IV. Thiêu đốt và bối rối
Fatma chờ đợi và sống trong những chuyển động xa xăm nàng có thể nhận ra: nàng sống trong chiều sâu nỗi chờ đợi kéo dài. Và dường như không ai biết sự vắng mặt nào khiến nàng đăm đăm nhìn những cánh buồm căng dong suốt lộ trình những con thuyền rời thành phố cảng Mogador lọt giữa tường vây. Một số người đi đến chỗ tin rằng chính Fatma cũng không biết chắc nàng đang đợi cái gì. Một cái gì mơ hồ nhưng không thiếu được chăng? Có lẽ, một cặp mắt nhìn nàng cũng bình thản như chính nàng nhìn, hay ai đó cũng sẵn lòng làm đối tượng cho nàng nhìn như buổi chiều ở nơi xa. Và luôn luôn có những người ngay khi nhìn thấy nàng là đã muốn thâm nhập vào gương mặt nàng để tìm những dấu hiệu khả dĩ phá vỡ sự im lặng của nàng: vài nét nào đó quanh mắt hay miệng nàng may ra để lộ cho họ biết nàng đang chuẩn bị nụ cười của nàng cho ai.
Một người chìm trong suy nghĩ, luôn ngời ngời tự tín mỗi khi rời ngôi trường dạy kinh Koran, bắt đầu đâm tò mò bởi ngày ngày đi qua nhà Fatma đều thấy nàng ngồi nơi cửa sổ nhìn ra biển theo cách đó. Chàng là một trang thanh niên đang học tập một cách đầy kiêu hãnh, cố sức xem việc phủ định những cảm nghiệm của chính mình là một đức hạnh cao quý, cũng như tìm thấy trong Sách Thiêng lời giải thích, bộ luật và kim chỉ nam cho cuộc đời. Thế nhưng, khi gặp Fatma, lòng chàng tràn ngập nỗi xao xuyến mà những câu kinh Koran trong tâm trí chàng không sao chế ngự nổi. Chàng bắt đầu nghĩ về nàng ngay cả lúc không thấy nàng. Nàng xâm nhập vào những giờ nghỉ ngơi của chàng, giờ đọc sách của chàng, và chẳng bao lâu sau cả giờ cầu nguyện của chàng nữa. Nhưng bất cứ lúc nào nàng để mắt tới chàng, nàng luôn nhìn chàng cũng với sự thờ ơ - không hẳn là khinh khỉnh - vốn làm những người khác bối rối. Và chàng bị nỗi hoang mang thiêu đốt mỗi khi gặp nàng, bởi chàng không có khả năng xác định bản chất sự thờ ơ: vốn là người Ảrập từ trong máu, chàng chỉ nhận diện được những sự phủ định không che đậy. Chàng mong mỏi tìm thấy trong hành vi của Fatma các dấu hiệu cho thấy cũng có thể nàng có thiện cảm với chàng, dù với giá nào đi nữa, và chàng ráo riết tìm khắp trong kinh Koran xem có cách nào giải mã chúng hay chăng.
Đột nhiên kinh Koran đâm ra không đủ cho nhu cầu của chàng, ấy là điều các thầy dạy chàng ắt hẳn sẽ cho rằng cũng hệ trọng như việc cố tìm thấy sự bất toàn ở Thượng đế. Thế nên chàng giữ kín trong lòng nỗi bất an ấy, và một sáng nọ chàng thức giấc trước giờ cầu nguyện đầu tiên, một mình vào thư viện, mở cái tủ niêm phong chứa những sách cấm. Chàng từng nghe nói tới bản chuyên luận của Ibn Hazm về tình yêu và những kẻ yêu nhau; khi sách đã cầm tay, chàng lật thẳng tới chương Những dấu hiệu của tình yêu thể hiện qua đôi mắt. “Đôi mắt thường đóng vai trò điệp sứ và do đó chuyển tải những gì người ta mong mỏi. Nếu bốn giác quan khác là cửa cái dẫn đến trái tim và cửa sổ mở tới tâm hồn, thì mắt, trong mọi giác quan, là giác quan tinh tế nhất và mang lại nhiều hiệu quả nhất. Cái nhìn cự tuyệt và lôi cuốn, hứa hẹn và đe dọa, khiển trách và khích lệ, sai khiến và cấm đoán, đánh đập người hầu, cảnh cáo bọn gián điệp, cười và khóc, hỏi và đáp, thừa nhận và phủ nhận. Mỗi tình huống nêu trên đều có cái nhìn đặc trưng riêng của nó...”
Nhà học giả xưa nay vẫn mải mê nghiên cứu Koran hối hả đọc hết những dòng đó, kích động vì nỗi ngạc nhiên khám phá những điều không hợp với kinh Koran, chỉ còn chú tâm đáp ứng nỗi tò mò háo hức của chàng. Chàng cảm thấy - đúng hơn là mong mỏi - rằng cuốn sách này hàm chứa chiếc chìa khóa giúp chàng hiểu những cái nhìn của Fatma phớt qua chàng. “Một dấu hiệu bằng khóe mắt thường hàm ý khước từ điều được yêu cầu.”
Nhưng nếu ta chưa hề yêu cầu gì nàng cả thì sao.
“Một cái nhìn uể oải là bằng chứng của sự ưng thuận.”
Chính là nàng nhìn như thế, nhưng không phải khi nàng nhìn về phía ta. Với ta ắt nàng dùng một dấu hiệu khác.
