Tìm Lại Cái Tôi Đã Mất

Phát Hiện Sức Mạnh Của Trái Tim - Lối Vào Của Thành Công

| TRÁI TIM KHÔNG NGỪNG PHÁT HUY SỨC MẠNH

Trái tim của chúng ta tựa như một hạt giống, có đất gieo trồng thì nó thì mới có thể bám rễ, nảy mầm, khai hoa kết quả, ngày càng phát triển từ năm này qua năm khác, lớn lên thành cây. Nếu hạt giống này bị vùi dập trong gió, nó sẽ không thể bám rễ, đâm chồi nảy lộc, chỉ chờ ngày thối rữa.

Trái tim của chúng ta giống hạt mầm có sức mạnh sinh trưởng. Sức mạnh này có thể đưa chúng ta tới nơi chúng ta muốn đến, làm việc chúng ta muốn làm. Sức mạnh của trái tim và chu kì sinh mệnh của con người giống nhau, đều là hữu hạn. Cùng với sự tiếp diễn của sinh mệnh, trái tim phát huy và tiêu hao sức mạnh từng phút từng giây.

Khi chúng ta ăn cơm, sức mạnh của trái tim tiêu hao trong việc ăn uống; khi chúng ta chờ đợi, sức mạnh của trái tim tiêu hao trong sự chờ đợi; khi chúng ta đau khổ, lo lắng, sức mạnh của trái tim tiêu hao trong đau khổ... Cho dù chúng ta đang làm gì, cho dù chúng ta có muốn hay không, trái tim đều phải tiêu hao sức mạnh của nó. Sức mạnh của trái tim giống như một lọ cồn, từ khoảnh khắc chúng ta mở nắp, nó sẽ bắt đầu bay hơi. Cho dù chúng ta dùng nó để sát trùng vết thương, dùng nó làm nhiên liệu, hay là để yên ở đó không dùng thì nó đều bay hơi cho đến khi bay hơi hết. Sức mạnh của trái tim sẽ không vì chúng ta mà dừng lại và chờ đợi, chỉ cần sinh mệnh vẫn đang tiếp tục thì nó cũng sẽ đang tiêu hao, đến khi sinh mệnh kết thúc.

Tình trạng của mỗi con người, thoạt nhìn có thể không thấy đó là do bản thân tạo ra, nhưng thực chất chính là kết quả sức mạnh của trái tim chúng ta. Từng việc chúng ta làm – ăn cơm, chơi trò chơi, nghe nhạc, làm việc, lái xe... không có việc gì là không tiêu hao sức mạnh của trái tim. Sở dĩ hôm nay chúng ta như thế này là bởi vì chúng ta dùng phương thức mà mình lựa chọn để tiêu hao sức mạnh của trái tim.

Sức mạnh của trái tim không những không dừng lại vì chúng ta mà cho dù sự lựa chọn của chúng ta là gì, là đau khổ hay vui vẻ, nó đều sẽ dốc sức ủng hộ chúng ta. Một công việc quan trọng mà sức mạnh của trái tim phải làm chính là chứng minh sự tồn tại của mình. Nó hi vọng nhìn thấy sự thay đổi mà bản thân nó mang lại cho chúng ta.

Sức mạnh của trái tim không những có thể đưa chúng ta tới ánh sáng mà cũng có thể đưa chúng ta tới bóng tối; không những có thể khiến chúng ta trở nên vượt trội mà cũng có thể đưa chúng ta quay về sự tầm thường; không những có thể đưa chúng ta đến với niềm vui mà cũng có thể đưa chúng ta đến với đau khổ. Đây chính là sức mạnh của trái tim. Nó phát huy tác dụng từng phút từng giây.

Nếu trái tim của chúng ta không có mảnh đất để bắt rễ, luôn ở trong trạng thái lang thang vô định, thì sức mạnh của trái tim sẽ phát huy trong sự suy đi tính lại của chúng ta, phát huy trong sự lang bạt tầm thường của chúng ta, phát huy trong việc ăn chơi nhảy múa không có mục đích của chúng ta.

