Thế giới 5000 năm

Vua Hacsa

VUA HACSA

Đầu thế kỷ VII trên bán đảo Ấn Độ rải rác rất nhiều bang quốc, không có vương triều thống nhất. Tại phía bắc Đêli hiện nay có một tiểu bang tên là Sanđiga. Năm 606, một quốc vương trẻ tuổi lên ngôi, người ta gọi ông là Vua Hacsa.

Sau khi lên ngôi, vua Hacsa trước tiên tăng cường lực lượng vũ trang, xây dựng bốn đội quân: voi, xe, ngựa và bộ binh.

Đội quân voi toàn lấy voi làm phương tiện tác chiến chủ yếu. Trên mỗi con voi đều có một lớp áo giáp vững chắc. Voi dùng ngà dùng vòi làm vũ khí. Gặp bộ binh nó chỉ cần dùng vòi cuốn lấy rồi tung mạnh là quăng được kẻ thù ra xa mấy trượng. Chỉ huy cưỡi trên mình voi, ngoài ra còn thêm hai tên lính để điều khiển voi.

Đội quân xe cứ bốn ngựa kéo một chiếc xe. Trên mỗi xe có một viên chỉ huy chịu trách nhiệm điều khiển phương hướng, và một số binh lính tay cầm khí giới có cán dài để tiện cho việc tiêu diệt địch ở cự ly xa. Xe ngựa đều phân tán tác chiến, dễ dàng truy đuổi quân địch thua chạy.

Đội quân ngựa tức là kỵ binh, đội quân bộ tức là bộ binh. Họ đều là những trai tráng mạnh khoẻ, một tay cầm lá chắn, một tay cầm giáo dài hoặc gươm sắc, anh dũng xông trận, không gì có thể chống đỡ nổi họ.

Có bốn đội quân này rồi, vua Hacsa bắt đầu mở rộng lãnh thổ. Lên ngôi được 6 năm, ông đã thống nhất được miền bắc Ấn Độ, thành lập một đế quốc rộng lớn từ núi rừng miền tây bắc bán đảo Ấn Độ chạy thẳng tới bờ biển miền Đông nam bán đảo.

Sau đó, vua Hacsa bắt đầu xây dựng chế độ phong kiến trong vương quốc. Dưới vương quốc, có hơn ba chục nước chư hầu, đại thần các cấp đều có thái ấp riêng. Dân trăm họ làm nghề nông, nghề thủ công và buôn bán, sản xuất được rất nhiều nông sản phẩm như lúa gạo, ngô kê, đậu đỗ, cùng các hàng thủ công như vải, đồ đồng và đồ thủy tinh, việc buôn bán với các nước bắt đầu phát triển. Trong thời gian ông trị vì, kinh tế phồn vinh, đất nước giầu mạnh.

Vua Hacsa sùng tín đạo Phật, cho xây dựng chùa chiền, Phật tháp, đúc tượng khắp nơi trong nước, ngay ở kinh đô đã có hơn 100 chùa thờ Phật. Khi ấy Phật giáo chia thành hai phái Đại Thừa và Tiểu Thừa. Đại Thừa chủ trương phổ độ chúng sinh cứu giúp mọi người, Tiểu Thừa chủ trương tự giải thoát lấy mình. Vua Hacsa là tín đồ Đại Thừa.

Một lần, nhà vua thân chinh đi đánh một nước chư hầu. Các hòa thượng nước này theo Tiểu Thừa, không tin tưởng giáo lý Đại Thừa, đã có một hòa thượng viết bài “chốn Đại Thừa” để mỉa mai. Vua Hacsa đọc xong vô cùng tức giận, cử người sang nước láng giềng mời đại sư của giáo phái Đại Thừa tới cùng họ tranh luận. Người được láng giềng cử sang là Huyền Trang, pháp sư Đường Tam Tạng. Pháp sư Đường Tam Tạng đã viết bài “Chê ác kiến luận” để phản bác lại phái Tiểu Thừa.

Tháng 12 năm 642, vua Hacsa đã tổ chức “đại hội tranh luận” giữa hai phái Phật giáo tại thành Khúc Nữ. Tới dự có quốc vương 18 nước trên bán đảo Ấn Độ, hơn 3000 cao tăng Phật giáo hai phái Đại Thừa và Tiểu Thừa, tín đồ Bàlamôn và các tôn giáo khác cũng đến tới hơn 2000 người. Dân chúng các nước trên bán đảo Ấn Độ còn đến đông hơn. Những đoàn người cưỡi voi, ngồi xe ngựa, đi bộ nườm nượp trên đường, cờ xí phấp phới kéo dài mấy chục dặm, người đông như kiến, náo nhiệt chưa từng có.

Pháp sư Tam Tạng đại diện cho một phái, lên nói trước. Ông đã trình bầy toàn diện giáo lý đạo Phật, đồng thời phê bình rất cụ thể những chỗ còn khiếm khuyết của phái Tiểu Thừa. Diễn giảng xong, ông treo “Chế ác kiến luận” ở cổng hội trường, và tuyên bố nếu ai phát hiện thấy trong bài có chữ nào không có lý thì chém đầu người viết để tạ tội với mọi người. Lúc đầu, có một hai tăng đồ phái Tiểu Thừa nêu ra một số vấn đề, nhưng đều bị Tam Tạng pháp sư bác cho không cãi lại được. Sau đó, không còn ai dám đứng ra tranh luận nữa.

