Từ hơn 2 triệu năm về trước, trên lục địa Châu Phi mênh mông đã có dấu chân người. Cũng như những người da trắng và da vàng, những người da đen sống trên lục địa này có một lịch sử văn minh lâu đời. Chúng ta hãy nghe câu chuyện về nước Gana, đất nước của vàng nổi tiếng ở miền Tây Phi châu.
Sa mạc Sahara mênh mông không có một bóng người. Phóng tầm mắt nhìn chỉ thấy một màu cát xám. Những “dãy núi” nhấp nhô xa xa không phải núi mà là đồi cát. Những “dòng sông” cuồn cuộn kia, cũng không phải là sông mà chinh là những dòng cát đang đi chuyển theo chiều gió. Ở đây không có sông cũng không có cây cỏ, chỉ có nóng nực và khô cằn.
Một đoàn lạc đà đang lê bước một cách khó nhọc, Trên lưng chú lạc đà đi đầu là một người trung niên khoảng 40 tuổi, mặc chiếc áo dài trắng kiểu Ảrập, đôi mắt đăm đăm nhìn xa vào sa mạc như đang mong đợi một điều gì đó. Ông là Béckơli, một học giả nổi tiếng của vương quốc Marốc bên bờ Địa Trung Hải. Để thám hiểm những bí mật của xứ Gana, ông đã theo các đoàn lạc đà của lái buôn lang thang trên sa mạc này đã tròn 2 tháng.
“Kìa! Ôđacốt đã ở trước mặt chúng ta”
Anh lái buôn dẫn đầu chỉ vào đường chân trời xa xa, thè cái lưỡi đã khô khốc liếm vào đôi môi nứt nẻ rớm máu của mình rồi phá lên cười.
Béckơli nhìn theo hướng tay chỉ, xa xa phía chân trời hiện rõ một giải mầu đen. “Đất nước của vàng sắp đến rồi!” Ông lẩm nhẩm và bất giác nghĩ đến một câu chuyện truyền thuyết cổ của xứ sở Gana…
Đất nước cổ Gana được thành lập từ thế kỷ thứ III, đã trải qua hai mươi triều vua và vương triều Xêxai trị vì lâu nhất. Vị thần bảo hộ cho vương triều đó đã nuôi một con rắn thần. Rắn thần sống trong hang đá, giữa một cánh rừng lớn gọi là “Rừng Thánh”. “Rừng Thánh” lại được lính canh giữ, chỉ có các “Kinh ty” mới được vào. Hàng ngày, các vị thầy cúng phải đem đến rất nhiều thức ăn cho Rắn thần và mỗi năm lại phải hiến cho Rắn thần một cô gái đẹp. Biết bao cô gái đã phải hy sinh nên nhân dân vô cùng căm phẫn.
Năm đó nhà vua định dâng cho Rắn thần một cô gái đẹp nhất kinh đô, nàng Xiya. Đầu đuôi là vị hôn phu của nàng là Amađu, một chàng trai có sức khỏe phi thường, Quốc vương đã chọn chàng làm thị vệ trong Hoàng cung; nhưng Amađu không tha thiết gì quan to và lộc dày, chàng đã khéo léo từ chối. Nhà vua tức giận, nên đã cố ý trả thù.
“Lẽ nào dũng sĩ lại cam tâm chịu nhục?” Amađu nghĩ như vậy và quyết tâm tiêu diệt con rắn yêu quái kia. Chàng dặn nàng Xiya chuẩn bị một con tuấn mã chờ ở gần “Rừng thánh”, sau đó chàng đi vào rừng.
Amađu đánh chết tên lính gác rồi xông vào Rừng thánh. Khu rừng rộng lớn mọc toàn những giống cây kỳ quái, những sợi dây rừng chằng chịt nối cây nọ với cây kia, che khuất cả ánh mặt trời. Rừng âm u và tối om om, ai vào cũng phải dựng tóc gáy. “Không có gì đáng sợ”. Amađu vẫn dũng cảm mò mẫm tiến về phía trước. “Ào. . . ào”, bỗng nhiên một cơn gió mạnh ập tới, một bóng đen hiện ra. Amađu định thần, thì ra một con rắn khổng lồ dài 10 mét, mình to lớn như chiếc thùng gánh nước, trên đầu đội một vòng “nguyệt quế bằng vàng “Đúng là con rắn yêu quái rồi Amađu nhảy phắt sang một bên, vung tay bổ kiếm, chặt đứt đầu con rắn.
Đầu con rắn bay vụt lên không trung, gầm lên một tiếng vang như sấm:
- Có kẻ lọt vào Rừng thánh! Chúng bay đâu!
Con rắn vặn mình, một chiếc đầu khác mọc ra, miệng phun lửa phì phì, lao tới Amađu. Nhanh như chớp, Amađu vung kiếm chém rụng cái đầu thứ hai của Rắn thần. Rắn thần lại vặn mình, mọc thêm cái đầu thứ ba. Không chờ cho rắn kịp bổ tới, Amađu bay người chặt phăng cái đầu thứ ba. Chàng đã liên tiếp chém rụng 7 đầu Rắn thần. Rắn thần vẫn cố sức vặn người, nhưng lần này nó không thể mọc thêm được đầu nữa liền đổ kềnh ra đất chết.
Amađu chạy ra khỏi rừng cùng nàng Xiya cưỡi con tuấn mã phóng đi mất hút. Khi lính nhà vua kịp đến thì không còn thấy bóng dáng hai người đâu cả.
Từ đó, các triều vua Gana không phải tìm kiếm các cô gái đẹp để dâng Rắn thần nữa…
- Thành Ôđacốt đây rồi!
Tiếng của người lái buôn cất lên làm đứt dòng suy nghĩ của vị học giả. Béckơli định thần nhìn, một thành phố lớn nguy nga đã ở ngay trước mặt. Ôđacốt là cửa ngõ của nước Gana cổ xưa (ngày nay nằm trong lãnh thổ Môritani). Ở đây có những ngôi nhà cao ráo chắc chắn với những hàng cọ vút tận trời xanh, có cả những khóm, hoa “móng tay” nở rộ đỏ rực. Dân cư là những người da đen bản địa, cũng có những người Papan da trắng. Đi qua Ôđacốt là vào đến đất Gana.
