— Ông định làm cái việc ấy thật à?
— Tôi cũng cần phải cho Hassan biết rằng tôi đã nhận được bức thông điệp của ông ta, tôi đã hiểu ông ta muốn nói gì, và tôi đang lo công việc của ông ấy chứ.
Người Anglais trở lại phớt tỉnh như cũ, chỉ nói gọn thon lỏn:
— Miễn bình luận.
Rồi anh ta đưa nhà chuyên gia về Yémen và chỉ riêng một mình ông ta cũng đáng để làm một cuộc du lịch sang cái xứ ấy rồi. Bản thân tôi không phải là một người khổng lồ về vóc dáng, và để nhìn vào tận mắt nhiều những người đối thoại với tôi, tôi đã phải ngả đầu ra đằng sau. Thế mà, lần này, lại trái ngược hẳn lại. Gã đàn ông mà Người Anglais mới đưa vào, chỉ cao nhiều lắm là khoảng một thước năm mươi, và anh ta to rộng bằng chiều cao, đầu đội một cái mũ Cologne kiểu Kitchener. Và anh ta nhìn tôi bằng con mắt đầy căm thù. Tôi phát hiện rất nhanh rằng anh ta nhìn cả thế giới này cũng bằng con mắt căm thù ấy, vì lý do là anh ta căm thù cả thế giới này, không trừ một cái gì. Những điều tôi biết về anh ta có thể tóm tắt trong vài câu: Anh ta nguyên là một hạ sĩ trong quân đội Anh, đã đóng quân ở Aden và các vùng chung quanh vào cái thời còn mồ ma Đế Quốc Anh, đã mê say đến điên cuồng cái xứ Yémen này, đã ở lại đó sau khi quân đội của Đức Hoàng Đế rút đi, và đã định mưu đồ thống nhất hai xứ Yémen lại. Không có kết quả gì. Cuối cùng người ta đã phải trục xuất gã ra ngoài. Tóm lại, đó là một thứ Laurence của xứ Ả Rập, nhưng không gặp thời.
Gã nói với tôi một cách căm thù:
— Thế ông tưởng có thể dễ dàng chiếm lại một tù nhân của Al Chaafi à? Ông tưởng thế thật à?
Tôi kinh ngạc:
— Cái tay Al quái quỷ nào đó mà tôi chưa hề bao giờ nghe nói đến?
Gã cười gằn khinh bỉ:
— Al Chaafi chắc chắn là người đang giam giữ Hassan Fezzali trong lâu đài của hắn.
— Chỉ có thể là nó thôi, cái đồ rác rưởi ấy. Cái làng của cái tên Youssouf của các ông, chính là do Al Chaafi cai trị đấy.
Gã nhổ toẹt xuống cái thảm len của khách sạn Hilton, nhưng cũng sẵn lòng giải thích cho tôi hiểu rằng cái tên Al Chaafi ấy là một thứ cường hào địa phương, ngự trị như một ông vua nhỏ trong một cái làng đã được biến thành pháo đài ở giữa vùng núi non của xứ Yémen, trên bờ sa mạc Rub Al Khali, là một sa mạc hoàn toàn kinh khủng. Và hắn sẵn sàng làm tất cả mọi việc vì tiền.
Tôi với Người Anglais đưa mắt nhìn nhau: Thế là những điều ngờ vực của tôi đã được xác minh. Người ta không phải bắt cóc Fezzali chỉ là để lấy tiền chuộc thôi. Có một kẻ nào đó trong giới thân cận với Aziz đã nhúng tay vào việc này. Có thể là vì ghen tức, mà cũng có thể là do sự xúi giục của một tên Martin Yahl. Tóm lại tôi đã làm đúng khi không cho Aziz biết một tý gì về những hành động của tôi bây giờ và sau này.
***
Chúng tôi cất cánh từ Dgibouti vào lúc tám giờ sáng ngày 7 tháng bẩy. Chúng tôi, nghĩa là Adriano Letta, thêm Người Anglais, thêm Laurence II, thêm một chuyên gia về thả dù, và thêm tôi. Ngồi cầm lái, là người phi công yêu mến của tôi, anh Flint - đã từ Florida đặc biệt sang đây. Phi cơ là một chiếc DC.3 thuê ở Addis Abbeba, một cách không phải không chật vật.