Nếu sức mạnh của trái tim bị hoang phí, cuộc đời của chúng ta cũng sẽ theo đó mà trở nên hoang phí. Trái tim không có phương hướng giống như con thuyền phiêu bạt vô định trên biển cả, không nơi nương tựa. Sự nhàm chán, trống rỗng, mơ hồ của chúng ta đều là biểu hiện của trái tim không có phương hướng, không có mảnh đất để bám vào.

Cần nhận thức được rằng sức mạnh của trái tim đang phát huy từng phút từng giờ, cho dù sự lựa chọn của chúng ta là gì, nó đều sẽ tiêu hao sức mạnh của mình.

| SỰ PHỤ THUỘC CỦA TRÁI TIM

Hồi nhỏ, tôi là một đứa trẻ không thích học, trước năm lớp ba, rất ít khi cả ba môn tôi đều đạt điểm trung bình.

Sau này, lớn hơn một chút, tôi phát hiện thành tích học tập không tốt sẽ mang lại rất nhiều chuyện không vui cho bản thân. Ví dụ, phải chịu sự phê bình của cha mẹ và thầy cô, các bạn cũng không thích chơi với tôi. Vì thế tôi muốn trở thành đứa trẻ ngoan, học sinh giỏi, thế là bắt đầu nỗ lực học tập, đồng thời hoàn thành bài tập cô giáo giao cho đúng hạn. Điều khiến tôi buồn bực là thành tích của tôi vẫn kém như vậy.

Một lần, cô giáo tìm tôi để nói chuyện, tôi nói: “Em hoàn thành bài tập đúng giờ, trên lớp cũng chăm chú nghe giảng, vì sao vẫn không tiến bộ ạ?” Cô giáo nói một câu khiến tôi cảm thấy rất mơ hồ: “Em chưa chuyên tâm.” Sau đó, tôi bắt đầu suy nghĩ “chuyên tâm” là phương thức như thế nào. Một động tác sao? Một hình thức sao?

Tôi thử “chuyên tâm” theo cách hiểu của mình. Tôi đã từng thử một phương thức như thế này – Lúc đọc sách, mỗi khi đọc được một câu tôi lại nuốt nước bọt một lần, đến tận khi cảm thấy khô miệng mới dừng lại. Mấy phút sau thử nhớ lại, xem có thể nhớ ra bài văn mà mình vừa đọc hay không. Tôi nghĩ mọi người đều biết kết quả như thế nào. May mà tôi không hiểu “chuyên tâm” thành đọc một câu uống một ngụm nước, nếu không trên bàn học của tôi phải lắp một cái ống nước.

Về sau, có một chuyện ngẫu nhiên xảy ra khiến tôi vỡ lẽ “chuyên tâm” là như thế nào.

Tôi rất ghét học toán, điểm toán từ trước đến lúc đó đều không cao. Có một lần làm bài tập về nhà, tôi vô tình giải được một bài toán khó, vui sướng tới mức vừa đập bàn vừa giậm chân. Từ khoảnh khắc ấy, tôi bắt đầu hứng thú sâu sắc với toán học, bỗng chốc hiểu ra rất nhiều nội dung cô giáo đã giảng trên lớp. Từ đó tôi bắt đầu thích học, thích giải bài tập toán. Giải toán mang lại niềm vui rất lớn cho tôi, khiến tôi tìm thấy cảm giác thành công. Từ đó về sau, tôi tình nguyện hi sinh thời gian xem tivi để giải những bài toán rất khó. Sau một học kì, tôi đang từ người đứng thứ 10 từ dưới lên trong số 60 học sinh trong lớp thành người đứng trong top 10 của lớp.

Xin chia sẻ cùng các bạn một kinh nghiệm, khi trái tim của chúng ta không phụ thuộc vào việc mà chúng ta làm, khi thân ta ở trong lớp học còn trái tim thì lại ở sân trường hoặc ngoài đường; chúng ta ngồi trước bàn làm việc nhưng trái tim thì ở trước tivi hoặc máy chơi điện tử, thì tình trạng này chính là thân thể và trái tim phân li. Trong trạng thái này, cho dù có cố gắng nhiều thế nào, chúng ta cũng sẽ chỉ đưa mình đến phương hướng sai lầm chứ không thể đến được mục tiêu đã định.

