N |
hận thức về bệnh béo phì đã thay đổi trong những năm qua. Trong quá khứ, béo phì chỉ đơn giản được xem là một vấn đề lối sống do môi trường gây ra. Quan điểm về bệnh béo phì bắt đầu thay đổi từ năm 2013, khi Hiệp hội Y học Mỹ tuyên bố nó là bệnh, với các nguyên nhân phức tạp và các triệu chứng đã được ghi nhận.
Tuy nhiên, quan điểm về các loại thuốc giảm cân thay đổi chậm hơn. Một số cho rằng những phương thuốc trị bá bệnh sẽ giúp giảm trọng lượng mà không phải tốn sức. Thực tế không đơn giản như vậy. Trong khi một số phương thuốc có thể gây giảm cân ngắn hạn, thì chúng không phải là khẩu thần công trong kho vũ khí chống béo phì. Bạn không thể giảm cân thực sự và lâu dài chỉ bằng cách sử dụng thuốc mà không cần thay đổi thói quen ăn uống.
Một trường phái khác cho rằng các loại thuốc này không nên sử dụng bởi vì bạn vẫn phải thay đổi cách ăn. Nếu có đủ nỗ lực, bạn sẽ có sức mạnh, ý chí để từ bỏ các loại thực phẩm không tốt và tập luyện thể thao nhiều hơn. Mặc dù cách này cũng có phần đúng, nhưng liệu nó có thực tế? Suy nghĩ này làm kéo dài sự kỳ thị cũ và đưa chúng ta trở lại thời kỳ phán xét cũ, khi mà chúng ta vẫn còn xem béo phì là kết quả của sự yếu đuối cá nhân chứ không phải là một căn bệnh.
Chúng tôi – Charles và Tú – tự nhận mình là người có kỷ luật. Chúng tôi đã phải sắp xếp để quản lý công việc bận rộn cùng với cuộc sống cá nhân với tư cách là người chồng, người cha và người bạn. Nhưng nếu bạn yêu cầu hai anh chàng gốc Á chúng tôi từ bỏ cơm và bún, thì bạn nên cho chúng tôi phương pháp phù hợp để thực hiện! Không phải vì chúng tôi thiếu ý chí, mà sự thật là rất khó phá bỏ những thói quen đã hình thành từ cuộc sống. Không thể thực hiện với chính mình, vậy làm sao chúng tôi có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện?
Đối với chúng tôi, cơm và bún rất khó bỏ. Đối với người khác, đó có thể là bánh mì, khoai tây, bắp, hay bánh bắp. Đối với bạn, có thể là kem, khoai tây chiên, hay món hưởng thụ nào đó. Nếu bạn thấy khó bỏ những món này thì cũng đừng lo lắng. Bạn không cá biệt. Hàng tỉ người trên thế giới phải đấu tranh với vấn đề này.
Đó là lý do Hiệp hội Nội tiết lâm sàng Hoa Kỳ (AACE) năm 2013, đã đưa ra một hướng dẫn điều trị khuyến cáo bắt đầu dùng liệu pháp dược lý (tức là uống thuốc) cùng với việc thay đổi lối sống như là phương án điều trị ban đầu cho bệnh béo phì. Ngay sau đó, Viện Huyết, Phổi Tim mạch quốc gia (NHLBI), Hiệp hội Lipid Quốc gia (NLA), Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), Học viện Tim mạch Hoa Kỳ (ACC), Hiệp hội Béo phì (TOS) và Hiệp hội Bác sĩ Béo phì Hoa Kỳ (ASBP) đều ra công bố tương tự. Đối với nhiều người có tiền sử bệnh béo phì lâu dài, thì liệu pháp dược lý, bao gồm cả các loại thuốc được FDA phê duyệt như phentermine và các thuốc vừa được phê duyệt gần đây là Qsymia® Belviq®, Contrave™, và Saxenda®, có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp họ giành quyền kiểm soát đối với những gì họ ăn. Nếu quan sát những người muốn bỏ thuốc lá, chúng ta sẽ thấy rằng họ thường cần đến kẹo bỏ thuốc Nicorette hay các loại thuốc như Zyban® hoặc Chantix® để giảm các cơn thèm nicotine, bên cạnh việc tham dự các lớp học bỏ thuốc.
