“Chômulangma nối liền Fuji, nước sông Hoàng Hà chảy tới Êđô”. Mối giao lưu giữa hai nước Trung - Nhật, theo văn tự ghi chép đã có hơn 2000 năm lịch sử.Chỉ xin kể lại một câu chuyện.
Sau cuộc canh tân của Yamato, chính phủ Nhật Bản liên tục cử sứ thần tới nhà Đường, Trung Quốc. Mới đầu mỗi lần chỉ khoảng một trăm người. Đến đầu thế kỷ III, số người tăng lên rất nhiều, có tới vài trăm. Trong đó có đại sứ, phó sứ, lưu học sinh, tăng nhân, thầy thuốc, thương nhân và thủy thủ. Vì đều là các sứ thần được cử tới nhà Đường, nên có tên là “Khiển Đường sứ”.
Tháng 3 năm 717, chiếc thuyền lớn “Tứ Bách” chở đoàn sứ giả từ cảng Naniva giương buồm ra khơi. Đây là đoàn sứ giả của Nhật Bản đến nhà Đường lần thứ tám, gồm hơn 50 người kể cả thủy thủ. Họ đi theo tuyến đường xuống phía nam, vượt qua muôn trùng sóng gió trên biển Đông Trung Quốc, bình yên tới cửa sông Trường Giang, sau đó tiến về phía tây. Khi họ vào thành Tràng An đã là sau tháng 9 rồi.
Trong sứ đoàn lần này có rất nhiều lưu học sinh Nhật Bản. Nakamarô l6 tuổi, do cần cù hiếu học, tài hoa nổi trội, đã được chọn làm lưu học sinh. Thời ấy, nhà Đường là trung tâm của Đông Á, kinh tế phồn vinh, văn hóa phát triển, cũng được coi là trung tâm của thế giới. Chàng thanh niên Nakamarô đi trên đường phố Tràng An, nhìn thấy cung điện nguy nga, cửa hàng náo nhiệt, quán sách la liệt trong lòng vô cùng phấn khởi. Anh được nhận vào “Thái học” (trường đại học có sớm nhất của Trung Quốc) bắt đầu cuộc đời đi học, trước tiên học chữ, sau học thơ văn, đọc rất nhiều sách kinh điển nho học.
Sau năm sáu năm khổ học, Nakamarô học hết chương trình, tham dự thi. Dự thi không chỉ có người Trung Quốc mà còn rất nhiều lưu học sinh phương Đông và phương Tây học qua “Thái học”. Đề thi rất khó, nào ngờ chàng lưu học sinh Nhật Bản trẻ tuổi này làm bài rất xuất sắc, đã đỗ Tiến sĩ với thành tích tuyệt vời.
Nakamarô ra làm quan cho triều đình nhà Đường. Trước tiên làm người trông coi thư viện trong thư phòng của Hoàng thái tử Lý Anh, cùng Hoàng thái tử trau dồi học vấn. Sau đó, làm chức Tả thập di rồi được phá cách lên giữ chức Tả bổ khuyết. Tả bổ khuyết là quan thị tùng của Hoàng đế. Vì thế, ông có thể thường xuyên được gặp Hoàng đế Đường Huyền Tông.
- Ngươi tên là gì? - Đường Huyền Tông lần đầu thấy Nakamarô đã hỏi.
- Vi thần tên là Nakamarô.
- Tên này dài quá, ta đổi tên cho ngươi được không?
- Tạ ơn Hoàng thượng.
Đường Huyền Tông, nghĩ một lát rối cầm bút viết hai chữ “Triều Hoành”. Từ đó Nakamarô dùng tên Trung Quốc “Triều Hoành”.
Vài ngày sau, một lưu học sinh Nhật Bản tên là Sađamasu đến thăm Nakamarô, vừa gặp đã nói:
- Đường làm quan của ông thật mau mắn! Đã lên đến chức Tả bổ khuyết, lại còn được Hoàng thượng ban tên cho. Có điều, tôi khuyên ông phải nghiên cứu thêm về văn học. Không am hiểu văn học, không sống được ở cái đất Tràng An này đâu. Nghe nói Hoàng thượng rất yêu âm nhạc, lại còn biết làm thơ nữa đấy.
- Đúng thế. Nakamarô trầm ngâm một lát rồi nói - Trước đây tôi thích những bài hát Nhật Bản, sau khi sang đây, tôi cũng rất thích thơ chữ Hán.
Nói rồi, ông say sưa kể về chuyện giao du với các nhà thơ lớn khi đó như Lý Bạch, Vương Duy, Trữ Quang Nghi, còn đưa ra một tập thơ xướng họa với họ, đề nghị Sađamasu chỉ giáo cho.
- Ôi, ông thật tuyệt vời, tôi phải bái ông làm thầy - Sađamasu vừa xem vừa khen hết lời.
Về sau này, nhờ khổ công học tập khiêm tốn nghe người khác chỉ bảo, Sađamasu cũng thông hiểu “lục nghệ” (Ngũ kinh, Tam sử, Minh pháp, Toán, Âm vận, Thư pháp). Ông cần mẫn hiếu học, được người Tràng An ca ngợi.
Năm tháng thoi đưa, thấm thoắt Triều Hoành ở Trung Quốc đã được 40 năm. Bạn đồng học Sađamasu sau khi về nước, lại theo sứ đoàn thứ 10 sang nhà Đường. Triều Hoành lúc này đã làm tới chức Bí thư giám. Nghe tin Sađamasu sang, ông không kìm nổi nỗi nhớ quê hương nén sâu trong lòng lâu nay. Trước đây đã nhiều lần ông xin được về nước, nhưng Đường Huyền Tông không đồng ý. Vì vậy, cứ mỗi lần hoa nở trăng tròn, ông chỉ còn biết một mình ngâm câu thơ: “Ngẩn đầu nhìn phía trời xa, Trăng sáng phải đâu Mikasa”. (tên một ngọn núi ở Nhật Bản).
Sứ đoàn thứ 10 sắp sửa lên đường về nước, Triều Hoành một lần nữa lại tha thiết khẩn cầu Đường Huyền Tông cho ông về theo. Ông nói, ông về Nhật Bản để tỏ lòng hiếu thảo đối với cha mẹ đã già nua, đồng thời cũng để đem những kiến thức đã học được về Nhật Bản.
Đường Huyền Tông xúc động trước tấm lòng thành thực của Triều Hoành, cuối cùng đã cho phép ông về.
- Thôi được, vậy trẫm giao nhiệm vụ hộ tống sứ đoàn Nhật Bản về nước cho nhà ngươi!
Tháng 10 năm 753, Nakamarô lên đường. Các bạn thơ Tràng An đã tổ chức bữa tiệc tiễn biệt linh đình. Nhà thơ lớn Lý Bạch khi ấy đang đi ngao du ở miền nam nên không có mặt. Vương Duy, Trữ Quang Nghi và sứ thần các nước đều đến dự vui vẻ, Trong bữa tiệc nhà thơ Vương Duy đã làm bài thơ “Tiễn Bí thư giám về Nhật Bản” để tặng bạn. Triều Hoành tháo thanh bảo kiếm yêu quý của mình ra trao tặng lại bạn thơ Trung Quốc và cũng cầm bút viết ngay:
Phi tài thiêm thị thần,
Hàm mệnh tương từ quốc,
Thiên trung luyến minh chúa,
Hải ngoại ức từ thân.
…
Tây vọng hoài tư nhật,
Đông quy cảm nghĩa thần.
Bình sinh nhất bảo kiếm
Lưu tặng kết giao nhân.
(Tạm dịch nghĩa)
Mang sứ mệnh từ biệt đất nước,
Bất tài lại làm đến thị thần,
Trong triều lưu luyến chúa hiền,
Ngoài nước nhớ thương song thân.
…
Nhìn sang trời tây lòng tưởng nhớ khôn nguôi,
Quay sang phía đông cảm tạ ân nghĩa người
Thanh bảo kiếm quý nhất cả đời.
Xin để lại tặng người bạn thân
Ngày 15 tháng 10, Nakamarô theo sứ đoàn Nhật Bản từ biệt Tràng An, đi qua Dương Châu tới Hoàng Từ Phố Tô Châu. Các nhà thơ Trung Quốc lưu luyến tiễn ông tới tận đây. Điều đáng nói là vị cao tăng nổi tiếng chùa Diên Quang, Dương Châu là Giám Chân đã cùng đi với ông.