Muốn để trái tim của mình có chốn nương tựa thì phải tìm thấy việc mà bản thân cảm thấy hứng thú thật sự, tìm thấy việc có thể mang tới cảm giác thành công cho mình. Hứng thú và cảm giác thành công là “miền đất hứa” có thể khiến sức mạnh của trái tim được phát huy triệt để.

Chỉ có làm việc bản thân thích mới có thể mang lại niềm vui thành công cho chúng ta. Nếu không, cho dù cả thế giới đều nghĩ chúng ta thành công, chúng ta cũng sẽ không thấy vui, bởi vì cảm giác chỉ ở trong tim chúng ta. Chỉ khi làm việc mình thích, trái tim và thân thể chúng ta mới có thể hòa làm một, mới có động lực tiến lên phía trước. Động lực này là tự phát, không phải là người khác hoặc các yếu tố bên ngoài có thể gán cho chúng ta.

Khi trái tim của chúng ta bám rễ vào “miền đất hứa”, nó sẽ bắt đầu phát triển khỏe mạnh, nó có thể đưa chúng ta từ thứ mười từ dưới lên thành top mười; khiến chúng ta từ cảm thấy khô khan, nhàm chán tới cảm thấy vui vẻ vô cùng; đưa chúng ta từ bình thường đến ưu tú và vượt trội, thậm chí vĩ đại.

Muốn sức mạnh của trái tim được lợi dụng một cách hữu hiệu thì phải tìm thấy “miền đất hứa” cho nó.

| KHÔNG CÓ PHƯƠNG HƯỚNG VÀ QUÁ NHIỀU MỤC TIÊU ĐỀU VÔ HIỆU NHƯ NHAU

Một người bạn của tôi, sau khi làm ăn phát tài đã trở thành triệu phú. Cuộc sống vật chất thừa thãi, không còn phải lo cơm ăn áo mặc, vậy mà anh ta lại cảm thấy cuộc sống nhàm chán, tư tưởng trống rỗng.

Anh ta nói: “Tôi không cảm thấy thoải mái như trước nữa, không biết mình nên làm gì thì tốt, không thứ gì có thể khơi dậy lòng nhiệt tình của tôi, cuộc sống dường như trở nên không còn mục đích nữa.”

Vậy mới nói, trái tim của chúng ta cần có phương hướng. Không có phương hướng, chúng ta chỉ có thể tự quanh quẩn tại chỗ. Lặp lại là vòng xoáy lớn nhất mà chúng ta rơi vào. Trong cuộc đời, không có chuyện gì đáng sợ hơn đứng im một chỗ và không có gì thay đổi. Tôi tin mỗi người đều biết hậu quả của từ chối trưởng thành là gì. Nói trắng ra là chờ chết!

Trong một buổi học bồi dưỡng tố chất thành công, cô giáo hỏi một học viên: “Mục tiêu của em là gì?” Học viên ấy trả lời: “Em muốn kiếm được 50 triệu đồng”. Cô giáo lại hỏi: “Còn gì nữa không?” Học viên trả lời: “Thăng chức thành quản lí bộ phận.” Cô giáo hỏi tiếp: “Còn nữa không?” Học viên trả lời: “Mua nhà!” Cô giáo tiếp tục hỏi: “Còn nữa không?” Học viên trả lời: “Đổi xe khác!” Cô giáo không ngừng hỏi, cậu ta cũng không ngừng trả lời, khiến các học viên có mặt ở đó cười ồ lên.

Có lẽ đây là một ví dụ đặc biệt. Nhưng chúng ta có thể tự hỏi bản thân mình, chúng ta theo đuổi cái gì. Người yêu tôi, cuộc sống giàu có. Còn nữa không? Công việc lương cao, quần áo hàng hiệu. Còn nữa không? Nhà, xe... Chỉ cần người hỏi có đủ kiên nhẫn hỏi, chúng ta cũng sẽ trả lời không ngừng.

