lúc sau, ông mang kiếng lại, nằm yên, một tay dưới cổ. Bên ngoài vẫn yên tĩnh. Tất cả những hoạt động đều bị dập tắt, tê cứng trong bóng tối khám đường.
Roubachof chưa bao giờ chứng kiến một cuộc hành quyết. Ông suýt phải chứng kiến cuộc hành quyết chính ông, hồi Nội chiến. Ông không hình dung được sự kiện đó giống như cái gì trong những trường hợp bình thường, khi nó nằm trong một thời biểu bình thường. Ông biết một cách mơ hồ rằng những cuộc hành quyết xảy ra ban đêm trong những hầm rượu, và tội phạm bị giết bằng một viên đạn sau ót; nhưng ông không biết rõ chi tiết. Trong Đảng, sự chết không phải là chuyện bí mật, nó cũng chẳng có gì lãng mạn. Đó là một kết quả hợp lý, được người ta xem như là một yếu tố đáng kể, và nó mang một tánh cách trừu tượng. Hơn nữa, người ta ít nói đến cái chết, gần như không bao giờ người ta dùng chữ “hành quyết”; từ ngữ quen dùng là “thanh toán vật chất”. Những tiếng này chỉ gợi một ý cụ thể: sự chấm đứt mọi hoạt động chánh trị. Hành động chết tự nó chỉ là một chi tiết kỹ thuật, không một tham vọng nào gây chú ý cho bất cứ ai: sự chết với địa vị là yếu tố trong một phương trình hợp lý đã mất tất cả đặc điểm nhục thể thân mật.
Roubachof nhìn trong bóng tối qua chiếc kiếng kẹp mũi. Chuyện đó đã khởi đầu? Hay nó còn phải làm? Ông đã tháo giày vớ; ở đầu mền dưới kia, hai chân trần của ông dựng lên, tái ngắt trong bóng tối. Sự yên tĩnh càng có vẻ bất thường. Không phải là sự vắng âm thanh thường lệ và thoải mái; đó là một thứ vắng lặng đã nuốt chửng mọi âm thanh và dập tắt chúng nó, một thứ vắng lặng rung động như da trống căng thẳng. Roubachof nhìn hai bàn chân trần và lay động chầm chậm những ngón chân. Chúng có vẻ cục mịch và siêu nhiên, như hai chân trắng của ông sống một đời sống riêng rẽ. Ông ý thức với một cường độ bất bình thường về sự hiện diện của cơ thể ông, ông cảm thấy sự đụng chạm ấm áp của cái mền trên đôi chân và sức ép của bàn tay dưới cổ. Sự “thanh toán vật chất” được thực hiện ở chỗ nào? Ông có cảm tưởng lờ mờ rằng việc ấy được thực hiện dưới kia, dưới cầu thang khu ốc, sau phòng hớt tóc. Ông cảm thấy mùi da dây nịt của Gletkin và nghe bộ đồng phục của ông ta cọ xào xạt. Ông ta nói gì với nạn nhân? “Quay mặt vào tường”? và thêm: “xin mời ông”? Hay ông ta nói: “Đừng sợ gì cả. Việc đó không làm ông đau đâu...”? Có thể ông ta bắn mà không báo trước, từ sau lưng tới lúc đang đi? - nhưng nạn nhân hay quay mặt lại luôn. Có thể ông ta giấu cây súng sáu trong tay áo, như nha sĩ giấu chiếc kềm? Có thể còn những nhân vật khác ở đó nữa? Họ có dáng điệu ra sao? Người chết ngã sấp tới hay ngã lui? Hắn có kêu lên không? Có thể ông ta phải bắn viên đạn thứ nhì để kết thúc?
Roubachof hút thuốc và nhìn các ngón chân. Đâu đó đều lặng yên đến nỗi ông nghe tiếng giấy thuốc xoắn lại. Ông hít một hơi thuốc dài. Nhảm, ông tự nói với mình. Một loại tiểu thuyết dành cho các cô gái bán hàng thuê trong các hiệu buôn. Sự thật, ông không bao giờ tin cái thực tế kỹ thuật của “sự thanh toán vật chất”. Cái chết là một cái gì trừu tượng, nhứt là cái chết của chính ông. Phải chăng giờ đây mọi việc đều chấm dứt, và cái gì thuộc dĩ vãng là không có sự thật. Đâu đó đều tối om và im phăng phắc, và số 402 cũng chẳng còn gõ nữa.
Ông ao ước có kẻ nào hét lên bên ngoài để xé tan sư yên lặng to rộng này. Ông hít không khí và nhận thấy tự nãy giờ ông có mùi dầu thơm của Arlova trong mũi. Cả thuốc cũng có mùi của cô, cô đã để những điếu thuốc của cô trong một túi da trong xắc tay, và tất cả những điếu thuốc móc trong đó ra đều thơm mùi phấn của cô... Sự lặng lẽ tiếp nối. Chỉ có cái giường rít lên nhè nhẹ khi ông lay động.
Đúng vào lúc Roubachof định ngồi lên đốt thêm một điếu thuốc thì có những tiếng gõ vào tường:
Họ tới.
Roubachof lắng tai. Ông chỉ nghe tiếng mạch máu gõ ở màng tang. Ông chờ đợi. Sự yên tịnh vẫn dày đặc. Ông mở kiếng và gõ:
Tôi không nghe gì hết...
Một lúc lâu, số 402 không trả lời. Thình lình hắn gõ, mạnh và rõ ràng:
Người số 380. Chuyển dùm.
Roubachof vội ngồi dậy. Ông đã hiểu: tin tức này được chuyển qua mười một xà lim, bởi nhưng ngươi lân cận của số 380. Những kẻ chiếm ngụ các xà lim từ số 380 đến 402 họp thành một trạm âm thanh xuyên qua đêm tối và yên lặng. Bị nhốt trong bốn bức tường, họ không tự vệ; đó là một hình thức đoàn kết cua họ. Roubachof nhảy xuống giường, chạy chân không đến tường trước mặt, đứng gần cái bồn vệ sinh và gõ cho số 406:
Coi chừng. Số 380 sắp bị bắn. Chuyển dùm.
Ông lắng nghe. Chiếc bồn vệ sinh xông mùi hôi thay thế cho mùi dầu thơm của Arlova. Không có tiếng trả lời. Ông chạy gấp sang giường. Lần này ông gõ không phải bằng chiếc kiếng mà bằng nắm tay:
Số 380 là ai?
Vẫn không có tiếng trả lời. Roubachof đoán rằng số 402, cũng như ông, phải làm con thoi chạy từ bức tường này sang bức tường khác của phòng giam. Trong mười một xà lim bên trái, các tù nhân chạy không tiếng động, chân không, từ tường này sang tường nọ. Kìa, số 402 đã trở lại bức tường phía ông; hắn báo tin:
Chúng đang đọc bản án. Chuyển dùm.
Roubachof lập lại câu hỏi trước:
Hắn là ai?
Nhưng số 402 đã đi. Chuyển tin cho Rip Van Winkle vô ích, nhưng Roubachof vẫn chạy về phía chiếc bồn vệ sinh và đánh tin; ông bị một ý niệm mơ hồ về bổn phận thúc đẩy để khỏi làm đường dây gián đoạn. Mùi hôi từ chiếc bồn làm ông muốn mửa. Ông chạy về giường mình chờ đợi. Bên ngoài vẫn không có một tiếng động nhỏ nào. Chỉ có bức tường tiếp tục âm vang:
Hắn kêu cứu.
Hắn kêu cứu; Roubachof chuyển cho số 406. Ông lắng tai. Không nghe gì cả. Roubachof sợ phải ói lần tới khi đến gàn chiếc bồn.
Họ đưa hắn đi. Hắn la và giãy giụa. Chuyển giùm.
Hắn tên gì? - Roubachof đánh nhanh, trước khi số 402 dứt câu. Lần này ông được trả lời:
Bogrof. Đối lập. Chuyển giùm.
Hai chân Roubachof bỗng dưng nặng chĩu. Ông qua bên kia, tựa mình vào tường đánh cho số 406:
Michel Begrof, cựu thủy thủ của thiết hạm “Potemkine”, Tư lịnh hạm đội Đông phương, được thưởng Cách mạng bội tinh đệ nhứt hạng, sắp bị hành quyết.