Cộng đồng y khoa hiện nay gọi phương pháp dùng thuốc là liệu pháp dược lý, chứ không phải là thuốc giảm cân. Có thuật ngữ nào khác diễn tả nội dung này không? Không cần thiết! “Thuốc giảm cân” ngụ ý rằng nếu dùng thuốc, bạn sẽ giảm cân. Nhưng điều này không hoàn toàn chính xác. Nếu bạn dùng thuốc theo toa, vẫn ăn các món không lành mạnh và uống nước ngọt, thì cũng đừng ngạc nhiên khi không giảm cân. Liệu pháp dược lý có mục tiêu là quản lý trọng lượng, cả cảm giác đói, no và thèm ăn, giúp bạn chống lại bánh rán, đồ ngọt và ngũ cốc, nhờ đó thoát khỏi sự lệ thuộc. Các loại thuốc này cản trở các tín hiệu não làm cho bạn cảm thấy no hoặc không đói. Nếu có thể chống được cơn thèm, thì bạn có thể hạ thấp mức insulin và cuối cùng là đốt chất béo. Các loại thuốc này không trực tiếp hạ thấp mức insulin của bạn, nhưng giúp khởi động chương trình giảm cân bằng cách mang lại cho bạn nhiều kiểm soát hơn đối với sự thèm ăn hoặc cảm giác no. Các loại thuốc này chỉ là một phần của liệu pháp điều trị.
Trong quá trình vừa xây dựng vừa thực hành, chúng tôi cung cấp cho bệnh nhân lựa chọn về liệu pháp dược lý để giúp họ kiểm soát sự thèm ăn hoặc cảm giác no. Dù bệnh nhân có uống thuốc hay không thì họ cũng giảm cùng mức trọng lượng với chương trình của chúng tôi. Lý do là vì chúng tôi hướng dẫn Thinsulin cho tất cả mọi người. Nếu bệnh nhân thực hiện chính xác, họ sẽ giảm cân nhiều bằng những người dùng thuốc! Nếu họ có thể hạ được mức insulin, thì cơ thể của họ sẽ đốt chất béo. Đơn giản vậy thôi.
Quyết định sử dụng liệu pháp dược lý là lựa chọn cá nhân. Bạn biết mình rõ nhất. Hãy tham vấn bác sĩ của bạn về các lựa chọn điều trị mới. Tuy nhiên, nên hiểu rằng không có cái gọi là viên thuốc giảm cân. Bạn vẫn cần thay đổi thói quen ăn uống. Thinsulin sẽ giúp bạn thay đổi suy nghĩ và hành vi ăn uống dù bạn có sử dụng liệu pháp dược lý hay không.
QUY CHẾ DUNG NẠP THỰC PHẨM
Trước khi nói về các lựa chọn liệu pháp dược lý, chúng tôi muốn giúp bạn hiểu cách bộ não điều chỉnh lượng thức ăn. Vì vậy, hãy tháo giày và ngồi thoải mái để chuẩn bị thưởng thức! Nội dung này sẽ hơi giống một khóa học nhỏ về sinh học, và chúng tôi tin rằng bạn sẽ ấn tượng với những gì não làm cho bạn (miễn phí – và thậm chí không cần bạn phải yêu cầu).
Sự thèm ăn và cảm giác đói đều là các cảm giác thể hiện mong muốn và nhu cầu sinh lý của việc ăn. Ngược lại, no là cảm giác đầy bụng.
Các cơ quan tương tác với nhau thông qua một mạng lưới tín hiệu phức tạp để duy trì cân bằng năng lượng. Một khu vực của não gọi là vùng dưới đồi điều chỉnh lượng thức ăn và tiêu hao năng lượng của cơ thể (lượng calo bạn đốt). Đặc biệt, nhân cung của vùng dưới đồi là nơi quan trọng điều chỉnh đói và no. Nó nhận tín hiệu từ một số hormone và peptide ở ruột và mỡ, chẳng hạn như insulin, leptin, ghrelin, và peptide-1 dạng glucagon (GLP-1). Trong trạng thái thiếu ăn, ghrelin và insulin kích thích nhân cung để gây đói và tăng sự thèm ăn để khiến cho bạn ăn.
Mặt khác, các hormone và peptide như leptin và GLP-1 kích thích nhân cung để tăng cảm giác no hoặc cảm giác đầy bụng. Do đó, tín hiệu này làm cho bạn muốn dừng ăn và tăng tiêu hao năng lượng nghỉ. Ngoài ra, các tế bào thần kinh của vùng dưới đồi cũng tiết ra beta-endorphin, có tác dụng chống lại sự giảm lượng thức ăn dung nạp. Não có vòng lặp quy chế phản hồi này để đảm bảo rằng bạn không nhịn ăn quá lâu. (Mặc dù tất cả chúng ta đều giống nhau ở chỗ không ai cần người khác nhắc nhở mới nhớ tới chuyện ăn!)
Như vậy, bạn thấy bộ não có giỏi không, có thông minh không? Nó làm mọi thứ cho bạn, và điều khiển mọi bộ phận: lưng, chân, cánh tay, bàn chân, và tất cả các phần khác. Vấn đề này rất chi tiết, và chúng tôi chỉ muốn bạn hiểu cách hoạt động tổng quan của não. Bây giờ, chúng ta hãy lấy ví dụ thực tế. Giả sử bạn không ăn gì trong suốt buổi sáng, thì cơ thể sẽ tiết ra ghrelin. Ghrelin kích thích nhân cung để làm cho bạn cảm thấy đói.