Thực ra, cuộc sống chính là một phép trừ. Từ khi chào đời, sinh mệnh của chúng ta đã bắt đầu đếm ngược thời gian, bắt đầu trừ từng giây từng giây, từng ngày từng ngày. Những việc chúng ta cần làm mỗi ngày đều phức tạp, còn mục tiêu mà chúng ta có thể gánh vác trong cùng một thời điểm cuộc đời là hữu hạn, vì thế chúng ta phải trừ đi từng việc một cách có lựa chọn, sau đó làm những việc mà bản thân thích nhất, những việc đối với bản thân mà nói là quan trọng nhất.

Tôi tin rằng có người có thể làm được nhiều việc cùng lúc, nhưng đối với đa số người mà nói, chỉ có chuyên tâm một lòng làm một việc mới có thể thành công. Sức mạnh của trái tim là hữu hạn, nếu mục tiêu của chúng ta quá nhiều thì sẽ phân tán sức mạnh của nó, kết quả sự nỗ lực của chúng ta rất có thể sẽ xôi hỏng bỏng không.

Không có mục tiêu cuộc đời sẽ khiến chúng ta giậm chân tại chỗ, còn mục tiêu quá nhiều lại khiến chúng ta không biết bắt đầu từ đâu. Đối với chúng ta mà nói, mục tiêu quá nhiều và không có mục tiêu kết quả đều đem lại kết cục giống nhau.

Điều kiện phối hợp giữa trái tim và “miền đất hứa” của nó: Mục tiêu rõ ràng.

| QUÁ ĐƠN GIẢN VÀ QUÁ PHỨC TẠP ĐỀU KHÔNG BIẾT BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU

Dung là cô gái thuộc thế hệ 8X, làm văn thư cho một công ty quảng cáo. Công việc hàng ngày của cô ấy là photo tài liệu giúp đồng nghiệp và nghe điện thoại.

Dung cảm thấy mình bằng cấp hẳn hoi như thế nhưng phải làm công việc không có tính thách thức, nhàm chán như thế này thì đúng là thiệt thòi.

Cô ấy rất muốn chuyển việc nhưng lại không biết nên làm gì, mặc dù không muốn nhưng cứ làm việc cho công ty này hơn nửa năm.

Về sau, mỗi buổi sáng thức dậy, nghĩ tới hôm nay vẫn phải tiếp tục những công việc nhàm chán, máy móc ấy, Dung lại cảm thấy vô cùng trống rỗng. Cô cứ ngây người nhìn trần nhà, cảm thấy cơ thể mình nặng nề hơn bất cứ lúc nào, như thể bị dính chặt vào giường, không thể dậy được. Thế là, cứ dăm ba hôm cô ấy lại xin nghỉ không đi làm.

Nhờ sự giới thiệu của bạn bè, cô ấy tìm gặp tôi, hi vọng tôi có thể giúp cô ấy đưa ra định hướng nghề nghiệp.

Tôi hỏi: “Cô muốn làm gì?”

Cô ấy tỏ ra ngây thơ và nói: “Tôi cũng không biết mình muốn làm gì.”

Tôi nói: “Thế có việc gì cô thích làm không?”

Cô ấy suy nghĩ hồi lâu, vui vẻ nói: “Đúng rồi! Bình thường tôi thích đọc tạp chí thời trang, suy nghĩ về việc phối hợp trang phục của người mẫu, sau đó học theo người mẫu trang điểm và tạo kiểu tóc cho mình, hoặc là giúp bạn bè xung quanh tạo kiểu tóc và phối hợp trang phục. Đây là việc mà tôi yêu thích nhất.”

Qua trắc nghiệm tính cách của cô ấy, tôi đưa ra lời khuyên: “Có một nghề giúp người khác thiết kế thời trang, gọi là tư vấn thời trang...”

Chưa chờ tôi nói xong, cô ấy đã nói: “Thật sao? Tôi có thể làm được không? Hình như cái này rất hợp với tôi! Tôi phải làm thế nào mới có thể làm được?”