Ông lau mồ hôi ướt đẫm trán, mửa vào bồn và chấm dứt câu:
Chuyển dùm.
Ông không thể gợi lại dược dung mạo Bogrof, nhưng ông thấy rõ dáng dấp đồ sộ của ông ấy, hai cánh tay ve vẫy vụng về, những nốt đỏ trên gương mặt trẹt và rộng, mũi hơi hỉnh. Hai người đã sống lưu đày cùng một phòng sau 1905; Roubachof tập ông ta đọc, viết và dạy ông những căn bản về tư tưởng lịch sử; từ đó, dẫu ở đâu, mỗi năm hai lần ông đều nhận được bằng câu bất di bất dịch: “Người đồng chí của anh, trung thành cho đến chết, Bogrof”.
Họ tới, số 402 hấp tấp gõ, mạnh đến nỗi Roubachof vẫn đứng bên chiếc bồn, đầu tựa vào tường, nghe được từ phía bên kia xà lim.
Đứng ở lỗ dòm. Đập tay vào tường. Chuyển dùm.
Roubachof cứng người. Ông chuyển tin cho số 406:
Đứng ở lỗ dòm. Đập tay vào tường. Chuyển dùm.
Ông chạy trong tối đến cửa và chờ. Đây đó đều lặng lẽ như trước.
Vài giây sau, có tiếng đập vào tường:
Họ tới rồi.
Dài theo hành lang, tiếng động thành hồi trầm trọng và âm vang như trong hang thẳm chạy tới gần. Không phải gõ cũng không phải đập: những người bị nhốt trong các xà lim từ số 380 đến 402, họp thành một chuỗi âm thanh và đứng sau cửa như một hàng rào danh dự trong bóng tối, bắt chước thật giống tiếng trống đổ hồi bị trấn áp bớt âm lượng nhưng vẫn trịnh trọng, do gió đưa từ xa tới. Roubachof, mắt dán vào lỗ dòm, hưởng ứng bằng cách đập cả hai tay một cách nhịp nhàng vào cánh cửa xi-măng. Ông ngạc nhiên nghe lượng sóng âm thanh đục ấy tiếp nối ở phía mặt ông bởi số 406 và liên kế; Rip Van Winkle đã hiểu và cùng đập từng hồi vào cửa. Cùng lúc ấy, Roubachof nghe từ bên trái, ở một khoảng còn cách nhãn tuyến của ông, nhưng cánh cửa sắt lăn trên các khe trượt. Phía bên trái ông, trống đổ hồi lớn hơn khi nãy; Roubachof hiểu rằng cửa sắt phân cách tù bí mật và các xà lim thường vừa được mở. Những chiếc chia khóa chạm vào nhau và bây giờ cửa sắt được đóng lại; ông nghe tiếng chân đến gần, lẫn với tiếng kéo lê vật gì trên nền gạch. Hồi trống bên trái to phồng lên như một làn sóng âm thanh bỗng liên tục nhưng đục. Tầm mắt của Roubachof, giới hạn bởi các xà-lim số 401 đến 407 vẫn còn trống. Tiếng vật gì đó bị kéo chuồi trên nền gạch đến gần rất nhanh, và bây giờ, ông phân biệt được tiếng rên rỉ và tiếng khóc, có thể bảo là của một đứa trẻ. Tiếng chân bước mau hơn, hồi trống nhỏ dần bên trái, còn bên mặt thì to lên.
Roubachof đập vào cửa. Ông đã mất hết quan niệm về thời gian và không gian, và chỉ nghe tiếng trống âm vang như từ hang sâu trong rừng thẩm; người ta có thể bảo là đàn khỉ đừng sau song sắt của những cái chuồng, vừa đấm ngực vừa đập trống; ông dán mắt vào lỗ dòm, nhón chân lên xuống vừa đổ hồi trống. Như trước đây, ông chẳng thấy gì khác hơn là những cánh cửa sắt của các số từ 401 đến 407, nhưng hồi trống to hơn, tiếng chân xéo trên nền gạch cùng tiếng khóc gần dần. Bỗng nhiên, nhiều bóng đen bước vào tầm mắt ông: họ đây rồi. Roubachof ngưng đập cửa để nhìn. Thoáng cái, họ không còn ở đó nữa.
Những điều trông thấy trong mấy giây ấy được khắc bằng sắt đỏ vào tâm khảm Roubachof. Hai bóng người không rõ ràng đi qua, họ mặc đồng phục, to lớn và lờ mờ; hai kẻ ấy xốc nách một người thứ ba. Bóng người ở giữa rũ xuống nhưng với sự cứng ngắc như búp bế giữa hai cánh tay, hai chân hắn thỏng dài ra sau, mặt úp xuống, bụng cong về phía mặt đất. Hai chân hắn lết phía sau, mũi giày chạm trên nền gạch gây ra một âm thanh đinh tai mà Roubachof đã nghe từ xa.
Trên gương mặt úp xuống lòa xòa mấy lọn tóc bạc. Miệng mở to. Mặt đầy những giọt mồ hôi lấm tấm, và một giòng nước miếng chảy từ miệng dọc theo cằm. Khi họ lôi người ấy ngoài tầm mắt của Roubachof, sang phía tay mặt và đến tận cùng hành lang, những tiếng rên siết và khóc lóc tắt lần lần trong xa xăm; những âm thanh đó chỉ đến tai Roubachof như tiếng vọng từ xa gồm ba mẫu âm rền rĩ: “u-a-o”. Nhưng trước khi họ đến khúc quanh ở đầu hành lang, gần phòng hớt tóc, Bogrof la ầm lên hai lần và lần này, Roubachof chẳng những nghe những mẫu tự, mà là một tiếng trọn vẹn; đó là tên ông; ông nghe Bogrof la rõ ràng: Roubachof.
Kế đó, như đáp lại một tín hiệu, sự yên lặng tái lập. Những bóng đèn điện rọi sáng như bình thường, hành lang trống trải trở lại như trước. Nhưng số 406 gõ vào vách:
Bứng lên, những kẻ bị đầy ải trên địa cầu.
Roubachof thấy mình nằm dài trên giường mà không nhớ mình đã nằm như thế hồi nào. Những tiếng trống đổ hồi hãy còn vang vang trong tai ông, nhưng sự yên lặng hiện thời mới là yên lặng thật sự, được trút đi hết mọi vẩn đục và hết còn căng thẳng. Chắc hẳn số 402 ngủ rồi. Bogrof hay những gì còn lại ở hắn có lẽ hiện thời cũng đã chết.
“Roubachof, Roubachof...” Tiếng gọi cuối cùng đó ghi bằng lửa đỏ không bao giờ phai trong thính giác của ông. Hình ảnh xuyên qua thị giác không rõ rệt bằng. Ông khó mà nhận ra Bogrof qua cái bóng mờ giống như búp bế bằng sáp có cái mặt ướt đẫm, đôi chân cứng ngắc bị kéo lết, mà người ta đã lôi ngang tầm mắt ông trong vài giây. Họ đã làm gì Bogrof? Họ đã làm gì người thủy thủ lực lưỡng ấy để hắn phát ra những tiếng khóc lóc trẻ con đó? Arlova có khóc như vậy không khi bị kéo lôi dài theo hành lang?
Roubachof ngồi trên giường, úp trán vào tường mà số 402 đang ngủ bên kia; ông sợ phải ói nữa. Cho đến nay, chưa lần nào ông tưởng tượng được cái chết của Arlova với nhiều chi tiết như vậy. Sự kiện đó luôn luôn đối với ông là một biến cố trừu tượng; cái chết ấy đã lưu lại trong lòng ông một cảm giác khó chịu nặng nề, tuy nhiên bao giờ ông cũng tin tưởng rằng lối xử sự của ông như vậy là hợp với luận lý. Giờ đây, trong lúc sự buồn nôn làm lộn cả ruột gan và làm khô cả mồ hôi ướt đẫm trán, ông mới thấy lối suy nghĩ từ trước đến giờ thật là điên rồ. Tiếng khóc lóc của Bogrof đảo ngược cái phương trình hợp lý. Trước kia, Arlova là một yếu tố trong cái phương trình đó, một yếu tố nhỏ so với những cái khác trong phương trình. Nhưng bây giờ, phương trình ấy không còn đứng vững nữa. Hình ảnh hai chân Arlova với gót giày cao bị kéo lê dài theo hành lang đảo lộn sự quân bình toán học. Yếu tố không quan trọng đã trở thành vô cực, tuyệt đối; sự rên siết của Bogrof, âm thanh không còn là của con người trong giọng của Bogrof lúc hắn gọi tên ông, tiếng trống đổ hồi như trong hang sâu do những nắm tay đập vào cửa, tất cả những cái ấy tuôn đầy vào tai ông, chận nghẹt tiếng nói quá nhỏ của lý lẽ, chôn vùi nó như thủy triều chôn tiếng ọc ọc của kẻ đang chết đuối.
