Roubachof úp trán vào cửa kiếng nhìn xuống sân. Ông thấy mỏi chân và đầu choáng váng vì đã đi quá nhiều. Ông nhìn đồng hồ tay; mười hai giơ kém mười lăm; ông đã đi bách bộ trong xà lim suốt gần bốn giờ liên tiếp, từ khi ông hồi tưởng đến bức tranh Pietà. Ông không ngạc nhiên điều ấy; ông đã khá quen với những mơ mộng trong tù, với sự say sưa tiết ra từ những bức tường vôi. Ông nhớ một người bạn trẻ, làm nghề hớt tóc, đã thuật với ông rằng trong năm thứ hai cũng là năm khổ cực nhứt ở xà lim, hắn đã suốt bảy giờ liên tiếp, hai mắt vẫn mở. Hắn đi mươi tám cây số trong một xà lim năm bước bề dài và bị những mụt bong bóng dưới chân mà không hay.
Nhưng lần này, việc ấy đến hơi sớm; ngay ở ngày đầu tiên, thói xấu ấy xâm chiếm ông, còn ở những lần bị giam trước kia, nó chỉ tới những tuần sau đó. Một chuyện kỳ lạ nữa, là ông đã nghĩ tới dĩ vãng; những tay mơ mộng kinh niên trong khám đường gần như luôn luôn chỉ mơ tương lai - và chỉ mơ về quá khứ những gì họ mong ước chớ không phải những gì đã xảy ra trên thật tế. Roubachof tự hỏi tinh thần ông sẽ còn dành cho ông những ngạc nhiên nào nữa. Kinh nghiệm cho ông biết rằng việc đứng trước cái chết bao giờ cũng tác động mạnh vào bộ máy suy tư, và gây những phản ứng ngạc nhiên nhứt - tương tự như những động tác của kim chỉ nam khi đến gần từ cực.
Trời vẫn đầy tuyết sắp rơi; trong sân, hai tù nhân đang đi dạo buổi sáng trên con đường nhỏ được quét dọn. Một trong hai người nhìn nhiều lần lên cửa sổ của Roubachof. Hình như tin ông bị bắt đã truyền ra. Đó là một người tiều tụy có nước da vàng khè và sứt môi; hắn mặc một chiếc áo đi mưa mỏng mà hắn ghì chặt lên vai như hắn đang run rẩy. Người kia nhiều tuổi hơn và trùm một cái mền. Họ không nói chuyện với nhau trong phiên đi dạo, và trong khoảng mười phút, một người đồng phục võ trang dùi cui bằng cao su và súng sáu dẫn họ trở vào khám. Cái cửa mà ông chờ họ tới ở ngay trước cửa sổ của Roubachof. Trước khi cửa đóng, người sứt môi nhìn thêm một lần nữa vẻ hướng Roubachof. Chắc chắn hắn không thấy Roubachof vì cái cửa sổ ấy, từ sân nhìn lên chắc phải thấy tối đen; nhưng hai mắt anh ta dán vào cửa sổ như đang tìm kiếm vật gì. “Tôi thấy anh mà không biết anh là ai; anh không thấy tôi nhưng hẳn anh biết tôi”, Roubachof tự nói với minh. Ông ngồi lên giường và hỏi người ở phòng sổ 402:
- Những người đi dạo là ai?
Ông tưởng tượng rằng số 402 phật lòng sẽ không trả lời. Nhưng viên sĩ quan tỏ vẻ không hờn giận lâu; hắn trả lời ngay:
- Tù chánh trị.
Roubachof ngạc nhiên; ông tưởng người gầy còm sứt môi là một thường phạm trọng tội.
- Cùng loại với ông hả? - Roubachof hỏi.
- Không - Với ông. - Số 402 gõ, có lẽ với một nụ cười hài lòng. Câu tiếp theo âm vang hơn, có lẽ được gõ bằng kiếng một tròng.
- Sứt môi, người láng giềng của tôi số 400, đã bị tra tấn hôm qua.
Roubachof yên lặng độ một phút và chùi kiếng vào tay áo, dẫu ông chỉ dùng nó để gõ. Thoạt tiên ông muốn hỏi “tại sao?”, nhưng ông gõ:
- Bị tra cách nào?
402 đánh cộc lốc:
- Tắm hơi.
Roubachof đã từng bị đánh đập nhiều lần trong thời kỳ ở tù vừa qua, nhưng phương pháp này, ông chỉ nghe nói thôi. Do kinh nghiệm, ông biết rằng tất cả sự đau đớn thể xác đều chịu đựng được; nếu ta biết trước những gì xảy đến cho ta, thì ta chịu đựng được như một cuộc giải phẫu - thí dụ như nhổ một cái răng. Chỉ có mù mờ không biết trước mới thiệt là tệ hại; ta không một hy vọng nào đoán được trước phản ứng của ta, và không cho ta một tỷ lệ nào để đo lường khả năng chịu đựng của ta. Tai hại nhứt là sự sợ nói hay sợ làm một điều gì không thể cứu vãn được.
- Tại sao? - Roubachof hỏi.
- Khác biệt chánh kiến. - Người số 402 gõ với giọng mỉa mai.
Roubachof mang kiếng vào và tìm bao thuốc trong túi. Rồi ông gõ:
- Còn ông, mạnh giỏi thế nào?
- Mạnh luôn, cám ơn. - Số 402 gõ, rồi bỏ câu chuyện.
Roubachof nhún vai; ông đốt điếu thuốc áp chót rồi đi giong dài trở lại. Chuyện lạ lùng, những gì đang chờ đợi ông lại làm cho ông gần như vui thích, ông không buồn vẩn vơ nữa, cảm thấy đầu óc sáng sủa hơn, tinh thần linh hoạt hơn. Ông tới bồn rửa mặt, tay và ngực bằng nước lạnh, súc miệng rồi lau bằng khăn tay. Ông hút gió một đoạn nhạc và mỉm cười - ông hút gió sai nhạc một cách thảm hại, và chỉ cách đó mấy hôm có kẻ nói với ông: “Nếu Người số I là nhạc sĩ, có lẽ từ lâu ông đã tìm một lý do để xử bắn anh rồi”.
- Ông ta sẽ tìm được một lý do, ông trả lời song không tin tưởng chuyện sẽ xảy ra như vậy.
Ông đốt điếu thuốc cuối cùng và đầu óc minh mẫn, ông bắt đầu chuẩn bị một đường lối phải theo khi bị thẩm vấn. Khi còn đi học, bao giờ ông cũng bình tĩnh tự tin mỗi khi sắp phải qua một kỳ ghi đặc biệt khó khăn. Ông hồi tưởng lại tất cả những gì ông biết về đề tài “Tắm hơi”. Ông tưởng tượng chi tiết của tình trạng đó và cố gắng phân tách những cảm giác thể xác mà người ta có thể chờ đợi, hầu loại bỏ tất cả tính cách siêu nhiên của nó. Điều quan trọng là đừng để mình rơi vào trạng huống bất ngờ. Hiện thời ông tin chắc những kẻ sắp tra khảo ông sẽ không đạt được mục tiêu mong muốn; ngoài kia, những kẻ ấy chưa tới. Ông biết ông sẽ không nói điều gì không cứu vãn được. Phải chi họ có thể bắt đău sớm sớm.
Giấc mơ lại đến trong đầu ông: Richard và người tài xế tắc xi già đuổi theo ông vì họ cảm thấy bị ông lừa đảo và phản bội.
“Tôi sẽ trả tiền cuốc tắc xi”, ông nói với mình và mỉm cười ngượng ngập. Điếu thuốc cháy sắp hết làm nóng đầu ngón tay, ông buông nó xuống. Ông toan đùng chân dập tắt, nhưng lại thôi, cúi xuống lượm tàn thuốc dí chầm chậm đầu cháy đỏ vào lưng bàn tay, giữa hai lằn gân xanh ngoằn ngoèo. Ông kéo dài động tác ấy đúng nửa phút mà ông đo bằng kim chỉ giây của chiếc đồng hồ tay. Ông rất bằng lòng: bàn tay ông không rụt lại một lần nào trong ba mươi giây ấy. Ông trở lại cuộc đi bách bộ.
Con mắt quan sát ông từ nhiều phút qua rút khỏi lỗ dòm.
11.
Đoàn người phát bữa ăn trưa đi qua trong hành lang; lần này, xà lim của Roubachof cũng bị bỏ quên. Ông không muốn tự hạ mình nhìn qua lỗ dòm; vì vậy, ông không biết bữa ăn gồm những món gì; những mùi đồ ăn len vào đây phòng, nghe cũng ngon.
Ông cảm thấy thèm hút thuốc dữ dội. Phải tìm thuốc lá bằng cách này hay cách khác, để có thể tập trung tư tưởng; thuốc lá còn quan trọng hơn là ăn nữa. Ông chờ nửa giờ sau khi phân phối bữa ăn, rồi bắt đầu đập vào cửa. Mười lăm phút sau mới nghe tiếng giày cũ rách của viên ngục tốt già.
- Ông muốn gì? - Lão ta hỏi với giọng khó chịu.
- Đi tới câu lạc bộ kiếm thuốc lá cho tôi. - Roubachof nói.
- Ông có phiếu mua hàng không?
- Khi tôi tới đây, người ta lấy tiền của tôi hết rồi. - Roubachof trả lời.
- Nếu vậy phải chờ đổi tiền thành phiếu.
- Bao giờ xong chuyện đó trong cái khám kiểu mẫu của mấy người? - Roubachof hỏi.
- Ông có thể viết đơn khiếu nại. - Lão già nói.
- Ông biết rằng tôi không có giấy viết gì hết. - Roubachof nói.
- Muốn có giấy viết, phải có phiếu. - Ngục tốt bảo.
Roubachof cảm thấy cơn giận nổi lên; một sự ngăn tức quen thuộc dâng lên trong lồng ngực và hơi nghẹn chận ở cổ họng; nhưng ông cố gắng nén xuống. Lão già thấy đồng tử của Roubachof sáng lên một cách nghiêm khắc sau cái kiếng kẹp mũi; lão nhớ tới những bức tranh màu của Roubachof trong bộ đồng phục mà xưa kia người ta thấy khắp nơi; ông mỉm cười hóm hỉnh nhưng già yếu và lùi một bước.
- Thiệt là cái quân đồ bỏ. - Roubachof nói chầm chậm vừa quay lưng lại hẳn và đi về phía cửa sổ.
- Tôi báo cáo rằng ông mắng tôi. - Lão già nói sau lưng ông, và cánh cửa đóng sầm lại.
Roubachof chùi kiếng vào tay áo và chờ đợi hơi thở của mình trở lại bình thường. Ông cần thuốc hút, bằng không là không chịu nổi. Ông gắng gượng chờ mười phút. Kế đó, ông gõ vào tường của số 402.
- Ông có thuốc lá không?
Yên lặng một lúc, câu trả lời mới tới, rõ ràng và phân biệt từng tiếng:
- Không phải để cho anh.
Roubachof chẫm rãi trở lại cửa sổ. Ông thấy viên sĩ quan trẻ với bộ râu mép nhỏ, mang kiếng một tròng, mặt nhăn nhó một cách ngu đần nhìn trân trân vào bức tường ngăn cách hai người; sau chiếc kiếng một tròng con mắt đờ đẫn, mí mắt đỏ hoét mở thau láu. Anh ta nghĩ gì trong đầu? Chắc hẳn hắn nghĩ “Cho anh một bài học”. Hoặc “Đồ súc sanh, mầy đã bắn bao nhiêu người thuộc phe chúng tao rồi?”
Roubachof nhìn tường vôi; ông cảm thấy nguời kia đứng sau tường, mặt quay sang ông; ông tưởng như nghe hắn thở gấp. Ừ, bọn bây đã bị tao hành hình bao nhiêu người rồi, tao tự hỏi như vậy? Thật sự ông cũng không nhớ rõ. Từ lâu, lâu lắm rồi, trong cuộc Nội chiến. Ông đã cho hành quyết vào khoảng từ bảy chục tới một trăm. Rồi sao nữa? Có gì thắc mắc đâu; việc ấy diễn ra trên một bình diện khác hẳn vụ Richard, và ông sẵn sàng làm trở lại ngày nay. Dẫu hồi đó ông biết trước cuộc cách mạng chót hết sẽ đưa Người số I lên chánh quyền, ông cũng vẫn làm như vậy.
“Với mày, - Roubachof tự nói vừa nhìn bức tường vôi sau đó kẻ kia đang đứng, và có lẽ đã đốt một điếu thuốc rồi phà khói vào vách - với mày, tao không có việc gì phải thanh toán. Tao cũng chẳng thiếu mày cuốc xe nào. Giữa mày và tao, không có một điểm liên hệ nào cả, về tiền tệ cũng như về ngôn từ... Cái gì? Mày muốn gì bây giờ đây?”