Tôi nói: “Cô phải hiểu cách phối hợp màu sắc, phải có cảm nhận thời trang nhạy bén, còn phải nâng cao gu thẩm mĩ của bản thân, đồng thời phải không ngừng rèn luyện bản thân trong thực tiễn...”

Cô ấy ngắt lời tôi, thất vọng nói: “Khó quá! Hình như tôi không làm được.”

Tôi nói: “Tôi hiểu cảm giác của cô. Mỗi người khi đối mặt với một việc phức tạp đều có phản ứng giống như cô. Nhưng cho dù chúng ta làm gì, đều cần một quá trình. Tôi có thể giúp cô vạch ra quá trình này, để cô cảm thấy thực hiện mục tiêu này thực ra không quá khó như cô tưởng.”

Qua câu chuyện của Dung, chúng ta có thể phát hiện, làm việc đơn giản sẽ không khiến chúng ta cảm thấy vui vẻ, ngược lại sẽ khiến chúng ta cảm thấy nhàm chán và trống rỗng; còn chuyện phức tạp lại gây cho chúng ta cảm giác thất bại không thể hoàn thành được, khiến chúng ta vừa nhìn đã dừng bước. Vì thế công việc quá đơn giản hoặc quá phức tạp đều không thể khiến chúng ta nảy sinh cảm giác thoải mái, đều không thúc đẩy chúng ta tích cực hành động.

Cuộc điều tra của nhà thần kinh tâm lý học Nelly Rafael cho thấy, tiếp nhận một nhiệm vụ đơn giản và một nhiệm vụ phức tạp, ảnh hưởng đối với bộ não của chúng ta là như nhau. Nhiệm vụ quá đơn giản, bộ não sẽ cho rằng không có tính thách thức, không cần phải làm, làm rồi cũng không có cảm giác thành công; nhiệm vụ quá phức tạp, quá rườm rà, bộ não sẽ cho rằng đó không phải là việc trong phạm vi khả năng của mình, vì thế sẽ chùn bước. Chỉ cần bộ não không được yêu cầu đầy đủ, nó sẽ không thể phân biệt được cái gì là quan trọng, cái gì là thứ yếu, trạng thái như thế khiến chúng ta không làm gì được. Vì thế, chỉ khi mức độ bận rộn của bộ não là đúng mức, chúng ta mới không cảm nhận thấy sự mệt mỏi hoặc nhàm chán, mới có được cảm giác thoải mái kéo dài liên tục.

Muốn hoàn thành một công việc, chúng ta phải phân chia mục tiêu thành các bước, cụ thể hóa; phân chia mục tiêu thành những mục tiêu nhỏ mang tính giai đoạn. Mỗi mục tiêu nhỏ đều có tính thách thức nhất định, như thế khi hoàn thành mỗi mục tiêu chúng ta có thể có được cảm giác thành công. Để bộ não duy trì khát vọng và hứng thú hoàn thành một công việc mới là trạng thái tốt nhất của bộ não. Vì thế, khi đối mặt với mục tiêu của mình, để mục tiêu này có thể duy trì được tính thách thức, đồng thời có thể mang lại cho chúng ta cảm giác thoải mái, chính là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Điều kiện phối hợp giữa trái tim và “miền đất hứa” của nó: Mục tiêu có tính thách thức nhất định.

| SỰ KHÁC BIỆT GIỮA MONG MUỐN VÀ MỤC TIÊU

Vân là một cô gái khá hoàn hảo. Cô làm công việc hành chính cho một công ty nước ngoài, thu nhập cao.

Trong một lần họp mặt bạn bè, cô ấy có nhắc tới hai thứ mà bản thân mong muốn có được, một là chiếc xe SUV của một nhãn hiệu nổi tiếng nào đó, hai là một căn nhà ở khu căn hộ cao cấp. Khi cô ấy miêu tả hai thứ này, khuôn mặt ánh lên vẻ hạnh phúc và say đắm.