Béckơli chăm chú xem thủ tục nhập cảnh của Gana. Bên cạnh cửa khẩu là những đoàn lái buôn xuất cảnh hoặc nhập cảnh xếp hàng dài dằng dặc, các quan chức Gana kiểm tra hàng hóa và thu thuế. Một con lạc đà chở muối ăn, nếu mang vào thì phải nộp 1 đina vàng, (tương đương trọng lượng 72 hạt lúa mạch), nếu chở ra thì phải nộp 2 đina vàng. Một con lạc đà nếu chở quặng đồng phải nộp 5 mixkan vàng (một mixkan tương đương 1/8 OZ), nếu là hàng tạp hóa phải nộp 10 mixkan. Tất cả đều được quản lý một cách chặt chẽ.
Vào đến nội địa Gana chỉ thấy xanh rờn hoa màu, những cây cao lương nặng hạt đung đưa trước gió những bông kê nặng trĩu vàng óng, cánh đồng bông trắng xóa dưới ánh mặt trời. Những người nông dân nom rất kỳ cục: đàn ông không để râu, đàn bà không để tóc, da người nào cũng đen bóng. Họ cởi trần, chỉ quấn quanh eo bằng một miếng vải, đang làm việc với những dụng cụ bằng sắt. Ở xa xa trong thôn, những ngôi nhà cỏ hình tròn, đó là nhà của người nông dân. Dưới sông, từng tốp hai ba người đang đãi vàng. Béckơli hỏi ra mới biết rằng đãi vàng vụn là công việc của dân thường, còn khai thác mỏ vàng ở trong núi là thuộc quyền của nhà vua. Nhà vua huy động hàng nghìn nô lệ để khai thác vàng và tích trữ không biết bao nhiêu vàng thỏi. Nghe nói thỏi lớn nhất to như tảng đá, có thể buộc con tuấn mã lực lưỡng vào đó.
Béckơli đến Kumbi, kinh đô của Gana (ngày nay là vùng đất phía Bắc thành phố Bamacô, thủ đô nước Cộng hòa Mali). Đó là một thành phố lớn kết hợp cả 2 nền văn hóa của người châu Phi và người Ảrập, có những đường phố rộng rãi, những công trình kiến trúc đồ sộ xây bằng đá, những ngôi nhà lầu trang trí bằng kinh Côran, có cả những nhà thờ của đạo Islam. Quốc vương Gana không theo đạo Islam, nhưng những thương nhân đến từ miền Bắc châu Phi, và người Becbe sống ở phía Nam và phía Bắc sa mạc Sahara đều là những tín đồ đạo Islam. Vì vậy trong thành phố có tới 12 nhà thờ của đạo Islam.
“Ôi! Quả thật giống như ở nhà mình vậy!”. Béckơli, một người vốn theo đạo Islam sung sướng thất lên.
“Tùng! Tùng! Tùng!” tiếng trống vang lên. Dân trong thành phố hân hoan tụ tập lại một chỗ. Theo mọi người, Béckơli nhìn về phía trước thấy các binh lính Gana xếp hàng đi về phía tây thành phố. Có người cầm mộc và giáo, có người cầm cung và tên, tất cả đều trong tư thế rất hiên ngang. Béckơli hỏi người chung quanh mới biết vương quốc Gana có tới 20 vạn lính, trong đó lính bắn cung nỏ có 4 vạn. Hôm nay là ngày nhà vua tiếp kiến, cảnh tượng thật lọng trọng! Béckơli theo những người dân thành phố đi về Hoàng cung nằm ở phía tây thành.
Lễ tiếp kiến của nhà vua diễn ra như sau: Nhà vua ngồi trong một lều bạt lớn. Ngài đội chiếc mũ miện cao bằng vàng, cổ và tay đeo những vòng cũng bằng vàng, chung quanh lều là mấy con ngựa được phủ những tấm chăn bằng vàng. Đứng sau nhà vua là mười thị vệ cầm mộc và kiếm mạ vàng, Đứng bên phải là một số công tử của các thân vương trong vương quốc, họ ăn mặc đẹp và bện thêm những sợi vàng vào tóc. Viên tổng quản kinh thành ngồi trên đất trước mặt nhà vua có các đại thần ngồi xung quanh, người nào da cũng đen bóng, tóc xoăn tít, trên người khoác những tấm lụa rộng. Chiếc trống “đê-ba” đại vang lên “tùng… tùng… tùng”. Lễ tiếp kiến bắt đầu. Dân Gana đều quý cả xuống, bốc đất xoa lên đầu để bày tỏ lòng kính trọng đối với nhà vua; còn những người Ảrập từ nơi khác đến thì đứng gần đó vỗ tay. Béckơli cũng vỗ tay theo họ.
Xem xong lễ tiếp kiến, Béckơli ra chợ - Những chuyện mua bán lý thú giữa mọi người diễn ra ở đây.
Chợ họp trên một mảnh đất trống. Từng đống hàng hóa được phân theo từng loại bày ra trên mặt đất, sau đó mọi người ra khỏi chợ và gõ trống đê-ba. Những người da đen nghe tiếng trống “tùng. . . tùng. . . tùng” liền đổ ra để mua hàng. Họ đứng bên cạnh những thứ hàng họ muốn mua, đặt một số tiền vàng cạnh đó rồi bỏ đi, không cầm một thứ gì cả. Những người bán hàng bước tới, thấy số vàng để đó có thể chấp nhận được thì cầm lên, nếu thấy chưa tương xứng với hàng hóa thì để nguyên chỗ cũ. Khi thấy chủ hàng cầm vàng đi, những người da đen lại bước vào chợ cầm lấy thứ hàng đó, còn nếu thấy chủ hàng chưa cầm tiền thì họ lại đặt thêm vào đó một số vàng nữa. Chờ đến khi người chủ hàng nhận tiền cầm đi, họ mới vào lấy hàng.
Cả chợ không ai nói một lời, thậm chí người bán và người mua không gặp mặt nhau. Những người ở vùng khác đến đây đã gọi kiểu mua bán này của người Gana là mua bán câm”. Chính vì mang hàng hóa đến Gana có thể đổi lại rất nhiều vàng nên rất nhiều lái buôn Ảrập thà bỏ công mấy tháng trời, xuyên qua sa mạc Sahara nguy hiểm và nóng bỏng để đến đất nước của vàng này buôn bán với người Gana.
Gana cổ xưa là một trong những vương quốc ra đời sớm nhất ở Châu Phi, nó đã tồn tại khoảng 10 thế kỷ từ thế kỷ thứ III đến thế kỷ thứ XIV. Xứ sở ấy đã nổi tiếng thế giới vì lắm vàng. Năm 1067, Béckơli đã viết những điều tai nghe mắt thấy ở Gana trong cuốn sách có nhan đề “Những điều trông thấy ở Châu Phi”.
Sau Gana đến lượt vương quốc Mali xưng hùng xưng bá ở Châu Phi. Người sáng lập Vương quốc Mali tên là Xôntiyata.
