Sòng Bạc

CHƯƠNG 5

Adriano Letta chờ tôi ở phi trường tại Sana. Ngay sau khi chúng tôi vừa đi ra ngoài tầm nghe của những cái tai hay thóc mách, thì những lời nói đầu tiên của anh ta là:

— Họ đã tiếp xúc rồi, ông Cimballi.

Chỉ mới chưa đầy bốn mươi tiếng đồng hồ trước đây thôi. Trong bức thơ gởi cho Al Chaafi, kèm theo với sáu trăm lít kem mứt, tôi có ghi rõ tên của Adriano và địa chỉ của anh ta ở khách sạn Sana gần cửa Babel, Yémen. Chúng tôi nghĩ rằng sự việc chắc sẽ phải kéo dài một chút. Việc thả dù xuống cái làng pháo đài ấy là vào ngày 7 tháng 7, chúng tôi cho rằng ít ra cũng phải chờ từ tám đến mười ngày mới có thể ghi nhận được một phản ứng nào đó. Thế mà chỉ mới có năm ngày thì đã...

— Hôm ấy tôi đang ra ngoài phố, tôi vừa ở trong khách sạn đi ra. Chúng có ba người, tất cả đều võ trang. Chúng vây quanh tôi, và không nói một lờí nào đẩy tôi dần dần vào trong một ngôi nhà. Chúng nói: “Cimballi, người ta muốn nói chuyện với hắn kia “.

Cuối cùng Adriano phải hẹn một cuộc gặp gỡ cho tôi. Nhưng anh ta nói là rất lo ngại. Anh ta đã thuê một số bảo vệ...

— Nguy hiểm, ông Cimballi ạ. Thực sự nguy hiểm. Chúng không muốn hẹn gặp trong thành phố. Mà nếu đi ra khỏi Sana, thì mọi sự đều có thể xảy đến cho ông.

— Thế nghĩa là hẹn gặp ở ngoài thành phố à?

Lại còn gay go hơn thế nữa kia: Tôi phải gặp những người đến thương thuyết ở Marib Fata.

— Chưa nghe nói đến cái tên này bao giờ.

Adriano giải thích cho tôi:

— Đó là đất nước của Nữ Hoàng Saba.

***

Một phong cảnh ở mặt trăng, một vùng đồng bằng mầu nâu già, nứt nẻ, xói rãnh, đây đó cắm một ngọn núi tí hon, trông mênh mông đến tận chân trời, chỉ thấy những tảng đá cũng mầu nâu hay mầu đen, tưởng như vừa bắn ra một vụ nổ nào, ánh nắng chiều làm cho nổi bật lên và như đang sống dậy. Bây giờ, khi mà các động cơ đã câm tiếng, sự im lặng càng đè nặng nề đến ngộp thở, và làm hai tai tôi ù lên.

Marib Fata, một thành phố ma, đất nước của Nữ Hoàng Saba đang ở trước mặt tôi, cách khoảng bảy, tám trăm mét với những ngôi nhà hình chữ nhật trên những mỏm đồi đen nối tiếp nhau. Có những nhà có lẽ ở cao đến hơn năm mươi thước, Tôi nhìn rõ thấy mạng lưới những viên gạch đất sét, những cửa sổ lỗ châu mai, khung cửa viền trắng theo kiểu địa phương.

— Đến giờ rồi đấy. Xin chúc ông may mắn!

Tại sao anh ta cần phải thì thầm như vậy nhỉ? Anh ta làm tôi rợn tóc gáy lên. Tôi đi bộ vài bước để tới cái nhà nhỏ, và mỗi bước đi lại làm tăng thêm trong tôi sự chắc chắn là tôi đã xử sự như một con lừa. Nhất là ở trước mặt tôi, trong cái thành phố hoang vắng, không thấy có gì động đậy, không thấy có xảy ra cái gì, không nghe một tiếng động nào. Trong trường hợp tốt nhất là người ta chỉ định đánh lừa tôi và không đến nơi hẹn mà thôi... Đây, bây giờ, tôi đã đến căn nhà đó rồi. Tôi đi quanh nhà một cách không phải không ngần ngại, và lúc nào cũng chờ đợi để nghe tiếng rít lên của cây mã tấu chặt đầu tôi. Tôi ghé mắt nhìn vào trong nhà: Hôi rình mùi dê đực. Nhưng ngoài ra, nhà rỗng không như một cái đầu trọc vậy.