Tôi nói với cô ấy: “Cậu có chắc là mình thật sự muốn có những thứ này không?” Cô ấy nói: “Thật sự rất muốn, vô cùng mong muốn!” Tôi lại hỏi: “Cậu có muốn hi sinh vì mục tiêu của mình không?” Cô ấy nói: “Có, có điều là sự hi sinh chính đáng.” Tôi nói: “Với điều kiện và khả năng của cậu, trong vòng năm năm là có thể thực hiện được hai nguyện vọng này.” Cô ấy nói: “Thật không? Mình không tin. Thế mình nên làm thế nào?”

Tôi nói: “Mình sẽ nói với cậu phải làm như thế nào nhưng điều kiện là cậu hãy duy trì mong muốn này trong ba tháng. Ba tháng sau, mình sẽ hỏi cậu còn muốn có hai thứ này không. Nếu câu trả lời của cậu vẫn kiên quyết như vậy, vậy thì mình sẽ nói với cậu nên dùng thời gian năm năm để thực hiện nguyện vọng này như thế nào.” Thế là chúng tôi đã có giao ước với nhau.

Thấm thoát hai tháng đã qua đi, tôi lại gặp Vân. Lúc ấy cô ấy nói: “Muốn thì muốn nhưng cách mình xa quá, bây giờ mình chỉ muốn có công việc ổn định, sống cuộc sống dư giả một chút là được. Không muốn nghĩ nhiều như thế nữa.” Trên mặt cô ấy không còn sự hứng khởi giống như khi miêu tả hai thứ ấy lần trước nữa.

Tôi nói: “Vậy thì kế hoạch năm năm của chúng ta kết thúc ở đây rồi?” Cô ấy nói không chút do dự: “Mình sẽ không tham vọng nhiều như thế nữa.”

Thực ra, dựa vào khả năng của cô ấy thì thực hiện nguyện vọng đó trong năm năm không phải là nói suông. Nhưng nếu ngay cả quyết tâm duy trì nguyện vọng trong ba tháng, chúng ta còn không có, thì làm sao còn mong chờ hiện thực hóa nó? Đáng tiếc, đó chỉ là một nguyện vọng của cô ấy chứ không phải mục tiêu. Nguyện vọng sẽ biến mất cùng với sự biến mất của ham muốn của chúng ta, nhưng mục tiêu thì không, mục tiêu xây dựng trên cơ sở hiện thực.

Nếu đến tận bây giờ chúng ta vẫn không thể sống cuộc sống giàu có, hoặc không thể có thành công, vậy thì một nguyên nhân rất quan trọng là chúng ta đánh mất mình trong công thức của mục đích gen. Phần lớn hành vi của chúng ta đều là để thực hiện mục đích gen, còn suy nghĩ và sở thích thực sự và nhu cầu thật sự của bản thân đã không được quan tâm nữa. Sức mạnh trái tim của chúng ta đã bị tiêu hao vô ích trong công thức gen, không được chúng ta sử dụng, càng không nói là được chúng ta tận dụng có hiệu quả. Trong tình trạng không hề hay biết về mục đích gen, cho dù chúng ta phát hiện ra niềm vui của mình, khi chúng ta đi về hướng của mình, thì vẫn sẽ bị sức mạnh to lớn của mục đích gen kéo về đường cũ. Cuối cùng chúng ta vẫn không thể đạt được mong muốn của mình.

Rất nhiều lúc, mục tiêu của chúng ta không phải là mục tiêu thật sự. Điều đó khiến sức mạnh trái tim của chúng ta không thể được tận dụng hiệu quả.

Đối mặt với mục tiêu, hãy tự hỏi bản thân, mình có cảm nhận gì về chuyện này, có tồn tại nghi ngờ không, có tồn tại sự do dự không, có xung đột không, có tự tin không, mục tiêu có rõ ràng không và bản thân có thể đắm chìm trong đó được không. Khi chúng ta dùng những câu hỏi này để nhìn nhận mục tiêu của mình, chúng ta sẽ phát hiện sở dĩ có một số mục tiêu không thể thực hiện, là bởi vì chúng ta không kiên định với mục tiêu của mình.