Số 402 lại gõ. Roubachof trở lại bên tường, ông nghe:
- Gởi thuốc lá cho ông đây.
Kế đó, ông nghe hắn đập cửa nhè nhẹ để cho ngục tốt chú ý.
Roubachof nín thở; vài phút sau, ông nghe tiếng chân kéo xà lết của viên ngục tốt già. Hắn không mở cửa phòng số 402, nhưng hỏi qua cái lỗ nhỏ:
- Ông muốn gì?
Roubachof không nghe câu trả lời; ông rất muốn nghe giọng nói của số 402. Kế đó, lão già nói khá to để Roubachof nghe:
- Việc đó không được phép; nó trái với quy lệ.
Lần này, Roubachof cũng chằng nghe câu đáp. Rồi viên ngục tốt nói:
- Tôi sẽ báo cáo ông về lời lẽ nhục mạ tôi.
Lão kéo lê đôi giày rách trên nền gạch rồi tiếng chân mất hút ở cuối hành lang.
Yên lặng một lúc. Sau đó, số 402 gõ:
- Không may cho ông.
Roubachof không trả lời. Ông đi đi lại lại, cơn thèm thuốc lá như nung đốt cổ họng khô khan. Ông nghĩ đến số 402. “Nhưng dầu sao, tao cũng sẵn sàng cho hành hình chúng bây trở lại, nếu cần, ông nói to lên. Đó là hành động cần thiết và đúng. Có thể tao thiếu mày một cuốc xe. Đâu có ai hối hận về những hành động đúng và cần thiết?”
Cổ ông càng lúc càng khô. Ông thấy nặng đầu; ông đi đi lại lại không ngừng, và càng nghĩ ngợi, môi ông càng rung động.
Có cần phải đền bồi những hành động được chứng minh là chánh đáng không? Có một tiêu chuẩn nào khác hơn lý lẽ không?
Món nợ về một hành động đúng phải chắng là món nợ nặng nhứt nếu được đặt lên cán cân khác kia chăng? Món nợ của ông phải chăng được tính bằng hai, chỉ vì những kẻ khác không biết họ làm những gì?...
Roubachof ngừng lại ở miếng gạch đen thứ ba kể từ cửa sổ.
Ông mắc chứng gì vậy? Một cơn gió điên loạn tôn giáo chăng? Ông nhận thấy từ nhiều phút qua ông nói lầm thầm với chính mình. Và ngay bây giờ, ông cũng cảm thấy môi ông, ngoài ý muốn của ông, động đậy đẻ nói:
- Tôi sẽ trả.
Lần thứ nhất từ khi bị bắt, Roubachof sợ. Ông tìm thuốc lá, nhưng không còn nữa.
Ông lại nghe những tiếng gõ nhỏ và rõ ràng vào từng khoảng trên giường. Số 402 đánh tin cho ông:
- Thằng sứt môi gởi lời chào ông.
Ông thấy lại gương mặt vàng ẻo quay về hướng ông: tin ấy làm ông khó chịu. Ông gõ:
- Hắn tên gì?
Số 402 trả lời:
- Hắn không muốn nói tên. Nhưng hắn gởi lời chào ông.
12.
Trong buổi chiều, Roubachof cảm thấy càng bịnh hoạn hơn.
Ông bị những cơn rung từng chập. Cái răng cũng đau trở lại - răng chó hàm trên bên phải, dính liền với dây thần kinh thị giác. Ông không ăn chút gì từ khi bị bắt, nhưng những cơn lạnh run cầm cập làm ông rất khổ sở, hợp với sự ngứa ngáy nóng bỏng ở cổ họng ngăn ông lại. Tư tưởng của ông đu đưa giữa hai cực hấp lực: cực hình thèm muốn hút thuốc và câu: Tôi sẽ trả.
Những kỷ niệm vây bọc ông, làm ông ù cả tai. Những khuôn mặt, những giọng nói hiện ra rồi biến mất; mỗi khi ông toan giữ chúng lại thì chúng làm ông đau khổ; cả một dĩ vãng trở thành chông gai, mụn nhọt, đụng đến là đau tay, là vấy mủ. Dĩ vãng của ông là Phong trào, là Đảng; hiện tại và tương lai của ông cũng thuộc về Đảng; nhưng dĩ vãng, chính là Đảng đó. Và cũng cái dĩ vãng bỗng nhiên được đặt thành vấn đề. Thể xác nóng hổi và sống động của Đảng trước mắt ông hình như đầy vết thương - những vết ung độc rướm máu. Không còn đâu được trong lịch sử những đấng thánh thần bệnh hoạn như vậy. Chưa bao giờ một chánh nghĩa lại được tượng trưng tệ hại như vậy. Nếu Đảng là hiện thân ý chí của lịch sử, thì chính lịch sử đã bịnh hoạn.
Roubachof nhìn những vết thấm ướt trên tường. Ông kéo cái mền trên giường trùm vai; ông tăng gia tốc độ, đi tới đi lui với những bước ngắn mà mau, quay mình lại thật nhanh khi tới cửa hay cửa sổ, nhưng những cơn lạnh run vẫn tiếp tục luồn dài xuống xương sống. Tai vẫn ù và có những giọng mơ hồ pha lẫn với những giọng chát chúa mà ông không phân biệt được từ hành lang bay vào hay chính ông bị ám ảnh. “Chính dây thần kinh thị giác, ông tự bảo; đó là do cái chân răng chó bị gãy. Tôi sẽ nói chuyện ấy với bác sĩ ngày mai, nhưng trong khi chờ đợi, tôi còn nhiều việc phải làm. Ta phải tìm nguyên do những sự suy nhược của Đảng. Tất cả các nguyên tắc đều hay mà kết quả lại tệ hại. Thế kỷ này bịnh hoạn. Chúng ta đã bắt mạch sự tệ hại ấy và những nguyên do với một sự chính xác tinh vi, nhưng bất cứ nơi nào ta đặt dao mổ xuống, là một ung nhọt lại hiện ra. Ý chí của ta thuần khiết và nghiêm minh, đáng lý ta phải được dân thương. Nhưng dân lại ghét chúng ta. Tại sao chúng ta trở thành khả ố và bị thù ghét?
Chúng ta mang đến cho dân sự thật, thế mà trong miệng ta nó lại có vẻ là sự dối trá. Chúng ta mang đến cho dân tự do, vậy mà trong tay ta nó giống như con roi. Chúng ta mang đến cho dân một đời sống thật sự, vậy mà nơi nào ta cất tiếng là cây cối khô cằn và người ta nghe tiếng lá rụng. Chúng ta mang đến cho dân lời hứa hẹn về tương lai, nhưng lưỡi ta lại cà lăm và phát ra tiếng ẳng ẳng...”
Ông rùng mình. Một hình ảnh hiện trong đầu ông, một bức ảnh to trong khuôn gỗ: các đại biểu của Đại hội đồng Đảng đầu tiên. Họ họp chung quanh một chiếc bàn dài bằng cây, có những người chống cùi chỏ lên bàn, những người khác đặt tay lên đầu gối; râu rậm và tin tưởng, họ nhìn ống ảnh. Phía trên đầu mỗi người có một vòng tròn bao quanh một con số đối ứng vơi một cái tên in ở dưới. Tất cả đều có vẻ trịnh trọng, chỉ có cụ già nhỏ thó chủ tọa có trong đôi mắt hí của người Hung Nô một cái gì hóm hỉnh và thích thú. Roubachof là người thứ hai ở bên phải cụ, mang kiếng kẹp trên mũi. Người số I, nặng nề và thẳng tính, ở khoảng gần đầu bàn phía dưới. Người ta có thể bảo đó là buổi họp của một hội đồng tỉnh nào đó, tuy nhiên, chính những người ấy đã chuẩn bị một cuộc cách mạng vĩ đại nhứt trong lịch sử nhân loại. Họ lúc ấy chỉ là một nhóm nhỏ thuộc hạng mới mẻ: những triết gia tranh đấu. Họ biết cả các nhà tù Âu châu như những tay chào hàng biết các khách sạn. Họ mơ chánh quyền, mục đích của họ là tiêu diệt chánh quyền, là cai trị các dân tộc hầu chấm dứt thói quen để cho người khác cai trị mình. Tất cả những tư tưởng của họ đều được diễn dịch thành hành động, và tất cả mơ ước của họ đều được thể hiện. Họ hiện giờ ở đâu? Những khối óc đã thay đổi tiến trình thế giới, đã lãnh mỗi người một viên đạn. Kẻ thì ở trán, kẻ thì ở ót. Chỉ còn vài ba người, rải rác khắp thế giới, kiệt lực. Và hắn: Người số I.
Ông bị lạnh cóng và thèm hút thuốc thật dữ dội. Ông thấy mình trở lại hải cảng cũ kỹ ở Bỉ, cùng đi với một người mà ông gọi là chú bé Loewy. Loewy tánh vui vẻ, hơi có tật và hay ngậm ống vố thủy thủ. Hắn nặc mùi hải cảng, cái mùi do sự pha trộn của mùi rong biển hư thúi và mùi dầu hỏa; ông nghe tiếng chuông từ lầu chuông xưa cũ của Tòa thị sảnh; và thấy lại những con đường hẻm hẹp có những cửa sổ lồi ra, và trên lưới rào của những cửa sổ đó, mấy cô gái đĩ trong hải cảng phơi quần áo suốt ngày. Chuyện xảy ra hai năm sau vụ Richard. Người ta không có bằng chứng gì để kết tội ông. Ông không khai gì cả dưới những trận đòn của họ, dẫu họ đã đánh ông gãy hết cái răng này đến cái răng khác, và dậm nát kiếng mắt ông dưới gót giày cao cổ. Ông lặng im, chối tất cả và lạnh lùng nói láo một cách dụng tâm. Ông đã đi đi lại lại trong xà lim, và bò bốn cẳng trên nền đá của khám tối kỷ luật; và khi người ta xối nước vào ông để ông tỉnh lại, là ông mò mẫm tìm điếu thuốc rồi tiếp tục nói láo nữa. Thời ấy, ông không ngạc nhiên trước sự thù ghét của những kẻ tra tấn ông và ông tự hỏi tại sao họ lại thấy ông đáng ghét. Cả bộ máy tư pháp của nền độc tài đều nghiến răng, nhưng họ cũng chẳng tìm được bằng chứng gì về ông. Sau khi phóng thích ông, họ đuổi ông về nước - tổ quốc của cách mạng. Người ta tổ chức nào là tiếp tân, met-ting hoan hỉ và duyệt binh. Chính Người số I cũng đã xuất hiện bên ông nhiều lần trước công chúng.
Đã nhiều năm ông chưa trở về quê hương, và ông nhận thấy có nhiều điều thay đổi. Phân nửa số người rậm râu trong bức ảnh không còn nữa. Không ai được nhắc tên tuổi họ, hay có nhắc cũng chỉ để nói xấu - trừ cụ già nhỏ thó có đôi mắt của người Hung Nô, vị lãnh tụ trước kia, đã chết đúng lúc. Người ta sùng bái cụ như Đức Chúa Cha, còn Người số I như Đức Chúa Con; nhưng người ta xầm xì khắp nơi rằng Người số I đã làm chúc ngôn giả của cụ già để trở thành kẻ thừa hưởng của cụ. Nhiều người rậm râu trong bức ảnh cũ kỹ dẫu còn sống cũng không nhìn ra được. Họ cạo râu nhẵn nhụi, kiệt lực và đã tỉnh ngộ, đầy âu sầu. Thỉnh thoảng, Người số I vươn tay dài hạ một nạn nhân mới trong bọn họ. Thế là họ đập ngực thình thịch và đồng thanh sám hối tội lỗi. Mười lăm ngày sau, dầu hãy còn chống cặp nạng khi xê dịch, Roubachof cũng xin một sứ mạng mới ở hải ngoại. “Ông có vẻ gấp quá vậy”, Người số I nói, vừa nhìn tận mặt ông xuyên qua làn khói thuốc. Đã hai mươi năm qua hai người đứng đầu Đảng và họ luôn luôn gọi nhau bằng “ông”. Trên đầu Người số I có treo bức ảnh của cụ già nhỏ thó; bên cạnh đó trước kia là bức ảnh mà mỗi đầu người đều có đánh số, nhưng bức ảnh đó không còn nữa. Cuộc hội hội đàm chỉ có mấy phút, nhưng khi ông từ giã, Người số I đã siết tay ông thật lâu một cách đặc biệt. Sau đó, Roubachof đã suy nghĩ rất lâu về ý nghĩa của cái bắt tay đó, cũng như về sự mỉa mai kỳ lạ của cái nhìn đồng lõa mà Người số I đã ném cho ông qua đám mây khói thuốc. Rồi Roubachof đi ra trên cặp nạng; Người số I không đưa ông ra cửa. Hôm sau, ông đi Bỉ.