“Đại hội” kéo dài đã nhiều ngày. Pháp sư Tam Tạng ngày nào cũng diễn giảng trước mọi người về giáo lý đạo Phật. Thính giả chỉ chăm chú lắng nghe, chẳng ai nêu ra ý kiến gì khác. Đã 18 ngày liền không ai đứng ra tranh luận cả, vua Hacsa tuyên bố kết thúc “đại hội”.

Hôm kết thúc, vua Hacsa tặng pháp sư Đường Tam Tạng 1 vạn đồng tiền vàng, 3 vạn đồng tiền bạc, 100 bộ áo cà-sa. Quốc vương các nước cũng thi nhau tặng ông những lễ vật quí. Pháp sư Tam Tạng cám ơn và từ chối không nhận thứ gì. Thế là, vua Hacsa rước pháp sư Tam Tạng lên một con voi to trang trí vô cùng đẹp đẽ, mời ông đi dạo quanh sân một vòng để chúc mừng thắng lợi của cuộc tranh luận. Những người đi hai bên voi nắm lấy vạt áo cà sa của pháp sư Tam Tạng, vừa đi vừa hát:

“Pháp sư Đường Tam Tạng.

Phật pháp Đại Thừa giảng thật hay.

Bác hết mọi ý kiến phản đối.

Mười tám ngày liền.

Chẳng còn ai đứng ra tranh luận nữa.

Tất cả mọi người.

Cần phải biết, cần phải biết!”

Sau chuyện này, vua Hacsa mời Huyền Trang tham dự “Hội Vô Già” năm năm tổ chức một lần trên toàn Ấn Độ. “Hội Vô Già” là đại hội giảng giải Phật pháp và quyên góp của cải, ai cũng tham dự được cả. Vua Hacsa và quốc vương 18 nước đều tham gia. Hội kéo dài 75 ngày hơn 50 vạn người các nước trên bán đảo Ấn Độ đã tham gia, xứng danh “Hội Vô Già” lớn nhất trong lịch sử Ấn Độ. Pháp sư Đường Tam Tạng nhiều lần giảng giải Phật Pháp, được mọi người rất hoan nghênh.

“Hội Vô Già” thành công tốt đẹp, pháp sư Đường Tam Tạng lên đường về nước. Vua Hacsa nhờ ông chuyển lời thăm hỏi của mình tới hoàng đế Đại Đường Lý Thế Dân, tặng ông một con voi, cử quân hộ tống khỏi biên giới. Từ đó, Ấn Độ và Trung Quốc trở thành nước láng giềng hữu nghị của nhau.

HUYỀN TRANG TÂY DU

Trong chuyện kể về Vua Hacsa, chúng ta đã nói tới Pháp sư Đường Tam Tạng của Trung Quốc. Vậy vị Pháp sư này có phải là Đường Tăng trong “Tây du ký” không? Chúng tôi xin trả lời: đúng, mà cũng không đúng.

Nói là đúng, vì tác giả “Tây du ký” viết cuốn chuyện đó đã căn cứ vào sự thực là Tam Tạng Pháp sư có đến Ấn Độ thỉnh kinh. Nói không đúng là vì Đường Tăng là một người có thật chứ không phải Thần ở trên trời. Nhiều câu chuyện kể trong tiểu thuyết như “Đại náo Thiên cung”, “Ba lần đánh Bạch cốt tinh”, “Mượn quạt Ba Tiêu”, đều do tác giả hư cấu nên.

Chuyện thực về Đường Tăng là thế nào, dưới đây xin kể.

Đường Tăng họ Trần tên Vĩ sinh năm 600. Anh thứ hai của ông là hòa thượng chùa Tịch Thổ ở Lạc Dương, nên từ lúc 15 tuổi ông cũng đã cắt tóc đi tu, được đặt tên Phật là Huyền Trang.

Hòa thượng Huyền Trang đã đi khắp vùng lưu vực Trường Giang và Hoàng Hà; học tập giáo lý Phật giáo ở rất nhiều vị cao tăng. Nhưng các phái giảng giải Kinh Phật không giống nhau. Các bản dịch Kinh Phật cũng nhiều chỗ khác nhau hơn nữa còn rất nhiều bản Kinh Phật còn chưa được dịch ra tiếng Hán. Vì thế ông quyết tâm “Tây du”, đi sang Ấn Độ để học tập chân lý của Phật giáo để được đọc nguyên bản Kinh Phật.

Triều đình không phê chuẩn đơn xin xuất cảnh của Huyền Trang. Thế là vào năm 627 Huyền Trang một mình lẳng lặng lên đường trường chinh vạn dặm. Đến Lương Châu, ông bị thuộc hạ của Đô đốc đại nhân giữ lại, bắt phải trở về Kinh đô Tràng An. May nhờ có một vị cao tăng ở đó giúp đỡ đêm đi ngày trốn, ông đến được Qua Châu giáp biên giới (nay là Đôn Hoàng Cam Túc). Không ngờ lệnh bắt Huyền Trang đã được gửi đến Qua Châu. Rất may cho ông, nhờ có một đệ tử thông thuộc đường đi lối lại trong vùng dẫn đường nên đã qua được Ngọc Môn Quan.