Kiệt sức, Roubachof ngủ ngồi, đầu tựa vào tường, kiếng kẹp mũi ở trước đôi mắt nhắm.
7.
Ông rên rỉ trong khi ngủ. Giấc mơ lúc ông bị bắt lần đầu tiên trở lại; bàn tay buông thỏng lên thành giường tìm tòi một cách sốt ruột cái tay của chiếc áo ngủ; ông chờ đợi viên đạn bắn vào đầu, nhưng viên đạn ấy đã không tới.
Ông thức dậy, vì đèn điện trong xà lim thình lình bật sáng. Có người đứng bên giường đang nhìn ông. Roubachof đã ngủ không quá mười lăm phút, nhưng sau cơn mơ đó, ông cần nhiều phút mới tỉnh hẳn. Ông nhấp nháy đôi mắt trong ánh sáng chói lòa ấy, trí óc ông xây dựng một cách cực nhọc những giả thuyết thông thường, giống như ông làm một hành động mà ông không hay biết mình đang làm gì. Ông ở trong một xà lim, chớ không phải ở trong một nước cừu địch - việc đó chỉ là giấc mơ. Như vậy là ông đang tự do - nhưng bức ảnh màu của Người số I máng trên đầu giường không có đó, và đàng kia là cái bồn vệ sinh. Hơn nữa, Ivanof đứng ở đầu giường và thổi khói thuốc vào mặt ông. Sự kiện đó cũng là giấc mơ nữa sao? Không, Ivanof là thực tế, cái bồn cũng thực tế. Ông đang ở trong nước của ông, nhưng giờ đây đã trở thành nước cừu địch; và Ivanof trước kia là bạn, bây giờ đối với ông cũng là cừu địch; và những tiếng khóc lóc của Arlova cũng không phải là giấc mơ nữa rồi. Nhưng không, không phải Arlova, mà là Bogrof bị người ta kéo lết như một hình nộm bằng sáp; đồng chí Bogrof, kẻ trung thành với ông cho đến chết; hắn đã gọi tên ông; đó không phải là giấc mơ. Arlova, trái lại, đã nói: “Ngài muốn làm gì tôi cũng được...”
- Anh đau hả? - Ivanof hỏi.
Bị chóa mắt, Roubachof nhấp nháy đôi mắt nhìn ông.
- Cho tôi chiếc áo ngủ. - Ông nói.
Ivanof quan sát ông. Má bên trái sưng lên.
- Anh muốn uống rượu mạnh không? - Ivanof hỏi.
Không đợi trả lời, ông đi cà nhắc ra lỗ dòm và hướng về hành lang ra lịnh. Roubachof nhìn theo ông, nháy mắt lia. Ông há hốc miệng ngạc nhiên. Ông đã thức, nhưng nhìn, nghe, suy nghĩ như xuyên qua một đám sương mù.
- Anh cũng bị họ bắt nữa sao? - Roubachof hỏi.
- Không - Ivanof bình thản nói - Tôi chỉ tới thăm anh. Tôi tưởng anh bị sốt.
- Cho tôi một điếu thuốc. - Roubachof nói.
Ông hít khói thuốc thật dài một hay hai lần, và ông nhìn rõ hơn. Ông nằm trở lại hút thuốc và nhìn lên trần nhà. Cánh cửa xà lim mở ra; ngục tốt mang một chai rượu mạnh và một cái ly. Lần này, không phải lão già mà một thanh niên ốm mặc đồng phục, mang kiếng trắng gọng sắt. Hắn chào Ivanof, trao chai và ly rồi ra ngoài khép cửa lại. Tiếng chân hắn xa lần trong hành lang.
Ivanof ngồi trên thành giường của Roubachof, rót đầy ly. “Uống đi”, ông nói. Roubachof cạn ly. Đám hơi mù trong đầu ông biến lần, những biến cố và những con người - lần ở tù thứ nhứt và thứ nhì, Arlova, Bogrof, Ivanof - sắp thứ tự trong thời gian và không gian.
- Anh bịnh hả? - Ivanof hỏi.
- Không. - Roubachof nói. Điều mà ông không hiểu nổi là lý do sự có mặt của Ivanof trong xà lim của ông.
- Gò má anh bị sưng nhiều. Và tôi thấy hình như anh bị sốt.
Roubachof xuống khỏi giường, nhìn qua lỗ dòm ra hành lang, không thấy ai cà, ông đi tới đi lui trong xà lim. Đi vài bận như thế, ông cảm thấy đầu óc hoàn toàn sáng suốt và ngừng lại trước Ivanof. Ông này ngồi ở đầu giường, kiên nhẫn phun những vòng khói thuốc.
- Anh làm gì ở đây? - Roubachof hỏi.
- Tôi muốn nói chuyện với anh. Nằm xuống đi và uống thêm ly nữa.
Roubachof nhìn ông qua kiếng mắt:
- Cho tới nay, tôi muốn tin rằng anh có thiện ý. Bây giờ tôi mới thấy anh là thằng bợm. Ra khỏi đây đi.
Ivanof ngồi yên.
- Tôi yêu cầu anh cho tôi biết những lý do tại sao anh nói như vậy.
Roubachof dựa lưng vào tường chung với số 406 và nhìn Ivanof. Ivanof hút thuốc bình thản.
- Điều thứ nhứt, - Roubachof nói - anh biết rõ tình bạn giữa Bogrof với tôi. Do đó, anh mới tìm cách cho Bogrof - hay những gì còn lại ở anh ấy - bị kéo trước xà lim tôi để cho tôi nhớ lại. Để chắc rằng tôi chứng kiến cảnh đó, có người kín đáo cho tôi hay trước vụ hành quyết Bogrof, nghĩ rằng tin đó sẽ được những người lân cận chuyển đến tôi, và chuyện xảy ra đúng như vậy. Một tế nhị khác của nhà dàn cảnh: ngay trước khi mang anh ta đi, họ cho Bogrof biết tôi ở đây, trong hy vọng là mánh khóe đó làm cho anh ấy có những biểu lộ rầm rộ; chuyện đó cũng đã xảy ra. Tất cả đều được tính toán để làm cho tôi mất tinh thần. Đúng vào lúc khẩn trương đó, đồng chí Ivanof xuất hiện với tư cách tế độ, một chai rượu cặp dưới nách. Sau đó là một màn hòa giải cảm động, chúng ta sẽ ôm nhau, trao đổi nhau những kỷ niệm giặc giả cảm động, rồi tôi ký một tờ tự thú. Xong, tù nhân ngủ một giấc êm đềm; đồng chí Ivanof nhè nhẹ đi ra, tờ tự thú trong túi, và ít ngày sau được đề cử vào một chức vụ ngon hơn... Bây giờ, xin anh vui lòng đi ra.
Ivanof không nhúc nhích. Ông phun khói lên không khí, mỉm cười lộ mấy chiếc răng vàng.
- Anh gán cho tôi những phương pháp dã man như vậy sao? - Ông hỏi - Hay, nói rõ hơn, quả thật anh xem tôi là một nhà tâm lý học hạng tồi như vậy à?
Roubachof nhún vai:
- Những mưu ngầm của anh làm tôi nhờm gớm. Nếu anh còn lại một chút gì tôn kính dư luận, anh hãy để tôi yên. Anh không thể tưởng tượng tôi ghê tởm anh đến bực nào, tất cả những gì ở anh.
