V. Thực thể tăm tối
Nàng chẳng gặp ai ngoại trừ bà của nàng, nàng sống cùng nhà với bà, nhưng đôi khi thậm chí nàng còn xa lánh cả bà. Sự cô đơn mà nàng tìm kiếm khiến cho dân cảng băn khoăn và phủ nhận lời giả định của một số người rằng nàng đang yêu. Có người đàn bà đang yêu nào lại thôi không gặp người yêu cho dù anh ta không đáp lại tình yêu của cô đi nữa? Thế nhưng, ở Soko, một trong các nhà buôn chuyên bán quả hạnh tươi và hạt dẻ chưa rang tuyên bố với vẻ chắc như đinh đóng cột rằng những biểu hiện của Fatma là dấu hiệu của người đem lòng yêu một kẻ chỉ đến gặp nàng trong bóng tối, giữa khi nàng ngủ. Để chứng minh cho lời tuyên bố của mình, nhà buôn này kể câu chuyện đã xảy ra với ông của anh ta, “ông ấy chết vì một căn bệnh trong tâm tưởng.”
Ahmed Al-labí, ông của anh ta, vốn là nhà buôn quả vả và quả chà là bọc đường, gây dựng gia sản từ khi còn trẻ. Ông cưới con gái một quan Thống đốc làm vợ, nhờ vậy mà có thể mở rộng việc kinh doanh về phía Nam đến tận rìa sa mạc cũng như hai vùng biển phía Đông và phía Bắc. Không hài lòng với quy mô tiền bạc của mình, ông trang bị mấy thương đoàn băng qua vài sa mạc, rong ruổi từ ốc đảo này tới ốc đảo kia rồi lại đi tiếp bằng thuyền, đến khi trở về từ những xứ xa xôi không thể hình dung thì mang theo lụa, thuốc súng, vàng và những nô lệ có cặp mắt buồn giống như quả hạnh nhân thanh mảnh.
Một sáng nọ, Ahmed Al-labí thức giấc thấy mình cương cứng đến nỗi sau nhiều giờ trôi qua nó trở nên đau đớn khủng khiếp. Cả vợ ông lẫn các người tình của ông, chưa ai từng chứng kiến sự đàn hồi và kích thước to đến thế, càng lạ lùng hơn khi lại ở thân xác một người vốn đã vào cái tuổi ngơi nghỉ chẳng còn ham muốn nữa. Mọi cố gắng làm dịu nó đều vô ích. Những bà có chồng giàu kinh nghiệm nhất chỉ làm được mỗi việc là khiến nó càng phình ra thêm. Mấy mụ phù thủy bôi thuốc mỡ làm từ da con giông mào già thì chỉ khiến cho nó ngứa ngáy. Còn đám bác sĩ thì bị quát tháo đuổi ra khỏi cửa ngay khi họ khua mấy con dao mài sắc của mình lên.
Nỗi khổ kỳ lạ của Ahmed Al-labí kéo dài sáu mươi ngày, trong suốt thời gian đó nó không nguôi một phút và nhiều khi khiến ông thét lên vì hân hoan lẫn đau đớn ngay trước khi cái cột cứng ngắc nổi gân của ông phọt ra thứ chất lỏng màu trắng mà có vẻ như lần nào cũng tan vào không khí, cứ như bị một sinh thể vô hình và tham lam vô độ nào đó nuốt ừng ực lấy.
Khi chuyện đó qua, Ahmed sụt mất hai mươi cân, mỗi đêm ngủ thêm ba tiếng đồng hồ, và trong những giấc mơ ông dịu dàng nói chuyện với ai đó bằng thứ tiếng không ai hiểu. Khi thức dậy, ông chỉ muốn ngủ lại; ông chìm vào một nỗi buồn ngày càng dai dẳng. Ông chỉ sống được thêm mười tháng, mặc dù ông cho rằng ấy là mười năm.
Không lâu trước khi chết, ông lão thú nhận với đứa cháu trai về giấc mơ ông đã mơ vào cái đêm khởi đầu những nỗi buồn của ông: một nữ nô có cặp mắt hạnh nhân xuất hiện trong khi ông ngủ, những cử động của nàng chậm đến nỗi ông theo dõi từng cử động một bằng mắt, như tự để mình bị thuyết phục bởi những lý lẽ không thể chối cãi. Trong giấc mơ, một dục vọng sâu xa trỗi dậy trong ông. Nhưng nàng nữ nô ra đi, chìm vào một chất lỏng màu vàng, và Ahmed theo nàng vào đó, mắt vẫn nhắm. Khi ông mở mắt để tìm nàng, chất lỏng đó đã nhuốm sắc đo đỏ, rồi thì ngày một trong hơn, cho đến khi một lần nữa đạt tới sự đồng nhất như không khí. Không còn thấy nàng đâu, như thể nàng đã tan vào bầu không khí mà Ahmed hít thở. Ông thức dậy lòng đau đớn, xác thịt ông lớn tiếng đòi nàng. Nàng ở mọi nơi mà chẳng ở đâu, mùi của nàng là mùi của không khí, sức mạnh của nàng là sức mạnh của gió, sự ẩm ướt của nàng là của khí hậu, sự hiện diện của nàng nhẹ tênh mà đôi khi nặng trĩu; luôn luôn riết róng đòi hỏi, bằng cách riêng của nó.