Qua khỏi Ngọc Môn Quan là sa mạc mênh mông, khí hậu thay đổi bất thường. Huyền Trang một mình đi 4 ngày đêm trên sa mạc, không một giọt nước uống, có lúc đã ngã xuống hôn mê bất tỉnh. Nửa đêm, gió lạnh làm cho ông tỉnh lại, trải qua rất nhiều vất vả, cuối cùng ông đã tìm được nguồn nước. Phải mất 5 ngày đường nữa ông mới đến được Y Ngo (nay là Hami, Tân Cương).

Gần Y Ngo có nước Cao Xương (nay là Tulufan). Vua nước này là Cúc Văn Thái nghe tin Huyền Trang đến liền phái người tới mời Huyền Trang đến giảng Kinh Phật. Nhà vua tiếp đón rất ân cần, hậu đãi Huyền Trang, còn mời Huyền Trang ở lại Cao Xương, nhưng Huyền Trang một mực từ chối để đi Ấn Độ thỉnh kinh. Nhà vua rất cảm động, xin kết nghĩa anh em với Huyền Trang, tự tay viết 24 lá thư gửi các quốc vương nhờ họ giúp Huyền Trang quá cảnh được thuận lợi. Lúc lên đường, nhà vua còn chuẩn bị cho Huyền Trang 30 con tuấn mã và 25 người tùy tùng đi theo mang các thứ vật phẩm đủ dùng trong suốt thời gian đi đường. Huyền Trang trải qua muôn vàn gian khổ, vượt qua suối sâu rừng rậm, đến được thành Suye (nay là Kiếcghidơ), sau đó đi xuyên qua vùng Apganistan ngày nay, đến năm 628 thì đến được miền Bắc Ấn Độ.

Huyền Trang đã khổ công học tập 2 năm ở nước Casmilô (nay là Casơmia), đã đọc hết toàn bộ Kinh Phật gồm 30 vạn tụng tổng cộng 96 vạn chữ.

Ngoài ra, ông còn học môn Thanh minh học (Ngữ ngôn văn tự Cổ Ấn Độ) và môn Nhân minh học (Lô-gic học Cổ Ấn Độ).

Sau 2 năm, Huyền Trang bắt đầu chu du khắp Ấn Độ; thăm viếng các di tích Phật giáo, học hỏi các danh sư.

Sau khi rời nước Casmilô, thầy trò Huyền Trang nhằm hướng tây nam đi hơn 700 dặm rồi rẽ theo hướng đông nam, đi thêm 400 dặm nữa, vượt qua một con sông lớn, họ đi vào một cánh rừng rậm. Đột nhiên từ trong rừng xông ra mấy chục tên cướp, chúng lột sạch quần áo và lấy hết tiền bạc của mọi người, dẫn họ tới một cái đầm, chuẩn bị giết chết họ. Vừa lúc ấy, một đồ đệ nhìn thấy phía nam bờ đầm có một hang nhỏ liền lén cùng Huyền Trang bò tới đó. Chiếc hang rất sâu, hai người phải bò khoảng 2, 3 dặm mới nhìn thấy ánh sáng. Ra khỏi hang trước mắt họ là một thôn trang lớn. Họ chạy đến kêu cứu với những người nông dân địa phương. Một cụ già liền thổi một hồi tù và, tập hợp mấy chục thanh niên cầm cung tên cào cuốc đi bắt bọn cướp. Lúc đó bọn cướp đang mải cãi nhau vì chia của không đều nên chưa kịp giết mọi người. Thấy đám đông nông dân kéo đến, chúng vội lùi trốn vào rừng. Mấy người dưới đầm được cứu thoát nhưng tất cả tiền và đồ đã bị mất sạch. Nông dân trong thôn rất thông cảm đã quyên góp giúp đỡ Huyền Trang rất nhiều quần áo và tiền bạc.

Ở đây có một học giả Bàlamôn 170 tuổi học thức uyên bác nên Huyền Trang lưu lại hơn một tháng để học tập. Sau đó Huyền Trang đến một nước lớn ở miền trung Ấn Độ, đó là nước Kiệt Cát Cúc. Tại Kinh đô Khúc Nữ của vua Hacsa, Huyền Trang đã đi thăm nhiều vị Cao tăng ở các chùa. Ba tháng sau, Huyền Trang rời nơi đây và lần này đi bằng thuyền trên sông Ấn Độ (Inđus).

Sông Ấn Độ là một con sông rất lớn, mặt sông rộng đến 1 - 2 cây số, hai bên bờ rừng cây cao vút, phong cảnh hết sức ngoạn mục. Bỗng nghe có tiếng huýt sáo rất dài, rồi từ hai bên bờ thấy vun vút lao ra tới hai chục thuyền nhỏ, trong nháy mắt đã vây chặt chiếc thuyền lớn của Huyền Trang, liền đó mấy chục tên cướp cầm dao nhảy lên thuyền, cướp sạch tất cả những gì họ mang theo. Bọn cướp trói mọi người lại rồi lôi họ lên bờ. Trên bờ đã dựng sẵn một đàn tế, trên đó chất một đống củi lớn. Thấy Huyền Trang mặt to tai lớn, dung mạo đoan trang, bọn cướp bèn điệu Huyền Trang lên đàn tế, chuẩn bị giết để tế thần. Đám đồ đệ đều quì xuống xin bọn cướp tha cho Huyền Trang, có người còn xin thế mạng, nhưng bọn cướp vẫn bỏ ngoài tai, khăng khăng muốn giết Huyền Trang.

Huyền Trang nét mặt không chút sợ hãi, thản nhiên nói với chúng:

- Xin khoan cho một chút để bần tăng yên lòng rời khỏi thế gian này.

