Cha mẹ Huệ li dị từ ngày cô còn rất nhỏ. Một tay mẹ nuôi cô khôn lớn. Từ nhỏ, mẹ đã cho Huệ học múa, hi vọng sau này lớn lên cô trở thành một diễn viên múa. Mẹ làm việc rất vất vả, thu nhập chỉ vừa đủ gánh vác các khoản chi tiêu trong gia đình, nhưng mẹ vẫn tiết kiệm tiền để đăng kí lớp học múa tốt nhất cho Huệ. Không phụ lòng mẹ, Huệ học tập vô cùng gian khổ, không bao giờ lười biếng, cuối cùng, cô đã thi đỗ vào trường múa mà mình mong muốn.
Huệ tốt nghiệp đại học, đúng lúc cô vừa mới bắt đầu mơ ước cuộc đời của mình thì cơn ác mộng ập đến. Một lần, Huệ đi xe đạp, không cẩn thận bị ngã gãy chân trái. Bác sĩ nói do chỗ bị gãy đặc biệt, chân của Huệ rất khó hồi phục hoàn toàn. Chuyện này giống như sét đánh bên tai, xé tan mọi hi vọng của hai mẹ con Huệ vào cuộc sống.
Vì muốn an ủi mẹ, Huệ chăm chỉ luyện tập để khỏe lại. Nhưng hiện thực quá tàn khốc, cô chỉ có thể từ bỏ nghề múa. Vì không muốn mẹ quá thất vọng, Huệ làm giáo viên dạy múa, dạy các em nhỏ học múa.
Trong lớp học ấy có một cô bé quá béo, có một động tác làm bao nhiêu lần cũng không đúng. Huệ nói với cô bé: “Nếu em mà béo lên nữa là không thể học múa được đâu.” Lúc ấy, cô bé tên là Hiên đứng cạnh hỏi Huệ: “Cô ơi, béo thì không thể học múa được ạ?” Huệ nói: “Đúng rồi! Béo thì sẽ không linh hoạt, múa sẽ không đẹp.”
Về sau Hiên dần dần béo lên. Hai tháng sau, mẹ Hiên đến trường làm thủ tục thôi học cho cô bé. Huệ hỏi mẹ cô bé: “Vì sao chị không cho cháu tiếp tục học múa nữa?” Chị ấy nói: “Thời gian này tôi phát hiện Hiên béo lên rất nhiều, liền nói với con, con béo rồi, múa sẽ không đẹp nữa đâu. Nó nói, cô giáo cũng nói như vậy, béo rồi thì không múa được nữa. Lúc ấy tôi mới hiểu thì ra con bé không thích múa.”
Huệ chợt nghĩ tới việc từ nhỏ đến lớn, mình luôn làm theo mong muốn của mẹ. Cô cảm thấy một mình mẹ nuôi mình khôn lớn chẳng dễ dàng gì, lại còn vất vả kiếm tiền cho cô học múa, bản thân không có lí do gì để không học hành chăm chỉ. Thực ra, Huệ không thật sự thích học múa, chỉ là không biết nên từ chối nguyện vọng của mẹ như thế nào.
Qua câu chuyện này chúng ta có thể thấy, hi vọng của cha mẹ là gánh nặng thế nào trên đôi vai con trẻ. Người làm cha mẹ không ý thức được rằng mong muốn của mình có thể hoàn toàn không phải là nhu cầu của trẻ. Họ cho rằng mình muốn tốt cho con, cho rằng chỉ có làm như vậy mới có thể bày tỏ được tình yêu của mình với con. Thật là các bậc phụ huynh đáng thương, họ nhân danh tình yêu để hướng con vào con đường mà mình cho là đúng đắn, khiến trẻ trở thành sự tiếp nối hi vọng của cha mẹ.
Làm việc theo mong muốn của người khác không chỉ là vì chúng ta khó có thể từ chối tình yêu của người khác, nguyên nhân quan trọng hơn là: Khi chúng ta làm việc theo ý muốn của người khác, chúng ta cảm thấy cảm giác an toàn trong phương hướng mà người khác chỉ cho mình. Điều này ổn thỏa hơn việc hành động theo ý muốn của mình. Đồng thời, làm việc theo ý muốn của người khác có thể không cần một mình gánh vác nguy cơ thất bại. Chúng ta nghĩ rằng cho dù thất bại cũng có người khác giúp mình gánh vác trách nhiệm.
Tìm lại cái tôi đã mất, ràng buộc thứ nhất cần phải thoát khỏi: Tình yêu của người khác.
Mai và Lưu là bạn học đại học. Điều kiện gia đình họ ngang nhau, sau khi tốt nghiệp hai người đều ở lại thành phố, ăn ở cùng nhau. Mai là một người có chính kiến, có lí tưởng. Cô rất trung thành với thứ mình thích. Còn Lưu lúc nào cũng bắt chước Mai, dùng túi xách giống cô ấy, nước hoa giống cô ấy, ngay cả tiêu chuẩn tìm bạn trai cũng giống Mai.
Sau hai năm làm việc, Mai đã từ nhân viên lên làm quản lí bộ phận, còn Lưu vẫn là nhân viên quèn. Lưu từng yêu mấy người nhưng rồi chẳng đi đến đâu. Còn Mai thì sắp kết hôn với bạn trai.