Ivanof lấy chiếc ly trên nền gạch, rót đầy và uống một hơi.
- Tôi đề nghị một thỏa thuận như sau- Ông nói - Anh để tôi nói năm phút mà không ngắt lời tôi, và anh hãy nghe tôi với tất cả sự sáng suốt của anh. Nếu sau đó, anh còn giữ ý định rằng tôi phải đi, chừng đó tôi sẽ đi.
- Tôi nghe. - Roubachof nói. Ông vẫn tựa mình vào tường trước mặt Ivanof và nhìn đồng hồ.
- Trước tiên, - Ivanof nói - để phá tan mọi nghi ngờ và lầm tưởng có thể còn lại: Bogrof đã bị bắn rồi. Thứ hai, hắn ở trong tù từ mấy tháng rồi, và chót hết, hắn bị tra tấn mấy ngày liên tiếp. Nếu anh ám chỉ chuyện đó trong những cuộc tranh luận công khai hay anh chỉ cần thông báo với những người lân cận là chết tôi. Còn những lý do tại sao đối xử với Bogrof như vậy, ta sẽ nói sau. Thứ ba, việc anh ta bị dẫn ngang xà-lim anh là việc có dụng tâm, cả việc cho hắn biết sự có mặt của anh ở đây cũng vậy. Thứ tư, cái mưu ngầm dơ bẩn mà anh nói, không phải là hành động của tôi, mà từ đồng nghiệp tôi là Gletkin, trái ngược với những chỉ thị gắt gao của tôi.
Ông ngừng lại. Roubachof vẫn dựa lưng vào tường, không nói gì.
- Không bao giờ tôi phạm lỗi lầm như vậy - Ivanof tiếp - Không phải tôi nể nang gì những tình cảm của anh, mà vì nó trái với chiến thuật của tôi và với những gì tôi biết về tâm lý học. Anh vừa tỏ ra có khuynh hướng về những sự nể trọng dư luận và những tình cảm loại đó. Hơn nữa, câu chuyện về Arlova hãy còn trong lòng anh. Cái màn với Bogrof chỉ có thể làm cho sự giảm sút tinh thần của anh thêm trầm trọng và tăng gia sự tán dương luân lý của anh - chuyện đó đã được đoán trước: chỉ có kẻ phá hư công việc và không hiểu khoa tâm lý mới phạm lỗi lầm như vậy. Đã mười ngày nay Gletkin nhai đi nhai lại mãi bên tai tôi rằng phải dùng “phương pháp mạnh” với anh. Điều thứ nhứt, hắn không thích anh vì anh đã đưa những lỗ vớ rách vào mắt hắn; điều thứ hai, anh ta quen thói với những nông dân... Đó là những sự kiện để giải thích với anh về vụ Bogrof. Rượu mạnh, tôi bảo mang tới bởi vì anh không đầy đủ trí năng khi tôi vào đây. Tôi không có lợi gì phục rượu cho anh say. Tôi không có lợi gì gây những xúc động mạnh cho anh. Tất cả những cái đó chỉ làm cho anh đi sâu thêm vào việc tán dương luân lý. Tôi cần anh bình tĩnh và hợp lý. Tôi chỉ có lợi trong một việc, là thấy anh bình tĩnh phân tách trường hợp của anh để đi tới những kết luận hợp lý. Vì chỉ khi nào anh nghiền ngẫm vụ này tới những kết luận hợp lý, thì chừng ấy anh mới đầu hàng...
Roubachof nhún vai; nhưng trước khi ông nói được một tiếng, Ivanof đã ngăn lại:
- Tôi biết chắc, anh tự nhủ không bao giờ anh đầu hàng. Hãy nói cho tôi biết điều này: nếu anh bị thuyết phục về sự cần thiết hợp lý và sự xác đáng khách quan của việc đầu hàng - thì chừng đó anh có nhượng bộ không?
Roubachof không trả lời ngay. Ông cảm thấy cuộc đàm luận đã đi đến chỗ mà ông không thể nào chịu được. Năm phút đã qua, và ông chưa tống Ivanof ra khỏi cửa. Chỉ việc đó thôi, đối với ông, đã là một phản bội đối với Bogrof và với Arlova; và cả đối với Richard cùng chú bé Loewy.
- Đi đi - Ông nói với Ivanof - Vô ích.
Bấy giờ ông mới nhận thấy mình đã đi tới đi lui từ một lúc rồi trước Ivanof.
Ivanof đang ngồi trên giường.
- Theo lối nói của anh, tôi thấy anh đã nhìn nhận sự lầm lẫn của anh về vai trò của tôi trong vụ Bogrof. Như vậy tại sao anh đuổi tôi? Tại sao anh không trả lời câu hỏi của tôi?...
Ông nghiêng nhẹ tới trước nhìn vào mặt Roubachof với vẻ mỉa mai, rồi ông nói chậm chậm, gằn từng tiếng:
- Tại sao anh sợ tôi. Bởi vì lối nghỉ ngợi và lập luận của tôi cũng là lối của anh, và anh sợ tiếng vang trong đầu anh. Trong một lúc nữa, anh sẽ la lên: “Lui ra sau, quỷ Sa tăng...”
Roubachof không trả lời. Ông đi tới đi lui gần cửa sổ, trước Ivanof. Ông cảm thấy mình bất lực, không thể tranh luận rõ ràng được. Mặc cam phạm tội mà Ivanof gọi là sự “tán dương luân lý”, không thể giải thích bằng những công thức luận lý - nó thuộc về địa hạt của sự “giả tưởng văn phạm”. Tuy nhiên, mỗi câu của Ivanof lại đánh thức một tiếng vang trong lòng ông. Ông tự bảo không nên để cho bị lôi cuốn vào cuộc tranh luận này. Ông thấy mình đang ở trên một bình đồ nghiêng trơn trợt và cảm thấy bị tuột xuống không thể nào gượng lại được.
Lui ra sau, quỷ Sa tăng! Ivanof lặp lại vừa rót thêm một ly rượu mạnh. Trong thời đó, sự cám dỗ chỉ có tính chất nhục thể. Bây giờ, nó lấy hình thức hoàn toàn lý trí. Các giá trị thay đổi. Tôi muốn viết một bi kịch về sự đam mê trong đó Thượng đế và Quỷ giành giựt linh hồn của thánh Roubachof. Sau một cuộc sống đầy tội lỗi, ông quay về với Thượng đế - đấng Thượng đế có cái cằm đôi của chủ nghĩa giải phóng kỹ nghệ và những thứ xúp bình dân từ thiện của quân đội giải phóng. Quỷ Sa tăng, ngược lại, ốm và kham khổ; hắn là tín đồ cuồng tín của luận lý học. Hắn đọc Machiavel, Ignace de Loyola, Marx và Hegel; sự lạnh nhạt tàn nhẫn của hắn đối với loài người xuất phát từ một lòng thương hại có tính cách toán học. Hắn bị bắt buộc phải luôn luôn làm những điều mà hắn ghê tởm nhứt: trở thành đồ tể để xóa bỏ lò thịt, hy sinh những con chiên để thiên hạ không bao giờ còn hy sinh loài chiên được nữa, đánh dân chúng bằng roi buộc cục sắt ở đầu để dạy họ đừng để bị quất roi nữa, trút bỏ hết mọi tế nhị nhân danh những sự tế nhị cao siêu hơn, và hấp dẫn về mình sự thù ghét của nhân loại vì tình yêu nhân loại - một tình yêu trừu tượng theo các nguyên tắc hình học. Lui ra sau, quỷ Sa-tăng! Đồng chí Roubachof thích tử vì đạo. Các nhà bình luận của báo chí thuộc huynh hướng tự do đã ghét ông hồi ông còn sanh tiền, sẽ phong thánh ông khi ông qua đời. Ông đã phát minh được một thứ lương tâm, cái thứ lương tâm làm cho mình không thích hợp với cách mạng giống như một cái cằm đôi. Lương tâm gặm nhấm đầu óc ta như bịnh ung thư, cho đến bao giờ nó ăn hết chất xám trong óc ta. Sa-tăng thua và rút lui - nhưng ta không nên tưởng tượng nó nghiến răng và phun lửa trong cơn thịnh nộ. Nó nhún vai; nó ốm và khắc khổ; nó đã từng thấy nhiều kẻ yếu đi và ra khỏi hàng ngũ của nó với những cớ nghiêm trọng...
