P |
hẫu thuật giảm cân rất hiệu quả trong việc giảm trọng lượng, nhưng không phải ai cũng có đủ tài chính hay điều kiện để phẫu thuật. Thậm chí nếu bạn có thể thực hiện phẫu thuật béo phì, thì hãy tự hỏi liệu bạn đã sẵn sàng thay đổi lối sống chưa. Phẫu thuật sẽ không thể đem lại kết quả kỳ diệu nếu thiếu nỗ lực. Bạn vẫn cần phát triển thói quen ăn uống và tập thể dục mới cũng như vẫn phải chống lại cảm giác thèm ăn. Cuối cùng, bạn phải tạo cho mình một lối sống mới. Đó là lý do Liệu pháp Thinsulin cung cấp giải pháp để giúp bạn, ngay cả khi bạn dự định phẫu thuật giảm cân hoặc đã trải qua phẫu thuật.
Nếu giảm cân với Liệu pháp Thinsulin, bạn có thể tăng cơ hội đáp ứng điều kiện để phẫu thuật – hoặc nếu làm tốt hơn, thì bạn có thể không cần phải phẫu thuật. Nếu bạn đã có quy trình giảm cân, thì Liệu pháp Thinsulin sẽ hỗ trợ thực hiện bằng cách giúp bạn thay đổi cách suy nghĩ và thói quen ăn uống. Bạn sẽ phát triển kỹ năng và công cụ mới để thực hiện giảm cân thành công và ngăn ngừa việc tăng cân trở lại.
Trong phần này, chúng ta sẽ xem xét các loại phẫu thuật giảm cân khác nhau hiện có để bạn có thể tham vấn bác sĩ của mình xem liệu nó có phù hợp với bản thân hay không.
PHẪU THUẬT GIẢM CÂN
Từ “béo phì” (bariatric) có nguồn gốc từ chữ “baros” tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “trọng lượng” và “iatrikos”, có nghĩa là “thuốc”. Ca phẫu thuật trị béo phì đầu tiên thực hiện ở người là ca mổ thông nối ruột, được báo cáo vào năm 1954. Vì quy trình này nối thông bỏ qua ruột non, nên bệnh nhân không thể tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng, dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng chất đạm và vi chất dinh dưỡng. Kết quả là, hầu hết các bác sĩ đều bỏ phương pháp này vào những năm cuối thập niên 1970.
Phẫu thuật giảm cân trị béo phì đã trải qua một chặng đường dài kể từ đó. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng Ngừa Bệnh (CDC), phẫu thuật giảm cân hiện nay đã phổ biến. Từ năm 1996 đến năm 2007, tỉ lệ phẫu thuật giảm cân hàng năm tăng từ 3,3 lên 22,4 trên một trăm ngàn người. Để hội đủ điều kiện phẫu thuật, một người phải có chỉ số BMI ít nhất là 40, hoặc tối thiểu 35 nếu có vấn đề khác liên quan đến béo phì như chứng ngưng thở khi ngủ hay bệnh tiểu đường type 2.
Nhiều chuyên gia xem phẫu thuật béo phì là trị liệu hiệu quả nhất cho bệnh béo phì, giúp cải thiện điều kiện bệnh và duy trì cân nặng lâu dài. Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ mười một thử nghiệm ngẫu nhiên, có kiểm soát trên 796 người lớn béo phì có chỉ số BMI từ 30 đến 52 để đánh giá hiệu quả của phẫu thuật béo phì so với các phương pháp không phẫu thuật chẳng hạn như liệu pháp hành vi, thay đổi chế độ ăn uống, tăng hoạt động thể chất, và việc sử dụng liệu pháp dược lý trong khoảng thời gian hai năm. Nghiên cứu cho thấy bệnh nhân đã phẫu thuật béo phì giảm nhiều trọng lượng (trung bình 26kg) và có tỉ lệ thuyên giảm cao hơn ở bệnh tiểu đường type 2 và hội chứng chuyển hóa, so với những người theo phương pháp không phẫu thuật.
Ngày nay, phần lớn phẫu thuật béo phì được thực hiện bằng nội soi, một quy trình giảm thiểu xâm lấn với chỉ một vài vết rạch nhỏ khoảng 1,5cm. Những vết rạch nhỏ dẫn đến ít sẹo hơn, thời gian nằm viện ngắn hơn, và ít biến chứng tiềm ẩn. Mặc dù rõ ràng là hầu hết mọi người đều thích loại phẫu thuật này, nhưng không phải tất cả các bệnh nhân đều đủ điều kiện. Chỉ những người có vấn đề về y tế phức tạp, béo phì độ nặng, hoặc đã từng phẫu thuật dạ dày trước đó mới đủ điều kiện. Tất cả các phẫu thuật xâm lấn đều mang lại những rủi ro tiềm tàng về biến chứng, bao gồm chảy máu, nhiễm trùng, tắc nghẽn hay ứ dịch, và thậm chí là có thể phải phẫu thuật lại. Trong cả hai hình thức phẫu thuật, bạn có thể bị đau ở vết mổ. Vì vậy, bạn có thể cần dùng thuốc giảm đau trong một vài tuần.