Một hôm, hai người cùng đến quán bar. Khoảng thời gian ấy công việc và chuyện tình cảm của Lưu đều không thuận lợi, vì thế cô đã uống rất nhiều. Cô nói với Mai: “Chúng ta tốt nghiệp cùng một trường, học cùng một chuyên ngành, điều kiện cũng ngang nhau, vì sao cậu sống tốt hơn mình, thành công hơn mình?” Lúc ấy, Mai chỉ nói một câu đầy ẩn ý: “Điểm khác biệt giữa hai chúng ta là, mình là chính mình, còn cậu thì muốn trở thành mình.”
Trong cuộc sống, có quá nhiều người không tìm thấy chính mình, đánh mất mình trong sự bắt chước người khác. Nhưng cho dù có bắt chước giống thế nào thì cũng chỉ có thể là bản sao của người khác, từ trước đến nay, trên thế giới này không có người nào cùng đi một con đường và có được thành công giống hệt nhau. Nhưng có thể khẳng định rằng rất nhiều người thành công chính vì họ khác biệt. Họ đi con đường của mình, một con đường khác biệt.
Nếu chúng ta lạc lối trong công thức gen, chúng ta sẽ có một nỗi sợ hãi bản năng với mạo hiểm, không xác định và thất bại. Chúng ta quen với việc nghĩ mọi cách để tránh nguy hiểm và thất bại mà “độc lập tự chủ” có thể mang lại cho mình. Bắt chước người khác là đường tắt để chúng ta tìm kiếm sự ổn thỏa và an toàn.
Chúng ta chạy theo cái bóng của người khác, mặc dù điều này không mang lại nguy cơ gì quá lớn, nhưng có thể khẳng định một điều là khi họ ăn thịt, chúng ta chỉ có thể húp chút canh cặn. Nếu mỗi người đều thỏa mãn với việc húp chút canh, cuộc đời đầy rẫy những người ăn theo thì có lẽ canh cũng chẳng còn để húp. Khi hướng sự chú ý tới người khác thì chính là đang cho họ sức mạnh, chính là nâng cao họ và hạ thấp chính mình, chính là đang tự phủ định bản thân, chính là vô tình tạo ra cảm giác thất bại cho mình. Nếu có thể sống vui vẻ trong thế giới của người khác đến già thì cũng có thể coi là một cách sống. Nhưng sở dĩ hiện thực tàn khốc là bởi vì nó sẽ cho chúng ta cơ hội nhìn rõ hiện thực, đến lúc ấy chúng ta nên làm thế nào?
Tìm lại cái tôi đã mất, ràng buộc thứ hai cần thoát khỏi: Bắt chước người khác.
Rất nhiều người đều đã từng xem múa rối. Mỗi con rối đóng một vai khác nhau, gương mặt biểu cảm, cử chỉ sống động như thật. Nếu nhìn kỹ sẽ thấy những con rối bị những sợi dây mảnh điều khiển. Mỗi biểu cảm, mỗi động tác của nó đều bị đôi tay mà chúng ta không nhìn thấy khống chế.
Trên sân khấu cuộc đời, chẳng phải rất nhiều người cũng giống chúng sao? Chúng ta không biết mình đang làm những gì, không biết vì sao làm như vậy, nhưng không dừng lại được, giống như để mặc cho đôi tay vô hình sắp đặt. Tôi nghĩ trong lòng mỗi người chúng ta đều có bóng dáng lí tưởng của mình, nhưng vì sao chúng ta cứ làm những chuyện không thể khiến bản thân vui vẻ, bản thân không muốn làm nhưng lại không thể không làm? Bạn biết vì sao không? Bạn đã từng hỏi vì sao mình lại làm như vậy không?
Lấy ví dụ việc mua nhà. Trong tình hình điều kiện kinh tế không cho phép, chúng ta đi vay tiền mua nhà, từ đó sống cuộc sống làm nô lệ cho căn nhà. Rất nhiều việc bản thân muốn làm nhưng chúng ta chỉ có thể suy nghĩ, nhìn ngắm, thèm thuồng qua ô kính cửa sổ, không thể nếm trải được nữa.
Có lẽ chúng ta cho rằng căn nhà hạn chế cuộc sống của chúng ta, khiến chúng ta mất đi quyền lợi theo đuổi cuộc sống muôn màu. Nhưng thực ra, là chúng ta bị quan niệm xã hội chi phối mà không hề hay biết. Chúng ta đã nghe quen tai, nhìn quen mắt những quan niệm này, từ đó khiến chúng mai phục trong tư tưởng của chúng ta, hạn chế hành vi của chúng ta. Mỗi người chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi những quan niệm này.
Thử nhớ lại một chút, từ trước khi mua nhà tới việc đưa ra quyết định mua nhà, quá trình phản ánh tư tưởng của chúng ta – không có nhà không thể kết hôn, nên có một chỗ ở trong thành phố này, không có nhà thì sẽ phải lang thang, không có nhà cuộc sống không ổn định, mua được nhà rồi thì chính là người thành công...
Những ý nghĩ này không hoàn toàn là ý nghĩ ban đầu của chúng ta, mà là ảnh hưởng của quan niệm xã hội lên chúng ta, bởi vì người khác đều cho là như vậy – kết hôn phải mua nhà trước, làm việc ở thành phố này thì phải có nhà.
Thế rồi, nhà có rồi, nhưng cuộc đời chúng ta luẩn quẩn với ngôi nhà, không thể tiến xa hơn được nữa. 20 năm, 30 năm, trả xong tiền nhà thì phát hiện ra mình đã già rồi. Cứ thế, cả đời chúng ta trói chặt trong ngôi nhà.