Ngay trong giây phút tôi từ trong nhà bước ra ngoài, thì tiếng động vang đến. Không còn nghi ngờ gì nữa: “Người ta" đến. Và đến từ thành phố của Nữ hoàng Saba.

Ba chiếc môtô: Chiếc thứ nhất là một loại hay thấy ở Florida có tay lái, trông hết sức quấy. Lái chiếc xe này là một người trẻ vào cỡ tuổi tôi, tóc tai lởm chởm, cả cái mặt gần như bị ăn hết bởi một cặp kính đen bự hết cỡ có gọng mầu hồng. Anh ta mặc một cái quần lụa vàng, một cái blouson bằng da đen có hình một con ó ở lưng và những băng bằng lông tổng hợp mầu xanh cổ vịt rực rỡ ở chân, những đôi dép bằng da nâu. Ở ghế sau, ngồi vắt vẻo một người mà tôi đoán là bồ của anh ta, có điều là không nhìn thấy gì nhiều ở cô ta: Ngoài một cái áo khoác bằng nhung đen che kín cổ xuống đến chân, cô còn đeo một cái mạng mầu hồng chỉ cho thấy thấp thoáng một đôi mắt bôi phấn quá quắt.

Chiếc môtô dừng lại cách tôi hai thước. Gã con trai cười:

— Người ta đến đúng giờ đấy chứ, phải không?

— Anh không phải là Al Chaafi.

— Con ông ta.

Tôi nhìn những người lái hai chiếc môtô kia. Họ cũng không nhiều tuổi hơn là người đối thoại với tôi. Cả hai đều được võ trang bằng các súng tự động Tầu và Liên Xô, nhưng đeo ở lưng một cách vô tâm. Tuy vậy có một cái gì đó cho tôi thấy rằng không cần phải mất nhiều thời gian lắm để họ biến được ngay thành những tay thiện xạ cừ khôi.

— Hassan Fezzali đâu?

Một cử chỉ mơ hồ.

— Đức Allah biết.

Gã trẻ tuổì này muốn chọc quê tôi đây. Tôi nói:

— Trước tất cả mọi chuyện, tôi muốn có bằng chứng là ông ta còn sống.

Bàn tay đeo găng da thọc vào túi áo blouson rút ra những tấm ảnh mầu Polaroid. Tôi cầm xem và phải khó khăn lắm mới kìm được không cười: Trong ảnh thấy rõ Hassan đang ngốn món kem mứt của tôi.

— Các anh được thuê bao nhiêu tiền để canh giữ ông ta.

Lưỡng lự một chút.

— Năm nghìn rial.

— Mỗi tháng?

— Phải.

Nghĩa là hơn năm mươi ngàn francs Pháp một chút. Với một dolars ăn bốn, năm mươi thì là mười một ngàn dolars. Hoàng thân Aziz phải đóng mỗi tháng hai trăm ngàn đô.

— Những người giao cho các anh canh giữ Fezzali đã bóc lột các anh đấy. Họ được lĩnh tiền gấp ba lần hơn các anh kia mà.

Tôi cố ý rút bớt những con số đi. Trước hết là để xác định cái mức độ chính xác của sự liên hệ giữa bọn bẳt cóc Hassan và bọn canh giữ anh ta, sau nữa là để lúc trả giá khỏi bị nâng lên một cách vô ích. Sự lập luận của tôi rất đơn giản: Nếu gã con trai này không biết chính xác số tiền chuộc thì có nghĩa là giả thuyết xuất phát của tôi là đúng: Al Chaafi và dân làng của hắn chỉ đóng những vai trò phụ thôi. Và tôi có thể thương thuyết dễ dàng hơn.