Bốn chiếc thuyền lớn của Nhật Bản rẽ sóng ra khơi: Nhưng khi đi tới đảo Ôkinaoa thì không may gặp bão. Ba chiếc thuyền về tới được Nhật Bản, còn thuyền chở Nakamarô chẳng thấy tăm hơi đâu cả. Cho tới tháng 3 năm sau, Triều đình Nhật Bản vẫn chỉ nhận được báo cáo là chưa rõ thế nào. Tin Nakamarô gặp nạn lan tới Triều đình, Lý Bạch đang ngao du ở Tô Châu tin chắc người bạn quý Nakamarô đã vùi thân đáy biển, lòng vô cùng đau Đớn, đã viết bài hành “Khốc Triều Khanh” (Khóc Triều Hoành).
Nhật Bản Triều khanh từ đế đô
Trưng phàm nhất phiến nhiễu bồng hồ
Minh nguyệt bất quy trầm bích hải,
Bạch vân sầu sắc mãn thương ngô.
Đại ý là: Triều khanh của Nhật Bản đã từ biệt Tràng An, một cánh thuyền đi xa lượn quanh hải đảo bồng lai. Trăng sáng chìm dưới đại dương xanh biếc không trở về nữa, chỉ còn thấy mây trắng buồn thương trùm lên non tiên trên biển.
Lý Bạch chỉ quen biết Triều Hoành có ba năm, nhưng qua bài thơ này có thể thấy mối đồng cảm thắm thiết, thực sự hiểu nhau giữa hai người.
May sao Nakamarô không chết. Con thuyền của ông trôi giạt tới một bờ biển. Bị người địa phương tấn công, trong số hơn 180 người chỉ còn lại hơn chục người và Nakamarô sống sót. Tháng 6 năm 755, họ vượt qua không biết bao nhiêu gian khổ trở về được Tràng An.
Nhưng tháng 11 năm đó, nhà Đường xảy ra bạo loạn. Kinh đô Tràng An lọt vào tay loạn quân. Đường Huyền Tông phải chạy trốn sang đất Thục, con trai ông là Túc Tông lên ngôi vua ở Linh Vũ Cam Túc. Nakamarô bôn ba khắp nơi theo Đường Huyền Tông, tới tháng 10 năm 757 mới lại trở về Tràng An. Dù đã dẹp yên phản loạn, nhưng thời hoàng kim của nhà Đường đã khôn bao giờ trở lại nữa. Về sau, Nakamarô còn được phong làm Tả tán kỵ thường thị, (một chức quan can gián những sai sót ở bên cạnh nhà vua).
Năm Nakamarô 70 tuổi, ông được bổ nhiệm chức An Nam Tiết độ sứ. Nhưng vì vất vả gian khổ đã nhiều năm, giữ chức được ít lâu thì bị ốm nặng. Nakamarô qua đời ở Tràng An tháng 1 năm 770, thọ 73 tuổi. Để tuyên dương công lao của ông, Hoàng đế Đại Tông truy tặng ông danh hiệu. “Lộ Châu Đại đô đốc”.
Cuộc đời Nakamarô là bức tranh thu nhỏ về tinh thần nhân dân Nhật Bản khao khát học tập văn hóa đời Đường thời đó và cũng tượng trưng cho tình hữu nghị lâu đời giữa nhân dân hai nước Trung - Nhật.
“Giám Chân mạo hiểm vượt biển Đông
Sáng láng thanh cao một tấm lòng
Nghĩa lớn quên mình, truyền giảng đạo
Gió Đường mát rượi thành Nại Lương”.
Đây là bài thơ Quách Mạt Nhược viết năm 1963 để kỷ niệm 1200 năm ngày mất của hòa thượng Giám Chân. Bài thơ nhiệt tình ca ngợi lòng can đảm, tinh thần quên mình, công lao to lớn của Giám Chân trong việc thúc đẩy giao lưu văn hóa Trung - Nhật.
Tháng 8 năm 733, sứ đoàn thứ chín của Nhật Bản đến Trung Quốc. Cùng theo thuyền đến Trung Quốc có hai tăng đồ trẻ tuổi Nhật Bản, là Âyxưkê và Hirôaki. Nhiệm vụ của họ là tu học Phật giáo và thỉnh cao tăng sang truyền giới.
Thời ấy đúng vào lúc Hoàng đế Đường Huyền Tông trị vì Trung Quốc. Âyxưkê và Hirôaki sống tròn 10 năm ở Trung Quốc, họ lần lượt tu học Phật pháp ở các chùa nổi tiếng tại Tràng An và Lạc Dương, qua kỳ “tam sư thất chứng” được xác nhận tư cách tăng đồ chính thức. Trước khi về nước, họ đã mời tăng nhân Tràng An là Đạo Hàng và tăng nhân Cao Ly là Như Hải sang Nhật Bản truyền giới, nhưng vẫn cảm thấy hai tăng nhân này Phật hạnh chưa sâu, uy tín chưa đủ. Qua Đạo Hàng họ được biết, sư phụ Giám Chân của ông ta mới là một cao tăng đức cao vọng trọng, mới là người xứng đáng nhất sang Nhật Bản truyền thụ giới luật.
Tháng 10 năm 742, Âyxưkê và Hirôaki mang thư giới thiệu của Tể tướng Lý Lân Phủ đến Dương Châu lo việc chuẩn bị thuyền về nước, nhân cơ hội này đã đến chùa Đại Minh ở đây bái yết Giám Chân, tha thiết mời Giám Chân sang Nhật Bản truyền giới, đồng thời xin ông tiến cử cho mấy vị thầy truyền giới cao minh nữa. Giám Chân thấy họ chân thành, liền hỏi các đồ đệ:
- Có ai muốn đi Nhật Bản truyền giáo không?
Mãi chẳng có ai trả lời. Sau có một tăng đồ tên là Tường Ngạn rụt rè thưa:
Không phải chúng con không muốn đi truyền giảng Phật pháp, nhưng nước Nhật cách trở trùng dương, đường xá xa xôi, biển cả mênh mang, dữ nhiều lành ít. Đời người là quý, huống hồ chúng con tu hành lại chưa đến nơi đến chốn…
Có ai muốn đi không? - Giám Chân ngắt lời Tường Ngạn, hỏi lại.
Vẫn không có ai trả lời. Bỗng Giám Chân nói:
- Các con không đi, ta đi! Để truyền bá Phật pháp, cớ sao lại tiếc cái thân này!
Lời nói dứt khoát của ông, khiến những người có mặt đều xúc động Tường Ngạn cảm động nói:
- Sư phụ đã đi thì Tường Ngạn con cũng xin theo đi!
Sau đó, 21 tăng đồ như Đạo Hưng, Tư Thác cũng tỏ ý sẵn sàng cùng đi. Cảnh tượng cảm động ấy khiến Âyxưkê, Hirôaki vô cùng xúc động.
Vậy mà, vị cao tăng 55 tuổi Giám Chân bắt đầu một nghĩa cử đã làm rạng danh trong sử sách.
Tháng 3 năm 743, mọi việc chuẩn bị cho chuyến đi Nhật Bản bỗng dưng đổ vỡ. Chả là khi ấy, trong đám người cùng đi đã xẩy ra một chuyện: tăng nhân Tràng An là Đạo Hàng đã khích bác nói rằng, tăng nhân Cao Ly Như Hải là người học vấn kém cỏi, phẩm hạnh chẳng ra gì, không có tư cách đi cùng. Như Hải hiếu thắng đã cãi nhau với Đạo Hàng. Trong lúc tức giận, đã tố giác với quan phủ là Đạo Hàng “đóng thuyền đi biển, câu kết với hải tặc”, và còn nói có hàng trăm tên hải tặc đã vào trong thành. Quan phủ nghe lời ông ta, chẳng điều tra xem xét gì, đã cho bắt giam Đạo Hàng, Âyxưkê, Hirôaki. Âyxưkê, Hirôaki trình thư giới thiệu của Lý Lâm Phủ, chứng minh Như Hải vu cáo. Và họ đã được tha. Nhưng quan phủ tuyên bố, chỉ cho Âyxưkê, Hirôaki về nước, không cho người Trung Quốc cùng đi. Kết quả, chuyến đi Nhật Bản lần này của Giám Chân không thành công.
- Lẽ nào chúng ta lại tay không trở về Nhật Bản? Âyxưkê và Hirôaki lo lắng nói.
