|
Có hai hình thức trong Thiền định Phật giáo: Thiền chỉ (Samatha) và Thiền quán (Vipassana)
“Chỉ” có nghĩa là dừng, là ngưng. Thiền chỉ là phương pháp thiền giúp tâm dừng những nghĩ tưởng lăng xăng, giúp tâm lắng đọng hoàn toàn, thì gọi là thiền chỉ. Nhờ “kỹ thuật” dõi theo hơi thở vào-ra, định tâm trên hơi thở trong Anapanasati (An-ban thủ ý, quán niệm hơi thở) cũng đủ. Có người cần phải đếm hơi thở (sổ tức = sổ là đếm, tức là hơi thở) để định tâm (không để tâm chạy lung tung = tâm viên ý mã, tâm nhảy nhót như khỉ như ngựa!); có người không cần phải đếm, chỉ dõi theo hơi thở vào ra là đủ. Cũng không nhất thiết dùng “hơi thở” để dõi theo mà có thể chọn một đối tượng nào khác để đặt tâm vào cũng được, thí dụ một “công án”, một “đại” (yếu tố) đất nước gió lửa… cũng được. Thiền chỉ thực sự không dễ, nhất là trong thời đại hiện nay, tràn ngập thông tin. Đầu óc ta dễ bay nhảy từ ý này sang ý khác, liên miên, muốn dừng lại rất khó. Phải rèn tập bền bỉ, lâu dài. Cho nên tập thiền không thể nóng nảy, mong cầu mau chóng được. Thất bại cũng không nản lòng. Nên trong “lục độ” mới dạy ta phải “nhẫn nhục, tinh tấn” là vậy. Tuy nhiên cũng có người đạt trạng thái thiền chỉ rất nhanh.
Ta biết một khi tâm mà ngưng dòng nghĩ tưởng, lắng đọng hoàn toàn được thì đã có thể gọi là “giải thoát tâm”. Các tế bào thần kinh được nghỉ ngơi, vỏ não không “bận rộn” nên đã giảm tiêu thụ năng lượng đáng kể. Nhờ tích tụ năng lượng (không tiêu hoang), cơ thể khỏe mạnh, sáng suốt, nhanh nhạy hơn lên.
“Quán” là quan sát, suy gẫm, tư duy… một cách đặc biệt, đúng đắn. Thiền quán (Vipassana) gồm chữ “Passana” là thấy, là nhận biết, còn “Vi” có nghĩa là “một cách đặc biệt”, “đi vào thâm sâu, xuyên qua một cách đặc biệt”. Thí dụ trong thiền Tứ niệm xứ (Satipatthana) thì “quán” trên 4 đối tượng thân, thọ, tâm, pháp để nhận biết, để thấy ra rằng thân thì “bất tịnh”, thọ thì “khổ”, tâm thì “vô thường”, pháp thì “vô ngã”. “Quán” như thế, lâu dần sẽ có cái nhìn khác đi, cái nhìn đặc biệt thâm sâu hơn nhờ “xuyên qua” những hiện tượng bên ngoài, từ đó mà không còn dính mắc, khổ đau vì những đổi thay. Chẳng hạn “thân bất tịnh” có nghĩa là thân không đứng yên một chỗ mà thay đổi luôn, như hồng cầu trong máu mỗi giây có hằng trăm triệu bị hủy diệt đi và được thay thế bằng lứa hồng cầu mới, trẻ khỏe, mạnh mẽ hơn; mảng tế bào đường ruột mỗi tuần lễ được thay thế hoàn toàn một lần… cái đó gọi là thân “bất tịnh”. Nhờ quán như vậy mà ta thấy “vô thường”, thấy “duyên sinh”, thấy “không”, thấy “vô ngã”, “giải thoát tri kiến”, không còn dính mắc hiện tượng mà thấy thực chất, nhờ đó được an vui, không còn sợ hãi…
Thiền “quán niệm hơi thở” (An-ban thủ ý hay Nhập tức xuất tức niệm) giới thiệu trong cuốn Thiền và Sức khỏe này dựa trên cơ sở khoa học sinh học, y học, giúp ta vừa “Thiền chỉ” vừa “Thiền quán” cùng lúc. Khi “nhớ” về hơi thở, ta sẽ ngưng (chỉ) được những ý tưởng linh tinh xuất hiện trong đầu ta, khi “nghĩ” (quán) về hơi thở ta sẽ thấy hơi thở ta là vô thường, là duyên sinh, là không, là vô ngã…