Ivanof ngừng lại để tự rót cho mình một ly rượu mạnh. Roubachof đi tới đi lui trước cửa sổ. Một lúc sau, ông hỏi:
- Tại sao các người hành hình Bogrof.
- “Tại sao? Vì vấn đề tiềm thủy đỉnh. - Ivanof nói - Đó là vấn đề trọng tải - một cuộc tranh chấp xa xưa mà anh đã không quên lúc khởi đầu.
Bogrof chủ trương kiến tạo những tiềm thủy đỉnh hạng nặng có tầm hoạt động lớn. Đảng chọn loại tiềm thủy đỉnh nhỏ có tầm hoạt động ngắn. Cùng một số tiền, người ta có thể đóng tàu nhỏ ba lần nhiều hơn tàu lớn. Hai phe đưa ra những lập luận kỹ thuật hữu hiệu. Các chuyên viên tung ra vô số đồ thức và công thức đại số; nhưng vấn đề thật sự khác hẳn. Tiềm thủy đỉnh lớn có nghĩa: chánh sách xâm lăng với mục đích làm cuộc Thế giới cách mạng. Tiềm thủy đỉnh nhỏ, nghĩa là chánh sách tự vệ; tức là dời cuộc cách mạng thế giới lại sau này. Hắn chậm tiến những hai thập niên. Hắn không muốn hiểu rằng thời cơ nghịch với ta, rằng Âu châu đang đi qua một thời khoản phản ứng, rằng chúng ta ở trong chỗ trủng của lượng sóng và chúng ta phải chờ lúc được lượng sóng kế tiếp nâng lên cao. Trong một vụ án công khai, hắn sẽ chỉ gây ra sự hỗn độn trong nhân dân. Phương pháp duy nhứt là thanh toán anh ta theo lối hành chánh. Phải chăng anh cũng làm như vậy trong trường hợp tương tự?”
Roubachof không trả lời. Ông ngừng đi và lại tựa lưng vào tường chung với số 406, cạnh chiếc bồn vệ sinh đang xông lên những luồn hơi hôi thúi buồn mửa. Ông gỡ kiếng mắt và nhìn Ivanof bằng cặp mắt đầy tia máu của con thú bị dồn đến bước đường cùng.
- Anh không nghe hắn rên siết sao? - Ông hỏi.
Ivanof đốt thuốc bằng cái tàn thuốc; chính ông ta cũng khó chịu vì mùi hôi của cái bồn.
- Không, - Ông nói - tôi không nghe. Nhưng tôi đã từng thấy và nghe những loại tương tự. Rồi sao?
Roubachof nín thinh. Giải thích làm gì vô ích? Như một tiếng vang, sự rên siết và tiếng trống đổ hồi điếc tai lại vang lên trong tai ông. Sự kiện đó không thể diễn tả được. Giống như nét cong của đôi vú Arlova với những điểm nóng và gần như dựng đứng cũng không diễn tả được. Không có gì có thể diễn tả được. Mảnh giấy của người thợ hớt tóc nói gì? “Hãy chết trong yên lặng”.
- Rồi sao nữa? - Ivanof lặp lại.
Ông đưa thẳng chân và chờ đợi. Không được trả lời, ông tiếp:
- Nếu tôi có một chút gì tội nghiệp anh, tôi để anh yên thân ngay. Nhưng tôi chẳng có chút gì tội nghiệp anh. Tôi uống rượu; gần đây, như anh biết, tôi dùng cả ma túy, nhưng thói xấu được gọi là lòng thương hại, cho tới bây giờ tôi đã tránh nó được. Chỉ cần một liều nhỏ thương hại thôi, là tiêu đời anh. Khóc lóc cho loài người và thở than - anh biết giống người chúng ta mang chứng bịnh đó đến bực nào. Những thi sĩ vĩ đại nhứt của chúng ta bị tiêu diệt bởi thứ thuốc độc đó. Cho đến bốn mươi, năm mươi tuổi, họ là những nhà cách mạng - Kế đó họ tự để cho lòng thương hại ăn tươi nuốt sống, và thế giới xem họ là những bực thánh. Hình như anh cũng có tham vọng như vậy, và anh tưởng đó là một hiện tượng cá nhân, nó sẽ dành cho anh một cái gì vô tiền khoáng hậu...
Ông nói khá to và thở ra một vầng khói.
- Hãy coi chừng những cảm hứng đó - Ông nói - Mỗi chai tinh tửu chứa đựng một trọng lượng tửu tinh đo lường được. Khốn thay, chỉ có một số ít người, nhứt là trong số đồng bào ta, biết ngờ vực rằng những cảm hứng về sự khiêm tốn và sự đau khổ là một loại hàng xấu như những loại mà người ta tự cung cấp cho mình bằng những phương tiện hóa học. Khi tôi tỉnh lại sau lúc bị đánh thuốc mê, và nhận thấy cơ thể mình chấm dứt tới đầu gối trái, tôi cũng cảm thấy một loại cảm hứng về bất hạnh tuyệt đỉnh. Anh nhớ những lời kinh mà anh mang ra thuyết tôi thời đó?
Ông rót một ly rượu nữa và uống một hcri.
- Đây là điểm mà tôi muốn đi tới, - Ông nói - ta không được phép xem thế giới là một loại bọt-đền để hưởng thụ những cảm giác siêu hình. Sự kiện đó, đối với chúng ta, là quy điều đầu tiên. Thiện cảm, lương tâm, nhờm gớm, thất vọng, ăn năn, đền tội, những cái ấy đối với chúng ta chỉ là một loại trụy lạc ghê tởm. Ngồi và tự để cho mình bị thôi miên bằng cái lỗ rún của mình, nhìn lên và đưa ót một cách khiêm cung trước họng súng sáu của Gletkin - đó là một giải pháp giản dị. Sự cám dỗ mạnh nhứt đối với những con người như chúng ta, là tránh bạo động, là ăn năn, là muốn được bình yên đối với chính mình. Phần đông những nhà đại cách mạng đã xiêu lòng trước sức cám dỗ đó, từ Spartacus đến Danton và Dostoievsky; họ đại diện cho hình thức cổ điển của sự phản bội của một tư tưởng. Những cám đỗ của Thượng đế bao giờ cũng nguy hiểm cho nhân loại hơn của quỷ Sa-tăng. Khi mà hỗn độn sẽ còn ngự trị trên thế giới, Thượng đế sẽ là sự lỗi thời; và mọi hòa giải với lương tâm ta sẽ là một sự dối trá âm hiểm. Khi tiếng nói đáng nguyền rủa từ thâm tâm anh nói lên, anh hãy bịt tai bằng cả hai bàn tay của anh...
Ông mò tìm chai rượu sau lưng ông rót thêm một ly. Roubachof nhận thấy chai rượu đã lưng phân nửa.
“Chính anh, - Ông tự nói thầm - anh cũng cần phải quên”.
- Những tay đại gian ác trong lịch sử, - Ivanof tiếp - không phải loại Néron và Fouché, mà là loại Gandhi và Tolstoï. Tiếng nói tự thâm tâm của Gandhi đã ngăn trở sự giải phóng Ấn Độ nhiều hơn là súng đại bác của người Anh. Tự bán mình vì ba chục đồng bạc là một nghiệp vụ lương thiện; nhưng tự bán mình cho lương tâm là ruồng bỏ nhân loại. Lịch sử bị chấp nhận khỏi phải chứng minh là vô luân; nó không có lương tâm. Muốn dẫn dắt lịch sử theo các cách ngôn trong sách giáo lý, tức là để các sự việc ở trình trạng nguyên thủy của nó. Anh biết điều đó hơn cả tôi. Anh biết cái gì đang được đặt ra trong ván bài này rồi, thế mà anh còn nói với tôi về những lời rên siết của Bogrof...
Ông cạn ly và tiếp:
- Hay là lương tâm anh nó cắn mổ anh vì cô Arlova cao lớn của anh.