- Các anh đừng buồn.
- Giám Chân vừa an ủi họ, vừa bắt đầu chuẩn bị chuyến đi Nhật Bản lần thứ hai. Ông bỏ ra 80 quan tiền giành dụm được (tiền xâu bằng dây, một nghìn đồng gọi là một quan), mua một chiếc thuyền, thuê 18 thuyền viên. Tăng nhân cùng đi có 17 người, kể cả thợ chạm ngọc, thợ vẽ, thợ thêu tổng cộng 85 người. Vào một đêm trăng sáng hạ tuần tháng 12, họ lẳng lặng ra đi từ Dương Châu. Thuyền đi tới Lang Câu Phố thì gặp bão, đành phải vào bờ sửa chữa thuyền. Một tháng sau, tiếp tục ra đi, không may trên biển Triết Giang lại gặp sóng to gió lớn, thuyền va phải đá ngầm và chìm. Người trên thuyền giạt vào một đảo hoang, chẳng có lương thực và nước uống, Sau ba ngày chịu đói khát khốn khổ, mới được thuyền đánh cá tìm thấy, 8 ngày sau được thuyền của nhà nước đưa về. Giám Chân, Âyxưkê, Hirôaki và đám đệ tử được đưa tới chùa A Dục Vương, Triết Giang. Chuyến đi thứ hai thất bại.
Trong khoảng 10 năm sau đó, Giám Chân, Âyxưkê, Hirôaki lại vượt mọi khó khăn trở ngại, tiến hành 3 lần vượt biển. Lần thứ năm, họ bí mật lên thuyền từ Dương Châu, nhằm hướng đông đi tới Lang Sơn, chưa ra khơi đã gặp gió lớn, lênh đênh trên mặt biển Triết Giang. Tiếp đó lại gặp bão biển, thuyền bị tung lên nhồi xuống trong sóng biển, hết nước ngọt, cổ họng rát, bỏng, nhai gạo sống, nuốt không trôi lại phun ra, đành phải uống nước mặn, người nào bụng cũng chướng lên rất khổ sở. Họ lênh đênh trên biển 14 ngày liền, trôi giạt qua “biển Rắn”, “biển Phi Ngư”, “biển Phi Điểu”, cuối cùng giạt vào đảo Hải Nam. Tăng nhân Nhật Bản Âyxưkê trải bao gian khổ để mời Giám Chân, để xúc tiến giao lưu văn hóa Trung Nhật, vì mệt mỏi vất vả kéo dài, ít lâu sau qua đời. Giám Chân 63 tuổi càng đau buồn khi Âyxưkê qua đời, cộng thêm cái oi bức khốn khổ của phương nam, bị đau mắt, ít lâu sau thì mù. Tường Ngạn - người đầu tiên quyết tâm đi theo Giám Chân sau đó cũng qua đời. Tuy nhiên, mọi sự mất mát ấy không làm giảm quyết tâm đi tới Nhật Bản của Giám Chân. Ông cứ lặng lẽ tiếp tục chuẩn bị cho chuyến đi thứ sáu.
Tháng 10 năm 753 sứ đoàn thứ 10 của Nhật Bản chuẩn bị về nước. Fuđimôtô Kiyôbava, Kisưkai Sađamasu và Triều Hoành đã tới chùa Diên Quang thăm giám Chân. Họ tỏ ý rất khâm phục lần vượt biển của ông, và lại mời ông đi Nhật Bản. Tuổi đã ngoài 60, Giám Chân vẫn nhận lời. Để tránh sự gây khó dễ của quan phủ, thuyền của sứ đoàn cứ rời Dương Châu trước, rồi đợi ở Hoàng Tứ Phố. Đêm ngày 19 tháng 10, Giám Chân ngồi thuyền nhỏ ra đi, cùng đi có 14 đệ tử như Tư Thác và một số người nữa, tất cả 4 người. Hirôaki nghe tin cũng vội đến để cùng đi. Bốn con thuyền của sứ đoàn cùng khởi hành ra khơi vào ngày 15 tháng 11. Thế là Giám Chân lại bước vào cuộc hành trình thứ sáu đi Nhật Bản.
Đoàn của Giám Chân cùng đi trên một con thuyền, chẳng may con thuyền này lại gặp sóng gió trên biển khơi. Nhưng sau hai tháng vất vả vật lộn, trải qua bao gian nan hiểm trở, cuối cùng đã đến được Nhật Bản vào ngày 25 tháng 12. Còn thuyền của Fuđimôtô Kiyokava và Triều Hoành thì trôi giạt xuống bờ biển Việt Nam bây giờ. Hơn 160 người bị nạn chết, chỉ còn lại Fuđimôtô Kiyokava, Triều Hoành hơn 10 người thoát chết khỏi tay bọn cướp, trở về được Tràng An.
Từ thế kỷ VI, Phật giáo từ bán đảo Triều Tiên truyền vào Nhật Bản tới thế kỷ VIII đã rất thịnh hành. Tầng lớp thống trị nhiều triều đại ở Nhật Bản đã lợi dụng Phật giáo để “trấn hộ quốc gia”. Tin đoàn Giám Chân đến Nhật Bản lan truyền, trong triều ngoài nội và giới Phật giáo đều rất phấn chấn. Ngày Giám Chân đến kinh đô Nara, Thiên hoàng Takakanê cử đặc sứ đứng chờ ở cổng thành. Giám Chân được mọi người xúm xít vây quanh đưa vào thành Nara. Đường phố Nara thẳng tắp thênh thang đan nhau ngang dọc, nhà cửa san sát chẳng khác gì thế cờ vây. Cũng như ở Tràng An, Giám Chân cảm thấy vô cùng thân thiết, giống như được trở về Tràng An sau bao ngày xa cách.
Giám Chân được bố trí ở chùa Nagasiô - thánh địa Phật giáo nổi tiếng. 20 ngày sau, Thiên hoàng cử Kisukai trong sứ đoàn tới chùa Nagasiô tuyên đọc chiếu thư phong cho Giám Chân pháp hiệu “Truyền đăng đại pháp sư”, để ông chủ trì việc thụ giới truyền luật. Kisukai còn sao lục pháp danh các đệ tử của Giám Chân, trao ngôi thứ cho từng người và tặng quà.
Thời ấy, chùa Phật ở Nhật Bản được hưởng đặc quyền miễn thuế, miễn lao dịch. Nhưng vì không có chế độ thụ giới chặt chẽ, việc xuất gia rất dễ dãi, nói chung các tăng đồ tự đứng trước Phật thề tuân theo Phật pháp, tức là “tự thề thụ giới”, là coi như đã có tăng tịch. Do vậy, người ta đua nhau xuất gia, thuế của triều đình bị giảm, đồng thời các tệ nạn khác nhiều lên. Từ sau khi Giám Chân đến Nhật Bản, triều đình Nhật Bản liền để ông thực hiện chế độ thụ giới chặt chẽ. Nhà vua cho xây dựng Giới Đàn Viện ở chùa Nagasio. Thái thượng hoàng Satôrubu, Hoàng thái hậu, Thiên hoàng Takakane đi đầu trong việc đăng đàn, mời giám Chân thụ giới. Tiếp đó hơn 4000 người trong hoàng tộc cũng xin được thụ giới. Trong giới Phật giáo Nhật Bản có tập quán là cao tăng chỉ “tự thề thụ giới” mà không muốn “đăng đàn thụ giới”. Giám Chân đã nhiều lần cử đệ tử đi vận động, tranh luận với họ, cuối cùng thì họ cũng vui vẻ phục thiện, chịu “đăng đàn thụ giới”.
Tiếng tăm của Giám Chân ngày càng cao, chư tăng các nơi kéo nhau đến bái yết, xin ông truyền thụ cho phép thụ giới chính quy. Để có thêm nhiều tăng đồ, Giám Chân tâu với nhà vua xin xây dựng một tự viện mới phỏng theo chùa Thanh Lương và chùa Hoành bương Nhạc ở Ngũ Đài Sơn Trung Quốc. Đề nghị này lập tức được nhà vua phê chuẩn. Thầy trò Giám Chân ráng sức chạy vạy lo liệu, tự viện mới được xây dựng xong vào tháng 8 năm 759. Thượng hoàng Takakanê (lúc này ông đã nhường ngôi Thiên hoàng cho Asusihitô, cho nên gọi là “Thượng hoàng” đích thân viết một tấm hoành phi, đề tên “Đường Chiêu Đề Tự”. Từ đó, chư tăng bốn phương đều tụ tập về đây để bổ túc thêm Phật pháp, tiếp nhận giới luật. Ngôi chùa này, cũng chính là trường Phật học có ảnh hưởng nhất ở Nhật Bản khi đó.