Trên tàu, ông hơi bình tĩnh trở lại và nghiền ngẫm về sứ mạng của ông. Chú bé Loewy, với cái ống vố thủy thủ, đến đón tiếp ông. Hắn là trưởng khu phu bến tàu tại đây. Roubachof có cảm tình ngay với hắn. Hắn hướng dẫn Roubachof viếng các vũng tàu đậu, đưa ông đi trên những con đường ngoằn ngoèo trong hải cảng một cách hãnh diện như chính hắn đã kiến thiết tất cả vùng này. Trong mỗi tửu quán, hắn quen rất nhiều người, nào là phu dỡ hàng, thủy thủ và đĩ điếm; đâu đâu, người ta cũng mời hắn uống rượu và hắn chào trả lễ bằng cách nâng cái ống vố đến tận mang tai. Cả nhân viên cảnh sát chỉ huy lưu thông tại công trường trước chợ cũng nháy mắt chào lúc hắn đi qua, và các bạn hữu thủy thủ của những tàu ngoại quốc, vì bất đồng ngôn ngữ không nói chuyện được, cũng vỗ thân mật trên cái bướu của hắn. Thấy vậy, Roubachof không khỏi ngạc nhiên hài lòng. Không, chú bé Loewy không khả ố cũng không đáng ghét. Khu phu bến tàu tại thành phố này đối với thế giới là một trong những khu khéo tổ chức nhứt của Đảng.
Tối lại, Roubachof, chú bé Loewy và hai người nữa trong một quán rượu ở hải cảng. Một người tên Paul cũng đến với bọn họ; hắn là thơ ký hành chánh của khu, một cựu đô vật, sói đầu, mặt rỗ hoa mè, có hai lỗ tai vễnh ra. Bên trong chiếc áo vét-tông, hắn mặc áo len đen thủy thủ, và hắn có một cái nón trái dưa đen. Hắn có tài nhúc nhích lỗ tai đến nỗi hất được chiếc nón khỏi đầu cho rơi xuống. Một người cùng đi với hắn tên Bill; cựu thủy thủ đã viết một quyển tiểu thuyết về đời thủy thủ, từng được một năm nổi tiếng trước khi rơi vào quên lãng, và hiện thời hắn viết bài cho các nhựt báo ở Paris. Những người khác toàn là phu dỡ hàng, lực lưỡng và uống rượu rất dữ. Người vào không ngừng, ngồi hay đứng gần bàn, trả một “tuộc-nê” rồi chếnh choáng đi ra. Người chủ quán to con ngồi vào bàn của họ mỗi khi hắn rỗi rảnh được một lát. Hắn chơi kèn. Mọi người uống như hũ chìm.
Chú bé Loewy giới thiệu Roubachof là “một đòng chí từ bên kia” và không lời phê bình nào. Loewy biết ông là ai. Những người ngồi ở bàn, thấy Roubachof không có vẻ thích nói chuyện hoặc có những lý lẽ nào đó nên ra vẻ như vậy, cũng không đặt nhiều câu hỏi; và những câu hỏi họ đưa ra liên quan đến những điều kiện sinh sống ở “bên kia”; lương bổng, vấn đề nông nghiệp, sự khuếch trương kỹ nghệ. Những gì họ nói tỏ ra họ hiểu biết một cách đáng ngạc nhiên về những chi tiết kinh tế, và một sự dốt nát cũng đáng ngạc nhiên về tình hình tổng quát và không khí chánh trị ở “bên kia”. Họ hỏi thăm về sự bành trướng sản xuất trong kỹ nghệ kim khí nhẹ, như trẻ con hỏi thăm độ to chính xác của những quả nho Chanaan. Một lão phu bến già, đứng khá lâu gần quầy mà không gọi thức uống nào cả, đến khi chú bé Loewy mời lão uống một ly, lão mới nói với Roubachof sau khi bắt tay ông: “Ông giống cha già Roubachof quá”. “Nhiều người cũng nói như vậy”, Roubachof trả lời: “Quả là một cái tượng của cha già Roubachof”, lão phu bến nói vừa uống cạn ly. Ông được phóng thích chưa đầy một tháng, và biết mình còn sống chưa quá sáu tuần lễ; người chủ quán to lớn thổi kèn. Roubachof đốt một điếu thuốc rồi gọi rượu. Họ uống chúc thọ ông và nhân dân “bên kia”, còn Paul, thơ ký, thì đỡ chiếc nón quả dưa của anh bằng hai vành tai.
Sau đó, Roubachof và chú bé Loewy ngồi rất khuya trong một quán rượu ở hải cảng. Chủ quán buông sáo xuống và chồng ghế lên bàn, rồi tựa vào quầy mà ngủ. Chú bé Loewy kể với Roubachof cuộc đời của hắn. Roubachof không hề hỏi hắn và ông tiên đoán ngay những chuyện phức tạp xảy ra mai kia mốt nọ: không phải lỗi tại ông nếu các đồng chí cảm thấy bị thúc đẩy tâm tình với ông. Quả thật ông có ý muốn đi khỏi nơi này, nhưng bỗng nhiên ông cảm thấy thật mệt mỏi - phải nhìn nhận ông đã đánh giá quá cao sức lực của ông; vì vậy ông ở lại nghe.
Chú bé Loewy gốc gác không phải ở xử này, mặc dầu hắn nói ngôn ngữ tại đây như hắn vẫn ở chốn này từ trước đến nay và quen biết tất cả mọi người. Sự thật, hắn sanh trưởng ở một tỉnh miền Nam Đức quốc, và học nghề thợ mộc; chủ nhựt, hắn chơi đàn ghi-ta và thuyết trình về học thuyết Darwin cho các du khách của câu lạc bộ thanh niên thợ thuyền cách mạng. Trong những tháng dao động trước khi chế độ độc tài nắm chánh quyền, khi Đảng cần gấp khí giới, một cú táo bạo được thi hành trong thành phố: một chiều chủ nhựt, năm súng trường, hai mươi súng lục, và hai tiểu liên bị đưa lên một xe cam nhông chuyên dọn nhà từ một bót cảnh sát trong một khu phố tấp nập nhứt. Những người trên xe hàng đã xuất trình một bút lịnh đầy những con dấu chánh thức; trong bọn họ có hai người tự xưng là cảnh sát viên mang đồng phục chính cống. Số khí giới ấy sau đó bị khám phá tại một thành phố khác trong cuộc khám xét xưởng sửa xe của một đảng viên.
Vụ ấy chưa bao giờ ra ánh sáng một cách rõ ràng thì ngày sau đó, chú bé Loewy bỏ thành phố ra đi. Đảng hứa cung cấp cho hắn một chiếu khán và giấy căn cước, nhưng những trù liệu không có kết quả. Nghĩa là sứ giả của giới cao cấp trong đảng có bổn phận mang chiếu khán và lộ phí đã không đến nơi hẹn.
- Cũng những vụ tréo cẳng ngỏng đó xảy ra hoài trong đảng ta. - Chú bé Loewy tiếp với một giọng triết nhân. Roubachof không nói gì.
Tuy vậy, chú bé Loewy vẫn thoát được và cuối cùng vượt qua biên giới. Vì có trát câu lưu và ảnh hắn với cái vai mang bướu được dán ở các bót cảnh sát, hắn phải đi lang thang mấy tháng ngoài đồng bằng. Khi hắn đi đón đồng chí ở cấp “thượng từng”, trong túi hắn chỉ có tiền đủ xài ba ngày. “Trước kia tôi tưởng chỉ trong sách mới có những người nhai vỏ cây - Hắn nói - Chỉ có những cây Dương ngô đồng non là ngon hết thảy”. Kỷ niệm ấy thúc đẩy anh đứng lên lấy hai khúc xúc xích trên quầy. Roubachof nhớ tới xúp trong tù và các cuộc tuyệt thực, nên ăn với hắn.
Cuối cùng, chú bé Loewy qua biên giới Pháp. Vì không chiếu khán, mấy ngày sau hắn bị bắt; họ bảo hắn đi xứ khác rồi thả hắn ra. “Chẳng khác nào họ bảo tôi leo lên tận mặt trăng”, hắn đưa ra nhận xét. Hắn kêu gọi sự giúp đỡ của Đảng; nhưng tại xứ này, Đảng không biết hắn và trả lời rằng phải điều tra tại quốc gia nơi hắn được sanh ra. Hắn tiếp tục đi lang thang; mấy ngày sau, hắn bị bắt và kết án ba tháng tù ở. Hắn vào tù và làm một loạt thuyết trình cho một bạn cùng xà-lim, vốn là một người đầu đường xó chợ, về những quyết nghị của Đại hội đồng đảng vừa rồi. Đổi lại, con người lang thang ấy dạy hắn bí quyết kiếm ăn mỗi ngày bắt cách bắt mèo để bán da. Ba tháng trôi qua, một đêm nọ, người ta đưa hắn tới một cánh rừng trên biên giới Bỉ. Những anh hiến binh cho hắn bánh mì, phó mát cùng một gói thuốc lá Pháp. Họ bảo hắn: “Đi thẳng. Trong nửa giờ, anh sẽ tới Bỉ quốc. Nếu anh bị bắt lại nơi này, người ta sẽ đập anh vỡ mồm”.
Trong nhiều tuần lễ, chú bé Loewy đi vẩn vơ trên đất Bỉ. Hắn lại tìm đến Đảng, nhưng người ta nói y như ở Pháp. Vì hắn đã chán cây dương ngô đồng, nên làm thử nghề buôn mèo. Bắt mèo cũng dễ, và hắn đổi một da mèo trẻ không có ghẻ lấy được nửa ổ bánh mì tròn và một gói thuốc lá Pháp. Giữa việc bắt mèo và nhận bánh mì, có một nghiệp vụ tương đối không mấy thích thú lắm. Mau hơn cả là tay này nắm hai vành tai mèo, tay kia nắm đuôi rồi kê vào đầu gối bẻ cái rốp gãy lọi xương sống. Ban đầu, việc ấy làm ta phát nhợn; rồi lần lần quen đi. Khốn thay, chú bé Loewy bị bắt vài tuần sau đó, vì ở Bỉ cũng phải có đủ giấy tờ tùy thân. Thế là một cuộc diễn tiến xảy ra theo thứ tự thời gian, trục xuất, khoan hồng, bắt lần thứ hai, tù. Một tối đẹp trời, hai hiến binh Bỉ đưa hắn tới một khu rừng sát biên giới Pháp. Họ cho hắn bánh mì, phó mát với một gói thuốc lá Bỉ. “Đi thẳng - Họ bảo hắn - Trong nửa giờ anh sẽ tới đất Pháp. Nếu anh bị bắt lại nơi đây, họ sẽ đập anh vỡ mồm”.
Suốt năm kế đó, chú bé Loewy vượt biên lậu ba lần, với sư đồng lõa khi thì của các nhà cầm quyền Pháp, khi thì của các nhà cầm quyền Bỉ. Hắn cho rằng trò ấy đã diễn ra bao nhiêu năm rồi với mấy trăm người cùng loại với hắn. Hắn tiếp xúc không biết bao nhiêu lần với Đảng, vì mối lo ngại quan trọng nhứt của hắn là không để mất liên lạc với phong trào. “Chúng tôi không được tổ chức của anh báo trước việc anh tới đây, Đảng nói với hắn. Chúng tôi phải chờ kết quả cuộc điều tra. Nếu anh là đảng viên, anh phải trọng kỷ luật Đảng”. Trong khi chờ đợi, chú bé Loewy lo buôn bán mèo và cứ bị xua đuổi từ biên giới này sang biên giới khác. Hơn nữa, nền độc tài đã chiến thắng ở nước anh. Một năm nữa lại trôi qua và chú bé Loewy, chịu ảnh hưởng của những cuộc ngao du bất đắc dĩ đó, bắt đầu khạt ra máu và mơ mộng thấy mèo. Anh bị ám ảnh rằng cái gì cũng hôi mèo, đồ ăn, cái ống điếu, và cả những gái đĩ già tốt bụng đã thỉnh thoảng nuôi anh. “Vẫn không có trả lời về việc chúng tôi thăm dò tin tức”, Đảng nói. Lại một năm nữa, và có lẽ các đồng chí có thể cung cấp tài liệu về hắn hoặc đã bị ám sát, hoặc đang ở tù, hoặc đã mất tích.