Có lẽ bạn đã từng nghĩ tạm thời không mua nhà, trước tiên đầu tư tiền mua nhà vào sự nghiệp của mình, đợi 10 năm, 20 năm sau sự nghiệp thành công, có thể kiếm được nhiều tiền hơn, có thể mua nhà dễ dàng, lúc ấy nhà và sự nghiệp đều nằm trong tay mình.
Nhưng nghĩ lại, ngộ nhỡ sự nghiệp không thành công thì chẳng phải là chẳng còn gì? Trước suy nghĩ đó, trong lòng chúng ta trào dâng cảm giác bất an và sợ hãi. Cứ có thời gian rảnh rỗi là chúng ta lại trải nghiệm nỗi bất an và sợ hãi đó, cuối cùng vẫn lựa chọn ổn thỏa một chút. Đúng! Chúng ta lựa chọn ổn thỏa. Chúng ta vẫn không thể thuyết phục được bản thân không mua nhà, trong cuộc đấu tranh tâm lí này, chúng ta không thể chiến thắng bản thân.
Trong cuộc đời, chúng ta luôn chạy về hướng đám đông, chứ không phải là hướng của mình. Hôm nay người khác chơi cổ phiếu, chúng ta cũng chơi cổ phiếu; ngày mai người khác buôn bất động sản, chúng ta cũng đi buôn bất động sản; ngày kia người khác đầu tư đồ cổ, chúng ta cũng chạy theo đầu tư đồ cổ... Chúng ta cứ đi theo bước chân của người khác như thế, chạy ngược chạy xuôi về phía đám đông. Cuối cùng tiền không kiếm được mà việc mình muốn làm cũng không làm được. Nếu chúng ta có thể chú tâm vào việc mình muốn làm, cộng với tinh thần và sức lực chúng ta dùng để chạy theo người khác thì chúng ta cũng có thể có được thành công.
Liệu chúng ta đã từng nghĩ vì sao mình lại bị nhấn chìm trong đám đông không thể thoát ra được chưa? Lẽ nào chúng ta thật sự không biết mình muốn gì, muốn làm cái gì sao? Tôi nghĩ mỗi người chúng ta đều có thứ mình muốn và việc mình thích làm.
Sở dĩ chúng ta chạy theo đám đông là bởi vì chúng ta cần nhiều người mang tới cho chúng ta chút cảm giác an toàn. Muốn tránh những nguy hiểm từ việc một mình hành động thì sống trong đám đông là phương thức ổn thỏa nhất. Chúng ta sợ mình bị xã hội đẩy sang bên lề, sợ bị cô lập khi rời xa đám đông, vì thế lẫn trong đám đông là cách sống an toàn nhất, đảm bảo nhất của chúng ta.
Khi chúng ta không hiểu về bản thân một cách đầy đủ, không hiểu rõ về mục tiêu cuộc đời của mình, không có một chút manh mối về tương lai của mình, chúng ta rất dễ bị một vài thông tin ám thị, rất dễ chịu ảnh hưởng từ môi trường xã hội và áp lực từ đám đông. Điều đó sẽ khiến chúng ta tự giác chạy theo đám đông. Né tránh tâm lí nguy hiểm và thất bại khiến chúng ta hi vọng thông qua chạy theo đám đông để giảm bớt tỉ lệ thất bại. Người mà chúng ta bắt chước và chạy theo thường là người mà chúng ta cho rằng khá thành công về một mặt nào đó. Điều đó khiến chúng ta cảm thấy đã tìm được một con đường tắt để đi tới thành công.
Nói cho cùng, đa số con người do không có đủ cảm giác an toàn và dũng khí gánh vác trách nhiệm cuộc đời mình, nên không có đủ sức mạnh chen ra khỏi đám đông, đi về hướng của cuộc đời mình. Bởi vì chúng ta sợ thất bại. Thất bại có nghĩa là chúng ta kém cỏi hơn người khác. Đối với chúng ta mà nói, đây là chuyện mà chúng ta không muốn đối diện nhất.
Tìm lại cái tôi đã mất, ràng buộc thứ ba cần thoát khỏi: Cảm giác an toàn trong đám đông.
Có một người thợ săn, phát hiện một phương pháp bắt khỉ mà thử nhiều lần đều thành công. Anh ta cố định một chiếc lồng tre ở nơi mà khỉ thường xuyên xuất hiện, sau đó đặt một quả đào trong lồng. Trên lồng tre có để một cái lỗ chỉ vừa đủ để khỉ thò tay vào. Khỉ nhìn thấy quả đào trong lồng, liền thò tay vào lấy. Khi lấy được quả đào thì tay đã không thể rụt lại được nữa. Như thế khỉ sẽ bị giam ở đó, đành phải ngoan ngoãn chờ thợ săn đến.
Trên thực tế, con khỉ chỉ cần bỏ quả đào trên tay là có thể dễ dàng rụt tay lại. Nhưng do tham lam, khỉ không nỡ bỏ quả đào trên tay xuống, kết quả nó đã tự nộp mạng cho thợ săn. Chỉ biết nắm giữ mà không nỡ đặt xuống, là nhược điểm chí mạng của khỉ. Vì một quả đào mà khỉ bị giam cầm, chôn vùi cuộc đời của mình.
Vậy hãy thử suy nghĩ, rốt cuộc con người chúng ta bị cái gì giam cầm. Chúng ta muốn tìm thấy giá trị của mình qua tiền bạc, tưởng rằng có rất nhiều tiền là có thể thể hiện giá trị của bản thân, có rất nhiều tiền là có được cái tôi thật sự. Nhưng khi có rất nhiều tiền, chúng ta vẫn sẽ muốn có càng nhiều tiền hơn, có hết núi vàng bạc này đến núi vàng bạc khác mà chúng ta không vượt qua hết được.