Giám Chân vượt biển tới Nhật bản, không những đã truyền bá Phật học Trung Quốc và chế độ thụ giới, mà còn giới thiệu với Nhật Bản nền văn minh đời Đường phát triển nhất ở Trung Quốc thời đó.
Giám Chân rất giỏi y đạo. Ngoài việc giảng luật thụ giới ra, ông còn tiến hành hoạt động chữa bệnh, truyền bá kiến thức y học. Dù ông bị mù hai mắt, nhưng đã nhờ vào khứu giác, vị giác và xúc giác, truyền dậy vô tư cho nhân dân Nhật Bản những tri thức giám định phân biệt về dược liệu. Một lần Thiên hoàng ốm, 126 hòa thường giỏi y thuật được mời đến chữa, kết quả là Giám Chân chữa trị tốt nhất, rất được khen ngợi.
Giám Chân và đệ tử rất tinh thông về kiến trúc chùa Phật. Kết cấu của “Đường Chiêu Đề Tự” tinh vi, bố cục hài hòa, chú trọng cân xứng, tạo cho người ta cảm giác trang nghiêm kính cẩn. Ngôi chùa đã tiếp thu những thành tựu mới nhất của kiến trúc đời Đường, có ảnh hưởng sâu sắc đối với kiến trúc chùa ở Nhật Bản.
Ngoài ra, về các mặt văn học điêu khắc, hội họa, thư pháp, ngôn ngữ học cũng như trong các nghề như ép đường làm xì dầu, làm đậu phụ, may mặc, thầy trò Giám Chân cũng có những đóng góp quý báu cho nhân dân Nhật Bản.
Ngày 6 tháng 5 năm 763 tại phòng ngủ sau chùa Chiêu Đề, Giám Chân đại sư đã ngừng thở trong tư thế ngồi xếp bằng tròn, mặt hướng về hướng Tây – phía đó là Tổ quốc ông, hưởng thọ 76 tuổi. Trước lúc Giám Chân qua đời, đệ tử của ông là Tư Thác đã mô phỏng chân dung ông, tạc một pho tượng ông đang ngồi. Đại sư trong mặc áo lót màu son, ngoài khoác áo cà-sa, ngồi xếp bằng tròn, mắt lim dim miệng cười mỉm, đã tái hiện dáng vẻ nhãn tứ dễ gần và ý chí kiên trinh bất khuất của ông. Pho tượng ngồi này đặt tại Khai Sơn đường phía Đông bắc ngôi chùa, còn giữ lại tới bây giờ, được nhân dân Nhật Bản coi là “quốc bảo”. Ít lâu sau, tin Giám Chân qua đời truyền tới Dương Châu quê hương ông, chư tăng địa phương mặc tang phục, hướng về phía Đông làm lễ viếng suốt 3 ngày.
Giám Chân đại sư tuy đã qua đời, song tinh thần hiến dâng thân mình cho việc thúc đẩy tình hữu nghị Trung Nhật còn lại mãi mãi trong lòng nhân dân hai nước.
Trên đường phố lớn Naniva ở kinh đô Nhật Bản, có một cậu bé người lùn tịt lang thang dạo chơi. Tên cậu ta là Tasaburô, con nhà quyền thế bậc nhất ở đây. Chỉ thấy cậu ta cứ đi miết dọc theo đường phố, dỏng tai nghe mọi người chuyện trò, đôi khi còn chen vào giữa những đám đông ồn ào nghe các lời bàn tán.
Trước cửa một hàng gạo tụ tập một đám nông dân. Tasaburô tới đấy thì dừng bước.
- Mùa này, nông dân chúng tôi hết đường sống rồi. - Một nông dân già vừa nói vừa giao một túi gạo cho chủ cửa hàng rồi nhận lại một bao lúa mạch.
- Ông còn có lúa mạch chứ những thứ ấy nhà tôi cũng bị bọn thu tô cướp hết sạch rồi. Trời, sao cái lão Hâysi bây giờ cũng độc ác quá chừng. . . - Một anh chàng vừa rủa vừa mua một bao cám.
“Lão Hâysi” mà chàng trai vừa nói chính là Hirasimimôri, người nắm mọi quyền hành trong triều khi ấy. Con người này gia sản vạn quan, nô tỳ từng đoàn, và còn nuôi rất nhiều mật thám gián điệp. Vì vậy vừa nghe nhắc đến tên lão ta, mọi người lập tức thấy hơi hoảng.
- Cẩn thận cái đầu anh đấy, đây là chỗ nào chứ? - Một nông dân đứng tuổi nhắc anh, vẻ sợ sệt nhìn ra chung quanh.
- Sợ đếch gì! Bảo lão Hirasimimôri cứ đến ngay đây đi! - Anh chàng giơ ngón tay cái lên khinh bỉ nói. - Chỉ một ngón tay này của tôi thôi, cho lão chổng bốn vó ngay lập tức! - Nói xong, anh ưỡn người từ trước ra sau, khiến mọi người cười phá lên. Rồi mỗi người một câu bình luận rôm rả. Người thì nói họ hàng Hâysi là sao “ác hổ” giáng trần, người nghèo gặp lão là toi mạng; người thì bảo Hirasimimôri là quỷ đói đầu thai, sớm muộn rồi cũng chết chẳng ra gì. Mọi người càng nói càng hăng, giận một nỗi không thể xông thẳng tới phủ đệ của Hâysi, nện cho lão một trận nhừ tử.
Mọi người vì sao lai căm giận Hirasimimôri đến thế? Nguyên do là thế này.
Phần trên đã nói, từ sau cuộc canh tân của Yamatô, nông dân có được chia ruộng đất, sản xuất có phát triển. Nhưng rồi cả nước xuất hiện rất nhiều địa chủ điền trang nông dân lại bị chủ điền trang bóc lột tàn nhẫn. Quý tộc cũ xưa kia vẫn căn cứ vào phẩm hàm cao thấp và công lao lớn nhỏ mà được triều đình ban cho ruộng phẩm hàm, ruộng chức vị và ruộng công lao. Đất đai quý tộc đã chiếm sau trở thành trang trại không phải nộp thuế cho nhà nước, và Hirasimimôri là chủ trang trại lớn nhất cả nước.
Để bảo vệ trang trại, các chủ trang trại cho tráng đinh học võ thuật, luyện bắn cung, cưỡi ngựa, trở thành “võ sĩ” giữ gìn trang viên. Rất nhiều võ sĩ do quan hệ huyết thống hoặc chủ tớ đã tập hợp lại, trở thành tập đoàn quân sự. Nhà vua muốn đàn áp khởi nghĩa nông dân, đã cử thủ lĩnh các võ sĩ có thế lực ở địa phương chỉ huy tráng đinh của mình đi đàn áp. Vậy là, thế lực của võ sĩ ngày càng lớn.
Thời ấy, hai tập đoàn võ sĩ lớn nhất trong cả nước là Hâysi và Giendi. Họ đều là con cháu của hoàng gia Nhật Bản. Tập đoàn Hâysi ở miền tây, tập đoàn Gienđi ở miền đông.
Thế lực của hai dòng họ này ngày càng lớn, đôi bên thường xung đột với nhau. Về sau, tập đoàn Hâysi đứng đầu là Hirasimimôri lợi dụng mâu thuẫn trong nội bộ hoàng thất, lấy danh nghĩa bảo vệ Thiên hoàng, đem rất nhiều võ sĩ vào kinh đô, kiểm soát kinh đô. Từ đó, triều đình nhà vua hoàn toàn nằm trong tay Hirasimimôri.
Sau khi Hirasimimôri vào kinh đô, tham lam vô độ, thối nát xa xỉ, lãng phí hoang dâm. Nông dân bị áp bức bóc lột bằng đủ mọi thứ thuế má hà khắc, tan nát nhà cửa, ly tán khắp nơi. Cho nên, nói tới lão là mọi người nghiến răng vô cùng căm giận.
Nhưng, Hirasimimôri vô cùng thâm độc và tàn bạo, khống chế kinh đô rất ngặt nghèo. Mọi người bàn tán ở cửa hàng gạo một lúc, đang định đi thì đột nhiên võ sĩ kéo đến vây chặt cửa hàng gạo.