Khi ăn, cơ thể của bạn phải biết có thể ăn bao nhiêu là đủ. Nếu bạn ăn nhiều chất bột đường hoặc đồ ngọt, thì tuyến tụy sẽ sản xuất insulin để giảm đường huyết trong khi yêu cầu cơ thể dự trữ chất béo. Các tế bào mỡ sản xuất leptin, và các tế bào nằm ở ống tiêu hóa dưới tạo ra GLP-1. Các hormone và peptide này đi tới não và kích thích nhân cung để tăng cảm giác no. Vậy đó! Kết quả là bạn cảm thấy no nên ngừng ăn. GLP-1 cũng ức chế việc tiết glucagon sau bữa ăn. (Tuyến tụy tiết glucagon vào máu khi glucose quá thấp). Đó là lý do tại sao các hoạt chất đồng vận GLP-1 như Victoza® được FDA chấp thuận dùng vào việc quản lý bệnh tiểu đường type 2 cũng như dùng để quản lý cân nặng trong thời gian lâu dài, có tên thương hiệu Saxenda®.
Một cơ chế khác giao tiếp với não để thông báo cảm giác no có liên quan đến các thụ thể mu-opioid (MORs) nằm tại thành của tĩnh mạch chủ, một mạch máu lớn vận chuyển máu từ ruột. Các loại thực phẩm bạn ăn đều có thể ảnh hưởng đến cảm giác no của bạn.
Khi các MORs trên thành tĩnh mạch chủ bị kích thích, chúng sẽ liên lạc với vùng dưới đồi để yêu cầu bạn ăn nhiều hơn. Mặt khác, khi các MORs bị khóa, thì điều ngược lại sẽ xảy ra. Vùng dưới đồi sẽ báo cho bạn biết là bạn đã no, nhờ đó bạn sẽ ngừng ăn.
Trong một nghiên cứu công bố trên Cell, một tạp chí khoa học đã được bình duyệt, các nhà nghiên cứu báo cáo rằng các chất đạm đã tiêu hóa hay các peptide, có thể khóa các MORs. Do đó, các loại thực phẩm giàu chất đạm như thịt nạc sẽ làm cho bạn cảm thấy no. Đó cũng là lý do tại sao bạn nên ăn dặm bằng hạt thô vào buổi chiều – các loại hạt có nhiều chất đạm sẽ khóa các MORs trên thành tĩnh mạch chủ để tăng cảm giác no. Kết quả là, bạn sẽ ít có khả năng ăn gian trước khi ăn tối.
Tiếp theo, chúng ta sẽ dành ít thời gian nói về các chọn lựa liệu pháp dược lý hiện có. Những phần này nhằm cung cấp cho bạn kiến thức nền hơn là nội dung tư vấn y khoa. Hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn để cân nhắc những rủi ro và lợi ích, và xem xét tất cả các phương pháp điều trị thay thế có thể trước khi dùng bất cứ phương thuốc nào.
Các liệu pháp dược lý hướng đến các cơ chế khác nhau trong cơ thể để quản lý bệnh béo phì. Chúng có thể cản trở việc hấp thu dinh dưỡng, ngăn chặn sự thèm ăn, tăng cảm giác no hay tác động đến tín hiệu não.
THUỐC CAN THIỆP VÀO SỰ HẤP THỤ DINH DƯỠNG
Orlistat, tên thị trường là Xenical®, hoặc phiên bản không cần kê toa của nó là Alli®, được FDA chấp thuận vào năm 1999 trong điều trị dài hạn để quản lý bệnh béo phì kết hợp với chế độ ăn giảm calo. Orlistat hoạt động bằng cách khóa các lipase enzyme tuyến tụy, vốn thường phá vỡ chất béo trong thức ăn ở đường tiêu hóa. Orlistat đã được chứng minh trong một thử nghiệm lâm sàng kéo dài bốn năm trên 3.304 bệnh nhân thừa cân, là có tác dụng giúp giảm mức trọng lượng trung bình hơn 11%, so với mức 5% khi dùng giả dược. Do cơ chế hoạt động của mình, Orlistat có thể ngăn chặn sự hấp thu các vitamin tan trong mỡ như vitamin A, D, E, và K, dẫn đến sự sụt giảm một ít nhưng quan trọng nồng độ vitamin. Do đó, đã có khuyến cáo nên dùng đa vitamin hàng ngày nếu dùng Orlistat. Ngoài ra, vì ngăn chặn sự hấp thụ chất béo, nên các tác dụng phụ của Orlistat có thể gây khó chịu. Trong các nghiên cứu lâm sàng, triệu chứng tiêu hóa phổ biến là phân nhờn, có mỡ làm tăng nhu động ruột, và trung tiện (hơi), đã được ghi nhận, dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn các vấn đề về tiêu hóa.