Chúng ta muốn tìm thấy giá trị của mình qua quyền lực, tưởng rằng có quyền lực rồi mình sẽ càng có giá trị. Vậy mà khi quyền lực đã nắm trong tay, chúng ta sẽ lại cảm thấy vẫn còn rất nhiều người không nằm trong tầm kiểm soát của mình. Lúc ấy chúng ta cảm thấy giá trị của mình đến từ việc không ngừng nắm trong tay càng nhiều quyền lực.
Chúng ta muốn dùng vật chất bên ngoài để chứng minh bản thân, nhưng cuối cùng chỉ là bắt bóng. Giống như lũ khỉ, vì một quả đào mà bị giam cầm, tự nộp mạng mình. Chúng ta bị tiền hạn chế, bị nhà làm cho mệt mỏi, bị quyền lực trói buộc, bị thế giới rực rỡ này làm cho hoa mắt chóng mặt. Lẽ nào ý nghĩa sinh mệnh của chúng ta chỉ là sự thoải mái trong chỗ ẩn thân được chất đống xi măng cốt thép, là kích thích giác quan dưới ánh đèn rực rỡ cùng với bữa tiệc tư tưởng mộng ảo của bản thân sao?
Khi chúng ta lạc lối trong công thức gen, biểu hiện mang tính xã hội của niềm vui chính là muốn chứng minh mình giỏi hơn người khác. Phương thức trực tiếp nhất có thể chứng minh bản thân giỏi hơn người khác là có được nhiều thứ hơn người khác. Vì thế lạc lối trong công thức gen, chúng ta chỉ một mực theo đuổi bề ngoài vượt trội hơn người khác. Như thế người khác có thể nhìn thấy mặt tốt của chúng ta, chúng ta cũng có thể có thêm nhiều cơ hội thực hiện mục đích gen.
Khi lạc lối ở thế giới bên ngoài, con người nhanh chóng cảm thấy nhàm chán với những gì đã có được. Thế là chúng ta chuyển sang theo đuổi nhiều hơn, tốt hơn, đồng thời nhanh chóng tìm thấy đối tượng so sánh mới. Mình không có nhiều tiền bằng ai, không có xe xịn bằng ai, không có nhà to bằng ai...
Cái tôi thật sự, niềm vui thật sự lúc nào cũng cách chúng ta một bước, lúc nào cũng tồn tại trong mục tiêu tiếp theo mà chúng ta mong đợi. Nếu tôi cố gắng thêm một chút; nếu tôi đã kết hôn; nếu tôi không từ bỏ... Hoặc là đợi tôi thăng chức; đợi tôi lập nghiệp thành công; đợi tôi kiếm được nhiều tiền... Nhưng ham muốn của chúng ta vĩnh viễn là nước đẩy thuyền cao, lúc nào cũng không biết đủ. Điều đó dẫn đến đến cuối cuộc đời, chúng ta cũng vẫn đang theo đuổi niềm vui không thể với tới và cái tôi mà mình muốn. Điều đó cũng khiến cho sự theo đuổi của chúng ta vĩnh viễn không có chỗ trú chân, chúng ta vĩnh viễn không tới được bờ bên kia của cái tôi và sự vui vẻ.
Khi tìm kiếm theo thang giá trị bên ngoài bản thân, chúng ta sẽ trở thành cái tôi bị ký hiệu hóa và vật chất hóa. Chúng ta cho rằng giá trị của mình phụ thuộc vào vật chất bên ngoài mình có được là bao nhiêu, muốn thông qua không ngừng có được của cải vật chất để chứng minh giá trị của mình. Nếu cho rằng giá trị của bản thân chỉ có thể thể hiện bởi những thứ bề ngoài, thì khi sự vật bên ngoài không thể như chúng ta mong muốn cũng đồng nghĩa với việc chúng ta không đáng một xu.
Vật chất biến hóa vô thường, có thể tan biến trong nháy mắt, nên giá trị cái tôi gắn với vật chất bề ngoài cũng không thể ổn định. Cùng với sự thay đổi và hủy diệt của sự vật bên ngoài chúng ta, niềm vui cùng với giá trị và ý nghĩa của chúng ta cũng sẽ bay theo mây khói. Cái tôi thật sự vẫn ở đâu đó, chúng ta không tài nào phát hiện được.
Tìm lại cái tôi đã mất, ràng buộc thứ tư cần thoát khỏi: Ham muốn không giới hạn.
Nghiên cứu phát hiện, ngoài sinh đôi cùng trứng, khả năng hai người có gen di truyền hoàn toàn giống nhau là 1/60 nghìn tỉ. Hiện nay, dân số thế giới chỉ là khoảng 7 tỉ người, vì thế khả năng xuất hiện hai người gen hoàn toàn giống nhau là không lớn.
Cho dù là hai người sinh đôi cùng trứng, đặc trưng di truyền của họ giống hệt nhau nhưng tính cách cũng không hoàn toàn giống nhau. Bởi vì môi trường sinh sống của họ sẽ không hoàn toàn giống nhau. Trong môi trường của tôi có bạn, trong môi trường của bạn có tôi.
Trong hai anh em sinh đôi cùng trứng, người sinh trước đóng vai trò là anh trai, người sinh sau đóng vai trò làm em trai. Dưới ảnh hưởng của cha mẹ và người khác, anh ăn gì, chơi gì đều phải nhường em, ra ngoài hay đi học anh đều phải chăm sóc em. Lâu dần, họ hình thành hai tính cách khác nhau. Đây là kết quả của sự ảnh hưởng lẫn nhau.