Sáu chiếc Container có trang bị dù được xếp ở gần cửa là nơi chúng tôi sẽ thẩy chúng xuống. Mỗi cái, cả vỏ lẫn thức đựng ở trong phải nặng ít nhất là từ một trăm năm mươi đến một trăm tám mươi ký. Nếu nói đây là một ý kiến điên rồ, thì đúng là một ý kiến điên rồ thật. Tại sao tôi lại ở đây để chơi cái trò mạo hiểm tuồng chèo này, trong khi lẽ ra bây giờ tôi đang phải ở Paris, New York, Saint Tropez hay Atlantic City để xem xét một cái khách sạn cổ đã làm tôi mất hai trăm năm mươi ngàn dolars. Hay tốt hơn nữa là lẽ ra đang phải ở Jamaique với con trai tôi và Sarah?
— Đến gần rồi đó.
Chúng tôi bay qua Taix và những cao nguyên với những thửa ruộng xếp như bàn cờ. Ở đây đúng là xứ Ả Rập Hạnh Phúc của những Cố Nhân, nhưng mầu sắc nổi bật bây giờ là mầu nâu già của một giải đất, cứ mỗi thế kỷ qua đi, thì lại khô cằn hơn. Flint nghiêng cánh chiếc DC.3 về phía trái, thế là dưới mắt chúng tôi lại hiện ra một vùng núi non thực sự, khô trụi một cách kinh khủng. Đây đó, đội lên những mỏm núi dựng đứng lại hiện ra một cái làng pháo đài, mà những dốc đi lên được bao quanh bởi những thửa ruộng hình chữ nhật bé tý hon. Chỉ thấy lác đác một vài đàn dê. Không có đường sá gì cả. Đúng là thời Trung Cổ, như lời của Laurence II đã nói.
Bây giờ chúng tôi bay theo hướng Bắc - Đông Bắc. Phong cảnh lại càng hoang vu hơn, khô cằn đến mức con người không còn có thể tưởng tượng được nữa. Biên giới với Nam Yémen cũng không xa, trong khi ở bên phải và trước mắt chúng tôi bắt đầu ngả dài sa mạc khủng khiếp Rub Al Khali, một trong những sa mạc, sa mạc nhất trên thế giới.
— Nó đây kìa!
Laurence II ngả người về phía trước, run lên vì kích động, và có lẽ cũng vì những cảm xúc nhớ nhung nữa. Nếu tin vào tiểu sử của gã thì gã đã sống ba mươi năm của cuộc đời gã trong cái xứ man rợ này. Gã chỉ cho thấy một cái làng pháo đài ở cao ngất nghểu trên núi.
Flint cho hạ thấp độ cao. Vị chuyên gia về thả dù mở cửa máy bay và hét lên:
— Nào, làm đi.
Flint lại lên cao. Hai phút sau, chiếc dù trắng của Container thứ nhất xòe rộng ra trên bầu trời Yémen. Nó được theo sau rất nhanh bởi năm chiếc khác. Chúng tôi không phải nhấc các Container lên, chỉ việc đẩy chúng qua cửa máy bay thôi.
— Chuồn thôi.
Ở bên dưới, sáu chiếc Container đã tới đất. Tôi có thể nhìn thấy những người đàn ông đang tiến lại gần một cách thận trọng. Rồi đây họ sẽ mở chúng ra. Lúc đó họ sẽ thấy trong đó chẳng những yêu cầu thương lượng của tôi mà cả sáu trăm lít kem sữa. Không phải bất cứ thứ kem ba vạ nào đâu nhé: Kem mứt, có trộn vani hạt điều, hạt thông, các trái cây ướp khô cùng những cái kẹo rất xinh xẻo bằng sôcôla. Thứ kem mứt ưa thích của Hassan Fezzali. Tôi còn quá cẩn thận đến mức là đặt làm đặc biệt ở cái hãng kem tại Milan mà Hassan có một lần bảo tôi rằng ông ta coi nó như khá nhất trên thế giới.
Bây giờ chỉ còn có chờ đợi nữa thôi.