Gã con trai chau mày và chỉ nói:

— Ba lần hơn à?

— Ba lần. Chúng ăn cắp của các anh đấy. Thế mà chính các anh lại phải lãnh tất cả mọi nguy hiểm. Nhất là bây giờ chúng tôi đã biết Fezzali bị giam giữ ở đâu và ai giam giữ.

— Làm sao anh biết được?

— Tôi đi hỏi một cô thầy bói.

Gã ngồi xe môtô nói:

— Mười triệu dolars.

Tôi cười gằn. Sau đó là một tiếng rưỡi đồng hồ tranh cãi làm cho tôi được biết thêm là bố Al Chaafi đã chết từ ba năm nay rồi. Như vậy có nghĩa là những nguồn tin của Laurence II đã hơi “quá đát” mất rồi.

— Tôi trả cho anh một năm tiền trọ của ông Hassan, thế thôi, không hơn không kém.

— Năm triệu.

— Ông Hassan Fezzali không còn trẻ trung gì nữa. Việc giam giữ ông ta lâu ngày như thế...

— Ông ta rất khỏe

— Nếu không kể đến những ngón tay mà các người đã cắt mất của ông ta.

— Không phải tôi cắt, mà là cậu tôi. Và ông cậu ấy cũng đã chết cách nay bảy, tám tháng rồi. Ba triệu.

— Ông Fezzali đã già lại bệnh nữa. Nếu ông chết, thì các anh chẳng được gì hết. Ngoài cái việc là quân đội Saudi sẽ đến đây để chặt các anh ra thành từng lát mỏng.

— Năm trăm ngàn.

Cuối cùng chúng tôi đi đến chỗ thỏa thuận là bốn trăm năm mươi ngàn dolars, bằng tiền mặt. Tôi tưởng cuộc trả giá thế là đã xong...

— Chưa phải là tất cả, ông Cimbaili.

Và anh ta giáng xuống đầu tôi điều kiện cuối cùng. Tôi nhìn anh ta kinh ngạc: Cái thằng cha này có ăn nói đứng đắn hay không đây?

— Tùy ông ưng hay không ưng! Tiền là của tôi. Còn cái kia là cho dân làng. Nếu không thế thì không bao giờ họ chịu thả ông bạn của ông ra đâu.

Tôi nói đồng ý. Chúng tôi bắt tay nhau. Hắn và các bạn của hắn lên xe. Họ biến vào trong nơi ở cũ của Nữ hoàng Saba. Tôi trở về với Adriano Letta. Trông cái vẻ mặt lo lắng của anh ta, tôi không sao nhịn được, phải cười lăn cười bò ra.

— Một cái gì kia? - Marc Lavater hỏi tôi.

— Một nhà máy làm kem mứt. Đó là điều kiện Sine quanon (tiên quyết). Mà họ muốn là làm ngay trong làng họ và chỉ để sử dụng riêng cho họ thôi. Họ rất mê cái món kem mứt ấy của tôi. Trừ những hạt điều. Họ không thích hạt điều. Họ thích hạt hạnh nhân kia.

***

Chúng tôi không để chậm trễ một giây đồng hồ nào. Từ Sana, Adriano đã lao thẳng về Milan để đi săn lùng. Vào cuối buổi sáng ngày 16 tháng bẩy anh gọi điện, cho tôi. Xong rồi, anh ta đã tìm thấy những trang thiết bị cần thiết, kế cả một cái máy phát điện chạy bằng dầu lửa nữa cũng cần không kém. Một chiếc máy bay vận tải ngay chiều hôm đó sẽ chở tất cả sang Yémen.