Sau khi kể lại giấc mơ cho đứa cháu nghe, Ahmed Al-labí cho nó xem một cái bớt nhẵn nhụi có màu giống như một vết xăm mà từ đó đến nay nằm dọc trên con giống của ông giống như vết sẹo. Cái bớt đó hình dáng như con nhện màu đỏ, vàng, đen, cứ mỗi lần cương cứng là nó lại to lên và sau đó không thu nhỏ lại, như thể được sự cương cứng nuôi cho lớn. Màu của nó, khi ra ngoài nắng, gây ấn tượng như lửa cháy. Con nhện đó mỗi tháng một trưởng thành hơn, một mạnh hơn, trong khi dương vật ông ngày một nhăn nheo rúm ró và cuối cùng trở nên nhỏ xíu.
Mấy tuần sau giấc mơ đó, các sứ giả của Ahmed Al-labí từ phương Đông trở về mang theo hàng hóa như thường lệ. Ông già hộc tốc ra xem các phụ nữ bị bắt làm nô lệ, tìm người có thể làm nguôi thỏa nỗi khao khát yêu đương của ông. Nỗi ngạc nhiên của ông trở thành phẫn nộ khi ông phát hiện rằng, lần đầu tiên, thuộc hạ của ông quay về mà không mang theo dù chỉ một nô lệ. Cơn phẫn nộ của ông chuyển thành nỗi hãi hùng khi họ kể cho ông hay kẻ nào đã ngăn không cho họ làm thế, và bằng cách nào.
Khi đến một thung lũng mà họ chưa một lần đặt chân vào, theo tục lệ xưa nay, họ đến tìm vị chúa trị vì nơi đó đặng xin vị này bảo vệ cho họ yên ổn làm ăn. Người cai quản vùng đó là một phụ nữ ba mươi tuổi, làm chủ cả đất đai lẫn người dân, có tòa án, quân đội và thư viện. Bà chất vấn những người trong thương đoàn suốt cả một ngày về cuộc sống của con người đã cử họ đi. Trong nhiều tiếng đồng hồ bà bảo họ mô tả Ahmed cho đến tận cái nốt ruồi nhỏ nhất trên mặt ông, những tham vọng của ông, phương thức kế toán của ông và nhiều chi tiết nữa. Trong số đó có nỗi đam mê tình ái của ông và sở thích của ông về các nữ nô ngoại quốc.
Khi đêm xuống, bà kết thúc cuộc tra hỏi mà nói: “Vị chúa tể hùng mạnh của các ngươi liệu có biết rằng ông ta có thể chết vì sự mỏng manh, do đã bành trướng quá đáng sự lạm dụng những dục vọng của ông ta?” Bà không đợi họ trả lời và rút lui mà không nhìn họ.
Ngày hôm sau bà xuất hiện trước mặt họ cùng với một nữ nô tuyệt đẹp có đôi mắt hạnh nhân, xứng đáng làm khuấy động giấc mơ của kẻ mạnh mẽ nhất trong số những người thánh thiện nhất. Đi cùng cô ta là ba chị em, đẹp như nhau đến độ kinh hoàng. Mỗi người mang tên một trong bốn ngọn gió thổi qua vùng đó. Họ là món quà tặng Al-labí mà các sứ giả của ông không thể khước từ, cho dẫu họ cảm thấy mối nguy ẩn trong việc nhận nó, chẳng khác gì dùng tay cầm lửa. Chỉ cần nhìn các nữ nô đó là đủ thấy rằng khi ở bên họ, nỗi khát khao tự đánh mất mình giữa tâm điểm một cơn lốc xoáy sẽ là không sao kiềm chế nổi. Trước khi cho các nữ nô ra đi, Nữ chúa ra lệnh xăm lên bụng mỗi cô hình xăm phần tư một con nhện màu đỏ, vàng, đen. Đoạn bà cầm tay họ trao đi giống như nữ tư tế hành lễ trong một cuộc hiến tế.