Nói xong ông ngồi xếp bằng tròn trên đàn tế, hai tay nắm chặt, miệng lẩm nhẩm niệm Kinh Phật. Các đồ đệ thì khóc rống lên, còn Huyền Trang vẫn bình thản niệm tên Bồ Tát. Không ngờ sự lạ xảy ra. Đang trong lúc nguy cấp ấy, bỗng đâu sấm chớp ầm ầm, cuồng phong nổi lên quật gẫy ngang một thân cây lớn, dưới sông sóng dâng cuồn cuộn lật úp một chiếc thuyền của bọn cướp.

- Các người có biết đó là ai không? - Một đồ đệ nói to với bọn cướp - Đó là Pháp sư Huyền Trang đến từ Đông thổ Đại Đường. Các người sát hại Pháp sư, trời đất sẽ không dung tha đâu.

Đang hoảng hồn trước cảnh tượng diễn ra trước mắt, lại nghe nói thế, bọn cướp liền ném các hung khí xuống sông, thả mọi người ra, trả lai các thứ, rồi quì xuống trước Huyền Trang xin tha tội.

Lúc này Huyền Trang vẫn chăm chú niệm Kinh Phật!

Thầy trò Huyền Trang lại theo hướng đông đi 2.500 dặm, qua 4 nước và đến được di tích Chỉ Viên, nơi Thích Ca Mâu ni từng 20 năm thuyết giảng giáo lý Phật giáo. Tiếp đó, đi hơn 800 dặm nữa đến thăm cung điện của Tịnh Phạn Vương - cha của Thích ca Mâu ni. Lại đi hơn 1000 dặm đến chùa Lộc Dã, nơi Thích ca Mâu ni lần đầu tiên giảng về Phật pháp sau khi đắc đạo. Sau đó Huyền Trang đã đến thành Gaia (nay thuộc bang Biha của Ấn Độ) quì lễ dưới cây Bồ Đề cổ thụ - dấu tích nơi Thích ca Mâu ni đã tu hành.

Cuối cùng Huyền Trang đã đến chùa Nalanđa, một trường Phật học cao nhất của Ấn Độ. Trưởng lão chùa Nalanđa Pháp sư Giới Hiền, là một vị tuổi cao đức trọng. Qua sự kiểm tra nghiêm ngặt của Pháp sư Giới Hiền, Huyền Trang được trao danh hiệu “Tam Tạng Pháp sư”. Danh hiệu Pháp sư Phật giáo căn cứ vào trình độ học thức để quyết định đẳng cấp.

Trong 4000 vị hòa thượng học ở chùa Nalanđa, tinh thông 20 bộ “Kinh Luật Luận” được gọi chung là “Tam Tạng kinh” có hơn 1000 người, tinh thông 30 bộ “Kinh Luật Luận” có 500 người, phải tinh thông 50 bộ “Kinh Luật Luận” mới được công nhận danh hiệu “Tam Tạng Pháp sư”. Được nhận danh hiệu cao quí đó ở chùa Nalanđa, lúc bấy giờ chỉ có 9 người, nay thêm Huyền Trang nữa là 10. Vì Huyền Trang từ nhà Đường Trung Quốc tới, nên mọi người đều gọi ông là Pháp sư Đường Tam Tạng. Học xong 5 năm ở chùa Nalanđa, Huyền Trang lại tìm tới các học giả nổi tiếng trong các nước Ấn Độ để học hỏi, trước sau mất 6 năm. Năm 641 mới trở lại chùa Nalanđa. Khi vua Hacsa mời một vị Cao tăng của chùa Nalanđa tham gia “đại hội tranh luận”, Pháp sư Giới Hiền liền cử Huyền Trang đến và đã giành được toàn thắng. Từ đó, Huyền Trang nổi tiếng toàn Ấn Độ.

Lúc Huyền Trang kết thúc chuyến đi trở về nước, ông đã mang về 657 bộ Kinh Phật, 150 hạt xá lị của Đức Phật (tro xương của Thích ca Mâu ni), một pho tượng Thích ca Mâu ni đúc bằng vàng cao 3 thước 5 tấc Trung Quốc) và rất nhiều tượng Phật bằng vàng bằng bạc khác cùng hạt giống hoa quả.

Năm 645 Huyền Trang về tới Tràng An. Dân chúng Tràng An lũ lượt kéo nhau ra ngoài thành nghênh đón ông. Đường Thái Tông Lý Thế Dân thân đến Lạc Dương đón tiếp. Huyền Trang không muốn làm quan chỉ mong được đem các bản Kinh Phật vừa mang từ Ấn Độ về dịch hết ra tiếng Hán. Ông còn đem những điều tai nghe mắt thấy trong suốt 17 năm trên con đường trường 5 vạn dặm viết thành sách “Đại Đường Tây vực ký”, đây là một cống hiến xuất sắc chưa từng có trong việc giao lưu văn hóa giữa Trung Quốc với các vùng Trung Á và Ấn Độ.

Năm 653 Hòa thượng Nhật Bản Mitiaki tới Tràng An, tôn Huyền Trang làm thầy, thêm một cống hiến to lớn nữa của Huyền Trang trong việc truyền bá đạo Phật và tình hữu nghị Trung Nhật.