THUỐC GIẢM CẢM GIÁC THÈM
Cuối những năm 1800, chiết xuất tuyến giáp đã được dùng như một phương thuốc trị béo phì, nhưng nó gây cường giáp và các tác dụng phụ nghiêm trọng khác. Thuốc dinitrophenyl đã được sử dụng vào những năm 1930 để giảm cân bằng cách tăng tốc độ trao đổi chất, nhưng nó gây đục thủy tinh thể, bệnh thần kinh, thậm chí tử vong do hạ thân nhiệt. Các thuốc này hiện vẫn bán trên mạng, và đôi khi bị lạm dụng bởi những người ăn kiêng khắc nghiệt hay các vận động viên thể hình muốn giảm từng chút mỡ.
Những năm 1940, đã có lần các chất kích thích được dùng làm thuốc chống béo phì, nhưng tính chất gây nghiện khiến chúng không được phép bán. Phenmetrazine (Preludin®), một chất kích thích hệ thống thần kinh trung ương thuộc nhóm morpholine hóa học, được FDA chấp thuận vào năm 1956, nhưng sau đó đã bị rút khỏi thị trường do những lo ngại về lạm dụng và gây nghiện. Năm 1959, ba loại thuốc liên quan về mặt hóa học và dược học đến các chất kích thích, đã được FDA chấp thuận cho sử dụng ngắn hạn trong quản lý bệnh béo phì: phentermine (adipex-P®, Ionamin®, Suprenza®), phendimetrazine tartrate (Adipost®, Anorex-SR®, Appecon®, Bontril PDM®, Bontril SR®, Melfiat®, Obezine®, Phendiet®, Plegine®, Prelu-2®, và Statobex®), và diethylpropion (Tenuate®, Tenuate Dospan®, Tepanil®).
Phentermine, một chất ức chế tái hấp thu norepinephrine, được cho là thúc đẩy giảm cân bằng cách kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm, dẫn đến sụt giảm lượng thức ăn và tăng tiêu hao năng lượng nghỉ, tức là lượng calo đốt cháy nếu bạn nghỉ ngơi cả ngày. Nghiên cứu cho thấy 60% bệnh nhân dùng phentermine đã giảm từ 5 đến 15% trọng lượng cơ thể trong vòng ba tháng, nhiều hơn so với những người chỉ nhận được tư vấn về cách sống. Phentermine là thuốc ức chế thèm ăn được kê đơn nhiều nhất, chiếm 50% trong tất cả các loại thuốc. Các tác dụng phụ bao gồm khô miệng, mất ngủ, táo bón và huyết áp cao. Các loại thuốc khác tương tự như các chất kích thích cũng có khả năng gây nghiện. Phentermine nên tránh ở những người có huyết áp cao mức độ vừa đến nặng, bệnh tim mạch, cường giáp, lạm dụng chất gây nghiện và rối loạn lo âu, trong thời gian mang thai và cho con bú.
Tất cả các chất kích thích, gồm thuốc giảm cân, được cho là gây tăng nhịp tim và huyết áp, có khả năng gây nguy hiểm cho những người bị bệnh tim mạch. Các thuốc giảm cân, chẳng hạn như ephedra (bị FDA cấm vào năm 2004), ephedrine và caffeine hoạt động bằng cách ức chế sự thèm ăn, nhưng các nhà sản xuất của các sản phẩm này thường xuyên đưa ra các thông tin quảng bá vô căn cứ, không được hỗ trợ bởi các chứng cứ khoa học lâu dài hay các dữ liệu tin cậy. Hãy cảnh giác với bất cứ điều gì được cho là mang lại “phép màu” trong giảm cân. Mặc dù việc uống nước trà xanh (bốn ly mỗi ngày) hay chiết xuất của nó (hai viên mỗi ngày) đã được chứng minh là giảm trọng lượng cơ thể và chỉ số BMI, nhưng không thể xem những kết quả nghiên cứu nhỏ này là phép màu. Những hiểu lầm nghiêm trọng như vậy dẫn đến hậu quả là vào ngày 26 tháng 1 năm 2015, Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) đã cấm các quảng cáo về các chất chiết xuất từ hạt cà phê xanh trên các chương trình truyền hình. Các nhà sản xuất đã quảng cáo quá sự thật khi tuyên bố rằng những người dùng cà phê xanh sẽ giảm 7,7kg trong mười hai tuần, ngay cả khi không cần ăn kiêng hay tập thể dục.
THUỐC TĂNG CẢM GIÁC NO
Người ta tin rằng hệ thống truyền dẫn thần kinh 5-HT có vai trò trong việc kiểm soát cảm giác no. Nghiên cứu cho thấy rằng sự kích thích các thụ thể ở vùng dưới đồi gọi là thụ thể 5HT2C có ảnh hưởng đến cảm giác no. Tiến sĩ – Bác sĩ Laurence Tecott, tại Đại học California, San Francisco, đã lai tạo được một chủng chuột không có thụ thể chức năng 5HT2C. Ông quan sát thấy rằng những con chuột này ăn nhiều hơn và bị béo phì.