Xôntiyata vốn là con vua nước Mantingô. Thời ông còn trẻ, quân đội nước Xôxô đã chiếm đóng đất nước ông. Mẹ ông đưa ông chạy sang ĐôngKala. Hơn 10 năm sau, ông trở thành Phó Thống soái của ĐôngKala.
Và câu chuyện bắt đầu từ đấy.
Trong căn nhà lớn của Phó Thống soái ĐôngKala, một người đàn bà đã cao tuổi nằm trên giường hổn hển thở. Bà đưa tay kéo chàng thanh niên đang quỳ bên cạnh mình, trút những lời cuối cùng một cách mệt nhọc:
- Con của tay Con là hoàng tử của Đức vua Mantingô. Bây giờ là lúc con phải gánh lấy trách nhiệm của mình!
Chàng thanh niên gật đầu:
- Vâng! Con sẽ trở về Mantingô! - Nói xong cậu nắm chặt hai bàn tay thành hai nắm đấm. Người đàn bà hài lòng mỉm cười rồi trút hơi thở cuối cùng.
Người đàn bà đó chính là vương phi của Quốc vương Mantingô và chàng thanh niên đó chính là Xôntiyata. Sau khi chôn cất mẹ, cậu từ biệt vua ĐôngKala. Vua ĐôngKala rất tin tưởng và ủng hộ chàng, đã chia cho chàng một nửa số quân đội.
Quốc vương nước Xôxô nghe tin Xôntiyata đem quân trở về, liền phái con trai của ông dẫn binh mã ra nghênh địch.
Vị hoàng tử này chẳng hiểu gì về trận mạc, đem quân đến bố trí ở một thung lũng rộng. Sau khi quan sát kỹ thế trận của quân Xôxô, Xôntiyata quyết định tập kích bất ngờ.
Trong cảnh hoàng hôn chạng vạng, quân Xôxô đang chuẩn bị nghỉ ngơi, bỗng nghe thấy trống trận nổi lên “tùng. . . tùng. . . tùng. . .”. Quân của Xôntiyata đã xông tới trước mặt, Xôntiyata ngồi trên mình ngựa giơ cao thanh đại đao hô lớn: “Tiến lên!”. Kỵ binh ào tới như mãnh hổ. Quân Xôxô rối loạn, từng người một lần lượt ngã xuống trước sức tấn công của quân Xôntiyata. Trước tình thế bất lợi, hoàng tử Xôxô nhảy lên ngựa chạy trốn. Trong chốc lát, quân Xôntiyata tiêu diệt sạch số quân địch còn lại, giành thắng lợi lớn.
Trận đầu đánh thắng, cờ mở trống dong, uy thế của quân Xôntiyata nổi danh khắp vùng. Thủ lĩnh của 9 bộ tộc khác bị người Xôxô xâm chiếm giày xéo đã đem quân đến hội sư cùng quân của Xôntiyata, và tân Xôntiyata lên làm Thống soái liên quân.
Trên một cánh đồng, binh sĩ các bộ tộc giàn thành thế trận. Đủ mọi sắc cờ và mọi mầu trang phục tung bay trước gió. Buổi lễ hội sư bắt đầu. Xôntiyata giơ cao nắm tay, giọng vang như chuông tuyên thệ:
- Chúng ta thề sẽ chiến đấu vì tự do! Chúng ta quyết không làm nô lệ cho người Xôxô!
- Chúng ta thề sẽ chiến đấu vì tự do!...
- Quyết không làm nô lệ cho người Xôxô!...
Tiếng hô đáp lại của chiến binh các bộ tộc rền vang khắp thung lũng.
Thủ lĩnh bộ tộc Chao nhìn Xôtiyata với vẻ kính phục.
Xôntiyata hô tiếp:
- Chúng ta nhất định thắng!
Tiếng hô đáp lại vang dội cánh đồng:
- Chúng ta nhất định thắng!
- Chúng ta nhất định thắng!
Có tiếng vó ngựa từ xa phi tới. Một võ quan vội vã phóng ngựa đến trước mặt Xôntiyata, lễ phép báo cáo:
- Thưa đại vương, quốc vương Xôxô thân chinh đưa đại quân đến Cơrina (nay thuộc vùng phụ cận thủ đô Bamacô của Cộng hòa Mali). Ông ta muốn cắt đứt con đường phía sau của chúng ta.
Xôntiyata quả quyết tuyên bố:
- Lập tức ra quân!
Đầu năm 1235, quân hai bên tập trung dày đặc ở Cơrina, một trận quyết chiến sắp bắt đầu. Quân Xôxô bỗng nhiên rối loạn, một đơn vị đã rời bỏ quốc vương Xôxô chạy về hàng ngũ của Xôntiyata. Nguyên nhân gì vậy?
Thì ra quốc vương Xôxô là một kẻ cực kỳ dã man và tàn bạo. Ông ta không những cướp bóc và xâm lược khắp nơi, mà ngay với thuộc hạ của mình, ông ta cũng rất ngang ngược. Thống soái quân đội của ông ta là Phacơri, vốn là cháu ngoại, vậy mà cô vợ xinh đẹp của Phacơri cũng bị quốc vương Xôxô chiếm đoạt. Không chịu nổi, Phacơri đã bỏ Xôxô về với Xôntiyata. Xôntiyata vô cùng phấn khởi, phong Phacơri làm thống soái thứ nhất.
Mặt trời đã nhô lên ở đằng đông, một ngày mới bắt đầu. Kỵ binh của Xôntiyata vô cùng dũng mãnh. Nghe tiếng Xôntiyata hô “Tiến lên!”, toàn đội đã nhằm thẳng phía trước xông tới, gươm tuốt sáng lòa, đầu giặc lăn lông lốc, quân Xôxô càng hỗn loạn. Quốc vương Xôxô quyết định mở một trận phản công, binh lính hai bên đánh giáp lá cà, nhưng do kỵ binh Xôxô thất bại nên cuối cùng toàn bộ quân đội Xôxô đã tan rã. Xôntiyata đang truy kích bỗng phát hiện thấy quốc vương Xôxô đang thí mạng với Phacơri. Xôntiyata rút cung tên ra bắn một phát trúng vai Quốc vương Xôxô. Ông ta quay ngựa tháo chạy giữa đám binh lính đang hỗn loạn. Xôntiyata và Phacơri quyết bám sát đuổi theo, đến chiều ngày hôm sau mới giết được quốc vương Xôxô. Cuộc chiến đấu kết thúc.