- Thằng nào muốn cho cụ Hirasimimôri chổng bốn vó lên trời? Hử? - Một tên võ sĩ mình đầy áo giáp quát hỏi. Hắn vừa hỏi vừa gườm gườm nhìn vào mặt mọi người. Đột nhiên, hắn bước tới trước mặt anh thanh niên.
- Mày? Có phải mày không? - Hắn túm hai tay anh ta bẻ quặt ra đằng sau, rồi đấm một quả vào mặt anh.
Mặt chàng trai máu me đầm đìa. Anh không nói năng gì ráng sức giật mạnh hai cánh tay ra, vung nắm đấm giáng một đòn thật mạnh vào đầu tên võ sĩ, rồi như ngựa không cương chạy lao ra đường phố.
- Bắt lấy hắn, tên hung đồ - Gã võ sĩ gào lên đuổi theo.
Cảnh hỗn loạn diễn ra. Mọi người cố tình vây lấy đám võ sĩ, còn bọn chúng gươm tuốt khỏi vỏ, gạt mọi người ra đuổi theo, nhưng chàng trai đã chạy biến đi đâu rồi.
Mọi người cảm thấy rất lạ, vừa mới bàn tán ở đây mà sao bọn võ sĩ đã biết được nhỉ? Chẳng lẽ chúng có tai nghe gió, mắt nghìn dặm? Vẫn phải chịu ông cụ đổi gạo lấy lúa mạch là tinh ý. Ông nhớ lại, khi mọi người đang bàn tán thì thấy có một thằng nhỏ ở đấy, nhưng lát sau không thấy nó đâu nữa. Và khi bọn võ sĩ đến, thì lại thấy nó.
Đúng là nó rồi, thằng mật thám nhãi ranh! Mọi người rất căm giận, quay ra tìm nó thì nó đã chuồn mất rồi.
Dùng trẻ con làm mật thám, đó cũng là một “phát minh” của Hirasimimôri. Lão biết toàn thành rất nhiều người bất mãn đối với lão. Người ta bàn tán xì xào đầu đường cuối phố, nhưng khi cho võ sĩ đến thì chẳng còn ai cả, cũng chẳng nghe thấy gì nữa. Hắn bèn nghĩ ra cách, lệnh cho bọn võ sĩ tâm phúc thu gom và huấn luyện hơn 300 trẻ con, dùng chúng làm tai mắt. Đám trẻ này, ngoài một số rất ít con nhà giầu có, còn lại toàn con nhà nghèo và những trẻ lang thang cầu bơ cầu bất. Hirasmimori nói với đám trẻ nghèo khổ này, chỉ cần chúng ngoan ngoãn làm việc cho lão, chúng sẽ được ăn mặc đầy đủ, sau này cần gì có nấy. Hàng ngày lão bắt chúng đi lang thang khắp các phường thấy ai “luấn bàn quốc sự” thì về báo ngay. Báo nhanh và đúng thì cho ăn, vờ vịt không chịu làm hoặc thấy mà không báo thì no đòn. Một em bé mồ côi biết làm chuyện này là bất lợi cho người nghèo, không chịu làm nữa, thế là bị bọn võ sĩ dùng roi sắt đánh chết tươi ngay trước mặt hơn 300 đứa khác.
Thủ đoạn cai trị tàn bạo của Hirasimimôri cũng không cứu vãn nổi số phận thất bại của lão. Năm 1183, tập đoàn Giendi ở phía Đông lợi dụng sự căm phẫn của nhân dân đối với tập đoàn Hâysi, đem võ sĩ đánh vào kinh thành. Hâysi thua, cả dòng họ phải chạy trốn sang biển phía tây. Năm 1185, Giendi cuối cùng đã tiêu diệt được Hâysi. Thiên hoàng Antôkư do Hirasimimôri lập nên cũng gieo mình xuống biển tự tử.
Gienđi sau khi tiêu diệt được Hâysi đã thiết lập cơ quan chính quyền võ sĩ tại Kamakura (nay ở phía nam Tôkyô), “Mạc phủ Kamakura” mang tính chất một chính quyền trung ương.
“Mạc phủ Kamakura” là mạc phủ đầu tiên xuất hiện trong lịch sử Nhật Bản. Thủ lĩnh tối cao của mạc phủ gọi là Tướng quân. Dưới Tướng quân là các cơ quan trung ương, có Chính sở (cơ quan hành chính), Thị sở (cơ quan quân sự), Vấn trú sở (cơ quan tư pháp).
Thời kỳ này, triều đình do Thiên hoàng đứng đầu vẫn còn. Thiên hoàng về danh nghĩa vẫn là người đứng đầu nhà nước nhưng không có thực quyền gì. Còn Mạc phủ - chính quyền võ sĩ đứng đầu là Tướng quân mới là người thống trị tối cao nắm hết thực quyền.
Nền thống trị Mạc Phủ kéo dài hơn 700 năm ở Nhật Bản, cho mãi tới khi Thiên hoàng Meiji (Minh Trị) lên cầm quyền vào giữa thế kỷ XIX mới bị lất đổ hoàn toàn.
Vào một này thu năm 805, tại cung điện trong Hoàng cung Tràng An kinh đô nhà Đường Trung Quốc, đông đảo đại thần và các quan nội thị đang xem một cuộc trình diễn thư pháp khác thường.
Trên một bức tường trong cung điện trước đây vốn dĩ đã có chữ của nhà thư pháp lớn nổi tiếng đời Tấn Vương Hi Chi. Vì đã quá lâu, chữ không còn đầy đủ như cũ nữa. Hoàng đế Thuận Tông lệnh cho thợ sửa sang lại mặt tường, sau khi hoàn thiện cho mời người viết lại chữ mới, yêu cầu giống hệt chữ của Vương Hi Chi.
Người được mời đến viết lại là một hòa thượng khoảng 30 tuổi. Thấy ông, miệng ngậm một cây bút, hai tay mỗi tay cầm toé ra hai cây bút nữa, cùng một lúc viết ra năm hàng chữ. Chữ còn lại cuối cùng, ông chấm đẫm mực viết một chữ “thụ” rắn rỏi gân guốc. Những chữ viết phỏng theo Vương Hi Chi ấy rất chi là đẹp, mọi người đều trầm trồ khen ngợi.
Hoàng đế Thuận Tông nghe nói chữ đã viết xong bèn đích thân đến xem, cũng hết lời khen, phong ngay cho vị hòa thượng ấy danh hiệu “Vương bút Hòa thượng”. Nói ra thật khó tin. Vị hòa thượng có nghệ thuật thư pháp cao siêu này là người Nhật Bản, pháp danh là Không Hải, đến Trung Quốc chưa tới một năm.
Không Hải tên tục là Saêki Takasiyo sinh ra trong một gia đình quyền quý giầu có ở Nhật. Nhà của mẹ ông có riêng một ngôi chùa Phật. Người trong gia đình hai bên cha mẹ phần lớn đều nhiệt tình với sách kinh điển Nho gia Trung Quốc. Do môi trường như vậy, Saêki Tadasiyô từ nhỏ đã tiếp xúc với Phật giáo, làm quen với văn hóa Trung Quốc, giúp ông có cơ sở vững vàng về Phật học và Hán học sau này.
Cậu của Saêki Takasiyo là một học giả nổi tiếng Nhật Bản, đã từng là thầy dậy học cho Hoàng thái tử. Khi Saêki Takasiyô 15 tuổi, theo cậu tới đô thành Sumitakyo (nay là thành phố ngoại ô Tokyo) học “Luận ngữ”, “Hiếu kinh” của Trung Quốc. Năm 18 tuổi lại được người cậu đưa vào đại học kinh sư, trường học cao nhất Nhật Bản khi đó. Tại đây ông đã học các kinh sử Trung Quốc như “Mao thi”, “Thượng thư”, “Tả thị xuân thu”, và đồng thời ông cũng rất thích thú đối với Phật học.
Phật giáo khởi nguồn từ Ấn Độ, nhưng truyền sang Nhật Bản lại chủ yếu là Phật giáo đã được Trung Quốc tiếp thu và bổ sung thêm. Thời ấy, Thiên hoàng Nhật Bản cũng tôn thờ Phật giáo, có mấy vị Thiên hoàng còn xuất gia làm hòa thượng. Cho nên con em các nhà quyền quý phần lớn gần gũi với cửa Phật, thậm chí xuất gia đi tu. Năm 20 tuổi, Saêki Takasiyo cũng xuống tóc thụ giới. Hai năm sau ông lấy pháp danh Không Hải.