Điều kiện phối hợp trái tim với “miền đất hứa” của nó: Niềm tin phải kiên định.

| SỰ PHỐI HỢP ĂN Ý NHẤT GIỮA TRÁI TIM VÀ “MIỀN ĐẤT HỨA”

Newton là nhà khoa học được mệnh danh là người vĩ đại nhất, có tầm ảnh hưởng nhất trong lịch sử, do chuyên tâm nghiên cứu khoa học, thường xuyên quên ăn quên ngủ, hậu thế còn lưu truyền rất nhiều chuyện cười do quá ham mê nghiên cứu của ông.

Một lần, Newton vừa nghĩ công thức toán học vừa luộc trứng nên đã nhầm đồng hồ đeo tay là trứng, liền bỏ vào trong nồi.

Còn có một lần, sáng sớm vừa ngủ dậy là Newton bắt đầu chuyên tâm tính toán một vấn đề, quên ăn cả bữa trưa. Khi ông cảm thấy đói bụng thì trời đã về chiều tối. Ông đi ra khỏi phòng, một làn gió mát thổi tới, khiến ông cảm thấy rất dễ chịu. Đột nhiên ông nhớ ra: Không phải mình đi ăn cơm sao, sao lại đi ra vườn? Thế là ông lập tức quay đầu đi vào phòng. Nhưng khi nhìn thấy tập giấy trên bàn, ông lại quên sạch chuyện ăn cơm, lại tập trung vào công việc.

Newton có một người bạn gái thanh mai trúc mã. Khoảng thời gian Newton đến Cambridge du học, cô gái này đã kết hôn với người khác. Newton chuyên tâm học hành, không có tâm trạng bận tâm tới những chuyện này. Về sau cô gái ấy li dị chồng, và đi tìm Newton. Newton hiểu rõ trái tim của mình đã thuộc về khoa học, không thể mang lại cho cô ấy hạnh phúc. Thế là ông khéo léo từ chối. Sau đó, cả đời Newton không lấy vợ.

Khi tìm thấy một việc có thể làm một cách vui vẻ, chính là trái tim của chúng ta đã tìm thấy “miền đất hứa” cho nó. Chúng ta sẽ hoàn thành công việc một cách tự giác, tự nguyện, hơn nữa dường như không phải chúng ta tự nguyện làm những việc này mà sự việc xảy ra một cách tự nhiên, giống như có động lực thúc đẩy vậy. Newton quên mình đắm chìm trong nghiên cứu khoa học, tận hưởng niềm vui vô hạn trong đó. Ông quên ăn quên ngủ, thậm chí cảm thấy hôn nhân cũng dư thừa, đâu có thời gian và tinh lực để bận tâm tới những chuyện khiến con người đau khổ và phiền não nữa?

Mỗi hạt giống đều cần có mảnh đất thích hợp. Chỉ có như thế, hạt giống mới có thể phát huy toàn bộ sức mạnh sinh trưởng của nó, mới bám rễ, nảy mầm, vươn mình thành cây đại thụ. Nếu vứt hạt sen trong đất trồng lúa mạch, kết quả sẽ như thế nào? Chúng ta đều có thể tưởng tượng được số phận của nó.

Chúng ta cần phát hiện hứng thú, sở thích của mình, đồng thời khiến mình vui vẻ khi làm những việc đó. Khi trái tim của chúng ta gieo mình vào “miền đất hứa” thuộc về nó, sức mạnh của nó mới không bị tiêu hao vô ích. Nếu chúng ta tập trung mọi sự chú ý và tinh thần vào việc mà mình yêu thích, say mê với việc phấn đấu thực hiện mục tiêu của mình, thì tự nhiên sẽ giảm bớt được rất nhiều phiền muộn vô nghĩa. Như thế, sức mạnh trái tim của chúng ta mới được tận dụng một cách hữu hiệu nhất, chúng ta mới có thể phát hiện ngọn nguồn khiến bản thân vui vẻ và thành công.

Điều kiện phối hợp giữa trái tim và “miền đất hứa” của nó: Vui vẻ làm những việc mình thích.