Sau khi diệt vương quốc Xôxô, Xôntiyata triệu tập Đại hội thủ lĩnh các bộ tộc, chính thức trở thành quốc vương của một vương quốc mới. Ông đặt tên nước là Vương quốc Mali. “Mali” có nghĩa là “nơi có chủ”. Đồng thời Xôntiyata cho quân đi mở mang bờ cõi. Năm 1240, nước Gana suy vong, Mali trở thành vương quốc lớn mạnh nhất ở miền Tây châu Phi, diện tích rộng hơn cả vương quốc Gana, phía đông tới tận Gao (nay thuộc Mali) phía tây tới tận sông Xênêgan.
Đến cuối thế kỷ XIII, Mali xây dựng chính quyền mới. Vương triều mới của Mali tiếp tục mở rộng thêm lãnh thổ, thậm chí còn nghĩ đến việc vượt qua Đại Tây Dương. Họ đã phái đi một đội thuyền 200 chiếc mang theo lương thực và nước ngọt đủ dùng trong 2 năm vượt Đại Tây Dương. Nhưng kết quả đều bị sóng gió Đại Tây Dương nhấn chìm xuống biển sâu, chỉ có 1 chiếc thoát nạn trở về. Tuy chuyến đi không thành công, nhưng nó có trước cuộc hành trình của Côlômbô vượt Đại Tây Dương sớm hơn 100 năm.
Vương quốc Mali đã tiếp thu đạo Islam nên có quan hệ chặt chẽ với Ai Cập và nhiều quốc gia Ảrập khác. Nhưng nhà thờ đạo Islam ở Gao và nhiều nơi khác đều mời các kiến trúc sư Ảrập thiết kế. Quốc vương Muxa của Mali còn đích thân thăm Ai Cập, hành hương về thánh địa Mecca, qua đó tăng cường mối quan hệ giữa Châu Phi với Châu Á.
Thời cổ đại, vua chúa các nước hầu như đều có tên gọi riêng của mình. Người cổ Ai Cập gọi vua là “Pharaôn”, người cổ Rôma và người Giécman gọi vua là “Xêda”, người Nga gọi vua là “Tsar” (Sa hoàng), người Nhật Bản gọi là “Thiên hoàng” v.v. . . Ngay trong một nước, mỗi triều đại khác nhau cũng có thể có cách gọi khác nhau, chẳng hạn như ở Trung Quốc, thời thượng cổ vua xưng là “Đế”, đời nhà Chu xưng là “Vương”, từ thời nhà Tần bắt đầu xưng là “Hoàng đế. . .
“Xuni” và “Axkia” cũng là cách gọi khác nhau của quốc vương Songhai cổ đại ở miền Tây Châu Phi, chỉ có điều là ở các triều đại khác nhau.
Songhai là vương quốc xưng bá ở Tây Phi sau Mali. Nó đã trải qua hai triều đại: vương triều Xuni và vương triều Axkia.
Người kiến lập vương triều Xuni là hai anh em Ali và Xanma. Thời thanh niên, họ sống ở kinh đô Mali với thân phận con tin sau khi Tổ quốc họ bị Mali tiêu diệt. Nhưng hai anh em rất khôn ngoan, bề ngoài họ tỏ ra phục tùng thậm chí họ còn giúp quốc vương Mali đánh trận; thêm nữa tướng mạo hai người khôi ngô tuấn tú, võ nghệ cao cường nên được quốc vương Mali, rất yêu mến nên đã nới lỏng sự quản chế đối với họ.
Năm 1337, vị vua lỗi lạc nhất trong hách sử Mali là Môxa tạ thế, tình hình trong nước trở nên hỗn loạn. Nhân cơ hội ấy hai anh em bỏ trốn về quê hương, chiêu tập lực lượng phát động cuộc chiến tranh phục hưng đất nước, cuối cùng đã lấy lại được cố đô, đuổi hết bọn xâm lược, xây dựng lại đất nước. Người anh làm quốc vương trước, sau người em lên kế vị, cả hai đều xưng hiệu “Xuni”- Từ đó, các vị vua của Songhai đều được gọi là “Xuni”, vương triều do hai anh em dựng nên cũng được gọi là vương triều “Xuni”.
Vị vua đời thứ 19 của Vương triều Xuni tên là Xuni Ali. Năm 1468, ông đánh bại Vương quốc Mali, trở thành bá chủ châu Phi, bờ cõi được mở rộng.
Còn người sáng lập ra vương triều Axkia là Môhamét (người da đen ở Châu Phi chứ không phải Môhamet sáng lập ra đạo Islam). Ông vốn là Tổng chỉ huy quân đội dưới triều Suni. Vậy làm thế nào mà lại lên làm vua?
Chuyện là thế này. Năm 1492, quốc vương Xuni từ trần. Năm kế sau đó đã xảy ra một sự kiện:
Một buổi tối nọ, trong lều trại của vị Tổng chỉ huy quân Songhai Môhamét đèn đuốc sáng trưng, quân tướng đang say sưa chè chén. Bốn phía đều có lính canh phòng nghiêm ngặt.
Đột nhiên, một viên quan văn trẻ tuổi hấp tấp chạy đến trước mặt Môhamet thầm thì vào tai ông điều gì đó. Mọi người đều đổ dồn nhìn vào Môhamét, chỉ thấy ông ta gật gù. Sau đó, viên quan văn đứng ra giữa lều và nói to:
- Đức vua vừa tạ thế năm ngoái là một tín đồ dị giáo. Khi đánh vào Mali, ông đã giết rất nhiều người theo đạo Islam! Ông ta là người có tội! Vừa rồi tôi đi gặp quốc vương mới, yêu cầu nhà vua xác nhận vua cha là tín đồ dị giáo, nhưng ngài đã cự tuyệt. Đủ thấy, vị vua mới này cũng là tín đồ dị giáo.
Đám võ quan lập tức nhốn nháo.
- Bây giờ, tôi xin thề với Thánh Ala rằng, để bảo vệ sự trong sạch của Đạo Islam, chúng ta hãy phát động một cuộc Thánh chiến!
Một người hô theo: “Thánh chiến! Thánh chiến!”. Còn một số người khác không hưởng ứng.
Viên quan văn nọ nói tiếp:
- Thánh Ala sẽ phù hộ chúng ta, hãy để tổng tư lệnh Môhamet làm thống soái của chúng ta, giết hết những tên tín Đồ dị giáo!
- Giết hết những tên tín đồ dị giáo!
Lần này thì mọi người cùng gào lên. Những người lúc nãy không hưởng ứng nay thấy tình thế thay đổi đã phải phụ họa theo.
Môhamét tuốt thanh bảo kiếm hô to:
“Đức Thánh toàn năng luôn ở bên chúng ta”.