Fenfluramine (Pondimin®) được cho là ức chế cảm giác thèm ăn thông qua việc kích thích các thụ thể 5HT2C. FDA cho phép dùng fenfluramine vào năm 1972, và hợp chất hoạt tính của nó là dexfenfluramine (Redux®) vào năm 1995, để quản lý béo phì trong ngắn hạn. Một nghiên cứu mang tính bước ngoặt hoàn thành vào năm 1992 cho thấy rằng fenfluramine, sử dụng kết hợp với phentermine, hay còn gọi là “fen-phen”, rất hiệu quả trong giảm cân ngắn hạn (thường là ba tháng). FDA chưa bao giờ chấp thuận cho sử dụng kết hợp các loại thuốc này với nhau, nhưng nó phổ biến đến mức nhiều bác sĩ kê toa kết hợp hai loại này để giúp bệnh nhân giảm cân. Năm 1997, một nghiên cứu trên New England Journal of Medicine do Mayo Clinic thực hiện, đã báo cáo về mối tương quan có thể có giữa tổn thương van tim với việc sử dụng “fen-phen”. Sau đó, một nghiên cứu độc lập cho thấy rằng những bệnh nhân sử dụng “fen-phen” trong thời gian quá ba tháng có nguy cơ cao gấp 23 lần trong việc phát triển bệnh tăng áp động mạch phổi nguyên phát, một tình trạng bệnh lý phổi vĩnh viễn và nghiêm trọng, có thể dẫn đến khó thở, suy tim và tử vong. Trong tháng 9 năm 1997, FDA đã cấm lưu hành fenfluramine và dexfenfluramine. Trong vài năm sau đó, nhiều nhà nghiên cứu tranh luận về nguyên nhân của bệnh tăng áp động mạch phổi và tổn thương van tim. Trong tháng 12 năm 2000, Bác sĩ R. B. Rothman công bố nghiên cứu cho thấy rằng kích thích của fenfluramine và dexfenfluramine đến các thụ thể 5HT2B là nguyên nhân gây ra tổn thương van tim. Tuy vậy, phentermine lại không ảnh hưởng đến hệ thống truyền dẫn thần kinh hoặc thụ thể 5HT2B, hoặc gây ra bệnh van tim. Phentermine vẫn được coi là an toàn nếu sử dụng ngắn hạn.
Sibutramine (Meridia®) đã được FDA chấp thuận vào năm 1997 để quản lý bệnh béo phì, bao gồm giảm cân và duy trì trọng lượng, kết hợp với một chế độ ăn giảm calo. Sibutramine là một chất ức chế tái hấp thu dẫn truyền thần kinh, vốn gây tăng nồng độ serotonin, norepinephrine và dopamine trong não, qua đó tăng cảm giác no và giảm sự thèm ăn. Thật không may là một nghiên cứu lớn, chọn mẫu ngẫu nhiên, và được kiểm soát, có tên là “Tác động đến tim mạch của Sibutramine (SCOUT),” tiến hành trên hơn mười ngàn bệnh nhân, đã cho thấy các biến cố tim mạch chẳng hạn như các cơn đau tim và đột quỵ, xảy ra nhiều hơn đối với bệnh nhân dùng sibutramine so với những người dùng giả dược. Sibutramine cuối cùng đã bị rút khỏi thị trường vào tháng 10 năm 2010.
Với lịch sử bấp bênh kết hợp với các loại thuốc giảm cân, phải mất gần mười ba năm FDA mới cấp phép cho liệu pháp dược lý trong điều trị béo phì. Lorcaserin (Belviq®), được phát triển bởi Arena Pharmaceuticals và tiếp thị bởi Eisai Inc, được FDA chấp thuận vào ngày 27 tháng 6 năm 2012 như là thuốc hỗ trợ kết hợp chế độ ăn giảm calo và tăng hoạt động thể chất để quản lý cân nặng dài hạn ở người lớn có chỉ số BMI từ 30 trở lên, hoặc từ 27 trở lên nếu có ít nhất một tình trạng liên quan đến trọng lượng như huyết áp cao, cholesterol cao, hoặc bệnh tiểu đường type 2. Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm táo bón, chóng mặt, khô miệng, mệt mỏi, nhức đầu và buồn nôn. Belviq® có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng như hội chứng serotonin nếu dùng chung với thuốc làm tăng nồng độ serotonin. Nó chống chỉ định trong lúc mang thai.
Belviq® được cho là hoạt động bằng cách kích thích có chọn lọc các thụ thể serotonin 2C (5HT2C) trong khi không kích thích các thụ thể serotonin 2B (5HT2B), ở mức liều dùng có hiệu quả về mặt lâm sàng. Sự kích thích tối thiểu đến thụ thể 5HT2B làm giảm nguy cơ bị các vấn đề về van tim. Cơ chế tác động của giảm cân tương tự như fenfluramine, ngoại trừ việc nó không có rủi ro cho van tim hay các vấn đề tăng huyết áp phổi do thiếu kích thích thụ thể 5HT2B.