Roubachof biết từ lâu rằng Ivanof uống rượu nguyên chất: việc đó không thay đổi gì những phương pháp của ông ta. Nhiều lắm là ông ta gằn từng tiếng nhiều hơn bình thường. “Ừ, anh cần quên, Roubachof tự nhủ một lần nữa, và có lẽ còn cần hơn cả tôi”. Ông ngồi trên chiếc ghế đẩu nhỏ hẹp trước mặt Ivanof và nghe. Những điều đó không có gì mới đối với ông; ông đã binh vực quan điểm đó trong bao nhiêu năm, với những ngôn từ như thế hoặc những ngôn từ tương tự. Nhưng lúc bấy giờ, ông chỉ biết dưới hình thức ảo giác những hiện tượng trong lòng mà Ivanof nói một cách khinh miệt ấy; còn bây giờ, ông đã gặp “giả tưởng văn phạm” như là một thực tế vật chất có thật trong chính bản thân ông. Nhưng những hiện tượng phi lý ấy phải chăng trở thành chấp nhận được chỉ vì hiện nay chính bản thân ông đã gặp. Phải chăng không cần phải chống “sự say sưa thần bí” chỉ vì chính ông ta cũng đã say? Một năm trước đây, khi ông đưa Arlova đến cái chết, ông không đủ tưởng tượng để hình dung các chi tiết của một cuộc hành quyết. Phải chăng hiện nay ông phải xử sự khác đi chỉ vì ông biết một vài khía cạnh của sự kiện đó? Hoặc ông đã có lý, hoặc ông đã bậy khi ông hy sinh Richard, Arlova và chú bé Loewy. Nhưng tật cà lăm của Richard, làn cong của đôi vú Arlova hay tiếng khóc lóc của Bogrof, ông còn gì phải làm đối với sự công bình hay bất công khách quan của biện pháp đã áp dụng rồi?
Roubachof lại đi qua đi lại. Đối với ông, hình như những gì ông đã kinh lịch từ khi bị cầm tù chỉ là một sự mở đầu; hình như những trầm mặc của ông đã đưa ông tới ngõ bí - đến ngưỡng cửa mà Ivanof gọi là “bọt-đền siêu hình” - và ông cần phải khởi lại từ đâu. Nhưng thời gian còn lại với ông được bao nhiêu? Ông dừng lại, lấy ly rượu trong tay Ivanof uống cạn. Ivanof nhìn ông.
- Tôi thích anh như vầy - Ông nói với một thoáng cười. Những độc thoại dưới hình thức đối thoại là một sáng lập hữu ích. Tôi mong bắt chước đúng giọng của ác quỷ. Rất tiếc cái “tôi” không được đại diện. Nhưng đó là kỹ xảo của nó: nó không bao giờ để bị lôi cuốn vào một cuộc tranh luận hợp lý. Nó tấn công ta trong lúc bất ngờ, khi ta chỉ có một mình, không tự vệ, và với một màn dàn cảnh tế nhị: trong những bụi rậm nóng bức hay ở trên những ngọn núi cao đầy mây mù. Nó tỏ ra thích chọn một nạn nhân đang ngủ hơn cả. Những phương pháp của nhà luân lý vĩ đại lại có hơi bất lương và nhiều mùi sân khấu...
Roubachof không nghe nữa. Ông đi đi lại lại, tự hỏi hiện nay, nếu Arlova còn sống, ông có hy sinh nữa không. Vấn đề này hấp dẫn ông; hình như nó chứa đựng câu giải đáp cho tất cả những câu hỏi khác... Ơng dừng lại trước Ivanof và hỏi:
- Anh còn nhớ Raskolnikof không?
Ivanof mỉm cười mỉa mai:
- Tôi biết sớm muộn gì anh cũng đi tới chỗ này. Tội ác và trừng phạt... Đây là chúng ta trở về với thời niên thiếu...
- Chậm chậm - Roubachof nói, vừa đi tới đi lui có vẻ khích động - Tất cả những cái đó chỉ là lời nói, nhưng bây giờ chúng ta sắp tới trung tâm của vấn đề. Nếu tôi nhớ không lầm, vấn đề là biết xem sinh viên Raskolnikof có quyền giết mụ già cho vay hay không. Hắn trẻ và có thiên khiếu; mụ kia già và hoàn toàn vô ích cho đời. Nhưng phương trình không ổn. Trước tiên, tình thế bắt buộc hắn ám sát người thứ hai; đó là kết quả bất ngờ và bất hợp lý của một hành động bề ngoài có vẻ giản dị và hợp lý. Điểm thứ hai, phương trình dầu sao cũng bị đánh đổ, bởi vì Raskolnikof nhận thấy hai lần hai không phải là bốn, khi mà những đơn vị toán học là những con người....
- Đây này, - Ivanof nói - nếu anh muốn biết ý kiến tôi, là cần phải đốt tất cả các bản của quyển sách ôn dịch đó. Hãy xem lại coi triết lý mù mờ về con người đó đưa ta đến đâu, nếu chúng ta tuân theo từng chữ, nếu chúng ta phải nghe theo lời giáo huấn rằng con người phải thiêng liêng, và chúng ta không được đối xử với những mạng sống con người theo những quy tắc của số học. Như vậy có nghĩa là một đại đội trưởng không thể hy sinh một tiểu đội để cứu cho cả một liên đội. Rằng chúng ta không có quyền hy sinh những thằng ngốc như Bogrof, và chúng ta phải nhận lãnh hiểm họa có thể bị dội bom xuống các thành phô` miên duyên hải hai năm tới đây...
Roubachof lắc đầu:
- Tất cả những thí dụ của anh đều rút từ chiến tranh - nghĩa là từ những trường hợp bất thường.
- Từ khi phát kiến được máy chạy bằng hơi nước, - Ivanof đáp lại - thế giới ở vào tình trạng bất thường thường trực; chiến tranh và cách mạng chỉ là sự diễn tả thấy được của tình trạng đó. Tên Raskolnikof của anh cũng là một thằng ngốc và một ác đồ; không phải nó hành động một cách bất hợp lý khi giết mụ già, nhưng bởi vì nó làm việc ấy vì quyền lợi cá nhân của nó. Nguyên tắc thủ đoạn nào cũng tốt để đi tới mục đích vẫn là quy tắc duy nhứt của đạo đức chánh trị; tất cả những gì còn lại chỉ nói nhảm và chảy hết xuống kẽ tay... Nếu Raskolnikof đã ám sát mụ già do lịnh của Đảng - thí dụ để tăng gia quỹ đình công hay để lập một nhà in lậu - thì chừng đó phương trình đứng vững, và quyển tiểu thuyết, với vấn đề lừa phỉnh của nó, không nên được viết ra; và như vậy thì tốt hơn.
Roubachof không trả lời. Ông bị hấp dẫn bởi vấn đề là biết xem nếu ngày nay, sau những kinh nghiệm trong những tháng chót và những ngày chót này, ông có còn đưa Arlova đến chỗ chết nữa không. Ông chẳng biết thế nào. Đúng luận lý, Ivanof có lý trong những điều ông ta nói; đối phương vô hình vẫn giữ im lặng, và chỉ tỏ ra có mặt bằng cảm giác khó chịu ngấm ngầm. Và về điểm này Ivanof cũng có lý, “đối phương vô hình” không hề ra mặt tranh luận và chỉ tấn công người ta trong nhưng lúc không tự vệ, lối xử sự đó của “đối phương vô hình” rọi vào ông một thứ ánh sáng quá mơ hồ...
- Tôi không chấp nhận sự pha trộn những lý tưởng- Ivanof tiếp - Chỉ có hai quan niệm về luân lý con người, và chúng ở hai thái cực đối nhau. Một trong hai quan niệm đó là của Thiên Chúa giáo và nhân bản, nó tuyên bố rằng con người thiêng liêng, và quả quyết các quy tắc số học không được đưa ra áp dụng với những đơn vị con người - những đơn vị đó, trong phương trình của chúng ta, đại diện cho con số không, hoăc vô cực. Quan niệm kia xuất phát từ một nguyên tắc căn bản là tất cả các phương tiện đều tốt cho một mục đích cộng đồng, và chẳng những cho phép mà còn bắt buộc cá nhân phải lệ thuộc và hy sinh cho tập thể - tập thể đó có thể sử dụng cá nhân hoặc như một con vật hy sinh trong một cuộc thí nghiệm, hoặc như con cừu được đưa ra tế thần.