Bỏ qua ảnh hưởng của nhân tố di truyền, chỉ xét từ nhân tố môi trường, chúng ta không thể sống trong môi trường giống hệt nhau, vì thế trên thế giới này, không thể xuất hiện hai người giống hệt nhau.
Giá trị tồn tại của chúng ta nằm ở sự khác biệt của chúng ta. Nếu chúng ta giống người khác, giá trị của chúng ta có thể bị người khác thay thế bất cứ lúc nào, vậy thì chúng ta cần gì phải tồn tại nữa? Sự khác biệt mới là giá trị tồn tại của chúng ta, sự khác biệt của mỗi người đều góp phần làm thế giới thêm sắc màu.
Mỗi người chúng ta đều là độc nhất vô nhị. Hôm nay không có ai hoàn toàn giống chúng ta và trong tương lai cũng vậy. Mỗi người chúng ta đều không thể sao chép, mỗi người đều là kiệt tác có một không hai.
Nếu muốn trở nên hoàn mĩ hoặc biến thành người khác, chúng ta sẽ không thành công. Bởi vì chúng ta chỉ có thể trở thành chính mình chứ sẽ không trở thành bất kì người nào khác.
Trước khi tìm kiếm niềm vui thật sự, cần phải nhận thức được rằng mình chính là mình của hôm nay.
Tìm lại cái tôi đã mất, đầu tiên cần biết: Độc nhất vô nhị chính là giá trị của bản thân.
Khu nhà mà tôi sống có bảo vệ canh giữ 24 giờ. Có một anh bảo vệ tên là Kiệt, rất được mọi người yêu quý. Trong mỗi phiên trực, chúng tôi luôn thấy anh mỉm cười thân thiện, nhìn thấy chủ các căn hộ đi qua, anh thường nhiệt tình chào hỏi: “Chào ông, ông ra ngoài ạ!”, “Chào ông, ông về rồi ạ!” Kiệt cũng luôn chủ động xách hộ chúng tôi đồ đạc về tận nhà.
Khi tôi đi ra khỏi cửa với dáng vẻ không vui hoặc khi mệt mỏi trở về nhà, vừa nhìn thấy anh ấy mỉm cười chào hỏi, trong lòng tôi lại trào lên cảm giác hổ thẹn. Anh ấy chỉ là một bảo vệ, không có nhà to, không có xe xịn, cũng không có quá nhiều tiền, nhưng tôi cảm thấy anh ấy vui vẻ và giàu có hơn người có nhà, có xe. Trong khi đó, với nhiều người, không có tiền nghĩa là không có gì cả.
Kiệt làm ở khu nhà của chúng tôi ba tháng rồi chuyển đi. Về sau, tôi nghe bảo vệ khác kể, trong tòa nhà của tôi có một chủ hộ buôn bán thấy nhân phẩm của anh ấy tốt, liền mời anh ấy đi làm việc khác. Thái độ tích cực lạc quan chính là tài sản to lớn của Kiệt. Thái độ tích cực, lạc quan là sức mạnh to lớn mang lại sức mạnh vô hạn cho cuộc đời chúng ta. Nó có giá trị hơn bất cứ vật chất khách quan nào. Sức mạnh to lớn hơn của chúng ta đến từ bên trong mỗi chúng ta. Nếu từ bỏ sức mạnh to lớn chống đỡ bản thân từ bên trong, coi sự vật bên ngoài là động lực thúc đẩy bản thân tiến lên phía trước, nghĩa là chúng ta đang làm công việc bề nổi của cuộc đời, bỏ gốc lấy ngọn, cuối cùng chỉ có thể uổng phí cả cuộc đời. Lí do rất đơn giản, sự văn minh và huy hoàng ngày hôm nay của nhân loại là do sức mạnh bên trong của chúng ta sáng tạo ra, là biểu hiện trực tiếp giá trị nội tại của con người.
Khi tìm kiếm niềm vui và hạnh phúc nội tại, cho dù thế giới bên ngoài có thay đổi thế nào, giá trị và ý nghĩa của cuộc đời chúng ta vẫn còn nguyên vẹn, niềm vui và hạnh phúc vẫn còn đó. Cho dù chúng ta đi đến đâu, tình hình trước mắt như thế nào, chúng ta đều có thể có được niềm vui từ bên trong bản thân mình, thậm chí có được tất cả những thứ mình muốn, kể cả tiền bạc.
Sau khi chúng ta hiểu bản thân mình tới mức độ này, thì lại rất dễ bước vào một sai lầm khác. Ví dụ như anh chàng dưới đây.
Trong một chương trình giao lưu văn nghệ nọ, một vị khách VIP giàu có xung phong diễn thuyết. Khi giới thiệu về sở thích cá nhân của mình, anh ta nói: “Tôi thích đua xe, cùng các bạn đi phượt.”
Vừa hay con nhà giàu đua xe gây tai nạn cho người khác đang là một chủ đề nóng lúc ấy. Khi người dẫn chương trình hỏi anh ta: “Anh đã đọc thông tin về những tai nạn giao thông do các thanh niên con nhà giàu gây ra gần đây chưa? Anh nghĩ gì về những vụ việc này?”
Anh ta trả lời: “Đó là vì kĩ thuật của họ không tốt, sở dĩ tôi đua xe là vì tôi vô cùng tin tưởng với kĩ thuật của mình, sẽ không xảy ra bất cứ chuyện gì.” Người dẫn chương trình nói: “Những người gây tai nạn đều tin vào kĩ thuật của mình, nhưng đều xảy ra tai nạn.”