Sau khi xuất gia, Không Hải đi chu du khắp nơi, tìm thầy học đạo, gắng công nghiên cứu kinh Phật. Một lần, ông nhìn thấy cuốn “Đại Nhật Kinh” vừa mới truyền vào Nhật Bản, chỉ vô cùng sung sướng. “Đại Nhật Kinh” là bộ kinh chính của Chân ngôn Mật tông - một tông phái của Phật giáo. Không Hải thỉnh giáo rất nhiều đạo hữu về những vấn đề khó hiểu trong đó, nhưng đều không được giải đáp. Chuyện này khiến ông cảm thấy nếu tiếp tục học kinh Phật ở Nhật Bản sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu, và nẩy ra ý định đi Trung Quốc học đạo.
Không Hải trình tấu thư lên Thiên hoàng, xin cho phép ông đến nhà Đường cầu đạo và đã được phê chuẩn. Tháng 7 năm 804 ông cùng sứ đoàn thứ 17 ngồi thuyền đi Trung Quốc.
Chuyến đi Trung Quốc lần này có 4 thuyền lớn, thuyền thứ nhất có Không Hải và sứ thần Nhật Bản. Vì gặp bão trên biển, hai thuyền không đến được đích. Thuyền của Không Hải trôi lênh đênh 34 ngày trên biển, cuối cùng giạt được vào bờ biển huyện Trường Khê, Phúc Châu, Trung Quốc nay thuộc huyện Hà Phố, tỉnh Phúc Kiến).
Sứ đoàn Nhật Bản sang Trung Quốc nói chung không mang theo quốc thư. Quan án sát Phúc Châu cho rằng việc này không đúng thủ tục. Thế là Không Hải phải thay mặt sứ đoàn viết một bản tường trình bằng tiếng Hán. Đọc xong, quan án sát mới cho phép họ lên bờ, rồi giúp họ đi đến kinh đô. Cuối tháng 12 năm đó, Không Hải đến được Tràng An.
Khi ở Nhật Bản, Không Hải biết Tràng An có chùa Tây Minh nổi tiếng, do đó ông đến ngay đó học Phật pháp. Tại đây, ông đã được biết người trụ trì chùa Thanh Long là Huệ Quả.
Gặp Huệ Quả, Không Hải quỳ xuống chân thành nói:
- Đệ tử không quản nguy hiểm, vượt biển ra đi tới đất Đại Đường cốt là để học được chân đế của Mật tông chân ngôn Phật giáo. Thiết tha mong sư phụ không quản ngại dậy bảo cho, để đệ tử này được truyền dậy Mật tông, đem lại ích lợi cho chúng sinh.
Huệ Quả là pháp sư đời thứ bẩy Mật tông chân ngôn Phật giáo, trụ trì chùa Thanh Long qua ba đời vua Đại Tông, Đức Tông và Thuận Tông, được phong danh hiệu cao quý “Tam triều quốc sư”, danh vọng rất lớn. Ông thấy Không Hải một lòng cầu đạo, liền cười và đỡ dậy nói rất khiêm nhường:
- Không dám, không dám. Lão tăng đức nông hạnh lỏng, nhưng nếu làm cho Mật giáo chân ngôn truyền sang được Nhật Bản, âu cũng không phụ lòng Phật tổ. Đêm qua khi tọa thiền, bần tăng đã nghĩ nếu không phải hôm nay thì ngày mai, sư đệ thế nào cũng đến chốn hàn tự chúng tôi, quả đúng như vậy, ngẫm ra đúng là duyên Phật.
Từ đó, được sự dắt dẫn chỉ bảo của Huệ Quả, Không Hải chuyên tâm nghiên cứu kinh điển Mật tông. Ông là người thông minh ham học. Chỉ cần Huệ Quả gợi mở cho chút ít, ông lĩnh hội được ngay. Chỉ ít lâu sau, những vấn đề băn khoăn thắc mắc trước, đây đã được giải quyết. Huệ Quả còn dậy ông chữ Phạn (một thứ văn tự cổ đại Ấn Độ), khiến Không Hải trở thành tăng nhân biết chữ Phạn đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản.
Đồng thời với việc đi sâu nghiên cứu Phật giáo, Không Hải còn thường xuyên ra vào chốn cung đình, thăm những bậc học giả có tiếng ở Tràng An, học thơ văn, thư thiếp, đồng thời sưu tập những sách về kinh luật, thi phú, văn bia. Kỹ năng thư pháp của ông nâng cao rất nhanh. Những chữ viết mô phỏng theo những nhà thư pháp lớn như Vương Hi Chi, hầu như rất khó phân biệt thật giả. Trách nào chữ ông viết trên tường cung điện trong Hoàng cung đã khiến Hoàng đế phải khâm phục.
Huệ Quả rất khen ngợi tinh thần cầu học và tri thức phong phú của Không Hải. Trong ba tháng, làm liền ba lần lễ “quán đỉnh” cho ông. Đây là một nghi lễ của Phật giáo Mật tông, tưới nước thơm lên đầu người được thụ giới để chứng tỏ đã nhập môn. Huệ Quả thấy Không Hải một đệ tử lý tưởng nhất xứng đáng được truyền lại bản lĩnh tài đức của mình Nay ông đã tuổi già sức yếu, chẳng còn ở lại trên đời bao lâu nữa, bèn quyết định thừa nhận Không Hải là pháp sư đời thứ tám của Mật tông chân ngôn Phật giáo.
Một hôm, Huệ Quả cho gọi Không Hải tới, trịnh trọng nói quyết định này của mình. Không Hải nghe xong, vội quỳ xuống đất thưa:
- Đệ tử trước khi đến đất Đại Đường đã thề cầu pháp ở Đại Đường 20 năm để học cho được chân đế Mật tông chân ngôn - Bây giờ mới được chưa đầy 2 năm, các mặt đều còn rất nông cạn, đâu dám đảm nhận làm người thừa kế sư phụ được?
- Không, thời gian con đến Đại Đường tuy chưa lâu nhưng đã học được hết chân đế Mật tông chân ngôn, đủ để đảm đương tông sư một đời rồi. Ta đã thỉnh người tô lại tượng Phật các đời giáo tổ Mật tông chân ngôn, và nhắc nhở hơn 20 vị kinh sinh sao chép kinh điển Phật giáo mới được dịch ra. Con có thể sớm về Nhật Bản, truyền bá Mật tông, phổ độ chúng sinh.
Huệ Quả lại lấy ra một gói, dùng hai tay giao cho Không Hải và nói:
Đây là mấy thứ đồ của Phật hơn một trăm năm trước tăng nhân Ấn Độ đem đến Đại Đường và một chiếc áo cà sa đại sư đã dùng rồi. Con có thể đem về Nhật Bản dùng khi truyền phép.
Mấy tháng sau, Huệ Quả ốm và qua đời, Không Hải vô cùng thương xót. Đúng vào ngày làm lễ viên tịch cho Huệ Quả, sứ đoàn thứ 17 của Nhật gửi tấu lên Hoàng đế nhà Đường, chuẩn bị về nước. Không Hải quyết định về theo sứ đoàn để thực hiện di chúc của ân sư Huệ Quả.
Tháng 4 năm 806, Không Hải từ giã Tràng An. Tháng 10 cùng năm về tới Nhật Bản.
Không Hải đến Trung Quốc học đạo pháp là để truyền đạo pháp ở Nhật Bản. Nhưng một thời gian sau khi về nước, Chân ngôn Mật tông do ông chủ trương không được nhà vua coi trọng, nên mãi ba năm sau ông mới được mời đến kinh đô.
Thì ra, năm Không Hải về Nhật Bản, Thiên hoàng Takêmu qua đời, con Trưởng là Hiraki kế ngôi. Tới năm 809, Hiraki nhường ngôi cho em trai là Saga. Thiên hoàng Saga mới 24 tuổi, thích văn thơ, thư pháp, tôn sùng văn hóa Đại Đường. Nghe nói Không Hải có tài học vấn, liền triệu ông vào cung và đích thân tiếp. Qua trao đổi, thấy Không Hải không những tinh thông Phật pháp, mà còn rất giỏi văn thơ, thư pháp, nên thường xuyên mời ông vào để thỉnh giáo. Quý tộc và quan lại ở kinh đô thấy Không Hải được Thiên hoàng quý trọng cũng nhìn ông với con mắt khác trước.