***
Tôi để Adriano Letta ở lại Sana để chờ một lời phúc đáp nếu có của Al Chaafi đối với yêu cầu thương lượng của tôi. Còn tôi, tôi về thẳng Paris, không qua cả điểm xuất phát của bàn cờ, nghĩa là Le Caire. Tôi đến sân bay Roissy vào sáng ngày 9 tháng 7. Khi được biết về cái vụ lêu lổng mới này của tôi, Marc Lavater giơ cả hai tay lên trời:
— Trước hết là một cái sòng bạc, và bây giờ là kem mứt ở Yémen. Franz, có lẽ cậu phải đi cho một bác sĩ tâm thần khám bệnh thôi.
Chính trong bữa ăn này, trong khi tôi ngốn những tảng thịt còn đỏ lòm (thời gian ở xứ Ả Rập vừa qua đã làm tôi thiếu ăn) thì Marc nói với tôi về Jersey và về những hòn đảo của Anh và Normandie nói chung. Anh ta đã đi nghỉ cuối tuần ở đó, và phong cảnh đã làm anh ta say mê. Vào lúc này thì chuyện ấy làm tôi quan tâm cũng bằng một vụ bệnh dịch, mụn nhọt ở xứ Sénégan, nhưng rồi nghe Lavater nói lải nhải mãi, và cũng để làm vui lòng anh ta, tôi bỗng thốt ra không kìm lại được:
— Ờ thì tại sao không?
Marc nhướn lông mày lên.
— Tại sao không cái gì kia?
— Nếu tôi mua một sòng bạc, một đống sòng bạc, một cái khách sạn, một đống khách sạn, rồi cho chúng lấy nhau và chúng sẽ đẻ ra những đống to lớn nữa các sòng bạc, khách sạn, thì tôi phải cần đến một cái hội để quản lý tất cả. Thì tại sao lại không phải là ở trên những hòn đảo Anh - Normandie?
Đứng về mặt chiến lược, thì địa điểm ấy là hoàn hảo. Và nếu Marc không lầm, mà anh ta không bao giờ lầm trong những lĩnh vực như vậy, nếu cắm được một cái hội ở đó, thì sẽ lợi không biết thế nào mà nói được, về mặt thuế má chẳng hạn. Ở Jersey, thuế lợi tức tối đa chỉ có hai mươi phần trăm một bảng Anh. Chỉ riêng điều đó đã làm phải nghĩ ngợi. Nhưng còn hơn thế nữa kia. Trong số các hòn đảo ở đó, có một hòn được hưởng một chế độ thực sự đặc biệt. Đảo Sark. Nếu anh ở đó, anh được chọn lựa giữa hai dạng thuế: Một là nộp mười phần trăm thu hoạch nếu anh là nhà nông, và hai là, nếu anh không phải là chủ nông, thì mỗi năm đóng góp hai ngày lao động vào những việc làm thích thú như sửa đường chẳng hạn. Và nếu anh không thích bị bận rộn, thì anh lại có thể khước từ cả cái việc làm có vẻ ấy bằng cách nộp ba mươi Shillings, nghĩa là vào khoảng 15 đồng francs Pháp.
— Thế người ta đi đến đó bằng gì, đến Jersey ấy?
Cũng như mọi người thôi, bằng máy bay. Và Marc Lavater đã có lý ít ra là trên một điểm: Thật tuyệt đẹp. Phong cảnh rất nhiều mầu sắc, lại yên tĩnh, lại đầy những khách sạn nhỏ rất ưa nhìn, và những quán rượu Anh tuyệt vời. Chúng tôi về nghỉ ở khách sạn Longueville Mano ở Saint Saviour. Sau khi để thời gian chén một bữa xả láng tôm hùm, một chiếc máy bay nhỏ, trong mười lăm phút đã đưa chúng tôi đến đảo Sark.
Một tiếng sét ái tình. Bởi vì làm sao mà không cảm thấy thế được khi đứng trước, cái ngôi vườn thực sự đặt trên bề mặt này. Ở đó không có một chiếc xe nào đi lại (trừ một vài máy kéo), không có tội phạm bởi vì khoảng năm trăm người dân ở đây cứ thay nhau lần lượt làm cảnh sát, và chỉ có một sự cấm đoán đối với những con chó cái, bởi vì cách đây hơn hai trăm năm mươi năm, một con chó cái đã cắn vào tay của một cô cháu gái cưng của vị Chúa Đảo.