- Chúng tôi rất tiếc, nhưng chúng tôi không thể làm gì được cho anh, Đảng nói. Đáng lý ra anh không nên tới mà chẳng chánh thức báo tin cho chúng tôi biết trước. Chính anh cũng không nên vắng mặt mà không được Đảng cho phép. Làm sao chúng tôi biết được? Có quá nhiều điệp viên và bọn người chuyên viên khích động toan len lỏi vào hàng ngũ ta. Đảng có bổn phận phải thận trọng.
- Tại sao anh kể cho tôi nghe tất cả những chuyện đó? - Roubachof hỏi. Phải chi ông đi trước thì hơn...
Người mà ông gọi là “chú bé Loewy” mở vòi vặn cho y một ly bia, rồi chào với cái ống vố.
- Bởi vì rất hữu ích- Hắn nói - Bởi vì đó là một thí dụ điển hình. Tôi có thể cung cấp cho đồng chí hằng trăm chuyện như vậy. Trong nhiều năm qua, những đồng chí lỗi lạc của chúng ta đã bị tan nát vì thế. Mỗi ngày đảng đã hủ hóa thêm. Đảng bị bịnh thống phong và sưng tỉnh mạch khắp tứ chi. Người ta không thể làm cách mạng như vậy được.
“Tôi có thể nói nhiều về chuyện đó”, Roubachof nghĩ, nhưng ông lặng im.
Tuy nhiên, câu chuyện của chú bé Loewy đi đến một ngõ thoát may mắn một cách bất ngờ. Trong khi thụ hình hết án này đến án khác, có lần nọ hắn ở chung xà lim với Paul, cựu đô vật. Paul lúc ấy là phu bến; hắn ngồi tù vi trong một cuộc đình công bạo động, hắn đã nhớ tới nghề xưa: hắn đã cho một cảnh sát viên nếm hai cái cúi đầu cưỡng bách tên là Nelson. Cú ấy được thi thố bằng cách luồn hai tay mình dưới nách đối phương, rồi đan hai bàn tay mình sau ót địch, buộc y phải cúi đầu cho đến khi xương cổ của y kêu răn rắc. Hắn được bạn hữu bao quanh đó vỗ tay hoan nghinh nhiệt liệt, nhưng sau đó, hắn cũng hiểu rằng trong cuộc đấu tranh giai cấp, cú Nelson đúp không phải là ngón đòn hay. Chú bé Loewy và Paul đô vật trở thành đôi bạn thân. Paul là thơ ký phụ trách hành chánh ở khu phu bến của Đảng; khi cả hai ra khỏi khám đường, Paul cày cục giúp Loewy giấy tờ và công ăn việc làm, đồng thời đưa hắn trở lại Đảng. Thế là chú bé Loewy có thể làm lại những cuộc thuyết trình về thuyết Darwin và về Đại hội đồng mới nhứt của Đảng trước các phu bến tàu, như chẳng có việc gì xảy ra. Hắn rất hài lòng, quên những con mèo và quên cả sự giận hờn của hắn đối với những kẻ cạo giấy của Đảng. Sáu tháng sau, hắn trở thành thơ ký phụ trách chánh trị của khu bộ sở tại. Miễn là kết quả tốt là kể như tốt từ đầu chí đuôi...
Roubachof đã cảm thấy mệt mỏi và già nua, hết lòng mong mỏi cho câu chuyện xuôi thuận. Nhưng ông lại biết ông được gởi đến đây với sứ mạng nào, và chỉ có một đặc tính cách mạng mà ông không bao giờ học được, tức là không thành thật với chính mình. Ông yên lặng nhìn chú bé Loewy qua chiếc kiếng kẹp mũi của ông. Trong khi chú bé Loewy không hiểu được cái nhìn ấy, có hơi ngượng ngập nên mỉm cười chào với cái ống vố, Roubachof nghĩ đến mấy con mèo. Ông lo ngại nhận thấy khí lực mình suy nhược vì có lẽ uống nhiều rượu quá; ông cũng không xua đuổi được ám ảnh thấy mình bị bắt buộc phải nắm hai lỗ tai và hai chân của chú bé Loewy rồi kê vào đầu gối bẻ gãy xương sống lẫn cái bướu. Ông thấy muốn bịnh và đứng lên để đi khỏi nơi đây. Chú bé Loewy đưa ông tận nơi ngụ; hắn tưởng Roubachof bỗng nhiên suy nhược; và kính cẩn yên lặng. Một tuần lễ sau, chú bé Loewy treo cổ tự tử.
Từ buổi tối ấy đến cái chết của Loewy, tiểu tổ Đảng họp nhiều phiên cũng không bi tráng cho lắm. Sự việc cũng giản dị.
Hai năm trước đây, Đảng đã kêu gọi giới cần lao khắp thế giới đấu tranh chống nên độc tài vừa hình thành tại trung tâm Âu châu, và áp dụng đối với chế độ ấy một cuộc tẩy chay chánh trị lẫn kinh tế. Không nên mua hàng hóa xuất xứ từ nước địch, không để một kiện hàng nào được gởi đến tiếp tế cho kỹ nghệ chiến tranh rộng lớn của quốc gia đó. Các khu bộ của Đảng thi hành các chỉ thị ấy một cách nhiệt thành. Các phu bến tại hải cảng nhỏ ở Bỉ này từ chối bốc giở các tàu hàng từ nước ấy tới, hoặc sẽ đi tới nước đó. Nhiều nghiệp đoàn khác cũng hưởng ứng với họ. Cuộc đình công rất gay cấn; có nhiều cuộc xung đột với cảnh sát, nhiều người bị thương và chết. Kết quả cuộc tranh đấu hãy còn ngang ngửa thì một đoàn thương thuyền gồm năm tàu hàng đen, cũ kỹ một cách lạ lùng, tiến vào bến. Mỗi chiếc đều mang ở sau lái tên của một đại lãnh tụ Cách mạng, vẽ bằng thứ chữ lạ lùng đang dùng ở “bên kia”, và ở mũi tàu phất phới lá cờ Cách mạng. Dân đình công say sưa chào đón đoàn tàu ấy. Họ tức tốc giở hàng trên đoàn tàu ấy ngay. Vài giờ sau, họ mới phát giác ra rằng các kiện hàng gồm toàn một thứ kim khí ít có được gởi cho kỹ nghệ chiến tranh của quốc gia bị tẩy chay.
Khu bộ bến tàu của Đảng triệu tập ngay một buổi họp ủy ban; họ trao đổi quan điểm với nhau. Cuộc tranh luận lan rộng khắp nước trong các hệ thống của phong trào. Báo chí phản động khai thác biến cố để chế nhạo Đảng. Cảnh sát không còn tìm cách phá vỡ cuộc đình công nữa, tuyên bố đứng trung lập và để cho giới lao động bến tàu tự do quyết định giở hàng cho đoàn thuyền đen ấy hay không. Cấp chỉ huy Đảng bãi bỏ cuộc đình công và ra lịnh dỡ hàng. Cấp ấy đưa ra những lời giải thích hữu lý về đường lối của Quốc gia Cách mạng, viện dẫn những lý lẽ khéo léo, nhưng số người bị thuyết phục rất ít. Khu bộ tách ra làm hai; đa số những đảng viên cũ từ chức. Trong nhiều tháng, Đảng chỉ còn cái tên; nhưng lần lần, sự suy sụp kỹ nghệ trong nước tăng gia Đảng tìm lại được nhân tâm và uy lực.
Hai năm trôi qua. Tại miền Nam Âu châu, một nền độc tài tham lam khác mở một cuộc chiến tranh xâm lược. Lần này nữa, Đảng cũng yêu cầu tẩy chay. Phản ứng của giới cần lao lần này càng bồng bột hơn lần đầu nữa. Hơn nữa, kỳ này chính các chánh phủ của nhiều quốc gia trên thế giới cũng quyết định ngăn chận những nguồn cung cấp nguyên liệu đến với nước xâm lược.
Không nguyên liệu, nhứt là không có xăng, thì kẻ xâm lược nguy ngay. Chuyện đang diễn tiến đến đó thì đoàn thương thuyền đen lạ lùng bắt đầu lên đường. Chiếc to nhứt của đoàn thuyền này mang tên cụ già nhỏ thó có đôi mắt của dân Hung Nô; các cột cờ đều có mang cờ Cách mạng, và trong các khoang có chứa xăng cho nước xâm lược. Chỉ còn vài hôm nữa là đoàn tàu đến bến này, nhưng chú bé Loewy và các bạn của hắn chưa biết chuyện đó. Roubachof có sứ mạng chuẩn bị việc này.
Ngày đầu, ông không nói gì cả mà chỉ dọ dẫm đường đất. Ngày hôm sau một cuộc hội thảo mở ra tại phòng họp của Đảng.
Phòng này rộng lớn, trống trải và hỗn độn, như tất cả những văn phòng Đảng ở các nơi khác trên thế giới. Việc đó một phần do sự nghèo khổ, nhưng nhứt là do một truyền thống kham khổ ủ dột. Các vách tường được trang trí bằng những bích chương tranh cử, cũ kỹ, những biểu ngữ chánh trị và thông tri đánh máy. Trong một góc phòng là chiếc máy quây rô-nêo đóng bụi. Trong một góc khác có một đống quần áo cũ dành cho các gia đình của những người đình công; cạnh đó những chồng sách mỏng và truyền đơn vàng cháy. Chiếc bàn dài là hai tấm ván đặt song song trên hai cái giá kê. Các cửa sổ đều bôi sơn lem luốt như trong một ngôi nhà đang xây cất. Trên trần thòng xuống ngay bàn một bóng đèn điện, bèn cạnh là cái bẫy ruồi bằng giấy có keo dán. Hiện diện quanh bàn gồm có chú bé Loewy với cái bướu của hắn; Paul, cựu đô vật; Bill, nhà văn và ba người khác.
Roubachof nói rất lâu. Không khí này rất quen thuộc với ông; sự xoàng xĩnh của căn phòng làm ông thoải mái. Trong không khí này, ông nhận thức được sự cần thiết và tính cách hữu ích của sứ mạng mình và ông không hiểu vì sao ông lại bực bội trong quán cà-phê ồn ào hồi hôm. Ông giải thích một cách chủ quan nhưng không phải là thiếu nhiệt thành tình trạng hiện hữu của các sự kiện, không quên gián tiếp ám chỉ mục tiêu thật tế của chuyến viếng thăm này. Cuộc tẩy chay của thế giới đối với nước xăm lăng đã thất bại vì sự giả trá và tham lam của các chánh quyền Âu châu. Nhiều chánh phủ làm ra vẻ kính trọng cuộc tẩy chai, còn nhiều chánh phủ khác lại trắng trợn vi phạm. Kẻ xâm lược cần dùng dầu xăng. Trong quá khứ, quốc gia Cách mạng đã đảm nhiệm cung cấp một phần lớn nhiên liệu cho nước đó. Nếu bây giờ mình ngưng bán, các nước khác sẽ ùa nhau chen vô kẽ hở đó: họ không đòi hỏi gì hơn là xua đuổi Quốc gia Cách mạng khỏi thị trường quốc tế. Những cử chỉ lãng mạn kiểu đó sẽ làm hại kỹ nghệ “bên kia” và luôn cả phong trào cách mạng trên toàn thế giới.
Paul và ba người thợ kia gật đầu chấp nhận. Họ suy luận chậm chạp; những gì đồng chí từ “bên kia” tới nói ra đối với họ đều xác đáng; không phải là một cuộc thuyết trình về lý thuyết, chẳng có ảnh hưởng thật tế đến họ. Họ không thấy rõ điểm chính xác mà Roubachof muốn đạt tới; không một ai trong bọn họ ngờ rằng đoàn thương thuyền đang đến gần bến họ. Chỉ có chú bé Loewy vả văn sĩ trao đổi nhau một thoáng mắt. Roubachof thấy rõ thái độ họ. Ông chấm dứt với một giọng lạnh nhạt:
- Đó là tất cả những gì tôi muốn nói với các anh về vấn đề nguyên tắc. Các anh phải thi hành các định quyết của Trung ương Đảng và giải thích đầu đuôi vụ này cho các đồng chí yếu kém chánh trị hơn, vì ta phải thí dụ rằng trong số đó có những người còn ngờ vực. Hiện giờ, tôi không còn gì nói nữa.
Một phút yên lặng. Roubachof gỡ kiếng ra và đốt thuốc. Chú bé Loewy nói với một giọng bình thường:
- Chúng tôi xin cám ơn diễn giả. Có ai muốn đặt câu hỏi không?