Một khán giả nữ phản bác lại anh ta: “Anh đúng là quá tự cao tự đại!” Và thế là anh ta rời sân khấu trong tiếng phản đối của nhiều người.
Sau khi xuống dưới, anh ta nói một câu để lại ấn tượng sâu sắc đối với tôi: “Những cô gái này đúng là giả tạo, trên sân khấu thì đối với tôi như vậy, không biết chừng sau cánh gà lại xin số điện thoại của tôi. Còn tôi thích làm như vậy, tôi đang làm chính mình.”
Điều tôi muốn nói là cái gọi là làm chính mình tuyệt đối không phải là làm cái tôi tùy tiện, không chút kiêng nể, huênh hoang, tự cao tự đại.
Sau khi chúng ta phát hiện giá trị độc nhất vô nhị và sức mạnh to lớn bên trong, vẫn chưa được coi là tìm thấy cái tôi thật sự. Bởi vì, lúc ấy chúng ta rất dễ bước vào một sai lầm khác – đắm chìm trong thế giới cái tôi, không thể duy trì sự hài hòa với hiện thực.
Cho dù chúng ta có giá trị lớn như thế nào thì việc dùng phương thức đúng đắn để thể hiện giá trị của mình vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu, không làm được điều này thi việc coi như chúng ta đã phí hoài tất cả công sức đã bỏ ra trước đó.
Tìm lại cái tôi đã mất, điều thứ hai cần biết: Sự giàu có ở bên trong chúng ta.
Còn nhớ một tình tiết trong một bộ phim truyền hình khiến tôi rất cảm động. Nhân vật nữ chính là Lộc - một nhân viên trong công ty quảng cáo, rất hoạt bát, tốt bụng. Một lần, khi cùng bạn đi qua một khu chợ, bỗng nhiên cô ấy dừng lại, để tiền lẻ sang túi khác. Cô ấy đi đến trước một sạp táo, chọn hai quả táo vừa bé vừa dập, sau đó lấy một tờ 50 nghìn đồng đưa cho bác bán táo.
Bác ấy nói: “Tiền to thế này, chú vừa dọn hàng không có đủ tiền trả lại.” Lộc nói: “Không sao, lần sau chú trả cháu cũng được mà.” Người bạn đang loay hoay tìm tiền lẻ thì bị Lộc cầm tay lôi đi.
Bạn của Lộc ngạc nhiên hỏi cô: “Táo của ông ấy vừa nhỏ vừa dập, cậu cũng có tiền lẻ, vì sao cứ phải dùng 50 nghìn mua hai quả táo dập?”
Lộc nói: “Đứa con gái 10 tuổi của chú ấy mắc bệnh hiểm nghèo, chạy chữa tốn rất nhiều tiền. Nhà chú ấy lại rất khó khăn, sau khi bán táo buổi sáng, chú ấy lại đến chỗ khác làm thêm kiếm tiền. Buổi sáng, lúc mình đi ngang qua đây, thường xuyên đưa cho chú ấy 50 nghìn để lấy hai quả táo.”
Sau khi bạn cô ấy nghe xong, cũng không chê táo vừa nhỏ vừa dập nữa mà đưa lên miệng ăn ngon lành.
Trên thế giới này, không thiếu những người giàu có hơn Lộ rất nhiều. Sở dĩ họ không bỏ tiền ra giúp đỡ những người gặp khó khăn, là bởi vì họ không có trái tim biết quan tâm tới người khác. Họ bị công thức gen khống chế. Thứ mà họ theo đuổi không phải là tiền bạc mà là việc càng ngày càng kiếm được nhiều tiền hoặc nhiều hơn người khác. Tài sản của họ dùng để thể hiện bề ngoài rực rỡ, lấp lánh. Ngoài chức năng ấy, tài sản đối với họ mà nói không có bất kỳ ý nghĩa nào khác. Vì thế, cho dù họ trở thành triệu phú thì cũng sẽ không bỏ ra 50 nghìn đồng để giúp đỡ những người như chú Triệu. Chuyện này không nằm ở việc có bao nhiêu tài sản mà nằm ở chỗ chúng ta có là chính mình hay không.
Bị giam cầm trong công thức gen, mọi điều mà chúng ta làm đều bắt đầu trên cơ sở bảo vệ bản thân. Chúng ta không ngừng tìm kiếm, cảm thấy tài sản trong tay càng nhiều, bản thân càng có giá trị. Nào ngờ, cũng chính lúc ấy, chúng ta đã đánh mất giá trị thật sự của bản thân – biết cách cho đi. Giá trị của chúng ta lớn hay nhỏ phụ thuộc vào việc chúng ta có thể cho người khác bao nhiêu, chứ không phải là tài sản ôm trước ngực có bao nhiêu.
Ngôi sao Hồng Kông Lí Liên Kiệt, trong một lần trả lời phỏng vấn, đã kể câu chuyện của bản thân anh ấy.
Người dẫn chương trình hỏi: “Anh đóng phim, vừa có tiền bạc, lại có danh tiếng, đã quá bận rộn mà sao vẫn không ngừng vất vả bỏ công sức, tiền bạc làm từ thiện? Qua những việc ấy, anh có được niềm vui như thế nào?”
Lí Liên Kiệt nói: “Thứ cho đi mới là của bạn!”
Người dẫn chương trình nghi ngờ hỏi: “Chẳng phải thông thường chúng ta cho rằng, thứ mang về mới là của mình sao?”