Trong vòng sáu mươi ngày hải hành sau đó, bốn nữ nô chết một cách kỳ quặc, từng người một, như thể bị một cơn kiệt sức thiên thu chộp đi mất. Từng người một trong đêm cuối đời mình đều phát âm tên Ahmed mấy lần trong giấc ngủ trong khi hình xăm của nàng ta biến mất. Khi kiểm tra lại ngày tháng các nữ nô lâm bệnh, người ta phát hiện rằng chúng trùng khớp với những ngày Ahmed lâm bệnh, và những hình xăm biến mất đều trở lại tái sinh trên thân thể ông vào đúng giờ ấy. Sau khi các sứ giả kể lại những gì đã xảy ra, Ahmed Al-labí không sống thêm được lâu. Tê liệt vì khiếp sợ, câm lặng vì đau buồn, đắm mình trong nỗi u hoài về giấc mơ kia, kinh hãi vì cái bớt mà vào những buổi chiều lộng gió lại gần như bước đi trên bụng ông, ông chết trong khi đăm đắm nhìn một mạng nhện mới trên trần nhà.
Khi đứa cháu ông, nhà buôn quả hạnh, kết thúc câu chuyện về người ông bằng cách đọc câu “Cầu xin Allah tha thứ cho ông!” theo nghi thức, đám phụ nữ giữa chợ nãy giờ im lặng nghe anh ta liền lặp lại câu đó, và bởi sợ rằng những ác linh bí hiểm kia sẽ hiện ra vì được gọi tên, họ liền vội vã ném vào không khí những tiếng kêu từ trong yết hầu mà ở Mogador người ta dùng để chào lữ khách phương xa cũng như cầu sự lành cho bản thân người kêu và gia đình họ. Đám phụ nữ càng lúc càng tin chắc rằng có những vị khách xa lạ và nguy hiểm đang ngụ trong cơ thể Fatma.
Ngay khi cách lý giải của tay nhà buôn quả hạnh về nỗi tai ương của Fatma bắt đầu lan truyền khắp Mogador, người ta bắt đầu cẩn thận quan sát nhất cử nhất động của nàng, tìm trong đó những chuyển động của một sự sống khác. Chỗ đài phun nước chảy qua bức tường bao quanh thành - nơi người ta thấy đám phụ nữ xách vò rỗng đứng tán chuyện, hứng nước vào vò mà không nhìn nước rồi quay đi, một tay ôm kè kè vò nước đầy, vẫn không thôi tán chuyện -, một bà hào hứng nhớ lại rằng cha mẹ Fatma đã biến mất một cách kỳ lạ từ khi nàng còn bé tí. Các bà khác kinh sợ ngắt lời bà ta trước khi bà kịp kể câu chuyện mà mọi người đều biết bằng trực cảm, dù có thể họ chưa bao giờ nghe câu chuyện đó.
Đó là khi một người trong đám phụ nữ quyết định giúp Fatma thoát khỏi cơn hôn ám mà không hỏi ý kiến ai. Và khi đã quá nửa đêm, người trĩu nặng những cỏ và bùa ngải, chị kiểm tra xem có chắc là trăng đang ở vị trí thuận lợi không, rồi im lìm rón rén đi đến chỗ chân tường bên cửa sổ Fatma.
Một bên nách chị kẹp đôi cánh một con chim ưng non, hai đầu cánh nhúng đẫm máu kinh của một trinh nữ da đen. Chị vô cùng cẩn thận dùng cặp cánh vung vẩy trong không khí nhằm xua đuổi tà ma. Lủng lẳng nơi cổ chị là một hòn đá dẹt, hai màu của nó phác ra hình dáng một pháo đài. Ấy là để bảo vệ chị trước mọi kẻ thù. Trong một cái túi nhỏ bằng da có ghi những chữ thiêng, chị cất một hỗn hợp gồm ba loại cỏ mùi. Các thứ cỏ này chị dùng để làm dậy lên một bức màn khói dày đặc bao quanh những lời khấn khứa sao cho, một khi được thốt ra, các lời đó sẽ không bị gió cuốn đi mất mà lẫn vào khói, nhờ vậy chúng sẽ đồng nhất hơn, dễ thấy hơn.
Trong khi chị đọc những lời thần chú đầu tiên, làn gió nhẹ đầy muối xoáy cuộn nơi một góc tường, rồi lướt một quãng ngắn bằng tốc độ cao đến nỗi, khi thổi qua chị, nó làm ẩm mấy ngọn cỏ và giằng đi mất một trong hai chiếc cánh. Chị khiếp hãi siết chặt hòn đá có hình pháo đài trong bàn tay. Ảo tưởng tiêu tan, ngày hôm sau chị thừa nhận nỗ lực của mình đã thất bại, và, theo chị, chính vì thế chị đã làm lộ diện một lần nữa cái thực thể to lớn, hùng mạnh và tăm tối đang sống trong cơ thể Fatma.