Giữa đêm mồng 5 tháng 2 năm 664, trong lúc đang mải mê phiên dịch Kinh Phật, Huyền Trang đột ngột tạ thế. Đường Cao Tông Lý Trị nghe được tin rất đau đớn. Ông buồn rầu nói:

- Từ đây, giới tăng lữ mất đi một đạo sư, Phật giáo mất đi một rường cột, còn Trẫm đã mất đi một quốc bảo! Mất đi một quốc bảo!”.

Sau khi hỏa táng, di cốt của Huyền Trang được gìn giữ trong một tháp Phật ở Phàn Châu (nay là phía nam Thành phố Tây An). Về sau tháp bị hủy hoại, di cốt không biết thất tán ở đâu, mãi đến năm 1943 người ta mới tìm thấy trong hộp đá ở Điện Tam Tạng ngoài Trung Hoa Môn Thành phố Nam Kinh. Đồng thời còn phát hiện rất nhiều tượng Phật lư hương, đài nến các đồ thờ cúng bằng vàng bạc, đá quí, ngọc bích và những đồng tiền cổ. Những báu vật lịch sử vô cùng quí giá nay vẫn được gìn giữ cẩn thận trong các chùa chiền ở Nam Kinh, Bắc Kinh, Thiên Tân, Quảng Châu và Thành Đô.

LỄ TỤC Ở ẤN ĐỘ

Phật giáo thịnh hành tại Ấn Độ từ trước Công nguyên cho đến thời Trung đại với những tư tưởng mê tín đã thống trị mọi sinh hoạt đời sống con người.

Mỗi con người từ lúc oa oa chào đời cho đến khi trưởng thành đều phải trải qua 33 lần cúng lễ thần thánh.

Một đứa bé ra đời đến ngày thứ 10, cha mẹ phải đặt cho nó hai cái tên. Vì sao phải làm vậy? Người ta cho rằng, một con người sinh ra đều gặp nguy hiểm bị ma quỉ hãm hại. Hàng ngày ma quỉ lang thang khắp nơi. Nếu nó gọi phải tên một đứa bé nào đó, đứa bé đó sẽ đi theo nó. Để chống lại ma quỉ, bố mẹ bèn đặt cho bé 2 tên: một tên công khai và một tên bí mật. Tên bí mật chỉ có bố mẹ biết. Ma quỉ chỉ gọi được tên công khai mà không biết tên bí mật thì không thể bắt đứa trẻ đi theo nó được nữa.

Lúc đứa trẻ được 3 tuổi bắt buộc phải tiến hành một buổi lễ nghiêm túc và long trọng, đó là Lễ cắt tóc lần thứ nhất. Đến 16 tuổi lại phải làm Lễ cạo mặt lần thứ nhất. Tín đồ Phật giáo cho rằng chỉ có làm như thế mới được Phật phù hộ.

Lễ kết hôn là một lễ đặc biệt nghiêm túc. Chàng rể phải lấy tay đỡ cô dâu để cô dâu bước lên một hòn đá; đợi cho cô dâu đứng vững, hai người cùng bước lên 7 bước, rồi chia nhau ăn một chiếc bánh cúng. Sau đó, chàng rể dẫn cô dâu vào động phòng, để cô dâu ngồi trên một tấm da bò đực màu hồng, đặt một bé trai mà các anh ruột của nó vẫn đang sống lên đầu gối cô dâu. Người ta tin rằng, như vậy cô dâu sẽ sinh được một đứa con trai mạnh khỏe, không bị chết yểu. Đến tối, chàng rể phải chỉ cho cô dâu sao Bắc cực để cùng thề nguyền với Trời Đất. Đến đây nghi thức hôn lễ mới hoàn thành.

Bất cứ ai ốm đều phải nhịn ăn 7 ngày. Trong 7 ngày đó, có người “ốm chán thì khỏi”, khỏi được bệnh, nhưng cũng nhiều người đã chết vì đói. Khi có người chết, người trong nhà một mặt gào khóc, một mặt xé rách quần áo của mình, đồng thời dứt tóc, vỗ trán, dậm chân, đấm ngực. Nghi thức chôn cất có 3 cách: Hỏa táng chất một đốn củi lớn để đốt xác; cách thứ 2: Thủy táng, ném xác xuống sông cho nước cuốn đi; cách thứ 3 là Dã táng đem người chết ném vào rừng cho muông thú ăn thịt.

Được bọn thống trị hết sức đề cao và cổ suý thời ấy còn có một tục lệ là quả phụ tự nguyện chết theo chồng, tức là sau khi chồng chết người vợ chủ động tự thiêu theo chồng. Những tập tục dã man và ngu ngốc này vấp phải sự phản đối của nhiều người nên không phổ biến.

Thời bấy giờ, Ấn Độ còn thịnh hành tục “bố thí” và “tự trẫm mình”. Theo giáo lý đạo Phật, con người sau khi chết có người được lên thiên đàng, có người phải xuống địa ngục. Nhiều người tin là thật, suốt ngày mơ ước được lên Trời thành Phật. Ở phía đông kinh đô một nước miền trung Ấn Độ có một “Quảng trường Bố thí” rất lớn - Vua Hacsa 5 năm một lần đến hành lễ Bố thí ở quảng trường này. Ngày lễ, giữa quảng trường đặt một pho tượng Phật lớn, các vương tôn quí tộc từ các nước Ấn Độ đến rất đông. Họ thích một phần tiền vơ vét được của dân đem cúng cho các nhà chùa, sau đó cho các tăng ni rồi đến người có học vấn, những ẩn sĩ và cuối cùng bố thí cho người nghèo. Bố thí xong họ nói:

- Tất cả của cải của tôi đã bố thí hết. Thật là sung sướng!