Tôi đã được gặp ông ta, vị Chúa Đảo hiện nay. Nếu nói rằng ông ta nghe tôi nói, thì ông có nghe thật. Thực ra, trong suốt chuyến đi từ Paris đến Jersey, tôi đã có thêm nhiều ý kiến. Tại sao lại không khai thác cho hết mọi khả năng của đảo Sark, về mặt pháp lý?
Quy chế đặc biệt ở đây, cũng như ở tất cả các đảo Anh - Normandie, là do một sự quên sót sinh ra: Trong bản hiệp ước năm 1958 thừa nhận việc các vị vua Anh phải từ bỏ mọi quyền lợi đối với vùng đất công Normandie của Guillaume Nhà Chinh Phục. Do sai lầm, Jersey và Guernesey đã bị bỏ sót không được kể đến. Kết quả là từ thời Trung Cổ đến nay: Các đảo này không thuộc nước Anh nữa, không có đại diện trong Quốc Hội ở Luân Đôn, tự cai trị lấy bởi các pháp quan, và đối với Sark, bởi một vị Chúa Đảo. Bộ dân luật ở đây được sản sinh ra từ những phong tục tập quán của xứ Normandie cũ, có thay đổi chút ít bởi luật pháp Anh: Không có quyền thừa kế, không có thuế phụ thu không có hải quan. Như thế đem lại biết bao nhiêu là khả năng, phải không nào? Người ta có thể thành lập ở đây hoặc là một ngân hàng, hoặc một vùng miễn thuế, hay là cả hai.
Vị Chúa Đảo vẫn nghe tôi nói với một thái độ cực kỳ lịch sự. Chúng tôi đang cùng nhau đi bộ quanh đảo, từ bến cảng nhỏ Maseline đến ngôi làng.
— Muốn thành lập một vùng miễn thuế thì phải cần những gì? Một văn phòng đơn giản là đủ rồi để giữ một cuốn sổ thôi. Người ta sẽ đăng ký các tầu bè, như ở Panama vậy.
— Cho thuê cờ phải không?
— Đúng thế. Và cũng không có gì ngăn cản mỗi người dân của Ngài có thể đứng đầu một trăm hay hai trăm hội. Như vậy mỗi tuần lễ họ chỉ phải bận rộn mất khoảng mười lăm phút đồng hồ thôi.
— Thế có lương thiện không, cái việc làm ấy?
— Tất nhiên rồi, - tôi nói - Và khách hàng sẽ không thiếu đâu, đến mức rồi có thể sẽ rất nhanh chóng giải quyết hết mọi vấn đề về tài chính mà đảo có thể có. Nếu đảo có những vấn đề đó.
— Ai mà không có những vấn đề ấy. Và rồi ông sẽ lo việc tìm kiếm hàng nghìn những ông khách hàng ấy chứ?
Chắc chắn là như thế. Bằng cách mở những văn phòng giao dịch ở Genève, Hong Kong, Oulan Bator hoặc ở bất cứ đâu. Với một số hoa hồng vừa phải, dĩ nhiên rồi. Người ta cũng có thể cho phép thành lập những hội vô danh theo cái kiểu Panama, Curacao hay Lichtenstein. Về mặt pháp lý là có thể được. Vị Chúa Đảo có cái quyền ấy. Và người ta còn có thể mở một vùng miễn thuế, tổ chức còn tốt hơn vùng ở Jersey nữa...
... Tôi nói, nếu tôi không thuyết phục được một vị Chúa Đảo lịch sự một cách rất điềm tĩnh thì ít ra trong vài tiếng đồng hồ, tôi cũng đã quên đi được những lo lắng riêng của tôi. Cứ đi bộ mãi với người đối thoại với tôi, rồi chúng tôi lại trở về điểm xuất phát là dinh thự của vị Chúa Đảo, một tu viện cổ của thế kỷ thứ VI được bảo trì rất tốt. Khi chúng tôi về đến nhà, thì Marc vừa ở trong đó đi ra. Anh đã điện về cho văn phòng ở Paris những chỉ thị cần thiết và cho biết địa chỉ của chúng tôi hiện nay. Một việc làm không vô ích.
— Franz, có điện gọi cậu từ Yémen. Adriano yêu cầu cậu đến gấp.
Hết giờ nghỉ. Tôi đi ngay tức khắc.