Thế rồi quân đội đã đánh vào Hoàng cung của người đứng đầu đất nước, Môhamét cướp được chính quyền Songhai, kết thúc vương triều Xuni.
Sau khi lên làm vua, Môhamét xưng là “Axkia”. Axkia vốn là tước hiệu trước đây Quốc vương Xuni phong cho ông, nay trở thành tên gọi của “vua”. Từ đó, bao nhiêu đời vua của vương triều mới ở Songhai đều gọi là “Axkia” hay còn gọi là vương triều Axkia.
Thời kỳ vương triều Axkia cai trị cũng là thời kỳ hùng mạnh nhất của Vương quốc Songhai. Vương quốc Songhai đã thôn tính toàn bộ lãnh thổ của vương quốc Mali. Đó cũng là thời kỳ văn hóa Songhai phát triển nhất. Môhamét đã mời rất nhiều học giả, nhà văn, những bậc thầy nghệ thuật người Ảrập từ Tây Ban Nha đến xây dựng Gao và Tombuctu trở thành hai thành phố trung tâm về văn hóa giáo dục nổi tiếng ở Châu Phi. ở Tombuctu, Môhamét còn cho xây dựng trường đại học Xancoóc nổi tiếng thế giới, thư viện ở đây cũng là thư viện lớn nhất thế giới thời bấy giờ.
Đang giữa mùa đông, dãy núi Anpơ quanh năm tuyết phủ dường như lạnh giá hơn ngày thường. Những trận gió rét đến cắt thịt hú trên không trung, hoa tuyết trắng xóa như lông thiên nga bay loạn xạ và rơi đầy trên mặt băng đông cứng.
Trong những ngày lạnh giá đến nỗi thú rừng cũng không muốn rời tổ ra ngoài kiếm mồi, thì lại có 10 người cưỡi ngựa đang vất vả vượt qua dãy núi cao nhất Châu Âu ấy. Các chú ngựa mở to hai lỗ mũi, bốn vó của chúng dính đầy tuyết, hông và bụng phập phồng. Chúng đã phải đi một đoạn đường rất dài.
Cưỡi trên mình con ngựa cao to màu trắng là một chàng thanh niên khoảng 27 - 28 tuổi. Mặc dầu thời tiết xấu như vậy, nhưng chàng luôn luôn bỏ chiếc mũ da xuống, mặc cho gió tuyết thổi vào đầu.
Người theo hầu khuyên:
- Bệ hạ! Như thế thì mũi và tai sẽ lạnh cóng mất. Vẫn để đầu trần, chàng thanh niên sầm mặt trả lời:
- Các ngươi đừng nhiều lời nữa! Nếu ta chịu được gió tuyết của núi Anpơ, ta sẽ có thể để đầu trần mà đứng một năm trước cửa nhà của Giáo hoàng ở Canôsa!
Thì ra chàng thanh niên ấy, chính là vua Henrích IV của nước Đức. Ông lên ngôi năm 1056, lúc mới 6 tuổi. Ngày ấy, quyền thụ chức giáo chủ Thiên chúa giáo trên thực tế bị thao túng trong tay nhà vua. Tòa Thánh Rôma rất bất bình về chuyện này. Về sau, lấy cớ vua còn nhỏ tuổi. Tòa Thánh nêu ý kiến Giáo hội phải độc lập, phản đối việc nhà vua phong chức cho Giáo chủ, nhằm làm giảm bớt quyền lực của nhà vua. Năm 1073, Giáo hoàng mới là Gơrêgoa VII trong thánh dụ ghi rõ: Quyền lực của Giáo hoàng cao hơn tất cả, không những có quyền bổ nhiệm hoặc bãi miễn Giáo chủ mà còn có quyền phế bỏ nhà vua, phán xét và xử tội nhà vua, song không ai có quyền xét xử giáo hoàng. Năm ấy Henrích IV đã 23 tuổi, đương nhiên ông không thể chấp nhận Giáo hoàng hạn chế quyền lực của ông, do đó đã xẩy ra mâu thuẫn nghiêm trọng.
Năm 1075, Henrích IV bất chấp “thánh dụ” cửa Giáo hoàng đã bổ nhiệm một số giáo chủ ở những nơi còn thiếu. Giáo hoàng hay tin liền viết thư đe dọa Henrích IV, bắt nhà vua phải sám hối xưng tội, lại còn gửi 1 văn bản báo cáo về ông. Henrích IV không chịu. Tháng 1 năm 1076, ông triệu tập hội nghị tôn giáo tuyên bố phế bỏ Giáo hoàng. Một tháng sau, trong một cuộc hội nghị tôn giáo, Giáo hoàng cũng tuyên bố tước bỏ quyền lực quốc vương của Henrích IV, khai trừ ông ra khỏi Giáo hội.
Quyết định của Giáo hoàng là một sự đe dọa nghiêm trọng đối với Henrích IV Tháng 10 năm 1076, những vương hầu và giáo sĩ cao cấp vốn chống lại Henrích IV đã ra một nghị quyết: Henrích IV phải tạm thời từ bỏ quyền lực quốc vương, tuyên bố trung thành với Giáo hoàng, và trong vòng một năm phải được Giáo hoàng xá tội, nếu không sẽ bị truất ngôi. Đồng thời còn quyết nghị đến tháng 2 năm sau sẽ họp hội nghị ở Ôgơxbuốc miền Trung nước Đức, mời Giáo hoàng tham dự để xét xử Henrích IV.
Trong hoàn cảnh đó, Henrích IV hoàn toàn lâm vào thế bị động. Ông buộc phải ký vào một bản cam kết phục tùng quyền lực của Giáo hoàng, tự nguyện sám hối về tội lỗi nghiêm trọng của mình. Ít lâu sau ông được tin Giáo hoàng đã từ Rôma đi lên phương Bắc đến Canôsa ở phía Nam dãy núi Anpơ, chờ một vương hầu Đức đưa quân đội đến hộ tống Ngài đi dự cuộc hội nghị xét xử Henrích IV. Henrích IV biết, lần này không thể không khuất phục trước Giáo hoàng, nên ông đã phải cởi áo hoàng bào, mặc áo thường dân, chỉ đem theo một số người, vượt qua núi Anpơ lặn lội đến Canôsa, sẵn sàng cầu xin trước mặt Giáo hoàng.
Hạ tuần tháng 1 năm 1077, Henrích IV đến Canôsa. Trước khi vào thành, nhà vua xuống ngựa, cởi mũ và ủng chống rét, vắt lên người chiếc khăn mà những kẻ phạm tội dùng mỗi khi sám hối, rồi lặn lội trong gió tuyết chậm rãi bước vào thành đi tới trước phủ đệ của Giáo hoàng.