Một chuyện xẩy ra sau đó càng nâng cao thêm tiếng tăm của Không Hải trong giới Phật giáo.
Số là, Không Hải lên kinh đô chưa đầy một tháng, tăng nhân có danh vọng khá lớn trong kinh thành là đại sư Saisumi cho người đến xin mượn Không Hải sách kinh Mật tông. Saisumi về nước trước Không Hải đạo pháp ông truyền bá là kinh Thiên đài tông của Phật giáo. Dưới con mắt mọi người, cả đại sư Saisumi cũng phải mượn kinh Mật tông của Không Hải thì đủ thấy sự nghiên cứu kinh Mật tông của Không Hải hẳn phải vô cùng sâu sắc. Thời ấy, Mật tông chưa truyền vào Nhật Bản nên mọi người cũng muốn tìm hiểu xem thế nào.
Có điều, cơ hội truyền bá rộng rãi Mật tông ở Nhật Bản mà cuối cùng Không Hải có được lại kéo theo những biến động về tình hình chính trị.
Sau khi Saga lên ngôi, một ái phi của Hiraki không cam tâm để mất quyền thế, đã bí mật âm mưu với người anh của mình dấy binh làm phản ở Nara hòng khôi phục lại địa vị của Hiraki. Vụ làm phản này tuy nhanh chóng bị dẹp tan nhưng đã gây tâm lý sợ hãi ở trong và ngoài cung đình. Saga cũng lo xẩy ra chuyện nguy hại tới ngôi vua của mình. Không Hải không bỏ lỡ thời cơ, dâng sớ lên Thiên hoàng Saga xin cho ông được phép niệm chú tu phá tại chùa Takanôyama là ngôi chùa của Thiên đài tông Phật giáo để ông tụng niệm kinh văn Chân ngôn Mật tông cầu cho đất nước yên ổn, triều đình vững bền. Thiên hoàng Saga cũng đang rất cần sự ủng hộ của một sức mạnh tinh thần như vậy, lại thêm vẻ long trọng thần bí của lễ “quán đỉnh” Mật tông có sức hấp dẫn quần chúng hơn hẳn các dòng Phật giáo khác, cho nên đồng ý ngay. Việc này đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho hoạt động truyền bá đạo pháp của Không Hải.
Năm sau, đại sư Saisumi chuyển sang dòng Mật tông Chân ngôn, nhận làm đệ tử của Không Hải ít hơn mình 7 tuổi. Việc này khiến cho hơn 140 nhà sư có tiếng tăm trong giới Phật giáo Nhật Bản chuyển sang theo Chân ngôn Mật tông, từ đó Chân ngôn Mật tông được xác lập tại Nhật Bản.
Thiên hoàng Saga thấy Chân ngôn Mật tông ngày càng có ảnh hưởng rộng ở Nhật Bản, liền ban cho Không Hải cả vùng núi Takanô chu vi tới 15 cây số, đồng thời bỏ tiền ra xây dựng tháp Phật, chùa Phật, tượng Phật ở trên núi để Không Hải tu hành và truyền đạo. Năm 822 Thiên hoàng Saga cho xây “đạo tràng quán đỉnh”, tại chùa Higasiđêra ở Nara để Không Hải cùng chư tăng cầu nguyện cho đất nước. Năm sau, Thiên hoàng giao hẳn cho Không Hải chùa Higasiđêra, Mật tông thêm một cơ sở nữa để truyền đạo. Lúc này địa vị của Mật tông đã cao hơn hẳn các tông khác của Phật giáo.
Trước đây, Nhật Bản chỉ có trường học dậy dỗ con em quý tội, còn con em dân nghèo nói chung không được đến trường học hành. Trong thời gian học đạo pháp ở Trung Quốc, Không Hải thấy ở các phường Tràng An đều có trường tư thục, các địa phương khác cũng có trường ở xã, cho nên con em dân thường cũng có dịp được đi học, vì vậy ông muốn xây dựng loại trường này ở Nhật Bản.
Năm 828, Không Hải đã lập ra “Tông nghệ chủng trí viện” nằm ở phía Đông chùa Higasiđêra. “Tông nghệ” là các loại kỹ nghệ, “chủng trí” chỉ tất cả mọi loại tri thức. Thầy giáo trong trường gọi là “đạo nhân”, do các học giả trong tăng nhân và thế tục đảm nhiệm. Nhà trường cung cấp ăn ở để học sinh nghèo đến học được. Không Hải không quên người thầy Trung Quốc Huệ Quả đã truyền thụ cho ông kinh điển Chân ngôn Mật tông. Ông đã chọn ngày 15 tháng 12 năm đó làm ngày khai giảng cho “Tông nghệ chủng trí viện” . Vốn dĩ ngày hôm ấy là ngày giỗ lần thứ 23 của Huệ Quả. Ông muốn lấy việc này để tỏ lòng nhớ thương sâu sắc đối với người thầy Trung Quốc của mình. “Tông nghệ chủng trí viện” là ngôi trường tư thục đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản. Việc sáng lập trường này đã có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc truyền bá văn hóa Trung Quốc, thúc đẩy phát triển văn hóa Nhật Bản.
Năm 831 , Không Hải bị bệnh tràng nhạc, thời đó là chứng nan y. Song ông vẫn kiên trì soạn thảo kinh Phật ở Takanôyama, và lo việc xây Viện Chân ngôn để đào tạo bồi dưỡng những đệ tử giỏi cho Mật tông. Tháng 3 năm 835, bệnh tràng nhạc ở ông phát mạnh và trở nên nguy kịch, ông đã qua đời và được chôn cất tại Takanôyama.
Nói tới Châu Mỹ, người ta thường nói đây là “đại lục mới”. Vì đối với người Châu Âu, trước khi Crixtốp Côlông vượt biển tới Châu Mỹ năm 1492, chẳng ai biết tới thế giới có miền đại lục này. Thực ra thời đó Châu Mỹ vốn đã có tới hai, ba mươi triệu cư dân và ngay từ trước Công nguyên đã sáng tạo ra nền văn minh rực rỡ, có văn tự, có lịch pháp, có các tác phẩm nghệ thuật và ở đó có rất nhiều đất nước cổ xưa văn minh.
Tất nhiên, tính theo tổ tiên loài người thì Châu Mỹ lại là đại lục trẻ trung. Tại Châu Phi, chúng ta đã tìm thấy dấu vết người nguyên thủy hai, ba triệu năm trước Tại Châu Âu và Châu Á, chúng ta cũng lần lượt khai quật được xương cốt và đồ dùng của loài người trước đây mấy chục vạn năm, hàng triệu năm. Còn ở Châu Mỹ, ngay cả muốn tìm dấu tích loài người trước đây 5 vạn năm cũng thật sự là khó khăn: Theo khảo sát khoa học, loài người có ở Châu Mỹ mới chỉ khoảng một đến hai vạn năm (cũng có thuyết cho là 4 đến 5 vạn năm).
Vậy là người Inđian sống ở Châu Mỹ thuộc giống người Mông Cổ. Họ đã đến Châu Mỹ như thế nào?
Đại lục Châu Á mênh mông, phía Đông bắc lại nhô ra một mũi đất dài. Mũi đất này chỉ cách bán đảo Alaska Châu Mỹ một eo biển hẹp Bêrinh. Vào khoảng một hai vạn năm trước một thời kỳ nước biển rút xuống, dẫy núi ở đáy eo biển Bêrinh nổi lên trên mặt biển. Eo biển này vốn chỉ rộng 86 kilômét, qua sự biến đổi như vậy đã trở thành một “cây cầu lục địa” thiên tạo. Khi ấy, một số bộ lạc trong giống người Mông Cổ đã qua “cây cầu lục địa” này lục tục kéo nhau từ Châu Á sang định cư ở Châu Mỹ. Sau này từ bình nguyên băng giá Canađa Bắc Mỹ cho đến tận đảo Đất Lửa đầu cực nam Châu Mỹ tiếp giáp Châu Nam Cực đều có người Inđian cư trú. Họ chia thành rất nhiều bộ lạc, bộ tộc và thị tộc, nói hơn 1700 thứ ngôn ngữ.