Mặc dù cơ chế chính xác của giảm cân khá phức tạp, nhưng người ta cho rằng phẫu thuật béo phì dẫn đến giảm cân nhờ ba cơ chế sau:
1. Hạn chế: làm giảm kích thước dạ dày để hạn chế lượng dung nạp thức ăn.
2. Giảm hấp thụ: hạn chế sự hấp thụ của thức ăn ở ruột.
3. Kết hợp giữa hạn chế và giảm hấp thụ.
Hạn chế
LAP-BAND® System là phẫu thuật tương đối đơn giản và phổ biến. Người ta cấy vào miệng dạ dày một miếng silicone có thể điều chỉnh được để tạo cảm giác no và giảm cân. Phẫu thuật này tốn không quá một giờ, thường được thực hiện bằng nội soi và bệnh nhân không phải nằm viện. Miếng silicone này có thể được thắt chặt, nới lỏng hay thậm chí là gỡ bỏ nếu có biến chứng. Tuy nhiên, cách này sẽ không có hiệu quả nếu không thay đổi thói quen ăn uống. Ví dụ, nếu dùng kem và nước ngọt thường xuyên, thì miếng silicone dù có thắt chặt như thế nào cũng sẽ không giúp bạn thấy no. Bạn vẫn cần phải ăn những thức ăn không làm tăng insulin để giảm cân. Nếu thực hiện đúng theo hướng dẫn thì xác suất thành công khoảng từ 45 – 75% sau hai năm. Một nghiên cứu được công bố trên Obesity cho thấy tỉ lệ giảm được cân nặng trung bình là 65% sau một năm với nhiều cải thiện về lipid, huyết áp cao và tiểu đường.
Loại phẫu thuật béo phì thứ hai hoạt động bằng cách hạn chế lượng thức ăn là thu nhỏ dạ dày, còn được gọi là tạo hình dạ dày. Phẫu thuật nội soi này tốn một giờ, sẽ tái tạo dạ dày thành một ống hẹp. Sau khi phẫu thuật, dạ dày sẽ nhỏ hơn nhiều (bằng kích thước một quả chuối), cho phép bạn cảm thấy no dù ăn ít. Phẫu thuật thu nhỏ dạ dày có tỉ lệ thành công tốt: Bệnh nhân giảm trung bình 33% trọng lượng dư thừa trong năm đầu. Tức là nếu người bệnh thừa 54kg thì sẽ giảm được 18kg. Hãy nhớ rằng, quan trọng là phải ăn uống đúng cách mới có thể thành công và phải tuân theo chế độ ăn uống insulin thấp sau phẫu thuật. Không giống như LAP-BAND®, phẫu thuật thu nhỏ dạ dày không thể đảo ngược, cho nên cần phải xem xét tất cả các rủi ro và tham vấn bác sĩ trước khi quyết định có tham gia phẫu thuật này hay không.
Giảm hấp thụ
Một phẫu thuật béo phì ít phổ biến hơn hoạt động bằng cách hạn chế hấp thụ thực phẩm là đổi hướng dòng dưỡng chất (BPD). Đó là một phẫu thuật phức tạp, rủi ro cao, được sử dụng như cách cuối cùng cho những người cực kỳ béo phì (chỉ số BMI là 50 hay từ 40 nhưng có vấn đề sức khỏe quan trọng như bệnh tim, cholesterol cao, bệnh tiểu đường type 2 hay những bệnh khác). Phẫu thuật này có nhiều phần. Đầu tiên là cắt bỏ phần thấp của dạ dày. Tiếp theo là phần dạ dày trên còn lại được nối trực tiếp với phần giữa của ruột non. Hầu hết thực phẩm được hấp thụ ở phần đầu của ruột non, gọi là tá tràng. Sau khi phẫu thuật, thực phẩm không đi qua tá tràng, dẫn đến giảm hấp thụ, nhờ đó giảm cân. Mặc dù thủ thuật này sẽ dẫn đến giảm cân đáng kể bởi thực phẩm không hấp thụ hết, nhưng cơ thể cũng sẽ không thể hấp thụ các chất dinh dưỡng quan trọng, như các vitamin tan trong mỡ (vitamin A, D, E, và K), cũng như sắt, canxi, và vitamin B12. Bạn sẽ cần phải bổ sung các chất này suốt đời nếu không thì việc thiếu các chất dinh dưỡng quan trọng có thể dẫn đến thiếu máu và loãng xương.