Không ai hỏi gì cả. Một lúc sau, một trong ba người phu bóc hàng nói một cách vụng về:
- Không có gì quan trọng đáng thắc mắc. Các đồng chí bên kia biết rõ họ phải làm gì. Còn chúng tôi thì tự nhiên chúng tôi phải hoạt động cho cuộc tẩy chay. Đồng chí có thể tin cậy vào chúng tôi. Tại hải cảng của chúng tôi, không có một món gì được chuyển tới quân khốn nạn đâu.
Hai người bạn của hắn gật đầu tán thành. Paul đô vật xác nhận những lời nói đó: “Nhứt định rồi”; hắn
nói với một cái nhăn mặt gây hấn, rồi hắn lay động hai vành tai để làm mọi người cười.
Roubachof ban đầu tưởng mình ngồi trước một đám chống đối nổi loạn; lần lần ông hiểu ra rằng thật sự những người kia chưa hiểu rõ lời lẽ ông đưa ra. Nhưng chú bé Loewy nhìn xuống và im lặng. Bỗng nhiên, văn sĩ nói một cách nóng nảy:
- Các anh không thể tìm một hải cảng khác cho những áp phe nho nhỏ của các anh lần này sao? Tại sao cứ chọn chúng tôi mãi?
Các phu bến nhìn hắn ngạc nhiên; họ không hiểu hắn muốn nói gì với mấy tiếng “áp phe nho nhỏ”; họ không hề nghĩ tới việc đoàn thương thuyền đen sắp sửa len qua sương và khói mù để cập bến của họ. Nhưng Roubachof dã chờ đợi câu hỏi như vậy:
- Chuyện đó đã được chỉ định, trên bình diện chánh trị lẫn địa lý - Ông nói - Hàng hóa sẽ được chuyển đi từ đây bằng đường bộ. Chúng tôi không có lý do gì giấu diếm hành động của chúng tôi: ta nên thận trọng tránh những xúc động, chớ để cho báo chí phản động khai thác.
Văn sĩ trao đổi một cái nhìn với Loewy. Các phu bến nhìn Roubachof, không hiểu gì cả; người ta thấy ông đang chậm chạp bươi óc tìm giái pháp cho vấn đề.
Thình lình Paul nói với một giọng thay đổi hẳn và cộc lốc:
- Nhưng thật ra là chuyện gì?
Mọi người nhìn hắn. Cổ hắn đỏ lòm, và hắn lõ mắt nhìn Roubachof. Chú bé Loewy cũng nói cộc lốc với Paul:
- Bây giờ anh mới thấy chuyện như vậy sao?
Roubachof nhìn một vòng rồi bình tĩnh bảo:
- Tôi quên không cho các anh biết chi tiết. Năm tàu hàng của ủy phủ ngoại thương sẽ tới đây sáng mai, nếu thời tiết tốt.
Ngay lúc ấy mà gần trọn một phút sau họ mới hiểu. Không ai nói lời nào. Tất cả đều nhìn Roubachof. Kế đó, Paul từ từ đứng lên, liệng chiếc mũ cát két xuống đất rồi rời phòng họp. Hai bạn anh quay đầu đưa mắt theo dõi anh. Không ai nói gì. Chót hết, chú bé Loewy tằng hắng và nói:
- Đồng chí thuyết trình viên vừa trình bày lý do của vụ này: nếu họ không cung cấp hàng, kẻ khác sẽ cung cấp. Ai còn muốn nói nữa?
Người phu bến đã nói khi này đứng lên:
- Người ta dư biết bài hát đó rồi. Khi đình công, luôn luôn có kẻ nói: nếu ta không làm, kẻ khác sẽ làm thay ta. Ta nghe nhiều những câu như vậy rồi. Bọn ôn hòa cũng nói như vậy.
Lại lặng im. Bên ngoài, người ta nghe Paul đóng cửa ra vào vang lên. Kế đó Roubachof nói:
- Thưa các đồng chí, quyền lợi của việc khuếch trương kỳ nghệ của ta “bên kia” phải được đặt ra trước hết. Những tình cảm đẹp không đưa ta đến đâu cả. Các đồng chí hãy nghĩ lại.
Người phu bến hất hàm một cách khiêu khích và nói:
- Nghĩ kỷ rồi. Chúng tôi nghe luận điệu đó nhiều rồi. Các ông bên đó, các ông phải nêu gương. Cả thế giới đều nhìn về các ông. Các ông nói chuyện đoàn kết, hy sinh, kỷ luật, và đồng thời các ông lại dùng hạm đội vào một công cuộc của bọn ôn hòa.
Nghe những lời ấy, chú bé Loewy thình lình ngẩng đầu lèn; hắn tái mặt; hắn đưa ống điếu chào Roubachof và nói nhỏ rất mau:
- Những lời của đồng chí vừa nói cũng là ý kiến của tôi. Có ai còn nói gì nữa không? Phiên họp bế mạc.
Roubachof chống nạng đi ra. Những biến chuyển tiếp theo đà đã quy định và không thể tránh được. Trong khi đoàn tàu nhỏ cũ kỹ vào bến, Roubachof trao đổi vài công điện với giới chức thẩm quyền bên kia. Ba ngày sau, các lãnh tụ của khu bộ phu bến bị khai trừ khỏi Đảng, chú bé Loewy bị tố cáo là chuyên viên khích động trong cơ quan chánh thức của Đảng. Ba hôm sau, chú bé Loewy thắt cổ chết.
13.
Đêm càng tệ hại hơn nữa. Roubachof không thể ngủ trước bình minh. Những cơn run rẩy đến với ông từng chập đều đều: chiếc răng làm ông nhức nhối. Ông có cảm giác tất cả các trung tâm phối hợp trong óc ông đều đau đớn và sưng vù; hơn nữa ông còn bị kết tội phải gợi lại một cách khổ sở những hình ảnh và giọng điệu. Ông nghĩ tới Richard với bộ lễ phục đen ngày chủ nhựt và cặp mắt đỏ au: “Nhưng anh không thể đưa tôi vô lò thịt, đồng chí...” Ông nghĩ tới chú bé có bướu Loewy: “Có ai muốn nói nữa?” Có biết bao nhiêu người muốn nói. Vì phong trào không cần phải tế nhị: nó lăn đến mục đích với sự vô tâm và đặt thây của những kẻ chết đuối dài theo các khúc quanh của giòng nước. Đáy của nó có nhiều xoáy và nhiều khúc quanh; đó là luật của bản thể nó. Và kẻ nào không thể theo được giòng khúc khuỷu của nó là bị quăng lên bờ ngay; đó cũng là luật của nó. Các nguyên động lực của mỗi cá nhân không làm nó bận tâm. Lương tâm cá nhân cũng chẳng dính dáng đến Đảng vì Đảng chỉ lưu tâm đến những gì diễn ra trong đầu và trong lòng cá nhân đó thôi. Đảng chỉ biết có một tội: đi ra ngoài con đường đã vạch sẵn; một hình phạt duy nhứt: chết. Cái chết không phải là sự bí mật trong phong trào; cái chết không có gì là cao cả; đó là giải pháp hợp lý cho những vụ khác biệt chánh kiến.
Roubachof kiệt lực, chỉ ngủ được trên giường trong những giờ đầu của buổi sáng. Điệu kèn tuyên bố bình minh của một ngày mới đánh thức ông; một lúc sau, viên ngục tốt già và hai người đồng phục đến tìm ông để đưa ông đi khám bịnh.
Roubachof mong được đọc tên trên mảnh giấy cứng dán trước cửa phòng của người sứt môi và số 402, nhưng họ đưa ông sang hướng khác. Xà lim bên mặt ông không người ở. Đó là một trong những phòng giam cuối cùng ở đầu hành lang này; cánh giam những tù nhân bí mật được đóng bằng một cửa bê-tông cốt sắt nặng nề, mà viên ngục tốt già mở một cách mệt nhọc. Họ đi xuyên qua một hành lang dài, Roubachof đi trước với ngục tốt già, hai người đồng phục đoạn hậu. Nơi đây, nhiều tên người được ghi trên mảnh giấy của mỗi xà lim; và từ mỗi phòng bay ra những tiếng chuyện trò, tiếng cười và cả tiếng hát; họ đang đi trong khu thường tội. Họ đi qua cánh cửa mở của người thợ hớt tóc, một tù nhân có bộ mặt của một tù khổ sai lâu năm, giống như mõ chim đang được cạo râu, và thợ đang hớt tóc hai nông dân; cả ba nhìn một cách hiếu kỳ Roubachof và đoàn hộ vệ ông đi qua. Họ tới một cánh cửa có vẽ dấu hiệu hồng thập tự. Ngục tốt kính cẩn gõ rồi cùng vào với Roubachof; hai người đồng phục chờ đến ngoài.
Phòng y tế nhỏ hẹp, có mùi mốc, mùi phénol và thuốc lá. Một cái thùng và hai cái chậu đều đầy gòn và băng dơ tận miệng. Viên bác sĩ ngồi ở bàn, quay lưng lại, đang đọc báo vừa nhai một miếng bánh thoa thịt mỡ.
Tờ báo đặt trên một đống dụng cụ, kềm và ống chích. Khi ngục tốt khép cửa lại, viên bác sĩ chẫm rãi quay người. Ông sói đầu và có một cái sọ mang những chùm tóc bạc, làm Roubachof nghĩ đến con đà điểu.
- Ổng nói ổng nhức răng. - Viên ngục tốt già nói.
- Nhức răng hả? - Bác sĩ hỏi, vừa nhìn Roubachof mà không cần thấy ông - Mở miệng ra, mau lên.
Roubachof nhìn ông xuyên qua cặp kiếng kẹp mũi.
- Tôi hân hạnh lưu ý ông, - Roubachof bình tĩnh nói - tôi là chánh trị phạm và tôi có quyền được đối xử đàng hoàng.
Bác sĩ quay sang ngục tốt:
- Y là thứ người gì vậy?
Lão già nói tên Roubachof. Ông nhận thấy hai con mắt chàu quảu của chim đà điểu đè nặng lên ông một giây. Rồi viên bác sĩ bảo:
- Ông bị sưng má. Mở miệng ra.
Vào lúc có, cái răng của Roubachof không làm ông đau nhức nữa. Ông hả miệng.
- Ông không có cái răng nào cả ở hàm trên bên trái. - Bác sĩ nói, vừa đưa ngón tay vào miệng Roubachof.
Bỗng Roubachof tái mặt phải tựa vào tường.
- Nó đây! - Viên bác sĩ bảo - Chưn răng chó bên mặt bị gãy và còn dính trong hàm.
Roubachof phải thở thật sâu mấy lượt. Sự đau nhức chạy dài từ hàm đến mắt và lan đến ót. Ông nhận thấy từng chập đều đều mỗi cái bôm của máu trong đầu. Bác sĩ ngồi xuống trở lại và mở tờ báo.
- Nếu ông bằng lòng thì tôi nhổ cái chưn đó - Ông nói, rồi cắn vào chiếc bánh - Tôi không có thuốc tê ở đây. Cuộc giải phẫu có thể kéo dài nửa giờ hoặc cả giờ.
Roubachof nghe tiếng nói của bác sĩ như xuyên qua một đám sương mù. Ông dựa vào tường và thở thật sâu.
- Cám ơn ông - Roubachof nói - Thôi để khi khác.
Ông nghĩ tới người sứt môi và trò “tắm hơi” mà hắn phải chịu đựng, và cử động kỳ dị của ông hôm qua khi ông châm tàn thuốc vào mu bàn tay. “Sự việc càng thêm tệ”, ông tự nói.
Về tới xà-lim, ông nằm vật xuống giường và ngủ ngay.
Buổi trưa, khi phát xúp, họ không quên ông nữa; từ đó, ông nhận đều đều phần ăn của mình. Nhưng cơn nhức răng cũng bớt và ở mức độ chịu đựng được. Roubachof mong rằng mụt mủ quanh chưn răng tự nó đã bể rồi.
Ba ngày sau ông được đưa đi thẩm vấn lần đầu tiên.
14.
Lúc đó là mười một giờ sáng khi họ tới tìm ông.
Nhìn vẻ nghiêm trọng của ngục tốt, Roubachof đoán biết ngay họ đi đâu. Ông theo ngục tốt với một sự sáng suốt uể oải, ảnh hưởng của một sự từ bi bất ngờ nào đó mà ông thường gặp trong những giờ phút nguy hiểm.