Dẫu rằng các bộ lạc, bộ tộc hoặc thị tộc người Inđian phát triển rất không đồng đều, có nơi vẫn ở vào giai đoạn thị tộc, thì có nơi lại đã tiến vào xã hội có giai cấp, song tựu trung họ đã sáng tạo ra được một nền văn minh cổ đại độc đáo khác với đại lục Âu, Á, Phi.
Năm 1939, một đoàn khảo cổ đã tới vùng đầm lầy miền Tây Mêhicô. Trong một cánh rừng bạt ngàn những cây cổ thụ cao chọc trời, họ phát hiện ra rất nhiều tượng đầu người khổng lồ. Những tượng đầu người này đều tạc bằng đá huyền vũ để nguyên cả khối lớn, chỉ có phần đầu người, không có thân mình. Mỗi tượng đầu người cao 2 - 3 mét, có trán, lông mày và mắt, có cả tai, mũi và miệng, cho đến hết cằm thì thôi. Những bức tượng tạc sinh động như thật, khiến ai nhìn thấy cũng phải vô cùng kinh ngạc. Có người đã đo thử một pho tượng, vòng đầu tới 7,5 mét. Điều kỳ lạ là, vùng đầm lầy này rất hiếm đá mà những tượng đầu người này mỗi pho nặng tới 25 tấn. Những tảng đá lớn như vậy mang tới đây bằng cách nào, tới nay vẫn còn là một bí ẩn. Theo khảo sát giám định, những tượng đầu người này do người Ônméc để lại. Người Ônméc sinh sống vào thời kỳ giữa những năm 1000 trước Công Nguyên, cách bây giờ khoảng 2500 năm. Khi ấy họ còn chưa biết nung chảy kim loại, mà lại tạc ra được những pho tượng đá khổng lồ như vậy, quả là một kỳ tích phi thường.
Đầu thế kỷ XX, lại một đoàn khảo cổ nữa đến Pêru ở miền Trung Nam Mỹ. Tại miền Trung Pêru có một sơn thôn nhỏ, tên là Chavin de Huatar. Chavin là một trung tâm quan trọng của văn hóa Inđian cổ xưa. Đoàn khảo cổ đã khai quật được một ngôi đền cổ nguy nga tráng lệ. Phía trước đền là hai cây cột đá tròn, trên đỉnh mỗi cột đều tạc một con chim ưng tượng rất hùng dũng ngoan cường. Nghệ thuật tạc chạm vô cùng tinh xảo. Từng đường nét của chim ưng đều hết sức khỏe khoắn và tinh tế. Tuy đã trải qua mấy nghìn năm mà trông vẫn rất rõ ràng. Trong tòa đền cổ còn nhiều phiến đá, trên phiến đá khắc chạm cảnh sinh hoạt thời đó: có hổ Mỹ châu hung dữ đường bệ có những võ sĩ Inđian tay cầm vũ khí. Hình tượng sống động tinh tế, đẹp chẳng kém gì những điêu khắc ở Babilon. Điều khiến người ta ngạc nhiên nhất là, trên một phiến đá lớn trong ngôi đền cổ có đục bẩy hố tròn quy cách khác nhau? Theo nhận định của các chuyên gia, đấy là hình vẽ của chòm sao Orion trên trời. Có thể thấy, thiên văn học của nền văn hóa Chavin khi ấv đã đạt tới trình độ cao như thế nào. Qua khảo chứng của các nhà khảo cổ học, ngôi đền cổ này xây dựng vào hơn 1000 năm trước CN, cách bây giờ đã 3000 năm rồi.
Trong nền văn minh cổ đại Châu Mỹ, khiến người ta hứng thú nhất phải kể đến văn hóa của người Maya.
Vào đầu Công Nguyên, người Maya đã xây dựng nên những thành bang làm trọng tâm chính trị và tôn giáo, chủ yếu là trên bán đảo Yucatan phía Đông Mêhicô sát biển Caribê và vùng Guatêmala, Hônđurát. Từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 9 là thời kỳ toàn thịnh của quốc gia này.
Hơn một trăm năm trước, kể từ khi tìm ra di chỉ tòa thành của người Maya trong khu rừng nhiệt đới trên bán đảo Yucatan cho tới nay, những kiến trúc cổ của người Maya liên tục được phát hiện. Kiến trúc của người Maya hùng vĩ đồ sộ. Trong đó có một đền thờ thần xây dựng vào thế kỷ 4, tất cả 15 tầng, cao tới trên 60 mét. Tầng một, năm, tám, mười một mỗi tầng đều có một phòng bằng đá tinh xảo. Ngôi đền được xây bằng mấy vạn tấm đá hoa cương, mỗi tấm nặng tới một tấn.
Đền thờ thần của người Maya không chỉ là những công trình kiến trúc hùng vĩ mà còn là một của báu về nghệ thuật với những hình điêu khắc đa dạng tuyệt vời, những bức bích họa rực rỡ muôn mầu.
Dưới đây là một bức bích họa trong đền thờ thần Bônanpăk tìm thấy năm 1946:
Một thủ lĩnh người Maya đứng ở giữa thềm nhà lớn, đầu đội chiếc mũ cao trang trí hình ảnh những con thú kỳ dị, cổ đeo vòng vàng, mình mặc áo da thú, chân đi giầy ống dài, tay cầm quyền trượng. Cây quyền trượng cao hơn người, chống thẳng trên mặt đất, trên có những vật trang trí xinh xắn. Hai vị tướng oai phong lẫm liệt, ngực nở bụng thót, đang “báo cáo” với thủ lĩnh. Họ đội chiếc mũ cũng trang trí bằng những con vật kỳ dị. Loại mũ này to khủng khiếp, cao gần bằng ba đầu người, lại thêm hình quái vật đang nhe nanh há mồm, khiến ai nhìn cũng phát sợ. Dưới thềm là những tù binh, tất cả mình trần, có kẻ nằm, có kẻ quỳ, có kẻ ngồi, dưới chân còn có cả những đầu người đã bị chặt. . .
Xem ra, đây là bức tranh vẽ cảnh thắng trận trở về.
Người Maya có chữ tượng hình của mình. Giấy làm bằng vỏ cây, bút làm bằng lông tóc, những điều ghi chép đều có nội dung liên quan đến tôn giáo, thần thoại, lịch sử, thiên văn. Vì bị quân thực dân Tây Ban Nha thiêu hủy mất nhiều, sách của người Maya hiện chỉ còn ba cuốn. Qua các chuyên gia nghiên cứu, hiện nay đã có thể dịch ra được. Loại văn tự này không chỉ biểu ý mà còn biểu âm nữa, tổng cộng có tới 3 vạn từ. Bên cạnh chữ viết, còn có hình vẽ giải thích nội dung. Ngoài sách ra, còn có bia đá và cột đá khắc chữ. Cột đá là để ghi lại những sự kiện lịch sử lớn của họ. Người Maya cứ hai mươi năm lại dựng thêm một cột đá, trên khắc những sự kiện trọng đại xẩy ra trong thời gian đó, ngày tháng rất rõ ràng.
Lịch pháp của người Maya là lịch mặt trời, một năm có 18 tháng, mỗi tháng 20 ngày, thêm ra 5 ngày làm ngày cấm kỵ. Một năm có 365 ngày, năm nhuận thêm một ngày. Điều thú vị là người Maya lấy 5 ngày làm một tuần, bốn tuần làm một tháng, cho nên một năm có 18 tháng.
Nghề nông của người Maya đã có những cống hiến to lớn cho nhân dân toàn thế giới. Những giống cây nông nghiệp của họ như ngô, khoai tây, cà chua, hoa hướng dương, thuốc lá, tại đại lục Âu Á trước thế kỷ XV là của hiếm. 500 năm nay, nhưng giống cây trồng này đã phổ biến rộng rãi khắp thế giới, trở thành thực phẩm hàng ngày của nhân dân các nước. Còn các đồ uống dùng hàng ngày của người Maya như Cacao, sôcôla cũng đã lan tới khắp năm châu cùng với tên của chúng.
Không biết vì 1ý do gì mà nền văn minh Maya phong phú đa dạng đã chấm dứt vào thế kỷ IX. Các nhà khoa học tới nay vẫn còn đang nghiên cứu nguyên nhân của nó và đã đưa ra những giải thích lý thú. Thậm chí có nhà khoa học cho rằng, văn minh của người Maya đã đến từ một tinh cầu khác trong vũ trụ. Những chuyện đó hẳn là những đề tài nghiên cứu khoa học vô cùng lý thú!