Một tác dụng phụ chủ yếu của phẫu thuật này là “hội chứng tràn ngập”. Lúc này, khoảng cách giữa dạ dày và ruột đã được rút ngắn, thực phẩm có thể trôi qua quá nhanh ở nhiều bệnh nhân và nó gây ra buồn nôn, tiêu chảy, suy nhược, choáng váng, ngất xỉu, nhịp tim nhanh, và/ hoặc tim đập nhanh.
Một biến thể của BPD gọi là BPD-DS, hay công tắc tá tràng, được thiết kế để ngăn chặn “hội chứng tràn ngập” bằng cách giữ lại một phần của van dạ dày để kiểm soát việc phân phối thức ăn vào ruột non. Tá tràng cũng được giữ lại để giảm thiểu việc hấp thụ kém.
Theo Hiệp hội Phẫu thuật Béo phì và Chuyển hóa Hoa Kỳ, đây là hai phương pháp thành công nhất trong tất cả các hình thức phẫu thuật béo phì. Nhiều người giảm ít nhất 60 đến 70% trọng lượng sau năm năm. Một nghiên cứu công bố trên World Journal of Surgery báo cáo rằng 2.241 bệnh nhân thực hiện phẫu thuật này trong khoảng thời gian 21 năm đã giảm trung bình 75% trọng lượng ban đầu. Cuối cùng, mọi người có thể trở lại ăn uống gần như bình thường.
Tuy nhiên, nhược điểm của nó khá nghiêm trọng. Loại phẫu thuật này có tỉ lệ biến chứng và nguy cơ tử vong cao hơn các phẫu thuật khác. Như đã đề cập ở trên, phẫu thuật béo phì có thể dẫn đến thiếu dinh dưỡng, đe dọa tính mạng nếu không theo dõi chặt chẽ. Do vậy, hãy tham vấn bác sĩ trước khi quyết định bất kỳ phẫu thuật béo phì nào và nên xem đó là cách cuối cùng.
KẾT HỢP HẠN CHẾ VÀ GIẢM HẤP THỤ
Phẫu thuật thu nhỏ dạ dày – còn gọi là cắt dạ dày theo đường chữ Y – là phẫu thuật được thực hiện rộng rãi nhất trên thế giới. Các bác sĩ phẫu thuật từ 2 – 4 giờ để tạo ra một túi dạ dày nhỏ bằng cách chia nhỏ dạ dày và gắn nó vào ruột non. Việc giảm trọng lượng sẽ xảy ra bởi vì dạ dày nhỏ hơn sẽ giữ ít thức ăn hơn (hạn chế). Bạn sẽ cảm thấy no sau khi ăn một lượng nhỏ. Các thực phẩm không đi qua dạ dày và ruột non; nên cơ thể sẽ hấp thụ lượng calo ít hơn (giảm hấp thụ). Những người thu nhỏ dạ dày giảm trung bình từ 50 đến 75% trọng lượng dư thừa sau hai năm. Về ảnh hưởng không mong muốn, bạn có thể gặp vấn đề kém hấp thụ, thiếu vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin B12, canxi, sắt, và folate, kể cả “hội chứng tràn ngập” cũng có thể xuất hiện trong phẫu thuật này.
ỨNG VIÊN CỦA PHẪU THUẬT GIẢM CÂN
Để giảm cân và tránh các biến chứng, bạn cần phải thực hiện chặt chẽ chế độ ăn uống và tập thể dục mà bác sĩ đưa ra. Giảm cân bằng cách này, bạn sẽ cảm thấy khỏe hơn, và các chứng như bệnh hen suyễn, huyết áp cao, cholesterol cao, ngưng thở khi ngủ, bệnh tiểu đường type 2 sẽ được cải thiện hoặc biến mất hoàn toàn. Tuy vậy, vẫn không nên xem nhẹ quyết định phẫu thuật giảm cân.
Vậy bạn có nên phẫu thuật giảm cân không? Trước hết nên tham vấn bác sĩ, cân nhắc những rủi ro và lợi ích của phẫu thuật. Hãy tích cực tìm hiểu và suy nghĩ để đưa ra quyết định cuối cùng.