“Cái nhìn đăm đăm không dứt biểu lộ đau buồn. Liếc nhìn là dấu hiệu của niềm vui. Mắt khép hờ truyền đạt lời đe dọa. Lén lút ra hiệu bằng khóe mắt là hàm ý nài xin. Chuyển nhanh con ngươi từ giữa mắt đến khóe trong là biểu lộ sự bất khả. Chuyển cả hai con ngươi ra khỏi phần giữa mắt nghĩa là tuyệt đối cấm...” Đọc tới dòng này mà vẫn không tìm ra câu trả lời hay hơn, chàng lại phải đối mặt với kết luận của Ibn Hazm: “Mọi dấu hiệu khác của mắt đều không thể khắc họa, mô tả hay xác định, chỉ khi nào thấy thì mới hiểu.” Thế cũng chẳng khác nào để mặc cho nhà học giả Koran đầy khao khát ngồi giữa không trung mà không có ghế. Đột nhiên có người bảo chàng, kẻ xưa nay vẫn luôn thấy mọi thứ đều ghi trong cuốn Sách Thiêng, rằng phải tìm những cái mà không một nhà tiên tri nào từng giấu được dưới lớp áo không bao giờ sai lầm của họ. Chàng hiểu - hoặc cho rằng mình hiểu - rằng đây là lý do tại sao những sách loại này bị cấm.
Do nỗi tò mò dẫn dắt chàng sang hướng khác, và bởi không sao tìm thấy dấu hiệu thiện cảm rõ rệt nào trong đôi mắt Fatma, chàng thôi không nghĩ đến nàng. Nhưng chàng bắt đầu thường xuyên đùa bỡn với mấy quyển sách cấm. Cùng với thời gian, chàng sẽ thôi không còn là nhà học giả Koran suốt ngày trầm tư nữa. Chàng sẽ đâm ra thường xuyên có ý kiến trái ngược với các thầy, sẽ viết những cuốn sách mà rồi cũng bị người ta kết án. Về sau nữa chàng sẽ thành lập một tông phái dị giáo: Những kẻ tôn thờ cái nhìn thích thú ngự trên điều không được viết ra. Chàng sẽ làm thơ, và sẽ chết từ từ trên một quảng trường công cộng sau khi đã mất hết tín đồ, bị neo lên bằng chỉ một sợi dây thừng có khía vẫn thường thít vào cổ những kẻ dị giáo nào phủ nhận Lời Thiêng của Đấng Tiên tri.
Giá như nhà học giả Koran đầy tham vọng và kẻ dị giáo tương lai đó lưu tâm cẩn trọng hơn đến cái liếc nhìn vụng trộm của Fatma, hẳn chàng đã khám phá được đằng sau cái im lặng của nàng sự hùng biện bất kham của những cử chỉ nhỏ nhặt cùng những dấu hiệu tinh tế khác. Chàng hẳn đã có thể tạo ra bản danh mục đầy chất thơ về những dấu hiệu của dục vọng, như Ibn Hazm đã làm với các dấu hiệu của tình yêu. Bởi, trong những khoảnh khắc đó, câu chuyện về Fatma tự nó như một tấm thảm dệt bằng những sợi chỉ mỏng tang của nhiều tưởng tượng khác nhau, tất cả đều sục sôi dục vọng, trong số đó trước hết và quan trọng nhất dĩ nhiên là tưởng tượng của chính nàng.
Đọc những sách cấm đó, nhà sáng lập giáo phái Những kẻ tôn thờ tương lai sẽ khám phá một truyền thống bắt rễ sâu xa trong văn chương Ảrập-Andalusia, truyền thống adab, một diễn ngôn vừa tự sự vừa thơ, phần lớn thường dựa trên trải nghiệm cá nhân của tác giả. Bằng cách tự phơi bày ra trước chàng, truyền thống đó dường như khẩn cầu chàng hãy viết câu chuyện về Fatma và dục vọng của nàng, để trình ra cho mọi người thấy cái hình dáng kỷ hà tinh tế, cái công trình kiến trúc mà những dục vọng đó xây nên trong những góc bí ẩn của trí tưởng tượng ở một số người. Nhưng chính lũ quỷ của thiên hướng chàng đã dẫn ngay chàng đi theo những con đường khác.
Fatma lại đang ngồi nơi cửa sổ phòng nàng mà kéo căng đường chân trời trong khi nhà học giả Koran tạm-thời-chưa-bị-kết-tội, bị đôi mắt nàng lôi cuốn, đang bí mật phá khóa hòm sách cấm. Nàng không bao giờ có thể hình dung sự chăm chắm của cái nhìn nàng có thể dẫn dắt một số người đến tận đâu, song chắc chắn là nàng cảm thấy cả một trận mưa câu hỏi thường xuyên đổ lên vai nàng. Và có lẽ cái nàng khao khát chẳng gì hơn là một con đường băng qua biển, con đường sẽ cho nàng thoát khỏi cảnh giam cầm giữa bao nhiêu cặp lông mày nhíu cứ khăng khăng đòi biết nàng đợi cái gì.
Quanh cửa sổ nàng, những nét dài màu đất son làm dịu cái chói chang của tường quét vôi trắng, như thể là mưa, bị mặt trời cầm giữ trên tường, đã để lại dấu vết tiếng kêu than của nó ở đó, những vết cào mạ vàng của nó. Những ai đi qua dưới cửa sổ Fatma mà thấy nàng giữa những vết ố nhỏ giọt đóng khung gương mặt nàng thì đều thấy những nét đó minh họa cho những cảm xúc mỏi mòn nhất của nàng. Bởi, không chỉ nơi khuôn mặt nàng mà cả nơi những vật xung quanh nàng người ta cần phải tìm cho ra con vật câm lặng của nỗi buồn đang gặm nhấm và chiếm lĩnh nàng ra sao.