Ở phía đông quảng trường đó có một con sông lớn. Một số người cuồng tín đã đến đây “tuyệt thực tự trẫm mình” để được “tử vì đạo”. Họ cho rằng làm như vậy sẽ rửa sạch được mọi tội lỗi, sớm được lên Thiên đàng. Họ từ các nước đến đây, tuyệt thực 7 ngày, sau khi chết đói họ muốn mọi người ném họ xuống sông. Có một số người già bẩy tám mươi tuổi, trước lúc lâm chung, gia đình bầy cỗ bàn linh đình, cùng nhau ăn uống vui vẻ, sau đó đặt cụ già lên một chiếc thuyền nhỏ, đánh đàn thổi sáo đưa cụ ra giữa dòng sông. Lúc đó cụ già từ biệt mọi người thân thuộc, vui vẻ nhảy xuống sông để được “lên trời”.

Cũng có một số người theo phái tu khổ hạnh, dựng một chiếc cột cao ở giữa sông. Lúc mặt trời mọc họ trèo lên đỉnh cột, một tay ôm thân cột, một chân đặt trên thanh gỗ buộc ngang, hai tay chân còn lại duỗi thẳng ngoài khoảng không, cổ vươn dài ra phía trước, mắt nhìn thẳng vào mặt trời.

Họ xoay người theo mặt trời, cho đến khi mặt trời lặn mới tụt xuống. Có người yếu quá thì rơi xuống sông để lên “Thiên đàng”. Nghe nói những tín đồ cuồng tín theo dòng tu khổ hạnh hàng năm đến đây “tu” một lần, có người “tu” liên tục như vậy hàng chục năm.

KALIĐASA

Vào thế kỷ V, thời kỳ mà ở Ấn Độ tồn tại rất nhiều vương triều, đã xuất hiện một nhà thơ, một nhà viết kịch nổi tiếng thế giới, đó là Kaliđasa. Về cuộc đời, của nhà thơ này, do thiếu tư liệu nên đến nay vẫn còn là một bí ẩn. Chỉ biết được ông sinh ra trong một gia đình Bàlamôn dưới chân núi phía nam dãy Himalaya.

Ông đã viết rất nhiều tác phẩm. Nổi tiếng nhất là vở kịch thơ 7 màn Sakuntala viết bằng chữ Phạn, loại chữ cổ của Ấn Độ.

Sakuntaia có nghĩa là “Cô gái chim công”. Nội dung vở kịch kể về câu chuyện giữa Quốc vương Đusanta và nàng Sakuntala. Một hôm Đusyanta dẫn một đoàn tùy tùng đi săn ở ngoài thành. Ông một mình một ngựa đuổi theo một con hươu con đến một vùng rất xa, bất ngờ gặp một nữ tu sĩ xinh đẹp có tên là Sakuntala. Hai người đã yêu nhau và bí mật thành hôn. Đusanta lúc chia tay đã thề nguyền trước Trời Đất, để lại một chiếc nhẫn bằng đá quí làm kỷ niệm và hứa với nàng sau khi về cung sẽ trở lại đón Sakuntala.

Sakuntala ngày đêm mong ngóng vẫn không thấy bóng Quốc vương. Nàng sáng chiều tương tư, thần sắc hoảng loạn do đó đã làm phật lòng một vị Tiên. Vị Tiên rất giận dữ, nguyền rủa nàng rằng: người yêu của nàng chắc chắn đã quên nàng và chỉ khi người ấy nhìn thấy vật kỷ niệm đã để lại mới hồi phục được trí nhớ.

Được ít lâu Sakuntala sinh con. Sau vài năm, nàng ôm con theo người hầu đi đến hoàng cung trong thành để tìm Quốc vương. Trên đường đi, trong lúc sơ suất nàng đã đánh mất chiếc nhẫn bảo thạch của Quốc vương tặng. Quả nhiên, khi vào cung Quốc vương không nhận nàng mà còn mắng nhiếc nàng thậm tệ, nói nàng là một người đàn bà dâm đãng. Đến lúc Quốc vương bị Sakuntala và người cùng đi nói cho hết đường chối cãi, thì lại nói bừa rằng: “Ta lừa dối nàng thì sao nào?”

Sakuntala không được Quốc vương giữ lại, mà quay về nhà cũng không xong, trong cơn tuyệt vọng nàng hóa thành một làn ánh sáng vàng và được một tiên nữ đón về Trời.

Sau đó một ngư phủ đã tìm được chiếc nhẫn trong bụng cá và đem tặng lại nhà vua. Quốc vương vừa nhìn thấy chiếc nhẫn, trí nhớ hồi phục lại ngay. Ông nhớ đến Sakuntala, lòng hối hận giày vò. Cuối cùng Quốc vương đã tìm lại được Sakuntaia và con trai, cả nhà được đoàn tụ. Người con trai sau này đã kế vị ngôi vua, trị vì một vương quốc cổ xưa nhất trong truyền thuyết Ấn Độ.

Vở kịch thơ này lấy đề tài từ trường ca cổ điển Mahabharata. Tác giả tuy miêu tả câu chuyện về mối tình và cuộc hôn nhân của Quốc vương Đusyanta và nàng Sakuntala, song đã phản ánh diện mạo cuộc sống của xã hội Ấn Độ thời bấy giờ. Vở kịch đã lên án và vạch trần sự lừa dối xảo trá của giai cấp thống trị, ngợi ca người thiếu nữ Sakuntala ngây thơ thánh thiện, dám đấu tranh vì khát vọng tự do và hạnh phúc.