Họ đi trên con đường cũ mà cách đây ba hôm họ đã đến bác sĩ. Cánh cửa xi-măng mở ra rồi đóng lại vang động; điều lạ lùng, Roubachof nghĩ, sao mình, lại thích nghi mau lẹ với một nơi hung dữ như vầy; ông có cảm giác thở không khí của hành lang này từ bao năm rồi, như cái không khí độc hại của tất cả các khám đường mà ông đã biết qua đều được chất chứa nơi này.
Họ đi qua cửa người thợ hớt tóc và cánh cửa đóng kín của bác sĩ, nơi đây có ba tù nhân chờ đợi dưới sự canh gác của một ngục tốt ngủ gà ngủ gật.
Sau cánh cửa này, Roubachof phát giác những vùng xa lạ. Ông đi gần một cầu thang khu ốc đưa xuống dưới sâu. Có gì ở dưới đó? Những nhà kho? Những xà-lim kỷ luật? Với kinh nghiệm của một chuyên viên, Roubachof cố suy đoán. Cái dáng của cầu thang này không có vẻ gì tốt lành.
Họ đi qua một cái sân hẹp và không cửa sổ; đó là một cái hầm giữa các khu nhà, nhưng nhìn lên còn thấy một mảnh trời. Phía bên kia sân này các hành lang có vẻ tươi sáng hơn; các cánh cửa không còn bằng xi-măng nữa, mà bằng cây có sơn với những tay nắm bằng đồng; những viên chức bận rộn đi ngược chiều với họ; sau một cánh cửa, người ta nghe tiếng ra-điô; sau cánh cửa khác, có tiếng máy đánh chữ. Họ đang ở trong các văn phòng hành chánh.
Họ ngừng trước một cánh cửa chót, ở cuối hành lang; ngục tốt gõ cửa. Ở trong, có người đang điện đàm; một giọng bình tĩnh nói to: “Chờ một chút”, và tiếp tục trả lời một cách kiên nhẫn “Phải” và “Đúng rồi” trong ống nói. Giọng nói có vẻ quen lắm với Roubachof, nhưng ông không nhận ra của ai. Đó là một giọng đàn ông dễ nghe, có hơi khàn khàn; ông chắc chắn đã nghe giọng nói đó ở đâu rồi. “Vào đi”, giọng ấy bảo; ngục tốt mở cửa rồi khép ngay lại sau khi Roubachof bước vào. Roubachof thấy một cái bàn; một bạn cũ ở trường đại học cũng là vị cựu đại đội trưởng của ông, Ivanof, ngồi sau chiếc bàn đó; ông nhìn Roubachof mỉm cười rồi trả ống nghe vào chỗ cũ.
- Ta lại gặp nhau trở lại. - Ivanof nói.
Roubachof đứng gần cửa.
- Thật là một ngạc nhiên thích thú. - Ông lạt lẽo trả lời.
- Anh ngồi đi! - Ivanof nói một cử chỉ lễ phép. Ông đứng lên, cao hơn Roubachof nửa cái đầu. Ông nhìn Roubachof mỉm cười. Cả hai ngồi xuống - Ivanof sau hộc tủ, Roubachof phía trước. Họ nhìn nhau một lúc cho thỏa hiếu kỳ. Có một ít trìu mến trong nụ cười của Ivanof. Roubachof ở vào thế chờ đợi thận trọng. Ông nhìn xuống phía dưới bàn, hướng về chân phải Ivanof.
- Ồ! Tốt lắm - Ivanof nói - Chân giả, có những khớp tự động, bằng thép cờrômê không sét; tôi lội, cỡi ngựa, lái xe và khiêu vũ. Hút một điếu thuốc nghen?
Ông đưa sang Roubachof một bao đựng thuốc bằng cây.
Roubachof nhìn những điếu thuốc và nghĩ đến chuyến thăm viếng đầu tiên của ông tại bịnh viện quân sự sau khi cưa chân Ivanof. Ivanof đã yêu cầu ông tìm giúp cho loại thuốc cực độc vêrônal, và trong cuộc tranh luận kéo dài suốt buổi chiều, ông ta đã cố gắng chứng minh với Roubachof rằng ai cũng có quyền tự sát. Chót hết, Roubachof yêu cầu cho mình thời gian suy nghĩ; và tối đó thì ông phải dời đi một vùng khác của mặt trận. Nhiều năm trôi qua trước khi ông gặp lại Ivanof. Ông nhìn những điếu thuốc trong hộp cây, được vấn bằng tay với thuốc lá Mỹ màu vàng và xoắn.
- Những lời hỏi thăm thường lệ còn không hay là sự khai hấn đã mở ra rồi? - Roubachof hỏi - Nếu giả thuyết thứ hai đúng thì tôi không tham dự đâu. Anh biết nghi thức?
- Anh làm bộ đần, Ivanof.
- Vậy thì tốt, chúng ta hãy làm bộ đần. - Roubachof nói. Ông đốt một điếu thuốc của Ivanof, hít một hơi dài, cố không ra vẻ thích khoái.
- Còn bịnh tê thấp ở hai vai anh ra sao!
- Tốt lắm, cám ơn - Ivanof nói - Còn vết phỏng của anh thì sao?
Ông mỉm cười rồi thản nhiên đưa ngón tay chỉ vào bàn tay trái của Roubachof. Trên mu bàn tay, giữa những lằn gân xanh, nơi mà ba ngày trước đây ông đã châm tàn thuốc, một mụt trong bóng cỡ bằng đồng xu nổi lên. Trong một phút, cả hai nhìn bàn tay Roubachof đặt trên đầu gối. “Sao hắn biết? - Roubachof tự hỏi - Hắn cho người dọ dẫm mình”. Ông cảm thấy thẹn hơn là giận; ông hít một hơi chót rồi liệng điếu thuốc.
- Về phần tôi, thì những lời hỏi thăm thường lệ đã chấm dứt. - Ông nói.
Ivanof thổi những vòng khói tròn và quan sát Roubachof, vẫn với nụ cười mỉa mai một cách thân ái:
- Đừng kiếm chuyện.
- Nếu tôi không lầm, - Roubachof đáp - chính các người kiếm chuyện với tôi mà. Ai trong hai chúng mình đã bắt người kia? Anh hay tôi?
- Chính chúng tôi đã bắt anh. - Ivanof nói.
Ông dập điếu thuốc, đốt điếu khác và đưa hộp thuốc sang Roubachof, nhưng ông này không nhúc nhích.
- Quỷ bắt anh! - Ivanof nói - Anh nhớ vụ vêrônal?
Ông nghiêng mình tới thổi khói thuốc vào mặt Roubachof.
- Tôi không muốn người ta bắn anh. - Ông nói chậm chậm. Ông ngã ngửa trên ghế bành - Quỷ bắt anh! - Ông lặp lại với một nụ cười.
- Anh tử tế với tôi lắm - Roubachof nói - Mà tại sao các người có ý định bắn tôi chớ?
Ivanof để vài giây trôi qua. Ông hút thuốc và vẽ trên giấy chậm với cây viết chì. Hình như ông tìm chữ.
- Nghe đây, Roubachof. Có một điều tôi muốn lưu ý anh. Tự nãy giờ nhiều lần anh nói “các người” - để chỉ Nhà nước và Đảng, đối chọi lại tiếng “Tôi” - tức là Nicolas Salmanovitch Roubachof. Đối với công chúng, lẽ tất nhiên phải có một vụ án và một sự chứng minh hợp pháp. Từ cá nhân tôi đến cá nhân anh, những gì tôi vừa nói với anh là đầy đủ lắm rồi.
Roubachof suy gẫm lời nói của Ivanof; ông sững sờ. Trong một lúc, làm như Ivanof đã đánh đúng âm giai mà trí óc ông đáp ứng tức tốc. Tất cả những gì ông tin tưởng và thuyết cho kẻ khác cũng tin tưởng như vậy, tất cả những gì mà cho những cái đó ông đã đấu tranh từ bốn mươi năm nay đang xâm chiếm tâm trí ông như một lượn thủy triều không thể cưỡng lại được. Cá nhân không là gì cả, Đảng mới là tất cả; cành cây tách khỏi cây mẹ sẽ phải khô... Roubachof chùi kiếng vào áo. Ivanof, tựa vào lưng ghế, hút thuốc và không cười nữa. Bỗng mắt Roubachof chú ý đến một hình vuông sáng hơn phần còn lại của giấy hoa dán tường. Ông biết ngay bức ảnh có những gương mặt nhiều râu và những cái tên có đánh số trước kia máng ở đó. Ivanof nhìn theo mắt bạn nhưng không thay đổi sắc mặt.
- Lý lẽ của anh đã hơi quá thời rồi - Roubachof nói - Điều anh lưu ý tôi rất đúng, chúng ta đã quen dùng số nhiều “chúng ta” và cố gắng tránh ngôi thứ nhứt của số ít. Tôi lại mất đi thói quen của cách nói chuyện đó; anh còn giữ nó. Nhưng ai là “chúng ta” mà anh nhân danh để nói chuyện ngày nay? Cần phải định nghĩa rõ ràng tiếng đó.
- Tôi đồng ý với anh - Ivanof nói - Tôi rất vui niừng thấy mình đi rất mau tới trung tâm điểm của vấn đề. Nói cách khác: anh nhìn nhận rằng tiếng “chúng ta” - nghĩa là Đảng, Nhà nước và quần chúng đứng sau lưng - chỉ đại diện cho quyền lợi của cách mạng.
- Tôi không đề cập tới quần chúng trong vụ này. - Roubachof nói.
- Từ bao giờ anh có thái độ khinh khi giới bình dân như vậy? - Ivanof hỏi - Phải chăng điều đó cũng có liên hệ ít nhiều đến sự thay đổi văn phạm nghiêng về ngôi thứ nhứt của số ít?
Ông ngả người tới trước với một dáng điệu đùa cợt hảo ý. Hiện thời, đầu ông đã che khuất vết sáng của tường; và bỗng nhiên cái màn tại bảo tàng viện đến trong óc của Roubachof; đầu của Richard ở giữa ông và hai tay chấp lại trong tranh Pietà. Ngay lúc đó, một cái đau nhói xuyên qua hàm, trán và tay. Trong một giây, ông nhắm mắt lại.
“Bây giờ, tôi trả”, ông nghĩ. Ngay sau đó, ông không nhớ gì nữa nếu ông đã chẳng nói to lên.
- Anh muốn nói gì? - Giọng Ivanof hỏi: Hình như giọng đó ở sát bên tai ông, bỡn cợt và hơi ngạc nhiên.
Sự đau đớn đi qua; sự yên lặng và bình an đến trong tâm trí ông.
- Đừng xen quần chúng vào - Ông lặp lại - Các người chằng biết gì về họ. Có lẽ cả tôi cũng vậy. Xưa kia, khi hãy còn tiếng “chúng ta” lớn, chúng ta hiểu rõ quần chúng hơn ai cả. Chúng ta đã đi vào chiều sâu của họ, chúng ta hoạt động trên chính chất liệu của lịch sử...
Ông rút một điếu thuốc trong cái bao để mở trên bàn của Ivanof mà không nhận thức được cử động của mình. Ivaaof chồm tới đốt cho ông.
- Vào thời đó, - Roubachof tiếp - người ta gọi chúng ta là Đảng của Bình dân. Những kẻ khác, họ biết gì về lịch sử? Những cái nhăn mày thoáng qua, những cơn xoáy nho nhỏ, và những lượn sóng tràn bờ. Họ ngạc nhiên về những hình thức đổi thay trên mặt mà chẳng biết giải thích. Nhưng chúng ta đã lặn xuống dưới sâu, trong những khối không hình thức nhứt định, những khối không tên mà ở thời nào cũng hợp thành chất liệu của lịch sử; và chúng ta là những người đầu tiên đã tìm ra các quy luật chi phối những vận chuyển đó - những quy luật về sự bất động của nó, về những chuyển biến chậm chạp trong cách cấu tạo phân tử và quy luật về những đợt phún xuất bất ngờ. Đó là sự vĩ đại của học thuyết chúng ta. Đám Jacobins là những nhà luân lý học; chúng ta là những nhà kinh nghiệm học. Chúng ta đã đào trong lớp bùn sơ khai của lịch sử và tìm ra được những quy luật của nó. Chúng ta biết rõ nhân loại hơn bất cứ kẻ nào khác; vì vậy mà cuộc cách mạng của chúng ta thành công. Bây giờ, các người đã chôn tất cả trở lại đất đen...
Ivanof, ngồi sâu vào ghế bành, chân vươn đài ra, vừa nghe vừa vẽ trên giấy chậm.
- Tiếp đi - Ông nói - Tôi hiếu kỳ muốn biết anh muốn đi tới đâu.
Roubachof hít thuốc lá một cách sảng khoái. Chất nicotine làm ông hơi cháng váng sau một thời gian vắng thuốc.