Trong suốt ngày 19, chiếc máy bay lên thẳng mà tôi bắt buộc phải thuê đã bay đi bay lại không ngừng. Đến giữa buổi chiều cùng ngày, thì “nhà máy“ - thực ra tất cả thiết bị chỉ nằm gọn trong một gian phòng - được lắp đặt xong. Hai tiếng đồng hồ sau, thì những chiếc kem mứt đầu tiên được xuất xưởng. Adriano và người thợ lắp máy tức khắc rút lui ngay và báo tin cho tôi biết bằng radio. Chính tôi cũng đang ở cách đó năm mươi cây số về phía đông bắc Sana, cùng với đội quân bảo vệ của tôi, người nào người nấy phịa ra vì nhai lá “qat”. Họ đến bằng xe tải. Riêng phần tôi, tôi dùng thêm một chiếc máy bay lên thẳng thứ hai nữa, trên đó tôi để số tiền bốn trăm năm mươi ngàn dolars để Marc và Người Anglais canh giữ.

Hai mươi phút sau, ba chiếc môtô xuất hiện ở phía chân trời. Và lần này, ở đệm sau của chiếc môtô đi đầu, không phải là một phụ nữ Yémen nữa, mà là Hassan Fezzali.

Thế là được rồi.

Và những lời đầu tiên của anh bạn Bédouim của lòng tôi, mặc dù lúc đó đã quá mệt mỏi là:

— Mình không ngạc nhiên gì điều đó ở cậu. Cậu đã nhầm phố ở Milan, cái nhà làm kem mứt ngon nhất ở khu Crescenzago kia!

***

Ở Le Caire, vào ngày 20, chúng tôi nhảy từ một máy bay này sang máy bay khác. Chúng tôi lao về Luân Đôn để đi tiếp đến Jersey. Tôi đã cho giữ hai dãy buồng ở khách sạn Longueville Manor.

— Tại sao lại đi Jersey?

Hassan hỏi thế, nhưng thực ra anh ta phải chịu để kéo đi vì không còn đủ sức để cự nự được nữa. Hỏi thế rồi ngủ luôn. Không còn cố gắng được nữa. Anh ta gầy rộc đi kinh khủng, và chẳng còn chịu đựng được bao lâu nữa. Những bác sĩ, theo yêu cầu của tôi, đã thăm khám cho anh ta ngay tại sân bay Heathrow ở Luân Đôn, nói cho tôi yên tâm rằng anh ta cần nhất là được nghỉ ngơi. Trong điều kiện ấy thì tại sao lại không đi Jersey. Với lại, tôi chưa báo tin cho Aziz biết. Để chính Hassan sẽ làm việc ấy. Tôi nghĩ rằng thế nào cũng có một vài món nợ nghiêm trọng phải thanh toán ở Riad hay ở đâu đó, và tôi không muốn dính líu một tí nào vào đấy. Một lần nữa, việc quyết định phải xử sự thế nào là thuộc về chính bản thân Fezzali phải định đoạt sau khi anh ta đã phục hồi sức khỏe.

Còn tôi, tôi không chậm trễ được. Tôi không còn thì giờ nữa. Sự chọn lựa cái khách sạn ở Atlantic City vừa hết hạn vào ngày 21 tháng 7. Và cũng đúng trong ngày 21 tháng 7 vào 9 giờ 15 phút sáng, giờ địa phương, tôi hạ cánh xuống New York. Khá mệt, nhưng nói chung tự thấy rất bằng lòng mình. Sarah muốn tôi ra khỏi giấc ngủ li bì ở Jamaique phải không. Thì đó, ra rồi đấy. Thêm nữa, ngoài sự thành thật vui thích đã giúp đỡ được một người bạn già, từ nay tôi còn có thêm cái khả năng là thu hồi lại được số tiền mười triệu của tôi bị chết cứng ở Vaduz từ mười tám tháng hay về những phí tổn khá bộn của tôi trong mấy tuần lễ nay, tôi không phải lo. Hassan sẽ hoàn lại cho tôi. Anh ta có khả năng, và nếu cần, thì đã có Aziz can thiệp vào.

Một việc đã kết thúc, một việc khác bắt đầu. Mà nếu vào đúng giai đoạn lịch sử này, có ai hỏi tôi giữa hai việc ấy có thể có mối liên hệ nào không, thì chắc chắn tôi sẽ trả lời rằng: “Không có“.