Lí Liên Kiệt nói: “Có một câu chuyện như thế này. Tôi có một chiếc đồng hồ, là bạn tôi tặng sinh nhật, vô cùng quý giá. Thường thì những món quà chúng ta đã tặng đi rồi sẽ không còn nhớ tới nữa. Chiếc đồng hồ này tôi đã đeo mười năm rồi, mỗi lần đeo chiếc đồng hồ này tôi lại nhớ đến người bạn ấy. Đồng hồ đeo trên người tôi, nhưng kết quả vẫn là của anh ấy”.
Lí Liên Kiệt nói tiếp: “Cho đi mới là của bạn! Thứ giữ trên người bạn, chỉ là tạm thời bảo quản, cuối cùng khi bạn nằm xuống, cho dù bạn có muốn hay không thì đều phải bỏ lại chúng.”
Đúng như Lí Liên Kiệt đã nói, cho dù chúng ta tìm được núi vàng núi bạc thì cũng chỉ là tạm thời bảo quản. Lúc chúng ta rời khỏi thế giới này, có muốn cũng không mang được cái gì. Chúng ta chỉ là cái máy được cắm điện làm việc không ngừng, không hề biết cả đời này bản thân muốn làm gì, cũng không biết giá trị và ý nghĩa cuộc đời mình là gì. Nếu không biết tài sản kiếm được là để có thể cho đi nhiều hơn, thì cho dù chúng ta đeo vàng đầy người thì cũng như không có gì. Bởi vì chúng ta không làm chính mình, chỉ là đang làm nô lệ cho công thức gen.
Cái tôi thật sự là cái tôi có thể cho đi. Cho dù thứ cho người khác là tiền bạc, hay nụ cười và sự quan tâm, cho dù chúng ta cho đi bao nhiêu, chỉ cần chúng ta có thể cho đi, đó chính là đang làm cái tôi thật sự.
Nếu chúng ta có thể phát hiện cái tôi độc nhất vô nhị và cái tôi bên trong nhưng lại không thể cho đi, vậy thì chúng ta cũng chỉ là đang đắm chìm trong thế giới cái tôi lí tưởng hóa mà thôi. Chỉ có làm cái tôi thật sự, giá trị của chúng ta mới không chịu bất kỳ ảnh hưởng nào từ sự vật bên ngoài. Tôi chính là tôi, giá trị của tôi chỉ có thể do chính tôi thể hiện, người khác hoặc bất kì sự vật bên ngoài nào đều không thể thay thế. Cho dù chúng ta có nhiều hay không, chúng ta đều có thể cho đi bất cứ lúc nào.
Mặc dù ngày nào chúng ta vội vã ôm cặp tới công sở, đôi chân mỏi nhừ, nhưng chúng ta vẫn có thể nhường chỗ ngồi trên xe bus cho người khác.
Mặc dù hiện tại chúng ta không có nhà, xe, nhưng hàng ngày chúng ta đều có thể cùng vợ và con ăn bữa tối đầm ấm.
Mặc dù mùa hè chúng ta không có điều hòa nhưng chúng ta sẽ quạt cho con ngủ.
Mặc dù cuộc sống rất khó khăn, nhưng chúng ta nguyện làm thêm, ăn bữa trưa thật rẻ để tiết kiệm tiền mua cho con trai món quà con thích...
Giá trị của chúng ta chính là ở bản thân chúng ta, niềm vui của chúng ta cũng vậy. Bản thân bạn chính là bạn lúc này, hãy thử nghĩ xem hiện tại, có thể đem cho người khác điều gì, bạn sẽ hiểu mình đang làm cái tôi thật sự hay là nô lệ của gen.
Tìm lại cái tôi đã mất, còn phải phát hiện: Cái tôi có nghĩa là có thể cho đi.
“Cuộc sống tươi đẹp” có thể được coi là một bộ phim kinh điển. Rất nhiều người đã từng xem bộ phim này, đều bị tinh thần lạc quan và quyết không từ bỏ của nhân vật nam chính trong phim làm cho xúc động.
Bộ phim kể về câu chuyện xảy ra ở Italia trong thời kì Chiến tranh thế giới thứ hai. Guido là một người Do Thái nhìn bề ngoài thì ngốc nghếch nhưng bên trong thì hồn hậu, tốt bụng và lạc quan. Anh ta tràn đầy mơ ước tươi đẹp về cuộc sống.
Một hôm, khi Guido đạp xe đi làm, vô tình gặp Dora. Cuộc gặp gỡ của hai người làm bùng lên ngọn lửa tình yêu trong lòng Guido. Ban đầu, Dora không hề bận tâm tới sự theo đuổi khổ sở của Guido. Về sau, nhờ sự giúp đỡ của Guido, Dora đã khéo léo thoát khỏi sự đeo bám của người bạn trai mà cô ghét. Nhờ vào sự nỗ lực không biết mệt mỏi, cuối cùng Guido đã chiếm được cảm tình của Dora. Dora bất chấp sự phản đối của gia đình, kết hôn với Guido.
Sau khi kết hôn, họ nhanh chóng sinh được cậu con trai Joshua. Cả nhà sống cuộc sống hạnh phúc, tươi đẹp. Vào ngày sinh nhật 5 tuổi của Joshua, phần tử quốc xã bắt Guido và Joshua. Mặc dù không mang dòng máu Do Thái, nhưng để được sống cùng Guido và Joshua, Dora kiên quyết yêu cầu Đức quốc xã đưa mình tới trại tập trung.