Quan niệm thứ nhứt có thể mệnh danh là luân lý chống giải phẫu cơ thể người sống; quan niệm thứ hai, luân lý giải phẫu cơ thể người sống. Bọn người lừa phỉnh và những kẻ thích hưởng lạc luôn luôn tìm cách pha trộn hai quan niệm; trên thực tế, chuyện đó không thể được. Kẻ nào mang gánh nặng chánh quyền và trách nhiệm thấy ngay họ phải chọn lựa; và họ bị dẫn dắt một cách tàn nhẫn đến việc phải chọn quan niệm thứ hai. Từ ngày đạo Thiên Chúa được lập thành quốc giáo, anh có biết một quốc gia nào đã thật sự theo một chánh sách Thiên Chúa giáo không? Anh không thể chỉ cho tôi một quốc gia nào cả. Trong những lúc khó khăn - và chánh trị là một chuỗi liên tục những lúc khó khăn - những kẻ thống trị luôn luôn có thể viện dẫn những “tình trạng đặc biệt” bắt buộc phải có những biện pháp đặc biệt. Từ ngày có những quốc gia và những giai cấp, những thứ ấy sống chống báng nhau trong một tình trạng thường trực tự vệ, bắt buộc chúng phải dời lại việc áp dụng trên thật tế nhân đạo chủ nghĩa vào những thời gian khác....
Roubachof nhìn ra cửa sổ. Tuyết tan đóng giá và lóng lánh, làm thành một mặt lồi lỏm những tinh thể màu trắng vàng vàng. Trên lũy, người lính canh đi bách bộ, khí giới trên vai. Trời trong nhưng không trăng; phía trên vọng lâu lấp lánh giải Ngân Hà.
Roubachof nhún vai:
- Hãy chấp nhận rằng nhân đạo và chánh trị không thể đi đôi, sự kính trọng cá nhân và tiến bộ xã hội cũng vậy. Hãy chấp nhận rằng Gandhi là một tai họa cho Ấn Độ; rằng sự cao thượng trong việc chọn lựa phương tiện đưa đến bất lực chánh trị. Trong thuyết phủ định, chúng ta đồng ý. Nhưng thử nhìn xem phương pháp kia đưa chúng ta tới đâu...
- Tới đâu? - Ivanof hỏi.
Roubachof lau kiếng mắt vào tay áo, và nhìn Ivanof với dáng điệu cận thị.
- Vũng bùn, - Ông nói - chúng ta đã biến cái thời vàng son thành một vũng bùn!
Ivanof mỉm cười.
- Cũng có thể như vậy, ông nói với giọng hài lòng. Nhưng hãy nghĩ đến anh em Gracques, và Saint Just, và Ba Lê công xã. Cho tới nay, tất cả những cuộc cách mạng đều do những tay răn đời thích hưởng lạc thực hiện. Họ luôn luôn có thiện ý và họ chết vì thuyết hưởng lạc của họ. Chúng ta là những người đầu tiên hợp lý đối với chính mình.
- Phải, hợp lý đến nỗi vì quyền lợi của một cuộc phân chia ruộng đất, chúng ta đã cố ý để cho chết trong vong một năm độ năm triệu nông gia với gia đình họ. Chúng ta đã đẩy khá xa luận lý học trong việc giải phóng con người khỏi những ngăn trở của việc khai thác kỹ nghệ, đến nỗi chúng ta đã đày độ mười triệu người đi công tác khổ sai trong các vùng Bắc Băng Dương và các rừng rú Đông phương, trong những điều kiện tương tự với đám tù bị chèo thuyền thời Trung cổ. Chúng ta đã đẩy khá xa luận lý học cho đến nỗi muốn giải quyết một sự khác biệt chánh kiến, chúng ta chỉ biết có một lý lẽ: cái Chết, dầu về vấn đề tiềm thủy đỉnh, phân bón hay chánh sách của Đảng ở Đông Dương. Các kỹ sư của ta làm việc với ý nghĩ luôn luôn ở trong đầu rằng mọi tính toán sai lầm có thể đưa họ vô tù hay lên đoạn đầu đài; các công chức cao cấp trong chánh phủ làm hại thuộc viên và giết những người ấy vì biết rằng họ sẽ bị quy trách về một sự lơ đểnh nhỏ nhặt và chính họ sẽ bị giết; các thi sĩ của ta giải quyết các cuộc tranh luận về các vấn đề văn pháp bằng cách tố cáo lẫn nhau với Mật vụ, bởi vì các nhà thơ thuộc phái biểu hiện xem văn pháp tả thực là phản Cách mạng, và ngược lại. Hành động hợp lý trong quyền lợi của các thế hệ tương lai, chúng ta đã cưỡng đặt những sự tước đoạt ghê gớm đối với thế hệ hiện tại cho đến nỗi đời sống trung bình của họ bị rút ngắn cả một phần tư. Để bảo vệ sự sống còn của đất nước, chúng ta phải áp dụng những biện pháp đặc biệt và làm những đạo luật chuyển tiếp, hoàn toàn đi ngược các mục đích của Cách mạng. Mức sống của nông dân thấp kém hơn trước Cách mạng; các điều kiện làm việc khắc khe hơn, kỷ luật vô nhân đạo hơn, cực hình làm việc ăn công từng món nặng hơn ở các thuộc địa, nơi người ta dùng lao công bổn xứ; chúng ta đã rút đến mười hai tuổi là tuổi giới hạn để chịu tử hình; tinh thần những đạo luật về tính dục còn hẹp hòi hơn cả những luật lệ như thế ở Anh quốc, sự tôn thờ người cầm đầu cổ lỗ hơn cả trong những nền độc tài phản động. Báo chí và trường học của ta nuôi dưỡng chủ nghĩa bài ngoại, chủ nghĩa quân phiệt, chủ nghĩa công thức và sự dốt nát. Quyền chuyên chế của chánh phủ vô biên và chưa bao giờ có trong lịch sử; tự do báo chí, tự do dư luận, tự do hoạt động hoàn toàn biến mất làm như Tuyên ngôn Nhân quyền không bao giờ có. Chúng ta đã thành lập bộ máy cảnh sát vĩ đại nhứt, trong đó những tên do thám trở thành một chế độ quốc gia, và chúng ta đã cho nó một hệ thống tinh vi và khoa học nhứt về tra tấn tinh thần và vật chất. Chúng ta hướng dẫn bằng roi vọt những đám quần chúng rên siết đến một hạnh phúc tương lai và lý thuyết, chỉ chúng ta mới nhìn thấy được. Vì nguồn sinh lực của thế hệ này đã cạn; nguồn sinh lực đó tan trong Cách mạng; vì thế hệ này bị hút hết máu mủ và nó chỉ còn là một mảnh thịt vụn vô tri dành để hy sinh, đang rên rỉ trong cơn mê. Đó là những kết quả của nền luận lý học của chúng ta. Anh gọi cái đó là luân lý giải phẫu cơ thể người sống. Đối với tôi, các nhà thí nghiệm đã lột da nạn nhân và để họ đứng với các mô, cơ và gân não bị lột trần...
- Rồi sao nữa? - Ivanof nói vói vẻ thỏa mãn - Anh không thấy như vậy là tuyệt diệu sao? Trong suốt lịch sử, có cái gì tuyệt diệu hơn thế sao? Chúng ta lột cái da cũ của nhân loại để cho nó một bộ da mới. Đó chẳng phải là một công tác cho những kẻ có những sợi dây thần kinh bịnh hoạn sao; nhưng đã có một lúc điều đó làm anh khoái trá. Cái gì đã làm anh thay đổi, để ngày nay anh còn tế nhị hơn cả một cô gái già nữa?