Thời đó, đối với những người bị đuổi khỏi Giáo hội hoặc vi phạm giáo quy, Giáo hội Rôma cho phép họ thực hiện nhiều hình thức sám hối để chuộc tội lỗi của mình, thời gian có thể kéo dài hàng vài năm. Có người phải cạo trọc đầu, đi chân đất đứng trước cửa nhà cầu xin các giáo sĩ đi vào nhà thờ, xin họ cầu nguyện thay cho mình; có người tự dùng gậy đánh vào người hoặc do cha cố làm lễ sám hối đánh, một năm phải đánh 3000 gậy; có người phải hành hương về Thánh địa hoặc nộp một khoản tiền lớn v.v. . . cho đến khi Giáo hội hài lòng với sự sám hối của họ. Để tỏ ra mình là người chân thành sám hối, Henrích IV trực tiếp cầu xin Giáo hoàng.
Một ngày đã trôi qua, mặc dầu Henrích IV đứng suốt ngày trong tuyết khóc lóc cầu xin Giáo hoàng tha tội, nhưng không thấy bóng dáng Giáo hoàng đâu cả.
Ngày thứ hai và ngày thứ ba cũng vậy. Mãi đến ngày thứ tư, nhiều giáo sĩ cảm kích trước sự sám hối chân thành của nhà vua nhiều lần tâu xin giúp với Giáo hoàng, Giáo hoàng mới miễn cưỡng truyền cho vào gặp.
Giáo hoàng Gơrêgoa VII năm đó 57 tuổi. Đó là một con người có ý chí kiên cường nhưng cũng lắm thủ đoạn cay độc. Trong 25 năm trước khi trở thành Giáo hoàng, ông là thầy tụng tại Tòa thánh Rôma, do đó ông rất thành thạo công việc của Tòa thánh, quyền lực rất mạnh. Vừa nhìn thấy Henrích IV phủ phục ở trước mặt, ánh mắt ông đã bừng bừng lửa giận.
- Ta đã nhân danh Chúa khai trừ con khỏi Giáo hội, tước quyền lực Quốc vương của con, con còn mặt nào đến gặp ta?
Henrích IV ngậm nước mắt, vừa thành khẩn vừa run sợ nói:
- Bẩm Giáo hoàng, Chúa của con. Con đã nhận rõ tội lỗi của mình, nay xin đến sám hối trước Cha, cầu xin Cha khoan dung và nhân từ với con!
- Cha ư, Giáo hoàng ư. . . - Gơrêgoa cười nhạt, tiện tay với tờ giấy để trên mặt bàn - Hừ Con chẳng đã gửi thư cho ta, nói ta không phải là Giáo hoàng mà chỉ là một thầy tu giả hiệu đó sao? Con chẳng đã từng lệnh cho ta “Cút đi! Hãy nhận lấy những lời nguyền rủa muôn đời” đó sao?
Henrích IV cuống quít:
- Không!... Không! Con đã hủy bỏ mệnh lệnh xúc phạm tới Cha đó rồi và đã viết Giấy cam đoan phục tùng quyền lực của Cha. Hai văn bản đó đều đã được công bố! - Nói đoạn liền rút từ trong ngực ra mấy tờ giấy dâng lên Giáo hoàng.
Giáo hoàng đã biết nội dung hai văn bản ấy. Ông không thèm chìa tay ra nhận, nét mặt sa sầm:
- Chúa vô cùng nhẫn nại và khoan dung. Chúng ta luôn hy vọng rằng, cùng với sự trưởng thành về trí tuệ và tuổi tác, thế nào rồi con cũng sẽ tuân theo ý Chúa. Chúng ta cũng đã từng lấy lòng nhân từ như cha mẹ để cảnh tỉnh con, mong từ nay về sau con không lạm dụng quyền lực mà Chúa đã ban cho để ngăn cản tự do của Giáo hội. Nhưng con không những không cảm ơn ân điển của Chúa, trái lại còn cố chấp, không chịu trở về trước Chúa mà con đã từ bỏ, con lại còn gây chia rẽ trong Giáo hội. Vì vậy Cha không thể không tuân theo ý chỉ của Chúa trừng phạt con. Nay con còn có điều gì để nói nữa.
Nghe những lời quở trách của Giáo hoàng, Henrích IV chỉ biết cúi đầu khóc, không dám cãi lại.
Các Hồng y giáo chủ đứng cạnh Giáo hoàng cùng các giáo chủ và quí tộc tùy tùng của Henrích IV đều thay nhau cầu xin Giáo hoàng miễn tội. Cuối cùng Giáo hoàng nói:
- Xem ra, sự hối hận của con là chân thành. Cha đã nói, Chúa vô cùng nhẫn nại và khoan dung. Vì lòng nhân từ của Người, ta sẽ thôi không rút phép thông công (trục xuất ra khỏi Giáo hội) để con được trở về với Giáo hội. Nhưng không thể khôi phục ngay quyền lực Quốc vương của con. Con phải đứng thề trước Chúa, những người có mặt hôm nay làm chứng cho con.
Các Hồng y giáo chủ, đại giáo chủ và các quý tộc đồng thanh:
- Chúng con nguyện làm chứng cho lời thề này.
Giáo hoàng khoát tay ra hiệu, Henrích IV đứng dậy tạ ơn Giáo hoàng và viết ngay một bản tuyên thệ, bày tỏ lòng tự nguyện tuân theo ý chỉ của Giáo hoàng, sửa chữa những lỗi lầm trước đây. Các giáo chủ lần lượt ký tên vào bản tuyên thệ để làm chứng.
Giáo hoàng khoát tay ra hiệu mời một Hồng y giáo chủ đến trước mặt:
- Hãy thảo ngay một văn bản, tường thuật lại toàn bộ việc Henrích IV sám hối ở đây, kèm theo Bản tuyên thệ của ông ta. Văn bản này cần được nhanh chóng gửi tới tất cả mọi vương hầu trong toàn nước Đức.
Sau khi được Giáo hoàng xá tội, Henrích IV và những người tùy tùng rời Canôsa. Từ đó, câu nói “Đi Canôsa” đồng nghĩa với khuất phục và đầu hàng. Nhưng, cuộc đấu tranh giữa nhà vua và Giáo hoàng không bao giờ kết thúc. Sự khuất phục của Henrích IV ở Canôsa không hề đem lại quyền lực và sự yên ổn cho ông. Trở về đến nước Đức thì các vương hầu ở Đức đều tuyên bố Henrích IV đã bị phế truất và họ đã chọn một Quốc vương mới thay thế. Quốc vương mới của nước Đức phái ngay sứ giả sang yết kiến Giáo hoàng, tỏ ý sẽ phục tùng sự chỉ đạo của Giáo hoàng về mọi mặt, thậm chí còn tự nguyện gửi con mình sang đó làm con tin.