Các thử nghiệm hai giai đoạn của Belviq® cho thấy những người uống thuốc giảm từ 4% đến 6% trọng lượng cơ thể trong một năm. Những người hoàn thành nghiên cứu giảm nhiều hơn một chút, trung bình khoảng 8% trọng lượng cơ thể trong một năm. Không có sự gia tăng về số lượng bệnh van tim hay tổn thương van tim.
Một nghiên cứu thứ ba, nghiên cứu Bloom DM, chỉ ra rằng những bệnh nhân bị bệnh tiểu đường type 2 dùng Belviq® có kết quả tốt hơn so với những người uống viên đường, hoặc giả dược. Cụ thể mức đường huyết lúc đói giảm hơn 27 điểm (so với mức giảm 11,9 điểm khi dùng giả dược), và mức giảm ấn tượng ở chỉ số hemoglobin A1C là 0,9 điểm (so với mức giảm 0,4 điểm với giả dược) sau một năm. Hemoglobin A1C xác định mức đường huyết trung bình trong ba tháng, vì vậy nó là một chỉ số tốt hơn về vấn đề cải thiện lâu dài.
Ấn tượng về Belviq® là một thực tế rằng nó chưa được biết về cơ chế điều trị bệnh tiểu đường, tuy nhiên, những cải tiến này có thể so sánh với rất nhiều thuốc trị tiểu đường mà chúng ta đang sử dụng. Belviq® được cho là giảm cân do kích thích các thụ thể serotonin 2C (5HT2C) trong vùng dưới đồi, nhưng làm thế nào nó có thể mang đến sự cải thiện đáng kể về mức đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường type 2? Chúng tôi không có câu trả lời, nhưng chúng tôi nghĩ rằng Belviq® có thể giúp bệnh nhân dễ tuân thủ chế độ ăn uống của Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (ADA) là ít chất bột đường và nhiều chất đạm. Nói cách khác, nếu bạn đang cố gắng hạ thấp mức insulin bằng cách ăn chất bột đường ít hơn và nhiều chất đạm thì Belviq® có thể giúp bạn dễ dàng hơn để tuân thủ chương trình bằng cách tránh xa chất bột đường và đồ ngọt.
Ngày 23 tháng 12 năm 2014, FDA chấp thuận loại thuốc thứ tư dùng cho quản lý cân nặng dài hạn kể từ năm 2012. Saxenda® được chấp thuận dùng cho những người có chỉ số BMI trên 30, hoặc từ 27 nếu có một trong số các vấn đề liên quan đến trọng lượng như huyết áp cao, cholesterol cao hay tiểu đường type 2, cùng với chế độ ăn giảm calo và tập thể dục. Saxenda® tác dụng bằng cách bắt chước hoạt động của các peptide GLP-1 tự nhiên. Vì vậy nó phải được dùng ở dạng thuốc tiêm chứ không phải là thuốc uống.
Ba thử nghiệm lâm sàng liên quan đến hơn 4.800 bệnh nhân béo phì và thừa cân cho thấy kết quả giảm trọng lượng trung bình là 4,5% hoặc giảm 4,8kg so với giả dược sau mười hai tháng. 62% bệnh nhân điều trị với Saxenda® giảm ít nhất 5% trọng lượng cơ thể so với 34% điều trị bằng giả dược. Các tác dụng phụ thường gặp nhất là táo bón, tiêu chảy, hạ đường huyết, buồn nôn và nôn. Saxenda® không nên sử dụng ở những bệnh nhân có tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc bệnh ung thư tuyến giáp thể tủy.
THUỐC KẾT HỢP TÁC ĐỘNG ĐẾN SỰ THÈM ĂN VÀ/HOẶC CẢM GIÁC NO
Qsymia®, sản xuất và tiếp thị bởi VIVUS Inc., được FDA chấp thuận vào ngày 17 tháng 7 năm 2012, như là thuốc hỗ trợ chế độ ăn giảm calo và tăng hoạt động thể lực để quản lý cân nặng dài hạn ở người lớn có chỉ số BMI từ 30, hoặc từ 27 nếu có ít nhất một tình trạng liên quan đến cân nặng như huyết áp cao, cholesterol cao hay bệnh tiểu đường type 2. Qsymia® kết hợp hai loại thuốc có sẵn: phentermine, thuốc ức chế cảm giác thèm ăn, và topiramate, một loại thuốc đã được chấp thuận để điều trị chứng động kinh và đau nửa đầu. Trong khi phentermine được cho là ngăn chặn sự thèm ăn, thì topiramate được cho là làm tăng cảm giác no hay cảm thấy đầy bụng. Qsymia® liều cao, gồm 15mg phentermine và 92mg topiramate, giúp bệnh nhân giảm từ 6,7% đến 8,9%, cao hơn giả dược.