Roubachof muốn trả lời: “Từ khi tôi nghe Bogrof gọi tên tôi”. Nhưng ông biết rằng câu trả lời đó vô nghĩa. Ông nói:
- Ta hãy tiếp tục cái ẩn dụ này: Tôi thấy cơ thể của thế hệ này bị lột da tươi, nhưng tôi không thấy dấu vết da mới. Chúng ta đều tin rằng có thể áp dụng với lịch sử như ta làm những cuộc thí nghiệm vật lý. Sự khác biệt là về vật lý, ta có thể lặp lại cuộc thí nghiệm một ngàn lần, nhưng về lịch sử, ta chỉ làm có một lần thôi. Danton và Saint-Just bị lên đoạn đầu đài một lần thôi; và nếu ta nhận thấy loại tiềm thủy đỉnh lớn mới là hợp với chúng ta thì đồng chí Bogrof cũng chẳng sống lại được.
- Như vậy rồi anh suy luận ra sao? - Ivanof hỏi - Phải chăng chúng ta không cần làm gì cả vì các kết quả của một hành động không bao giờ đoán trước được, và vì vậy mà mọi hành động đều không tốt? Chúng ta phải cam kết bằng cái đầu của mình để trả lời cho từng hành động, không ai đòi hỏi gì thêm được. Trong phe đối thủ, họ không thận trọng được như vậy. Bất cứ một ông tướng ngu xuẩn nào cũng thí nghiệm được với bao nhiêu ngàn cơ thể sống; và nếu hắn phạm một lỗi lầm, hắn sẽ bị về hưu ngay. Quân lực phản động và phản cách mạng không thận trọng cũng không có những vấn đề luân lý. Anh tưởng tượng một Sylla, một Galliffet một Koltschak lại đọc quyển Tội ác và hình phạt sao? Những con chim hiếm hoi như anh chỉ có thể đậu trên những cây của Cách mạng thôi. Đối với những kẻ khác thì dễ hơn...
Ông nhìn đồng hồ. Cửa sổ xà lim mang một màu xám dơ bẩn; mảnh giấy báo dán trên miếng kiếng bể phồng lên và kêu xào xạt trong gió ban mai. Trước mặt, trên tường thành, người lính gác vẫn đi bách bộ.
- Đối với người có một dĩ vãng như anh, sự xoay chiều thình lình chống cuộc thí nghiệm như thế này thật là ngây thơ. Mỗi năm, bao nhiêu triệu người chết vô ích vì bị dịch và những thiên tai. Vậy mà chúng ta phải thối lui trước việc hy sinh ít trăm ngàn người cho cuộc thí nghiệm có triển vọng nhiều nhứt trong lịch sử sao? Ấy là chưa kể nhiều quân đoàn gồm những kẻ chết vì thiếu ăn và ho lao trong các mỏ than và mỏ bạch kim, trong các sở trồng lúa và bông vải. Không ai nghĩ tới chuyện đó; không ai hỏi tại sao; vậy mà khi chúng ta bắn bỏ ít ngàn người khách quan nguy hiểm, các nhà nhân bản học trên toàn thế giới đã sôi bọt mép. Ừ, chúng ta đã thanh toán cái đám nông dân ăn hại và để cho họ chết đói. Đó là một cuộc giải phẫu làm một lần rồi thôi; trong cái thời vàng son trước Cách mạng, họ cũng chết bấy nhiêu trong một năm hạn hán - nhưng họ chết vô cớ. Những nạn nhân các trận lụt của sông Hoàng hà bên Trung Quốc có khi cả mấy trăm ngàn người. Thiên nhiên rất là rộng rãi trong các cuộc thí nghiệm không mục tiêu, áp dụng thẳng vào con người. Tại sao nhân loại lại không có quyền thí nghiệm trên chính mình!
Ông ngừng lại. Roubachof không trả lời. Ông tiếp:
- Có khi nào anh đọc những tập tài liệu của một hội chống thí nghiệm trên cơ thể người sống chưa? Trong đó có những điều thuyết phục được anh và làm anh nát lòng; khi người ta đọc thấy một con chó nhỏ bị cắt lá gan vừa rên rỉ vừa liếm tay đao phủ của nó, người ta buồn nôn, như anh tối nay. Nếu những kẻ đó có quyền, thì chúng ta không có thuốc chủng ngừa dịch tả, thương hàn và bạch hầu...
Ông uống hết chai rượu, ngáp, vươn vai rồi đứng lên. Ông đi cà nhắc tới bên Roubachof trước cửa sổ và nhìn ra ngoài:
- Đã bắt đầu sáng rồi. Đừng làm ra vẻ đần độn, Roubachof. Tất cả những gì tôi nói tối nay đều sơ đẳng, và anh cũng biết như tôi. Anh đã ở trong tình trạng bứt rứt nóng nảy của kẻ tuyệt vọng, nhưng bây giờ thì hết rồi.
Đứng sát bên Roubachof, trước cửa sổ, ông đặt tay lên vai Roubachof, giọng nói của ông gần như thân
ái:
- Bây giờ anh hãy đi ngủ để quên tất cả những chuyện đó đi, anh giống như con ngựa trận già nua; ngày mai là hết hạn rồi; cả hai chúng ta đầu cần sáng suốt để làm tờ khai của anh. Đừng nhún vai; anh chỉ cần bị thuyết phục độ phân nửa là anh sẽ ký. Nếu anh chối bỏ chuyện đó, thì đó chỉ là sự khiếp nhược tinh thần. Sự khiếp nhược tinh thần đã đưa nhiều người đến chỗ tử vì đạo.
Roubachof nhìn ánh sáng xam xám bên ngoài. Người lính canh vừa quay lại về phía mặt. Phía trên pháo tháp và những cây đại liên, trời một màu xám nhạt với một vùng ánh đỏ lóe lên.
- Tôi sẽ suy nghĩ. - Roubachof nói.
Khi cánh cửa đóng lại sau lưng Ivanof, Roubachof biết rằng ông đã đầu hàng phân nửa. Ông nằm vật xuống giường, kiệt lực, tuy nhiên lại cảm thấy dễ chiu một cách kỳ lạ. Ông nhận thấy đầu óc trống rỗng, đồng thời gánh nặng đè lên người ông hình như được trút bỏ. Tiếng gọi đáng tội nghiệp của Bogrof đã mất đi một ít chính xác về âm thanh trong trí nhớ của ông. Ai có thể bảo là phản bội nếu, thay vì trung thành với kẻ chết, người ta trung thành với người sống?
8.
Trong khi Roubachof ngủ bình thản và không chiêm bao - cơn nhức răng cũng êm trở lại - Ivanof, trên đường về phòng mình, đã ghé viếng Gletkin.
Trong bộ đồng phục, Gletkin ngồi ở bàn viết và nghiên cứu hồ sơ. Từ nhiều năm rồi, ông có thói quen làm việc suốt đêm ba hay bốn lần một tuần. Khi Ivanof bước vào, ông đứng thẳng người chào.
- Tốt lắm - Ivanof nói - Ngày mai, hắn sẽ ký tên. Nhưng tôi phải hết sức khó nhọc để cứu vãn chuyện làm tầm bậy của anh.
Gletkin không trả lời; ôrg vẫn đứng thẳng người trước bàn. Nhớ lại cái màn chua chát giữa ông và Gletkin trước khi ông tới xà lim của Roubachof, và biết rằng Gletkin không quên dễ dàng một vụ bị bạc dãi, Ivanof nhún vai thổi khói thuốc vào mặt hắn.
- Đùng làm vẻ đần độn - Ông nói - Các anh đều đau khổ vì những tình cảm riêng tư. Ở địa vị của hắn, anh cũng sẽ cứng đầu hơn hắn nữa.
- Tôi biết sợ, còn hắn thì không. - Gletkin nói.
- Anh là thằng ngốc. Vì câu trả lời đó, đáng lẽ anh phải bị bắn trước hắn.
Ông đi tập tễnh ra cửa rồi đóng sầm lại.
Gletkin ngồi lại. Ông không tin Ivanof thành công, đồng thời, ông cũng nghi ngờ cả sự thành công của chính ông. Câu chót của Ivanof hình như chứa đựng một lời hăm dọa, và với ông ấy, không biết đâu là nói giỡn, đâu là nói thiệt. Có lẽ chính Ivanof cũng chẳng biết, như tất cả cái đám trí thức cổ hủ, nô lệ giai cấp ấy.
Gletkin nhún vai, sửa cái cổ áo giả và hai tay áo hồ cứng kêu xào xạt. Ông tiếp tục làm việc với chồng hồ sơ trước mặt.