- Như anh thấy, tôi nói khá đủ để người ta chặt đầu tôi. - Ông nói với một nụ cười, vừa nhìn vào khoảng vuông sáng trên tường, nơi mà trước kia đã treo bức hình đoàn lão vệ binh. Lần này, Ivanof không theo dõi ánh mắt ông nữa - Nhưng được - Roubachof nói - Thêm hay bớt một người có nghĩa gì? Tất cả đều bị chôn vùi, con người, sự khôn ngoan và những mơ ước của họ. Các người đã tiêu diệt nó. Các người thật sự cho rằng quần chúng đứng sau lưng các người à? Những tên soán nghịch khác ở Âu châu cũng quả quyết như vậy với sự chứng minh như các người.
Ông lấy một điếu thuốc nữa và tự đốt lấy vì Ivanof ngồi bất động:
- Xin lỗi về sự tự mãn của tôi, - Roubachof tiếp - nhưng thật sự anh có tin rằng dân luôn luôn ở sau lưng các người không? Họ chịu đựng các người, câm nín và nhẫn nại, như họ đã chịu đựng những kẻ khác ở những nước khác, nhưng họ không phản ứng nữa trong các từng lớp của họ. Quần chúng đã trở lại điếc và câm, họ lại trở thành khối vô danh im lặng của lịch sử, dửng dưng như biển cả đối với thuyền bè mang trên mặt. Tất cả ánh sáng đi qua đều được phản chiếu trên mặt, nhưng dưới sâu là bóng tối và yên lặng. Từ lâu rồi, chúng ta đã xốc lên những chiều sâu, nhưng việc đó đã dứt rồi. Nói cách khác - Ông ngừng lại và đặt kiếng lên sống mũi - hồi thời ấy, chúng ta đã làm lịch sử; giờ đây, các người làm chánh trị. Đó là tất cả sự khác biệt.
Ivanof ngồi sâu vào ghế bành và phun những vòng khói:
- Rất tiếc, nhưng sự khác biệt không được rõ ràng trước mắt tôi. Có lẽ anh nên vui lòng giải thích thêm.
- Đúng rồi - Roubachof nói - Một nhà toán học có lần nói rằng đại số là khoa học của những kẻ lười biếng - Người ta không tìm biết xem X đại diện cho cái gì, mà lại giải toán với ẩn số đó như đã biết rõ giá trị của nó. Trong trường hợp của chúng ta, X đại diện cho những khối người vô danh tức là nhân dân. Làm chánh trị, tức là giải toán với ẩn số X mà không cần biết tính chất thật sự của nó. Làm lịch sử, tức là nhìn nhận ẩn số X với cái giá trị thật sự của nó trong phương trình.
- Hay, - Ivanof nói - nhưng có hơi trừu tượng. Để trở lại những sự việc cụ thể hơn: vì những lẽ đó, anh muốn nói rằng “chúng ta” - nghĩa là Đảng và Nhà nước - không còn đại điện các quyền lợi của Cách mạng, của quần chúng, hoặc theo ý anh, không đại diện được cho sự tiến hóa của nhân loại được nữa.
- Lần này anh đã hiểu. - Roubachof cười nói.
Ivanof không đáp lại nụ cười của ông.
- Anh có quan niệm đó từ bao giờ.
- Tuần tự: trong những năm sau này. - Roubachof nói.
- Anh có thể nói rõ hơn không? Một năm? Hai? Ba năm?
- Đó là một câu hỏi đần độn - Roubachof nói - Anh thành niên hồi mấy tuổi? Mười bảy? Mười tám tuổi rưỡi? Mười chín tuổi?
- Chính anh giả bộ đần độn - Ivanof nói - Mỗi giai đoạn mở mang trí thức của ta là kết quả của những biến cố nhứt định. Nếu thiệt sự anh anh muốn biết: tôi thành nhân hồi mười bảy tuổi, lần đầu tiên tôi bị đày.
- Thời đó, anh là một con người khá đàng hoàng - Roubachof nói - Mà thôi, đừng nghĩ tới vụ đó nữa.
Ông liếc nhìn khoảng trống sáng trên tường và liệng tàn thuốc.
- Tôi lặp lại câu hỏi - Vừa nói, Ivanof hơi ngả người tới trước - Anh thuộc tổ chức đối lập từ bao giờ?
Điện thoại reo. Ivanof giở ống nghe, nói: “Tôi bận việc”. Và gác máy. Ông lùi trở lại trên ghế bành, đưa thẳng chân, chờ đợi câu trả lời của Roubachof.
- Anh biết rõ cũng như tôi, rằng chưa bao giờ tôi tham dự một khối đối lập có tổ chức nào cả.
- Cũng được - Ivanof nói - Anh buộc tôi phải làm cái công việc khổ sở của người cạo giấy.
Ông rút trong hộc tủ ra một tập hồ sơ.
- Ta khởi sự từ năm 1933 - Vừa nói, ông vừa mở những giấy tờ ra trước mặt - Khởi đầu nền độc tài tiêu diệt Đảng trong quốc gia mà sự chiến thắng của ta rõ rệt đến rất gần. Anh được gởi đến đó một cách bất hợp pháp với nhiệm vụ thanh trừng và tổ chức lại các cấp cán bộ...
Roubachof dựa lưng vào ghế nghe tiểu sử mình, ông nghĩ tới Richard, vào lúc hoàng hôn trên thông lộ trưác bảo tàng viện, nơi đó ông đã gọi tắc xi.
-... Ba tháng sau: anh bị bắt. Hai năm tù. Tánh hạnh gương mẫu, họ không tìm được bằng chứng nào về anh. Anh được phóng thích và hồi hương vinh quang...
Ivaaof ngừng lại, liếc nhìn bạn và tiếp:
- Người ta tổ chức các lễ mừng anh trở về. Chúng ta không gặp nhau, có lẽ anh quá bận... Nhưng không vì vậy mà tôi phiền anh. Dầu sao, không ai mong anh đi viếng từng bạn cũ. Nhưng tôi thấy anh trong hai buổi họp trên diễn đàn. Anh còn chống nạng và có vẻ mệt đừ. Đáng lý anh phải vào một viện bài lao nào đó dưỡng sức vài tháng, rồi giữ một ghế trong chánh phủ - sau bốn năm công cán ở ngoại quốc. Nhưng trong vòng mười lăm ngày, anh lại xin một sứ mạng mới ở hải ngoại...
Thình lình, ông chồm tới sát mặt Roubachof:
- Tại sao? - Và lần đầu tiên giọng Ivanof chua chát - Tôi cho rằng anh không thấy thoải mái nơi đây phải không? Trong khi anh vắng mặt, có những thay đổi trong nước mà anh không tán thành.
Ông chờ Roubachof nói một điều gì; nhưng Roubachof ngồi yên trên ghế và chùi kiếng vào tay áo, không trả lời.
- Ít lâu sau, bọn đối lập đầu tiên bị nhìn nhận là phạm tội rồi bị thanh toán. Có nhiều bạn thân của anh trong số đó. Khi được biết phe đối lập mục nát đến mức độ nào, thì sự phẫn nộ trong nước nổ bùng. Anh không nói gì cả. Mười lăm ngày sau, anh đi ngoại quốc, dầu anh vẫn còn phải chống nạng...
Roubachof tưởng như uế khí ở các bến tàu trong hải cảng nhỏ bé, gồm mùi rong biển mục thúi pha lẫn với mùi dầu hỏa đang quanh quẩn trước mũi ông; Paul đô vật lay động hai vành tai; chú bé Loevvy chào với cái ống điếu... Chú ấy đã tự treo cổ vào cây đà của gian phòng sát nóc nhà. Cái nhà cũ kỹ rung động mỗi khi một chiếc xe cam nhông chạy ngang qua; sáng ngày tìm thấy chú bé Loewy, người ta nói với ông rằng thây của hắn quay chầm chậm dưới sợi dây, đến nỗi mới đầu họ tưởng hắn còn động đậy.
- “Sứ mạng anh thành công vẻ vang, anh được cử làm Trưởng phái bộ thương mãi ở B... Lần này, anh cũng làm tròn nhiệm vụ một cách hoàn toàn. Hiệp ước thương mãi với nước B... là một thành công cụ thể. Bề ngoài, hạnh kiểm của anh luôn luôn gương mẫu và không chê trách vào đâu được. Nhưng sáu tháng sau khi anh giữ chức vụ đó, thì hai cộng sự viên thân cận nhứt của anh trong đó có nữ bí thư của anh là cô Arlova, bị triệu hồi, tình nghi âm mưu hoạt động cho phe đối lập. Cuộc điều tra xác nhận những sự hoài nghi đó. Người ta chờ đợi anh công khai phủ nhận hành động của họ. Anh vẫn giữ yên lặng.
Sáu tháng sau nữa, chính anh bị triệu hồi. Vụ án đối lập thứ hai đang xúc tiến. Trong vụ án đó, tên anh được nhắc nhở nhiều lần; cô Arlova mong chờ ở anh để được giải tội. Trong những trường hợp như vậy, im lặng đồng nghĩa với thú tội. Anh biết vậy mà vẫn từ chối đưa ra lời tuyên bố công khai trước khi Đảng gởi tối hậu thư cho anh. Chỉ đến lúc cái đầu của anh bị hăm dọa, anh mới chịu chiều ý Đảng đưa ra một tuyên ngôn trung thành, do đó Arlova bị kết án ngay. Anh biết chuyện gì đã xảy ra cho cô ấy...”
Roubachof nín lặng; ông nhận thấy cái răng của ông nhức trở lại. Ông biết rõ chuyện gì đã xảy ra cho Arlova. Chuyện gì ra cho Richard, cho chú bé Loewy và cho chính ông sau này nữa. Ông nhìn lên cái khuôn sáng trên tường, dấu vết duy nhứt còn lại của những người mà đầu được đánh số. Một lần nọ, Lịch sử đã chọn một con đường ít ra cũng đã hứa hẹn với nhân loại một hình thức của đời sống xứng đáng hơn; giờ đây là hết rồi. Như vậy, cần gì những lời lẽ, những nghi lễ như thế nữa? Cô Arlova cao lớn hiện ở một nơi nào đó trong không gian trống rỗng, ngắm nhìn bằng đôi mắt bò cái tơ đồng chí Roubachof, đã là thần tượng của cô và cũng đã đưa cô đến cõi chết. Chiếc răng của ông càng lúc càng đau thêm.
- Anh có muốn tôi đọc bản tuyên bố công khai của anh lúc đó không? - Ivanof hỏi.
- Không, cám ơn. - Roubachof nói và nhận thấy giọng ông khàn khàn.
- Anh nhớ bản tuyên bố của anh - mà người ta có thể xem như lời thú tội - chấm dứt bằng những lời kết án quyết liệt phe đối lập, và xác nhận sự ủng hộ vô điều kiện của anh đối với chánh sách của Đảng cũng như đối với cá nhân của Người số I.
- Đủ rồi - Roubachof nói với giọng giận run - Anh biết cái loại tuyên bố như vậy được làm cách nào rồi. Nếu anh không biết là cái may cho anh. Vì Thượng đế, yêu cầu anh chấm dứt hài kịch này đi.
- Chúng ta chấm dứt - Ivanof nói - Chúng ta ở vào thời gian hai năm trở lại đây. Trong hai năm đó, anh đã đảm nhiệm chức vụ Trưởng cơ sở sản xuất Nhôm. Một năm trước đây, vào dịp vụ án đối lập thứ ba, những bị cáo quan trọng đã kể tên anh nhiều lần trong những thời điểm tương đối mơ hồ. Sự kiện đó không phát giác được điều gì đích thực, nhưng sự nghi ngờ lan rộng trong Đảng. Anh lại đưa ra một tuyên cáo mới trong đó một lần nữa anh tuyên bố trung thành với chánh sách của ban Lãnh đạo tối cao, và anh kết án bằng những lời lẽ rõ ràng hơn tội trạng của phe đối lập... Chuyện đó cách đây sáu tháng. Và bây giờ, anh nhìn nhận rằng, từ nhiều năm nay, anh cho rằng chánh sách của Trung ương sai lầm và nguy hại...
Ông ngưng một chút rồi ngồi lại trong ghế bành cho thật thoải mái.