Sau khi biết tin, Henrích IV một mặt điều động những binh sĩ trung thành với ông đi đánh Quốc vương mới, mặt khác thỉnh cầu Giáo hoàng giúp ông chống lại Quốc vương mới. Sau Giáo hoàng vin cớ Henrích IV không nghe theo mệnh lệnh của Giáo hoàng, vẫn tiếp tục những hành động quân sự, nên vào tháng 3 năm 1080 lần thứ hai lại ra lệnh cách chức Henrích IV và khai trừ khỏi Giáo hội. Lần này, Henrích IV đã nắm được một bộ phận lực lượng quân sự nên không chịu quỳ gối đầu hàng Giáo hoàng nữa. Tháng 6 năm ấy, ông xúi giục hội nghị tôn giáo gồm những người ủng hộ ông thông qua một nghị quyết: lần thứ hai phế truất Giáo hoàng. Vào trung tuần tháng 10, trong một chiến dịch, ông đã đánh bại Quốc vương mới. Từ đó, quyền lực của Henrích IV càng thêm mạnh, còn Giáo hoàng thì thất thế, sa vào cảnh khốn quẫn.
Sau đó không lâu, Henrích IV đem quân đi đánh Italia để trả thù Giáo hoàng là người đã làm nhục ông. Tuy Giáo hoàng được sự cứu viện của một tù trưởng ở Nam Italia, nhưng Henrích IV có quân đông nên tháng 3 năm 1084 đã vây đánh thành Rôma, sau đó được phong hàm Hoàng đế Đế quốc Rôma thần thánh. Giáo hoàng chạy trốn về miền Nam Italia và mất ở đó năm 1085. Năm 1106, Henrích IV cũng tạ thế. Song cuộc đấu tranh giành quyền lực vẫn chưa kết thúc ở đó.
Mãi đến năm 1122 , những người kế tục của cả hai bên mới ký được một hiệp định tôn giáo tại thành phố Uômxơ miền Nam nước Đức.
Hai bên thỏa thuận, các giáo chủ trong lãnh thổ nước Đức không do Giáo hoàng trực tiếp bổ nhiệm như trước đây mà do các giáo chủ bầu ra, nhưng những cuộc bầu chọn đó phải được tiến hành với sự có mặt của nhà vua hoặc đại diện của nhà vua. Quyền lực chính trị của các giáo chủ ở địa phương do nhà vua trao, còn Giáo hoàng chỉ trao quyền lực về tôn giáo. Đó chính là “Bản hiệp định Uômxơ nổi tiếng trong lịch sử thế giới. Đến đây cuộc tranh chấp về quyền phong giáo chủ giữa Giáo hoàng Rôma và Hoàng đế Đức kéo dài suốt hơn 40 năm mới tạm thời chấm dứt.
Các thành thị châu Âu thời kỳ đầu trung cổ không giống như các thành phố phương Tây ngày nay. Hồi đó, các thành thị đều xây tường đày bao quanh, trên tường có lỗ châu mai, chòi canh và những ô cửa nhỏ. Phía ngoài thường có hào sâu, phải qua cầu treo mới có thể vào thành được. Cổng thành suốt ngày có vệ binh canh giữ. Sáng sớm, khi tiếng tù và cất lên là giờ mở cổng thành, tối đến cổng thành đóng chặt không ai ra vào được. Nhìn từ ngoài, thành phố giống hệt như một chiếc lô cất khổng lồ. Tất cả những cái đó là để phòng ngự kẻ thù tấn công.
Thành thị thời ấy chưa lớn lắm, thường chỉ độ 4,5 nghìn dân. Thành thị nào có tới 2 vạn dân đã là quá lớn rồi. Những thành thị đó so với kinh đô Trường An của Trung Quốc đời nhà Đường lúc ấy đã lên tới một triệu lần thì quả là không thấm tháp gì.
Tuy dân số các thành thị không đông nhưng sống rất chen chúc. Nhà cửa san sát dọc theo hai bên đường phố chật hẹp và quanh co, cũng có nhà cao tới 4,5 tầng, những ngôi nhà đó thường là chằng chịt giữa tầng trên với tầng dưới. Nhà cửa hai bên đường mái dính sát vào nhau, che lấp cả ánh mặt trời nên rất tối tăm. Phần lớn các nhà đều làm bằng gỗ, mái lợp rơm lúa mạch. Ngày đó còn lấy đá đập vào nhau để lấy lửa, mất nhiều thời gian nên sau tiếng chuông báo “giờ tắt lửa”, mọi người thường giữ lửa bằng cách ủ than hồng trong tro. Ban đêm thường dùng nhựa thông để thắp sáng nên hỏa hoạn thường xảy ra mà mỗi lần hỏa hoạn thì cả dãy nhà cháy sạch.
Nền đường đắp đất, phố nào đông đúc mới được rải sỏi. Người, ngựa, xe cứ chen vai thích cánh nhau lắc lư đi trên những con đường khấp khểnh đó. Dọc đường là những hố rác bẩn thỉu và bụi bặm mù mịt, trời mưa thì đầy những hố nước hố bùn, luôn luôn gây ra những bệnh truyền nhiễm, tuổi thọ trung bình rất thấp, tỉ lệ người chết rất cao.
Nơi rộng rãi duy nhất trong thành phố là chợ thì cũng chỉ là một bãi đất trống, thường đặt ở trung tâm. Chung quanh chợ là Trụ sở Hội đồng thành phố, các cửa hiệu, quầy hàng và cả những bàn bán tạp hóa. Đại hội nhân dân thành phố, việc xét xử và thi hành án đối với các phạm nhân, tất cả đều tiến hành tại đây. Một năm có khoảng 100 ngày chủ nhật và ngày lễ, mọi người kéo đến đây hỏi thăm tin tức, chuyện trò bàn tán, chợ trở thành nơi náo nhiệt nhất của thành phố.
Những người sống ở thành phố phần lớn là những người làm nghề thủ công. Nhiều đường phố đã đặt tên theo nghề nghiệp của họ, chẳng hạn như phố Hàng Da, phố Hàng Đồng, phố Kim hoàn... Chính họ là những người đã xây dựng nên các thành thị Tây Âu thời trung cổ.