Qsymia® không dùng cho những bệnh nhân bị cường giáp, tăng nhãn áp, trong lúc hoặc sau mười bốn ngày tiêm thuốc ức chế monoamine oxidase, và trong thời gian mang thai. Qsymia® có thể gây tăng nhịp tim và giảm nhận thức. Nó cũng có thể gây nguy hiểm cho bào thai do các thành phần topiramate. Vì vậy, bạn cần phải làm xét nghiệm thử thai trước khi bắt đầu sử dụng Qsymia®. Các tác dụng phụ có thể gặp bao gồm việc thay đổi cảm giác, táo bón, chóng mặt, khô miệng, mất ngủ, và ngứa tay chân.
Một loại thuốc khác là Contrave™, được phát triển bởi Orexigen Therapeutics, Inc., và tiếp thị bởi Takeda Pharmaceutical Company Limited, đã được FDA chấp thuận vào ngày 10 tháng 9 năm 2014 để điều trị trong quản lý cân nặng lâu dài, cùng với chế độ ăn giảm calo và hoạt động thể chất. Thuốc được chấp thuận sử dụng ở người lớn, có chỉ số BMI từ 30 hoặc ở người lớn có chỉ số BMI từ 27, ở những người có ít nhất một tình trạng liên quan đến cân nặng như huyết áp cao, cholesterol cao hay bệnh tiểu đường type 2.
Contrave™ là sự kết hợp của hai loại thuốc đã có trên thị trường: naltrexone, được phê duyệt để trị nghiện opioid (1984) và nghiện rượu (1995), tên thị trường là ReVia®, và bupropion, tên thị trường là thuốc chống trầm cảm Wellbutrin® (1985), và Zyban® dùng để cai thuốc lá (1997). Nếu dùng riêng lẻ, các thuốc này gây giảm cân rất ít bằng cách tác động lên vùng dưới đồi để thúc đẩy cảm giác no và giảm ăn. Nhưng khi kết hợp naltrexone và bupropion lại với nhau thì kết quả tỏ ra mạnh hơn và bền vững hơn ở tác động giảm lượng thức ăn dung nạp, mặc dù chưa có ai thực sự hiểu được cơ chế kết hợp này hoạt động và tác dụng như thế nào đến việc giảm cân.
Ngoài ra, sự kết hợp của cả hai loại thuốc này có thể có tác động làm điều chỉnh cơ chế khen thưởng của não, dẫn đến việc giảm giá trị khen thưởng và các hành vi hướng đến mục đích thưởng.
Nhiều thử nghiệm lâm sàng nghiên cứu hiệu quả của Contrave™ tiến hành trên khoảng 4.500 bệnh nhân béo phì và thừa cân có và không có các tình trạng liên quan đến trọng lượng cần phải điều trị trong một năm. Tất cả bệnh nhân đều được thay đổi lối sống bao gồm một chế độ ăn giảm calo và hoạt động thể chất thường xuyên.
Tính trung bình, bệnh nhân dùng Contrave™ giảm được từ 5 đến 10% trọng lượng, với mức giảm trung bình là 6,1kg. Trong một nghiên cứu năm mươi sáu tuần để đánh giá Contrave™ kết hợp với việc thay đổi lối sống tích cực, những người tham gia dùng Contrave™ giảm khoảng 9% trọng lượng trong khi những người dùng giả dược chỉ giảm 5%. Vì vậy, nếu trọng lượng ban đầu của một người là 100kg, thì người này sẽ giảm khoảng 9kg sau một năm điều trị với Contrave™, trong khi người dùng giả dược giảm khoảng 5kg sau khi kết thúc cùng thời gian điều trị.
Contrave™ không nên dùng cho những bệnh nhân bị rối loạn co giật, rối loạn ăn uống, người có thai hoặc dự định có thai, những người bị viêm gan cấp tính hoặc suy gan. Co giật tiềm năng và tổn thương gan có thể xảy ra nếu dùng ở liều lượng cao hơn, do đó nó được khuyến cáo dùng ở liều lượng naltrexone (8mg) và bupropion (360mg) mỗi ngày và dùng riêng. Giống như các loại thuốc chống trầm cảm khác, việc sử dụng Contrave™ mang lại nguy cơ gia tăng ý nghĩ và hành vi tự tử; các sự cố tâm thần nghiêm trọng đã từng xảy ra ở các bệnh nhân dùng bupropion.
PHƯƠNG THỨC TÁC ĐỘNG ĐẾN TÍN HIỆU NÃO
Trong khi các loại thuốc giảm cân mô phỏng peptide tự nhiên hoặc bám vào các thụ thể não, thì một thiết bị cấy ghép gần đây đã được FDA chấp thuận để thay đổi các tín hiệu thực phẩm giữa dạ dày và não.
Ngày 14 tháng 1 năm 2015, FDA chấp thuận một thiết bị cấy ghép gọi là Maestro® Rechargeable System, thiết bị giảm cân đầu tiên tác động vào hoạt động của đường dây thần kinh giữa dạ dày và não để kiểm soát cảm giác đói và no. Sản phẩm này không phải là thuốc, mà là một thiết bị được sản xuất bởi EnteroMedics để cấy vào bụng, có dây gắn vào dây thần kinh phế vị ở giữa thực quản và dạ dày. Bằng cách gửi các xung điện đến các dây thần kinh phế vị theo định kỳ, Maestro® System đánh lừa não để não cảm thấy no.