Vở kịch thơ này hàng ngàn năm nay vẫn được nhân dân Ấn Độ và nhân dân các nước trên thế giới yêu thích.

Kaliđasa không chỉ là một nhà soạn kịch vĩ đại mà còn là một nhà thơ lớn. Thơ ca của ông còn truyền lại gồm có 4 tập. “Đám mây sứ giả” là một trường ca trữ tình dài tới 115 khổ thơ miêu tả nỗi thương đau của một đôi vợ chồng sống trong cảnh sinh ly tử biệt. Nhân vật chính trong trường ca là Yacsa, nô bộc của Thần tài bị giáng chức đuổi tới một nơi xa xôi tận một ngọn núi phía nam, nhớ tới người vợ ở quê nhà. Yacsa ngửa mặt lên trời, nhờ những đám mây bay về miền bắc mang tin của mình cho người vợ. Ông tưởng tượng con đường mây phải bay qua, tưởng tượng lúc mây gặp được người vợ yêu dấu và người vợ đã đau khổ như thế nào. Ông nhờ mây nói lại nỗi thương nhớ của ông cho vợ nghe và an ủi vợ ông rằng không bao lâu nửa gia đình sẽ được đoàn tụ.

Bài thơ có sức tưởng tượng phong phú, tình cảm chân thực, ngôn ngữ chau chuốt và rung động lòng người. Thực là một tác phẩm kiệt xuất trong văn học cổ điển được viết bằng tiếng Phạn.

Thơ và kịch của Kaliđasa chẳng những là những tác phẩm bất hủ trong nền văn học cổ điển Ấn Độ, mà còn là một di sản rực rỡ của nền văn học thế giới. Vở kịch thơ “Sakuntala” và trường ca “Đám mây sứ giả”, 800 năm về trước đã được truyền vào Trung Quốc cùng với Kinh Phật và ngay lập tức được dịch ra Hán văn và Tạng văn. Năm 1956 ông được công nhận là danh nhân văn hóa thế giới, rất nhiều nước đã có nhiều hoạt động để kỷ niệm 1500 năm ngày sinh của ông.

CUỘC CÁCH TÂN YAMATÔ

Ngày 12 tháng 6 năm 645, Nhật Bản xẩy ra đảo chính cung đình, từ đó đất nước Nhật Bản có sự thay đổi to lớn.

Sáng sớm hôm ấy, tiếng nhạc vang lên rộn rã trong điện Thái Cực của Hoàng cung, bá quan văn võ triều phục chỉnh tề khoan thai bước vào điện, lần lượt đứng ra hai bên theo phẩm hàm cao thấp, Thiên hoàng Sumaragi được các cung nữ rước ra, bước lên ngai vàng. Thì ra hôm nay là ngày Thiên hoàng tiếp sứ thần của ba nước Tân La, Bách Tế và Câu Cú Lệ (ba nước ở bán đảo Triều Tiên khi ấy) cho nên nghi lễ vô cùng long trọng.

Chủ nô đại quý tộc Soga Iruka cũng tham dự buổi tiếp kiến. Ông mặc quần áo võ tướng, đeo gươm dài, đứng bên trái Thiên hoàng. Cha ông, Soga Emisi, một ông già lưng còng, mắt lim dim ngồi bên phải Thiên hoàng. Cha con ông quyền thế cực lớn, Thiên hoàng có quyết định gì trong triều đều phải hỏi họ trước, bằng không đều vô hiệu. Thiên hoàng Sumaragi vốn do Emisi lập nên chẳng qua chỉ là bù nhìn, Thiên hoàng thật sự là Emisi, và con trai ông ta Iruka là vua nhiếp chính trong thực tế. Thường ngày, Emisi không vào chầu cũng chẳng sao, vì từ câu ông ta đã gọi dinh thự của mình là “Hoàng cung”, gọi con trai mình là “hoàng tử”, Hôm nay vì phải tiếp sứ thần nước ngoài, do nghi lễ nên buộc phải cùng ngồi với Thiên hoàng.

- Hoàng tử Nakaônô sao hôm nay không tới tiếp kiến?

Emisi hé mắt, nhìn về phía Thiên hoàng.

- Ờ ta không biết, hoàng tử lẽ ra phải đến chứ. - Thiên hoàng trả lời, nhưng trong lòng không biết Emisi hỏi với ý gì.

Emisi cáo già thấy hoàng tử Nakaônô không đến, trong lòng có phần hồ nghi. Lão biết hoàng tử rất căm giận việc cha con lão thao túng hoàng gia, hai hôm nay lại nghe nói hoàng tử đang huấn luyện quân sĩ ở một ngôi chùa. Hôm nay văn võ đại thần có mặt ở đây, riêng hoàng tử không đến, hẳn là có chuyện lôi thôi rồi. Thế là lão húng hắng ho khan mấy tiếng, rồi bẩm “Hạ thần không được khỏe” và bảo người khiêng đi liền. Trước khi đi, lão đưa mắt cho Iruka ý muốn nhắc con trai phải dè chừng, nhưng Iruka không để ý tới cử chỉ của lão, vẫn đứng nguyên tại chỗ.

- Sứ thần tới!

Sau tiếng hô, nhạc tấu lên vang lừng, quan chức trên điện theo nhau đứng lên, Thiên hoàng cũng ngồi nghiêm trang trên ngai rồng.