- Những lời tuyên bố trung thành đầu tiên của anh chỉ là những chiến lược để đi đến một mục đích nào đó. Tôi yêu cầu anh lưu ý rằng tôi không giảng luân lý với anh. Cả hai chúng ta đã được đào tạo trong một truyền thống chung, và về các vấn đề này, chúng ta có những quan niệm giống nhau. Anh đã tin tưởng rằng chúng tôi sai lầm và anh mới đúng. Nếu lúc đó anh nói huỵch toẹt như vậy là bị khai trừ khỏi Đảng, anh không thể tiếp tục hoạt động cho sự thành công của những tư tưởng của anh. Anh phải hy sinh bớt những gì chướng ngại để có thể theo đuổi một chánh sách mà anh cho rằng chỉ có chánh sách đó mới hay đẹp mà thôi. Ở địa vị anh, có lẽ tôi cũng phải hành động như vậy. Cho đến nay, mọi việc đều xuôi thuận.
- Rồi sao nữa? - Roubachof hỏi.
Ivanof tìm lại được nụ cười khả ái:
- Đấy là điều tôi chưa hiểu. Hôm nay anh nhìn nhận công khai đã tin tưởng trong nhiều năm qua rằng chúng tôi đã làm hư cuộc Cách mạng; và đồng thời, anh chối không hề âm mưu chống chúng tôi. Có phải quả thật anh tưởng tượng chúng tôi sẽ tin anh chỉ dửng dưng nhìn chúng tôi trong khi anh tin chắc rằng chúng tôi đưa quốc gia và Đảng đến chỗ diệt vong?
Roubachof nhún vai:
- Có thể tôi đã quá già, đã hết đường rồi.... Nhưng anh tin sao cũng được.
Ivanof đốt một điếu thuốc. Giọng ông dịu dàng và thắm thía:
- Anh nên nói thật với tôi, có phải anh đã hy sinh Arlova và phủ nhận những người ấy - Ông hất hàm chỉ về hướng vệt sáng trên tường - chỉ để bảo vệ tánh mạng anh thôi phải không?
Roubachof nín thinh. Một thời gian khá lâu trôi qua. Đầu của Ivanof càng tiến sát đầu Roubachof:
- Tòi không hiểu anh. Cách đây nửa giờ, anh làm một bài diễn văn đầy giọng điệu đả kích dữ dội chánh sách của chúng tôi; một vài lý lẽ trong đó đủ cho anh mất mạng. Thế mà bây giờ anh lại chối một suy diễn hợp lý, giản dị vô cùng, là anh có tham gia một nhóm đối lập, vì về điều này, chúng tôi lại có bằng chứng thật phong phú.
- Vậy à! - Roubachof nói - Nếu các người có nhiều bằng chứng như vậy thì cần gì những lời tự thú của tôi? Mà bằng chứng về cái gì?
- Trong số đó, - Ivanof chẫm rãi nói - có những bằng chứng về một mưu toan sát hại Người số I.
Yên lặng. Roubachof mang kiếng trở lại.
- Tới phiên tôi hỏi một câu - Ông nói - Thật tình anh tin một câu chuyện ngu xuẩn như vậy, hay anh giả bộ tin?
Ánh mắt Ivanof lóe ra một nụ cười gần như dịu dàng.
- Tôi đã nói với anh. Chúng tôi có nhiều bằng chứng. Rõ ràng hơn: những lời thú nhận. Rõ ràng hơn nữa: những lời thú nhận của kẻ do anh xúi dục phạm tội mưu sát đó.
- Hoan nghinh - Roubachof nói - Nó tên gì?
Ivanof vẫn mỉm cười:
- Câu hỏi quá tò mò.
- Tôi có thể đọc lời tự thú đó không? Có thể nào đối chứng không?
Ivanof mỉm cười. Ông phun khói thuốc thẳng vào mặt Roubachof với dáng điệu bỡn cợt thân thiết. Roubachof không thích cử chỉ ấy, nhưng không tránh.
- Anh nhớ vụ Vêronal? - Ivanof chẫm rãi nói - Tôi tưởng đã từng xin anh thứ độc dược đó. Bây giờ, địa vị đã đảo lộn, chính anh sắp sửa nhảy xuống vực sâu. Nhưng tôi sẽ không tìm thuốc độc giúp anh đâu. Lúc đó, anh thuyết phục tôi rằng tự tử là một thứ lãng mạn tiểu tư sản. Tôi sẽ giữ thế nào cho anh không tự tử được. Thế là chúng ta sẽ huề nhau.
Roubachof im lặng, và tự hỏi Ivanof nói láo hay thành thật. Vào lúc đó, ông cảm thấy một ý muốn lạ lùng, gần như một sự cần dùng của cơ thể, là chính những ngón tay mình rờ rẫm vệt sáng trên tường. “Ám ảnh, ông tự nhủ. Tôi đi trên những miếng gạch đen, tôi lẩm nhẩm những câu vô lý, tôi chùi kiếng mắt vào tay áo - Coi, bây giờ cũng bị ám ảnh nữa...”
- Tôi hiếu kỳ muốn biết, - Ông nói lớn lên - anh có phương pháp nào trong đầu để cứu tôi. Chớ còn cái lối anh mở cuộc thẩm vấn thì hình như có mục đích trái ngược.
Nụ cười của Ivanof nở to ra một cách vui vẻ:
- Anh ngu quá! - Vừa nói, ông vừa vói tay qua bàn nắm nút áo veste của Roubachof - Tôi bắt buộc phải để anh nổi giận một lần, bằng không, anh có thể nổi giận không đúng lúc. Anh không thấy rằng tôi không có tốc ký viên sao?
Ông rút điếu thuốc khỏi hộp, nhét vào miệng Roubachof, tay vẫn nắm nút áo.
- Anh hành động như một đứa trẻ. Một đứa trẻ lãng mạn. Bây giờ, ta phải tạo ra một lời tự thú nho nhỏ, và bấy nhiêu đó cũng đủ cho hôm nay.
Roubachof gỡ được tay Ivanof. Ông nhìn bạn xuyên qua cặp kiếng:
- Lời tự thú đó chứa đựng những gì?
Ivanof vẫn tươi cười:
- Trong đó sẽ viết rằng anh nhìn nhận, từ năm nào đó, có tham gia nhóm đối lập nào đó; nhưng anh quyết liệt chối rằng đã tổ chức hay chuẩn bị một cuộc ám sát; ngược lại, anh đã rút khỏi nhóm đó khi được biết những kế hoạch sát nhân và khủng bố của phe đối lập.
Lần thứ nhứt từ khi mở đầu cuộc tranh luận, Roubachof mỉm cười:
- Nếu đó là mục đích của cuộc nói chuyện này, chúng ta có thể ngừng ở đây.
- Để tôi nói hết những gì tôi muốn nói với anh - Ivanof tiếp mà không biểu lộ sự nóng nảy - Tôi biết chắc là ngay bây giờ anh không chịu. Ta thử nhìn qua khía cạnh luân lý hay khía cạnh tình cảm của vấn đề. Anh không tố giác ai trong việc thú nhận này. Tất cả bọn họ đã bị bắt rất lâu trước anh và phân nửa trong bọn họ đã bị thanh toán; anh cũng biết như vậy. Còn những kẻ khác, thì chúng tôi đã có đầy đủ lời thú nhận và tất cả những bản tự thú như chúng tôi muốn. Tôi nghĩ rằng anh hiểu và sự thành thật của tôi thuyết phục được anh.
- Nói cách khác, chính anh cũng không tin câu chuyện âm mưu chống Người số I - Roubachof nói - Vậy tại sao anh không để tôi đối chứng với cái tên X vô danh nào đó, đã đưa ra lời tự cho là thú nhận
như vậy?
- Hãy suy nghĩ một chút đi - Ivanof nói - Anh hãy đặt mình vào cương vị tôi - mà cương vị của chúng ta cũng có thể đảo ngược - và hãy tự trả lời câu hỏi của chính anh.
Roubachof suy nghĩ.
- Anh đã nhận được những chỉ thị minh bạch từ cấp trên về lề lối hướng dẫn vụ án của tôi phải không?
Ivanof cười.
- Nói như vậy thì có hơi sống sượng. Thật sự, người ta chưa quyết định trường hợp của anh phải sắp vào hạng A hay hạng P. Anh có biết là gì không?
Roubachof gật đầu. Ông đã biết việc ấy.
- Anh bắt đầu hiểu - Ivanof nói - A, có nghĩa là vụ án hành chánh; và P có nghĩa là vụ án công khai. Đa số các vụ án chánh trị đều được xử theo lối hành chánh - nghĩa là những vụ không có lợi gì nếu đem ra xử công khai... Nếu anh thuộc hạng A, thì anh sẽ bị truất khỏi thẩm quyền của tôi. Thủ tục tố tụng của ủy ban hành chánh là bí mật, và như anh biết, có hơi sơ sài. Không hy vọng đối chứng hoặc những trò kiểu đó. Nghĩ đến vụ...
Iranof kể ra ba bốn cái tên, và liếc nhanh về vệt sáng trên tường. Khi ông quay sang, Roubachof nhận thấy lần đầu tiên gương mặt ông lộ vẻ băn khoăn, mắt bất động như ông không lấy Roubachof làm điểm nhắm, mà điểm nhắm là một vật ở một khoảng cách sau lưng ông.
Ivanof lặp lại nho nhỏ tên của những người bạn cũ.
- Tôi biết rõ họ như anh biết - Ông tiếp - Nhưng anh phải nhìn nhận rằng chúng tôi vẫn tin tưởng những người đó và anh đại điện cho tàn cuộc của Cách mạng, con các anh thì tin tưởng ngược lại. Đó là điểm trọng yếu. Các phương pháp tiếp tục theo đường lối suy diễn hợp lý. Chúng tôi không có thì giờ để mất trong những điểm pháp lý tế nhị. Hồi thời anh, anh có làm như vậy không?
Roubachof không nói gì cả.
- Tất cả đều tùy thuộc, - Ivanof tiếp - nếu anh được sắp vào hạng P, và nếu vụ này còn trong tay tôi. Anh cũng biết những vụ đưa ra xử trước công chúng được chọn lựa trên quan điểm nào. Tôi phải chứng minh một thiện chí nào đó ở anh. Muốn vậy, tôi cần lời khai của anh với một số thú nhận. Nếu anh ra vẻ anh hùng, nếu anh cứ muốn cho người ta cảm giác rằng không ai làm gì được anh, anh sẽ bị xử quyết, tin vào những lời thú nhận của tên X. Nếu anh thú nhận từng phần, sự kiện đó giúp nền tảng cho một cuộc thẩm sát sâu rộng hơn. Trên nền tảng đó, tôi có thể đạt được một cuộc đối chứng; chúng ta sẽ bác bỏ phần nguy hại của cáo trạng và chúng ta chỉ nhận tội trong một vài giới hạn thật hạn chế. Dầu vậy, chúng ta cũng khó thoát khỏi dưới hai mươi năm tù; như vậy, trên thật tế, chỉ ở hai hoặc ba năm, rồi thì ân xá; và trong năm năm anh sẽ trở về với chúng tôi. Giờ đây, anh nên vì tôi mà suy nghĩ chính chắn trước khi trả lời cho tôi.
- Đã nghĩ tất cả rồi - Roubachof nói - Tôi bác đề nghị của anh. Đúng lý, thì anh có thể hữu lý. Nhưng tôi đã chán cái loại luận lý đó rồi. Tôi đã mệt mỏi và không muốn chơi trò đó nữa. Anh vui lòng cho dẫn tôi về xà lim.
- Cũng được - Ivanof nói - Tôi cũng chẳng trông mong anh nhận ngay. Một cuộc đàm thoại loại này thường có ảnh hưởng rất chậm. Anh có mười lăm ngày. Anh sẽ xin gặp tôi khi nào anh suy nghĩ kỹ rồi, hoặc gởi cho tôi một tờ khai. Tôi tin anh sẽ làm một tờ khai.
Roubachof đứng lên; Ivanof cũng đứng lên; ông ta lại cao hơn Roubachof nửa cái đầu. Ông bấm một cái nút gần bàn viết. Trong khi hai người chờ ngục tốt tới tìm Roubachof, Ivanof nói:
- Cách đây vài tháng, anh có viết trong bài báo chót của anh rằng thập niên đang tới này sẽ quyết định về số phận thế giới trong kỷ nguyên của chúng ta. Chắc anh không muốn ở trong này để nhìn sự kiện đó xảy ra!
Ông mỉm cười với Roubachof. Trong hành lang nhiều tiếng bước chân tới gần; cánh cửa mở ra. Hai ngục tốt bước vào và chào. Không nói một tiếng nào Roubachof đứng vào giữa hai người; họ lên đường trở về xà lim, của ông. Không còn tiếng động nào nữa trong các hành lang; từ một vài xà lim vang ra những tiếng ngáy to, người ta tưởng như tiếng rên siết. Trong khắp ngôi nhà, ánh sáng đèn điện đưa ra một màu vàng nhạt và hài hước.