Vào thế kỷ thứ V, sau khi Đế quốc Tây Rôma bị diệt vong, một thời gian dài ở Tây Âu hầu như không có thành thị. Những thành thị xây dựng từ thời kỳ chế độ nô lệ đã bị phá hoại, có nơi trở thành cứ điểm phòng thủ, có nơi trở thành thành quách của vua chúa phong kiến hoặc của Giáo chủ, có nơi biến thành một đống đồ nát. Về sau, do sức sản xuất phát triển, những người làm nghề thủ công tách khỏi nông nghiệp. Họ thường mang những sản phẩm của mình ra chợ bán đến những nơi giao thông thủy bộ thuận tiện và những nơi tụ tập đông người để buôn bán; có những lái buôn đem hàng đi ra ngoài địa phương mình. Lâu dần họ thiết lập các phường, các nhà buôn dần dần định cư, mở cửa hàng cửa hiệu. Những chợ đó dần dần phát triển thành thành phố. Ở Tây Âu, những thành phố trung tâm công thương nghiệp như thế được mở mang và hưng thịnh từ sau thế kỷ thứ X.
Những thành thị trên phát đạt đã thu hút một số đông nông nô và những người sa vào thân phận nông nô có nghề thủ công, Họ không chịu nổi sự áp bức bóc lột của bọn lãnh chúa nên trốn ra thành thị định cư. Do đó thành thị ngày càng phát triển. May mắn cho họ là giữa các lãnh chúa phong kiến thường không lệ thuộc vào nhau, cho nên hễ nông nô trốn được ra khỏi lãnh địa thường không bị lãnh chúa cũ truy bắt. Nhưng những người thợ thủ công ở thành thị vẫn là nông nô của lãnh chúa nơi có thành thị đặt trong lãnh địa, cho nên họ phải nộp thuế cho lãnh chúa đó. Để bảo vệ lợi ích của mình, những người thợ thủ công cùng ngành nghề phải kết thành liên minh, đó là những phường. Các phường hội đã nói ở trên như phường Hàng Da, phường Hàng Đồng, phường Kim hoàn v.v... ở mỗi thành phố lúc bấy giờ đều có hàng mấy chục, những thành phố lớn có thể có tới hàng trăm. Như ở Pari cuối thế kỷ XIII đã có tới hơn 300 phường hội.
Mỗi thợ thủ công đều phải lệ thuộc vào một phường hội, nếu không họ không được quyền sản xuất. Mỗi phường hội đều có người đứng đầu, có trụ sở riêng, đều quy định các thành viên không được làm hàng xấu, không được tích trữ nguyên liệu với số lượng lớn, thuê mướn thợ và người giúp việc không được quá mức quy định, thậm chí không được bầy trước cửa những hàng hóa lòe loẹt, không được tranh khách hàng nhằm tránh sự cạnh tranh lẫn nhau... Phường hội đồng thời cũng là những tổ chức quân sự, có nhiệm vụ phòng thủ thành phố.
Sau này, trải qua quá trình đấu tranh hàng trăm năm với bọn lãnh chúa và cả quốc vương, phần lớn các thành thị đã được độc lập, có quyền tự trị, tất cả mọi người dân thành phố đều trở thành người tự do. Dù họ là nông nô, chỉ cần sống ở thành phố một năm lẻ một ngày là họ được tự do. Họ đã lập ra Nghị hội thành phố, bầu thị trưởng (có nơi gọi là quan Chấp chính). bầu quan tòa, đúc tiền và tổ chức quân đội thống nhất.
Thành thị mở rộng, hoạt động thương nghiệp cũng ngày càng sầm uất. Thương nhân các nước và các thành phố thường đi lại trao đổi ở các chợ. Họ mang theo rất nhiều hàng hóa và tiền. Thời ấy, mỗi lãnh chúa và mỗi thành phố đều tự đúc lấy tiền của mình cho nên tên gọi, tỷ lệ vàng bạc và trọng lượng rất khác nhau. Vì vậy khi sử dụng tiền phải kiểm tra cẩn thận giá trị trao đổi. Việc vận chuyển một số lớn tiền bạc, tiền đồng rất bất tiện, rất nguy hiểm, luôn luôn phải mang vũ khí đi theo để áp tải, cho nên các thương nhân thường giao tiền cho những người đổi tiền trong thành phố họ nhận được một chứng từ của người đổi tiền, dùng chứng từ đó đổi lấy số tiền của thành phố khác, từ đấy xuất hiện ngành kinh doanh tiền, và chứng từ đó sau này gọi là “hối phiếu”. Thương nhân cũng có thể vay tiền của những người đổi tiền; người cho vay xuất cho họ một tờ phiếu ghi rõ thời hạn trả, đến hạn phải trả cả gốc lẫn lãi. Và thể là những người cho vay tiền trở thành nhà “ngân hàng”, ngân hàng đã ra đời như thế ở các thành thị trung cổ. “Ngân hàng”, từ ngữ này xuất xứ từ tiếng Italia “banc” có nghĩa là “chiếc ghế dài của người đổi tiền”, sau đó nó được mở rộng thêm các nghĩa từ như ngày nay.
Nhưng hồi đó Giáo hội lại cấm cho vay lấy lãi. Một số thương nhân muốn trốn lệnh cấm đó, họ mượn tiền của những người cho vay và cùng họ chia nhau tiền lãi. Đó chính là nguồn gốc của “Công ty hợp doanh”. Những thương nhân cùng quốc tịch nhưng tập trung sinh sống tại các thành thị nước ngoài, họ thường cử ra một người làm công việc hành chính, đảm nhiệm công tác trọng tài, thay mặt họ giao dịch với người đứng đầu của thành phố đó. Những người này được gọi là “lãnh sự”. Cũng từ đó xuất hiện chế độ lãnh sự.
Sự ra đời và phát triển của các thành thi Tây Âu thời Trung cổ đã có tác dụng phá hoại rất lớn đổi với nền kinh tế tự nhiên ở nông thôn. Bọn chúa phong kiến rất cần có tiền để mua các hàng thủ công ở thành phố và những hàng xa xỉ từ phương Đông mang tới như gấm vóc, đá quý, dược liệu, hồ tiều, quế v.v... Chúng bắt đầu chuyển hình thức thu tô bằng lao dịch và hiện vật sang hình thức thu tô bằng tiền. Để có tiền nộp tô, nông dân phải đi vay nợ dẫn tới sự phân hóa hai cực giữa chúa phong kiến và nông dân, thân phận người nông dân càng tồi tệ. Những nguyên nhân đó đã dẫn tới nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân qui mô lớn ở các nước Tây Âu, mở đầu từ thế kỷ XIV. Và những bình dân thành thị cũng tổ chức những cuộc đấu tranh nhằm thoát khỏi những trói buộc của lãnh chúa phong kiến.