Sứ giả ba nước khoan thai tiến vào cung, đoàn tùy tùng hai tay bưng lễ vật nối đuôi nhau tiến vào. Lúc đó, hoàng tử Nakaônô đột nhiên tiến vào từ sau các sứ thần. Vào tới nơi, hoàng tử lập tức ra lệnh đóng hết các cửa lại. Iruka đứng bên trái Thiên hoàng thấy vậy đang định quát hỏi thì Nakaônô đã xông ngay tới trước mặt vung gươm chém. Iruka vội tuốt gươm chống trả. Nakaônô ráng sức chém mạnh, gươm của Iruka văng ngay xuống đất, thuận đà hoàng tử đâm luôn một nhát thẳng vào ngực Iruka, Iruka chết liền tại chỗ. Các sứ thần nước ngoài sợ quá đứng nép vào một bên, bá quan văn võ trong triều cũng sợ hết hồn hết vía, chẳng biết làm gì đứng dúm vào một chỗ. Sau khi giết Iruka, Nakaônô vung gươm lên, vệ binh mai phục ở bên điện lập tức ào tới, bắt hết văn võ đại thần thủ hạ của Emisi và Iruka, giải từng người một đi.

Sau đó, Nakaônô bước tới trước mặt Thiên hoàng, xin Thiên hoàng tiếp tục tiếp kiến sứ thần. Thiên hoàng run lẩy bẩy làm theo, sứ thần ba nước cũng vội vã trình quốc thư, dâng lễ vật, rồi hấp tấp rời khỏi điện.

Ngay sau đó, cửa cung mở rộng. Nakaônô chỉ huy quân sĩ xông thẳng vào trong cung, nhanh chóng chiếm lấy những cứ điểm chính trong hoàng thành. “Hoàng cung” của Soga Emisi sớm đã bị bao vây tứ phía, Emisi hết đường xoay xở liền tự sát.

Ngày thứ ba, hoàng tử Nakaônô lập cậu mình lên làm Thiên hoàng Takahito, lấy niên hiệu là “Yamato”, đồng thời dời đô đến Naniva (nay là Ôsaka).

Chính quyền mới ban bố chiếu thư canh tân, tiến hành một loạt cải cách: dựa theo hình thức nhà nước phong kiến Tùy, Đường Trung Quốc.

Đất đai thu về sở hữu nhà nước, trở thành đất công; xóa bỏ chế độ quý tộc sở hữu riêng về đất đai và nô lệ trước kia. Thiên hoàng trở thành người sở hữu tối cao về đất đai trong cả nước, nô lệ là của nhà nước, gọi là công dân. Quý tộc trước kia trở thành quan lại Chính phủ, được hưởng bổng lộc từ nhà nước. Xóa bỏ đặc quyền thế tập của quý tộc chủ nô.

Xây dựng chế độ giao ruộng mới, với công dân lương thiện từ 6 tuổi trở lên cứ cách sáu năm nhận ruộng một lần; ruộng đất không được mua bán, sau khi chết trả lại nhà nước; người nhận ruộng phải chịu tô thuế và lao dịch của nhà nước.

Xác lập chế độ nhà nước trung ương tập quyền và chế độ hành chính trung ương và địa phương, thi hành chế độ trưng binh, quyền chỉ huy quân đội thuộc nhà nước trung ương.

Đó là “Cuộc canh tân của Yamatô” nổi tiếng trong lịch sử Nhật Bản. Cuộc canh tân này tuy thông qua đảo chính cung đình thực hiện từ trên xuống dưới, nhưng không phải sự kiện ngẫu nhiên. Vì đã từ lâu, nền chuyên chế của dòng họ Soga khiến xã hội vô cùng hỗn loạn, nhân dân oán thán. Một số sĩ quan hiểu biết trong triều muốn bắt chước nhà Đường Trung Quốc, xây dựng một quốc gia phong kiến thống nhất. Những cải cách của Yamato có ảnh hưởng rất lớn đối với lịch sử Nhật Bản. Nó đã hạn chế được những đặc quyền của quý tộc cũ, xóa bỏ được sự nô dịch của quý tộc cũ đối với “nô lệ” làm cho nông dân được độc lập ở mức độ nhất định về kinh tế, thúc đẩy nền kinh tế xã hội Nhật Bản phát triển. “Cuộc canh tân của Yamatô” là bước mở đầu Nhật Bản bước vào xã hội phong kiến.

Nhưng cuộc cải cách này không triệt để: Nông dân được giải thoát ra khỏi sự nô dịch của quý tộc cũ, thì lại rơi vào sự bóc lột và áp bức nặng nề của chế độ ruộng đất mới. Một chút ít ruộng đất nông dân được chia không đủ nuôi sống gia đình, trong khi đó vẫn phải nộp tô thuế nặng nề, gánh chịu lao dịch cho các chủ điền trang. Đúng như những câu thơ của một nhà thơ Nhật Bản thế kỷ VIII đã viết trong “Bài ca vấn đáp của người nghèo”:

Trời đất dẫu mênh mông, người nghèo chỉ thấy nhỏ hẹp;

Ánh mặt trời dẫu sáng láng, vẫn không chiếu tới đầu người nghèo.

Lý trưởng cầm gậy đến, mặt vênh lên đứng đó.

Quát tháo bắt ta nộp tô.

Trời hỡi, cuộc đời này biết sống ra sao!