Dora bị nhốt trong buồng giam riêng còn Guido và con trai bị nhốt cùng với nhau. Guido vì không muốn để lại bóng đen bi thảm trong tâm hồn non nớt của con trai, dỗ dành con trai, nói là họ đang chơi một trò chơi, người tuân thủ quy tắc cuối cùng sẽ có được một chiếc xe tăng thật sự.
Ban ngày, Guido bảo con trai trốn trong phòng giam tối đen, đồng thời nói với con trai nếu không phải bố gọi thì cậu bé không được ra ngoài, nếu không sẽ không có được xe tăng. Cậu bé Joshua ngây thơ muốn có được xe tăng nên tin lời cha. Joshua cố chịu đói khát, sợ hãi và cô đơn, trốn dưới gầm giường trong nhà lao tối đen, nhiều lần thoát khỏi bàn tay bọn quốc xã.
Ban ngày, Guido làm việc cực khổ dưới sự giám sát của bọn lính phát xít, buổi tối về nhà còn phải chơi trò chơi với con trai. Guido một mặt muốn bảo vệ con trai, mặt khác đang nghĩ cách liên lạc với Dora trong trại tập trung vô nhân tính.
Quả thực Dora không chịu được sự tàn khốc trong trại tập trung, mấy lần muốn chết. Nhờ sự khích lệ của Guido, cuối cùng cô cũng kiên trì đến cùng.
Sắp giải phóng rồi, phần tử quốc xã chuẩn bị trốn chạy, Guido muốn nhân lúc hỗn loạn đến phòng giam nữ tìm vợ. Anh bị bọn lính phát hiện và bắn chết.
Chính tinh thần lạc quan không chịu từ bỏ của Guido khiến vợ và con trai tránh được cái chết bi thảm trong trại tập trung. Đến tận giờ phút cuối cùng của cuộc đời, Guido vẫn truyền tinh thần lạc quan cho con trai mình. Khi bị bọn lính áp giải đi qua tủ sắt nơi con trai đang ẩn náu, Guido tỏ ra không hề sợ hãi, lạc quan bước đều về phía trước, để con trai vẫn tin rằng trò chơi đang tiếp diễn và cậu bé không được ra ngoài.
Cuộc đời mỗi con người ban đầu giống như một tờ giấy trắng, vốn dĩ không có ý nghĩa gì cả. Có lẽ bạn sẽ hỏi, nếu đã không có ý nghĩa, vậy thì còn cần gì phải sống? Phải chăng chúng ta cứ sống tạm bợ, nhàn nhã là được? Nếu đúng như vậy thì cuộc đời chẳng phải quá vô nghĩa? Thực ra, ý nghĩa của cuộc đời nằm ở chỗ chúng ta viết cái gì lên trang giấy trắng ấy, nằm ở chỗ chúng ta sống cuộc đời của mình như thế nào. Cuộc đời mỗi người đều nằm trong tay người ấy, ý nghĩa của cuộc đời chúng ta phải do chúng ta sáng tạo ra.
Ý nghĩa cuộc đời nằm ở chỗ chúng ta có dám gánh vác trách nhiệm cuộc đời mình hay không. Có trách nhiệm chính là đem lại ý nghĩa cho cuộc đời. Giống như Guido, mặc dù anh ta không có lí tưởng vĩ đại, cũng không được coi là thông minh, trí tuệ, nhưng cho dù ở trong môi trường ác liệt, tàn khốc như thế nào, anh ta đều không từ bỏ trách nhiệm với cuộc đời mình. Sau khi kết hôn, anh ta cố gắng mang lại cho vợ và con trai cuộc sống hạnh phúc. Trong trại tập trung, anh ta không ngại đem bản thân ra để bảo vệ con trai và vợ, giúp họ sống sót sau những ngày chiến tranh tàn khốc. Vì họ, đến lúc chết Guido cũng không hề chùn bước. Anh ta chưa bao giờ từ bỏ trách nhiệm của mình, kiên trì tới giờ phút cuối cùng của cuộc đời. Đây chính là giá trị cuộc đời mà anh ta sáng tạo, đây chính là sự vĩ đại trong cái tầm thường, đây chính là ý nghĩa của sinh mệnh.
Khi chúng ta ý thức được: “Đây là cuộc đời của tôi, đây là sự lựa chọn của tôi, tôi phải có trách nhiệm với nó”, chúng ta nên gánh vác trách nhiệm với hiện trạng của bản thân. Sở dĩ chúng ta đau khổ, sở dĩ chúng ta đánh mất bản thân, suy cho cùng là vì chúng ta trốn tránh gánh vác trách nhiệm cuộc đời mình. Khi chúng ta dũng cảm thừa nhận trách nhiệm cuộc đời, tất cả sẽ trở nên rộng mở.
Phòng tuyến cuối cùng trong cuộc đời chúng ta là bản thân mỗi con người. Khi chúng ta từ bỏ trách nhiệm của mình, đau khổ, thất bại, tầm thường đều sẽ lũ lượt kéo lên sân khấu. Lúc ấy, chúng ta không cần bận tâm ngày mai sẽ như thế nào, người khác nhìn chúng ta như thế nào và chúng ta là người như thế nào, tất cả đều sẽ tan thành mây khói, chúng ta chỉ là cái xác đang thở. Sau đó, tất cả những gì chúng ta làm đều mất đi ý nghĩa nhân sinh. Chính chúng ta khiến cuộc đời của mình không còn hi vọng.
Tìm lại cái tôi đã mất, cuối cùng cần: Gánh vác trách nhiệm cuộc đời mình.