Một vấn đề cần xem xét là chi phí phẫu thuật. Chi phí trung bình ước tính là 20.000 đến 25.000 đô-la Mỹ, có thể khác nhau ở mỗi bang. Hãy kiểm tra bảo hiểm y tế để biết bạn có được bảo hiểm cho phẫu thuật này không.
Thậm chí nếu đủ khả năng phẫu thuật béo phì, bạn vẫn sẽ phải trải qua một đánh giá toàn diện của đội ngũ đa ngành gồm tâm lý, y khoa và dinh dưỡng trước khi được xem xét để phẫu thuật. Nhà tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần sẽ xác định xem bạn đang có tâm lý phù hợp để phẫu thuật béo phì hay không. Nếu bạn kém thích ứng, trầm cảm hay có các rối loạn tâm thần nghiêm trọng khác, thì bạn có thể có kết quả kém hơn. Bác sĩ phẫu thuật sẽ quyết định bạn có đủ sức khỏe để phẫu thuật hay không. Cuối cùng, chuyên gia dinh dưỡng sẽ đánh giá xem bạn có thể thực hiện cách ăn uống mới để thành công hay không. Nếu không thể tuân thủ việc chăm sóc sau phẫu thuật, bạn sẽ không phải là ứng viên cho phẫu thuật béo phì vì khả năng thất bại cao.
Những bệnh nhân có kết quả tốt nhất sau phẫu thuật giảm cân đều chuyển sang lối sống tích cực với mô hình ăn uống và hoạt động thể chất cải tiến. Trong một nghiên cứu được thực hiện bởi Bác sĩ Rachel Goldman, cô đã báo cáo rằng các bệnh nhân phẫu thuật béo phì sẽ thành công hơn nếu biết kích hoạt bộ phận não liên quan đến sự tự kiểm soát. Nói cách khác, các bệnh nhân đã có thể chống lại cảm giác thèm ăn có xu hướng đạt kết quả tốt hơn và giảm cân nhiều hơn.
HÚT MỠ
Hút mỡ không thay thế cho hoạt động giảm cân. Đó là phẫu thuật thẩm mỹ dành cho những người có bộ phận nào đó nhiều chất béo mà không thể giảm được bằng cách ăn kiêng và tập luyện. Hút mỡ đã trở thành phẫu thuật thẩm mỹ phổ biến nhất ở Mỹ, cao hơn cả phẫu thuật nâng ngực, với hơn 363.000 ca thực hiện mỗi năm. Hút mỡ rút chất béo ra khỏi cơ thể bằng cách hút. Có một số kỹ thuật được sử dụng để thực hiện việc hút mỡ. Hình thức truyền thống nhất là hút hỗ trợ (suction-assisted liposuction – SAL), hút mỡ vào ống chân không qua vết cắt nhỏ trên da. Một kỹ thuật hút mỡ mới hơn là hút mỡ hỗ trợ laser (laser-assisted liposuction – LAL), chẳng hạn như Smartlipo và Slimlipo™, dùng laser để phá vỡ các tế bào mỡ và hút ra ngoài để ít gây chấn thương cho cơ thể.
Một số người xem hút mỡ là cách kiểm soát chất béo. Họ thường được mời chụp các kiểu ảnh trước và sau sự kiện để thể hiện sự thay đổi rõ ràng của việc giảm béo. Nhưng những kết quả này có duy trì được lâu dài không? Chắc chắn là không!
Một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Obesity cho thấy rằng lượng chất béo sẽ tăng trở lại trong vòng một năm, nhưng không nằm ở vị trí chất béo đã được hút ra mà nằm ở nhiều nơi khác nhau. Trong nghiên cứu do Bác sĩ Robert Eckel và các đồng nghiệp tiến hành, các phụ nữ chưa béo phì đã hút mỡ ở hông, đùi, và bụng dưới cho biết rằng chất béo trở lại ở vùng bụng trên và cơ tam đầu. Tuy nhiên, hầu hết phụ nữ trong nghiên cứu vẫn hài lòng với kết quả, mặc dù chất béo tăng lại ở chỗ khác.
Vì hút mỡ không thay thế cho lối sống lành mạnh, nên nó không được coi là một lựa chọn giảm cân. Bạn có thể ngay lập tức có đùi thon hay bụng phẳng, nhưng nên biết rằng chất béo sẽ trở lại ở các bộ phận khác của cơ thể nếu bạn không thay đổi cách ăn. Nếu có thể kiểm soát mức insulin một cách tự nhiên, thì bạn sẽ có nhiều khả năng đốt chất béo hiệu quả để có được kết quả lâu dài. Thậm chí nếu bạn có thể tự đốt chất béo, thì sẽ tốt hơn nhiều vì hút mỡ sẽ để lại da thừa và nhăn nheo vì mỡ bị giảm quá nhanh.