Các dây thần kinh phế vị trải dài từ não bộ xuống dạ dày để kiểm soát nhiều hoạt động quan trọng: 1) Khi nào mở rộng để chứa nhiều thức ăn hơn; 2) Khi nào tiết ra hóa chất để tiêu hóa thức ăn; 3) Khi nào tiến hành xử lý thực phẩm. Ngoài ra, khi dạ dày dãn ra sau khi ăn, hoạt động này kích hoạt các thụ thể dãn để gửi tín hiệu theo dây thần kinh phế vị theo đường khác đến vùng dưới đồi để tăng cảm giác no, do đó bạn có thể ngừng ăn.
Trong một thử nghiệm lâm sàng với 233 bệnh nhân có chỉ số BMI cao hơn 35, hơn nửa số bệnh nhân dùng Maestro® System đã giảm ít nhất 20% trọng lượng thừa, và 38% trong số đó giảm ít nhất 25% trọng lượng thừa sau một năm điều trị. Những người không dùng thiết bị cũng vẫn giảm cân. Trong thực tế, gần một phần ba đã giảm ít nhất 20% và hơn một phần năm giảm ít nhất 25% trọng lượng dư thừa.
Không phải tất cả người lớn đều đủ điều kiện dùng thiết bị mà chỉ những người không thể giảm cân trong năm năm với một chương trình giảm cân nào đó và những người có BMI trên 35 và đang bị một vấn đề khác liên quan đến cân nặng (như tiểu đường type 2) mới đủ điều kiện. Các tác dụng phụ nghiêm trọng bao gồm đau, buồn nôn, ói mửa và biến chứng phẫu thuật.
Maestro® System cung cấp cho bệnh nhân một cơ hội để giảm cân mà không cần phải thay đổi cách ăn nếu dùng thiết bị. Họ chỉ cần bật máy lên khi họ muốn thấy no và tắt máy khi không cần nữa. Tuy nhiên, chúng tôi không nghĩ rằng mọi thứ chỉ đơn giản như vậy. Dù có thiết bị trợ giúp, nhưng chúng tôi vẫn tin rằng bạn cần thay đổi cách suy nghĩ của mình nhờ liệu pháp tâm lý nếu muốn giảm cân và giữ cân.
PHÁ VỠ VÒNG LUẨN QUẨN BÉO PHÌ
Béo phì thường được xem là hệ quả của việc ăn uống không lành mạnh và thiếu hoạt động thể chất. Từ quan điểm đó, rất dễ đổ lỗi người béo phì là thiếu ý chí hay có vấn đề về lối sống. Nhưng quan điểm về bệnh béo phì đã thay đổi, và cộng đồng y khoa ngày nay nhận ra rằng béo phì là một bệnh mạn tính liên quan đến các yếu tố di truyền, sinh học, hành vi và tâm lý.
Những căng thẳng vì công việc, gia đình và mối quan hệ thường dẫn đến trầm cảm. Các nghiên cứu cho thấy có mối quan hệ mật thiết giữa béo phì và trầm cảm, đặc biệt là ở phụ nữ. Trầm cảm có thể dẫn đến lựa chọn thực phẩm không tốt và giảm hoạt động thể chất, hậu quả là tăng cân. Khi trọng lượng tăng lên, sẽ xuất hiện các vấn đề về sự tự tin và hình ảnh cơ thể, những vấn đề này đến lượt mình lại gây rối loạn ăn uống, trầm cảm nặng, và tăng cân thêm. Đó là một vòng luẩn quẩn!
Bạn có thể phá vỡ vòng tròn này bằng cách thay đổi từ tâm lý ăn kiêng sang nhìn nhận rằng giảm cân là một hành trình. Trong hành trình của mình, các liệu pháp dược lý có thể là lựa chọn để giúp bỏ một số thực phẩm mà không phải bị ám ảnh cả ngày. Liệu pháp dược lý hoạt động bằng cách ngăn chặn sự hấp thụ chất dinh dưỡng, bớt thèm ăn, tăng cảm giác no hoặc cảm giác đầy bụng, hay tác động đến tín hiệu não.
Ngày nay y học có nhiều loại thuốc trong kho vũ khí chống béo phì, nhưng khái niệm về việc giảm cân bằng cách hạ thấp mức insulin vẫn không thay đổi. Đơn giản là không ai có thể thay đổi nguyên lý sinh học của cơ thể. Dù có chọn liệu pháp dược lý hay không, thì cũng nên nhớ rằng bạn vẫn phải học cách thay đổi suy nghĩ của mình nếu muốn giảm cân và giữ cân. Thinsulin sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu dù có chọn liệu pháp dược lý hay không.