PHƯƠNG PHÁP TÁI TẠO NGOẠI HÌNH
Phẫu thuật giúp giảm trọng lượng nhanh chóng, nhưng bạn sẽ sớm nhận ra rằng rất khó giải quyết lớp da thừa và nhăn nheo. Những phụ nữ đã sinh con, bạn có nhớ về làn da nhăn nhúm trên bụng sau khi sinh không? Đó là bởi vì làn da của bạn đã bị kéo giãn tối đa và mất độ đàn hồi tự nhiên. Nhiều người đã thành công trong việc giảm rất nhiều cân (có khi gần 50kg) nhờ phẫu thuật sẽ nhanh chóng nhận thấy lớp da thừa thay thế lớp mỡ trên cơ thể. Khi nhìn vào gương, họ lúc nào cũng thấy lời nhắc nhở về quá khứ, mặc dù họ biết rằng bây giờ mình đã giảm được cân và đang khỏe mạnh hơn.
Cho dù bạn đã giảm được phần lớn trọng lượng bằng cách không phẫu thuật hoặc phẫu thuật, thì phẫu thuật thẩm mỹ tái tạo ngoại hình sẽ loại bỏ phần da thừa, chảy xệ để trở lại với diện mạo bình thường. Phẫu thuật tái tạo ngoại hình phải sau ca phẫu thuật béo phì ít nhất một năm, khi trọng lượng cơ thể đã ổn định trở lại.
Một hình thức phẫu thuật thẩm mỹ phổ biến đã được áp dụng nhiều năm làcăng da bụng (tummy tuck, hay abdominoplasty). Phẫu thuật này loại bỏ phần da thừa và nhăn nheo cùng lớp mỡ bụng. Trong hầu hết các trường hợp, cơ ở đây đều yếu do tuổi tác, giảm cân hay mang thai. Kết quả sau phẫu thuật là làn da bụng mượt mà, săn chắc và phẳng hơn. Nên nhớ rằng, phẫu thuật căng da bụng không thay thế cho thể dục hay giảm cân.
Phẫu thuật tái tạo da khác với phẫu thuật căng da bụng vì ở phẫu thuật tái tạo da thì da thừa được loại bỏ ở nhiều vùng của cơ thể. Trình tự phổ biến nhất là cắt bỏ phần da thừa ở các vị trí thấp. Và bác sĩ phẫu thuật phải làm việc trong khoảng sáu giờ để loại bỏ phần da thừa ở bụng, lưng và đùi trước.
Để phẫu thuật phần trên của cơ thể, bạn cần phải đợi khoảng hai tháng cho cơ thể có thời gian hồi phục. Bạn có thể chọn thủ thuật gọi là nâng cánh tay (brachioplasty), để loại bỏ phần da chùng ở cánh tay.
Bất kỳ phẫu thuật nào cũng yêu cầu ít nhất hai tuần nghỉ ngơi trên giường và thêm sáu tuần để phục hồi. Ngoài ra còn có nguy cơ nhiễm trùng, chảy máu, huyết khối và sẹo.
Phẫu thuật tái tạo ngoại hình không hề rẻ. Chi phí tùy vào kinh nghiệm và trình độ của bác sĩ phẫu thuật. Giá trung bình ca phẫu thuật nâng cánh tay, căng da bụng hay cắt da chùng ở vị trí thấp tương ứng là 3.700, 5.000 và 8.100 đô-la Mỹ. Hầu hết các chương trình bảo hiểm y tế không chi trả cho loại phẫu thuật này.
----
Phẫu thuật là lựa chọn cá nhân. Sự thật là bạn biết rõ mình nhất. Phẫu thuật giảm béo đã được chứng minh là rất hiệu quả để giảm cân, nhưng bạn vẫn cần phải thay đổi lối sống. Liệu pháp Thinsulin sẽ bổ sung cho phẫu thuật béo phì do đó bạn sẽ học được những kỹ năng mới để giữ trọng lượng. Nếu bạn đã giảm trọng lượng, nhưng vẫn còn những chỗ mỡ không tan được, thì hút mỡ có thể là một lựa chọn, nhưng lưu ý rằng chất béo có thể trở lại nếu không thay đổi lối sống. Sau khi giảm cân đáng kể, bạn có thể xem xét phẫu thuật tái tạo da để loại bỏ phần da thừa. Dù bạn chọn phẫu thuật hay không, thì cũng nên biết rằng vẫn cần một chương trình để giúp bạn thay đổi suy nghĩ và thay đổi thói quen. Thinsulin có thể giúp bạn thực hiện điều này.